Đặt mâm cơm xuống bàn, Thu Phong lén nhìn chị Hai. Mặc trên người chiếc áo dài màu hoàng yến rực đỏ, chị ngồi khép nép trên phản, đầu hơi cúi không biết có phải vì e lệ.
Với dáng ngồi nhu mì này, cô thấy chị mình sao giống hình ảnh một bà mẹ kế hiền lành đầy nhân ái mà chuyện cổ tích xưa nay đã quên ghi chép lại.
Mỗi cuộc đời có những ngã rẽ, những đổi thay không ai lường trước được. Và Thu Phong cũng vậy.
Vào một buổi chiều trời màu xám xịt, nhà của cô lại có khách. Khách là một bà đứng tuổi ăn mặc sang trọng có cái nhìn vui vẻ, có giọng nói ồn ào.
Sự có mặt của bà khách làm má có vẻ vui mừng. Má mời bà ngồi ở nhà trên, hối chị Xuân Hương lo trà, rót nước. Sau đó má và bà khách nói chuyện, chị Xuân Hương cũng được ngồi lại gần đó.
Nép bên giàn giữa là chị Xuân Hồng. Chỉ cần nhìn sơ dáng chị, Thu Phong cũng đủ đoán được chị đang bắt chước tật nghe lỏm của cô.
Tuy bên cạnh chị còn chỗ trống, nhưng Thu Phong lại không có hứng thú mon men vào. Tính tò mò của cô đi vắng một bữa, chỉ vì hôm nay cô đang buồn, cô đang... nặng nề tâm sự.
Chê câu chuyện của má và bà khách lạ, cô ra ngoài hè, chống tay lên gối ngồi ngắm trời vần chuyển. Rồi cô thở những hơi thật dài.
Buồn quá! Đã tám hôm rồi, ba không về.
Thường ba chỉ đi vắng năm ba bữa, nên sáng nay cô cứ ngỡ ba nhất định sẽ về, vậy mà ba để cô chờ mãi, chờ mãi cho đến bây giờ.
Đã bắt đầu vào mùa mưa rồi, hai ngày nay cứ chiều là trời đổ mưa, và bây giờ trời cũng đang kéo mưa vần vũ. Cô không ra hồ, chỉ loay hoay trong nhà, trước hiên, đùa với con sáo và ngắm đàn cá tham ăn của ba đớp trái bồ quân và ngóng ra cổng. Nhưng rốt cuộc cái bóng gầy gầy của ba vẫn không thấy đâu.
Nhìn trời chuyển hoài cũng mỏi cổ, cô khoanh hai tay ôm gối rồi tì cằm lên đó nghĩ ngợi lan man.
Không biết sao dạo này ba lại đi hoài như vậy, mỗi lần về, cô lại thấy ba như hốc hác hơn, như buồn phiền hơn. Má mấy ngày nay ít la mắng cô. Vì bận lo lắng chuyện lấy chồng cho chị Xuân Hương, có vẻ má không có thời giờ để mắt quản thúc cô nữa. Chị Xuân Hồng thì thích chuyện trò to nhỏ với chị Hai hơn với cô, nên cô càng cô đơn, càng lẻ loi hơn ở trong nhà mình.
Con sáo nhảy nhót trong lồng như nhắc cô trời sắp mưa rồi, cô nheo mắt lẩm bẩm:
- Chưa mưa đâu mà, mày ráng đợi một chút, trong nhà có khách, tao không đem mày vào đó giờ này được đâu. Chịu khó đợi nhé.
Chim sáo không biết trả lời cô, nó chỉ biết nhảy lính quính và nghiêng mắt e ngại ngắm ngó bầu trời. Nó không lên tiếng nhưng có người khác lên tiếng. Chị Xuân Hương hắng nhẹ giọng phía sau làm Thu Phong giật mình quay lại:
- Ủa, chị Hai.
- Sao em lại ngồi đây một mình? - Chị Hai hỏi.
Cô nhoẻn cười, không trả lời chị mà chỉ lên trời nói bâng quơ:
- Sắp mưa rồi đó chị.
Chị Xuân Hương ngồi xuống bên cạnh, nhìn cô một thoáng rồi gật nhẹ đầu:
- Ừ, sắp mưa rồi.
Im lặng một lúc chị nhẹ nhàng gọi:
- Thu Phong nè.
- Dạ?
Chị nắm tay cô:
- Vào nhà đi, má đang tìm em đó.
Cô níu tay chị ngạc nhiên:
- Vào nhà? Cái dì ở thành phố chưa về mà.
Chị Xuân Hương mỉm cười:
- Ừ, chưa về, nhưng má muốn em vào nhà, dì Thẩm chưa biết em đó.
- Dì Thẩm?
Cái tên đã hơi quen trong những ngày gần đây, Thu Phong theo chị vào nhà, trong bụng lạ lùng vì sao hôm nay mình cũng được má cho trình làng với khách khứa của má?
Cái tên dì Thẩm chợt làm cô nhớ ra. Phải rồi, liên quan đến thằng bạn nhỏ của cô đây mà. Dì Thẩm làm mai dong. Bước qua khung cửa, cô lẩn thẩn không biết có thể nhân lúc ai nấy vui vẻ, dễ dãi mà hỏi cái dì Thẩm đó về thằng nhóc Phong một chút không.
Khi Thu Phong và chị bước vào nhà, bà khách bỗng ngưng câu chuyện quay qua ngó cô chằm chằm. Ngồi bên bàn nước tiếp khách, má nhẹ giọng nói:
- Con chào dì Thẩm đi.
Thu Phong cúi chào người khách. Cặp mắt sáng của bà như đang vẻ kinh ngạc làm cô hơi e dè. Má lại ra dấu:
- Ngồi đi Thu Phong.
Chị Xuân Hương kéo cô ngồi trên phản. Bà khách vẫn chăm chú quan sát cô. Má cô cười gượng:
- Chị Thẩm thấy đó. Nó đúng là đứa út của tôi, dù đã mười tám tuổi thật, nhưng nó còn khờ khạo ngốc nghếch lắm.
Bà khách cứ nhìn thật lâu, săm soi cô một lúc nữa rồi ngẩn ra đáp:
- Tôi cũng không biết tại sao lại như vậy. Nhưng tôi thật tình đã hỏi đi hỏi lại, vì thế tin chắc là mình không lầm lẫn.
Má nhìn cô với vẻ buồn rầu:
- Nhưng chị thấy đó, nó đâu đã trưởng thành, nó khờ khạo và vô ý lắm.
Bà Thẩm quay lại lắc đầu:
- Tôi cũng không biết nói sao. Vì Nguyên nó xưa nay vốn ít nói và nghiêm túc, chị nhờ tôi dò ý nhưng nữa tháng rồi nó cứ lặng lờ không trả lời dứt khoát với tôi. Đến sáng nay thì lại trực tiếp đến nhà tôi và đề nghị như vậy đó. Nó nói rất rõ ràng.
Bà chắt lưỡi:
- Tôi biết tình cảnh của chị, cũng biết hoàn cảnh đơn chiếc, bận bịu của nó nên vì hai bên mà đứng ra gánh chuyện mai dong này, nếu một trong hai bên mà không chịu thì cũng đành thôi, chỉ có điều số tiền mà chị đã...
Má cô bối rối:
- Tôi vẫn nhớ mà chị, ngặt vì con Phong nó còn quá nhỏ, không hiểu sao cậu ấy lại...
Bà Thẩm cười nhẹ:
- Chị đã quên rằng cái thời của tụi mình, mười lăm, mười sáu đã chớm yêu, mười tám, mười chín đã có con đầu lòng sao? Con bé con chị dù gì cũng đã mười tám, nó khờ là tại ru rú dưới quê thôi, chứ lên thành phố ăn mặc đàng hoàng, không cần lam lũ thì sẽ chững chạc, trắng da dài tóc ra mà, biết đâu nó ở nhà lầu lại sang cả ra thì sao.
Câu nói của bà Thẩm như đánh vào yếu điểm của má cô, bà nhìn lại vóc dáng còm nhom của đứa con gái út một lần nữa rồi chợt hỏi :
- Thu Phong nè, nghe má hỏi. Con có biết qua cái tên Vĩnh Nguyên lần nào chưa?
Cô lắc đầu, má hỏi gặng:
- Con thật sự chưa nghe qua cái tên này à?
- Dạ chưa.
Má cô cau mày lẩm bẩm:
- Vậy sao họ lại biết đến con nhỉ?
Cô rụt rè:
- Ai biết con hả má?
Má cô lơ đãng trả lời:
- Là cháu họ của dì Thẩm.
Lại cái tính nhanh nhẩu hại cô:
- Là ba thằng cu Phong hả má?
Lập tức má cô lẫn bà Thẩm đều nhìn về cô ngạc nhiên:
- Sao con biết thằng bé?
Hai cặp mắt người lớn khiến cô hơi khớp, cô ngập ngừng trả lời:
- Con... quen cu Phong mà.
- Con quen? Quen ở đâu? Bao giờ? - Má hỏi.
Cô gãi ót:
- Dạ... Ở ngoài hồ.
- Hồi nào? - Má hỏi nhanh.
- Dạ cái bữa mà nhà mình có khách đến coi mắt chị Hai đó.
Má nhìn bà khách, bà ta cũng ngạc nhiên:
- Ngoài hồ nào?
Má lắc đầu như không biết, cô giải thích:
- Là hồ Thanh Vân của con.
Bà Thẩm vội nói:
- Nhưng... vô lý! Người ta làm sao gặp cháu được?
Không thích cách nói của bà, Thu Phong lắc đầu:
- Con không biết. Con chơi ở hồ. Tại cu Phong với ba nó đi ngang qua, chắc thấy hồ Thanh Vân của con đẹp nên ghé lại ngắm cảnh thôi.
- Rồi sao nữa? - Bà Thẩm lại hỏi dồn.
Cô nhát gừng:
- Đâu có gì nữa.
Má nhăn mặt rầy:
- Dì Thẩm hỏi con đàng hoàng mà, con nói rõ ràng đi chứ.
Cô miễn cưỡng:
- Thì con với thằng Phong bắt tay kết bạn chơi, có ba nó làm chứng mà. Một hồi, hình như nghe nói xe sửa xong nên ba nó ẵm nó ra lộ đi tiếp, còn con hẹn bữa nào ẵm nó về đây chơi nữa.
Bà Thẩm kêu lên:
- Sửa xe à? Vậy là lúc xe hư? Lúc đó tôi...
Bà quay nhìn má:
- Lúc đó tôi ở ngoài xe. Phải rồi, xe hư trên lộ cách đây khoảng hai cây số, nên hôm đó đến nhà chị trễ.
Má cô và bà Thẩm nhìn nhau ngỡ ngàng, rồi má thì thở dài, còn bà Thẩm thì lắc đầu, bà nói:
- Vậy cũng chả trách sao nó khai tên họ con nhỏ ra rành mạnh như vậy. Đến tôi cũng không biết chị có đến ba đứa con. Chị có nhớ hôm đó nó cứ hỏi cặn kẽ về tất cả mấy đứa con nhà chị không? Thì ra trong đầu nó đã có chủ đích.
Má thở dài:
- Bây giờ làm sao bây giờ?
Bà Thẩm lại nhìn cô rồi gượng gạo lắc đầu:
- Tùy chị đó, tôi cũng không tiện cho ý kiến nhiều. Nhưng tôi cũng xin nói thành thật rằng Vĩnh Nguyên là một đứa tuy có chút khó tánh, nhưng nó cũng không phải là thằng cục súc, tệ hại.
Liếc nhìn gương mặt bần thần của má Thu Phong, bà Thẩm thở ra rồi đứng dậy:
- Tôi về đây, không thôi trời lại mưa trắng đường. Chị cứ suy tính. Tôi nghĩ để sau vài ngày trả lời Vĩnh Nguyên cũng được. Có gì chị cứ tìm tôi.
Má cô đứng lên tiễn khách với lời cám ơn máy móc. Bà Thẩm đi khuất cổng rào, má mới quay vào.
Thu Phong vẫn ngồi trên phản, cô nhìn qua chị Hai nhưng chưa kịp hỏi gì thì mưa đã lất phất ngoài cửa sổ. Cô bật cười. Thấy ánh mắt ngạc nhiên và tò mò của chị Hai, cô giải thích:
- Cái dì Thẩm đó bị mắc mưa rồi.
Má trở vào, nghe câu nói của cô, lại nhìn chị Xuân Hương lắc đầu. Không trở về ghế bên bàn nước, má ngồi ghé bên phản rồi nhìn cô với cái nhìn chán nản và buồn rầu.
Hơi rùng mình trước cái nhìn của má, cô tụt xuống phản và nói nhanh:
- Để con xuống bếp lấy...
Má giữ lấy tay cô:
- Không cần lấy. Con ngồi đây với má, má có chuyện muốn nói với con.
Chị Xuân Hương định lánh đi, má cản lại:
- Con cứ ngồi đó Xuân Hương.
Và má nhìn vào màn ngoắc chị Xuân Hồng:
- Con cũng ra đây, nhà mình có lẽ không còn gì để giấu giếm mấy đứa. Nếu đứa nào cũng nghe và hiểu tình hình thì... cũng tốt.
Chị Xuân Hồng rón rén khoát màn đi ra, má cũng chỉ tay cho chị ngồi trên phản. Cái phản rộng bây giờ chỉ bốn má con ngồi quay quần vòng tròn. Ai cũng như trầm lắng khác lạ.
Rụt rè co hai chân và thu người lại, Thu Phong không biết có thể viện lý do nào để né cái cuộc họp gia đình độc nhất vô nhị này. Cô nửa tò mò muốn nghe má nói chuyện gì với mình, nhưng nửa lại e ngại vì cái vẻ nghiêm trọng của má và mấy chị.
Trước đây thấy ai cũng bí mật, có hơi chút ức lòng, nhưng bây giờ, khi cái bí mật nào đó sắp hé ra trước cô thì cô lại e dè, ngần ngại khi đón nhận.
Xưa nay chỉ thích vui đùa, và ba vẫn giành hết những lo toan vướng mắc trong cuộc sống để cô thoải mái vô tư, cảnh nghiêm túc chững chạc, ai nấy cứng ngắc mặt mày như vầy làm cô... ớn quá. Nhưng, làm sao trốn được đây?
Má vẫn chưa nói gì vội, cứ nhìn qua song cửa ngắm lớp bụi mưa mờ mờ bên ngoài như tính toán gì đó rồi nhè nhẹ lắc đầu.
Thu Phong ráng ngồi yên, cô muốn nhịp chân như có tật mỗi lúc ngồi không, nhưng lại sợ má cạnh bên lại la rầy nên đành nén nhịn trong sự bồn chồn.
Bẵng đi một lúc, cuối cùng má thở dài nhìn lại cô:
- Má không làm khác được. Đành phải nói cho con biết thôi, Thu Phong. Chắc là ba khi biết được sẽ giận, nhưng... má không còn cách nào khác.
Chị Xuân Hương nãy giờ ngồi im lặng bỗng lên tiếng:
- Hay má để con nói cho em nó nghe.
Má nhìn chị một giây rồi gật đầu:
- Cũng được. Con giải thích từ từ để nó hiểu. Má không muốn nó bị sốc, không suy nghĩ và quyết định được gì.
Được nhường quyền, đến phiên chị Hai làm chủ tọa, chị hắng giọng rồi bắt đầu nhỏ nhẹ nói:
- Em cũng biết rồi đó. Ba má mình sống tách ra đã hơn mười năm naỵ Ba đem em về quê, còn mấy chị thì theo má ở lại Biên Hòa. Tuy chị em mình mỗi năm chỉ gặp nhau một lần vào dịp hè, nhưng chị nghĩ vì mình vốn cùng một cha một mẹ sinh ra nên tình cảm vẫn đậm đà, đầm ấm như mọi gia đình hoàn hảo khác vậy.
Chà, chị rào đón hơi kỹ, nhưng Thu Phong cũng công nhận dù chưa hiểu chị muốn nói gì, cô vẫn thấy chút mũi lòng với câu nói trôi chảy đều đều của chị.
- Chắc em cũng ngạc nhiên vì hơn hai tháng nay, má và các chị lại bỏ căn nhà, căn tiệm ở Biên Hòa về đây sống với ba với em, chắc em cũng thấy ngạc nhiên vì tuần trước nhà mình lo lắng tiếp khách, những người khách thành phố mà em cho rằng đến để coi mắt chị. Và cả nhà đã quan trọng mong ngóng đến thế này về chuyện này. Em thắc mắc nhưng chưa dám hỏi ai, có phải không?
Vẫn chưa hiểu gì, nhưng Thu Phong cũng gật nhẹ đầu. Không phải cô chưa dám hỏi ai. Cô có hỏi chứ, nhưng ai cũng không nói, cứ bảo cô còn nhỏ nhiều chuyện rồi đuổi cô đi chỗ khác chơi.
- Tất cả những thay đổi khác thường đó là vì...
Chị Xuân Hương bỗng liếc nhìn má:
- Là vì... có một sự cố sảy ra trong gia đình mình. Đó là... cách đây vài năm, má chuyển qua làm chủ hụi. Công việc lúc đầu thuận lợi lắm. Nhưng khoảng nửa năm nay thì mình bị người ta dựt hụi bỏ trốn, má đã ráng chèo chống đắp đầu này xoay đầu kia nhưng vô dụng.
Chị cũng thở dài:
- Căn nhà gần chợ mà mấy chị và má sống đã bị tòa án niêm phong.
- Niêm phong? Tòa án? - Thu Phong giật mình.
Chị Xuân Hương gật:
- Xe cộ vật dụng nữa, tất cả cũng bị giữ lại. Má nợ tiền người ta, nên có người đã đưa đơn thưa kiện. Nếu ba không thế chấp giấy tờ căn nhà này và mấy mẩu vườn ruộng cho ngân hàng tính để lấy số tiền bảo lãnh tại ngoại thì má còn bị giữ trên tỉnh để chờ ra tòa.
Thu Phong bàng hoàng quay qua má, rồi lại nhìn chị hai. Thì ra đây là bí mật của nhà cô.
Giọng chị Xuân Hương lại càng dè chừng hơn:
- Dì Thẩm cũng là một trong những người má nợ tiền, dì không kiện má mà còn giúp má bằng cách thuyết phục người cháu trai của dì, một người vừa chết vợ đến đây để chọn một trong hai chị làm vợ.
Cái vụ này lại càng kì quái khó hiểu, Thu Phong bật hỏi ngay:
- Nhà mình mắc nợ người ta mà, nhưng sao má lại muốn con cái lấy chồng lúc này?
Chị Xuân Hương liếc nhìn má:
- Bởi vì... bởi vì cái người cháu họ dì Thẩm khá giả lắm. Anh ta cũng có quen biết ơn nghĩa chút đỉnh với nhà mình xưa kia, anh ta có thể...
Bỗng nhiên má bật khóc. Thu Phong trố mắt nhìn mấy chị rồi nhìn má. Cô chưa từng thấy má khóc. Hình ảnh quen thuộc nhất của má đối với cô là những lần má trợn mắt, la mắng, rầy rà. Chỉ có vậy thôi. Những lần ngọt ngào như hôm nay là hiếm hoi thì làm gì có chuyện cho cô thấy má khóc.
Vậy là lần này quả thật nghiêm trọng lắm, tuy bất ngờ nhưng Thu Phong cũng cảm thấy lòng buồn quá khi nghe tiếng nức nở của má. Mấy chị thì ngồi im và cũng rươm rướm nước mắt. Cô đành lọng cọng vịn cánh tay má:
- Đừng khóc nữa má. Chắc... ba sẽ lo cho má mà. Mình ráng kiếm tiền trả nợ cho người ta thì không sao rồi.
Chị Xuân Hương lắc đầu:
- Đã tính rồi, mình có ráng làm cũng không trả nợ kịp. Phát mãi căn nhà trên Biên Hòa có thể đủ. Nhưng còn tiền án phí, còn tiền lời ngân hàng mà ba mượn khi thế chấp để bảo lãnh má, còn tiền luật sư…. Đợi đến khi xét xử, thì chắc phải bán hết cái nhà này và mấy mẫu vườn, may ra….
- Bán nhà này? Bán vườn? - Cô kêu lên kinh hoàng.
Bán hết ruộng vườn này sao? Đầy là đất nội để lại cho ba. Xưa kia ba đã để căn nhà trên thành phố cho má và mấy chị ở, dẫn cô về vùng quê hẻo lánh này sống rồi mà? Ruộng vườn ông bà để lại có thể ngày hai bữa nuôi sống con người, nhưng nếu bán đi thì có được bao nhiêu đâu đối với người thành phố, đối với án tòa thành phố?
- Không được đâu. Sao lại phải bán đất của nội?
Chị Xuân Hương nói ngay:
- Má cũng không muốn vậy, cho nên để cứu vãn tình thế này, má mới đành để người ta đến đây coi mắt mấy chị. Nếu họ đồng ý, mình có thể nhờ dì Thẩm nói giùm, để người ta giúp mình cho mượn đỡ một số tiền để trả nợ. Chỉ cần trả nợ cho người ta, năn nỉ người ta bãi nại, thì nhà mình sẽ ráng về làm để trả lại. Nếu một trong mấy chị em mình là vợ người ta rồi thì có lẽ người ta cũng không đến nỗi khoanh tay đứng nhìn đâu.
Thu Phong chau mày hiểu ra:
- Thì ra ba cu Phong…. Anh ta có thể giúp nhà mình được.
- Đúng rồi.
- Nhưng…. Nếu đã có cách rồi, thì sao má lại khóc? Cái anh đó không chịu chọn à? Ảnh không thích ai à?
Chị Xuân Hương lắc đầu:
- Không phải. Đã chọn được rồi, anh ta nhờ dì Thẩm đến hôm nay là để ngỏ lời với nhà mình.
Liếc nhìn Thu Phong, chị Xuân Hương chép miệng:
- Chị với Xuân Hồng cũng muốn giúp gia đình mình lắm. Nhưng không ngờ… Chị nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ làm cô thấy bồn chồn không yên. Một nỗi sợ hãi mơ hồ nào đó làm cô muốn ngăn chị đừng nói, nhưng không kịp. Xuân Hương đã buông giọng:
- Không ngờ người mà anh ta chọn không phải là các chị, mà là em.
Điếng hồn, Thu Phong lắp bắp:
- Em cái gì? Cái gì là em?
- Là chọn em để lấy làm vợ! - Chị nói rõ ràng.
- Lấy…lấy làm vợ? – Cô kêu lên kinh hoàng – Sao lại…kỳ cục vậy? Không phải đâu, không phải như vậy chứ.
- Đúng là như vậy đấy Thu Phong. Nghe tin này ngay cả má cũng ngạc nhiên. Dì Thẩm chưa biết em. Được anh ta đưa một mảnh giấy rõ ràng ghi tên họ em và cả số tuổi mười tám, anh ta khẳng định em là con gái thứ ba của má nữa. Mọi chuyện rõ ràng như vậy đó, không có chuyện nhầm lẫn đâu.
Thu Phong ngơ ngác lảm nhảm:
- Chắc... anh đó giỡn cho vui, chắc bữa đó đó em cự cãi làm ảnh ghét nên ảnh... chọc quê em chơi thôi mà.
Chị Xuân Hương lắc đầu:
- Mọi người ai cũng không hiểu sao lại như vậy, nhưng chị nghĩ, có thể anh ta đã gặp qua em, thấy em có nhiều tính tốt phù hợp với ảnh nên… Thu Phong bật lùi sát vách la lớn:
- Nhưng cái anh đó tới để coi mắt mấy chị mà. Là mấy chị chứ đâu phải em. Mấy chị đẹp, mấy chị dễ thương, mấy chị cũng là dân thành thị giống anh đó. Em đen thui, ốm nhom, xấu hoắc, quê trấc. Chị Ba nói em vô duyên. Má nói em nghịch ngợm, em ham chơi, em liếng khỉ, em nhiều chuyện, có tính tốt gì đâu.
- Nhưng quả thật anh ta đã chọn em.
- Nhưng em đâu thèm anh ta chọn. – Cô kêu lên.
Má đã ngưng khóc, bây giờ lại cầm tay cô nghẹn ngào:
- Má xin con, Thu Phong! Con cũng là con ruột của má mà. Dù mười mấy năm nay má không ở gần con, nhưng lúc nào má cũng nhớ mình có một đứa con út vô tư, khờ khạo. Má vẫn muốn con được vui chơi, vô tư như vậy mãi, nhưng bây giờ….
Má lại khóc nức nở:
- Bây giờ nhà mình lâm vào cảnh ngặt nghèo lắm rồi, con giúp má lấy một lần. Nếu không, má phải vào tù, hai căn nhà phải cầm cố hoặc bán để bán tháo. Mấy chị sẽ lang thang tứ xứ, gia đình mình sẽ không còn gì hết con ơi!
Tiếng khóc của má làm Thu Phong bấn loạn.
Trời ơi! Cô phải làm sao đây? Tự nhiên cô muốn có ba lúc này. Ba là người cô tin tưởng và thương yêu nhất, nếu có mặt, chắc chắn ba sẽ nói cho cô biết mình phải làm gì.
Ba ơi, sao ba không chịu về? Con phải làm gì bây giờ? Con phải giúp má hay cứ bàng quan vô tư như trước nay? Con sợ cái nhìn chờ đợi, nài nỉ của má. Dù mỗi năm chỉ gặp một lần, nhưng má vẫn là má ruột của con. Nếu con giúp má, ưng ba thằng nhóc Phong, thì có gì đáng sợ xảy đến cho con không? Họ đem con lên thành phố, một mình con sẽ ra sao?
Thu Phong càng hoang mang, sợ hãi thì những người thân quanh cô càng thuyết phục, những lời của họ cứ lùng bùng, lùng bùng qua tai cô.
Xuân Hồng cũng lên tiếng:
- Mày phải ráng giúp má, Thu Phong! Mày có biết ở Biên Hòa, chị Hai đã có người yêu, nhưng vì chuyện này cũng phải ra mặt để người ta coi mắt. Ba má mình mới là người thân nhất trên đời, lúc này mà không cố gắng thì sao gọi là hiếu thảo.
Thu Phong mắt đã bắt đầu đỏ hoe nhìn mọi người. Ngay cả bà chị càu cạu suốt ngày như Xuân Hồng cũng nói đến hiếu thảo, vậy còn cô? Cô có đành lòng nhìn thấy ba mình phải bán căn nhà ba gian cũ kỹ của nội, bán mấy miếng vườn mà phiêu bạt nơi khác không?
Nhưng nếu nhận lời lấy chồng để giúp má, thì….Trời ơi, cô đã biết gì về chuyện chồng con đâu? Ba thằng cu Phong, dù chỉ gặp một lần, nhưng cô có thể hiểu anh ta là người khó chịu. Cô phải ở chung nhà với một người khó chịu như vậy sao? Một mình cô làm sao sống được ở nhà người lạ? Một mình cô làm sao đảm đương mọi chuyện mà không có ba bên cạnh chỉ bảo ngọn ngành?
Rối trí quá không biết làm sao để trốn lánh cái bí mật chán chường của má, cái sự thật là trách nhiệm làm đứa con hiếu thảo đang đè nặng lên mình, cô bưng tai bật khóc.
Tiếng khóc của cô không nghẹn ngào nức nở như má, cô khóc hu hu, khóc ồn ào như một đứa con nít bị giật mất đồ chơi, bị nhét vào tay quyển sách ngoại ngữ lạ hoắc, và bị bắt phải đọc to lên.
Má nhìn cô rồi cứ chép miệng đau khổ. Hai bà chị cũng nhìn nhau và lắc đầu.
Ngoài trời mưa đã nặng hạt hơn. Thu Phong khóc to cũng không át được tiếng mưa, tiếng sét ầm ĩ.
Mái nhà này tuy cũ, nhưng cô cùng ba đã sống hơn mười năm nay, ngày mai phải rời xa nó, cô đâu biết mình có sông được không, hay lại phải khóc thét một mình trong cái tiếng sấm chớp của giông bão bên ngoài.
Giúp má, cô phải lấy chồng, một ông chồng thành thị lạ hoắc. Mười tám tuổi thôi, nhưng cô sẽ có một thằng nhỏ ba bốn tuổi gọi là má. Cô rùng mình, nước mắt càng thêm rơi.
Cô chỉ muốn làm bạn nó, chị nó, hoặc quá lắm là dì nó thôi, chứ còn làm má người ta…Trời ơi, làm sao cô làm được.
Ôi, Ba ơi! Ba ơi!
|
|
|