Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mối Tình Đầu 50 Năm Về Trước Tác Giả: Thiên Minh    
    Có lẽ cho đến bây giờ trong lòng của Ðức Sơn và Thu Hường vẫn còn lưu lại kỷ niệm của mối tình đầu… “vụng dại” ngày xưa. Ðó là mối tình của thuở học trò với nhiều kỷ niệm. Mặc dù dòng thời gian 50 năm có rất nhiều thay đổi, và đời sống của hai gia đình cũng không kém phần đầm ấm như nhau. Nhưng ở những khoảnh khắc bất chợt nào đó, họ vẫn còn nghĩ về nhau. Không phải họ hy vọng để nối lại cuộc tình không trọn vẹn ngày xưa. Mà chỉ mong được an lòng, khi biết rằng “người xưa” vẫn mạnh lành, cũng như cuộc sống gia đình vẫn bình yên, cho dù đường đời có trãi qua bao thăng trầm của bể dâu tan họp...
    
    Ngày đó cả hai người đều mang tâm trạng của những kẻ lạc loài, bơ vơ nơi đất khách. Vì hoàn cảnh Ðức Sơn phải xa nhà ở Long An để về Mỹ Tho đi trọ học. Còn Thu Hường vì mồ côi mẹ ở Kiến Phong, cha có vợ khác nên đành phải tá túc với bà Nội để tiếp tục con đường học vấn. Chính vì thế, nên sau khi quen biết hai tâm hồn cô đơn mới dễ dàng thông cảm, và gần gũi với nhau. Thời gian này Sơn và Hường đang theo học tại trường trung học tư thục Phật Ân (ở Mỹ Tho) vào những năm 1953-1955, tức là cách nay chừng 50 năm thuộc về thế kỷ trước.
    
    
- o O o -

    
    Ðối với Ðức Sơn thì ngay từ những ngày đầu bước chân vào trung học, do hoàn cảnh học trễ, vì trường lớp lúc bấy giờ không thuận tiện ở địa phương. Nên phải chấp nhận cuộc sống xa nhà và đã lưu lạc nhiều nơi. Ðầu tiên, sau khi tốt nghiệp tiểu học ở quê nhà, thì Ðức Sơn lên Sàigòn học trường trung học Lê Lợi ở đường Armand Rousseau (sau này đổi tên là Trần Hoàng Quân và bây giờ là (trường Mầm Non) đường Nguyễn Chí Thanh trong Chợ Lớn). Sau đó, đang học ở trường Lê Lợi (được vài năm) thì Ðức Sơn lại xin chuyển về Mỹ Tho. Lý do là để theo một người bác ruột đang dạy học tại trường Nguyễn Ðình Chiểu. Chính những ngày đầu bỡ ngỡ này, mà Ðức Sơn và Thu Hường đã có dịp quen biết với nhau. Sau những giờ tan học họ thường tìm đến nhau để cùng chia xẻ vui buồn ở một vùng đô thị lạ. Những buổi chiều có dịp là “hai đứa” cùng nhau sánh bước ở xóm cầu Quay, khu chợ Cũ, tiệm hủ tiếu Phánh Ký năm nào… tất cả những kỷ niệm cũ, chắc giờ đây cả hai đều khó lòng mà quên được. Có những cuối tuần họ cùng đạp xe đến ngã ba Trung Lương là dịp để hai người có cơ hội gần gũi nhau. Lần đầu tiên nắm tay nhau là lần đi chơi vườn mận hồng đào, ở Mỹ Tho làng Ðạo Thạnh. Ngày đó Thu Hường thích mặc áo “pô-pơ-lin” (popeline) màu xanh và quần “sa-ten” (satin) màu đen (hoặc trắng). Mỗi dịp vào vườn mận, hai đứa thường dành nhau hái những trái ngon vừa mới chín, chúng cũng giống như mối tình đầu học sinh của hai người vừa chớm nở. Hai đứa đèo nhau trên chiếc xe đạp “pờ-giô” (Peugeot) màu vàng nhạt. Bên cạnh họ còn có chị Tốt, là một người bạn thân và dễ mến. Bộ ba Tốt, Sơn, Hường đến với nhau trong sự cảm thông của những học sinh xa nhà đi trọ học. Riêng chị Tốt thì vui tính và hòa đồng cùng với Sơn Hường và các bạn học sinh cùng trang lứa. Nhân một lần trở lại Sàigòn để thi bằng Prờ-vê (Brevet) tại trường Marie Curie, Ðức Sơn và Thu Hường lại có dịp đi chơi ở vườn Bồ Rô (bây giờ là vườn Tao Ðàn), và Sở Thú ( tức Thảo Cầm Viên). Thời gian này Thu Hường đang tạm trú bên Thủ Thiêm còn Ðức Sơn thì bên Gia Ðịnh. Sau mùa thi họ còn tranh thủ hẹn hò để cùng tham quan “Sài thành”, một “Hòn Ngọc Viễn Ðông” và cũng là một thủ đô của miền Nam hoa lệ cũ. Ôi, cảm giác của họ thật là tuyệt vời, họ như hai cánh chim được tung bay giữa một khung trời đầy tự do và thơ mộng…
    
    Một điều ngẫu nhiên là cả Thu Hường và Ðức Sơn đều… rớt trong kỳ tuyển sinh năm ấy. Khi biết kết quả, hai đứa cùng nhìn nhau mỉm cười để chia xẻ…“nỗi buồn” với nhau. Họ ngầm an ủi nhau vì đều có chung hoàn cảnh. Hoàn cảnh của những học trò xa nhà, và vì…“ham vui” nên thi rớt, hay không biết có phải vì kỳ thi tuyển quá khó khăn? Ðể rồi sau đó họ cùng trở về Mỹ Tho. Hai đứa lại có dịp gần nhau tiếp tục học hành, và chia xẻ vui buồn bên những tháng ngày còn cấp sách…
    
    Ngày tháng trôi nhanh, đời học sinh rồi cũng đến lúc phải nghỉ hè, chia tay và ly biệt. Khi năm học gần kết thúc, thì cũng là lúc lưu bút được chuyền tay nhau, để mọi người viết cho nhau những lời sau cuối. Riêng Thu Hường và Ðức Sơn thì càng bịn rịn và cảm thấy quyến luyến khi phải rời xa. Ðức Sơn đã bày tỏ lòng mình bằng câu mở đầu trong quyển lưu bút ngày cũ: “Một đêm gió lộng ở lòng tôi vì biết rằng chúng mình sẽ xa nhau trong những ngày tháng tới…”
    
    Sau lần chia tay ấy, Thu Hường do hoàn cảnh gia đình, nên đành phải trở lại quê nhà xin đi dạy học vì đã tốt nghiệp trung học (đệ nhất cấp) ở Mỹ Tho. Với cuộc sống mới (làm cô giáo), Thu Hường cảm thấy một phần nào đó đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên cánh nhạn đơn lẻ từ nay đã xa trường, xa bạn bè và thầy cô mặc dù trong lòng còn rất nhiều quyến luyến. Có lẽ lần trở lại quê nhà, ngoài những kiến thức học hỏi được ở trường làm hành trang, Thu Hường còn mang theo trong lòng một mối tình đầu với nhiều kỷ niệm. Hình bóng của Ðức Sơn cũng được Thu Hường mang theo về quê hương Cao Lãnh. Những ngày lên lớp đầu tiên, Thu Hường không làm sao quên được quảng đời làm học sinh vừa trải qua. Nơi đó đã lưu lại rất nhiều yêu thương cùng những nhớ nhung về một hình bóng cũ.
    
    Riêng Ðức Sơn thì được chuyển qua trường Lycée Nguyễn Ðình Chiểu để vào lớp “sơ-gồng” (seconde - đệ tam). Những buổi học đầu tiên Ðức Sơn cũng nghe lòng mình hụt hẩng chơi vơi, vì nhớ nhung đến Thu Hường vừa ly biệt. Cũng từ cái thời điểm này, hai người đã thật sự chia tay. Không phải chia tay cho ba tháng hè. Mà thật ra, là cho một thời gian thật dài mà cả hai đều mong: rồi sẽ có ngày gặp lại...
    
    Những tháng ngày tiếp theo đi học ở trường Nguyễn Ðình Chiểu, Ðức Sơn được một cô bạn mới quen (tên là T Cẩm) chép cho bài thơ “Họp Tan”. Bài thơ này (hình như là của TTKH?) đã một phần nào nói lên tâm trạng của Ðức Sơn trong kỳ chia tay lần ấy:
    
    “…Một phút gần nhau cũng đủ rồi
    Nén cười đứng trước cảnh chia phôi
    Ngày về khuyên bạn đừng mong nhớ
    Non nước duyên hờ có thế thôi
    Họp tan thường lẽ có gì đâu
    Bạn hãy quên đi chớ vướng sầu
    Ðành lẽ Bắc Nam người một ngã
    Xa nhau rồi nữa sẽ quên nhau
    Nhớ tiếc làm chi để bận lòng
    Chắc gì gặp gỡ nữa mà mong
    Quên đi bạn cố quên đi nhé
    Tiếng gọi năm xưa của cõi lòng
    Thôi nhé đường đời đã biết nhau
    Thà rằng quên trước khỏi quên sau
    Ða mang chi nữa tình mây nước
    Ðể mặc sương sa bạc mái đầu…”
    
    Khoảng năm 1958 qua một người quen là thầy Hội (rể của một vị quận trưởng) có vợ là ý tá nữ hộ sinh, Ðức Sơn biết được Thu Hường vẫn còn đi dạy học ở Kiến Phong. Ðức Sơn vô cùng cảm động khi biết rằng mặc dù xa nhau, nhưng Thu Hường lúc nào cũng còn giữ lại những kỷ niệm thời đi học ở Mỹ Tho, nhất là mối tình đầu cùng Ðức Sơn thuở trước. Nghe được tin này Ðức Sơn càng cảm thấy ray rứt trong lòng nhiều hơn, vì biết rằng người xưa vẫn chưa quên được những ngày thơ mộng cũ. Ðức Sơn tìm cách liên lạc với Thu Hường để xem giờ này cuộc sống ra sao? Bao nhiêu thư đi, nhưng cuối cùng cũng là hoài vọng. Thu Hường giờ đây như cánh nhạn lưng trời, chắc ít nhiều gì cũng cưu mang trong lòng một nỗi buồn của nhạn sầu lẽ bóng?!
    
    
- o O o -

    
    Thời gian tiếp tục trôi, dòng đời đã có nhiều thay đổi. Ðức Sơn cuối cùng cũng học xong và ra đời làm việc. Mặc dù đã lập gia đình và có một cuộc sống ấm êm ở Sàigòn bên cạnh người vợ cũng là cô giáo. Nhưng lúc nào Ðức Sơn cũng mang canh cánh trong lòng một niềm hy vọng, là sẽ có ngày gặp lại người xưa. Một dịp may là vào năm 1968 sau lúc bị động viên và đang thụ huấn tại trung tâm huấn luyện Trần Quốc Toản ở Cao Lãnh. Ðức Sơn biết được nơi đây là quê quán cũng là chỗ dạy học của Thu Hường, nên Ðức Sơn đã tìm cách viết thư liên lạc, nhưng chờ hoài mà cũng chẳng thấy hồi âm. Ðiều này làm cho Ðức Sơn càng thêm lo lắng. Thời gian thụ huấn đã qua, mà tin người xưa vẫn chưa tìm được. Ðức Sơn nhẩm tính trong lòng và nhủ thầm:
    
    - Mới đó mà đã hơn 10 năm rồi chứ đâu phải ít! Ðức Sơn tự hỏi:
    
    - Không biết giờ này Thu Hường cuộc sống ra sao, đã có gia đình chưa và chắc là vẫn còn đang dạy học?
    
    Ðức Sơn còn biết trước đó vài năm thì Thu Hường vẫn còn đi dạy. Vì qua một người em trai của Ðức Sơn nguyên là hiệu trưởng một trường trung học bán công ở tỉnh Kiến Phong, cho biết là có gặp Thu Hường nhân kỳ hội thảo “Thuyết trình giáo khoa sư phạm” (khoảng năm 1965). Nhưng do người em trai của Ðức Sơn ít có dịp về lại Sàigòn. Nên tin tức về Thu Hường rồi cũng theo thời gian đi vào quên lãng…
    
    Rồi đến biến cố 30 tháng 4 năm 1975 cũng như qua nhiều giai đoạn biến chuyển theo thời gian, Ðức Sơn và Thu Hường vẫn bặt tin nhau. Nếu họ còn nghĩ đến nhau thì chắc cũng chỉ là tình cờ qua những “đôi khi” bất chợt!? Hơn nữa cuộc sống giờ đây mọi người đều có những nỗi lo riêng, nên tưởng chừng như sẽ không có ngày gặp lại... Họ biết rằng, trước cuộc sống mới với nhiều thay đổi khó khăn, thì niềm hy vọng còn gặp lại nhau càng trở nên mù mịt. Kẻ chân mây người góc biển, thì làm sao đoan chắc sẽ dễ dàng liên lạc được với nhau.
    
    Thời gian lại tiếp tục trôi và dòng đời thì lặng lẽ qua nhanh. Những tháng ngày lo toan cho cuộc sống lại tiếp nối, đã làm họ không còn thì giờ nghĩ ngợi về nhau nữa. Dù có những phút giây bất chợt nào đó trong đời sống hàng ngày, thì họ cũng hiểu rằng thời gian sẽ không bao giờ dừng lại. Thôi thì… đành thôi, hãy để cho nỗi lòng riêng được ngủ yên theo ngày tháng cũ. Họ hy vọng (có lẽ) tất cả rồi sẽ qua đi, kỷ niệm của mối tình đầu rồi cũng sẽ theo dòng đời trôi đi vào quên lãng…
    
    Ðang lúc mọi chuyện tưởng đã an bày, thì không ngờ định mệnh lại xui khiến cho hai người còn có ngày hội ngộ cùng nhau. Vì họ đã liên lạc được với nhau sau bao năm dài xa cách. Do biết được một người bạn làm chung trong “cơ quan” trước đây có quê quán và bà con ở Kiến Phong. Nên Ðức Sơn hỏi thăm và kể lại chuyện xưa để lần mò tin tức Thu Hường. Ðức Sơn mong sẽ liên lạc được với Thu Hường để xem cuộc sống ra sao, cũng như hy vọng giải tỏa được nỗi lòng riêng, mà đã từ lâu vẫn còn ray rứt. Rất may qua người bạn này, mà hai người đã nối lại sợi dây “tình cảm” thuở xưa, để ít ra họ cũng được an lòng khi biết rằng người xưa vẫn mạnh lành và ấm êm ở một nơi xa nào đó.
    
    Mặc dù giờ đây Ðức Sơn đã về hưu và đang sống với vợ hiền cùng bốn người con gồm hai trai và hai gái. Riêng Thu Hường thì cũng đã lập gia đình với một đồng nghiệp (cũng là thầy giáo ở Kiến Phong), hai người có được với nhau 8 người con giờ cũng đã lớn khôn và thành đạt. Như vậy là qua bao năm dài “biệt vô âm tín” thì cuối cùng Ðức Sơn và Thu Hường cũng biết được tin tức của nhau. Thế là cũng thỏa nguyện lắm rồi, nhất là chuyện hai gia đình đều đông vui và đầm ấm. Ðó cũng là mong ước của hai người, mà từ bấy lâu nay họ thường quan tâm và mong đợi. Những cánh thư liên lạc từ đây lại có dịp trao đổi để đón nhận tin tức và tâm tình của nhau sau bao tháng ngày ly biệt.
    
    Nhân dịp cuối năm có người bạn về lại Cao Lãnh nên Ðức Sơn nhờ gởi thư cho Thu Hường. Ðối với Ðức Sơn, thì đây là hy vọng cuối cùng để liên lạc lại với người xưa. Và quả thật, cuối cùng thì lá thư hồi âm như mong đợi cũng trở về và đến được tay Sơn. Cầm tờ thư trên tay Ðức Sơn nghe trong lòng dâng lên một niềm xúc động:
    
    “Cao Lãnh ngày 1 tháng 1
    
    Thư mến gởi về anh Ðức Sơn ngày cũ,
    
    Nhận được thư Sơn, Hường vội viết cho anh đây. Tưởng chừng như suốt cuộc đời mình không còn gặp nhau nữa?! Không phải chúng ta vô tình mà là… Sơn ơi, đây có phải là định mệnh hay chăng??!
    
    Ðược biết anh còn mạnh khỏe và sống hạnh phúc là Hường rất vui mừng, Hường không biết phải nói gì đây? Lúc nào Hường cũng kính trọng Sơn và giữ mãi... “ tình bạn” của chúng ta trong lòng, không sót một kỷ niệm nào dù là nhỏ nhặt.
    
    Anh Ðức Sơn ơi, bạn bè cũ của mình bây giờ còn lại những ai hở anh? Giờ có gặp lại nhau thì đã khác hẳn rồi. Vì thời gian chồng chất, vì cuộc sống nhiều năm đã làm phai mờ mái tóc của mình rồi Sơn ạ! Kỷ niệm cũ chỉ còn đong lại trong cõi lòng mà thôi…
    
    Mỗi năm Hường có về Sàigòn một lần nhân ngày kỵ cơm của mẹ. Tuy nhiên đó là dịp để Hường nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa của hai chúng ta cùng vui đùa bên nhau trong kỳ thi “ prờ vê” chắc Sơn cũng còn nhớ chứ?!
    
    Thôi Hường xin dừng bút nơi đây, chúc anh luôn ấm êm, mạnh lành và đong đầy hạnh phúc.
    
    Mong tin anh nhiều lắm
    
    Một người em gái nhỏ ngày xưa
    
    Thu Hường”
    
    Gấp lại tờ thư, Ðức Sơn cảm thấy lòng mình vui hơn bao giờ hết. Bây giờ thì Ðức Sơn cảm thấy an lòng vì lá thư vừa nhận được. Niềm vui này Ðức Sơn sẽ không giữ cho riêng mình. Ðức Sơn dự định cùng chia xẻ với vợ và các con. Ðể mọi người thấy rằng, tất cả những kỷ niệm cũ, thời trai trẻ, theo thời gian rồi cũng sẽ trôi dần vào quá khứ. Dù có… “buồn” thì cũng vậy mà thôi. Mà thực sự giờ đây (già rồi!?) thì có còn gì nữa đâu để mà … hối tiếc chứ?!
    
    Ðiều đáng nói ở đây là cái tấm lòng của “đôi bên” quí mến nhau mới là điều quan trọng. Vì nó sẽ “ở lại” mãi mãi với chúng ta, cho dù dòng đời thì sẽ tiếp tục qua đi, và chắc chắn là dòng thời gian thì sẽ không bao giờ dừng lại.
    

Kết Thúc (END)
Thiên Minh
» Mối Tình Đầu 50 Năm Về Trước
» Biển Xưa Chiều Kỷ Niệm
» Trọn Một Kiếp Người
» Chị Hai
» Bà Số 3 Không Còn Nữa
» Nước Mắt Cuộc Ðời
» Chuyện Tấm Hình Ngày Cũ Của Lớp Tôi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em