Nàng không thể đồng ý về điểm được gọi là ích kỷ của tôi vì nàng cũng như tôi, cũng cảm thấy sung sướng vì được tôi yêu, vì được người nàng yêu yêu lại. Tôi vẫn cố chấp với ý nghĩ của mình nhưng không thể giải thích cho nàng hiểu bởi nàng cũng cố tình không thèm hiểu vì nếu hiểu, nàng cũng trở nên ích kỷ. Nàng cũng chạy trốn dù chỉ trong tư tưởng, và cũng chính vì thế mà tôi bị ray rứt vì yêu nàng; nói cho đúng, được nàng yêu.
Nỗi đau khổ nơi con tim tôi biến chuyển qua giai đoạn mới. Thoạt đầu, muốn yêu và muốn được yêu, yêu mà không được yêu lại, bị đá đã làm tôi đau khổ. Yêu rồi được yêu lại, tôi cũng bị dằn vặt; dằn vặt bởi yêu tôi, nàng sẽ bị đau khổ do tôi không muốn sống theo những cảnh đời bình thường. Niềm đau này mới thấm thía, mới không thể dứt bỏ và quên được, yêu, lo sợ mất người yêu đã đau khổ, nhưng yêu mà biết người yêu đau khổ vì tình yêu lại càng ray rứt hơn. Cái thú của yêu đương trộn lẫn với nỗi ray rứt thấm thía này tạo thành thú đau thương.
Con tim tôi vẫn còn mơ ước một trạng thái tiềm ẩn nào đó được tỏ lộ bằng những khao khát tìm kiếm từ những thực tại gần tầm tay với để rồi tưởng rằng đó là điểm tới, nhưng khi đã với được mới nhận ra không phải; tôi tạm gọi là niềm hạnh phúc. Lẽ đương nhiên, tìm hạnh phúc trước tiên là phải đối đầu với những trăn trở kèm theo niềm vui theo đuổi hấp lực tìm kiếm giống như trạng thái qua câu Ca Dao, "Cố đấm ăn xôi, Đấm thì vô hồi xôi chẳng được ăn." Từ khi có được người thật lòng yêu mình, tôi nhận ra mình đáng yêu và đáng được yêu, nhưng cũng từ đó, con tim bắt đầu tỏ nỗi thao thức. Nói cho đúng, tôi không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả trạng thái này nên gọi là sự thao thức của con tim. Tôi chỉ cảm nghiệm rõ là nỗi thao thức mới xét ra thật vô lý và không hợp tình chút nào, tuy nhiên, nó ảnh hưởng toàn bộ tâm tư. Đâu ai lạ gì, con tim không thèm nghe theo lý trí, mà khi con tim lên tiếng thì lý trí, bản năng, tình cảm, mọi kiến thức hùa nhau vâng lệnh.
Những khi nghĩ về Lan, cảm nhận tình yêu của nàng dành cho tôi cũng như tình tôi yêu nàng, nét đau lòng mờ mờ ẩn hiện khiến tôi phần bứt rứt, phần ăn năn vì sự ham muốn làm quen, cố chiếm cho được cảm tình rồi lậm vào vẻ đam mê, dan díu tình cảm dường như chỉ là để thỏa mãn sự thèm khát phiếm diện nào đó. Tại sao tôi không có ý nghĩ sống chung một đời đối với nàng hoặc bất cứ người con gái nào khác? Có phải tại tôi sợ mình không đủ khả năng, tài lực xây dựng mái ấm gia đình như biết bao nhiêu người chung quanh? Tại bản chất bấp bênh, hay thay đổi không muốn hoặc nhận thấy mình không có khả năng chung thủy cả đời do đó tôi không muốn lập gia đình? Có phải thực tại minh chứng cho tôi thấy dẫu yêu nhau cách mấy, quyết định tiến tới hôn nhân vẫn là một sự thiếu sót nào đó... bởi nếu có những cặp vợ chồng hoàn hảo như ý muốn, sao không thấy ai nói lên mà chỉ những phiền hà do cuộc sống lứa đôi chung đụng, những trách nhiệm không hoàn thành để rồi chồng đổ lỗi cho vợ hay ngược lại, được rao rêu?
"Cô khuyên cháu đừng nên lập gia đình, cứ trông vào gia đình cô đấy, lập gia đình khổ lắm;" nhiều lần cô tôi nhắc nhở mỗi khi gặp... Tất nhiên, không phải vô lý mà có người khuyên mình những câu như thế... Thằng cháu đang yêu rối lên mặc dầu vẫn bị trạng thái mông lung dằng co dằn vặt trong khi bà cô lại cứ đem những đau khổ cuộc sống gia đình ra hù. Tôi thầm nghĩ, cô chán là phải bởi ăn no quá tất nhiên bội thực; bất cứ gì quá độ cũng khiến người ta đau. Thế sao cô không kể ra sự tốt đẹp, hài lòng thỏa mãn của những khi sướng sướng lại cứ lôi cái khổ ra mà than! Gia đình cô chín đứa con, những chín đứa thì đã bao nhiêu lần hạnh phúc thế sao cô không khoe ra? Tôi chỉ giữ trong lòng không bao giờ nói lên ý nghĩ về lời khuyên. Lẽ thường, ở lứa tuổi thanh niên sung sức, khi nghĩ hay nói về hạnh phúc lứa đôi ai mà không liên tưởng đến cái chuyện ấy. Chẳng thế mà những thanh niên, thanh nữ, ngay cả những người đã đứng tuổi, khi có cơ hội gặp nhau thành từng nhóm cùng phái hay nói nhăng nói cuội, nói về cái chuyện chẳng nên nói chốn công cộng nhưng lại thực hành đắc lực lúc riêng tự.. chuyện bù khú, chuyện nói bé cười tọ.. Ấy, mới chỉ nói tới đã khiến người nghe vui vẻ tham gia đấu láo thì sự thực còn hấp dẫn biết chừng nào? Đặt vấn đề như vậy, tôi tự hỏi, có phải mình đã bao lâu nay cố gắng theo đuổi một hình thức đạo đức giả để nghĩ rằng mình là con người tốt lành. Bạn bè vô xóm "yêu hoa" kể lại những màn trời long đất lở cũng như những điều ngớ ngẩn của họ khi đụng chuyện... Nghe riết về những kinh nghiệm khác nhau, nhiều khi tôi trổ tài phét lác chứng tỏ ta đây cũng dân làng chơi cho khỏi bị coi thường vì không biết của ấy là gì... Đúng là thứ võ miệng, tôi nhiều lần thầm nghĩ. Tuy thế, tự thâm tâm, tôi cảm thấy hình như có phần nào bất ổn. Cuộc đời và mục đích của con người đâu phải chỉ là những cảm giác mà bạn bè tôi cho là điểm tột cùng sung sướng tạm gọi là hạnh phúc ấy. Nếu cảm giác của sự liên hệ xác thân giữa hai người đã là điểm tột cùng thế sao người ta vẫn còn phải lập đi lập lại hoặc chạy theo những đối tượng khác phái nào đó? Tại sao cô tôi than thở và đem cả cảnh khổ cuộc sống gia đình ra chứng minh mà không kể lại những niềm vui gia đình? Phải chăng hạnh phúc chỉ là những giây phút cảm giác chóng qua để con người muôn đời chạy theo đuổi bắt? Có thứ hạnh phúc nào không tùy thuộc cảm quan của con người?
Thật ra, tôi nghĩ, hai chữ hạnh phúc mang nghĩa rất mơ hồ đối với tất cả mọi người bởi ai cũng kiếm tìm nó. Người nghèo cho rằng nhà có của ăn của để, muốn gì được nấy là hạnh phúc trong khi những người giầu có, tiền dư thóc đống hoặc cơ sở này, nhà máy kia lại cho rằng những người nghèo khó, cày sâu cuốc bẫm có niềm hạnh phúc hơn bởi không phải lo lắng, tính toán. Ai cũng đeo đuổi, tìm kiếm cái được gọi là hạnh phúc mà hình như không ai hiểu nó giống ai, chỉ biết mơ ước những gì mình không nắm giữ, đặt cho nó một cái tên chung và biến nó thành mối nhức nhối, thèm khát. Nhìn lại chính mình, tôi đang yêu, được yêu mà vẫn thèm khát cái hạnh phúc mơ hồ nào đó, thế nên vẫn khắc khoải, vẫn không hài lòng với những gì đang có. Bởi đó, nhiều lần tôi lấy quan niệm "Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc" của Nguyễn Công Trứ dùng làm tiêu chuẩn an ủi chính mình... nhưng vẫn không sao "hà thời hạnh phúc." Phỏng khi đói có thể ngồi đó suy tưởng tri no, tiện no, đãi no là sẽ có hà thời không đói được chăng? Chính kinh nghiệm đơn giản đó giúp tôi đặt vấn đề về nỗi ước mơ tưởng như ảo ảnh vẫn từng chập khiến lòng mình khắc khoải. Tôi nghĩ, giàu có, vợ đẹp con khôn, danh vọng, chức quyền v.v... dù ai đó có tất cả những gì họ mong muốn, họ vẫn còn khát khao niềm hạnh phúc... Bằng chứng là không ít tài tử màn bạc, tiền của như nước, được nhiều người trọng vọng, ca tụng nhưng lại tự tử. Họ kiếm cái chết bởi có lẽ cái chết mang lại điều họ mong muốn khác với những gì họ đang có trong cuộc sống, dẫu ai cũng sợ chết.
Thế niềm hạnh phúc đang làm lòng tôi ray rứt và hạnh phúc mọi người tìm kiếm phỏng có điểm gì chung? Đọc cuộc đời Đức Phật Thích Ca, dầu không cho rằng đúng sự thực nhưng được nhiều người ngưỡng mộ, tôi tự hỏi lý do gì thúc đẩy Đức Phật bỏ ngai vàng, vợ con... bước vào thế giới thiền niệm? Cứ những gì tôi biết do đọc hoặc nghe, Đức Phật bỏ tất cả vì cám cảnh những đau khổ kiếp người bao gồm sinh, bệnh, lão, tử nên tìm đường giúp con người giải thoát. Thật là phi lý, trước khi kiếm được đường giải thoát, tôi nghĩ, Đức Phật cũng đã rơi vào vòng oan khiên kiếp người bắt đầu bằng thời điểm sinh và cuối cùng được kết thúc bởi tử. Chưa giải thoát được mình, nói chi đến kiếm đường giải thoát người khác? Mình không có, lấy gì cho ai? Suy nghĩ như thế, Đức Phật chắc chắn phải tìm kiếm cho ngài trước và có thể vì ngai vàng, vợ con, cung tần, mỹ nữ, tiền của, oai quyền... không gì có thể làm Đức Phật cảm thấy thỏa mãn với lòng khao khát hạnh phúc mà ai cũng ước mơ nên bỏ tất cả đi tìm. Tìm cho chán nơi Phật học, câu kết luận chỉ là diệt dục, dẹp bỏ tất cả những ham muốn mới có thể hết khổ, hết bị ảnh hưởng bởi thực trạng cuộc đời, thoát khỏi lo âu của sinh, bệnh, lão, tử. Dĩ nhiên, mọi người cùng kiếm tìm hạnh phúc thì chắc chắn nó phải là điều đáng quí, đáng ước mong mà bây giờ đem diệt sự ham muốn nó đi thì còn gì để nói, để tiến tới... Nghĩ như vậy, đem so sánh sự diệt dục với lời khuyên của cô tôi thì nào có gì khác biệt; đừng lập gia đình cháu ạ, nghĩa là đừng yêu ai thì sẽ không tạo nên cảnh khổ gia đình, đừng ham muốn hạnh phúc nữa thì không khổ với hạnh phúc, nhưng kết quả thực tế nói lên ai cũng mơ ước có một gia đình đầm ấm, ai cũng ước ao nắm được hạnh phúc trong tay. Có lao đầu vào rồi mới thấy ước mơ tạo dựng một gia đình hạnh phúc khi chưa cưới đã trở thành nỗi đau khổ muốn hủy bỏ lúc đã thành thân...; phỏng ước mơ hạnh phúc vĩnh hằng của tôi có giống như ước mơ hạnh phúc gia đình của mọi người? Họ đã đạt được mơ ước sống chung, đã nếm những hạnh phúc đôi lứa mà còn than thở vậy điều gì khiến họ không nhận ra hạnh phúc cuộc đời đến nỗi tạo thành khuynh hướng chỉ nhìn thấy những đau khổ, hoặc điều gì họ đang muốn mà vẫn chưa có?
Phỏng trên cuộc đời này đã ai đạt được niềm hạnh phúc vĩnh cửu? Tôi có mơ ước hão huyền không? Hai câu hỏi thường xuyên dằn vặt nơi tâm tư khiến nhiều lúc tôi muốn buông xuôi, chấp nhận nỗi khắc khoải chung của mọi người để rồi lê lết theo tháng năm dài buồn tẻ; có được giây phút vui tạm bợ nào thì ngay sau đó lại phải đương đầu với khoảnh cô độc giữa những chốn náo động của cuộc đời. Chẳng lẽ con người được sinh ra để triền miên chịu cảnh khổ ải này, muốn tìm cách trốn chạy cũng không được? Chẳng lẽ lại có một Thượng Đế độc ác đến nỗi bắt mọi người chia chung một tâm thức khắc khoải...? Con người nghĩ gì về hạnh phúc? Hạnh phúc thật mang những tính chất nào? Đâu là sự thật của niềm ước mơ hạnh phúc vĩnh cửu? Phỏng có được điều gọi là hạnh phúc vĩnh hằng? Tại sao có những người chối bỏ những phút giây hạnh phúc nhất thời mà mọi người đang gồng mình đeo đuổi lắm khi gây ra cảnh tan nát gia đình, đi hoang một kiếp người? Tại sao một số nhà truyền giáo Tây Phương đã không thể chấp nhận sống cuộc đời tiện nghi thoải mái, thiên đàng mơ ước của những dân tộc nghèo khổ mà lại coi đó là lối sống tội lỗi để trở lại chung sống với những người kém may mắn, nghèo hèn? Tội lỗi đâu ra nơi cuộc sống tiện nghi và lý do gì thúc đẩy họ không thể chấp nhận sự xa hoa, thoải mái trong khi cảm thấy sung sướng với cảnh sống khó nghèo theo con mắt thế gian làm niềm vui cuộc đời? Tại sao những người lên rừng sống cô đơn làm bạn với cỏ cây lại được cho rằng hạnh phúc hơn những người đầm mình bon chen với cuộc sống, với phiền hà vợ nọ con kia, tiền tài danh vọng? Có phải hạnh phúc chỉ là một sự đuổi bắt giống như hành trình đạt tới lý tưởng, chưa đạt được thì còn hăm hở nhưng khi có rồi lại cảm thấy chán ngấy để cố gắng chinh phục những đối tượng còn ngoài tầm tay với? Có phải sự kiếm tìm hạnh phúc cũng chỉ giống như cuộc leo núi và khi lên tới đỉnh sẽ bắt đầu xuống dốc để rồi kết cục chán ngán cảnh bon chen tìm lãng quên nơi cảnh u tịch?
Lục lọi nơi kho tàng Ca Dao để tìm xem tiền nhân quan niệm hạnh phúc như thế nào, tôi càng bị dồn vào ngõ bí không lối thoát vì Ca Dao chỉ đưa ra mẫu sống luân lý, cận nhân tình có thể được gom tóm lại bằng câu: "Ở cho phải phải phân phân, cây đa cậy thần, thần cậy cây đa," hoặc cũng đồng điệu như thế với câu khác: "Đất có chỗ lồi chỗ lở, ngựa có con dở con hay; coi thì mà ở, chọn theo cỡ mà xài" sao cho khi chết để lại tiếng thơm. Thế rồi tìm đọc những quan điểm của một số tư tưởng gia Tây Phương xem người ta nghĩ gì hoặc kinh nghiệm ra sao về nỗi khát khao của mình, tôi cũng đã chẳng kiếm được gì tạm gọi là thỏa mãn. Ông tổ luận lý Aristote cho rằng hạnh phúc tùy thuộc mỗi người và nó là sự biểu lộ của tâm hồn liên kết với hành động; Dostoevsky nhận ra hạnh phúc không phải tự nó nhưng trong tiến trình đạt tới nó, và Sigmund Freud, cha đẻ môn tâm lý xét theo tính chất ảnh hưởng của sự thỏa mãn đòi hỏi cần thiết của con người chỉ nhìn nhận điều chúng ta gọi là hạnh phúc đúng nghĩa sinh bởi sự thỏa mãn những nhu cầu trong điều kiện khó khăn nhất. Lẽ đương nhiên, cuộc sống có những liên đới, do đó Ambrose Bierce, khi đặt vấn đề so sánh tâm tư của con người lại đưa ra thêm một khía cạnh: hạnh phúc là một cảm ứng từ sự nhận ra điều khổ ải của người khác.
Tính chất của hạnh phúc được ghi nhận bởi con người qua cảm nghiệm lại càng khác biệt. Đối với Augustine, thật ra, con người ước mơ được hạnh phúc và sống với niềm vui ấy ngay cả khi theo đuổi một hạnh phúc mộng tưởng, và vì thế Henry W. Beecher nhìn vào thực tại cuộc đời đã viết đại khái: thường thì niềm vui của con người chỉ là bóng mờ che đậy những đau khổ. Thomas Campbell tuyên bố: một phút giây hạnh phúc là sự trả giá của khoảng thời gian đau khổ không thể đo lường; trong khi Eric Hopper vạch rõ mặt trái nỗi khát khao nơi mọi người: sự kiếm tìm hạnh phúc là một trong những nguyên nhân của bất hạnh. Dĩ nhiên, nếu không cảm thấy bất hạnh, ai ngu dại mơ ước hạnh phúc. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy nhiều khía cạnh luẩn quẩn của cùng một vấn đề từ định nghĩa đến tính chất. Samuel Johnson nhận rõ một nông dân và một triết gia có thể cảm thấy hài lòng tương đương nhưng không có được hạnh phúc giống nhau vì hạnh phúc bao gồm nhiều thành phần ý thức tương đồng; ngược lại, Artur Rubinstein đưa ra nhận xét, hầu hết người ta đòi hỏi hạnh phúc có điều kiện trong khi hạnh phúc chỉ có thể được cảm nhận khi không có điều kiện lệ thuộc. Với tính chất này, Thomas Jefferson đã nói lên quan điểm ai cũng có thể đạt được: Không phải giầu có hay quí phái nhưng chính là an bình và mục đích đem lại hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, điều kiện nào để có trạng thái an bình, và mục đích của con người phải ra sao đã trở thành nguyên nhân rắc rối của mơ ước đơn giản hạnh phúc. Có lẽ chính vì lẽ đó, George Santayna đã quan niệm: Hạnh phúc không phải là cảm xúc tạo thành bởi chuỗi vui thích kích động thoáng qua mà tiềm ẩn nơi sự suy tưởng, phán đoán về thực trạng cuộc đời con người hài lòng hoặc chấp nhận ước mơ của mình.
Tưởng rằng tìm hiểu sẽ giúp tôi có được đường hướng và phương pháp rõ ràng thỏa mãn nỗi khát khao bằng cách rờ được phần nào ước mơ hạnh phúc; ai ngờ, càng kiếm lại càng thấy chẳng có lấy dù chỉ là con đường mờ ảo như Aristote đã nói lên bao nhiêu năm về trước: người ta tìm kiếm hạnh phúc bằng những đường lối và phương tiện khác nhau đồng thời kiến tạo cho họ những thái độ khác nhau. John Berry lại còn mơ hồ hơn với nhận định hạnh phúc "con chim của thiên đàng" chỉ đậu trên những bàn tay không chụp giựt nó. Đến ngay định nghĩa hạnh phúc là gì đã không có thì làm sao mà chụp, mà bắt; cũng thế, đặt vấn đề tìm kiếm và phương thức hoặc đường lối tìm kiếm lại chỉ như chó sủa lỗ không. Có phải đây là sự thật đáng buồn cho kiếp nhân sinh vì đã bao lâu rồi, người ta định nghĩa, tìm kiếm nỗi khát khao mộng tưởng với cái tên hạnh phúc. Vậy niềm mơ ước hạnh phúc của tôi là gì? Phỏng nó cũng chỉ là mộng tưởng? Chỉ có hai chữ hạnh phúc mà càng nói càng rối, càng nghĩ càng tối!
Con người phỏng chỉ là giới hạn nơi trạng thái hiện hữu của thể xác? Hiện hữu để chấp nhận cuộc đời khổ ải thì chẳng thà đừng được sinh ra. Bởi tự chấp nhận, như Nguyễn Công Trứ đã nhìn theo Đức Phật, cuộc đời là bể khổ, "Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe, Trần có vui sao chẳng cười khì...," và cũng âm thầm không chống đối để chấp nhận như thế nên người ta chạy theo những niềm vui cảm giác chóng qua mong phần nào phủ lấp ước mơ hạnh phúc vĩnh cửu hầu tránh khỏi đương đầu với nỗi khắc khoải sâu kín của tâm hồn. Thế nhưng, đã có sự hiện hữu tất nhiên có sự thay đổi, biến đổi hoặc trong diễn trình tiến hóa. Đâu ai vừa sinh ra đã biết nói, biết đi, biết hết mọi sự; cho nên phải được hun đúc tùy thuộc môi trường xã hội, con người còn có những ước mơ, đồng thời tìm kiếm phương cách thực hiện điều mơ ước. Nhưng những bậc hiền nhân, đức cao trọng vọng đã và đang được biết bao nhiêu người kính ngưỡng từ xưa tới nay như Lão Tử, Khổng Tử, Đức Phật, Đức Chúa... có thể đã chán ngấy loại hạnh phúc tạm bợ đời này nên chỉ nói đến hạnh phúc đời sau v.v... trong khi tôi kiếm tìm hạnh phúc không giai đoạn ngay tại cuộc đời này; phỏng tôi nên an phận thủ thường, chấp nhận cuộc đời buồn tênh cùng với một người vợ để khi nào chịu đựng không nổi niềm khắc khoải hạnh phúc bất tận cắn xé, hai vợ chồng kiếm cách gấu ó nhau như một cách khỏa lấp lòng khát khao triền miên ám ảnh...?
Thật ra, tôi muốn chấp nhận cuộc sống bình thường cũng không được vì con tim tôi có lý lẽ riêng của nó khi đương đầu với cuộc sống hiện tại, thế nên đặt vấn đề và tìm hiểu để sao cho cách sống giúp tôi có được niềm hạnh phúc thực sự không phải là vô lý. Tôi nghĩ, mình đã có cuộc sống thì hãy lo sao sống cho tốt lành nhất, hãy tìm niềm vui hạnh phúc bây giờ, tuy không phải dễ, vì xét về kiếp sau, hãy để kiếp sau lo. Hơn nữa, nếu bây giờ sống chẳng ra gì, đam mê và chấp nhận như loài giòi bọ thì kiếp sau làm sao thoát khỏi cảnh bùn lầy bẩn thỉu? Tuy nhiên thực tế mà nói, khi đói, không ăn sao no bụng; hạnh phúc đâu thể nào đến với kẻ chẳng bao giờ kiếm tìm. Nếu đã chấp nhận cuộc đời để sống cho qua không cần suy tính, không đặt vấn đề, có lẽ chẳng ai nên than khổ vì khổ bởi mình đã không muốn kiếm tìm, không muốn tạo dựng điều tốt lành hơn, khổ bởi đã tự ỷ lại, tự chấp nhận cuộc sống thừa cho qua. Hơn nữa, kinh nghiệm cho biết, dẫu chưa đạt được hạnh phúc mơ ước, chính hành trình kiến tạo nó đã tự mang niềm vui cho người cố gắng kiếm tìm dẫu ngay cả hạnh phúc ấy chỉ là một ảo tưởng |
|
|