Đội xe thồ, gồm toàn anh chị em nông dân, những người có xe đạp, bất kể xe đạp gì, là thành ra công nhân của đội. Hồ sơ mỏng thé một tờ đơn, một tờ lý lịch, chữ mực xanh mực tím ba bảy hai mốt ngày bay màu là mờ mịt. Còn về tổ chức, quản lý cũng lờ mờ không ra dạng kiểu nào. Mỗi mục đích rõ ràng, dứt khoát là đã bỏ hàng lên xe phải đưa đến địa điểm quy định, không sứt mẻ, suy suyển một ly dù có bom phản lực, bom B.52, bom bi hay xe thủng lốp, gãy vành. Thông thoáng thế, nhôm nhoam thế nên tuần hắn về nhà một lần, có khi hơn, để cái dạ dày đỡ lạo xạo hạt bo bo, để mẹ hắn bôi lên môi lớp mỡ lợn trơn nhẫy, thơm phức. Chung quanh thế cả, từ lãnh đạo đến dân thường luôn thiếu ăn, thiếu chất dinh dưỡng. Một bữa hắn về nhà đã thấy cô Nguyệt đang xoắn xuýt bên mẹ hắn: Cái cô Nguyệt con bà Liên bán cháo lòng ở ngõ chợ Nhu hắn chẳng lạ. Thời làm phó chủ tịch có việc phải ăn tập thể là lãnh đạo xã kéo ra đó, lố nhố trên giường, dưới đất chơi món cổ hũ vừa trắng vừa giòn và ném trộm cái mắt lên bộ ngực ngồn ngộn, phập phồng của cô ta. Là sau khi bị Nhi trả lễ chạm ngõ, hắn mới thấy cái bộ ngực ấy. Nhiều lần, cô ta nhìn hắn lả lơi lắm, còn đầu hắn ngoằn ngoèo những ý định chẳng lấy gì làm tốt đẹp, là thứ định của khối thằng đàn ông trước đàn bà. Hắn phải vận sức tưởng tượng ra cảnh làm chồng một khuôn mặt bèn bẹt, mắt thì lồi, mũi thì hênh hếch để thoát khỏi làn hơi nóng từ bộ ngực cô ta táp vào người. Vậy mà đêm ấy, sau khi ăn uống no nê, hắn và Nguyệt ra ngồi bên bờ ao hứng gió nồm thổi hiu hiu từ biển lên, rồi hắn và cô ta cùng ngả xuống cỏ, cùng hừng hực cả lên. Xong, hắn ân hận. Rồi mong không để lại trong người cô ta cái giòng giống của hắn. Hắn biền biệt hai tháng. Tháng thứ ba kể từ cái đêm gió nồm hiu hiu ấy hắn quyết định về nhà. ừ, thì trắng ra trắng, đen ra đen khỏi phải thắc thỏm. Vừa vào đến sân thì đụng cái bụng lùm lùm trắng lốp của Nguyệt. Cô ta kéo áo lên khoe, trời ạ. Vậy là hắn có vợ, có con. Hắn sang Liên Xô học. Về, lên tỉnh làm thư ký cho Phó chủ tịch. Những người muốn hắn biết sự nhiệt tình của mình bàn hắn đưa vợ con ra thành phố. Hắn mệt mỏi nói rằng công việc của đồng chí Phó chủ tịch nhiều quá, rằng hắn đang tập trung học ngoại ngữ. Học thế nào, không biết, nhưng hắn đã có bằng, từng mảnh nho nhỏ, màu đỏ, chữ nhũ vàng. Ai đến phòng hắn cũng được nom thấy vì hắn lồng chúng vào khung kính treo trên tường. Ai cũng ngước lên nhìn, ngắm, chỉ mỗi vợ hắn là không buồn rảy mắt ngó. Tháng bốn tuần, bốn chủ nhật, phòng ở của hắn cứ thình thịch tiếng chân cô ta, Nguyệt lặn lội đò giang, đường sá ngót năm chục cây số ra ở với hắn một ngày đêm, rồi cung cúc về với mẹ hắn, với lúa, khoai, lợn gà. Vậy là mụ thỏa mãn, không trách cứ, không rền rẫm. Chao ôi, vợ hắn sao mà tuyệt vời. Như giờ đây mặt mũi mụ đỏ phừng. Mụ đang vui, đang chờ được hắn khen món thịt gà xào sả rằng ngon.
Chuông điện thoại réo. Cái sự chuông điện thoại réo trước giờ ăn cơm, trong lúc ăn cơm với hắn là thường tình. Ông Phó chủ tịch Quảng gọi, bạn bè gọi, người quen biết gọi để nhờ vả. Nguyệt thì giật mình, không phải vì tiếng chuông lảnh lói quá, rền vang quá mà bởi cô ta biết sau tiếng chuông khỉ gió kia, mụ sẽ phải ăn một mình như kẻ góa chồng.
Hắn cúp máy, quay về phía vợ nói:
- Tôi phải đi rồi.
Nguyệt rền rĩ:
- Bữa nào cũng thế - Rồi nổi khùng, cơn khùng của đàn bà thường chỉ nhìn thấy ngón chân cái của chính mình - Nó là đứa nào? Đồ chó má cái họ hàng tông tộc nhà nó.
Hắn chồm tới đưa tay bịt miệng vợ. Mắt hắn nhìn quanh, không phải để tìm kiếm cái gì, mà để ý xem có ai luẩn quẩn đâu đó không. Hắn nói, như những tiếng thì thào:
- Đồng chí Phó chủ tịch gọi, nghe thủng chưa hả? Sao mãi rồi mà cô chưa hết ngu.
Nguyệt gỡ tay chồng:
- Phó chủ tịch à?
Nói xong đổ cả nồi thịt gà xào sả xuống nền nhà. Những cái bong bóng mỡ vàng ươm li ti, lềnh bềnh.
Hắn xách cặp ra khỏi phòng, không buồn cả đóng cửa. Đêm bàng bạc và tĩnh lặng. Đường phố vắng vẻ, cứ như bao lâu rồi nó đã như thế. Vợ hắn thô nháp từ người đến cách ăn nói, nhưng bụng ả thì thương hắn trước sau như một. Chỉ vì ả không biết mối quan hệ rường cột giữa hắn và ông Phó chủ tịch. Trách ả tội nghiệp. Hắn có bao giờ kể chuyện công việc ra cho ả nghe đâu. Riêng gì ả, khối người trong cơ quan ngày cụng mặt nhau dăm bảy lần cũng không biết nữa là. Cái thời buổi lao xao khôn sống vống chết này. Ông Phó chủ tịch ba nóng bảy rét thì hắn cứ phải bảy rét, ba nóng. Nghe bảo, ông trưởng thành từ một trưởng trại nuôi lợn, chăm học nên đạt bằng đại học Nông lâm lại thêm bằng trung cấp chính trị. Chẳng biết ông học hành thế nào mà có những cái bằng đỏ gặp thời, đắc địa, chứ cái đầu ông lồi lõm những khoảng trống. Hắn phải viết những điều ông cần ra giấy để ông đọc mà khỏa lấp đi cái khoảng trống mà theo hắn mọt kiếp vẫn cứ trống. Có điều, hắn thành được cánh tay phải của ông nhờ vào khoảng trống kia. Đêm nay chắc một khoảng trống nào đó của ông đang cần hắn, một chuyện gì đó ông ta không giải nổi phải cần trí thông minh mẹo mực của hắn. Hắn chứ không phải là Chánh văn phòng. Linh tính về một chuyện không hay làm hắn lo lắng. Hắn nghĩ tới chuyện sập cống Hòa Hải. Hiện lên trước mắt hắn những xác người chết, xói vào tai hắn những tiếng khóc gào. Thì hắn đã dàn xếp êm thấm, những con tốt đen đã được tung ra thực hiện phận sự của loài tốt đâu vào đó. Sau vụ ấy, ông Quảng nói với hắn: "Tôi ơn anh" - "Ơn huệ gì, đấy là trách nhiệm của tôi bảo vệ uy tín cho tổ chức". Hắn nói mà bụng thì mở ra cười. Cảm ơn chưa đủ đâu - hắn thầm thì - Nếu mà không có hắn, những người ghét ông sẽ trùm lưới sắt lên đầu ông. Nhân dân sẽ cho tung toé văn nghệ dân gian ra. Thứ vũ khí ấy chẳng có gì chống nổi. Lâu nay nhan nhản thơ, vè, câu đối, truyện tiếu lâm nhằm đả kích lớp người lãnh đạo như sông, như suối, như lạch chảy từ thành phố về nông thôn, tràn từ nông thôn ra thành phố. Cái tư tưởng chống đối ấy từ đâu ra? Rốt cuộc truy về nguồn gốc thì là từ những việc làm sai trái của lớp người lãnh đạo kia. Là ngẫm thế, biết với mình thế. Hắn không đến nỗi ngu để nói với ông Quảng suy nghĩ của mình. Cống Hòa Hải sập hôm trước thì hôm sau đã nghe câu đối: "Cái cống sập vùi dân đen xuống đất / Cánh cửa mở đẩy Quảng Lơ lên trời". Thứ tư tưởng chống đối không thể để tồn tại, nhưng chẳng thể bịt miệng thế gian mà phải làm cho thế gian tự bịt miệng lại.
Tưởng chỉ là chuyện hỏi han công việc như bao lần khác, tại nhà riêng, nên hắn xởi lởi suồng sã tí chút, cả cười thành tiếng từ ngoài ngõ, nào ngờ ông Quảng cau có ném vào người hắn một tờ báo. Hắn quờ tay giữ tờ báo và ép vào ngực mình, chưa hết sững sờ. Chẳng phải vì tờ báo bay tới đột ngột quá mà vì vẻ mặt giận dữ của Phó chủ tịch.
- Anh còn đứng ngẩn tò te ra đó à? Đọc đi - Ông Quảng nói rồi ngả lưng vào thành ghế.
Vậy là người gặp vạ là hắn rồi. Cách tốt nhất là trốn khỏi cơn giận của ông, chờ ông nguôi ngoai. Bao nhiêu người đã khôn ngoan làm thế. Không trốn được thì cứ phải mềm nhũn ra, luồn lách theo lời ông. Cái gàn ông Đồ Nghệ, cái nhỏ nhen ông nông dân sản xuất nhỏ trộn với tính độc đoán anh cán bộ xã cuối thời chống Pháp của ông Quảng, từng làm khổ hắn nhiều lần.
"Rật!" - Ông Quảng đập tay vào đệm xa lông và giật giọng:
- Ngay trang một, nó viết cống Hòa Hải, nó viết về tôi, về cái tỉnh này. Nó muốn phủ nhận cuộc cách mạng sản xuất lớn XHCN. Hừ, còn nước mắt, khói hương. ở đâu ra thứ ấy nằm chườn ườn trên báo vậy? Hả?
Hắn đưa tờ báo vào gần ngọn đèn trên bàn làm việc của ông Phó chủ tịch. Những dòng chữ to tướng "Một tai nạn đáng tiếc" đập vào mắt hắn, nhảy múa trước mắt hắn. Đúng sự thật cả, dù không muốn, dù như ngậm ớt, hắn cũng phải nghĩ vậy, cũng phải thấy ra không có gì sai ở cái chuyện sập cống được chữ nghĩa vẽ lên có đầu có đuôi vậy. Đến dòng chữ dưới đít bài báo thì hắn giật mình táng đảm ra: Nguyễn Kim Nhi - tác giả bài báo - Cô gái làng Thượng Cồn ấy... Bữa nọ ở huyện, trước khi về, cô ta mượn hắn cặp tài liệu về cống Hòa Hải trong đó đủ cả luận chứng, bản vẽ thiết kế, dự toán, nói là để tham khảo. Hắn đã thấy lờ mờ cái gì đó nhưng cái gì đó cứ mãi lờ mờ đằng sau khuôn mặt trắng trẻo có nụ cười hớp hồn hắn. Thế nên hắn đã bị lừa. Dẫu sao thì...
- Bài báo viết y như thật! - Hắn buông giọng, ma xui quỷ khiến thế nào để hắn buông ra một câu thật lòng ấy?
Ông Quảng như bị roi quất vào người, chồm dậy, bước khỏi ghế xa lông, cái chân bị tật của ông bần bật trên nền gạch:
- Anh bảo sao? - Mắt ông trợn tròn lên - Sự thật à? Sự thật cái con khỉ. Định hướng văn hóa, văn nghệ ở đâu? Văn nghệ, báo chí là để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Có những sự thật không được viết, vì nó ảnh hưởng xấu đến phong trào, tới uy tín lãnh đạo, đơn giản thế mà không nghĩ ra à? Thế mà cũng nhà văn, nhà báo à? Các đồng chí ở Trung ương mà đọc bài báo này thì mặt mũi của tỉnh ta còn màu mè gì. Nếu dân mà đọc thì dân nghi ngờ chủ trương đúng đắn của tỉnh. Còn lọt vào kẻ thù chống đối thì nó sẽ nắm lấy mà lu loa chửi con đường xã hội chủ nghĩa. Đơn giản thế mà cũng không nghĩ ra à? Mà tôi hỏi anh, ai cung cấp tài liệu cống Hòa Hải cho cô ta?
- Dạ, tôi không biết ạ. Hôm gặp tôi ở huyện, cái hôm anh hỏi tôi cô ta có xuống công trường làm nại muối không, tôi đã trả lời anh là không và cô ta về rồi. Từ ấy lại nay tôi không gặp cô ta.
Ông Quảng nói:
- Tôi không bảo anh cung cấp tài liệu mà hỏi ai cung cấp tài liệu, cứ gì anh phân bua. Giờ tôi mới hỏi anh là xử lý việc này ra sao đây?
Hắn trở lại cái vị trí của mình trước Phó chủ tịch Quảng, vừa là thư ký, vừa là quân sư. Hắn nói:
- Trước tiên phải lệnh thu hồi số báo này. Sau mới tính phóng viên Nguyễn Kim Nhi và Tổng biên tập.
Ông Quảng đã lại ngồi xuống ghế:
- Thu hồi? Kịp không?
- Tôi sẽ đi ngay bây giờ.
- Chú đi đi. Gọi xe thằng Huy mà đi. Xong việc lúc nào về gặp tôi lúc ấy. Sáng mai tôi đã phải có mặt ở Cửa Biển sớm để đón tàu chở mì bột vào cảng. Làm lúa từ khi có con người đến nay mà không đủ gạo ăn. Mà anh phát nhanh cái công văn về việc cán bộ công nhân viên một năm tự túc hai tháng lương thực. Trăm nỗi cho cái ăn cái mặc mà báo chí còn quậy. Thật chẳng ra làm sao.
Hắn thống thiết:
- Tôi từng đề xuất với anh đưa cán bộ chính trị xuống nắm giữ các cơ quan tuyên truyền như báo, đài, văn nghệ thì anh mới yên tâm được. Nhân chuyện bài báo này, tôi xin anh phải rắn tay lên.
|
|
|