Cây cột đèn đã đi khỏi nơi này một thời gian, nay mới vun trở lại và bác nông dân lấy làm sung sướng tựa lưng vào. Nó vừa tròn vừa mát hơn bất cứ thứ ghế dựa nào.
Chợ Bến Thành bây giờ lại đông vui tấp nập hơn xưa. Mặt đồng hồ tròn vành vạnh như vầng trăng rằm. Trên đỉnh nóc lá cờ bay như thân Rồng Vàng uốn lượn.
Có những vật ngày trước rất tầm thường nay bỗng trở thành lạ lùng kỳ ảo. Người qua laị dập dìu như xưa. Ai cũng ném cho bác một cái nhìn ngắm rồi bước nhanh. Họ như hối hả đi lo công việc gì. Một người đứng lại nhìn bác rồi vừa đi vừa nói với người bên cạnh:
- Chắc ông già Mán này đi lạc xuống phố!
Người kia cãi lại:
- Mán thì xuống núi bán thuốc. Sao lão này không thấy bán gì hết!
- Ðây chắc chắn là Thượng! Coi kìa, cách ăn mặc của ông ta!
Họ có lý khi bảo nhau như thế. Ðây là một người Thượng, một người Thượng ngồi giữa Bùng binh Sài Gòn, hình dáng trông khác hẳn người địa phương. Ông ta ngồi tựa lưng vào cột đèn, bất động, mắt chăm chú nhìn mặt đồng hồ chợ. Ông ta coi giờ ư? Người Thượng chỉ nhìn mặt trời cao thấp trên đỉnh núi để biết giờ chớ cần chi đồng hồ? Tóc ông ta muối tiêu. Hai dòng mồ hôi chảy dọc thái dương. Hai bắp tay ông đầy những đường trầy ngang dọc rướm máu. Có lẽ ông ta vừa vượt một quãng đường xa gai góc và nguy hiểm. Ông ta cúi xuống ngồi rịt lại một miếng vải cũ trên bắp chân rồi nắn bóp hai bàn chân trần và những ngón chân tách móng như những đầu gậy tòe.
Có lẽ ngồi lâu khó chịu, nên ông đứng dậy vươn vai. Thì bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh đeo trên người ông khua động càng chứng tỏ ông là một người Thượng: một cái rựa đeo bên hồng bằng một sợi dây da thú, còn bên kia thì chiếc "bi đông" làm bằng vỏ một trái bầu khô và mấy ống nứa buộc quanh lưng.
Ông rút nút "bi đông" ngửa cổ lên ực vài ngụm nước, tay chậm chạp nhét nút lại trong khi mắt vẫn dán lên mặt đồng hồ. Rồi cầm lấy chiếc gập dựng ở cột đèn và quảy gùi lên vai, vừa đi vừa đưa tay vắt ngược lên vai bộ râu dài như râu hát bội.
Một đám con nít chạy theo sau lưng bố già. Chúng chỉ chỏ, reo cười:
- Ông già Mán! Ông Mán!
- Ông ơi, ông có bán thuốc nhức mỏi không ông?
Một đứa trỏ vào chiếc gùi hỏi:
- Ông có bán mấy trái bắp này không ông Mán?
Bất thần ông ta đứng lại và nói bằng tiếng Việt rất sành:
- Bắp của tôi để ăn, nhưng mấy em muốn thì tôi cho đấy!
Nói xong lão đặt gùi xuống đất, lấy mấy trái bắp đưa cho đám con nít.
Một đứa kêu lên:
- Ổng không phải là người Mán tụi bây ơi! Ổng nói tiếng mình rõ quá mà!
Một đứa láu lỉnh nghếch mặt lên hỏi:
- Ông không phải là người Mán thiệt hả ông?
- Không, tôi không phải là người Mán!
- Sao trông ông giống mấy người Mán ngồi ở vỉa hè bán thuốc rừng vậy?
- Tôi không phải là người Mán, tôi cũng không có bán thuốc gì hết. Tôi là người Việt Nam ở tại Sài Gòn đây mà!
Ðám con nít vây quanh ông tỏ vẻ tò mò cực độ. Một đứa bạo dạn lắc lắc bầu nước, hỏi:
- Vậy ông là người ...ở đâu đến, ông Mán?
- Tôi gốc ở đây, nhưng tôi từ trên rừng mới trở về.
Thấy chuyện lạ người ta bu đến càng lúc càng đông, người lớn thì hỏi han tìm hiểu còn trẻ con thì bàn tán. Giây lát đám đông phình ra, cản trở sự lưu thông, xe cộ bóp kèn inh ỏi, nhưng không xoay chuyển được khối người . Cuối cùng một chiếc xe cảnh sát đến. Viên cảnh sát từ trên xe bước xuống, rẽ đám đông chen vào ra dấu bảo ông Mán tránh lên vỉa hè cho xe chạy.
Nhưng một người nói:
- Ông ta không phải là người Thượng đâu!
- Ông ấy là người Sài Gòn đấy, hổng tin biểu ổng nói tiếng mình thử xem.
Viên cảnh sát liền hỏi:
- Ông là người Sài Gòn hả?
- Dạ phải, tôi là người Sài Gòn !
- Sao ông ăn mặc như thế này?
- Dạ thế này là thế nào ?
- Ông bảo ông là người Sài Gòn sao ông lại đóng khố như người Thượng vậy?
- Dạ, vì tôi ở trên núi từ trẻ đến già.
Cuộc đối thoại có vẻ hấp dẫn nên thu hút người càng lúc càng đông. Viên cảnh sát đến dọn đường hóa ra là cho lưu thông càng thêm nghẽn tắt.
Chính viên cảnh sát cũng bị câu chuyện hấp dẫn nên cũng không biết sự bất tiện đó. Viên cảnh sát lại hỏi tiếp:
- Ông lên vùng cao được bao lâu mà trông ông chẳng khác người Thượng thế kia?
- Dạ từ lúc tôi bị đuổi học, tôi bị đi kinh tế mới, rồi đi tìm cha tôi tới nay.
- Là bao nhiêu năm?
- Nước ta mất bao nhiêu năm, thì tôi đi tìm cha tôi bằng ấy thời gian.
- Ông bị đuổi học lúc nào?
- Dạ lúc tôi vừa học xong trung học. Chúng đến, không cho tôi lên đại học.
- Lúc ấy ông mới....?
- Dạ, 17 .
- Như vậy ông ở trên rừng đến mấy chục năm?
- Dạ chắc cũng cỡ đó. Tôi lạc đường, không tìm được lối ra rồi ở luôn trong hang núi - Trước đây ông định vào ban nào của Ðại học?
- Dạ Văn khoa.
- Bây giờ chúng nó ôm vàng chạy hết! Các trường ta đã mở lại như cũ rồi. Ông có muốn đi học tiếp không?
- Tôi nghĩ là tôi đã học xong đại học rồi ạ! - Người "Mán" nói với một nụ cười gượng trên môi - Tôi lại qua luôn mấy cái đại học nữa là khác. Hai mươi năm lăm năm là một thời gian quá dài cho một học sinh hoàn thành nhiều môn học ở đại học.
- Những vị thầy của ông trước kia là ai ? Có ai còn sống không ?
- Tôi là học trò mà đã thế này rồi. - Người "Mán" lôi bộ râu trên vai nâng ra trước mặt - thì những bậc thầy của tôi chắc không vị nào còn trên đời.
Viên cảnh sát cười:
- Theo như tôi tính thì ông mới có 42 tuổi thôi. Vậy thì các vị thầy của ông cũng chỉ đến 70 là tối thượng. Bảy mươi tuổi đối với người Việt Nam đâu phải là khó tìm.
Người "Mán" nói:
- Ðã đành rằng 70 tuổi không phải là cao lắm đối với người Việt Nam, nhưng 25 năm mất nước dài bằng ...từ ngày lập quốc tới nay. Nếu ai còn sống sót ắt phải trở thành á thánh.
Viên cảnh sát phá lên cười làm mọi người cũng cười theo. Viên cảnh sát nói:
- Tất cả chúng ta đều là thánh chớ không phải là Á Thánh. Bây giờ đám giặc nước đã chạy cả rồi, những ông thánh chúng ta đã trở lại xứ sở qua một cơn ác mộng dài. Ông trông kìa, trên trời đâu còn ráng dỏ. Hì hì...thôi, còn bao nhiêu rượu hãy uống nốt đi, ăn mừng ngày tái ngộ. Rôi lên xe, tôi đưa cho ông về nhà.
Viên cảnh sát trỏ chiếc bầu đeo bên hông người "Mán". Ông này nâng lên mời đáp lễ. Viên cảnh sát tu xong thì ngó sang đám đông bên vườn hoa, chép miệng kêu:
- Cái gì nữa kia vậy bà con?
Mọi người ngó về phía vườn hoa nơi lớp lớp sóng người đang đổ dồn về. Chỉ trong nháy mắt đã đen nghẹt cả khu bùng binh.
Viên cảnh sát không phải ra lệnh cho mọi người giải tán, nhưng vòng người vây quanh ông "Mán" tự nhiên rã ra và rùn rùn chuyển sang đó!
Một chiếc xe truck chậm chậm chạy tới và đỗ bên lề vườn hoa gần đầu cầu vồng bắc qua đường. Trên thùng xe sừng sững một quả núi con phủ vải vàng sọc đỏ. Có người đoán bên trong là một bức tượng vì hình thể lộ ra bên ngoài.
Viên cảnh sát vội vàng bước lên xe và mở máy chạy sang.
Thì đúng thật. Hôm nay cử hành lễ dựng tượng CHIẾN SĨ CỘNG HOÀ.
Trời chiều bảng lảng. Ánh thái dương vẫn còn rực rỡ trên chót nóc chợ lấp lánh trên mặt đồng hồ. Người đến vườn hoa càng lúc càng đông. Bức tượng cũ đã bị lật nang nằm chổng chơ ngoài đường. Lão già cầm quyển kinh, gãy một tay và lọi cổ. Chiếc đầu lâu nối liền với thân mình bằng những cọng sắt, văng ra xa lắc. Mấy đứa con nít nghịch ngợm buộc dây lôi trên đường nghe lọc cọc như một quả bóng xi măng. Chúng kéo băng qua đường đến bên lão già người "Mán" đang còn đừng ngơ ngẩn ngó qua phía đông người.
Một cậu bé trỏ chiếc đầu lâu và hỏi:
- Ông biết cái thủ cấp của ai đây không ông "Mán"?
- Ðầu của ai mà bằng xi măng cốt sắt vậy, trông lạ quá, tôi không biết đâu!
Nghe ông "Mán" nói, một cậu bé giải thích:
- Không biết lão ấy làm gì mà cứ ngồi lỳ ở đó, tay cầm cuốn sách. Sách gì? Ðầu óc, mắt mũi của lão đều bằng xi măng, cuốn sách cũng bằng xi măng mà đọc cái gì?
Nói xong chúng lại lôi cái thủ cấp lăn lông lốc trên đường.
Người "Mán" đứng nhìn theo. Ông ta biết chớ nào không, lão già và cuốn sách ấy! Chính lão ta đã phá gia đình ông tan nát. Bố ông đi cải tạo, mẹ ông đi kinh tế mới, hai chị ông đi tìm tự do chết trên biển, còn ông thì ra thấn thể như ngày nay.
...Thằng Nam đã đến nhiều trại cải tạo bằng cặp chân của mình. Nó lê lết khắp các vùng thượng du trung du Bắc kỳ, đã đi lao động khổ sai lẫn với tù và đi lạc vào một khu rừng núi không tìm đường ra được.
Nó phải ở trong hang núi và sống bằng trái cây, đôi khi bằng thịt rừng. Bỗng một hôm...nó nằm chiêm bao thấy hai chị nó mình mẩy ướt dầm, báo cho nó biết rằng mình đã bị đắm thuyền chết trên biển. Nó kể chuyện bị lạc cho chị nghe. Sáng hôm sau có đôi chim xanh đến đậu ở miệng hang, nó đuổi mãi không đi. Nó nghĩ rằng đây là linh hồn hai chị đến mách đường cho nó. Thật vậy, nó đi theo đôi chim và đã ra khỏi rừng.
Nó được nhìn thấy đường cái, người đi đường, trâu bò, nhà cửa và xe cộ. Có điều làm nó ngạc nhiên là một đám học trò trông thấy nó bèn đứng nép qua lề đường ngã mũ chào. Một đứa nói:
- Cụ ạ! Cụ có cần gì chúng cháu giúp cho!
- Ở đây là đâu? - Nó hỏi lại.
- Dạ ở đây là đất khởi nghĩa của vua Lê Thái Tổ.
- Tức là thuộc tỉnh Thanh Hoá?
- Vâng ạ! Ðây là miền Tây Thanh Hoá giáp ranh với Lào.
Một đứa nghe Nam nói giọng miền Nam bèn gặn hỏi thêm:
- Cự ở đâu trông lạ thế?
- Tôi ở thành phố Bác! (may sao Nam còn nhớ vai trò "kịch sĩ" của mình) - Thành phố bác nào ạ?
- Thành phố Bác ấy mà, các em không phải là cháu yêu của Bác Hồ hay sao?
- Bác nào cơ? - Cả bọn ngạc nhiên vây quanh ông lão "từ cung trăng mới rớt xuống".
Một đứa nói:
- Cháu học địa lý không thấy thành phố nào hiện nay gọi là thành phố Bác cả!
- Chúng cháu không biết bác Hồ nào hết! - Một đứa khác tiếp theo.
- Nghĩa là thế nào? Các em không nghe nói thành phố Hồ Chí Minh sao ?
- Chúng cháu nghe trước đây cơ! Nhưng năm nay không còn gọi thế nữa.
Bỗng một bác nông dân đi qua. Một đứa bé thuật đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong bác nông dân noí:
- Ðó là chuyện năm qua. Bây giờ không còn thành phố Hồ Chí Minh mà chỉ còn thành phố Sài Gòn, không còn lăng Bác, mà chỉ còn Chùa Một Cột giữa Ba Ðình thôi cụ ạ!
Trong lúc đám học trò tản dần thì bác nông dân lại bắt chuyện. Thấy bộ râu dài quá cỡ của người khách lạ thì hỏi phăng tới:
- Xin lỗi, cụ ở đâu mà không biết nước ta đã thoát ách nô lệ của cộng sản?
- Dạ, tôi ở trong Nam. Xin đừng gọi tôi thế! Tội chết! Tôi đâu đáng gọi "cụ"!
- Bác ở trong Nam? Ở trong Nam sao bác không biết cả nước ta đã giải phóng ?
- Tôi ở trong rừng năm năm, mười năm, hai mươi năm hay lâu hơn nữa đó mà!
- Dù thế nào, bác cũng phải biết nước ta giải phóng chứ! Cả thế giới đều biết thì sao bác lại không?
- Tôi ở trong rừng, không biết gì hết, không biết cả đường ra!
- Hai mươi năm? - Bác nông dân kêu lên, kinh ngạc cực độ - bác lạc trong rừng những hai mươi năm?
- Hay hơn thế nữa. Bác trông tôi đây, khi tôi khởi sự đi tìm bố tôi thì tôi chỉ lớn hơn mấy em học sinh kia một chút, mà bây giờ ...- Nam lặng lẽ nâng bộ râu dài phóa trước.
- ...bác đã bạc hết tóc! Bây giờ bác định đi đâu, để tôi chỉ đường cho!
- Tôi tiếp tục đi tìm bố tôi trong các trại cải tạo.
- Các trại ôn dịch đó đâu còn nữa! Chắc bố bác bây giờ đang ở nhà và lại đi tìm bác!
- Thế thì để tôi đi nhanh về nhà gặp bố tôi, kẻo ổng lại đi tìm tôi như trò chơi rồng rắn ấy!
Bác nông dân trỏ tay:
- Ðây là quốc lộ số 1, cứ đi thẳng miết là tới Sài Gòn !
Rồi hai người chia tay. Bác nông dân đi vào xóm. Còn Nam thì bâng khuâng đứng giữa hoàng hôn bảng lảng ánh trời chiều, đưa mắt ngó đông ngó tây, ngó nam, ngó bắc, ngó khắp trời đất. Chợt thấy một trũng nước giữa đường Nam bước tránh qua. Nhưng Nam bỗng dừng lại vì trông thấy bóng mình dưới đó, in trên nền mây đở bầm, có vẻ kỳ quái.
Nam đứng khom xuống nhìn trân trối, tưởng ai không phải mình. Một mái tóc bạc phơ, một cái cổ dài ngoẵng như cổ con vịt đói. Nam vui vui tự nhủ:
- Những ngày Từ Thức lạc Thiên Thai qua nhanh thế ư? Một cái chớp mắt trên đó bằng mấy chục năm ở trần gian. Nam đã bị cuốn vào một "giấc mơ dài". Lúc ra đi tóc hãy còn xanh, khi trở về râu dài chấm đát, nếu nối lại sẽ dài bằng hành trình của trái đất vận chuyển quanh mặt trời mấy chục lần. Chả trách gì ai cũng gọi ta bằng "cụ" ."Từ thanh xuân chí ư bạch phát"! Tóc ta đã bạc thì cũng chính là lúc phụ tử trùng phùng. Ồ Sài Gòn đã sạch bóng quân thù. Những vệt đỏ loét không còn làm bẩn màu trời xanh nữa. Tiếng hát quốc ca bên vườn hoa vang động làm đứt ngang dòng hồi ức của "lão già Mán" nay đã ra khỏi đêm núi rừng.
"...Làm sao cho núi sông ...Từ nay luôn vững bền ...Dù cho thây phơi trên gươm dáo..."
Bất giác Nam băng qua đường sang vườn hoa. Những vệt nắng rực rỡ trên mặt đất như dát vàng. Nam chen qua đám đông và tự xếp vào cuối hàng của đơn vị võ trang danh dự.
Lễ chào cờ xong, một vị đứng trên bục đọc diễn văn khai mạc buổi lễ.
- "Ðể tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình vì nước trong cuộc xâm lăng của cộng sản Bắc Việt năm 1975 và chiến thắng của chúng ta, hôm nay chúng tôi, Ủy ban đô thành quyết định dựng bức tượng BẤT KHUẤT giữa vườn hoa chợ Bến Thành lịch sử đau thương và oanh liệt. Kể từ nay, thành phố thân yêu này đã trút bỏ cái tên ma quái của một xác chết để khoác lại cái áo ngày xưa "HÒN NGỌC VIỄN ÐÔNG" từng được cả loài người yêu mến..."
Vị diễn giả vừa dứt lời, tấm vải trùm trên bức tượng được những cánh tay xinh xắn từ từ giở ra, để lộ một chiến sĩ QLVNCH bằng đồng đen cao vòi vọi . Rừng người bỗng rợp hoa vàng. Những đoá hoa vun vút nở rộ gây nên một luồng gió rung chuyển cả không gian. Tiếp theo, pháo nổ và loạt súng chào mừng, tôn vinh. Tiếng súng vang dội nghe nát lòng không gian như lời tạ tội của đám hậu sinh đối với tiền nhân và Tổ quốc.
"Việt Nam Cộng Hoà muôn năm! -Muôn năm."
Nam cũng vung tay hô theo đến khan cả cổ. Khi diễn giả dứt lời thì một tốp thiếu nữ mặc đồng phục trắng như tuyết bước lên đặt những bó hoa hồng chung quanh chân người chiến sĩ. Một trận mưa hoa rơi bất tận.
Ngưòi chiến sĩ cộng hoà tay bồng súng, tia mắt như gươm chọc thủng trời chiều. Vầng trán đượm nắng vàng với những nếp nhăn rực rỡ, người chiến sĩ đứng im như hoài niệm một thời xưa oanh liệt, như tưởng nhớ tới những đồng đội đã vừa nằm yên trong lòng quê hương yêu dấu, như tận hưởng hương sắc của trận mưa hoa.
Khách dự lễ dần tan nhưng người từ bốn phía vẫn đổ tới, trong niềm vui của ngày hội lớn.
Mọi người đều trầm trồ khen bức tượng không biết ai đã khéo tạc mà "giống" đến thế!
Người thì bảo đó là lính Thủy quân lục chiến, kẻ cho rằng đó là Biệt động quân, người lại quả quyết rằng Lính sư đoàn 9. Trong lúc một ông già, có lẽ là dân đồng bằng sông Cửu Long lại đoan chắc là chiến sĩ sư đoàn 7.
Một cụ khác không tranh cãi, chỉ nói bằng giọng tự hào:
- Con cháu tôi đều là lính của các đơn vị đó. Thôi thì lính đơn vị nào cũng được, miễn không phải cái thứ lính đội nón cối là được rồi.
Trời tối, khác dự lễ thưa dần. Nhưng người đến lại càng lúc càng đông. Những liếp hoa trồng bị những bó hoa của khách mang đến lấn dần và chiếm hẳn ưu thế để cuối cùng trở thành một vườn hoa tân tạo.
Nam chú ý từng gương mặt. May ra trong số phụ lão có ba mình. Năm nay ba đã ngoài 60. Nam không dám nghĩ tới cái chết của ba. Một ngày còn sống, một ngày còn hi vọng. Nam đi tìm chỗ nghỉ lưng. Nam rút nút bầu rượu kê vào miệng ngửa cổ ực mấy ngụm. Nam loáng thoáng nhớ lại những ngày lặn lội trong rừng, nhớ những gương mặt tù trong những trại mà Nam đã tìm đến, lòng nghe như rũ sạch bụi đường.
...Chung quanh Nam không còn ai. Người chiến sĩ vẫn ôm súng đứng canh dưới ánh đèn, gương mặt tràn đầy hạnh phúc giữa tấm thảm hoa rực rỡ.
Nam chỗi dậy định về nhà nhưng sực nhớ từ ngày đó nhà Nam người ta đã chiếm. Mẹ năm nay đã già lắm không biết sống với ai.
Bất giác Nam gục đầu kêu lên the thé:"Ba ! Ba ơi !" - rồi lầm lủi bước đi. Miệng vẫn còn lầm thầm:
- Ba ơi! Giờ này ba ở đâu? Ba có biết con đang đi tìm ba?
Rồi Nam bước đi, lòng đau như cắt, nghiêng ngả, vật vờ cơ hồ không lê nổi đôi chân. Hai mươi lăm năm Nam đã đi khắp cùng trời cuối đất, vẫn không tìm được nét mặt thân yêu nghiêm nghị ấy. Nhưng bỗng phía sau lưng một làn gió thoảng có tiếng như gọi:
- Ba đây con!
Nam quay lại nhưng chỉ thấy người chiến sĩ đứng trên bục hoa. Nam ngỡ mình nghe nhầm. Có lẽ một người khách nào gọi đứa con đi lạc. Nam lại tiếp tục bước. Nhưng lại nghe rõ hơn. Tiếng gọ giật lại:
- Ba đây con! Ba của con đây! - Giọng nói nghe quen thân quá, nhưng dường như cũng xa lạ quá, như có như không, như hư như thực. Giọng kia lập lại lần này to hơn. Nam quay phắc lại nhưng vẫn thấy bóng người chiến sĩ ngả dài trên những cụm hoa im lặng. Nam đang ngơ ngác ngó quanh tìm kiếm. Thì giọng kia lại cất lên nồng nàn, như có đượm tí nước mắt:
- Nam, ba đây con!
Nam chạy tràn tới. Người chiến sĩ nâng súng lên, run lắc làm sắt thép khua vang đêm trường.
- Ðây, súng của ba, con hãy cầm lấy!
Bất giác Nam ôm lấy khẩu súng. Thép súng chạm vào ngực Nam lạnh ngắt. Nam ngước lên nhìn. Vầng trán người chiến sĩ gợn lên những nếp nhăn như lá cờ vàng lượn bay trước gió nhẹ. Nam ngó trân trân. Ðây rồi, những nét quen thân nghiêm nghị ấy.
- Ba, ba đây à? - Nam nhìn hai giọt nước mắt chảy ròng ròng lấp lánh trên đôi má gồ ghề nhăn nheo.
- Hãy nhìn tận mặt ba đi con! Ba là trung sĩ, hạ sĩ, ba là những chiến sĩ hi sinh trên khắp núi rừng và đồng bằng miền Nam thân yêu. Tên ba là Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, Lê Văn Phú...Ba đặt tên con là Nam vì thế! Nam! Con có nghe rõ không ?
- Dạ, con...nghe rõ! - Nam lắp bắp và ngả vào lồng ngực rộng lớn và ấm hổi của người chiến sĩ.- Ba ...còn sống ư? Hay con chiêm bao?
- Không! Con không chiêm bao. Ba còn sống. Ba không bao giờ chết. Không gì giết nổi ba. Nam! Hãy bảo vệ đất nước ba vừa lấy lại cho con và đừng bao giờ làm tên phản bội.
Bất giác Nam gục đầu vào vùng ngực mênh mông của người chiến sĩ rồi từ từ quì sụp xuống ôm chân Người nghe hơi ấm truyền sang khắp châu thân.
Kết Thúc (END) |
|
|