Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Kiếm Hiệp » Thiên Long Bát Bộ Tác Giả: Kim Dung    
Cái mũi thần tình

    Cưu Ma Trí nghe Đoàn Dự ngâm thơ, cười lạt nói:
    - Chết đến gáy mà mi vẫn còn khoái lắm nhỉ. Vài bữa nữa rồi xuống âm
    cung mà ngâm thơ vịnh phú với Diêm Vương.
    Đoàn Dự cười nói:
    - Thiên hạ ai là người không chết? Mi sống thêm mấy năm nữa có hơn ai
    được cái gì không?
    Cưu Ma Trí không nói nữa, quay ra hỏi thăm những người qua đường Tham
    Hợp trang ở đâu. Lão hỏi đến bảy tám người mà chẳng ai biết. Sau có ông
    già bảo:
    - Thành Cô Tô không có đâu là Tham Hợp trang cả. Có lẽ hoà thượng nghe
    lầm chăng?
    Cưu Ma Trí lại hỏi:
    - Lão trượng có biết đại trang chúa người họ Mộ Dung ở đâu không?
    Ông già đáp:
    - Trong thành Tô Châu này chỉ có họ Cố, họ Lục, họ Trương, họ Chu, họ
    Văn... làm gì có đại trang chúa cùng Mộ Dung? Tôi chưa thấy ai nói đến
    cả.
    Cưu Ma Trí chưa biết tìm cách nào để hỏi cho ra địa chỉ Mộ Dung tiên sinh,
    chợt nghe tiếng một người đang đi trên còn đường nhỏ về phía tây nói: tôi
    nghe nói họ Mộ Dung ngụ ở ngoài thành, đi về phía tây chừng 30 dặm, chỗ
    đó gọi là Yến Tử ổ. Chúng ta tới đó xem sao?
    Rồi lại có tiếng người khác gạt đi:
    - Thôi! Đây đã đến địa đầu rồi. Ta phải cẩn thận mới được.
    Hai người nói rất khẽ, Đoàn Dự không nghe thấy chi cả Cưu Ma Trí vì tuyệt
    giỏi nội công mới nghe rõ. Lão nghĩ thầm: phải chăng hai người này chủ
    tâm nói cho ta nghe tiếng?
    Cưu Ma Trí đưa mắt nhìn về phía vừa phát ra tiếng nói thì thấy một người
    khí vụ hiên ngang, vận đồ tang phục còn một người thấp lủn thủn và gầy
    đét, trông chẳng khác chi ác quỷ hung thần. Cưu Ma Trí biết ngay người đó
    có võ công đáng kể. Lão còn đang suy nghĩ có nên cùng bọn này bắt
    chuyện không bỗng Đoàn Dự lên tiếng gọi to:
    - Hoắc tiên sinh! Hoắc tiên sinh đi đâu đấy?
    Nguyên người thấp lủn thủn, hình dung cổ quái đó chính là Kim Toán bàn
    Thôi Bách Kế và sư điệt ông là Truy hồn thủ Quá Ngạn Chi. Hai người sau
    khi từ biệt Trấn Nam Vương phủ nước Đại Lý ra đi, quyết tâm báo thù cho
    Kha Bách Tuế. Mặc dầu họ biết rõ khó có thể địch lại nhà Mộ Dung, mối
    thù không đội trời chung vị tất đã trả được nhưng là những người nghĩa
    dũng, họ can đảm tìm đến Cô Tô. Công việc đầu tiên của hai người là thám
    thính họ Mộ Dung ngụ tại Yến Tử ổ, đang đi trên đường thì gặp Cưu Ma Trí
    cùng Đoàn Dự. Thôi Bách Kế chợt nghe tiếng Đoàn Dự gọi rất đỗi ngạc
    nhiên nhảy ngay đến trước mặt Cưu Ma Trí hỏi:
    - Tiểu Vương gia đó ? Ô kìa đại hoà thượng! Xin buông ngay công tử
    xuống cho! Hoà thượng có biết công tử là ai đó không?
    Thực ra Cưu Ma Trí chẳng coi hai người vào đâu nhưng lão nghĩ rằng từ lúc
    chưa đến Trung Nguyên mình đã biết khó lòng tìm ra chỗ ở của Mộ Dung
    tiên sinh. Nay có bọn này dẫn lối cho kể cũng là một dịp may cho mình bèn
    buông Đoàn Dự xuống, để chàng đứng vững rồi giải các huyệt đạo ở hai
    chân chàng, đoạn quay lại bảo hai người:
    - Tôi cũng đến chỗ Mộ Dung tiên sinh đây. Phiền hai vị dẫn đường cho!
    Thôi Bách Kế tuy là người lịch duyệt giang hồ, biết nhiều hiểu rộng mà
    chưa đoán ra lai lịch nhà sư này, bèn hỏi:
    - Xin hỏi đại sư chúng tôi xưng hô với đại sư thế nào cho phải? sao đại sư
    lại làm khó dễ với tiểu Vương gia họ Đoàn như vậy? Đại sư lên phủ Mộ
    Dung có việc gì?
    Cưu Ma Trí đáp lộc cộc:
    - Bất tất phải hỏi nhiều, tới nơi sẽ biết!
    Thôi Bách Kế lại hỏi:
    - Phải chăng đại sư là chỗ bạn thân với nhà Mộ Dung?
    Cưu Ma Trí đáp:
    - Phải! Mộ Dung tiên sinh ở Tham Hợp trang, không biết đi về ngả nào?
    Hoắc tiên sinh có biết thì chỉ dùm cho!
    Lão thấy Đoàn Dự gọi Thôi Bách Kế là Hoắc tiên sinh cũng tưởng y là
    Hoắc thật mặc dầu lão trí mưu hơn người nhưng cũng chưa hiểu lý do.
    Thôi Bách Kế bóp trán suy nghĩ rồi hỏi Đoàn Dự:
    - Tiểu vương gia! Bây giờ Tiểu Vương gia tính sao đây?
    Câu hỏi này khiến cho Đoàn Dự phải chưng hửng. Chàng nghĩ thầm: "Cưu
    Ma Trí võ công ghê gớm, trên đời này sợ không ai địch nổi. Bọn Thôi, Quá
    tất nhiên so với lão không thấm vào đâu. Nếu hai người này lại cố ý cứu
    mình thì chẳng những không ăn thua gì mà chết uổng hai mạng". Nghĩ vậy
    chàng dùng lời cảnh cáo để bọn họ biết đường cao chạy xa bay là hơn chàng
    nói:
    - Vị đại sư đây một mình mà đánh bại bá phụ tôi cùng năm tay cao thủ nước
    Đại Lý, bắt tôi đem đến đây. Nguyên đại sư là bạn cố tri với Mộ Dung tiên
    sinh, nay đại sư đưa tôi đến hoả thiêu trước mồ Mộ Dung tiên sinh để tế
    vong hồn người bạn quá cố. Tôi tưởng hai vị không có dính líu gì đến nhà
    Mộ Dung thì nên chỉ đường cho đại sư rồi về đi là hơn.
    Thôi Bách Kế cùng Quá Ngạn Chi nghe lão đại sư này đánh bại Bảo Định
    Đế cùng bọn cao thủ nước Đại Lý quả nhiên chột dạ, khi nghe lão là bạn
    với bọn Mộ Dung thì lại càng khiếp sợ. Thôi Bách Kế tuy mặt mũi xấu xa,
    hình dung cổ quái nhưng có nghĩa khí hào hiệp nghĩ thầm: "mình đã ẩn thân
    tại phủ Trấn Nam Vương mười mấy năm trời chưa từng báo đáp ơn sâu.
    Nay tiểu vương gia gặp nạn có lý đâu mình tự thủ bàng quan được? Hơn nữa
    mình đã tìm vào Cô Tô thì cái mạng này coi có cũng như không, bất luận
    chết dưới lưỡi đao của kẻ địch hay chết bới tay người khác cũng thế thôi".
    Nghĩ vậy Thôi liền thò tay vào bọc lấy ra một cái bàn tính bằng hoàng kim
    sáng rực, giơ cao lên, lắc cho nó kêu loảng xoảng rồi bảo Cưu Ma Trí:
    - Này này đại hoà thượng! Đại hoà thượng là bạn thân với Mộ Dung tiên
    sinh thì tiểu vương gia đây cũng là hảo hữu của tôi, đại hoà thượng nên
    buông tha tiểu vương gia ra!
    Thôi Bách Kế chưa nói dứt câu Cưu Ma Trí đã vươn tay ra giựt được cây
    nhuyễn tiên của Quá Ngạn Chi đang cầm, rồi thuận tay lão quăng nhuyễn
    tiên quấn lấy bàn tính ở trong tay Thôi Bách Kế. Hai binh khí chạm vào
    nhau, rời khỏi tay người cầm, bay tung ra rớt xuống hồ. Ai nấy đều nhìn
    thấy cặp khí giới quý báu này sắp chìm xuống đáy hồ. Không ngờ đà kình
    lực Cưu Ma Trí xử khéo làm sao, một đầu cây nhuyễn tiên văng lại, mắc
    vào một cành liễu trên mặt hồ.
    Quá Ngạn Chi ngoại hiệu là "truy hồn thủ" ra tay cực kỳ mau lẹ, sử dụng
    cây nhuyễn tiên lại là một môn tuyệt kỹ của chàng vậy mà chưa đánh xong
    một đòn đã bị Cưu Ma Trí giật rời khỏi tay. Mấy cử động của Cưu Ma Trí:
    nào xích lại gần, nào vươn tay giật roi nhuyễn tiên, nào vẫy roi cuốn lấy bàn
    tính, nào lui về chỗ cũ lẹ đến nỗi cả Thôi Bách Kế lẫn Quá Ngạn Chi hai
    người cũng không trông rõ nữa.
    Cưu Ma Trí chắp hai tay để trước ngực, nét mặt vẫn thản nhiên như không
    có chuyện gì xảy ra nói:
    - Phiền đại giá hai vị dẫn đường cho!
    Thôi, Quá hai người ngơ ngác nhìn nhau, không biết làm thế nào. Cưu Ma
    Trí lại nói tiếp:
    - Nếu hai vị không dẫn đường thì xin chỉ nẻo cho biết Yến Tử ổ, Tham Hợp
    trang đi về ngả nào, đường lối ra sao, để tiểu tăng tự đi đến nơi cũng được.
    Thôi, Quá hai người thấy võ công lão vô cùng lợi hại mà vẻ mặt lại khiêm
    tôn, ôn hoà là thế muốn trở mặt không được mà không trở mặt không xong.
    Giữa lúc ấy bỗng nghe có tiếng rạt rào, trên mặt hồ nước biếc một con
    thuyền nhỏ đang rẽ nước lướt tới. Trên thuyền một thiếu nữ áo xanh cầm
    đôi mái chèo khuấy nước cho thuyền chạy, miệng cô đang ca khúc "Hạm
    thiều hương". Giọng hát dịu dàng không có vẻ lả lơi khiến người nghe cũng
    cảm thấy nỗi vui mừng.
    Đoàn Dự ở nước Đại Lý từng đọc văn chương thơ phú của cổ nhân, tán tụng
    phong cảnh nhân vật Giang Nam. Nay chàng được nghe khúc hát này tâm
    hồn bất giác say sa như lạc vào cõi mộng. Quên mình đang đứng trước
    hoàn cảnh hiểm nghèo quay ra nhìn thiếu nữ. Tay nàng nhỏ nhắn, nước da
    trắng mịn ánh xuống hồ nước xanh biếc và trong leo lẻo.
    Thôi Bách Kế và Quá Ngạn Chi tuy đứng trước mặt kẻ địch ghê gớm cũng
    không khỏi đưa mắt nhìn cô gái mấy lần. Chỉ mình Cưu Ma Trí là tựa hồ
    như không trông thấy hay không nghe thấy gì mà thôi. Lão nói:
    - Nếu hai vị không chịu chỉ Tham Hợp trang cho thì tiểu tăng xin cáo từ.
    Lúc đó thiếu nữ đã chèo thuyền đến gần bờ. Nàng nghe Cưu Ma Trí nói vậy
    liền cất tiếng:
    - Chẳng hay đại hoà thượng đến Tham Hợp trang có việc gì?
    Giọng nàng cực kỳ thanh tao êm ái khiến ai nghe cũng lọt tai. Thiếu nữ mới
    chừng 15, 16 tuổi, nét mặt ôn nhu, con người thanh tú. Đoàn Dự nghĩ thầm:
    "các cô gái ở Giang Nam có tiếng là xinh đẹp tưởng cũng đến thế này mà
    thôi".
    Cưu Ma Trí hỏi:
    - Tiểu tăng muốn đến Tham Hợp trang. Tiểu nương tử có thể trỏ đường lối
    cho tiểu tăng được không?
    Thiếu nữ mỉm cười hỏi lại:
    - Cái tên Tham Hợp trang người ngoài không ai biết đến. Đại sư nghe đâu
    mà biết?
    Cưu Ma Trí đáp:
    - Tiểu tăng là bạn phương xa với Mộ Dung tiên sinh. Hôm nay đến tế mộ
    tiên sinh cho vẹn lời ước năm xưa.
    Thiếu nữ trầm ngâm rồi nói:
    - Nếu vậy không may cho đại sư rồi! Hôm kia Mộ Dung công tử mới ra đi.
    Giả tỷ đại sư đến đây trước ba hôm thì được gặp.
    Cưu Ma Trí nói:
    - Tiểu tăng thật vô duyên cùng công tử nghĩ cũng đáng buồn. Song tiểu tăng
    từ nước Thổ Phồn, đường xa muôn dặm, lặn lội về đến Trung Nguyên chỉ
    mong được tới trước mồ Mộ Dung tiên sinh lạy một lạy cho chọn nghĩa xưa.
    Thiếu nữ nói:
    - Nếu đại sư đã là chỗ giao hữu cùng Mộ Dung tiên sinh thì xin mời đại sư
    hãy vào dùng trà để cháu sẽ vào báo trang nên chăng?
    Cưu Ma Trí hỏi lại:
    - Tiểu nương tử là người thế nào trong phủ công tử? Xưng hô sao cho phải
    phép?
    Thiếu nữ mỉm cười đáp:
    - Cháu là kẻ nữ tỳ chầu chực công tử trong cung đàn tiếng sáo tên gọi A
    Bích. Xin đại sư miễn khách sáo và đừng kêu bằng đại nương tử tiểu nương
    tử chi hết. Cứ gọi thẳng tên A Bích cho tiện.
    Đoạn nàng tiếp:
    - Từ đây vào Yến tử ổ toàn là đường thuỷ. Quý vị có muốn vào thì xuống
    thuyền để tiểu nữ chở đi.
    Cưu Ma Trí cám ơn rồi nắm tay Đoàn Dự nhẹ nhàng nhảy xuống thuyền,
    thuyền chỉ đầm xuống một chút chứ không tròng trành.
    A Bích nhìn Cưu Ma Trí và Đoàn Dự mỉm cười tựa hồ thán phục võ công
    của hai người.
    Quá Ngạn Chi khẽ hỏi Thôi Bách Kế:
    - Sư thúc tính sao bây giờ?
    Hai người cốt tìm đến nhà Mộ Dung để báo thù nhnưg chưa tới nơi đã xẩy
    ra mấy vụ rùng rợn vẫn còn nơm nớp lo âu.
    A Bích tươi cười nói:
    - Hai vị đã đến Tô Châu nếu không có việc gì gấp xin mời vào tệ xá xơi
    nước. Cái thuyền này tuy nhỏ nhưng hai vị xuống nữa cũng được.
    Nàng vừa nói vừa ghé thuyền vào bên cây liễu, giơ bàn tay xinh xắn ra với
    lấy cây bàn tính, tiện tay nàng gẩy bàn tính lách cách.
    Đoàn Dự nghe vui tai buột miệng nói:
    - Cô gẩy khúc thái tang tử phải không?
    A Bích mỉm cười nói:
    - Công tử tinh thông âm nhạc gẩy chơi một khúc đi!
    Đoàn Dự thấy nàng ăn nói tự nhiên, tính tình khả ái cười đáp:
    - Tôi không biết gẩy đàn bằng bàn tính.
    Rồi chàng quay lại bảo Thôi Bách Kế:
    - Hoắc tiên sinh! Cái bàn tính của tiên sinh mà cô nương đây gẩy nghe cũng
    vui tai đấy chứ?
    Thôi Bách Kế cười hềnh hệch đáp:
    - Quả vậy! Hay lắm! Cô nương thực là người tao nhã. Cái đồ vật phàm tục
    dùng làm sinh kế vào tay cô nương cũng thành ra nhạc khí được.
    - Trời ơi! ghê quá! Của tiên sinh đấy ? Bàn tính gì mà đẹp quá vậy? Chắc
    tiên sinh giàu có lắm, cái bàn tính cũng đúc bằng vàng ruột. Tôi xin trả tiên
    sinh đây!
    Nàng vừa nói vừa cầm bàn tính giơ lên. Thôi Bách Kế đứng trên bờ không
    với tới, lẹ làng nhảy xuống thuyền, đưa tay ra với lấy bàn tính rồi quay đầu
    lại trừng mắt nhìn Cưu Ma Trí một cái. Cưu Ma Trí thuỷ chung vẫn giữ bộ
    mặt tươi cười vui vẻ, tuyệt không lộ vẻ gì tức giận cả. A Bích lại đưa tay trái
    ra lượm cây nhuyễn tiên, năm ngón tay nàng cũng bật cũng gõ vào cây roi
    thành những âm thanh trong trẻo vang dội như kiểu gẩy đàn tỳ bà. Thì ra cả
    đến những binh khí của các bậc anh hùng hào kiệt vào tay nàng cũng thành
    nhạc khí cả.
    Đoàn Dự lại reo lên:
    - Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! Cô nương gảy khúc nữa đi!
    A Bích trông lên Quá Ngạn Chi hỏi:
    - Cây nhuyễn tiên của tiên sinh phải không? tôi đem ra nghịch thực vô lễ
    quá. Tiên sinh xuống thuyền đi rồi tôi hái cho tiên sinh mấy trái hồng lăng.
    Quá Ngạn Chi nóng lòng báo cừu cho sư phụ chàng căm thù cả bè lũ nhà
    Mộ Dung thấu xương nhưng thấy cô bé này xinh tươi, chất phác không có
    vẻ gì là nham hiểm độc ác nên chàng tuy giận đầy ruột mà không dám phát
    cáu. Chàng nghĩ thầm: "thị dẫn ta về nhà là có chuyện không hay đây. Thôi
    được, nếp tẻ gì không cần, ta hãy vào giết mấy đứa cho hả giận đã". Nghĩ
    vậy chàng gật đầu bước xuống thuyền.
    A Bích trịnh trọng quấn cây nhuyễn tiên lại đưa cho Quá Ngạn Chi. Đoạn
    thả mái chèo xuống nước, quay thuyền bơi về hướng tây.
    Thôi Bách Kế và Quá Ngạn Chi đưa mắt nhìn nhau mấy lần. Hai người cùng
    nghĩ bụng: "nay mình vào hang cọp, chưa biết sống chết ra sao. Bọn Mộ
    Dung thủ đoạn ác độc vô cùng. Cô bé này xem ra tuy không phải là hạng
    đóng kịch giả hiệu nhưng biết đâu chẳng là kế kiêu binh của chúng để mình
    phóng tâm không đề phòng cho chúng dễ bề hạ thủ?". Thuyền đi vòng vèo
    vài khúc quanh thì đến cái hồ lớn rộng bát ngát, mông mênh những nước
    cùng trời. Quá Ngạn Chi chột dạ nghĩ thầm: "cái hồ này có lẽ là Thái Hồ
    đây. Mình cùng Thôi sư thúc đều không quen bơi lội, thuyền chỉ lật đi một
    cái thời mình đành làm mồi cho cá, còn đâu nữa mà báo cừu cho sư phụ?".
    Thôi Bách Kế cũng tưởng đến chỗ đó tự nhủ: "giả tỷ mình cầm mái chèo
    trong tay thì ả này có muốn lật thuyền cũng không phải dễ", liền nói:
    - Cô nương! cô để tôi bơi thuyền đỡ một lúc. Cô cứ chỉ đường cho tôi là
    được.
    A Bích cười nói:
    - Trời ơi! cháu đâu dám thế? Công tử mà biết ra sẽ trách phạt cháu về tội
    khinh mạn tân khách.
    Thôi Bách Kế thấy nàng không chịu lại càng ra dạ ngờ vực bèn xoay chiều:
    - Thật ra không dám giấu gì cô nương. Xin cô nương cho chúng tôi nghe
    thêm vài khúc đàn nhuyễn tiên tuyệt kỹ nữa.
    A Bích cười nói:
    - Tiên sinh dạy quá lời.
    Thôi Bách Kế lấy cây nhuyễn tiên trong tay Quá Ngạn Chi đưa cho A Bích
    miệng bảo nàng gẩy đàn, tay đưa ra đón lấy mái chèo.
    A Bích nói:
    - Tiên sinh cho tôi mượn cả cái bàn tính nữa.
    Thôi Bách Kế ngấm ngầm nghĩ bụng: "ả thu cả khí giới của bọn mình, hay
    là có âm mưu gì đây?". Nghĩ vậy thì nghĩ chứ không có cách nào từ chối
    đành cầm bàn tính đưa cho nàng.
    A Bích đặt bàn tính xuống tấm ván gỗ đầu thuyền ngay trước mặt. Tay trái
    nàng giữ lấy chuôi nhuyễn tiên, chân phải dậm lên một đầu cho cây roi
    dựng thẳng lên, năm ngón tay phải vừa bật vừa vê đi vuốt lại, cây nhuyễn
    tiên phát ra tiếng leng keng, tuy không trong trẻo vang dội bằng tiếng đàn tỳ
    bà nhưng nghe cũng thành nhạc điệu giòn dã, du dương. Năm ngón tay A
    Bích vừa lần gẩy nhuyễn tiên vừa gẩy xen lẫn tiếng bàn tính kêu lách cách
    tựa hồ tiếng sắt tiếng vàng chen nhau nghe càng thêm thú vị. Giữa lúc đó
    đôi chim én lượn qua đầu thuyền, bay về hướng tây. Đoàn Dự nghĩ bụng:
    chỗ Mộ Dung ở gọi là Yến Tử ổ chắc có nhiều chim én. Bỗng nghe A Bích
    cất tiếng hát. Đoàn Dự nghe giọng hát du dương mà lòng những bâng
    khuâng như say như tỉnh. Chàng lẩm bẩm một mình: "nếu mình suốt đời ở
    tận nơi đèo heo hút gió thì làm sao nghe được những khúc tiên nhạc này?
    Công tử Mộ Dung có những ả nữ tỳ tài tình thế này tất không phải hạng tầm
    thường". A Bích ca hát một hồi rồi đưa trả bàn tính cùng nhuyễn tiên cho
    Thôi, Quá và cười nói:
    - Đàn hát kém quá, chỉ tổ làm trò cười cho quý khách. Xin Hoắc tiên sinh
    quay mũi thuyền về mé tả, sắp đến nhà rồi.
    Thôi Bách Kế lái mũi thuyền theo tay nàng trỏ, đi vào lạch nước đầy sen
    mọc. Nếu không có A Bích trỏ nẻo thì không ai ngờ giữa chỗ lá sen chi chít
    lại là lối thuyền đi. Thôi Bách Kế chèo một lúc nữa A Bích lại trỏ tay bảo:
    - Đi vào nẻo trong kia!
    Quãng này trên mặt nước toàn một giống hồng lăng. Nước biếc lá xanh,
    phong cảnh tuyệt đẹp. A Bích đưa tay ra hái ít trái hồng lăng đa cho mọi
    người. Đoàn Dự tuy hai tay đã cử động được nhưng từ sau khi bị điểm huyệt
    không còn mảy may khí lực nào nữa, vỏ trái hồng lăng hơi rắn một chút mà
    chàng không sao bóc được.
    A Bích cười nói:
    - Công tử không phải là người Giang Nam, không biết bóc vỏ hồng lăng, để
    cháu bóc cho.
    Nàng bóc luôn mấy trái đặt vào tay Đoàn Dự. Nhân cùng thịt trái này trắng
    bóng và tinh khiết. Đoàn Dự cầm bỏ vào miệng ăn, vừa ngọt vừa thơm,
    chàng cười bảo A Bích:
    - Mùi vị của trái thuý hồng lăng này cũng ngon ngọt như khúc hát của cô
    nương.
    A Bích hai má ửng hồng cười nói:
    - Đa tạ công tử. Đem điệu hát ví với trái hồng lăng, nay cháu mới nghe thấy
    công tử nói là một.
    Chưa đi hết lạch hồng lăng, A Bích lại trỏ tay cho thuyền đi ra ngả có lau
    sậy rậm rạp. Đến khu này cả Cưu Ma Trí cũng phải lưu tâm nhớ lấy nẻo đi,
    để đề phòng lúc về biết lối mà ra. Vì chỉ trông thấy toàn một mầu lá lau, lá
    lăng, lá giao, lá sen rất khó phân biệt đường đi. Hơn nữa chỉ một cơn gió là
    các thứ hoa trên mặt nước này bay qua, lướt lại, mất hết dấu vết, dù có nhận
    xét kỹ càng nhưng thoáng cái cucï diện lại biến đổi khác đi. Cưu Ma Trí, Thôi
    Bách Kế, Quá Ngạn Chi ba người đều để ý nhìn nhận phương pháp tìm nẻo
    đi của A Bích, xem nàng lấy gì làm mục tiêu nhưng chỉ thấy nàng cứ điềm
    nhiên hái trái hồng lăng mà chẳng cần để ý gì đến đường đi. Thuyền đến
    chỗ quanh, chỗ rẽ là nàng thuận miệng chỉ bảo, tựa hồ những lối dọc ngang
    trên mặt hồ nàng đã thuộc lòng, không cần để ý nhìn nhận nữa. Thuyền đi
    ngang rẽ dọc không biết bao nhiêu chỗ vào khoảng giờ mùi thì xa xa giữa
    rặng liễu xanh om lộ ra một mái nhà.
    A Bích nói:
    - Đến nơi rồi, hôm nay cháu làm nhọc sức Hoắc tiên sinh bơi thuyền đến
    quá nửa ngày.
    Nàng thấy Đoàn Dự gọi Thôi Bách Kế là Hoắc tiên sinh cũng tưởng ông ta
    họ Hoắc. Thôi Bách Kế miệng cười méo mó đáp:
    - Cứ được ăn hồng lăng, lại được nghe thanh ca, dù có phải bơi thuyền hàng
    năm cũng không biết mỏi.
    A Bích vỗ tay cười nói:
    - Tiên sinh muốn ăn hồng lăng cùng nghe hát thì khó gì? Cứ ở cùng tụi trên
    hồ này không ra nữa là được.
    Thôi Bách Kế nghe A Bích nói: "cứ ở trên hồ này, không ra nữa" bất giác
    thất kinh, đưa mắt nhìn hồi lâu thì chỉ thấy lúc nào nàng cũng tươi cười dễ
    dãi, tuyệt không lộ vẻ con người tâm cơ xảo trá. Tuy nhiên Thôi vẫn không
    vững dạ chút nào.
    A Bích đón lấy mái chèo, gạt thuyền vào dưới bóng liễu, đến chỗ có cành
    cây tùng rủ xuống mặt nước. Nàng vừa buộc thuyền vào cành cây xong,
    chợt nghe tiếng một con chim nhỏ hót líu lo, giọng hót rất trong trẻo và
    vang dội. A Bích cũng bắt chước giọng chim gáy lên vài tiếng rồi quay lại
    bảo mọi người:
    - Xin mời quý vị lên bờ.
    Mọi người lên bờ trông vào thấy lưa thưa có bốn năm căn nhà nhỏ, dựng
    trên một cái đảo nhỏ hay cái bán đảo thì đúng hơn. Các phòng ốc tuy bé
    nhỏ nhưng rất sáng sủa, xinh xắn.
    Cưu Ma Trí hỏi:
    - Phải chăng đây là Tham Hợp trang trong yến tử ổ?
    A Bích lắc đầu đáp:
    - Không phải! chỗ này công tử dựng lên cho cháu ở, chật hẹp, quê mùa
    không đáng để tiếp khách. Đại sư bảo vào tế mồ Mộ Dung tiên sinh, tôi đâu
    dám tác chủ, chẳng qua thỉnh quý vị vào đây ngồi chờ, để cháu nói cho A
    Châu tỷ nương hay.
    Cưu Ma Trí có vẻ không bằng lòng, nét mặt lầm lỳ. Cưu Ma Trí là một vị
    hộ quốc pháp vưng nước Thổ Phồn, địa vị cao sang là thế. Phi chỉ quốc
    vương nước Thổ Phồn đem lòng kính trọng, mà sang đến triều đình nước
    Đại Tống hay các nước Đại Lý, Liêu Quốc các vị vua chúa cũng tiếp đãi lão
    vào hàng thượng khách. Huống chi lão là bạn cố tri với Mộ Dung tiên sinh,
    vì tình nghĩa mà thân hành đến tế mộ. Công tử Mộ Dung vắng nhà không
    biết đã đành còn những người ở nhà cũng không mời lão vào đại sảnh, tiếp
    đãi long trọng, lại để cho con thị tỳ đưa vào nhà riêng, thực là đáng giận.
    Nhưng lão thấy A Bích luôn miệng tươi cười, tuyệt không tỏ vẻ khinh mạn
    thì nghĩ rằng: "Nó là con ăn con ở, có hiểu gì đâu mà mình đem đặt nó vào
    địa vị người có kiến thức?". Nghĩ vậy lão trở lại nét mặt ôn hoà vui tươi.
    Thôi Bách Kế hỏi:
    - A Châu tỷ nương là ai?
    A Bích cười đáp bằng một giọng ngây thơ:
    - A Châu tỷ nương là A Châu tỷ nương! vì chị A Châu lớn hơn cháu một
    tháng nên cháu kêu bằng A Châu tỷ nương chứ biết sao được? Ai bảo chị
    lớn hơn cháu một tháng làm gì? Như tiên sinh thì cần gì phải gọi A Châu là
    tỷ nương? nhưng nếu cứ gọi A Châu tỷ nương thì chị ta cũng khoái lắm.
    Nàng nói liến láu một hồi, giọng nói trong trẻo như người tấu nhạc rồi dẫn
    bốn người vào trong nhà. Đoàn Dự nhìn lên thấy trên cửa căn nhà nhỏ có
    tấm biển viết hai chữ "cầm vân", nét chữ rất tốt. A Bích mời mọi người ngồi
    chơi. Một lát có gã con trai bưng trà và bánh điểm tâm ra. Đoàn Dự vừa
    cầm chén trà thì một mùi thơm ngát đưa lên mũi. Chàng thấy nước trà màu
    xanh lạt, cánh trà mầu xanh biếc, nhỏ như hạt châu, trên mặt lá có lông nhỏ
    li ti. Thứ trà này chàng chưa thấy bao giờ. Chàng vừa nhấp thử một hớp,
    miệng đượm mùi thơm, lưỡi dơm dớp vị ngọt. Cưu Ma Trí và Thôi Bách Kế
    thấy lá trà kỳ dị không dám uống. (Nguyên thứ trà này là đặc sản ở miền
    phụ cận Thái Hồ, đời sau gọi là trà Bích La Xuân. Bấy giờ về đời Bắc Tống,
    chưa có cái tên thanh nhã này.) Cưu Ma Trí ở khu Tây Vực và cư trú tại
    miền rừng núi nước Thổ Phồn, chỉ quen uống trà sắc đen, vị chát, giờ thấy
    thứ trà sắc xanh biếc, có lông ngờ là có chất độc.
    Bốn thứ điểm tâm là mứt mai côi, bánh dẻo phục linh, bánh nướng Phi Thuỷ
    và bột ngó sen. Thứ nào cũng chế rất công phu, tựa hồ như làm để bày cho
    đẹp chứ không phải để ăn. Đoàn Dự khen nức nở rồi hỏi:
    - Những món điểm tâm coi đẹp thế này mà bỏ vào miệng ăn đi thì uổng quá
    phải không cô nương?
    A Bích nói:
    - Mời công tử dùng đi! Trong nhà hãy còn.
    Đoàn Dự ăn đến đâu lại trầm trồ khen ngợi đến đó. Cưu Ma Trí và Thôi
    Bách Kế cùng Quá Ngạn Chi không dám ăn. Đoàn Dự thấy vậy trong lòng
    sinh nghi tự hỏi: "Cưu Ma Trí tự xưng là bạn thân với Mộ Dung tiên sinh
    vậy mà sao chỗ nào lão cũng gia tâm đề phòng? Nhà Mộ Dung đối đãi với
    lão tựa hồ không có vẻ trịnh trọng là nghĩa gì?
    Cưu Ma Trí thật là người rất nhẫn nại, lão đợi đến nửa ngày chờ sau khi
    Đoàn Dự đã uống trà và ăn điểm tâm đủ thứ mới cất tiếng giục A Bích:
    - Bây giờ xin cô nương đi mời A Châu cô nương đến cho!
    A Bích cười đáp:
    - Trại chị A Châu ở cách đây xa tới bốn chín đường thuỷ, bữa nay đi không
    kịp mất rồi. Mời bốn vị hãy ở lại đây một đêm, sáng sớm mai cháu sẽ đưa
    quý vị sang "thính hương tiểu trúc".
    Thôi Bách Kế hỏi:
    - Bốn chín đường thuỷ là nghĩa làm sao?
    A Bích đáp:
    - Một chín là 9 dặm, hai chín là 18 dặm, bốn chín là 36 dặm.
    Nguyên một giải Giang Nam tính lộ trình từng 9 dặm một.
    Cưu Ma Trí lại nói:
    - Giá biết thế này thì cô nương đưa chúng tôi đến thẳng Thính hương tiểu
    trúc có phải hay hơn không?
    A Bích cười đáp:
    - Cháu ở đây một mình không có ai trò chuyện, buồn chết đi được. Chẳng
    mấy khi có quý khách đến chơi, thế nào cũng lưu quý vị ở lại đây một hôm.
    Từ hồi nào tới giờ Quá Ngạn Chi chỉ ngồi lầm lỳ không nói câu gì, đột
    nhiên đứng phắt dậy, quát hỏi:
    - Thân nhân nhà Mộ Dung trú ngụ nơi đâu? Quá Ngạn Chi này đến Tham
    Hợp trang không phải để ăn cơm, uống nước cũng không phải để gẫu
    chuyện giải buồn cho ai đâu nhé. Ta đến để giết người báo thù, để đổ máu
    cùng gây án mạng. Quá mỗ đã vào trong này, cô nương đi bảo chúng hay,
    ta đây là đệ tử Kha Bách Tuế phái Tung Sơn đến đòi món nợ máu của sư
    phụ ta.
    Nói xong cầm cây nhuyễn tiên đập mạnh làm cho chiếc kỷ trà gỗ đàn hương
    cùng cái ghế bằng thứ trúc Tương Phi gẫy ra từng mảnh.
    A Bích không sợ hãi mà cũng không tức giận nàng nói:
    - Các vị anh hùng hào kiệt đến chơi với Mộ Dung công tử mỗi tháng mấy
    lần, cũng đã nhiều vị hùng hùng hổ hổ như Quá đại gia đây...
    Nàng chưa dứt lời, chợt thấy một lão già nhỏ bé thấp lủn thủn, đầu tóc bạc
    phơ chống gậy từ hậu đường đi ra hỏi:
    - A Bích! Ai làm gì mà ầm lên thế?
    Thôi Bách Kế đang ngồi ghế cũng nhảy vọt ra, đứng bên Quá Ngạn Chi
    quát hỏi:
    - Sư huynh ta là Kha Bách Tuế bị ai sát hại? Nói mau!
    Đoàn Dự thấy lão già lưng còng, mặt mũi dăn deo chừng tám chín chục tuổi
    nói ấp úng trong cổ họng:
    - Kha Bách Tuế, Kha Bách Tuế ? đã thọ đến Bách Tuế thì chết là đáng đời
    rồi còn gì?
    Từ lúc Quá Ngạn Chi đến Tô Châu, tưởng đến thẳng nhà Mộ Dung chém
    giết để báo thù cho ân sư nào ngờ gặp phải Cưu Ma Trí đoạt khí giới, mất
    hết nhuệ khí, đang bực mình thì lại gặp A Bích, một cô gái rất hiền hoà khả
    ái, bao nhiêu thù oán không phát tiết vào đâu được nên giờ vừa nghe lão già
    ăn nói ỡm ờ, vô lễ liền vung roi nhằm hậu tâm lão quất xuống. Chàng sợ
    Cưu Ma Trí ra tay can thiệp nên thấy Cưu ngồi đầu đằng tây liền giơ roi về
    phía đông quất tới. Nào ngờ Cưu Ma Trí vươn tay ra, bàn tay lão tựa hồ có
    đá nam châm, lão ngồi xa mà chụp được nhuyễn tiên nói:
    - Quá đại hiệp! Chúng ta là khách phương xa đến, lấy lời lẽ dàn xếp với
    nhau là hơn, hà tất phải dùng đến võ lực?
    Đoạn lão cuộn cây nhuyễn tiên lại, trao trả cho Quá Ngạn Chi. Quá Ngạn
    Chi thẹn mặt đỏ bừng, đón lấy roi thì tức mình mà không đón lấy cũng
    không tiện. Sau cùng nghĩ bụng: "mình đến đây cốt để báo thù là việc lớn,
    hãy tạm nhẫn nhục trong nhất thời rồi sẽ liệu sau". Nghĩ vậy chàng đưa tay
    ra đón lấy cây roi.
    Cưu Ma Trí hỏi lão già:
    - Tôn tính đại danh thí chủ là gì? Là người thân thích hay bạn hữu với Mộ
    Dung tiên sinh?
    Lão già toét miệng ra cười đáp:
    - Già này là lão bộc của công tử Mộ Dung, làm gì có tôn tánh đại danh? Già
    nghe nói đại sư là bạn thân với cố chủ nhận, vậy người có điều chi dạy bảo?
    Cưu Ma Trí nói:
    - Bần tăng cần gặp Mộ Dung công tử để trình bày.
    Lão già đáp:
    - Thế thì không may rồi! Công tử tôi mới ra đi hôm kia, không chừng một
    hai ngày nữa mới về.
    Cưu Ma Trí lại hỏi:
    - Công tử đi chơi đâu?
    Lão già nghiêng đầu, nghẹo cổ, đưa ngón tay lên gõ trán rồi nói:
    - Tôi tuổi già lẫn lộn, không nhớ được rành mạch, dường như công tử sang
    Tây Hạ hay Liêu Quốc gì đó, mà không chừng còn qua Thổ Phồn, Đại Lý
    cũng nên.
    Cưu Ma Trí hứ một tiếng, tỏ vẻ không bằng lòng vì lão già ấm ớ, chỉ trừ có
    Đại Tống là không còn bốn nước thuộc hạt lão nói hết. Cưu lại biết rõ lão
    già này giả bộ ngớ ngẩn liền nói tiếp:
    - Đã vậy thì bần tăng không thể chờ công tử được, nhờ quản gia đưa bần
    tăng đến tế mồ Mộ Dung tiên sinh cho tận tình cố nhân.
    Lão già khua tay rối lên nói:
    - Việc này tôi không thể tác chủ được đâu, tôi cũng không phải là quản gia,
    quản giếc chi cả.
    Cu Ma Trí lại hỏi:
    - Vậy ai là quản gia tôn phủ? Xin mời ra đây nói chuyện?
    Lão già gật đầu luôn mấy cái nói:
    - Được thế thì được lắm! Tôi xin mời quản gia đến.
    Lão trở gót người run lẩy bẩy đi ra, vừa đi vừa càu nhàu: "Cha này đáo để
    thật! Trên đời chẳng có việc ác nào là lão từ, lại giả bộ thầy tu. Mình đã
    ngần này tuổi đầu còn lạ gì trò hề mà lão toan bịp cả mình nữa mới đáng
    ghét".
    Đoàn Dự nghe lão nói bật lên tiếng cười khanh khách. A Bích vội quay sang
    nói với Cưu Ma Trí:
    - Xin đại sư phụ đừng giận, Hoàng lão bá có tính lẩn thẩn lại phải cái tật là
    tự cho mình thông minh hiểu đời, ai cũng chê bai.
    Thôi Bách Kế kéo áo Quá Ngạn Chi ra một chỗ khẽ bảo:
    - Cái thằng trọc tự xưng là bạn với Mộ Dung tiên sinh kia, sao nhà này
    không thấy ai tiếp đãi y một cách trọng vọng? Hiền điệt đừng có xung khắc
    với lão, phải để ý xem sao rồi sẽ liệu.
    Quá Ngạn Chi vâng lời về lại chỗ ngồi. Nhưng cái ghế dành cho chàng đã bị
    đập gẫy nát rồi, thành ra phải đứng. A Bích vội bê cái ghế nàng đang ngồi
    lại, tươi cười nói:
    - Mời Quá đại gia ngồi đây.
    Quá Ngạn Chi gật đầu, chàng tự nhủ: "giả tỷ mình vào đây, có giết hết cả
    nhà Mộ Dung, cũng nên tha cho con nhỏ này".
    Từ lúc lão bộc họ Hoàng ra nhà khách, Đoàn Dự cảm thấy trong lòng thắc
    mắc, hình như có điều chi lệch lạc, không ăn nhập với nhau trong hoàn cảnh
    chỗ này mà chàng nghĩ mãi không ra. Chàng hết nhìn cái phòng khách nhỏ
    bé cùng đồ cần thiết trong nhà, lại nhìn mấy bức hoạ treo trên vách, các
    khóm hoa ngoài sân rồi chàng lại nhìn A Bích, Cưu Ma Trí, Thôi Bách Kế,
    Quá Ngạn Chi mà không sao tìm ra cái trạng thái mỗi lúc chàng càng cảm
    thấy kỳ dị hơn. Đoàn Dự còn đang nghĩ ngợi phân vân, bỗng nghe thấy
    tiếng chân người rồi từ trong nhà đi ra một ông già trạc ngoại ngũ tuần,
    người ốm o, nước da vàng vọt, dưới cằm có một túm râu ngắn nh râu dê
    nhưng vẻ mặt tinh lanh mẫn cán, cách phục sức rõ ra một tên quản gia trong
    phủ Mộ Dung.
    Gã gầy nhom quay mặt về phía Cưu Ma Trí cùng mọi người thi lễ nói:
    - Tiểu nhân là Tôn Tam xin bái kiến liệt vị. Thưa đại sư phụ! Nay người có
    thịnh ý đến tế mồ Mộ Dung lão gia chúng tôi cảm kích vô cùng. Song công
    tử chúng tôi vắng nhà, không ai đáp lễ sao cho phải đạo kính khách. Vậy
    chờ công tử về, tiểu nhân sẽ đem thịnh ý của đại sư phụ trình lại công tử là
    đủ...
    Gã vừa nói đến đây thì mũi Đoàn Dự bỗng thoáng ngửi thấy một mùi hương
    thoang thoảng, chàng chợt nghĩ ra điều gì tự hỏi: "chẳng lẽ lại thế ?".
    Nguyên lúc nãy người lão bộc họ Hoàng đến, Đoàn Dự cũng đã ngửi thấy
    một mùi hương u nhã. Mùi hương này cũng phảng phất như mùi hương
    trong người Mộc Uyển Thanh tiết ra. Tuy có chỗ khác nhau thật song lại
    vẫn là mùi hương của thiếu nữ. Thoạt tiên thì chàng cho là mùi hương ở
    mình A Bích tiết ra nên không để ý. Thế rồi sau khi lão bộc ra khỏi nhà
    khách, mùi hương đó tự nhiên đi đâu mất. Đoàn Dự sở dĩ thắc mắc mãi là ở
    điểm này: có lý đâu một ông già tám chín chục tuổi đầu lại còn tiết ra một
    mùi hương của cô gái mười tám đôi mư. Bây giờ gã gầy nhom tự xưng là
    Tôn Tam này vừa vào, chàng lại ngửi thấy mùi hương ban nãy. Trong bụng
    suy nghĩ lung lắm, bao nhiêu câu hỏi xoay lộn trong óc: phải chăng phía
    sau nhà khách có thứ kỳ hoa, dị thảo gì nên mỗi khi người ở nhà trong đi ra
    lại quyện lấy mùi hương này đi theo, khiến người ngửi phải mê mẩn tâm
    thần? Nếu không đúng thế thì cả lão bộc già nua kia lẫn quản gia gầy nhom
    này đều do một thiếu nữ đóng vai. Mùi hương tuy làm cho Đoàn Dự sinh
    nghi nhưng nó rất đạm bạc, nó rất vi tế, phải là cái mũi đặc biệt của Đoàn
    Dự mới ngửi thấy còn Cưu Ma Trí, Thôi Bách Kế và Quá Ngạn Chi thì
    không hay biết gì hết. Sở dĩ Đoàn Dự có được cái mũi thần tình như thế là
    vì chàng đã bị giam cầm trong thạch thất với Mộc Uyển Thanh. Trải qua
    một thời gian cực kỳ nguy hiểm mũi chàng quen thuộc với mùi hương của
    nàng. Có thể nói là chàng đã khắc xương ghi dạ cái mùi hương thiếu nữ tiết
    ra. Đối với cái mũi của chàng, mùi hương này mạnh hơn cả cái thơm của gỗ
    đàn hương hay của bách hoa.
    Đoàn Dự tuy nghi Tôn Tam là thiếu nữ hoá trang, song chàng ngó lui, ngó
    tới mà không sao khám phá ra được. Gã Tôn Tam cũng rất thần tình, từ
    tướng mạo cho đến cử chỉ, nói năng hoàn toàn ra vẻ đàn ông, không có kẽ
    hở mảy may nào để lộ chân tướng. Sau chàng chợt nghĩ ra: Gái giả trai
    muốn giỏi đến đâu thì giỏi cũng không thể nào giả ra được cái bìu cổ họng.
    Thế rồi chàng cứ nhè chỗ cổ họng Tôn Tam để khám phá... Nhưng gã đã
    khôn ngoan để chùm râu dê rủ xuống che khuất cái bìu đi, không sao mà
    nhìn thấy được. Chàng liền đứng dậy, giả vờ xem những chữ treo trên vách,
    rồi lại gần bên Tôn Tam, ghé mắt trông vào chỗ bìu cổ, quả cổ phẳng lỳ
    không có tật nổi lên, rồi thì chàng lại nhìn xuống thấy bộ ngực gồ lên. Tuy
    chưa chắc đã là ngực đàn bà nhưng đã trông nét mặt gầy đét của gã đàn ông
    thì quyết nhiên ngực không thể đầy thế được. Đoàn Dự khám phá ra điều bí
    mật này, chẳng lấy làm thú vị, lẩm bẩm: vai trò vẫn còn dài, chưa hết. Thử
    xem cô ả diễn xuất ra sao?
    Bỗng thấy Cưu Ma Trí thở dài nói với Tôn Tam:
    - Bần tăng gặp quý chủ nhân hồi ở bên Thiên Trúc có bàn đến võ nghệ rồi
    cùng nhau ý hợp tâm đầu, kết bạn tâm giao. Ai ngờ trời chẳng cho thọ, để
    mình kẻ phàm phu tục tử này sống trộm ở đời, còn quý chủ nhân vội về thế
    giới cực lạc. Bần tăng lặn lội từ nước Thổ Phồn xuống đến Trung Nguyên
    chẳng qua vì tình bạn hữu thâm trọng, cốt sao được lạy trước mộ một lạy
    còn có người đáp lễ hay không phỏng có chi là quan hệ? Phiền quản gia dẫn
    bần tăng đến nơi là được.
    Tôn Tam chau mày ra chiều suy nghĩ, gã ngập ngừng:
    - Việc này... việc này...
    Cưu Ma Trí ngắt lời:
    - Nếu có điều chi nan giải, xin nói rõ cho biết!
    Tôn Tam nói:
    - Đại sư phụ là chỗ thâm giao với lão gia tiểu nhân, hẳn biết rõ tính người
    lúc sanh thời. Lão gia tiểu nhân ghét cay, ghét đắng bất luận là ai đến thăm
    người. Người thường bảo: những bọn đến đây chẳng là hạng tới sinh sự báo
    thù thì lại là kẻ đến tầm sư học nghệ, dưới nữa là phường đến vay mượn,
    hoặc thừa cơ đục nước buông câu, nhân lúc lộn xộn chẳng dắt trộm cừu
    cũng khuân đồ vật. Người còn nói: đám sư mõ đến lại càng khó chịu... Chết
    rồi... khó nói quá...
    Gã nói đến đây tựa hồ như người buột miệng lỡ lời xúc phạm đến Cưu Ma
    Trí, vội giơ tay lên bịt miệng. Những cử chỉ càng rõ ra vẻ một thiếu nữ, mắt
    tròn xinh xinh và con ngươi đen láy. Tuy gã vội chớp mắt, rủ lông mày
    xuống che đi nhưng làm sao dấu nổi Đoàn Dự đang lưu tâm dò xét. Chàng
    thấy nàng bại lộ cơ quan, bất giác cả mừng lẩm bẩm: Gã Tôn Tam phi chỉ
    là đàn bà mà còn là một vị nữ lang đang độ xuân xanh. Chàng liếc nhìn A
    Bích thì khoé hạnh cô này đang nở một nụ cười ranh mãnh. Chàng không
    còn nghi ngờ gì nữa, nghĩ thầm: "Cả gã Tôn Tam này cho chí lão già họ
    Hoàng lúc nãy chỉ là một người, chưa biết chừng chính là A Châu tỷ
    nương".
    Cu Ma Trí vẫn giữ một bộ mặt từ bi than rằng:
    - Người đời gian trá thì nhiều mà thật thà thì ít, Mộ Dung tiên sinh không
    muốn giao kết với người phàm tục là phải lắm.
    Tôn Tam nói:
    - Quả vậy! Lão gia tiểu nhân có di ngôn rằng bất luận kẻ nào đến xin viếng
    mồ quét mả, nhất thiết không cho vào. Thậm chí người còn bảo: mấy thằng
    cha trọc, đa số không phải vì hảo tâm mà đến, chúng chỉ có ý muốn quật
    mả ta lên mà thôi. Trời ơi! Đại sư phụ đừng phiền, lão gia tiểu nhân thoá
    mạ thằng trọc là thoá mạ người ta kia, không phải có ý mạt sát sư phụ đâu.
    Đoàn Dự nghe nói phải cười thầm: ai đời lại trước mặt nhà sư mà thoá mạ
    thằng trọc bao giờ? Rồi chàng lại nghĩ: lão Cưu Ma Trí này bị người thoá
    mạ đến thế mà y vẫn bình tĩnh được, tuyệt không lộ vẻ cáu giận chút nào.
    Lão là con người đại gian đại ác phi thờng mới giữ được thái độ này.
    Cưu Ma Trí nói:
    - Quý chủ nhân di ngôn lại mấy câu đó rất có lý. Vì hồi sinh thời ông uy
    danh lừng lẫy khắp thiên hạ, do đó mà dễ kết mối thâm cừu rất nhiều. Còn
    sống họ không làm gì được nên ông chết rồi tất họ cố tình tìm đến động
    chạm vào di thể ông để trả thù đó là một điều dĩ nhiên.
    

Xem Tiếp Chương 28Xem Tiếp Chương 34 (Kết Thúc)

Thiên Long Bát Bộ
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Xem Tập 20
  » Xem Tập 21
  » Xem Tập 22
  » Xem Tập 23
  » Xem Tập 24
  » Xem Tập 25
  » Xem Tập 26
  » Đang Xem Tập 27
  » Xem Tiếp Tập 28
  » Xem Tiếp Tập 29
  » Xem Tiếp Tập 30
  » Xem Tiếp Tập 31
  » Xem Tiếp Tập 32
  » Xem Tiếp Tập 33
  » Xem Tiếp Tập 34
 
Những Truyện Kiếm Hiệp Khác