Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chiều Trong Làng Tác Giả: Y Uyên    
    Cây thanh long mỗi ngày một xum xuê. Những nhánh cây như nhành xương rồng, dài thậm thượt bò kín cả cái giàn trước nhà, leo lên cả bức tường đầu hồi còn lại của ngôi nhà năm xưa, trông một màu xanh dịu mềm mại. Bên mắt nhánh, những trái thon thon như những trái thơm nhỏ đeo lủng lẳng, nổi bật màu da hồng tươi. Bức tường rêu chơ vơ bên nền nhà cũ trồng thuốc lá mang những nhánh thanh long đầy quả nom vừa hoang phế, vừa tươi thắm. Chính vì vậy, Bước không muốn phá bỏ bức tường để lấy gạch xây cho cái hầm ở đầu nhà. Vợ Bước căn nhằn nhiều bận vì bức tường hầu như vô ích đó. Chị kêu hoài về cái hầm thiếu kiên cố chỉ có hai thân cây nhỏ bằng bắp chân đỡ một lớp đất mỏng. Mong muốn của chị là có những lớp gạch chồng ở trên vòm vừa gọn mắt, vừa vững chắc. Nhưng mỗi lần chị mở miệng than, Bước đã vội bạt đi, nhất định giữ bức tường lại cho cây thanh long. Có lần giận quá, chị bảo chồng:
    "Bộ anh quí cây thanh long hơn vợ anh chắc. Anh có ngủ ở nhà đâu mà biết sợ đạn?"
    Bước cũng giận dữ bảo vợ:
    "Mày nói như thể đêm nào mày cũng ngủ ở nhà, tụt xuống hầm coi cửa coi nhà cho tao. Mày ngỡ tao không biết tao đi khỏi thì mày cũng kéo xuống nhà thằng thầy pháp mà ngủ sao?"
    Tới đây không còn ai nghĩ đến cây thanh long và căn hầm nữa. Trong đầu hai người chỉ còn chung một hình ảnh. Lão thầy pháp. Lão thầy pháp là một lão già quái dị ám ảnh hầu hết mọi người trong vùng. Trước kia nhà lão ở thánh thất, sau vì xích mích với một vị chức sắc, lão dọn xuống ở dưới cuối thôn. Nhà lão rực rỡ nhưng cũng bí ẩn như một cung điện nhỏ. Trong việc tín ngưỡng, người ta hãi lão hơn sợ ông quận trưởng trong việc trị dân. Những người theo hầu lão nhiều khi được nể vì hơn một người nghĩa quân. Người ta kể nhiều chuyện về lão. Chuyện nào cũng lạ tai, hoang đường nhưng lại dễ lôi cuốn lòng tin của mọi người. Như người lãng mạn tìm cái chết để tạo cho mối tình mình thêm thơ mộng một cách bi thảm, người nghe những chuyện về lão tin lão để sợ hãi thêm trong việc tin tưởng quỷ thần. Càng thấy sợ lão bao nhiêu, người ta càng tin tưởng ở lão bấy nhiêu và càng thấy được che chở giữa đời sống chỉ có ý nghĩa vì bị nỗi chết ám ảnh. Người ta tin lão dễ dàng như tin chuyện gã phu xe ngựa vừa dò vé số ở trước cửa chợ đã ngã lăn ra chết sau đó năm phút, ruột người lẫn lội với ruột ngựa, như tin chuyện lão già Phướn lên tỉnh ở với con cháu đã tưới dầu vào mái lá và vào mình rồi châm lửa đốt… Vì vậy, ở đâu người ta cũng dễ dàng tìm được dấu vết nhắc nhở tới lão thầy pháp. Nhìn lên đỉnh núi Chóp để coi mưa gió, người ta nghĩ đến chuyện một kho tàng ông bà giấu ở đó dành cho con cháu bao giờ "lấy lá chuối làm quần áo, lấy sỏi cát làm gạo bắp" thì sẽ cho phép lão thầy pháp giở chỏm núi ra lấy phân phát cho dân chúng. Tuy dân chúng chưa gặp nỗi khốn khó như vậy lâu lâu lão vẫn phải viếng kho tàng một lần bằng cách giở chóp núi ra kiểm điểm lại. Nhìn những cây dương bên này bờ sông, người ta nhớ đến vị trí trước kia của chúng. Trước kia hàng dương này ở mãi khúc quành bên kia sông, đến hồi lão thầy pháp lấy được cái sọ của một người bị sét đánh mang về để điều động bọn âm binh, thì bỗng nhiên sau một thời gian tản cư lên núi, lúc về người ta thấy đám hàng dương đó đã được chuyển hết cả sang bên này do phép của lão. Có nhiều người trẻ tuổi coi lão như thù nghịch, trỏ cho mọi người thấy vùng đất trồng dương bên kia sông bị lụt cuốn đi và nhắc cho mọi người nhớ lại những dây dương nhỏ bên này sông trước khi tản cư. Người nói cứ nói và người tin cứ tin. Mất lòng tin ở nơi lão thầy pháp, họ còn biết tin ai, tin gì bây giờ. Nhất là từ ngày thánh thất chỉ còn một người phế binh ở lại trông coi, nơi thờ tự trở nên hoang vắng thì lão thầy pháp lại càng đắc thế. Nhóm người thù ghét lão phần nhiều thuộc lớp trẻ đã đi lính hầu hết. Vả lại lão vốn là người ít đi ra ngoài trong những trường hợp không cần thiết. Lão cũng không tỏ vẻ thù ghét ai bao giờ. Những ai muốn tìm một cái cớ để buộc tội lão quả đã làm một việc vô ích. Nhưng những việc lão làm qua những lời đồn đãi vẫn tỏ lão mà một người giảo quyệt. Người không ưa lão vẫn nghe nói lão làm tiền các tín chủ, hành dâm với người nọ người kia. Nhưng ai làm gì được lão. Nếu bỏ qua những lời đồn, rút cục lòng thù ghét lão chỉ là một ông già có của, cưới được cô vợ nhỏ mười tám tuổi để một nơi gần tỉnh lỵ.
    Nhưng với Bước lúc này, Bước thật tình thù lão vì nghi lão ngủ với vợ mình. Buổi sáng ở tỉnh đạp xe về, nghe lõm bõm chuyện đó, Bước lặng người một lát. Bước về nhà không đả động chi cả, sợ vợ cho mình ghen tuông vô căn cứ. Bước chờ khi nào nắm chặt được bằng cớ, trị vợ cũng không muộn. Song từ hôm đó. Bước ít muốn góp mặt nói chuyện dông dài với người nọ người kia. Bước sợ phải nghe lại những tố cáo mơ hồ lõm bõm vừa làm Bước bồn chồn thêm vừa khiến Bước ngượng mặt. Kết cục chỉ còn lại trong lòng Bước nỗi nghi ngờ, tức giận không có trớn biểu lộ. Có chăng chỉ những lúc cãi cọ về cây thanh long, nỗi giận đó cũng biểu lộ một cách mơ hồ qua câu trách vợ bỏ nhà ra đi ngủ ở chỗ khác lúc mình vắng nhà. Sự thực chính Bước hồi mới bắt đầu lên thị xã ngủ nhờ, đã dặn vợ: "Nếu hãi ngủ nhà một mình thì xuống ngủ dưới chị hai. Nhờ bác Sau coi dùm nhà cũng được". Chị Hai, chị ruột của vợ Bước và là vợ lão thầy pháp. Vì vậy câu trách móc của Bước sẽ hết ý nghĩa nếu biến thành chữ "xuống nhà thầy pháp mà ngủ" thành "xuống nhà chị Hai mà ngủ". Bước chẳng còn biết sao hơn là im lặng, tự cho cái khổ nghi vợ ngoại tình nằm chung hỗn độn với những nỗi khổ do súng đạn gây ra.
    *
    Chị đàn bà ngồi bệt xuống cỏ giở nón ngửa cổ quạt. Bên chị, gánh hàng bọc bằng hai cái bao vải bố cũ cao và cồng kềnh. Bước ngó những sợi tóc dài và mềm dính ở cái cổ ngửa hất lên của chị thấy có vẻ là lạ hay hay. Chiếc nón quạt thật đều như tạo một cử chỉ như toan quơ vào lòng một vật gì. Cái cổ khỏe khoắn và tròn chốc chốc lại hất lên khi chị nhìn Bước nói chuyện. Chiếc nút áo trên cùng lại ép chặt vào ngực chị hơn. Bước tưởng chị khi chỉ ngước mặt lên thêm một chút, chiếc nút sẽ bật ra và chiếc áo trên người đàn bà sẽ nom thật phong phanh. Bước ngạc nhiên, nhớ lại, thấy như chưa một lần mình để ý đến cái cổ của vợ. Bước không biết cổ vợ có lúc nào dính những sợi tóc như chị đàn bà. Nếu có, Bước tiếc lắm. Bây giờ, Bước muốn được lấy móng tay út gảy những sợi tóc đó ra để gió thổi cho khô.
    "Chợ bây giờ mau hết người mua quá, nhỉ?"
    Bước hỏi. Người đàn bà như có một sự nôn nả qua cánh tay quạt nón liên tiếp. Như vẫn theo dõi sự nôn nả của mình, chị đáp thờ ơ:
    "Trước, một buổi mai bán ở chợ dưới, hàng bán còn gấp đôi số hàng bán cả hai buổi bây giờ. Chợ chi mà chỉ có người bán".
    "Chiến tranh mà chị".
    "Chiến tranh mẹ gì mà lâu dữ".
    Giọng chị đàn bà vụt trở giọng dè bỉu. Bước thấy hơi lúng túng vì lỡ lời khơi đúng cơn giận của người đàn bà nổi tiếng ưa gây lộn. Người chồng tập kệt của chị như làm chị chuyên môn hơn trong những lời bới móc chiến tranh. Trong lúc mọi người đàn bà khác chỉ lịm đi trong sợ hãi, chị Thiên - tên chồng chị đàn bà - lại có những lúc ồn ào như một sự vùng vẫy bướng bỉnh. Chị ưa cãi cọ với mọi người như thể họ là những người sống yên ổn khác hẳn chị. Thời chồng chị còn ở nhà, chị mười tám tuổi đã nổi danh bắt nạt chồng. Chị lấy chồng năm mười sáu, hai năm sau chị đẻ cho chồng hai đứa con. Mỗi lần rặn đẻ chị kêu tên chồng chị là đồ bỏ, ham ôm súng hơn ôm vợ con. Chị chỉ trở nên ngoan ngoãn trước những người nghĩa quân và lão thầy pháp. Ít lâu nay, Bước cũng như nhiều người trong làng thấy chị lại nhà lão như đi chợ. Có người nói chị đến "trả ơn" lão đã phá thai cho chị hồi chị lén lút ăn nằm với một anh con trai đã bỏ vô Sài Gòn. Người ta ngờ sau khi trả ơn xong chị lại mắc cái ơn khác. Chiều nay Bước ngồi nói chuyện với chị ở đây cũng vì những điều dính dáng với lão thầy pháp. Lúc đầu Bước chỉ muốn gợi chuyện xem chị Thiên có rõ gì về chuyện vợ mình, nhưng lúc nhìn chị quạt và những sợi tóc vơ vất ở cổ chị, Bước lại muốn tạm quên những thắc mắc, nói những lời vu vơ, hay hơn. Tự dưng Bước muốn được trả thù vợ và lão thầy pháp qua người đàn bà lúc nào cũng có vẻ nôn nả ngồi trước mặt. Nhưng Bước không biết làm gì hơn là nhìn chị rõ nhiều hy vọng có lúc nào đó đôi mắt của người đàn bà bớt những tia chạy nhảy, xa vời, dừng lại lúng túng trước mắt Bước. Bước nói từng câu ngắn, vu vơ, bất chợt đến độ câu nói như một lời mào đầu, chìm ngay vào những câu hỏi ồ ạt của chị Thiên chị nói thiệt nhiều nhưng Bước ít bắt kịp vì những lơ đãng âm thầm nơi Bước.
    Trời chiều nhưng nắng vẫn gay gắt. Làng mạc đằng xa không gợi một sinh hoạt. Bóng cây đổ xuống chỗ hai người ngồi đậm màu và gọn. Đập nước trên nông giang đổ nước như thác khiến Bước vu vơ một lo ngại về mùa mưa sắp tới. Ngày tháng qua thiệt mau, Bước bám vào công việc đồng ruộng như bám vào một cành cây, treo mình tòn ten. Bỏ tay xuống, ngã vỡ đầu. Tiếp tục bám để thấy mỗi lúc thêm vất vả trước khi rớt hẳn xuống. Bước nghĩ tới vợ, lão thầy pháp và chặt lẳng tai nghe chị đàn bà nói. Dường như nếu Bước không có mặt ở đây, chị ta cũng vẫn nói như vậy. Tay quạt, miệng nói như vẫn chưa giải thoát nỗi nôn nả trong người chị. Tia mắt vẫn chạy nhảy, xa xôi, không hề có chỗ đậu. Bước hết còn chịu nổi, bật hỏi:
    "Nghe chị hay lại nhà ông thầy pháp?"
    Chị Thiên trả lời như nói tiếp câu chuyện, không mảy may khó chịu vì lời mình bị ngắt ngang:
    "Vợ anh cũng thường lại đó, đâu có riêng tôi. Ổng là người nhân đức, thương người khổ cực".
    "Vợ tôi nó khổ nỗi chi?"
    "Không khổ bộ sướng sao? Con cái không có, đêm đến một mình ở nhà, không khổ bộ sướng sao? Bọn đàn bà chúng tôi ơn ông như cha mẹ. Cha mẹ tôi còn sống chắc tối tối cũng lên nằm trên thị xã, còn ổng lúc nào cũng có quỷ thần phò trợ, lúc nào cũng ở bên những người còn lại trong làng, không ơn ổng sao được".
    Bước ngẩn ra suy nghĩ rồi đột ngột:
    "Ơn chi mà tới ngủ ở đó".
    "Ai tới đó ngủ? Có mình vợ anh chớ ai".
    Bước đỏ mặt chăm chăm ngó người đàn bà.
    "Chị chớ nói giọng đó, nghe dị lắm".
    Người đàn bà cười khan đứng dậy gánh hàng đi. Bước nhô ra khỏi bóng cây nhìn theo giận dữ. Thế là hết. Không hỏi gì được về chuyện vợ mình, không nói được những lời vu vơ mong muốn. Bước giận mình không định chắc chắn được chuyện gì. Bước ngẩn ngơ ngồi bệt xuống chỗ người đàn bà vừa rồi. Hơi nóng bốc hai bên thái dương không đủ để Bước để ý đến hơi nóng chỗ mình ngồi. Nỗi giận dữ của Bước như có lẫn vẻ bực bội vừa ngây ngất. Bước như lây vẻ nôn nả của chị đàn bà nhưng không hề có một cử động biểu lộ. Bước ngồi im nghe một nỗi hỗn độn trong mình. Từ trước tới giờ, hiếm khi Bước gặp lòng mình có sự kỳ cục như vậy. Bước từ trên thị xã về, đi làm ruộng tới xế chiều, về nhà sửa soạn lên thị xã như một bánh xe lăn đều. Đến chiều nay cái bánh xe đó tự dựng bị kẹt. Bước, như sự đãng trí của đời sống, thấy yêu một phần thân thể một người đàn bà trong một nỗi giận bị xúc phạm xót xa.
    Bước uể oải ra khỏi bóng mát, đi men theo đọc con mương. Trong cuộc chiến, người ta thiếu điều làm khó dễ nhau bằng cách vò rối mớ tóc của vợ địch thủ. Con mương nom hiền lành như chẳng hề biết nghe súng đạn, chẳng thể thêm một gam sức nặng trên đĩa cân hơn thua, cũng nhiều lần bị đe dọa phá vỡ nếu còn những trái đại bác dội vang trong núi. Bước giẫm trên những đám cỏ xanh, nhớ lại các buổi sáng đạp xe về trên con đường bên kia mương, cái bóng Bước theo ánh sáng mặt trời mới mọc, nhô dài sang bờ bên này tạo một vùng tối biết chạy. Vùng tối chạy tới đâu, những đám cỏ nổi lên những giọt sương óng ánh tới đó. Những vẻ im lìm buồn tẻ của đồng ruộng chỉ có vẻ sinh hoạt với những người quen thuộc, gần gũi với nó. Bước chiều như chỉ còn mình Bước tìm cách băng qua con mương về làng. Bước nghĩ sẽ có một chuyện cần nói với vợ.
    Tới đầu thôn, nghe có tiếng kèn bát âm vọng ra, Bước thoáng chút ngần ngại. Bước nghĩ về nhà chắc không gặp vợ. Nghĩ tới lão thầy pháp, Bước muốn tới ngay chỗ đám ma xem dự đoán của mình có trúng không. Song nhìn quần áo lấm láp trên mình, Bước lại đi thẳng về nhà. Đường vắng không, Bước tưởng mình là một kẻ về muộn nhất.
    Vợ Bước không có nhà thật. Hai cánh cửa lớn đóng chặt. Mấy trái bí rợ hồi sáng để ở ngoài hiên đã được mang vào nhà. Bước như người lâu ngày về thăm nhà. Ý nghĩ này có từ hồi Bước bắt đầu lên thị xã ngủ. Suốt một ngày Bước có mặt ở nhiều nơi xa nhau. Lúc Bước thấy có thì giờ để nghĩ tới vài việc vặt trong nhà cũng là lúc Bước sửa soạn phải đi. Thời gian ở nhà thật là quá ngắn ngủi. Buổi chiều ngồi trên hiên vấn một điếu thuốc thật dễ chịu nếu không có nỗi buồn sắp phải lật đật ra đi.
    Bác Sáu ngồi yên lặng trên cái nắp hầm đầu nhà cắm đầu moi cùi dừa bỏ vào miệng, không để ý tới Bước. Bước hơi khó chịu vì vể lạm dụng của bác. Từ hồi Bước đi ngủ nhờ, bác thường có những lời trấn an bằng những bảo đảm săn sóc việc nhà giùm Bước. Nhưng cũng từ đó bác coi mọi thứ trong nhà Bước như của bác, muốn rờ rà, muốn xài lúc nào cũng được. Những trái dừa nước ngọt, uống chỉ thấy mát không thấy ợ chua, những trái thanh long ăn sậm sựt, lần lượt bị bác hái xuống. Nếu có vợ chồng Bước, bác mời cùng ăn như mời khách, nếu có một mình, bác vẫn điềm nhiên ăn ngay tại nhà Bước. Bước cố nén lòng nghĩ đó là những cái vặt, việc trông nom nhà cửa mình nếu phải trả giá, giá đó quá rẻ.
    Bước ra mấy gốc dừa múc nước rửa mặt. Bác Sáu quăng trái dừa rỗng ruột vô đống vở dừa khô, quẹt mép bảo Bước:
    "Vợ mày nói cơm gói cho mày để ở trong nhà đó. Nếu nó chưa về kịp thì mày cứ đi".
    "Nó đi đám ma?"
    "Tao không hỏi mà nó cũng không nói".
    Bác Sáu sờ sà cái miệng hầm.
    "Miệng hầm làm thế này lúc lật đật cụng bể đầu".
    "Tôi chưa xuống lần nào. Có khi rắn rít đầy nhóc dưới đó".
    Bác Sáu lại bàn lật bát uống nước. Bước vấn một điếu thuốc.
    "Hầm kín để trốn tụi nó, chính phủ không cho làm, cho làm hầm lộ để tránh bom đạn chính phủ, coi không hợp lẽ chút nào. Đại bác của chính phủ lỡ mà tới nhà mình, làm sao biết trước mà lánh?"
    Bước cười khẩy. Lúc này không biết vợ Bước cười hay khóc bên lão thầy pháp. Lúc này không biết chị Thiên đã nghĩ tới đôi mắt ngó chị chăm chăm của Bước chưa.
    "Cũng như hồi xưa chưa cấp chứng nhận cho người đi ngủ trên đó, quận thì kêu nên đi ngủ mà tỉnh thì bắt nhốt vì không có tên trong sổ gia đình".
    Bác Sáu nói tiếp. Bước bực mình:
    "Bắt nhốt thì ngủ càng chắc chớ sao. Làng mình mà được chắc chắn như phòng giam, mình khỏe biết mấy".
    Bước vào nhà thay đồ, thấy gói cơm bọc lá chuối để trên mặt bàn thờ có mấy con thạch sùng lại nhấm nháp, Bước mang ra đặt trên mặt bàn ngoài hiên. Gói cơm làm Bước thấy đói nhưng không dám ăn. Mang lên thị xã ăn, đêm mới đỡ đói, mới đỡ thấy thèm những hàng quà rong.
    "Tôi đến chỗ đám ma một lát, bác coi giùm nhà".
    Bước nói cho có lệ. Kỳ thực, chiều nay Bước không mong bác Sáu có mặt ở nhà mình chút nào. Vẻ thản nhiên dùng các thứ trong nhà mình, nghĩ đến, Bước vẫn thấy gai gai, không muốn nghe bác thêm một lời.
    Ra đến ngoài đường, Bước thấy nghĩa quân đã đi bắt người gác cầu. Những bóng áo đen vừa khuất, đường làng lại vắng không. Giờ này chắc bọn người trên núi bắt đầu đi xuống. Những đứa trẻ con, những người đàn bà, con gái lại sắp được vào từng làng la hét, lục soát, được nhìn những người đàn ông khỏe mạnh sợ hãi, năn nỉ. Bước nghĩ tới những bụi rậm, những bờ tre có mình ẩn trốn hồi chưa đi ngủ nhờ. Lúc đã ép thân trong những nơi đó, người thân chỉ còn là ánh sáng mặt trời. Tấm thân chạy trốn lúc đó là cái đích cho những tràng đạn hoảng hốt điên cuồng của bất cứ kẻ nào có súng đi ngang, giật mình vì một con chuột chạy trên lá khô, vì một cánh chim vỗ lên bất ngờ trong bóng tối. Bước rùng mình như một kẻ thoát hiểm. Quả thực, lên tỉnh ngủ, dù có bị nhốt giam vẫn thấy vững lòng hơn. Một lần bị bắt nhốt với một số người cư trú bất hợp pháp khác, lúc vào phòng giam Bước thấy họ lăn ra ngủ. Giấc ngủ cong queo trên nền xi măng phòng giam hết còn bị những bóng ma ám ảnh, yên ả hơn bất cứ nơi nào. Bước cũng kiếm một xó, tiếp tục giấc ngủ nhưng không thể yên tâm được như họ, Bước vẩn vơ lo ngại nhớ đến ngày mình bị hỏi thẻ cử tri mấy năm trước. Lúc đó Bước đã ngớ người trước vẻ giận dữ của người lính. Qua những lời hạch hỏi nạt nộ Bước thấy được giải thích. Bước thành thực nói làng mình không có nghe nói bầu cử và kết cục bị bắt giữ như một người đi biểu tình. Từ đó, Bước đinh ninh bất cứ lúc nào người ta cũng có thể có thêm những giấy tờ mới - như tấm thẻ cử tri - để bắt lỗi mình. Bước trằn trọc mãi đến gần sáng mới chợp mắt. Nhưng chỉ một lát, Bước lại ngồi nhổm dậy, dụi mắt lơ láo ngó xung quanh. Nhìn ngọn đèn vàng khè trên trần và những người cong queo bên mình, Bước mới nhớ ra mình đang ở đâu. Một người bên cạnh Bước cũng thức giấc. Có vẻ nghi ngờ sợ Bước lần túi, càu nhàu:
    "Đang ngủ thức dậy chi vậy cà?"
    Bước bâng khuâng:
    "Nghe như có tiếng gà gáy".
    "Gà gáy con mẹ gì ở thành phố, ngủ đi".
    Giọng càu nhàu tắt ngấm. Bước vội nằm xuống. Từ đó tới sáng, Bước nhắm mắt nhưng thấy rõ mình trở mình nhiều bận.
    Tới nhà có đám ma, Bước lén qua đám người lố nhố ngoài sân, bước lên hiên. Lão thầy pháp ngồi cúng ê a trước cái bàn kê trước mấy tấm trướng, mấy câu đối viết trên mấy tấm vải trắng thô. Trên bàn, tấm hình người em trai vừa chết, bình bông lư hương… Sau lưng lão thầy pháp, người anh của người chết chít khăn trắng mặc áo sô chân trần đứng sững mặt nhợt nhạt. Hai lỗ mũi nở lớn, đỏ vằng, chốc chốc lại phập phồng theo cái chớp mắt hoặc di chân của anh ta. Đã sắp tới giờ tốt để đưa đám. Ngoài cổng, cờ quạt nghiêng ngả. Tiếng trống nện cầm chừng. Bọn thợ kèn ngồi ở cuối hiên nghỉ ngơi bên đống quần áo đen đủi của bọn khiêng quan tài. Bước vào trong nhà hỏi han ít câu với người trưởng họ, hút một điếu thuốc rồi sang gian để quan tài. Vợ Bước đứng đó, bên người mẹ có con chết. Người mẹ được giữ lại trước quan tài. Giọng bà ta khản đặc. Bà kể lể từng lời rời rạc như cười. Bà hỏi đứa con đã chết sao lại không chịu mặc manh áo đã vá hằng trăm đường kim của bà. Bà hỏi về người con gái cãi lộn với con trước hôm con chết. Bà hỏi về buổi chiều con trai lội xuống nông giang rửa mặt… Bà hỏi…
    Bước thấy vợ như muốn cười với mình. Mi mắt chị ta đỏ như bị cấu. Chị ta lảng nhìn chỗ khác như không muốn nói với chồng lúc này. Bước thấy sau gáy vợ mình cũng buông nhiều sợi tóc. Những chân tóc bới lên nom cong cong lòa xòa. Vậy mà lão thầy pháp đã rờ tới những chân tóc đó? Chỉ có ma quỷ mới tin được điều đó. Bước lắc đầu, ra hiệu cho vợ quay trở ra, rồi ra phòng ngồi đợi. Nhưng chị ta như không nom thấy, ở lì trong đó.
    "Hay nó đã biết ý định của mình?"
    Bước loay hoay thắc mắc. Ánh nắng trên một mái nhà đằng xa đã dịu màu. Những ngọn cây cao sáng loáng ánh sáng. Đám ma ra khỏi nhà. Hơn chục người cởi trần lực lưỡng hè nhau khiêng quan tài ra ngõ. Cờ dựng, trống khua, bát âm nổi dậy. Làng mạc như bỏ trống, dồn của quanh đám ma. Lão thầy pháp hai tay áo rộng vén cao, ống quần cạp vải trắng bó chặt căng nhầy lên cái minh tinh để ngoài ngõ hô những tiếng âm hồn. Bọn lực lưỡng hô theo. Bước thấy trờn trợn. Nếu không quen biết, Bước đã nghĩ những tấm thân lưng trần đó, sau khi bới đất lên quan tài sẽ vào một bụi rậm nào đó lấy mỗi người một con mã tấu đi tìm một xác chết khác trong đêm.
    Đám ma từ từ ra khỏi thôn. Ngọn cờ, bức trướng vật vờ phường bát âm và những khúc hành vân, lưu thủy lằng nhằng, đẩy đưa. Tiếng trống như khua cả buổi chiều nắng sắp rút. Những bờ dậu um tùm trên lối đi, những mảnh vườn trải nắng đất xốp trắng khô, những bông hoa dại tím vàng len lỏi trong bờ tre, bụi rậm một vài bóng người từ một bờ hiên cao, thấp thoáng sau cành cây ngó ra.
    Tới bực đá cổng, Bước tìm vợ. Chị ta đã rời đám ma từ hồi nào. Bước quay về với vài người ngại đi xa.
    Vợ Bước đã về nhà. Thấy Bước, chị lườm:
    "Sau không đưa luôn ra ngoài ruộng để tối nay ở nhà ra ngoài bụi mà nằm".
    Bước cười:
    "Ai mà đi đưa đám ma. Đi kiếm mình đó".
    "Kiếm chi?"
    Bước gượng gạo:
    "Có chuyện mới kiếm, không chuyện bộ kiếm sao. Hồi nãy bộ không thấy người ta chờ sao?"
    "Ai mà biết".
    Quả thật chỉ có ma quỷ mới tin vợ Bước ngoại tình. Buổi chiều hôm nay, thêm một xích mích nhỏ với vợ, còn biết vui với ai.
    "Có chuyện tôi mới về, không có tôi đã đưa đám ma tới ngoài ruộng rồi. Anh biết chuyện chi không?"
    Vợ Bước nhìn chồng. Thấy Bước ngơ ngác chị không cười như mọi khi.
    "Nẫu vừa có lệnh cấm đi khỏi nhà ban đêm. Mấy người xe ngựa ở trển chạy về nói vậy".
    Bước ngẩn mặt. Lại có một lệnh mới truyền miệng về làng. Lên thị xã ngủ lại là một tội mới.
    Bước thở dài sau một lát im lặng cố nén. Thuở nhỏ Bước sợ ma quỷ bắt về âm phủ, một góc nhà tối, một bụi cây um tùm, một khúc quẹo trên đường làng như đều có âm binh xuống đón. Nhưng chưa bao giờ Bước gặp và những góc nhà bụi cây, khúc quẹo đều gần Bước để Bước trông thấy rồi mới nghi mình bị đe dọa. Bây giờ từ miệng một người phu xe qua thôn, từ một thành phố Bước chỉ tin là có vì được nghe phát thanh chốc chốc lại nhắc lại: "Đây là tiếng nói nước Việt Nam phát thanh từ…" từ một ngôi nhà làng… đâu đâu cũng có lệnh cho Bước, ai ai cũng có thể ra lệnh cho Bước. Dẫu Bước không có một căn cứ cụ thể như có bụi cây để nghĩ ma quỷ lẩn quất ở đó là hợp lẽ, bây giờ Bước vẫn phải tin và tuân những lệnh đó và vẫn sợ những trừng phạt kèm theo. Mỗi một mệnh lệnh lại như thêm một bệnh mới trong cái cơ thể quá suy nhược của người dân. Sớm muộn thế nào hắn cũng bị vật chết.
    "Nẫu nói tối mốt sẽ về kiểm soát từng nhà. Ai không có nhà bị coi là chống Nẫu".
    Vợ Bước nói xong bỏ ra sau nhà. Hết những lời thuật lại với chồng, chị như hết lo lắng. Bước buông người xuống ghế vấn một điếu thuốc. Lưỡi Bước thè ra giữa hai cặp môi dày nặng nề. Có tiếng cần kéo nước ken két nặng nề từ sau nhà. Bước như nom rõ dáng người dẻo dai của vợ nghiêng mặt trên giếng và hai cánh tay với lên thoăn thoắt kéo cần. Bước muốn ra kéo nước giùm vợ nhưng vẫn ngồi trên đẩu, phập phèo từng hơi thuốc. Hai người như có nhiều việc riêng không có dính dáng với nhau. Bước nghĩ đến chuyến đi của mình, đến những lời đe dọa và vợ Bước chắc cũng nghĩ tới một chỗ chị cho là an toàn nào khác. Chắc chắn không ai nghĩ đến những việc xa hơn. Tình thế này nhồi nhét biết bao biến cố, xử sự theo hoàn cảnh trước mắt cũng là điều khó khăn, ai dại khờ chi mà đem đặt trong đầu một tính toán xa vời. Bước đành coi lời đe dọa như không có và tiếp tục lên thị xã ngủ Bước sẽ trông chừng người ta. Họ làm sao Bước làm vậy. Bước đành tin vào đám đông khốn nạn như mình. Bước đành đem số phận mình ghép vào số phận chung mọi người. Đó là điềm an ủi độc nhất cho Bước.
    Bước đứng dậy, mang gói cơm buộc vào sau chiếc xe dưới hiên. Thấp thoáng qua những cành dừa lòa xòa, Bước nom thấy người phế binh chống nạng đứng ở bên hông thánh thất. Anh ta như một pho tượng thiếu một chân bên bức tường cao sững sững. Ánh nắng đã rút tới bực thềm thứ ba. Những chiếc lá khô theo gió bay vòng vèo dưới chân anh. Những con chim sẻ đã rút hết cả nóc ngói còn ngợp ánh mặt trời. Bước chắc anh ta chờ rung chuông. Tiếng chuông đổ liên tiếp ngân vang lên lúc Bước ở trên con đường lên thị xã. Lúc dời khỏi cổng thôn, Bước ít nghĩ tới những thứ còn lại đằng sau. Nhưng lúc nghe tiếng chuông Bước không sao tránh được những nôn nao về những con đường đất vắng không những ngôi nhà im ỉm đang dần dần sửa soạn lẫn vào với cây cối. Đã lâu Bước không ngồi chơi cờ với anh thương binh để xem anh nóng nảy thí quân một cách bừa bãi để cuối cùng dùng tượng của mình chắn lối tượng của bên kia, Bước không thích chơi kiểu đó. Thường thường chơi được hai ván, Bước cáo từ và chỉ trở sang bên đó những lúc rảnh chân tay nhất.
    Ở sau nhà, vợ Bước tắm dội nước ào ào. Bước nhìn trời sốt ruột. Điều định nói với vợ vẫn chưa nói được.
    Bước ra gần buồng tắm lộ thiên. Vợ Bước kêu:
    "Chớ có vô".
    Bước bật cười:
    "Làm như lạ lắm không bằng".
    "Quen cũng không được vô".
    "Lẹ lẹ lên. Có câu chuyện định nói mà đã nói được đâu".
    Bước lên nhà. Ngoài đường đám người có chồng con lên núi đã đi gác cầu. Chị Thiên cũng có mặt trong đó như mọi khi. Vai chị quàng một tấm khăn lớn sặc sỡ như cái khăn tắm. Chị đi sát bên bờ dậu bên mấy người đàn bà khác yên lặng như ngậm tăm. Bước chắc tấm khăn đó chị dùng đắp mặt lúc dựa vào thành cầu ngủ cho khỏi sương. Vẻ nôn nả nhường cho bước chân đều đặn, hai tay buông xuôi. Tia mắt chạy nhảy, xa vời, Bước không gặp lại vì chị đi cúi đầu.
    Bước nhìn sang nhà bác Sáu thấy bác bế con đứng ở cổng ngó ra. Đoàn người đi khỏi, bác quay sang cười với Bước. Bước vội quay vào trong nhà. Có tiếng vợ Bước trao đổi với bác, Bước cau mày.
    Một lát chị ta bước vào, thấy Bước vẫn ngồi chồm hổm trên cái ghế bụi, chị hỏi:
    "Bộ anh toan ngủ ở nhà thiệt sao?"
    Bước lắc đầu:
    "Còn đi hoài".
    Chị ta nhìn Bước dò xét:
    "Chuyện chi vậy?"
    Bước ngắm vợ, gượng gạo, chỉ vào cái giường.
    "Chớ có tầm bậy. Ban ngày…"
    Bước liếc ra ngoài rồi lại nắm hai vai vợ:
    "Cả tháng nay rồi. Có đêm nào ngủ nhà đâu".
    Giọng Bước có vẻ năn nỉ. Chị vợ vùng vằng toan nói. Bước như bị cái lách vai của vợ làm dạn dĩ, vội đưa một tay khép cửa lại.
    *
    Bước ra khỏi phòng, nắng đã nhạt. Bước vội vàng nhấc xe, nhảy lên. Vợ Bước mà ngoại tình, chỉ có ma quỷ mới tin được.
    Bước đạp xe như chạy trốn. Tiếng chuông của người phế binh đã ngân nga. Trâu bò đã về chuồng chỉ còn lại trên đường những vết chân bừa bộn, những đống phân tung tóe. Trên núi Chóp đã nom rõ những đóm lửa lập lòe. Những tiếng súng đại bác đã dội vang liên tiếp trong vùng núi.
    Và ở cuối con đường lớn trong thôn, khăn quấn kín tay, áo dài đen, chân cạp vải trắng, lão thầy pháp bước những bước chập chờn.

Kết Thúc (END)
Y Uyên
» Ước Muốn Nhỏ Nhoi Của Hà
» Bão Khô
» Khói Trên Mặt Nước
» Chiếc Xương Lá Mục
» Niềm Vui Xa Gần
» Một Câu Chuyện Tình
» Ngày Về Của Bọn Họ
» Cao Nhất
» Có Mùa Hoa Nào Lấy Vợ
» Có Heo May Hà Nội
» Giọt Nước
» Pho Tượng Đứng Đó
» Dáng thú
» Bên Ngoài Khán Đài
» Chiều Trong Làng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý