Vợ Chồng Trái Ý Đám cưới nhằm ngày mười sáu tháng tám âm lịch. Thu Hà đã có học thức, mà tại vui chữ vu quy, nên cô không lấy sự có chồng mà hổ thẹn như gái khác. Cô ra tiếp khách, chuyện vãn ăn uống như thường. Chừng rồi đám hai họ về hết, cô lăng xăng phụ với cha mẹ mà coi cho tá điền, tá thổ dọn dẹp đồ đạc. Vĩnh Thái cũng xớ rớ coi sóc, chỉ việc nầy biểu việc kia. Thu Hà thấy chồng, cô không ái ngại chỉ hết; có lúc cô đứng gần một bên chồng, có chuyện cô phải nói chuyện với chồng, mà dầu đứng gần hay là nói chuyện cô cũng giữ tư cách tự nhiên, cô chẳng hề ké né bợ ngợ. Đến chiều hai vợ chồng thầy Hội đồng lấy cớ không đói bụng nên không chịu ăn cơm, lại ép vợ chồng Vĩnh Thái phải ăn với Công Cẩn. Thu Hà mới ngồi ăn chung với chồng một lần đầu, nên cô e lệ chút đỉnh, song cái e lệ ấy nó có pha cái vẻ vui mừng chứ không phải e lệ rồi ngồi cứng đơ, không dám ăn, không dám nói.
Nội nhà ai dòm ý tứ của Thu Hà, thì cũng đều biết cô vui mà lấy chồng lắm. Chẳng hiểu vì cớ nào qua ngày sau sự vui của cô trong mười phần bớt hết năm phần, mà ngày đó đã vậy rồi qua ngày sau nữa cũng vậy, cô cứ lục thục ở phía trong, dường như cô sợ ra ngoài trước gặp chồng, gặp cha, hoặc thấy lan thấy huệ. Cưới đủ ba bữa rồi, vợ chồng thầy Hội đồng Chánh sửa soạn đồ đạc cho con để đi về Cái Răng mà làm lễ ông bà. Khi lên xe hơi mà đi, thì coi sắc mặt Thu Hà không được vui, mà đến chiều trở về sắc mặt cũng không đổi.
Tối lại, vợ chồng thầy Hội đồng ra ngồi tại bộ ghế xa lông giữa nhà. Thầy Hội đồng kêu con và rể ra đứng hai bên, rồi thầy móc trong túi ra một ngàn đồng bạc mà đưa cho Vĩnh Thái và nói rằng:
- Ngày nay hai con đã thành hôn rồi. Thuở nay hai con mắc lo học hành, không chơi bời được. Vậy nay ba với má cho phép hai con đi chơi một tháng, muốn đi đâu tùy ý hai con. Cái xe hơi ba mua đó là mua cho hai con đi chơi. Vậy hai con lấy xe đó mà đi. Còn một ngàn đồng bạc này hai con dùng mà làm lộ phí. Như đi đến đâu mà rủi hụt tiền thì đánh dây thép về, ba sẽ gởi tiền thêm cho. Hai con muốn dắt nhau đi Đế Thiên Đế Thích hay là đi Phan Thiết, Phan Rang gì thì đi. Muốn sáng mai đi cũng được, đi chơi cho phỉ chí đi, rồi sẽ lo làm ăn, hoặc lo giúp đời.
Vĩnh Thái lộ sắc vui mừng, nắm chặt mười tấm giấy xăng (17) trong tay mà nói:
- Con nghe nói Đế Thiên Đế Thích tốt lắm, để con dắt vợ con lên coi chơi. Đi chừng một tuần lễ con về rồi sẽ lên Đà Lạt.
Cô Hội Đồng day lại thì thấy Thu Hà đứng buồn thiu, dường như ý con không muốn đi chơi, cô bèn hỏi rằng:
- Con không muốn đi Đế Thiên hay sao?
- Thưa, đi thì đi... Con xin ba má cho phép con dắt em con đi với con.
- Ồ được. Hai con dắt em nó đi cho vui. Thôi, ngày mai lo sửa soạn đồ đạc
rồi sáng mốt đi cho sớm.
Vĩnh Thái nghe vợ đòi dắt em theo, chàng không cản trở, nhưng mà chàng nhíu chơn mày, coi bộ không được vui.
Qua ngày sau, cô Hội Đồng thấy Thu Hà mặt mày không tươi tắn như khi trước nữa, cô lấy làm lạ, nên kêu con lại ngồi gần một bên, cô giả coi thợ đột đinh áo khéo hay là vụng, rồi cô hỏi nhỏ con rằng:
- Tại sao hổm nay con buồn vậy con.
Tâm sự của Thu Hà tràn trề không thể kể xiết. Tưởng lấy chồng, là kết bạn với một người nam tử đồng tài, đồng chí, khinh lợi, khinh danh, đặng chung trí, hiệp lực mà dìu dắt đồng bào tấn bộ. Nào dè tưởng tượng là giấc chiêm bao, nào dè người chồng học giỏi nói hay đó cũng như người khác. Mới một bữa đầu thì đã hiểu lấy chồng đặng cho người ta ôm ấp, mà thêm một bữa sau nữa, lại thêm hiểu người ta cưới mình là vì tại cha mẹ mình nhiều tiền nhiều ruộng, chớ không phải là tại tâm, tại chí, tại nghĩa, tại tình gì hết. Thu Hà đương ngổn ngang trong lòng, đương não bề trong trí, bỗng nghe mẹ hỏi, thì cô lấy làm cảm xúc, cô muốn tỏ tâm sự cho mẹ hiểu, ngặt vì cô liếc ngó mẹ, cô nhớ mẹ bịnh hoạn, không nỡ làm cho mẹ buồn, nên cô cười mà đáp rằng:
- Con có buồn việc chi đâu.
Cô vừa nói vừa cười, mà cô ứa nước mắt, nên day mặt chỗ khác, không dám nhìn mẹ.
Đồ hành lý sửa soạn xong rồi, vợ chồng Vĩnh Thái với Công Cẩn bèn từ giã cha mẹ mà đi du lịch. Khi lên xe Thu Hà muốn để Công Cẩn ngồi phía sau với mình.
Vĩnh Thái xụ mặt nói rằng:
- Để em ngồi phía trước với sớp phơ được mà. Ngồi sau ba người chật quá, ai chịu cho được.
Thu Hà vẫn biết xe tới bảy chỗ ngồi, bề ngang rộng lớn, dầu Công Cẩn ngồi sau cũng không chật gì, mà vì nghe chồng nói như vậy, lại thấy sắc chồng không vui nên cô nín khe, để cho em leo lên phía trước.
Xe qua khỏi chợ Long Xuyên rồi chạy thẳng lên Châu Đốc. Buổi sớm mai, trời thanh bạch, gió mát mẻ. Lên tới Mạc Cần Dưng, ngó qua phía tay trái thì thấy đồng rộng một dãy minh mông, lúa sạ (18) một màu xanh lét. Ở xa xa thì mấy hòn núi Thất Sơn sắp nằm lúp xúp từ dưới Xà- tón lên tới Nhà Bàn, chỗ hủng như ai đạp, chỗ cao có khói bay, thấy cảnh vật lắm vẻ hữu tình thì nhớ sức trời với tay người thật là dày công sáng tạo.
Công Cẩn thấy đồng rộng núi dài thì khấp khởi trong lòng, nên day lại phía sau mà nói rằng:
- Anh Hai, chị Hai, núi coi tốt quá há?
Thu Hà gật đầu cười vì em, còn Vĩnh Thái ngồi dựa ngửa lặng thinh, không thèm ừ hử.
Thu Hà là gái đa tình, trí cô hay cảm, lòng cô hay động, đã vậy mà tánh ý cô lại hiền hòa, cô không biết giận hờn ai. Cô ngắm cảnh rồi cô cũng cảm hứng, nên day ngó chồng mà nói rằng:
- Hễ có cảnh đẹp tự nhiên phải có văn nhơn, phải có thi sĩ. Quê hương ta có
cảnh xinh đẹp như vầy, không biết tại làm sao mà quốc dân lại hủ bại quá.
- Cảnh gì đâu mà xinh đẹp?
- Cảnh này coi là đẹp lắm rồi, còn gì nữa.
- Hứ! Thứ đồ bỏ. Qua bên Pháp coi mới sướng mắt chớ.
Thu Hà muốn nói chuyện với chồng, giọng nói đã thanh bai, ý tứ lại cao thượng, mà Vĩnh Thái trả lời rất thấp thỏi, lại ngồi khít lại gần rồi choàng tay qua sau vai vợ, làm cho Thu Hà thất vọng, tuy cô không trái ý chồng, song cô buồn bực, nên ngồi trơ trơ hết muốn nói chuyện nữa.
Lên tới Châu Đốc xe đậu nghỉ máy. Thu Hà biểu chồng dắt đi kiếm nhà hàng ăn cơm cho no rồi sẽ đi.
Vĩnh Thái nói rằng:
- Vô nhà hàng ăn làm gì? Quân đó là ăn cướp.
- Mình vô nó cho ăn đồ bậy bạ, mà nó chém ba người ít nữa là năm sáu
đồng bạc. Để đi mua ít ổ bánh mì, vài hộp cá mòi, đem lên xe mình ăn, rồi chiều lên Nam Vang sẽ ăn cơm.
Vĩnh Thái bước xuống xe và biểu vợ đi theo. Thu Hà móc túi đưa sớp phơ một đồng bạc và nói rằng:
- Anh đi ăn cơm cháo cho no đi, rồi còn đi nữa. Đường xa lắm anh phải lo trước đừng có để đói bụng nhé.
Sớp phơ lấy tiền rồi đi vô tiệm cháo. Vĩnh Thái dắt vợ với em đi kiếm bánh mì mà mua. Đi khỏi xe rồi, chàng nói với vợ rằng:
- Sớp phơ nó ở với mình, ăn lương một tháng tới ba mươi lăm đồng. Đi xe thì nó phải đem tiền theo mà xài, chớ cho nỗi gì?
Thú Hà cười và đáp rằng:
- Nó nghèo nó đi với mình, thì mình phải cho nó ăn chớ.
- Có cho thì cho nó một hai cắc đủ ăn cơm, cho gì tới một đồng bạc lận.
- Thấy nó nghèo, cho nó như vậy nó vui lòng.
- Cách mình ở với tôi tớ như vậy đó, nó lột da mình đố khỏi. Thu Hà không muốn cãi lẫy việc nầy nữa, mà cũng may lúc ấy Vĩnh Thái thấy bánh mì, mắc lật đật ghé vô mà mua, nên thôi cằn rằn sự vợ lãng phí. Chàng lựa ba ổ bánh mì lớn rồi hỏi cô vợ chệt ngồi bán đó rằng:
- Bánh mì nầy chị bán bao nhiêu một ổ vậy chị?
- Thứ đó một cắc thầy.
- Giống gì mà mắc dữ vậy. Tám xu được hôn? Như bán tôi mua cho ba ổ.
- Không được đâu, thầy. Tôi đếm trong lò chín xu một ổ, bán cho thầy tám xu sao được. Bán một ổ lời có một xu nhỏ chớ nhiều nỗi gì.
- Thôi ba ổ hai cắc tám được hôn?
- Hổng được, thầy. Ba cắc.
- Hổng bán thì thôi.
Thu Hà đứng ngoài đường với em, dòm thấy chồng ke re cắc rắc từ đồng xu với người bán bánh, bực mình mà lại hổ thẹn, nên day mặt chỗ khác không ngó. Vĩnh Thái trở ra nói với vợ rằng:
- Đi kiếm chỗ khác mua. Bên mình bán bánh mì ngang tàng quá, bán không có cân lượng gì hết, lại nó muốn bán giá nào nó bán. Bên Tây làm như vậy có được đâu, ở tù chết.
Thu Hà lặng thinh, riu ríu đi theo chồng, mà sắc mặt coi buồn nghiến. Mua có ba ổ bánh, hai hộp cá mà Vĩnh Thái dắt vợ với em đi giáp chợ, với tới ba bốn tiệm mua mới được. Chừng lên xe Thu Hà hỏi rằng:
- Cha chả! Không có đem đũa theo làm sao mà ăn cá mòi đây?
- Hứ! Cần gì đũa. Bốc vậy ăn cũng được mà. Đi chơi ăn vậy mới ngon chớ.
Bực sang trọng bên Tây họ đi chơi họ cũng ăn quấy quá, có cần nĩa muỗng gì đâu.
- Bóc xóc-xích (19) hay là ram-bon (20) thì được, chớ cá mòi bóc tay dơ quá rồi nước ở đâu mà rửa.
- Chùi bậy bạ rồi lên Nam Vang rửa. Xe chạy từ Nhà Bàn Vô Tịnh Biên, Thu Hà thấy nhiều cái cảnh thiệt là đẹp, nhưng vì cô sợ nói ra không hiệp ý chồng rồi chồng cãi nữa, nên cô ngồi nín thinh mà ngó, không dám thổ lộ cái tình cảm hứng của cô.
Vừa tới Tịnh Biên thì gặp một đám mưa lớn, nước đổ ào ào, gió thổi vụt vụt. Tại đây có một chiếc đò để chở xe qua kinh Vĩnh Tế. Khi xe tới bến đò, Thu Hà thấy giông nữa, nên biểu sớp phơ đậu xe mà nghỉ, đợi hết mưa rồi sẽ qua sông. Vĩnh Thái nhơn dịp ấy mới khui cá mòi rồi biểu vợ với em ăn. Công Cẩn đói bụng quá nên lật đật bẻ bánh mì rồi bóc cá mòi mà ăn ngồm ngoàm với Vĩnh Thái. Còn Thu Hà tuy cô cũng đói, nhưng mà cô không quen thói bóc hốt, nên cô ăn bánh mì lạt mà chịu chớ không ăn cá mòi. Vĩnh Thái thấy vậy bèn nói với vợ rằng:
- Ăn chớ, cá mòi ngon lắm mà. Ăn thử coi.
Thu Hà cười mà đáp rằng:
- Mình ăn đi, tôi nhai bậy bánh mì chơi, chớ tôi không đói.
Vĩnh Thái thò tay bóc một con cá cầm mà cắn, và nói rằng:
- Làm cách thì sạch ruột. Không ăn thì hai anh em ta no bụng.
Cách một hồi dịu mưa lặng gió. Vĩnh Thái ăn rồi biểu sớp phơ kêu cu li sửa soạn đò mà đưa xe qua sông. Bốn tên cu li cởi áo bỏ trong nhà rồi đội nón lá dầm mưa chạy ra mà kéo đò cho xe xuống. Thu Hà thấy mấy người cu li chống đò trong lúc mưa gió lạnh lẽo cô mới lấy một đồng bạc mà cho. Vĩnh Thái trợn mắt nói rằng:
- Cho cái gì? Chúng nó làm đây có ăn lương của nhà nước, chớ phải làm không hay sao mà mình trả tiền công.
Thu Hà đáp rằng:
- Trời mưa gió, họ cực khổ tội nghiệp, thấy họ, cho họ chút đỉnh họ vui lòng.
- Ví như họ không vui rồi sao? Bộ khi mình là thiên hộ hay sao, nên gặp ai
cũng cho tiền hết thảy?
- Cho người nghèo chút đỉnh mà hại gì. Thuở nay tánh tôi quen như vậy đó.
Hễ ai có công giúp tôi thì tôi đền ơn cho họ.
- Nhà nước sắm chúng nó cho mình dùng thì chúng nó phải chống đò mà
đưa mình, chớ ơn gì. Bên Tây nhà giàu họ xài tiền đúng lắm, nhằm chuyện bao nhiêu họ cũng không tiếc, còn không nhằm chuyện, dầu một đồng một điếu họ cũng không lọi, chớ không phải họ xài như mình vậy đâu.
- Bên Tây khác, bên mình khác, phân bì sao được. Cùng một loại với nhau, người có tiền phải thương người không có tiền chớ.
- Phải, mà sao mình biết mấy đứa này không tiền. Ai nói với mình đó?
Không phải Thu Hà không đủ lời mà cãi với chồng, nhưng vì cô thấy cô một ý, chồng một ý, dầu cãi ăn chồng đi nữa cũng không ích lợi gì, bởi vậy cho nên cô nhơn dịp sớp phơ đương rồ xăng, sang số cho xe lên bờ, cô mới chồm tới mà dặn sớp phơ cẩn thận, cô không thèm nói với chồng nữa.
Đến xế, lên tới Nam Vang, Vĩnh Thái biểu sớp phơ chạy trong vòng Châu thành mà kiếm khách sạn.
Xe vừa mới ngừng, thì có một bà già đầu bạc trắng, vóc ốm teo, quần áo lang thang mặt mày nhăn nhín, tay cầm cái quảu (21) nhỏ, tay chống cây gậy tre lần bước lại đứng một bên xe rồi đưa cái quảu nhỏ mà nói rằng:
- Cậu mợ làm phước cho ít đồng xu mua cơm ăn.
Thu Hà thấy người già yếu đói rách, cô động lòng, nhưng vì từ hồi sớm mai cho tới bây giờ cô cho người ta tiền hai lần, đều bị chồng trộ trạo (22), cô sợ cho nữa bị chồng rầy, nên cô day qua ngó Vĩnh Thái, có ý chờ coi Vĩnh Thái có vui lòng cứu giúp bà nhiều ít gì không.
Vĩnh Thái ngó bà già rồi châu mày nạt rằng:
- Ê? Bà già này làm lộn xộn rối trí người ta. Đi chỗ khác mà xin. Bà già ríu ríu bước dang ra.
Vĩnh Thái lườm lườm ngó theo mà nói rằng:
- Xứ mình sao có nhiều người làm nghề ăn mày quá! Bên Tây ai đi xin tiền như vậy, hễ lính gặp thì kéo cổ đem về bót rồi giải tòa bỏ tù mạt kiếp.
Thu Hà nghe mấy lời bất nhơn của chồng thì cô lấy làm bất bình nhưng mà cô dằn lòng nói êm ái rằng:
- Người ta già yếu tật nguyền, làm công việc không nổi nữa, nên người ta
mới đi xin chớ.
- Già yếu tật nguyên thì kiếm việc nhẹ mà làm, ai lại cho phép đi xin. Đừng có thương quân đó, không biết chừng kiếp trước họ ở ác lắm, nên trời phạt họ đa. Nếu mình cho họ tiền thì mang lỗi với trời đất biết hôn!
Vĩnh Thái vừa nói vừa mở cửa xe mà leo xuống. Công Cẩn đã xuống trước rồi, trò móc túi đưa cho bà già một cắc bạc. Bà già xá trò mà tạ ơn rồi chống gậy lần đi. Vĩnh Thái thấy Công Cẩn cãi lời mà cho ăn mày tiền, thì chàng tức giận, nên ngó em trân trân, coi ý như chàng muốn nhảy lại mà bốp tay mới đã nư giận.
Vĩnh Thái vô khách sạn mướn phòng rồi biểu vợ với em vô mà nghỉ. Chàng cởi áo rửa mặt và hối vợ với em thay đồ sạch sẽ đặng đi dạo chơi một hồi, kiếm nhà hàng mà ăn cơm. Công Cẩn đến xứ lạ, trò thấy nhà cửa mỗi mỗi đều lạ mắt, trò lấy làm thích ý, nên lật đật thay đổi quần áo đặng đi chơi. Còn Thu Hà ngồi buồn xo trong lòng hết biết việc gì là vui nữa. Vĩnh Thái thôi thúc cô sửa soạn. Cô thở ra mà đáp rằng:
- Thôi mình với em đi chơi, để tôi ở nhà.
- Sao vậy?
- Đi xe đường xa mệt quá, để tôi nghỉ.
- Hồi làm sao mà mình ăn cơm?
- Không hại gì, để chút nữa tôi đói bụng, tôi biểu bồi đi mua bánh mì cho tôi
ăn cũng được.
- Tự ý. Thôi để tôi đi đặng tôi kiếm đồ mua đem theo xe ngày mai mà ăn. Vĩnh Thái dắt Công Cẩn xuống thang lầu mà đi. Thu Hà nằm dàu dàu, không tính ăn uống chi hết, mà trong đêm ấy cô ngủ cũng chẳng được.
Sáng bữa sau, Thu Hà than trong mình không được giỏi, nên khuyên chồng trở về. Vĩnh Thái tưởng vợ đau thiệt, nên nghe lời vợ mà về. Công Cẩn không được thấy Đế Thiên, Đế Thích, trò tiếc quá nên cằn rằn hoài.
Vợ chồng thầy Hội đồng Chánh thấy con về sớm thì lấy làm lạ, chừng nghe nói Thu Hà trong mình không được giỏi thì có bụng lo, té ra về nhà rồi thì Thu Hà ra vô ăn ngủ như thường, chẳng thấy bịnh chi hết.
Cách ít bữa thầy Hội đồng biểu đi chơi nữa. Thu Hà nói rằng:
- Con ngồi xe hơi đi đường sao hay chóng mặt quá con không dám đi nữa. Thầy Hội đồng tưởng thiệt nên không ép, mà Vĩnh Thái ơ hờ, nên chàng cũng không khuyên mời.
----------------------------
17 (cent), một trăm
18 loại lúa thích ứng cho những nơi có mực nước cao thấp không chừng
19 (saucisse), dồi
20 (jambon), thịt luộc chín
21 thúng nhỏ
22 trừng trợn, ngó với dáng giận dữ
|
|
|