- Mày nói thật đấy chứ?
Tùng trợn mắt hỏi lại. Trước mặt anh, Du vẫn nghiêm chỉnh trong khi kể lại sơ lược cuộc nói chuyện của anh và chủ nhân tòa biệt thự Thủy Hoa.
- Chuyện gì kỳ quá vậy ? – Tùng kinh ngạc – Giống phim ảnh quá.
Du tặc lưỡi:
- Tao cũng nghĩ vậy. Chắc bà cô tao gần đất xa trời nên lẩn thẩn vậy thôi. Lúc vừa nghe chính tao cũng bất ngờ.
- Nhưng cô Hạnh Quân gì đó mới có hơn hai mươi tuổi, sao lại có thù oán gì với bà cô ở ẩn của mày? Mày nói bà ấy đã gần tám mươi rồi mà. Du nhún vai:
- Có biết đâu. Không chừng bà cụ tưởng tượng ra một mối oán thù nào từ kiếp trước.
Tùng phân vân:
- Không phải quá lẩn thẩn đâu, vì bà ấy đã theo dõi cuộc sống của mày từng năm, sắp đặt sẵn sàng mày sẽ báo thù giúp bà ấy mà. Chẳng những thế, bà ấy lại còn có ảnh cô gái đó với đầy đủ năm sinh họ tên và cả lai lịch từ cha mẹ nữa.
Du cười, nói tếu:
- Phải chi tao cầm ra cho mày coi. Tấm ảnh đó đem dự thi “bé đẹp bé ngoan” bảo đảm rớt đài – Anh lắc đầu – Tội nghiệp cô gái đó, xấu gì mà xấu ngay từ bé mới chết chứ.
- Tệ lắm à – Tùng tò mò.
- Ừ, xấu như ma lem.
- Mày có lần làm ăn với ông Đức, có gặp qua cô con gái chưa?
- Chưa từng. Thậm chí chưa từng nghe qua ông có một đứa con gái duy nhất – Du nói.
Tùng đứng dậy mở túi xách lấy quần áo chuẩn bị tắm, không để ý đến những câu lẩm bẩm đứt quãng của bạn.
Anh nói với lại trước khi vào nhà tắm:
- Đi suốt đoạn đường dài, mệt quá! Tao tắm và đánh một giấc sớm đây. Mặc kệ bà cô lẩn thẩn với những dự định trong đầu.
Ngồi lại một mình với những suy nghĩ của riêng mình, Tùng như có điều gì đó lo ngại. Thằng bạn thân của anh, anh biết cũng khá rõ. Hắn cũng là con một, đứa con trai duy nhất của gia đình. Ba mẹ Du làm chủ hai cái siêu thị lớn trong thành phố này. Và riêng Du cũng khá giỏi trong việc giao dịch, kinh doanh cho gia đình.
Tùng biết bạn mình từ lâu ấp ủ một hoài bão là làm một nhà kinh doanh lớn, một nhà buôn xuất hàng Việt Nam ra thị trường quốc tế. Du có lý tưởng, có tham vọng, có tài thực sự, chỉ tiếc là thiếu vốn mà thôi. Gia đình Du tuy cưng con, nhưng không bao giờ đủ tin tưởng để giao hết tài sản cho hắn đánh một canh bạc lớn như vậy. Cho nên tham vọng ấy cho đến bây giờ vẫn còn là dự án của riêng hắn.
Và rồi, bỗng dưng hôm nay, một bà cô họ từ thuở xa xưa chưa hề gặp mặt hay liên lạc, nay một hai lại nhắn hắn ra đề nghị cho một số tài sản lớn. Hắn sẽ ra sao? Hắn đã nghĩ gì?
Tùng bần thần đi tới đi lui trong phòng, cho đến lúc hết chịu nổi, anh đến bên cạnh cửa nhà tắm hỏi vọng vào:
- Mày đã trả lời sao, hả Du?
Tiếng hỏi của anh bị tiếng nước chảy át đi, nên Du nghe không rõ, anh la lên:
- Mày hỏi gì?
Tùng hét lần nữa:
- Tao hỏi rồi mày đã trả lời sao với bà cô của mày về đề nghị kỳ cục đó?
Có tiếng tắt nước, cánh cửa nhà tắm vụt mở hé ra. Tùng thấy cái đầu tóc đẫm nước của Du với bộ mặt cau có, bực bội thò ra ngoài.
- Mày lằng nhằng cái gì vậy? Mày nghĩ đi đâu rồi, chẳng lẽ mày cho tao nhận lời bà cô trái đời đó đi làm sát thủ thanh toán một cô gái không quen? – Du gằn giọng.
- Vậy là mày từ chối? – Tùng hỏi lại.
Lần này thì Du tức giận quá sức, anh quát vào tai bạn:
- Tất nhiên rồi. Mày tưởng tao điên hay sao? Sao lại hạch hỏi tao như vậy?
Tiếng quát giận dữ của Du mới ghê làm sao, Tùng thối lui một bước gật đầu lia lịa:
- Được rồi được rồi. Tao chỉ thắc mắc vậy thôi. Đừng giận tao. Thôi tao không làm phiền mày nữa. Đóng cửa lại tắm tiếp đi. Không thôi bà cụ quản gia vào đây bắt gặp mày … hơ … thế này, bà ấy chạy ra ngoài la làng hết.
Câu pha trò miễn cưỡng của anh tạm thời được Du chấp nhận, anh khẽ hừ một tiếng rồi đóng sập của phòng tắm lại.
Tùng thở phào, lắc đầu cho cái tính cộc muôn thuở của bạn.
Du là thế, vậy mà đắt người yêu mới lạ. Làm như thời nay mấy cô thích mẫu đàn ông con trai cộc tính hay sao ấy. Tùng thì lịch sự nhã nhặn, ăn nói mềm mỏng lấy lòng các cô, nhưng lại chả có hiệu quả gì. Trong khi thằng bạn thân của anh, hắn cứ trương cái bộ mặt lầm lì khó gần ra, mà biết bao cô vây quanh thi nhau ngã vào vòng tay hắn.
Tùng chép miệng, tự dưng lại nghĩ lan man về vấn đề này. Thôi thì anh đã có câu trả lời của Du, đã an tâm hơn với nó. Số tiền ấy có thể lớn thật, nhưng may quá, nó vẫn chưa mua được Du.
Tùng ngã người trên nệm ghế, thấy nhẹ nhỏm hẳn. Những lo sợ khi nãy đã tiêu tan, anh gật gù hài lòng. Thằng bạn anh cho dù có tiếng là ham chơi, lại lạnh lạnh, nhẫn tâm với phu nữ, hắn cũng chưa đến nỗi vì tiền mà làm điều tệ hại, tương tự như yêu cầu oái oăm vừa được nêu ra với nó chiều nay.
Tùng cứ nằm dài trên ghế vẩn vơ, cho đến khi Du tắm xong bước ra, thì thằng bạn mình đã ngủ tự lúc nào.
Du thức dậy vào hơn bảy giờ. Định lay gọi Tùng dậy chuẩn bị ra về thì chỗ của hắn đã trống từ lâu.
- Thằng quỷ, lại giở trò nữa rồi – Du nhăn mặt.
Đúng như anh dự đoán. Tờ giấy Tùng đặt dưới bàn cho anh biết, hắn dậy từ rất sớm đã đem máy ảnh đi chụp cảnh mặt trời mọc rồi. Hắn còn viết rằng sẽ về trước buổi trưa để cùng về Sài Gòn với anh.
Du tức giận, nhưng không biết làm sao hơn, đành phải đợi vậy. Anh làm vài động tác thể dục, xương cốt vẫn còn mỏi nhừ sau chuyến đi ra tận đây hôm qua. Anh xuống dưới nhà, vườn hoa ngập nắng sớm thật đẹp. Gió làm rung rinh những cánh hoa còn đọng hơi sương.
- Chào cậu.
Du giật mình quay lại. Bà quản gia đứng sau lưng anh cười hiền lành.
- Chào bác – Du gật đầu chào lại.
- Mời cậu vào trong ăn sáng.
Lời mời của bà làm Du nhớ tới từ chiều hôm qua đến giờ anh chưa có gì vào bụng. Tối qua vì mệt, nên khi người ta gõ cửa mời ăn tối, cả anh lẫn Tùng đều cất tiếng ngáy ngủ từ chối, vì chân tay không tài nào nhấc lên nổi, đừng nói gì đến việc rời cái giường êm ấm.
Theo bà vào phòng ăn, Du nghe bà góp chuyện trong khi bày dọn phần ăn của anh lên bàn.
- Từ sáng sớm, bạn cậu đã xuống dùng bữa rồi, còn bảo cậu rất mệt nên đừng đánh thức. Cậu Tùng đó còn bảo cậu thích ăn bánh mì điểm tâm. Bánh mì này do tôi tự làm, có lẽ không ngon bằng thành phố, cậu dùng thử nhe.
Du mỉm cười:
- Cám ơn bác.
- Hãy gọi tôi là bác Hoàng – Bà nói – Vợ chồng tôi ở đây đã lâu. Ai cũng gọi thế.
Hớp một ngụm café, Du hỏi:
- Bác Hoàng biết bà cô lâu rồi chứ ạ?
- À, vâng, từ khi còn nhỏ. Trước đây vai trò nấu bếp này của dì ruột tôi. Bà chủ khó tính nhưng thật ra rất tốt. Bà lo cho dì tôi khi dì ấy mất, dựng vợ gã chồng cho tôi. Vợ chồng tôi quí bà cụ, nên vô ở đây chăm sóc cho bà.
- Bà cô thực sự không qua lại giao tiếp với người ngoài sao bác Hoàng? – Anh hỏi lấy lệ.
Bà Hoàng cười:
- Chỉ rất ít người, mà chỉ toàn người quen thôi. Ngoài vợ chồng tôi, bà chủ cũng chỉ đôi lần gặp mặt ông bác sĩ và ông luật sư riêng của bà thôi. Cho nên đã lâu lắm, tòa biệt thự này không có khách.
Du im lặng. Vậy ra anh và Tùng đang là những người khách hiếm hoi bao năm ở đây. Bà cò thật kỳ lạ. Đóng cửa không giao tiếp từ lâu, bây giờ lại liên tục điện nhắn, mời bằng được đứa cháu xa lạ ra đây với lời đề nghị kỳ khôi không kém.
Vẻ mặt trầm ngâm của Du làm tan biến niềm vui chuyện vãn của bà Hoàng. Khi thấy anh cạn nốt tách café, bà e dè nói:
- Bà chủ bảo khi cậu dùng xong điểm tâm, mời cậu vào gặp bà một tí.
Du cau mày:
- Để làm gì? Chẳng lẽ hôm qua bà cô chưa hiểu hết ý của tôi?
Bà Hoàng ngại ngùng:
- Tôi… cũng không biết. Chỉ nghe bà bảo vậy. Bà nói… nhất định mời cho được cậu vào.
- Thôi được – Du nói – Để tôi vào vậy.
Vẫn căn phòng ngập đầy không khí bệnh hoạn, buồn tẻ, có khác chăng là lọ hoa cúc vàng trên bàn làm gian phòng như có chút sinh khí tươi trẻ, vui mắt.
Bà cô anh vẫn nằm trên giường, gật đầu tỉnh táo ra hiệu bác Hoàng lui ra. Bà chỉ chiếc ghế cạnh giường đã kê sẵn, bảo anh ngồi.
Đợi Du đã ngồi xuống, bà chú mục nhìn anh, nhìn rất kỹ. Du bình tĩnh, thản nhiên trước cặp mắt sắc bén của bà. Thời gian trôi qua mấy phút, anh vẫn không nao núng, vẫn ngồi kiên nhẫn giữa gian phòng đầy mùi thuốc men, thiếu ánh sáng.
Cuối cùng rồi bà cô cũng lên tiếng, giọng của bà với âm vực cao thật khó nghe:
- Hôm qua anh đã hiểu lệch ý ta.
Du hơi nhướng mắt. Bà không bảo rằng hiểu sai mà là hiểu lệch. Anh cười nhẹ:
- Vậy ư? Vậy thực ra ý bà cô là sao?
Cách hỏi không thiện cảm của Du làm bà cụ hơi phiền lòng, nhưng bà không quát tháo như hôm qua. Bà bảo:
- Tất cả những gì tôi nói với anh hôm qua đều đúng là ý muốn của ta. Duy chỉ có một điểm nhỏ sai biệt. Đó là ta đâu có điên đến độ sai anh đi thanh toán hay giết hại đứa con gái đó, làm như vậy làm sao mà anh hưởng gia tài của ta.
Du cau mày:
- Vậy là sao ?
Bà cô nhếch miệng cười:
- Hôm qua ta có bảo việc này cũng phù hợp với anh, với lối sống của anh kia mà. Làm thân con gái có nhiều khi gặp phải cảnh khổ sở, đau lòng, lúc đó sống còn hơn chết nữa. Mà anh thì…. rất có khiếu, có tài trong lãnh vực này.
Du đứng bật dậy:
- Thì ra bà cô… - Đúng vậy – Bà cao giọng – Ta bảo anh hãy đi tán tỉnh con bé, làm mọi cách cho nó yêu thương anh, để rồi sau đó hay ruồng rẫy nó tàn nhẫn và thật vô tình, để cho nó nếm vị cay đắng, khổ sở của phận đàn bà. (trời bà gìà này sắp xuống lỗ rồi mà còn dã man quá xá) Măt Du nhìn bà cô một cách khó chịu:
- Ý tưởng hay đấy, nhưng tôi không làm đâu. Tôi không vì tiền mà làm hại người khác.
Anh bước ra khỏi ghế và quay lưng đi. Bà cô nói to hơn:
- Đừng có đạo đức giả mà nói những câu như thế. Vậy những cô gái mà anh gạt qua bên lề cuộc đời anh, anh có dám nói là anh quen họ vì tình yêu không?
Du đứng sựng lại, anh ngạc nhiên trước câu hỏi của một bà lão tám mươi tuổi. Quả thật xưa nay chưa hề có ai hỏi anh một câu hỏi tương tự, và anh cũng chưa từng tự hỏi mình rằng yêu các cô gái là vì cái gì? Tình yêu ư? Có lẽ phải phá lên cười khi nghĩ đến điều đó. Tiền ư? Cũng không. Vì công việc của anh, gia đình anh không thiếu tiền. Chỉ có thể nói rằng có lẽ do tự các cô ngã vào vòng tay anh.
Tình yêu đối với anh là hai từ xa lạ, cho nên chỉ cần cảm thấy phiền, cảm thấy chán ngán với những ghen hờn của cô gái nào đó, anh thản nhiên nói lời chia tay ngay. Nước mắt lẫn những trách hờn không mảy may làm anh mềm lòng, thay vào đó là sự khó chịu hơn mà thôi.
Một số bạn bè thân mặc dù rất quí Du, nhưng cũng luôn bài bác cách sống của anh. Họ nói anh tàn nhẫn. Anh chỉ cười trừ, không hề tức giận. Họ không hiểu anh, anh nghĩ vậy.
Nhưng giờ đây, ngỡ ngàng trước câu hỏi của bà cô anh chợt nhận ra dường như chính anh cũng còn chưa hiểu được mình.
Bà cô như thấy rõ hiệu quả của câu hỏi, bà tấn công thêm:
- Nếu từ xưa đến nay anh đã thế, yêu đương nhăng nhít không vì cái gì, thì bây giờ sao anh không thử tán tỉnh và yêu đương có mục đích.
Bà cướp lời khi thấy anh định phản bác.
- Đừng nghĩ đến chuyện tiền, mà hãy nghĩ đến dự định trong kinh doanh của anh, hãy nghĩ đến tham vọng khó khăn, nhưng có thể thực hiện được của anh. Để đánh đổi lấy cơ hội có đủ điều kiện thực hiện tham vọng đó, lời đề nghị của tôi còn nhỏ bé lắm, phải không?
Thấy Du nín lặng, bà tiếp lời, giọng dịu xuống:
- Có khó gì đâu, đó là cuộc sống thường ngày của anh kia mà. Tính cách thường ngày, thói quen thường ngày mà thôi. Thế nào? Anh nghĩ sao?
Câu hỏi cuối cùng của bà cô êm như ru. Hình ảnh trở thành nhà doanh thương tầm cỡ Việt Nam trên thương trường quốc tế làm Du hoang mang chưa trả lời được.
Bà cô vẫn kiên nhẫn chờ câu trả lời.
Du đứng sững giữa phòng, lần đầu tiên trong đời không thể quyết định được. Nhận lời, hay từ chối? Cơ hội có phải đang trong tầm tay với của anh?
|
|
|