Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Vỗ Đi Đôi Cánh Tác Giả: Lý Thị Minh Châu    
    Ánh nắng vàng vọt, yếu đuối của buổi chiều lại vô cùng quý giá bởi tin bão dữ đang đến gần. Người trong làng lo âu chờ đón cơn bão gieo rắc xuống vùng đất này hàng năm.
    
    Kiên cố nhất làng cũng chỉ là dăm căn nhà xây cấp bốn lợp ngói, còn lại là tranh tre nứa lá đơn sơ thì chẳng thể chống chọi được gì, gìn giữ được gì bởi mọi sự che chắn, giằng buộc đều không đem lại kết quả mong muốn. Có người còn tính đến chuyện đào hầm, tìm hang tránh trú bão hơn là ngồi co ro, lo lắng trong căn nhà thân yêu của mình nhưng cũng không thể do làng ở cạnh dòng sông, nước mưa ở thượng nguồn về rất nhanh, lũ lụt dâng cao, tang tóc chực chờ.
    
    Làng xa phố, xa thị trấn, cư dân lại không nhiều nên điện lưới quốc gia cũng ngại đến. Đêm không trăng, ánh đèn dầu là nguồn sáng duy nhất để người lớn đan lát, may vá, còn con trẻ thì vui chơi hay học hành.
    Chợ làng họp ở mé sông, người mua kẻ bán khá nhộn nhịp nhưng chỉ một thoáng trước giờ ra đồng. Ở đó, người ta dễ dàng trao đổi các mặt hàng mà mình có và nhận về cái mà mình cần, từ con cá tới bó rau, từ lọ tương tới hạt gạo. Vì thế, mà có lẽ chỉ nơi này người ta mới thoải mái đi chợ khi chẳng có đồng bạc nào trong túi. Duy nhất có Thông, thầy giáo làng, là người xài tiền từ đồng lương thương binh của mình. Đồng lương đó bao cấp luôn sách vở cho hơn hai mươi đứa học trò của anh.
    
    Như mọi ngày, Thông ghé chợ để mua vài thứ nhu yếu phẩm.
    
    - Chị Tơ bán cho tôi ít rau cải, ít cà. Chiều nay học trò của tôi lên trú bão tại đình làng, chị bán cho tôi thêm hai mươi ngàn rau củ các loại.
    
    - Hai mươi ngàn rau ăn cả làng đó, thầy ơi.
    
    - Mai chị có đi bán không?
    
    - Chiều nay không biết tránh bão ở đâu nữa chớ nói gì buôn với bán.
    
    - Chị lên đình đi, giúp tôi được không?
    
    - Giúp chuyện gì? - Tơ vừa hỏi vừa tủm tỉm cười.
    
    - Nấu nướng chớ có gì đâu.
    
    Hơn hai mươi đứa học trò mà có tới hàng chục cảnh đời gian lao, vất vả. Thông đã đi qua nhiều làng mạc, chứng kiến nhiều cảnh khốn khó, cơ nhỡ. Hơn ai hết, trái tim người lính luôn ray rứt trước nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc giao phó chưa được hoàn thành, bình yên no ấm cho nhân dân chưa thành hiện thực. Ngoài ba mươi tuổi, Thông vẫn sống độc thân không phải vì anh kén chọn mà vì anh sợ san sẻ bệnh hoạn cho người đầu gối tay ấp bởi cánh rừng nơi ngày trước anh đóng quân đã trơ trụi lá vì chất độc dioxin.
    
    - Thầy về trước đi, tí nữa em gánh lên đình cho.
    
    - Cảm ơn Tơ nhiều.
    
    Tơ chạy khắp chợ làng, gom hết mọi thứ nông sản, nhu yếu phẩm mà người ta muốn bán cho nhanh để về nhà lo bão. Sau khi nghe Tơ thuật lại chuyện thầy Thông và các em đang tránh trú bão trên đình, cả chợ đùng đùng gánh hàng lên đó làm từ thiện.
    
    Để yên lòng, Tơ ở lại đình chăm sóc, nấu nướng cho đàn trẻ. Thông cùng vài người bạn tìm dây nhợ, cọc gỗ đến nhà Tơ giằng buộc cột kèo lại cho chắc chắn. Luôn tiện, Thông và trai tráng trong làng đi giúp đỡ những căn nhà ọp ẹp còn lại. Họ chỉ trở về khi mưa đã nặng hạt và gió đang thét gào. Đám học trò đã ăn cơm xong.
    
    Chẳng có khăn cho họ lau khô, Tơ ngồi co ro bên cái bếp dã chiến đưa mắt nhìn Thông và bạn của thầy.
    
    Nghe tiếng Thông về, những người đang trú bão trong đình ùa ra hỏi thăm thầy đủ chuyện. Thông bảo:
    
    - Bà con yên tâm, nhà của các bác đã được giằng buộc, người già trẻ nhỏ đã được di dời đến những nhà kiên cố trong làng. Không có việc quá cần thiết thì bà con đừng ra ngoài, nguy hiểm lắm.
    
    Rồi họ trải chiếu, dọn cơm dưới ánh sáng nhờ nhợ trước ban thờ. Ngoài kia mưa lớn, sấm chớp ầm ào. Tơ lấy từ gánh hàng ra chai rượu cuốc lủi mà cô đã dành sẵn:
    
    - Thầy uống chút cho ấm.
    
    - Cảm ơn Tơ, mưa gió thế này mà có ly rượu thì nhất rồi.
    
    - Nó chưa ăn gì đâu, thầy - Ai đó nhanh nhảu.
    
    Bữa cơm thành bữa tiệc mặc dù chỉ có rau muống luộc chấm mắm ớt tỏi, cá rô đồng chiên giòn và canh khổ qua nấu tép.
    
    Thông gắp con cá rô chiên ngon nhất bỏ vào chén Tơ:
    
    - Thưởng công người vất vả, gian lao.
    
    - Thầy và các anh đây mới vất vả chứ em có khổ cực gì.
    
    - Sự nghiệp chung mà cô Tơ.
    
    - Sự nghiệp gì cơ?
    
    - Sự nghiệp trồng người.
    
    - Có liên quan gì đến em đâu?
    
    - Có đấy, bởi em là một nửa của thế giới này mà.
    
    - Thầy Thông nói hay quá, mà sao không thực hành đi… - Ai đó chen vào.
    
    - Có ai thương đâu mà thực với giả.
    
    - Hay thầy chê con gái làng này quê mùa - Mọi người đưa mắt nhìn Tơ.
    
    - Mọi người xin đừng nói vậy.
    
    Tơ đỏ mặt, cô xuống bếp nướng thêm vài con khô, sẵn tiện thông báo với mọi người ở đó:
    
    - Thầy Thông bảo phụ nữ và trẻ con nghỉ ngơi ở gian giữa, đàn ông trai tráng ra gian trước.
    
    Vậy là mâm tiệc có thêm người. Có người thắc mắc:
    
    - Sao không ngủ đi mà lên cả đây?
    
    - Cô Tơ nói thầy Thông bảo nam ra gian trước.
    
    Thông định phân bua nhưng thôi. Ấy vậy nhưng đâu qua được con mắt của vài lão nông thật thà:
    
    - Tui ngồi sát thầy Thông mà đâu nghe thầy nói gì?
    
    - Nói bằng mắt làm sao ông biết - Ai đó phân bua.
    
    Thật là rối rắm, Thông chọn cách im lặng, gắp ít rau muống cho vào miệng nhai se sẽ để ngẫm cho hết cái vị thanh thanh, giòn giòn, thơm thơm của nó.
    
    Thấy Thông trầm ngâm suy tư, mọi người không dám bàn ra tán vào nữa. Khi Tơ đem đĩa khô nướng thơm phức lên và vồn vã mời mọc thì không khí mới dễ thở hơn một chút:
    
    - “Dế ngâm sầu nhiều câu rỉ rả, nhớ bạn chung tình thức cả năm canh, chung này em kính mời anh…”, ly rượu được ai đó trịnh trọng mời Thông.
    
    - Sao không phải là Tơ hát nhỉ, mà là em Hoài - Chồng chị Hoài đùa vui.
    
    - Em quê mùa đâu dám - Tơ nói lí nhí như chỉ để mình nghe.
    
    - Chia cho tôi chút quê mùa đó nhé, Tơ. Thông bẻ đôi con khô rồi gắp bỏ vào chén của Tơ và của mình.
    
    - Chia cả ly rượu này nữa mới phải chứ thầy - Chị Hoài ân cần.
    
    Thông cảm ơn mọi người rồi quay sang Tơ:
    
    - Rượu bất khả ép… tùy em.
    
    Tơ bưng ly rượu của Thông trao, lòng ngập tràn sung sướng, cô thầm cảm ơn tình yêu thương vun đắp của mọi người. Nghĩ đến hạnh phúc ngày sau, lòng cô rộn rã, lâng lâng. Tơ thương anh hiền hòa, nhân hậu từ lâu nên ngấm ngầm lo cho anh qua từng bó rau, con cá, nhưng nghĩ tới phận mình nên chỉ biết âm thầm chờ đợi. Có lẽ Tơ thật tình không biết chứ chuyện hàng ngày Thông đều ghé quán cô mua hàng đã thành tiếng nhỏ to nhưng rất thiện ý. “Con Tơ không đẹp nhưng mặn mà, giỏi giang. Thầy Thông biết nhìn”...
    
    Mưa vẫn rơi, gió vẫn thổi nhưng không hung hãn như dự báo ban đầu. Hình như bão đã đổi hướng. Ai cũng tin là ngày mai bầu trời sẽ quang đãng, nắng ấm chan hòa.

Kết Thúc (END)
Lý Thị Minh Châu
» Chiều Chiều Ra Đứng Ngõ Sau
» Cha Tôi
» Vỗ Đi Đôi Cánh
» Về Với Đảo Xa
» Cửa Biển
» Hoa Hồng Cho Tình Đầu
» Chiếc Áo Màu Sồi
» Bạn Quê
» Bâng Khuâng Phượng Hồng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh