Ðường từ nhà huyện hàm Tú Phan vào chợ Bạc Liêu dài chừng 1000 thước. Hai bên lề trồng cây hàng thẳng băng, nhành giao du, gốc trồi trọc, trên lá ngữa ngang trời, dưới cỏ mọc che kín đất. Trong lòng đường đổ đá trải kín cát, rồi cán đằng trang (20).
Ðêm đã khuya nên trên đường không còn ai đi nữa, trăng thiệt tỏ mà mấy nhà ở dọc theo đường lại kín cửa ngủ hết. Duy Linh ra khỏi cửa ngõ nhà ông Huyện Hàm rồi, thủng thẳn khoan bước về nhà. Ði vài chục bước ngó ngoái lại một lần, thấy vách tường trắng toát, nóc lầu hồng hồng, trước cửa lầu ngọn đèn sáng trưng. Sau nhà bếp dạng người còn náo nức. Bóng trăng vì nhành áng nên chỗ mờ chỗ tỏ, cây cỏ bị gió đằng lên ngọn lắc qua lắc lại. Giọng ngâm nga nghe tiếng dế khóc, bên chân bay sập sận (21) thấy cánh chim quơ trước mặt. Ðêm thanh, cảnh tĩnh dầu người dũng phu tục tử cũng phải suy nghĩ bâng khuâng huống chi Duy Linh là người học hỏi tuy tầm thường, tuổi tác tuy xung ấu (22) song chút đỉnh đã nếm mùi trần cay đắng ít nhiều, đã thấy thế đạo gay go, nay gặp cảnh thanh tịnh như vầy, không thể nào không cảm xúc được. Anh ta đi được một khúc xa rồi lấy nón cặp nách và móc thuốc ra đốt hút, tay chắp sau lưng, mắt ngó xuống đất bộ coi suy nghĩ lắm. Suy việc chi? Nghĩ việc gì? Dầu không nói ra người ta cũng biết rồi.
Ông thân của Duy Linh là Hương Chánh Hiển vốn là người đồng hương và là bạn thân thiết của ông Huyện Tú Phan. Ông Tú Phan gặp cảnh gia đình biến loạn, thất chí ngã lòng rồi đi theo ông Chánh Hiển xuống dưới Cái Cùng, anh em nương đở nhau làm ăn, nhà ở gần nhau. Hương Chánh Hiển sanh Duy Linh được vài ba năm kế Tú Phan sanh Phi Phụng. Lúc Duy Linh với Phi Phụng còn thơ ấu thì chơi với nhau, ra bờ kinh coi ghe chạy bườm; khi dắt nhau vô vườn chuối xé lá che trại. Ði chơi rủi gặp mương sâu rãnh lớn Duy Linh vo quần xắn áo cõng Phi Phụng cho khỏi lấm chân, mà gặp ổi chín me ngon Duy Linh cũng để dành cho Phi Phụng nếm thử. Ðến chừng hai trẻ được chín mười tuổi Tú Phan với Hương Chánh Hiển cũng đem gởi hết ở chung tại nhà thầy giáo Kỉnh trên Bạc Liêu đặng cho đứa học trường con gái, đứa học trường con trai. Năm Duy Linh đúng 15 tuổi thi đậu vào trường lớn nên hai đứa mới cách nhau, trai thẳng bước lên Mỹ Tho, gái lui chân về quê quán. Trót hơn mười năm bầu bạn há chẳng yêu, chẳng mến, chẳng tưởng nhau sao? Ðã biết cách vài năm sau Duy Linh gặp việc nhà bối rối, mẹ cha cỡi hạc, sự nghiệp điêu tàn, phải bỏ học trở về lo tính, còn Phi Phụng phải lên Sài Gòn vào nữ học đường, nên hai trẻ ít gặp nhau, nhưng tình dan díu vẫn còn đầm ấm như xưa. Tuy nay lớn lên đứng ngồi ăn nói đều phải kiêng dè, song trong sự kiêng dè ấy cũng không phai được vẻ dan díu thuở xưa.
Duy Linh thường trọng Phi Phụng như đóa hao thơm vừa mới nở, sợ mưa sa nắng táp đổ nhụy xuống màu, thường kính Phi Phụng như cục ngọc quý đã được trao dồi, sợ bụi đóng bùn pha mặt lì nước đục. Hôm nay, Duy Linh gặp được Phi Phụng lòng mừng chưa thỏa, kế nghe Tú Phan kể những chuyện nhiều nơi gấm ghé muốn kết tóc se tơ, làm Duy Linh chưng hửng sượng mặt lạnh lùng, bởi vậy khi về một mình có thể nào suy nghĩ việc chi khác hơn là việc ấy được.
Trăng thanh gió mát mà Duy Linh nhớ tới Phi Phụng có chồng mồ hôi rịnh hai bên màng tang ướt dầm, lật đật thúc bước về nhà, không dám nghểu nghển một mình ngoài đường vắng. Anh ta lầm lũi đi vô tới Châu Thành, tiếng giày khua dưới đá nghe lốp bốp, chó ngủ trước cửa nhà ở dựa đường giựt mình ra đứng sủa om sòm. Anh ta cứ ngó xuống đất mà đi, không thèm kể đến. Lúc đi ngang qua truờng học gặp một người đàn bà chân đi giày thêu, mình mặc áo lụa trắng, đầu choàng khăn trắng, thấy Duy Linh mắt chăm chỉ ngó, miệng chúm chím cười mà đi. Duy Linh không lưu tâm, cứ ngay đường đi riết.
Qua khỏi cầu, tới một dãy phố bên tay mặt Duy Linh ghé vô căn đầu thấy trong nhà đèn còn chong trên bàn giữa. Duy Linh mới gõ cửa kêu rằng: "Cử a! Cử, dậy mở cửa". Nghe trong nhà có tiếng "Dạ", rồi kế cửa mở có một đứa trai chừng 15, 16 tuổi tay nắm cánh cửa, mắt leo nheo, đứng nép một bên cho Duy Linh vào mà miệng thưa: "Thầy mới về", tiếng nghe nhựa (23) lắm. Duy Linh không trả lời, đi thẳng lại kệ mà móc nón rồi thay áo cởi giày.
Thằng Cử đứng sớ rớ một bên đó đặng coi thầy nó sai khiến việc chi chăng. Duy Linh thay đồ rồi đi thẳng ra nhà sau rửa mặt; lại nói với thằng Cử: "Thôi mầy đóng cửa rồi đi ngủ đi". Thằng Cử vâng lời ra đóng cửa, chừng trở vô nó gặp Duy Linh rồi thưa: "Thưa thầy, tôi có nấu nước trà nóng để trên kệ đó. Thầy có khát uống vài chén rồi sẽ nghỉ". Duy Linh đáp rằng: "Ừ, để đó mặc tao. Mầy đi ngủ đi, đặng sáng dậy sớm đi chợ".
Thằng Cử đi ngủ, còn Duy Linh lau mặt trở ra ngoài trước xách bình nước trà để trên kệ rót một tách. Trà nóng uống không được, bởi vậy Duy Linh bưng tách mà đợi cho nguội mắt ngó cùng nhà, thấy bàn gỗ, mặt hột xoài để phía trước bàn tuy nhỏ mà lau chùi sạch trơn không có chút bợn, thấy bốn cái ghế mây để xung quanh, ghế tuy cũ mà mặt còn bằng, chân còn chắc, thấy bộ ván gõ mỏng để dựa vách quét cũng sạch, lại thêm có để một cái gối để cho mình nằm, thấy bàn thờ phía trong, bàn cao mà lư lại nhỏ nên coi không tương xứng. Duy Linh để tách nước xuống, đi lại rút một cây nhang kê vào đèn đốt rồi cắm trên bàn thờ. Anh trở lại bưng tách nước đem để trên bàn hột xoài rồi kéo ghế ngồi chống tay ngó hai bên vách cây, ngó bên nầy thấy giấy nhựt trình dán theo vách đã cũ rồi nên đổi màu vàng khè, day bên kia nghe tiếng ngáy khò khò, ấy là người lân cận đương ngon giấc điệp. Tách nước nguội, Duy Linh uống xong mới vặn đèn cho thấp ngọn rồi đi lại bộ ván nằm. Anh ta nằm ngửa, mắt nhắm lim dim, tay gác ngang trán và nghĩ thầm: "Con Phi Phụng nãm nay đã 17 tuổi rồi chừng ấy có chồng thì vừa, chớ còn đợi đến chừng nào nữa? Con gái như cái hoa, lúc đương nở người ta yêu chớ lúc tàn người ta ai thèm chuộng? Lâm Thủ Hiệp học giỏi, đẹp trai đứng ngồi tề chỉnh, văn nói nho nhã . Phi Phụng mà được một người như thế làm chồng coi mới xứng đáng. Mà ông Tú Tài nầy coi tánh nết chắc kiêu ngạo, đã vậy ông hội Ðồng Yên bài bạc quá lớn, sợ chẳng khỏi hết nhà. Phi Phụng thuở nay ăn ở sung sướng, hay nói hay cười nếu nhà chồng nghèo và ông chồng nghiêm khắc chắc Phi Phụng không vui được. Còn Trần Bá Kỉnh là con quan, ở trong nhà tôi tớ bẩm thưa, ra ngoài tổng làng kiêng nể. Phi Phụng được một người chồng như thế, nghĩ cũng nên mừng. Cha chả! Mà quan phủ ngài khắc bạc quá, ý muốn làm giàu cho lớn mà không cực trí nhọc công, còn cậu con học hỏi dở dang, bộ tích lất khất, ngày sau quan phủ hết thời, rồi cha con ắt bị chúng khi, con chẳng khỏi người ghét. Không được, Phi Phụng không nên vào nhà ấy. Còn bá hộ Siêu, Ối! Cái thằng cha đó kể làm gì? Giàu lớn thiệt, coi bộ cà khù quá; còn thằng con là Ba Quận ăn mặc như du côn, giàu thì giàu chớ, ai chịu chồng như vậy? Phi Phụng nghèo lắm hay sao mà ham tiền ưng nó?
Duy Linh nghĩ tới đó tức giận nằm không được, nên lồm cồm ngồi dậy vấn thuốc đốt hút. Gà lối xóm tiếp nhau gáy nghe vang tai, cách xa lại nghe có tiếng chó sủa văng vẳng. Anh ta ngồi hút thuốc mà nói thầm: "Không được, ba chỗ đó tôi coi không được chỗ nào hết. Ðể bữa nào tôi gặp Phi Phụng tôi biểu đừng thèm ưng thì bác Huyện gả sao được?"
Duy Linh tắt đèn rồi đi vào trong buồn tính ngủ đặng sáng đi làm việc, chẳng dè vô nằm cứ thao thức hoài, hễ nhắm mắt thấy Phi Phụng đứng ngay trước mặt, hễ nhớ tới Thủ Hiệp, Bá Kỉnh và Ba Quận thì nổi giận dường như kẻ thù. Ðêm ấy Duy Linh thao thức đến 4 giờ sáng, mòn mỏi quá mới ngủ được. Mấy bữa sau, nếu anh ta đi làm việc thì thôi, chớ hễ về nhà nhớ việc Phi Phụng sẽ có chồng, mà nhớ rồi thì bức rức, ăn không ngon, ngủ không an. Một đêm nọ canh khuya vắng vẻ, Duy Linh nằm trong buồng nghe tiếng đồng hồ nhỏ để ngoài bàn thờ kêu tích tắc, anh ta nhớ Phi Phụng rồi nước mắt chảy đầm đìa, nghĩ thầm rằng nếu mình được ở chung với Phi Phụng một nhà mà Phi Phụng đừng có chồng, thật chẳng còn gì vui vẽ hơn nữa.
Lại một đêm khác Duy Linh cũng nằm nhớ Phi Phụng rồi nghĩ: "Chớ chi bác Huyện gả Phi Phụng cho mình, chắc vợ chồng ăn ở với nhau hòa thuận lắm. Ngặt mình nghèo nàn côi cút, học ít mà của không có. Bác Huyện đã giàu mà bây giờ lại thêm sang, đời nào bác chịu gả cho mình, Ðể gả cho Tú Tài ngồi nghiêm nhiễm, làm màu thần thánh, gả cho con quan bộ vúc vắc như Bát Hợi (24) tái sanh, gả cho nhà giàu trí hạ để con ăn mặc như đàng điếm.
Tuy nói thì nói vậy, chớ thuở nay vợ chồng bác thương mình như con trong nhà, hồi chưa cất nhà mới về trên nầy vợ chồng ở dưới Cái Cùng bác gái đi chợ lần nào cũng ghé thăm mình, chớ phải là bác phụ mình sao? Mà ngày nay bác được giàu đó cũng nhờ cha mẹ mình dẫn đường giúp bác mới được vậy? Nếu bác gả Phi Phụng cho mình cũng được, chớ có chi nhục đâu. Mà Phi Phụng ưng mình hay không? Có lý nào nó không ưng? Anh em gần nhau hơn 10 năm trường, mình thương yêu nó, nó trìu mến mình, nay nếu bác gả chắc nó mừng lắm. Cha chả! Nếu mình cưới Phi Phụng được , đừng thèm làm việc nữa làm chi, lương một tháng đôi ba chục đồng đáng bao nhiêu, mình xin đi xuống ở dưới Cái Cùng coi ruộng đặng làm giàu thêm cho bác nữa. Mà có đi thì đi một mình, chớ đem Phi Phụng theo muỗi mòng cắn nó cực khổ tội nghiệp, để nó ở nhà cho sung sướng, nửa tháng hoặc là một tháng mình về thăm nó một lần cũng được, vợ chồng là nghĩa trăm năm, ở xa cũng vậy mà ở gần cũng vậy, chớ phải ở gần mới thương nhau sao". Duy Linh nghĩ tới đó mặt mày hớn hở, dường như Tú Phan đã chịu gả Phi Phụng cho anh ta rồi như vậy.
Ngày giờ thắm thoát, mới chúa nhựt đó rồi kế đến chúa nhựt nữa. Sớm mai Duy Linh thức dậy ngồi trên ghế hút thuốc, ngó ra ngoài đường thấy thiên hạ đi chợ dập dìu, nào đàn bà bưng rổ có đứa con nhỏ nắm vạt áo chạy theo, nào con gái gánh lúa, tay trái đánh đòn xa coi dịu hoặc. Mặt trời tỏa sáng, dọi mấy hột sương trên ngọn cỏ lấp loáng đỏ xanh. Gió bấc thổi hơi phất vào mình lành lạnh. Duy Linh nhớ gần tới Tết rồi nên tính phải mua hồng cam quýt, quét dọn bàn thờ đặng cúng quảy ông bà cha mẹ. Mà rồi anh ta lại nghĩ bữa nay mới 22, để chừng 28, 29 đi mua cũng chẳng muộn gì, nhà có một tớ miễn là mua đồ cúng thôi, chớ cần gì mua nhiều nên phải lo trước.
Bảy giờ rưởi thằng Cử đi chợ về. Duy Linh nhớ lại bữa chúa nhựt trước lối giờ nầy mình đương thay áo đổi quần đi cung hạ bác Huyện. Anh ta nhớ tới việc đó lại nhớ tới Phi Phụng. Mà nhớ tới Phi Phụng thì trong lòng thắc mắc khó chịu, nên bỏ ra trước cửa, đứng ngó ngoài đường một hồi rồi lại trở vào nhà đi tới đi lui, ngồi không yên mà nằm cũng không tiện. Cách một hồi anh ta thay áo mang giày, tính đi thăm ông Huyện Hàm Tú Phan đặng lập thế dò lòng Phi Phụng coi trong ba chỗ đương gấm ghé trao tơ, cô đành chỗ nào hay là cô chê luôn cả ba, không ưng chỗ nào hết.
Mặt trời đã lên tới mái nhà, ngoài đường kẻ lại người qua lại càng đông hơn nữa. Duy Linh thủng thẳng mà đi, ai dòm thấy cũng tưởng người vô sự ngao du, chớ không dè Duy Linh mang mối tình riêng nặng trĩu trong lòng. Ở nhà không được nên phải ra đi, mà đi đây một rủi một may, nếu may thì toại chí vui lòng, còn nếu rủi thì ngậm cay nuốt đắng. Duy Linh ra khỏi châu thành thấy nóc nhà lầu của Tú Phan nắng dọi đỏ lòm trong lòng khoan khoái nên xăm xăm đi riết. Bên tay mặt nông phu đang gặt lúa xa xa, kẻ bịt trùm khăn, kẻ đội nón lá, người mặc áo, kẻ ở trần, kẻ khum bưng , người ngóc cổ. Bên tay trái mấy nhà lá đương dọn dẹp ăn Tết, chỗ trồng bông đỏ vàng trước cửa, chỗ phát cỏ sạch sẽ sau hè. Khúc nầy sắp con nít tóc chớp phất phới, đứa ở truồng dông dổng đương xúm nhau chơi dưới gốc cây. Trước kia chị đàn bà tay xách gói, tay bồng em bộ đi xăng xái (25). Cảnh thú dường ấy nếu một người thợ khéo vẽ, hoặc một ông làm thi hay trông thấy thì được cảm xúc rồi chắc sẽ có một bức tranh thủy mặc (26), hoặc một bài thi ngụ ngôn chớ chẳng không. Ngặt Duy Linh không phải là thợ vẽ, cũng không phải là thi nhân, lại bị một niềm riêng châm chích trong lòng, bởi vậy anh ta chỉ thấy có cái nóc lầu của thành phố chớ không thấy cảnh nào nữa hết.
Duy Linh bước vô sân bụng khoan khoái mừng, song rờ ngực hồi hộp nhảy, khi ở nhà trí tính lăng xăng nhiều chuyện, chừng đến đây lòng bối rối không biết đến làm chi. Anh ta bước lên thang rồi vào cửa giửa, thấy nhà trước vắng teo không có ai hết. Anh ta để nón trên bàn, vừa ngó vô cửa buồng thấy Phi Phụng ở trong giở màn ngó ra rồi nói rằng:
- Ô kìa anh Ký!
Duy Linh miệng cười, chân phăng phăng đi lại, Phi Phụng mình mặc áo nhiễu màu hột gà, quần hàng Bom-Bay trắng, chân mang dép trắng có kết bông màu hường, cũng giở màn bước ra vừa cười vừa nói:
- Anh ngồi trên ghế đó anh Ký. Ngồi đó chơi.
Phi Phụng lại day mặt vô buồng kêu gia dịch biểu lên lầu lấy thuốc đem xuống để cho Duy Linh hút. Duy Linh kéo ghế ngồi. Phi Phụng cũng ngồi tại bộ ván dựa cửa sổ gần đó rồi nói:
- Thuốc hút đó anh Ký. Hổm nay sao anh không ra chơi?
- Ngày thường tôi mắc làm việc nên đi chơi đâu có được.
- Ô! Phải a, tôi quên nữa chớ! Mà anh làm việc ban ngày chớ ban đêm làm việc gì? Sao chiều làm việc rồi, anh không đi thẳng ra ngoài nầy ăn cơm ở chơi, chín mười giờ rồi về ngủ?
- Ngày thường đi chơi sao được?
- Trong chợ ra đây mà xa xôi gì?
- Bác đi đâu vắng vậy cô hai?
- Ba với má tôi đi khỏi hết.
- Hứ, đi hồi nào?
- Ba tôi đi Sài Gòn hôm qua, còn má tôi đi xuống ruộng hồi khuya. Duy Linh trước khi ra đi tính đến đây lập thế dò thử lòng Phi Phụng coi trong ba chỗ đương gấm ghé kết duyên với cô đó, vậy cô đành chỗ nào. Nay vô nhà rồi, lại nghe nói vợ chồng ông Huyện Hàm đi khỏi hết ấy là một dịp rất may mắn cho anh ta giáp mặt với Phi Phụng, thế mà trong lòng bợ ngợ, ngoài mặt sượng sùng, không còn tính hỏi han chi hết. Duy Linh ngồi lặng thinh một hồi lâu rồi hỏi:
- Bác Huyện đi Sài Gòn chơi hay là có chuyện chi?
- Hôm qua thầy Hội Ðồng Lâm Yên đem xe hơi lại rồi rủ ba tôi đi Sài Gòn chơi với thầy và người con thầy. Ở nhà không việc chi nên ba tôi đi chơi.
- Hổm nay thầy Hội Ðồng Lâm Yên ra đây thường lắm hay sao?
- Hôm đãi tiệc rồi cho tới bữa nay thẩy có ghé đây hai ba lần, lần nào thẩy cũng dắt người con thẩy theo hết. Anh có biết người con thẩy không?
- Biết.
- Nghe nói hôm đãi tiệc cũng có người đó nữa mà, phải không anh Ký?
- Phải.
- Họ nói người đó thi đậu Tú Tài bên Tây rồi, biết phải thiệt hay không?
- Thiệt chớ!
- À, anh Ký, anh có hay hai ba chỗ cậy mai đi nói tôi hay không?
- Hay.
- Ai nói cho anh hay?
- Bác Huyện nói bữa hổm.
- Nói hôm nào?
- Hôm bữa sửa soạn rồi chiêu đãi tiệc đó.
- Ba tôi nói với anh làm sao đâu, anh thuật lại nghe thử coi.
- Bác nói quan Phủ, thầy Hội Ðồng Lâm Yên, với Bá hộ Siêu, ba người đều ngắm nghé làm sui với bác.
- Hôm tối thứ tư má tôi cũng có nói với tôi như vậy. Con quan phủ là cậu Bá Kỉnh tôi có biết, con thầy hội đồng Lâm Yên tôi cũng ngó thấy, còn con ông Bá hộ Siêu tôi chưa biết. Anh biết người đó hôn?
- Biết, người đó đi chợ hoài.
- Người đó ra thế nào, học trường nào vậy anh?
- Con nhà giàu, mà không có học hỏi chi hết.
- Húy! Cha chả! Có chồng mà dốt đặc ai chịu cho được.
Duy Linh nghe Phi Phụng nói như vậy cười rồi đáp:
- Người ta dốt nhưng người ta có tiền nhiều. Ðời nầy hễ có tiền nhiều thì dại cũng hóa ra khôn, còn nghèo sát khô, dầu khôn cũng hóa ra dại, miễn giàu cho lớn thôi cần gì hay chữ?
- Anh nói nghe kỳ quá! Giàu mà dốt đặc họ khinh bỉ lắm chớ.
- Họ khinh lén sau lưng, chớ trước mặt ai dám khinh? Vậy chớ cô không thấy hôm đãi tiệc đó sao.
- Thấy giống gì?
- Bá hộ Siêu dốt đặc, mà ông vừa bước vô nhà quan Phủ lật đật bước dậy nắm tay chào hỏi rồi mời ngồi chung một bàn đó sao.
Phi Phụng tức cười, Duy Linh thấy vậy cũng cười theo rồi Duy Linh mới tiếp hỏi:
- Cô chê con ông bá hộ Siêu, còn hai người kia cô đành người nào?
- Tại ba với má tôi liệu thế nào liệu lấy, chớ tôi có biết đâu mà nói.
- Phải, phận con gái hễ việc vợ chồng phải để cho cha mẹ định. Song cô là người có học, cô cũng phải suy sét mà lựa chọn, chớ nếu cô phú cho cha mẹ, rủi cha mẹ định không vừa ý cô rồi cô mang khổ trọn đời chắc là cô ăn năn lắm. Ví như bác Huyện biểu, cô lựa chọn người nào đâu cô nói nghe thử chơi.
Phi Phụng cúi mặt xuống, tay cạy móng cắn, Duy Linh trong lòng bâng khuâng, ngó Phi Phụng hỏi riết, túng quá Phi Phụng mới nói: "Tôi coi trong ba người đó, duy chỉ có con thầy hội Ðồng Lâm Yên được hơn hết".
Phận con gái hễ ai hỏi tới việc vợ chồng tự nhiên mắc cở, Phi Phụng tuy là có học chữ Tây nên không nhút nhác như con gái thường, lại yêu mến Duy Linh cũng như anh ruột, song cô cũng bợ ngợ không muốn bày tỏ thiệt tình.
Tại Duy Linh hỏi hoài, cực chẳng đã cô phải phát biểu cái thiệt tình của cô ra. Chẳng dè Duy Linh nghe cô nói cặp mắt chói lòa, mồ hôi nhỏ giọt, bao nhiêu lòng mơ ước đều tan rã như sương bị nắng khói lên trời, bởi vậy ngồi trân trân, muốn khóc mà khóc không được, muốn cười mà cười cũng không kham. Anh lấy làm khó chịu rồi bỏ ra ngoài. Phi Phụng thấy Duy Linh đứng dậy mà đi thì ngó theo, song không hiểu chi hết. Duy Linh ngó ngoài đường một hồi không khóc mà hai con mắt ướt rượt. Anh lật đật lấy khăn lau nước mắt rồi trở vô nhà. Phi Phụng thấy Duy Linh bèn nói:
- Anh ở ăn cơm chơi anh Ký.
- Không được. Tôi thăm một chút thôi. Tôi mắc về đặng đi qua Vĩnh Trạch có việc. Duy Linh nghĩ tới đó giọt lệ chứa chan đau lòng đòi đoạn, không dám giận, không dám phiền ai chi hết, chỉ phiền mình nghèo, học dở, bởi vậy mà thua sút người chớ chi mình giàu lớn như Bá Hộ Siêu quyền to như quan Phủ Thiện, học giỏi lại đẹp trai như Lâm Thủ Thiệp, mình đủ tài, đủ trí, đủ sức, đủ lực, mà làm cho Phi Phụng được sang giàu vinh hiển, được sung sướng trọn đời, mà Phi Phụng chê mình để kết duyên cùng người khác mình giận mới đáng. Mà bây giờ mình làm sao cho trở nên giàu, trở nên sang, cái thứ làm ký lục mỗi tháng được 30 đồng bạc lương rồi tiêu xài hết 28 đồng làm sao mà giàu sang cho được? Ðã biết cha mẹ mình có để lại cho mình 12 mẫu ruộng, huê lợi của mình mỗi nãm có 350 thùng lúa, còn của người ta kể đến 50.000 thùng, nếu mình sánh với người ta sức của mình như con muỗi còn sức người ta như con voi mình sánh sao cho kịp.
Duy Linh hết buồn rồi tính, hết tính rồi giận, hết giận rồi lo, bởi vậy nằm trăn trở hoài cho đến gần 4 giờ khuya mới ngủ. Ngày Nguyên Ðán đã đến gần Duy Linh dạy thằng Cử dọn dẹp nhà cửa lau chùi bàn thờ, rồi mấy đêm sau anh ta mới đi mua sắm lễ, đặng cúng cha mẹ ông bà trong lúc xuân nhựt. Duy Linh thất trí nên nhứt định ba ngày Tết đóng cửa ở nhà, không viếng thăm ai hết. Chiều mùng một, Duy Linh nghe tiếng pháo nổ vang rân, ở chợ thấy người đi hớn hở ngoài đường, dòm trong nhà hiu quạnh một tớ một thầy, nghĩ thân phận nghèo hèn thua người sút bạn, anh ta lại càng buồn hơn nữa.Tuy buồn song anh ta nghĩ rằng thiên hạ chẳng có ai có tình nghĩa chi với mình, dẫu vậy nếu mình không chúc mừng năm mới họ cũng không trách mình được. Chí như ông Huyện Tú Phan là bạn chí thân của cha mình thuở trước lại đãi mình rất trọng, mấy năm nay mình ở xa nên ngày Tết mình không viếng thì ông dung chế, chớ năm nay ông về ông ở (thiếu)
Trong mấy ngày Tết anh ta đã không đi chơi mà chừng hết Tết rồi anh ta cũng ở nhà rất ảo nảo.
Một buổi chiều thứ bảy, anh ta buồn quá nằm nhà không được nên bận đồ mát lên chợ, tính kiếm chỗ giải khuây. Ði vừa tới chợ may gặp thầy ký Hòa cũng đi chơi, hai người dắt nhau thủng thẳng đi dài theo mấy tiệm mà coi hàng hóa. Ði tới nhà hàng chú Tửng, hai thầy thấy trong tủ kiếng trưng hàng hóa rực rỡ, mới bước vào rồi lại đứng ngay cái tủ đựng cá mòi hộp đủ thứ xem, Ký Hòa chỉ một hộp mà nói:
- Thứ đó ngon hơn hết.
Duy Linh cãi lẽ nói thứ đó không tốt, rồi chỉ một hộp khác khen quý. Hai thầy đương cãi với nhau, bỗng đâu Bá Kỉnh bước vô nghe cãi lại xen vô mà cãi. Bá Kỉnh chê hai thầy nói bậy cả hai rồi chỉ một thứ cá khác mà nói thứ đó mới thiệt ngon hơn hết. Duy Linh không chịu thua cứ theo cãi hoài. Bá Kỉnh nói rằng:
- Từ thuở nhỏ chí lớn ta đã ăn đủ thứ cá mòi, ta lại không biết thứ nào ngon hay sao? Chú mầy nghèo mạt, tiền đâu mà có ăn tới cá mòi hộp nên biết thứ nào ngon thứ nào dở.
Duy Linh đã có bụng ghét Bá Kỉnh, nay nhục mạ mình như vậy nên giận run, dằn không được, nên xốc lại bộp tai Bá Kỉnh. Bá Kỉnh không chịu nhịn nên nhảy tới thoi Duy Linh lại, may nhờ Ký Hòa với chú Tửng ra can, chớ không còn đánh lộn với nhau nữa.
Bá Kỉnh về thuật lại cho quan Phủ nghe. Quan Phủ nổi giận rồi biểu con làm đơn đem đến cò thưa, sang bữa sau ông cò đòi Duy Linh và Bá Kỉnh, gạn hỏi đầu đuôi rồi dạy Duy Linh phải xin lỗi Bá Kỉnh, bằng không thì ông cò phúc bẩm xin tòa phạt. Duy Linh yếu thế nên phải xin lỗi kẻ thua, đã bị Bá Kỉnh nhục mạ trước, mà còn phải xin lỗi Bá Kỉnh nữa bởi vậy về nhà tức tưởi ngủ không được.
Duy Linh nằm đêm nghĩ lại vì tại mình nghèo nên người ta không yêu thương mình mà cũng tại mình nghèo hèn nên người ta hiếp đáp, nếu mình muốn cho kẻ yêu người trọng mình thì phải giàu sang mới được. Mà làm sao giàu sang cho được bây giờ? Làm vịêc quan như mình bây giờ biết chừng nào mới giàu? Mà nếu mình xin thôi, rồi trở xuống Cái Cùng lo cày cấy 12 mẫu đất của cha mẹ để lại dẫu mình có chịu cực cho lắm đi nữa thì bất quá đủ ăn hoặc dư dả mà thôi, chớ cũng không giàu bằng họ đựơc. Có lẽ mình ra buôn bán họa may năm mười năm mình mới giàu lớn được chăng. Ngặt buôn bán bây giờ không có vốn thì làm sao khai tiệm cho được, nếu mình cậy bác Huyện Hàm giúp sức có lẽ bác sẵn lòng, mà thà là mình chết phức đi cho rồi, chớ Phi Phụng nó đã không nghĩ tới mình, lẽ nào mình lại còn cầu lụy tới cha mẹ nó giúp đỡ?
Bởi Duy Linh lao tâm thất chí, nên lờ đờ, lững đững, đi làm việc mà không cố đến việc làm. Bữa nọ gần cuối tháng ông Phán Tàu giao cho Duy Linh một cuốn sổ bán muối biểu cộng riết đặng ông lấy sổ mà ông phúc bẩm cho quan trên. Duy Linh lòng khô héo trí lảng lơ, bởi vậy cộng xong đưa sổ cho ông Phán Tàu gởi đi rồi chừng ông Thán dò lại thì trật hơn 5 ngàn tạ muối.
Ông Thán nổi giận rầy Duy Linh một hồi rồi lại còn vào méc với ông chủ, làm cho ông chủ phạt Duy Linh hết nữa tháng lương.
Duy Linh nỗi lòng đã uất ức, ở đời đã bị hiếp đáp, nay làm việc lại còn bị quở phạt nữa nên ăn hết ngon nằm hết ngủ, cứ lo mưu kiếm kế đặng làm cho trở nên giàu sang, chắc rằng mình trở nên giàu sang tự nhiên thiên hạ yêu thương, kính trọng hết quở trách. Anh ta tính trọn nửa tháng rồi nhứt định thục (27) ruộng lấy bạc đặng làm vốn mua bán.
Một bữa chúa nhựt Duy Linh đi xuống Cái Cùng nói với Hương Cả Mai mà thục ruộng. Vì 12 mẫu ruộng của Duy Linh đất tốt mà lại còn hượt lắm, bởi vậy Duy Linh xin thục 1500 mà Hương Cả Mai lại nài biểu 2000 đồng, thầm tính rằng Duy Linh thục quá mắc tự nhiên bán luôn chớ chẳng bao giờ chuộc lại. Duy Linh không hiểu ý riêng của Hương Cả Mai, nên cũng chịu thục 2000 lại có bụng mừng thầm, nghĩ rằng hễ có vốn thêm nhiều chừng nào thì mình mua bán dễ hơn chừng ấy.
Hương Cả Mai hẹn tuần sau Duy Linh xuống làm tờ rồi ổng sẽ chồng bạc (28), Duy Linh về nhà lo tính bán đồ đạc rồi xin thôi làm việc đặng lên Sài Gòn buôn bán. Ðến tối thứ tư, Duy Linh đương nằm tính coi bây giờ phải bán vật gì bỗng nghe tiếng xe hõi đậu trước cửa nhà có một gia dịch của Tú Phan bước vô thưa rằng ông Huyện Hàm mời Duy Linh ra nhà cho ông nói chuyện chi. Duy Linh muốn kiếm cớ khiếu từ, ngặt tên gia dịch đã thấy mình nằm không, lại sẵn có xe hõi rước nữa, không thế nào cáo từ được, nên phải thay đồ rồi lên xe đi tưởng có việc chi quan hệ, chẳng dè Duy Linh vừa bước vô nhà Tú Phan hỏi:
- Bác nghe cháu tính bán ruộng cho Hương Cả Mai vậy chớ có thiệt như vậy hay không?
Duy Linh đứng chưng hửng một hồi, thầm nghĩ nếu mình nói thật cũng không ích gì, nên hỏi lại:
- Thưa, ai nói với bác rằng cháu bán ruộng?
- Ở dưới Cái Cùng họ lên họ nói.
- Có lẽ Hương Cả Mai muốn mua nên bày chuyện như vậy, chớ cháu đâu có bán.
- Ôi, họ nói mà bác không tin, nên bác mới kêu cháu hỏi cho chắc, có lẽ nào cháu bán ruộng mà không báo cho bác hay. Mà cháu có cần dùng tiền làm việc chi nói với bác giúp cho, cần gì phải bán. Còn như bán ruộng đó giáp ranh với ruộng bác, thà cháu bán cho bác còn có nghĩa hơn chớ bán cho họ uổng lắm.
- Duy Linh nghe Tú Phan nói mấy lời trong lòng ăn năn, muốn tỏ thiệt với Tú Phan, rồi hồi việc Hương Cả Mai, để thục cho Tú Phan song anh ta nghĩ rằng nếu nói thiệt sợ Tú Phan ngăn trở hoặc hỏi phăng tới khó tỏ chân tình được, nên nói dối luôn:
- Họ ðặt chuyện xin bác đừng tin. Cháu có cần dùng tiền làm việc chi đâu mà phải bán ruộng.
Duy Linh về nhà nằm tính rằng phải làm cho mau, nếu để trì hoãn sợ bại lộ, nên chúa nhựt sau xuống Cái Cùng làm tờ thì dặn Hương cả Mai với ba Hương chức đứng thị phải kín miệng dùm đừng cho ai biết, lấy hai ngàn đồng bạc rồi trở về Bạc Liêu, sang bữa sau làm đơn xin thôi việc liền. Ông chủ dụt dặt không chịu cho thôi, ông Phán Tàu có đứa cháu không có vịêc làm, đã mấy tháng nay muốn đem nó vào sở thương chánh, song không có dịp, nay thấy Duy Linh xin thôi lòng lấy làm đắc ý, bởi vậy ở ngoài làm mặt nhân nghĩa theo an ủi Duy Linh, mà vô trong lại kẽ vạch với ông chủ nói rằng Duy Linh biếng nhác, bởi vậy ông chủ mới nhận lời để Duy Linh thôi việc.
Trai vừa mới lớn lên, hễ có bạc ngàn trong lưng hay tự đắc, Duy Linh không giống người thường, bởi vậy có bạc rồi lại càng lo tính ăn ngủ không được. Anh ta đem bàn thờ gởi ký Hòa còn đồ đạc trong nhà bán hết, rồi trả phố cho chủ; thằng Cử là con mồ côi muốn trọn nghĩa tớ trung, nên quyết theo giúp đở Duy Linh, chớ không chịu về xứ. Duy Linh sắp đặt việc nhà, thâu xếp hành lý xong rồi, bèn định sáng bửa sau xuống tàu ra Sóc Trăng rồi lên Sài Gòn. Tớ thầy đem đồ đạc ở đậu nhà ký Hòa. Chiều bữa ấy anh ta buồn lắm nên ra nhà Tú Phan , tính thấy mặt Phi Phụng một lần chót rồi vĩnh biệt. Duy Linh bước vô vợ chồng Tú Phan ra mừng, còn Phi Phụng niềm nở lắm. Trong nhà dọn cơm vừa rồi, vợ chồng Tú Phan mời Duy Linh vào ăn cơm cho nó vui. Duy Linh thấy Phi Phụng ruột đau như cắt, mắt tức quáng gà (29) bởi vậy biểu ăn cơm thì đi, sang ngồi ăn không nói chuyện như mấy lần trước nữa. Ăn cơm rồi, bà Huyện Hàm mắc đi xuống nhà bếp, còn ông Huyện lại đi lên lầu, để cho Phi Phụng ngồi đó nói chuyện với Duy Linh. Duy Linh buồn bực lại ái ngại quá, nên đứng dậy bỏ đi ra trước sân. Trăng mới mọc, chiếu trời một góc đỏ lòm, gió thổi lao xao, lay động mấy nhành lúc lắc. Duy Linh đương đứng suy nghĩ việc riêng của mình, bỗng nghe sau lưng có tiếng giày đi nhè nhẹ, lật đật day lại thấy Phi Phụng vừa đi tới vừa hỏi nho nhỏ:
- Anh có việc chi, mà coi bộ anh buồn dữ vậy anh Ký? Hồi nhỏ anh có việc chi vui, hoặc có việc gì buồn, anh cũng có đều nói cho em biết. Sao bây giờ anh buồn mà anh không nói cho em hay?
Giọng nói đã thanh tao, mà lời lẽ pha bi thảm làm Duy Linh cảm xúc nên nghẹn ngào, không biết sao trả lời chỉ ứa nước mắt rồi day mặt qua chỗ khác đáp:
- Tôi có buồn về việc chi đâu.
Duy Linh nói có mấy tiếng bỗng nghe Tú Phan ở trong nhà kêu:
- Ký a, cháu vô coi chiếc cà rá bác mới mua đây.
Phi Phụng nghe tiếng cha nên day gót trở vô nhà, Duy Linh ngẩn ngơ lén lấy khãn lau nước mắt rồi cũng vô theo.
Duy Linh ở chơi tới chín giờ tối rồi cáo từ ôm ấp việc riêng trong lòng, không tỏ cho ai biết hết. Ra vừa khỏi cửa nước mắt tuôn dầm dề, đi một khúc đường suy nghĩ một hồi, ban đầu nhớ tới mấy lời Phi Phụng hỏi khi nãy đau đớn không chịu được, nên muốn trở lại tỏ thật cho Tú Phan nghe hoặc may ra Tú Phan có niệm tình cũ nghĩa xưa cầm ở lại gả Phi Phụng cho mình hay tỏ riêng cho một mình Phi Phụng biết hoặc may Phi Phụng có cảm nghĩa động tình rồi trao tơ kết tóc với mình không thèm ưng nơi nào khác. Bởi tình nặng đau lòng riêng lẽ, nên nghĩ như vậy, nhưng yêu thương nhau phải biết tôn trọng nhau. Duy Linh thương Phi Phụng chẳng phải vì sắc như ai, hoặc yêu vì tiền như ai, yêu là vì gần gụi nhau đã mười mấy năm trường, thương là bởi tâm tánh đều giống nhau cũng như ruột thịt. Bởi cái tình cao thượng như vậy, nên vừa tính trở lại tỏ thiệt nỗi niềm, lại nghĩ rằng ví như Phi Phụng cảm nghĩa động tình chịu kết hôn với mình, mà với cái thân phận nghèo nàn và tài hèn mọn nầy có đủ làm cho Phi Phụng vui vẻ sang trọng trọn đời chăng? Duy Linh lắc đầu, day lại ngó nóc nhà lầu của Tú Phan một hồi, rồi lau nước mắt đi về nhà của ký Hòa.
Sáng hôm sau, Duy Linh với thằng Cử gởi đồ xuống tàu đi Sài Gòn, ký Hòa xuống tàu đưa, chừng tàu sửa soạn chạy Duy Linh dặn: "Anh cho tôi gởi đồ thờ tại nhà anh trong ít ngày, chừng nào tôi có chỗ ở yên rồi tôi sẽ cho thằng Cử về nhà chở lên. Xin anh đừng phiền cũng đừng nói cho ai biết tôi lên Sài Gòn nghe". Ký Hòa gật đầu rồi tàu mở dây, súp lê (30) chạy tuốt.
Duy Linh đứng trên boong (31) tàu ngó lại chợ, tấm lòng chua xót, nét mặt dàu dàu, sóng khỏa hai bên bờ ghe xuồng nhàu lộn thấy mà thương, chưn vịt quạt ầm ầm lấp tiếng người nói chuyện nghe càng ảo não. Tàu chạy một lát chẳng còn thấy nhà cửa chi hết, bên nầy là lá dừa lóng sóng gió thổi ngọn cúi xuống rồi ngóc lên bên kia đồng ruộng minh mông, trời nhuộm mặt chỗ xanh chỗ đỏ. Duy Linh trông thấy rưng rưng giọt lệ.
Ly hương giở bước đau lòng .
Tình ngao ngán tủi,
Phận long đong buồn.
Xót vì mỏng manh cánh chuồn .
-----------------------------------------
20 bằng phẳng
21 lên cao xuống thấp theo nhịp cánh: bay không giỏi
22 thơ ấu
23 kéo dài dài ngáy ngủ
24 Bát Giới, người theo Tam Tạng đi thỉnh kinh trong Tây Du Ký
25 hăng hái
26 mực tàu hòa với nước, một bộ môn của hội họa
27 chuộc, chữ nầy sai: đã không tiền mà chuộc ruộng nữa thì làm sao có vốn, ở đây phải có nghĩa là cầm hay cố, vì trong câu sau đã có chữ chuộc.
28 giao tiền mặt
29 một chứng bịnh mắt, hễ tối là không thấy đường
30 soufler=thổi gió như thụt ống bễ của thợ rèn: ở ðây là thổi còi tàu.
31 (Pont): sàn nóc tàu
|
|
|