Tan buổi hầu sớm mai, thầy Bình ghé lại nhà thầy ký Huê Để ăn cơm trưa rồi buồn bã đi về nhà nghỉ một chút đặng hai giờ rưỡi còn đi làm việc nữa.
Trời nắng chan chan, ngoài đường ít có người qua lại. Về gần tới nhà, thầy thấy có một cỗ xe ngựa ô đậu ngoài cửa. Thầy sợ có khách phá mất giấc ngủ trưa nên đã tính trong bụng sẽ hỏi khách cần dùng việc gì rồi từ chối mau, đặng thay đồ mà nghỉ.
Thầy vừa bước vô cửa thì cô Hai Hương, đương ngồi trên ghế, cô đứng dậy gọn gàng chấp tay cúi đầu mà chào thầy. Thầy chưng hửng. Sự làm việc cực tròn buổi sớm mai, sự trời nắng mệt lúc đi về, sự tính đuổi khách cho về đặng nghỉ cho mau đều bay đi mất hết. Sắc mặt quạo quọ hồi nãy, bây giờ đã đổi ra sắc vui vẻ tươi cười. Thầy giở nón chào khách:
- Tôi chào cô. Phải cô Hai trên Bình Thủy hay không?
- Bẩm, phải.
- Mời có ngồi. Bà Chủ mạnh há? Cô xuống đây có việc chi?
- Dạ, bẩm má em mạnh. Má em biểu em xuống xin phép thầy đặng hỏi thăm một việc.
- Được, được. Mời cô ngồi.
Thầy Bình kéo cái ghế mời cô Hương ngồi. Thầy để cái nón trên bàn rồi ngồi ngang với cô mà hỏi:
- Sao cô biết nhà tôi ở đây mà lại?
- Bẩm, bữa hổm má em có xuống thăm thầy, má em chỉ cho nên em mới biết.
- Phải, bữa hổm bà Chủ có xuống thăm tôi. Bà Chủ đáng cha mẹ, bà có lòng thương tôi nên xuống thăm, thì tôi đã cảm ơn lắm rồi, mà bà còn đi lễ vật nữa, thiệt tôi ái ngại hết sức.
- Bẩm, theo phong tục Việt Nam thì phải vậy coi mới được. Má em đi chút lễ mọn có chi đáng đâu mà thầy phải ái ngại. Bữa nay em cũng có đem cho thầy nửa chục trái sửa với vài chục quít đặng thầy dùng. Quít đầu mùa mới chín, nên sợ chưa được ngọt lắm.
- Ồ! Cô làm như vậy lại càng nặng tình nhiều hơn nữa.
- Bẩm, trái cây trong vườn em, nên đem xuống cho thầy ăn chơi chớ có phải mua chác gì hay sao mà thầy ngại.
- Tại trái cây của cô mà cô đem cho nên mới thiệt là quí chớ. Cô Hương ngó thầy Bình rồi chúm chím cười, tỏ ý cô đã hiểu lời thầy chọc ghẹo. Thầy càng thêm đắc chí nên cũng cười và nói tiếp:
- Thôi cô nghĩ tình nên cô đem đồ mà cho, có lẽ nào tôi dám từ. Chắc là tôi ăn trái cây nầy tôi vui lắm, nhứt là ăn trái sửa của cô.
- Em đã biết như vậy, nên hồi nãy em đã biểu thằng nhỏ ở đem cất trong buồng rồi.
- Cảm ơn cô, cô chờ tôi lâu hôn?
- Bẩm, em mới lại tới đây. Em hỏi thăm thằng nhỏ ở nó nói thầy gần về, nên em ngồi em chờ. Thầy mướn phố chật quá, em tưởng nên mướn một cái nhà mà ở mới rộng rãi mát mẻ.
- Tôi có ở một mình, nên một căn phố thì vừa rồi, cũng có chỗ ngủ, chỗ tiếp khách, chỗ nấu ăn đủ hết, cần gì rộng nữa.
- Hồi nãy em có đi coi rồi. ...Chật lắm.
- Cô có đi coi rồi hay sao?
- Bẩm, có. Em có đi ra tới đằng sau bếp, căn nhà như vậy, nếu có vợ thì ở không tiện.
- Chừng nào có vợ rồi hãy hay. Mà tôi có hiểu ai ưng làm vợ tôi đâu, nên tôi đâu dám tính tới sự mướn nhà rộng hơn.
- Bẩm, thầy không nói ra làm sao người ta ưng được, phải nói rồi mới biết người ta ưng hay không chớ.
- Ạ! Nếu vậy hễ tôi nói thì người ta ưng hay sao? Ai ưng làm vợ tôi đó, xin cô làm ơn chỉ giúp cho tôi biết thử coi.
Hai người nhìn nhau mà cười, rồi cô Hương không chịu đáp câu hỏi ấy, cô bắt qua chuyện khác mà nói.
- Em nói chuyện tầm ruồng (lòng vòng, không có chủ đích) làm mất thì giờ của thầy hết.
- Tôi lại thích nghe câu chuyện tầm ruồng của cô nói đó lắm, dẫu mất hết cả đời của tôi đi nữa, tôi cũng không tiếc.
- Nếu thầy thích nghe, thôi để khi nào rãnh rồi em sẽ nói tiếp những chuyện tầm ruồng đó. Bây giờ em xin phép nói chuyện của má em cậy cho thầy nghe rồi em về đặng cho thầy nghỉ.
- Ngồi nói chuyện với cô dẫu mấy ngày mấy đêm tôi cũng không mệt đâu, xin cô đừng ngại sự đó.
- Câu chuyện nào cũng vậy, mới nói nghe vui nên không biết mệt, mà hễ nói nhiều nghe nhàm tai rồi, em sợ phải mệt chứ.
- Theo thiên hạ thì họ như vậy đó, còn theo tôi thì tôi không mệt đâu. Xin cô nói thử coi rồi cô sẽ biết.
- Nếu thầy muốn thì thủng thẳng rồi em sẽ nói thử. Bữa nay em xin hỏi thăm chuyện nầy: má em có đứng bộ hai chiếc ghe, một chiếc bị ăn trộm lấy lâu rồi, còn một chiếc thì hư mục nên giải bảng mấy năm nay. Ghe không có, mà má em xin bỏ bộ không được, nên mấy năm nay phải đóng thuế hoài. Má em biểu xuống hỏi thầy coi xem phải làm thế nào mà bỏ bộ đặng khỏi đóng thuế nữa.
- Chuyện đó dể ợt, xin cô về thưa với bà cứ yên tâm, Để tôi liệu cho. Bữa nào có Xã trưởng hoặc Hương thân xuống, tôi sẽ chỉ cách cho họ rồi họ làm đơn đặng bà xuống mà xin đơn ấy đưa cho làng gởi xuống Toà bố rồi tôi nói với thầy thông coi bộ ghe thẩy bỏ bộ cho đặng năm tới khỏi đóng thuế nữa.
- Cảm ơn thầy lắm. Nếu vậy thì làng làm đơn giùm cho má em đứng rồi làng gởi đơn đi, má em hoặc em khỏi đi hầu hay sao?
- Phải. Mà nếu cô rãnh rang có muốn đi đặng đem trái sửa cho tôi nữa thì cũng được, tôi không dám cản.
- Vô Tòa bố sợ lắm, bởi vậy nếu đem trái cây cho thầy thì được, chớ em có muốn đi hầu làm chi. Thôi, em xin phép thầy em về, đặng cho thầy nghỉ.
- Đã quá một giờ rồi còn nghỉ gì nữa. Mời cô ngồi nói chuyện đến 2 giờ rưỡi tôi đi làm việc rồi cô sẽ về.
- Em còn phải ra chợ mua đồ.
- Hai giờ rưỡi cô sẽ mua cũng được, có gấp gì đâu.
- Thầy còn muốn nói chuyện gì với em hay sao nên cầm em ở lại?
- Có chuyện.
- Bẩm, xin thầy cho em biết coi chuyện gì?
- Có một chuyện nầy nãy giờ tôi muốn hỏi cô, song không biết cô có vui lòng trả lời hay không, nên tôi ái ngại, tôi không dám hỏi.
- Bẩm, thầy muốn hỏi chuyện gì?
- Tôi nghe nói chồng cô mất đã mãn tang rồi. Nếu cô không bắt lỗi, thì xin hỏi cô coi cô tính thủ tiết với chồng hay là tính sẽ cải giá?
Cô Hương nghiêm sắc mặt mà suy nghĩ một chút rồi cô mới đáp:
- Bẩm, thầy hỏi chuyện đó, khó cho em trả lời quá. Theo phong hóa của xứ mình, thì đàn bà chẳng được phép lấy chồng hai lần, rủi chồng chết thì phải ở góa mà thờ chồng trọn đời chớ không nên cải giá.
- Tục nấy xưa quá, đời bây giờ có ai noi theo nữa đâu.
- Bẩm, phải. Tục nấy xưa mà lại gắt nữa. Phần em chồng chết, em lại có tới hai con. Tuy nhà em có tiền chút đỉnh, song em là một người đàn bà quê dốt, em nuôi con no ấm thì được, chớ còn dạy chúng nó học thì em đâu biết gì đâu. Mấy năm nay em lo việc đó hết sức. Thủ tiết với chồng thì tròn chánh đạo, song không ai dìu dắt dạy dỗ sắp nhỏ; còn cải giá thì trái phong hóa, song sắp nhỏ có người bảo bọc dạy dỗ. Vì vậy nên em dụ dự không biết phải đi ngã nào.
- Đời nầy phải kể sự lợi ích trước mắt, chớ không nên theo những phong tục hết mùa. Tôi tưởng cô nên cải giá đặng có người giúp cô mà dạy dỗ sắp cháu cho nó nên người, làm như vậy tốt hơn là tròn tiết với chồng mà để con hư. Tôi chắc chồng của cô dưới cửu tuyền, nếu thiệt có lòng thương con, thì phải công nhận lời tôi khuyên cô đó là phải.
- Nếu em cải giá, thì người chồng sau phải biết thương sắp con của em, phải hết lòng lo dạy dỗ nó kia mới tốt.
- Ấy là lẽ tự nhiên. Nếu cải giá, thì có phải chọn người có học thức rộng, họ với biết cách mà dạy dỗ sắp nhỏ.
- Bẩm, thầy nói phải. Em cũng nghĩ như vậy. Em nói thiệt, tiền bạc cùng là ruộng đất em có đủ dùng, em không sợ nghèo, mà cũng không cần làm giàu thêm nữa. Nếu em lấy chồng thì sự sản của em đó là sự sản của chồng, muốn ăn xài bao nhiêu em cũng không tiếc, miễn là biết thương hai đứa con của em, hết lòng cho chúng nó ăn học đặng em khỏi hổ với người chín suối, thì em vui lắm vậy
- Nói như cô Đó, mới thiệt là biết thương chồng. Mà người nào thương cô đi dưới cô, tự nhiên phải thương con của cô, chớ không thương sao được.
Cô Hương liếc cặp mắt rất hữu tình mà ngó thầy Bình. Tuy hai người nói chuyện bong long chẳng có một câu nào đích xác, song đã hiểu ý nhau, nên sắc mặt đều hân hoan, mà có lẽ trái tim cũng không khỏi khoan khoái.
Gần 2 giờ cô Hương mới từ mà về, Đặng cho thầy Bình sửa soạn đi làm việc. Khi nước ra cửa cô lại nói:
- Bẩm thầy, bữa nào thầy rãnh em xin mời thầy lên nhà em chơi.
- Nếu cô cho phép thì tôi sẽ lên thường lắm. Mà tôi sợ tới lui thường, bà già không vui lòng.
- Bẩm không. Nếu thầy lên chơi chắc má em vui lắm, bởi vì em coi ý má em thương thầy lắm, hổm nay nhắc nhở khen ngợi thầy hoài.
- Nếu vậy thì chúa nhựt tôi lên.
- Em xin nói trước, nếu thầy lên thì chắc má em mời ở ăn cơm, chớ không cho thầy về gắp đâu.
- Được như vậy thì càng tốt hơn nữa. Tôi xin vâng.
- Kính chào thầy. Chúa nhựt em trông lắm.
- Tôi sẽ lên sớm.
Cô Hương thủng thẳng đi ra đường rồi lên xe. Thầy Bình đứng dựa cửa ngó theo, tâm hồn lơ lửng. Xe cô Hương đã đi mất rồi, mà thầy vẫn còn đứng trân trân.
Từ đó, hễ chúa nhựt thì thầy đi lên Bình Thủy mà chơi. Sự sản của bà Chủ Phận càng ngày càng thêm chóa con mắt của thầy; dung nhan của cô Hai Hương càng ngày càng thêm khiêu gợi lòng thầy; những lời xúi giục của Hương thân đáng càng ngày càng thêm mật thiết, và nhứt là sự kết tóc xe tơ với cô Hương trúng theo chương trình thầy lập ra từ bấy lâu nay để bước lên đường công danh phú quí. Bởi vậy trong ít tuần lễ sau, thầy nhứt định bỏ đứt cô Huyền, không còn do dự nữa, chẳng thèm nghĩ coi phải dùng phương chức nào mà bỏ cho êm, mà cũng chẳng thèm kể tới phận thằng Nghiệp ngày sau nó trở ra thế nào.
Thầy cậy Xã Tồn với Hương thân đặng làm mai tay trong, cậy Hương cả Hạt đứng nói (cầu hôn) chánh thức mà xin cưới cô Hương. Bà Chủ Phận chịu gả, cô Hương cũng thuận tình nên định ngày làm đám cưới. Vì cô Hương đã có một đời chồng rồi, lại cô hưởng phần ăn bên chồng, nên hai đàng bàn tính rồi nhứt định đám cưới chẳng nên làm rình rang, mà cũng chẳng nên lập hôn thú, chỉ mời mấy thầy thông, thầy ký với Hương chức mà đãi một tiệc thì đủ.
Cưới rồi, cô Hương theo òn ĩ, nên bà Chủ mua một căn nhà giá 5 ngàn đồng bạc trong Rạch Cái Khế, để cho vợ chồng thầy Bình ở mà đi làm việc cho gần, sắp con của cô Hương thì ở với bà trên Bình Thủy. Bà có sắm sẵn một cỗ xe ngựa để cho con hễ mỗi ngày chúa nhựt, hoặc đêm nào rãnh thì về Bình Thủy mà thăm cho tiện.
Hy vọng của thầy Bình đã đạt được rồi, đường công danh phú quí đã mở trước mắt.
- o O o -
Buổi chiều thầy Thanh đi làm việc về, đạp xe máy đi ngang qua trước nhà ông Ba Chánh, thấy cô Huyền đương đứng ngoài sân đút cơm cho con ăn, thầy bèn ngừng lại dắt xe vô mà hỏi:
- Mấy tháng nay em có đi xuống Cần Thơ thăm mông xừ Bình nữa hay không?
- Thưa không. Hồi mới xuống em có đi thăm một lần đó mà thôi. Em muốn đi thăm nữa quá mà thầy cứ gởi thơ về bảo em đừng xuống nên em không dám đi.
- Gởi thơ về hôm nào?
- Cái thơ chót hết em đã để hơn một tháng rồi.
- Thơ có nói chuyện gì?
- Bảo em phải ở trên nầy cho cha vui lòng, chớ có nói chuyện gì đâu.
- Bậy bạ lắm! Nếu thiệt như vậy thì khốn nạn không biết chừng nào!
Ông Ba Chánh ở trong nhà bước ra nghe thầy Thanh nói mấy câu sau đó hỏi:
- Chuyện gì mà bậy bạ?
- Bữa nầy tôi có gặp một người quen ở Cần Thơ tôi hỏi thăm mông xừ Bình, thì họ nói Mông xừ Bình đã cưới vợ rồi, cưới một người góa chồng mà giàu lắm.
- Có lẽ nào! Cưới bao giờ?
- Họ nói đã cưới hơn một tháng nay. Họ nói quả quyết lắm, có nói tên người vợ đó cho tôi nghe nữa, song tôi không nhớ. ..Nói cưới trên. ..Bình Thủy thì phải.
- Chuyện nghe lạ quá! Nó ở với con Huyền dã có một mặt con, chớ phải cặp xách (bồ bịt,dan díu qua đường, ở với nhau không cưới hỏi) với nhau một ngày một bữa hay sao? Dẫu nó muốn bỏ con nó, thì nó cũng nói cho rành rẽ chứ.
- Chuyện họ nói đó tôi chắc có lắm anh. Người có cái óc ham danh lợi như mông xừ
Bình, thì có việc gì mà không dám làm. Vậy chớ anh không nhớ nấy lời va (nó, thằng đó, ông đó) luận biện với tôi hôm mới thi đậu ký lục đó sao?
- Tôi nhớ lắm chớ, song tôi không thể tin người học giỏi như thằng Bình mà đoản hậu như vậy.
- Cái học bây giờ là vậy đó anh...Bây giờ anh tính lẽ nào?
- Tôi biết lẽ nào mà tính? Hồi trước thầy làm mai, thì bây giờ thầy tính sao thầy tính chớ.
- Anh bắt thường hay sao? Hồi mông xứ Bình mới ra khỏi trường, người học giỏi lại lanh lợi, nên tôi làm mai cho em Huyền có đôi bạn làm ăn với người ta, tôi có để ý người như vậy mà tánh tình như vậy đâu. ..Mà mình nghe người ta đồn rồi mình vội trách mông xứ Bình nghĩ cũng không phải.
Tôi muốn cho em Huyền đi xuống Cần Thơ coi việc hư thiệt lẽ nào rồi mình sẽ liệu định.
- Đi thì đi.
Cô Huyền đứng một bên nước mắt chạy chàm ngoàm, nghe cha chịu cho đi thì cô nói: "để khuya nay tôi đi. Không lẽ ba thằng Nghiệp bỏ tôi mà cưới vợ khác đâu, chắc họ đồn huyễn chớ gì ".
Thầy Thanh lên xe đi về. Ông Ba Chánh kêu nói vói:
- Tối nay tôi ở nhà có một mình. Thầy lại nói chuyện chơi nghe hôn, thầy Hai.
- o O o -
Bữa sau gần 5 giờ chiều tàu xuống tới Cần Thơ. Cũng như lần trước, cô Huyền cũng đem thằng Nghiệp theo và cũng có con Tý theo bồng em. Mà khác hơn lần trước là khi bước lên cầu tàu, sắc mặt cô nghiêm nghị, trong lòng cô ái ngại, chớ không vui mừng hớn hở. Đã biết đường đi rồi, nên cô kêu một cái xe kéo ngồi chung với con Tý và thằng Nghiệp rồi chỉ đường cho xa phu kéo lại dãy phố, chỗ chồng ở khi trước. Vừa ghé xe thì thấy căn phố bỏ trống, cửa đóng không có ai ở. Cô hỏi thăm người ở một bên, thì họ nói thầy Bình đã mua nhà dọn về ở trong Cái Khế. Người xa phu nghe như vậy bèn nói "Cô muốn kiếm nhà thầy thông Bình hay sao? Tôi biết nhà, thầy cưới vợ rồi bên vợ mua cho một cái nhà ở trong rạch Cái Khế đây. Cô leo lên xe, rồi tôi kéo vô đó cho".
Cô Huyền ngẩn ngơ, tin thầy Thanh nói cho cô hay quả đúng là như vậy rồi, chẳng còn nghi ngờ gì được nữa. Bây giờ phải làm sao? Phải đi đâu? Cô đứng ngẫm nghĩ một chút rồi bước lên xe rất mạnh dạn và biểu xa phu kéo vô nhà thầy Bình.
Xe chạy vòng vô rạch Cái Khế. Cô Huyền thấy nhà dài theo mé cái rạch cái nào cũng đẹp Đẽ, trước sân bông hoa đua nở, sau vườn cây trái sum sê, nhưng cô mắc buồn lo trong lòng, nên cô không biết thưởng thức cái cảnh thanh tao chớn chở ấy.
Xa phu chạy một lúc rồi ngừng xe và nói:
- Thưa cô, nhà thầy thông Bình là nhà nầy dây. Có cô thông đứng ngoài sân kia.
Cô Huyền ngó vô, thì thấy một tòa nhà nền đúc cửa cuốn, nhà tuy không lớn, mà cao ráo mát mẻ, trước có sân rộng, cây và bông mới trồng nên coi chưa được đẹp như mấy nhà khác. Chánh giữa sân lại có một người đàn bà mặc áo bà ba lụa trắng với quần cũng lụa trắng, đương đứng coi chừng hai ba người gia đinh xách nước tưới cây. Cô Huyền biểu con Tý ngồi trên xe mà coi hoa ly, rồi cô bồng con leo xuống và hăm hở đi vào sân.
Cô Hương thấy cô Huyền thì không biết là ai, nên đứng ngó trân trân. Chừng cô nọ vô tới, cô mới hỏi:
- Cô ở đâu lạ tôi không biết? Cô đến nhà tôi có việc chi hay sao?
- Tôi đi kiếm thầy Bình. Xin lỗi cô, không biết phải thầy Bình ở nhà nầy hay không?
- Phải. Nhà nầy là nhà của thầy thông Bình. Cô kiếm thầy thông có việc chi?
- Tôi là vợ thầy, nên tôi xuống kiếm thầy.
Cô Hương chưng hửng, biến sắc, châu mài, ngó cô Huyền từ trên đầu xuống tới chưn, rồi cô chúm chím cười và nói: "Cô nói cô là vợ của thầy thông. Rủi quá, bữa nay thầy không có ở nhà, thầy mắc đi với mấy thầy vô làng mà ăn tiệc. Vậy tôi xin mời cô vô nhà cho tôi hỏi thăm một chút "
Cô Hương đi trước, cô Huyền theo sau mà vô nhà. Cô Hương mời khách ngồi tại bộ ván để dựa cửa rồi cô cũng ngồi ngang đó mà hỏi:
- Cô nói cô là vợ của thầy thông, còn em nhỏ đây là con của ai?
- Con của thầy Bình. Tôi ở với thầy sanh được một đứa con trai nầy đây. Xin lỗi cô, cô nói nhà nầy là nhà của thầy Bình, còn cô là ai mà ở đây?
- Tôi là vợ của thầy thông Bình.
Cô Huyền trợn mắt ngó cô Hương, sắc mặt hầm hừ, nghẹn cổ nói không được. Cô Hương thấy cô nọ giật mình thì chúm chím cười và nói tiếp:
- Thầy thông cưới tôi đã hơn một tháng nay. Tôi nói thiệt với cô, tôi không dè thầy có vợ có con rồi; nếu biết trước, thì có lẽ nào tôi nhẫn tâm ưng thầy đặng cho thầy bỏ con bỏ vợ. Mà tôi cũng xin hỏi cô, thầy thông làm bạn với cô được bao lâu? Từ ngày thầy đổi xuống làm việc tại Cần Thơ Đây, cô ở đâu, sao cô không ở với thầy?
Cô Huyền nghe mấy lời mềm mỏng như vậy thì cô bớt giận, nên cô thở ra mà nói
- Trước khi trả lời câu hỏi của cô, tôi xin cô cho tôi biết coi thầy Bình cưới cô, thiệt thầy không có nói cho cô hay rằng thầy đã có vợ, có con rồi hay sao?
- Thiệt thầy không có nói chuyện đó cho tôi hay.
- Cảm ơn cô. Vậy thì thẩy tham phú phụ bần, chớ không phải tại cô nhẫn tâm phá gia cảnh của tôi. Vì cô lấy thiệt tình mà đối đãi với tôi, vậy tôi cũng lấy thiệt tình mà đáp lại. Tôi là người ở trên Sài Gòn. Cách hơn hai năm nay, thầy Bình ra trường rồi làm việc tại hãng buôn. Thầy cậy mai nói mà cưới tôi rồi về ở chung nhà cha tôi trên Chí Hòa. Vợ chồng ở với nhau sanh được thằng nhỏ nầy đây. Cách mấy tháng trước, thầy thi đậu vào ngạch ký lục, rồi quan trên sai thầy xuống dưới nầy mà làm việc. Vì tôi không có mẹ mà cũng không có anh em, thầy sợ nếu dắt mẹ con tôi theo thì cha tôi ở nhà một mình buồn, bởi vậy thầy biểu tôi ở nhà hủ hỉ với với cha tôi, chừng nào thầy mướn phố dọn nhà xong rồi, thầy sẽ về mà rước. Tôi đợi mấy tuần lễ, không thấy thầy về. Tôi nóng nảy nên có lần đi xuống dưới nầy coi bề ăn của thầy ra thế nào.
- Té ra cô đã có xuống dưới nầy hay sao?
- Có. Tôi có xuống một lần. Thầy dọn phố rồi nhưng mà thầy không muốn cho tôi ở, thẩy cứ bảo tôi về đặng ở trển mà hủ hỉ với cha tôi cho vui. Tưởng chồng biết thương cha, tôi không nghi chi hết, nên tôi trở về Chí Hoà. Mới rồi chiều hôm qua đây, có người nói cho tôi hay rằng thầy đã cưới vợ khác rồi. Tôi chưng hửng mới lật dật bồng con xuống đây hỏi coi lời người ta nói như vậy mà có thiệt hay không. Theo lời cô nói với tôi đó, thì quả thiệt có như vậy rồi. Té ra thầy Bình học giỏi như vậy, đáng làm ông gì hay không tôi không hiểu, nhưng mà mình đã thấy rõ không đáng làm một ông "chồng", bởi vì thẩy cưới tôi đặng làm vợ mới vài năm mà thẩy đã gạt tôi, rồi bây giờ thẩy cũng cưới cô đặng làm vợ, ai dám chắc trong ít lâu thẩy không gạt cô nữa, đàn ông thiệt khốn nạn.
Cô Hương thấy cô Huyền y phục tầm thường, bộ tướng ngơ ngáo, nên ban đầu có ý khinh thị cô nên tính mời vào nhà định lấy thế lực kim tiền mà dọa cho cô biết mặt. Đến chừng nghe cô nói chuyện mới biết cô không phải là người giả dối, hay khờ khạo, để làm cao hơn cô được, bởi vậy cô Hương ngớ ngẩn rồi thở ra mà nói:
- Thiệt tôi cũng bị thầy thông gạt nữa....Tôi xin hỏi thiệt cô, vậy chớ hồi thầy thông cưới cô, thầy có lập hôn thú đủ phép hay không?
- Vợ chồng bền chặt là tại tình sâu nghĩa nặng, chớ phải nhờ chánh lục bộ lập hôn thú nên mới ở đời với nhau được. Tôi nghĩ như vậy nên hồi thầy cưới tôi, thiệt tôi không buộc thầy lập hôn thú.
- Khổ lắm!...Cô không dè dặt, bây giờ làm sao mà nói được! Nếu có trách thẩy, ví như thẩy nói thẩy không biết cô là ai, thì cô làm sao?
Cô Huyền cười ngó con.
Cô Hương hiểu ý nên nói tiếp:
- Phải, con là một cái bằng cớ của cuộc vợ chồng. Mà thuở nay thiếu gì người họ bỏ vợ, rồi họ bỏ luôn tới con nữa, Đàn bà cũng không biết phải làm sao được.
- Thiệt như vậy!.... Chồng không thương, mình phải chịu, chớ biết làm sao được!...Tôi xét phận tôi thiệt là khổ. Bây giờ tôi cũng như người đi đêm tối, không thấy đường mà bước. Cô cũng là đàn bà như tôi, vậy tôi xin cô chỉ giùm đường cho tôi đi. Theo ý cô, thì tôi phải xử trí làm sao bây giờ?
- Câu cô hỏi đó, tôi khó trả lời quá. Tôi cũng thuộc người trong cuộc chớ không phải người bàng quan, thế thì câu tôi trả lời sợ e không được công bình.
Cô Huyền ngồi lặng thinh ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi cô hỏi:
- Hồi nãy, cô nói thầy Bình mắc đi ăn tiệc, không biết chừng nào thẩy mới về?
- Đi ăn tiệc trong làng chắc là về khuya lắm.
- Vậy tôi xin kiếu cô tôi đi, để mai rồi tôi sẽ gặp thầy.
- Bây giờ đã tối rồi, cô đi đâu?
- Tôi ra chợ kiếm chỗ nghỉ.
- Cô có quen ai ở ngoài chợ hay sao?
- Không. Tôi không có ai quen ở Cần Thơ nầy hết. Tôi sẽ mướn phòng khách bạn tôi ở.
- Vậy thì cô ở đây mà nghỉ.
- Cám ơn cô. Nếu tôi ở đây, thì tự nhiên tôi sẽ gặp thẩy. Tôi không muốn gặp thẩy trước mặt cô, bởi vì tôi sợ cô nghe câu chuyện của vợ chồng tôi nói với nhau, rồi cô không vui, thà là tôi tự gánh sự buồn một mình chớ san sớt cho cô làm chi.
- Tôi muốn cô gặp thẩy trước mặt tôi, là vì tánh tôi không ưa mờ ám, phải hay quấy nói rõ ràng phứt một lần cho rồi.
- Xin cô nhớ lại mà coi, nãy giờ tôi có nói chuyện với cô, tôi chẳng có nói một bời nào trách cô hết, phải hay là quấy đều tại nơi thẩy, chớ không phải tại cô, mà cũng không phải tại tôi. Nếu cô muốn biết sự phải quấy cho rõ ràng, thì cô cứ hỏi thẩy nghĩ cũng đủ. Tôi xin nói tóm lại điều nầy: máu ghen là bịnh chung của đàn bà, chẳng ai có tài nào mà tránh khỏi cho được. Tuy vậy mà có khi mình thấy sự bạc tình bạc nghĩa mình gớm quá, rồi máu ghen nó tiêu mất hết, mình có thương tiếc gì đâu nữa mà ghen. Nếu mình còn ghen, thì té ra mình thấy đồ dơ mình không biết gớm hay sao. Thôi, tôi xin chào cô.
Cô Hương nghe những lời êm ái mà nặng bề như vậy thì cô lấy làm bối rối, chỉ gật đầu rồi ngó theo cô Huyền, chớ không kiếm được lời mà đáp.
Sang hôm sau, gần đông hầu, thầy Bình ngồi xe kéo xuống Tòa bố mà làm việc. Có lẽ thầy thức sáng đêm hay sao mà cặp mắt đỏ trõm lơ (Chú thích: đỏ và lõm sâu,:...cái đầu sù sụ,con mắt trõm lơ,hình đi phất phơ,như hình chó đói. vè "cờ bạc"), gương mặt sát sơ, lại đi dọc đường thầy ngó dáo dác, dường như sợ người ta chặn đường vậy. Tới Tòa bố, xe rừa ngừng lại thì thầy nhảy xuống gọn gàng rồi lật đật đi riết vô cửa.
Chẳng dè cô Huyền đã đứng sẵn trong cửa mà chờ, chừng thấy thầy vô tới thì cô bước ra cản trước mặt thầy mà hỏi:
- Thầy gạt tôi mà cưới vợ khác giàu có, bây giờ thầy tính phận mẹ con tôi phải làm sao?
Thầy Bình biển sắc, đứng trân trân, rồi nói ú ớ rằng:
- Chỗ nầy là Tòa bố, nói chuyện không tiện. Em ở khách sạn nào, em nói cho qua biết, rồi em trở về đó mà chờ qua. Một chút nữa qua sẽ xin phép đi xuống đó nói hết công chuyện cho em nghe.
Cô Huyền vừa cười vừa đáp:
- Công chuyện của thầy tôi đã biết rồi hết, chẳng cần nghe thầy nói nữa làm chi. Công chuyện mấy chỉ có 4 tiếng mà thôi, là: "Tham phú phụ bần" chớ chẳng có chi lạ, bây giờ thầy tính phần mẹ con tôi phải làm sao đây, thầy nói phứt cho rồi.
- Để qua cho em ít trăm đồng bạc, em trở về Chí Hoà ở mà nuôi con, mỗi tháng qua sẽ gởi tiền cho em xài, qua không bỏ em đâu.
- Vợ chồng ở với nhau hơn hai năm nay mà thầy chưa biết bụng tôi chớ! Tôi có phải là người chịu để cho chồng làm "đĩ đực" đặng lấy tiền mà ăn đâu. Chẳng bao giờ tôi thèm dùng tiền dơ dáy như vậy.
Mấy người đi hầu với mấy thầy thông, thầy ký nghe thầy Bình với cô Huyền nói chuyện lẹo chẹo (lời qua tiếng lại), thì đứng xa xa chong mắt mà ngó. Thầy Bình hổ thẹn nên năn nỉ nho nhỏ:
- Đứng đây mà nói chuyện nhà, thiên hạ họ nghe thì kỳ cục quá. Xin em trở về khách sạn đi.
- Không. Thầy phải nói cho dứt rồi tôi mới đi. Có hai lẽ nầy: hoặc thầy phải bỏ người vợ mới cưới rồi mướn phố cho mẹ con tôi ở với thầy; hoặc thầy đuổi mẹ con tôi về đặng ở với người vợ mới đó. Trong hai lẽ đó thầy nhứt định lẽ nào thầy phải nói phứt đi.
- Người vợ qua mới cưới đó giàu lắm, em à.
- Tôi không cần biết việc đó.
- Đời nầy có chi quí cho bằng tiền. Nếu em thiệt thương qua, thì em phải để cho qua kiếm tiền đặng sang trọng với người ta chớ.
- Vậy thì thầy nhứt định bỏ mẹ con tôi đặng ở với người đó cho sang trọng phải hôn? Cám ơn thầy. ..
- Qua đã nói với em như vậy, em không hiểu hay sao?
- Tôi hiểu lắm chớ. Tôi hiểu nên tôi thấy mặt thầy tôi gớm quá. Thôi tôi chúc cho thầy ở với vợ mới cho được lâu dài. Tình vợ chồng, nghĩa cha con đều dứt hết, kể từ bữa nay.
- Em đừng nóng giận...
- Tôi có nóng giận đâu. Tôi xuống đây là cố ý muốn biết rõ bụng thầy mà thôi. Nếu tôi nóng giận thì hồi chiều hôm qua tôi đã sanh giặc với người vợ mới của thầy rồi.
- Em phải nhớ rằng trai năm thê bảy thiếp...
- Thôi, câu chuyện mấy cũ lắm, đừng có viện cái lý thuyết hủ bại mấy mà che đậy cái lòng trọng tiền hơn trọng nghĩa của thầy.
- Qua đã nói hết lời mà em không chịu nghe, em muốn dứt tình vợ chồng thì tự ý em, qua biết làm sao.
- Cảm ơn thầy một lần nữa. Thầy học giỏi nên nói chuyện nghe hay quá. Thầy tham tiền nên bội nghĩa, mà rồi thầy nói như lỗi tại tôi vậy. Tuy tôi không có học song tôi thấy rõ cái lòng của thầy hơn thầy thấy lòng của tôi. Thôi, hết chuyện rồi. Tôi về...
Cô Huyền bồng con ra đi, thầy Bình nói vói:
- Em lấy bạc nầy mà về.
Cô Huyền day lại đáp:
- Bạc của thầy dơ lắm, thầy để mà xài, tôi không thèm đâu.
Thằng Nghiệp day đầu lại mà ngó cha nó. Cô Huyền lấy tay xây mặt nó qua chỗ khác, vừa đi vừa nói:
- Đồ như vậy mà con ngó làm gì con.
- o O o -
Tối một lát thầy Thanh đi làm việc về ăn cơm rồi thầy lại nhà Ông Ba Chánh như mấy bữa trước, đặng nói chuyện chơi với ông. Thầy vừa mới ngồi thì thấy cô Huyền về tới. Thầy thấy cô Huyền bước vô thì lật đật hỏi:
- Sao em về mau vậy? Chắc tin họ nói đó có thiệt như vậy chớ gì!
- Thưa, phải. Thẩy bỏ mẹ con em mà cưới vợ khác rồi. Cưới hơn một tháng nay, bên vợ giàu lắm, nên có mua cho thẩy một cái nhà thiệt tốt để vợ chồng thẩy ở.
- Đồ khốn nạn!... Em gặp thẩy rồi thẩy nói tại sao mà thẩy bỏ em, đâu em thuật lại nghe coi.
- Để em thay đồ rửa mặt rồi em sẽ thuật hết công chuyện cho cha với thầy nghe.
Cô Huyền trao con lại cho ông Ba Chánh bồng rồi đi vô trong, sắc mặt nghiêm nghị mà thôi, chớ không có nét buồn hay là giận chút nào hết.
Thầy Thanh thở ra mà nói với ông Ba Chánh:
- Tôi làm mai không nên thân, tôi buồn quá.- Thầy muốn sự tốt cho em cháu nên thầy mới làm mai. Nếu vợ chồng con Huyền phải rời rã,mấy là tại số mạng nó, chớ phải tại lỗi thầy hay sao mà thầy buồn.
- Để nghe coi em Huyền nói chuyện ra làm sao rồi tôi viết thơ tôi xài cho nó biết tôi.
Cô Huyền thay đồ rồi cô trở ra thuật hết đầu đuôi chuyện cô đi Cần Thơ lại cho thầy Thanh với ông Chánh nghe, khi mới tới cô đi kiếm nhà, cô hay tin thế nào, gặp vợ mới của thầy Bình cô nói những câu chuyện gì, sáng bữa sau cô gặp thầy Bình tại đâu, thầy cắt nghĩa cách nào, cô đáp lại lời gì, cô thuật rõ hết, không để sót một mảy.
Ông Ba Chánh nói:
- Nếu vậy thì tại người kia giàu, thằng Bình nó mê, nên nó lén cưới bướng chớ có gì đâu.
Thầy Thanh trợn mắt mà đáp :
- Anh nói như vậy sao được. Họ giàu mặc họ chớ. Nó có vợ con rồi, có lý nào thấy họ giàu mà mê rồi bỏ vợ bỏ con đi.
- Nó có bỏ con đâu. Nó biểu về trên nầy mà ở, nó hứa sẽ gởi tiền cho đặng nuôi con.
- Nó sợ em Huyền nóng nảy mà rầy ra xấu hổ, nên nó kiếm chuyện nói cho mát ruột như vậy, chớ nó biết thương vợ con, thì nó làm nó nuôi không được hay sao, cần gì mà phải cưới vợ khác cho giàu rồi mới nuôi vợ trước được.
- Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng, Tôi tưởng thằng Bình cuới thêm một người vợ nữa, nó không có phạm phong hoá đâu.
- Ồ! Anh kiếm cớ mà bào chữa cho nó như vậy nghe dở quá! Phải, trai năm thê bảy thiếp. Người Việt Nam mình muốn cưới mấy vợ cũng được, nhưng mà phải cho minh bạch, phải có vợ lớn đứng cưới hỏi cho thì mới trúng lễ nghĩa. Thầy Bình muốn cưới vợ khác, kiếm chước mà đuổi vợ con về bên nây, gạt biểu đừng xuống nữa, rồi ở dưới lén cưới vợ. Cử chỉ như vậy không thanh nhã, mà cũng không chánh đáng chút nào hết.
Ông Ba Chánh hết lời mà cãi nữa.
Thầy Thanh dây qua nói với cô Huyền:
- Em thuật mấy câu em nói với chồng em đó, nghe qua nghe qua phục hết sức. Nói như vậy thì đúng lắm. Mà nhứt là chồng em cho bạc mà em không thèm lấy đó, em mới thiệt là cao thượng.
- Cái phải mới quí chớ tiền bạc có nghĩa lý gì Đâu. Thà nghèo mà giữ cho sạch, chớ giàu mà dơ dáy thì em có ham đâu.
- Bây giờ em tính lẽ nào, đâu em nói cho qua nghe thử coi?
- Chồng em đã bạc tình bội nghĩa, nó bỏ em mà cưới vợ khác, thì bây giờ em coi ai chịu cuới em, em sẽ bỏ nó mà lấy chồng khác, em nhứt định như vậy rồi.
Thầy Thanh với ông Ba Chánh ngó nhau, bộ ngơ ngẩn. Ông Ba Chánh trao thằng Nghiệp lại cho con Tý bồng đi dỗ ngủ, rồi ông nói với cô Huyền :
- Con đừng có nóng giận mà tính lều như vậy.
- Con có nóng giận đâu, con bình tĩnh lắm chớ. Thiệt, hôm mới nghe tin, thì còn có buồn, mà lại giận nữa. Mà chừng xuống tới Cần Thơ con thấy rõ mọi việc, thì con chán ngán,
- Vợ chồng ở với nhau đã có con,để thủng thẳng coi nó tính lẽ nào. Con nằm giữa không mất phần mền, có lý nào nó bỏ con hay sao. Con không nên lấy chồng khác mà trái đạo nghĩa.
- Còn gì nữa mà nói đạo nghĩa cha! Vậy chớ cha không nhớ hôm người ta cãi với thầy Hai đây, người ta nói đời nầy thiên hạ ai cũng lo kiếm tiền hết thảy, mình dại gì mà còn đeo theo nhơn nghĩa đạo đức. Người ta lại nói người ta quyết kiếm tiền cho nhiều, dầu dùng phương pháp nào cũng được không cần chọn lựa. Người tâm tánh như vậy thì mình dùng đạo nghĩa mà đối đãi sao được. Con nhứt định phải trả đủa liền. Họ bỏ con thì con cũng bỏ họ lại.Vợ chồng không có hôn thú, con khai sanh theo họ mẹ, thì không ai ngăn cản con được. Mà con lấy chồng con không thèm ưng người nào có học thức nữa, con ưng người cu ly mà thôi, bởi vì người học thức họ lo kiếm tiền chớ có kể tình nghĩa gì đâu; hàng cu ly quê dốt,họ không biết môi miếng, có lẽ họ có tình nghĩa hơn.
Thầy Thanh gục gặc đầu mà nói:
- Đau lắm! ... Em nói chơi mà đau quá! Để mai qua viết thơ mà nói chuyện với thầy Bình.
Ông Ba Chánh chúm chím cười và nói:
- Thôi, thầy cũng chẳng cần viết thơ làm chi. Thẳng bỏ thì nó ở hủ hỉ với tôi. Tuy tôi là thầy thuốc nhà quê, song tôi cũng đủ sức nuôi con nuôi cháu tôi mà.
Thầy Thanh từ mà về, thầy vừa bước ra của vừa nói lẩm bẩm: "Danh lợi! Lợi danh! đời dễ ghét quá!"
|
|
|