Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Trên Cánh Đồng Làng Tác Giả: Nguyễn Mạnh Hùng    
     Nhà nó ở cạnh sông. Tiếng là sông nhưng chỉ ba sải bơi đã sang bờ bên kia. Tuổi thơ của nó êm ả và đằm lặng. Nó cùng lũ trẻ trùng trục nhẻm đen ào lên lưng những con trâu cang bụng bê bết đất bùn. Hiền gầy giơ hõm vai cưỡi con trâu trắng. Nó tóc xém vàng quạch nắng nắm đuôi con trâu đen. Mặt sông rờ rỡ tiếng cãi nhau chí choé...lũ trâu ngụp mình trong nước chỉ thò mỗi chiếc đầu lên, đôi sừng goặc goặc đánh bầm bầm làm bắn tung toé những hạt nước trắng loá rơi lõm tõm. Đám muỗi, ruồi trâu, ruồi vàng...bay toá lên, bu kín đốt nhôn nhốt trên đầu, trên cổ lũ trẻ. Xong chưa? nó hét lên- Xong rồi! Tiếng lánh lót của Hiền đáp lại. Cuộc đua bắt đầu. Lũ bạn cưỡi trâu ùm ùm bơi theo hò hét ầm ĩ cỗ vũ. Thằng con trai rạp mình vừa hò vừa thúc. Đứa con gái khôn hơn. Nó thò cái roi vào đít trâu ngoáy liên hồi khiến con trâu lồng thách chồm về phía trước đánh sừng xuống nước ầm ầm rồi mất tăm cùng đứa con gái. Lũ muỗi, ruồi trâu, ruồi vàng bơ vơ trên mặt nước bay toá sang bu kín mặt thằng con trai khiến nó vuốt không kịp. Sóng dồ lên hất nó ngã nhào xuống nước trong tiếng hò reo của lũ trẻ và tiếng cười thanh thách của đứa con gái đã ở khoảng trên...
    Hiền là con của cô Lành và chú Bản, nhà bên kia rào Găng. Chú bị cái tật thi thoảng mí mắt và tay cứ giật nhay nháy, vì thế người ta hay gọi chú là Bản Hủi. Cô Lành xinh và có giọng hát rất hay. Nó không hiểu tại sao cô lại lấy chú Bản. Hình như cô lấy chú để trả thù kẻ tham vàng bỏ ngãi- ấy là nó nghe mọi người bảo thế. Hồi trước, mỗi lần vét sông, vét mương, cái loa khọt khẹt não như ve sầu kêu chẳng bao giờ thiếu được giọng hát mượt mà như lúa đang thì con gái của cô. Những bèo dạt mây trôi rồi người ở đừng về khiến người ta quên cái loa và âm ly cà tàng cà khổ của "cơ quan phát ngôn" của xã và cái đói đang thúc cũng thùng thục, thùng thục trong bụng. Chú Bản cục tính, thích uống rượu lại hay ghen. Chú không chịu được ánh mắt bê bết của đám đàn ông đang nai lưng dưới mương dán vào cô đến tướp xơ như tàu lá chuối gặp bão thế mà đôi môi mỏng rượt bóng như sợi bánh cuốn vẫn cứ cười của cô. Cha nó và cô trước đây cùng làm ở truyền thanh xã. Cha thuộc diện cán bộ nguồn. Một đêm, cái loa bỗng khọt khẹt dữ dội rồi tắc tị. Cô Lành tơi tả ôm mặt khóc chạy khỏi phòng. Xống đằng xống, áo đằng áo. Chú Bản vác đòn gánh rượt cha nó chạy quanh làng. Cha nó bị cách chức, khai trừ Đảng. Còn cô sau trận đòn thừa sống thiếu chết bị chú cấm tiệt, bất kể ở đâu không được hát, được cười. Chú Bản hay uống hơn. Hay có những trận đòn vô cớ hơn. Có lần, chú mặt như quả mận chín đạp cô sấp trong chuồng lợn. Răng bồ cào va vào đầu khiến cô phải khâu mất mấy mũi...
    Cô Lành thui thủi sống trong bao nỗi ẩm ê. Nó chỉ dám len qua rào mỗi khi chú Bản không có nhà. Thi thoảng, nó được nghe cô hát. Những câu hát chất ứ cứ lặng đi à ơi! Cây cải về trời rau răm ở lại. à ơi! nắng đi về trời cho mưa ở lại...à ơi...Câu hát cứa sắc ngọt nhốt nhát vào hồn. Lòng nó sắt se theo từng lời, từng chữ. Cô không khóc nhưng mắt cô thi thoảng như chắt ra hạt bầm bầm. Nó ngậm ngùi: Đời cô đấy hả cô? Cô nhoè nhoẹt cười: ừ. Cô. Mà cũng chẳng mình cô. Đời đấy! Nó lớn lên trong tiếng hát chất ứ của cô và những câu chuyện hư hư thực về cái làng cùi thủa xa lơ xa lắc. Người ta kể rằng, làng nó ngày xưa là nơi đầm lầy sơn cùng thuỷ tận chỉ có rắn rết và thú dữ. Những người hủi bị đồng loại xua đuổi dạt về đây lập thành làng cùi. Họ dựa vào nhau vừa chống chọi với bệnh tật, thú dữ để tồn tại. Thiên hạ loạn lạc. Một bại tướng cùng tàn quân cũng dạt về đây. Họ bắt những người hủi thốc tháo xây thành đắp luỹ để chống lại quân triều đình. Khi thành luỹ đã xây xong. Những người hủi bị đẩy hết xuống hố rắc vôi bột trộn mảnh sành chôn sống. Người ta kể vào những đêm trăng sáng, nhất là những đêm trăng tròn, những oan hồn cụt chân cụt tay nhập nhềnh lăn lộn đau đớn khóc lóc thảm thiết. Họ còn nói oan hồn hủi biến thành con rái cá thường lặn ngụp ở sông. Nó thường rình dìm con gái tắm đêm ở bến Lặng. Cái bến ấy đúng là có một chỗ rất sâu thường hay có người bị chết đuối. Họ còn nói con rái cá thường ngậm một viên ngọc. Nếu ai có nó có thể kiếm cá dưới sông dễ như trở bàn tay.
    Nó lớn lên trong sự gầm ghè như hai con trâu đực nhốt chung chuồng của cha và chú Bản. Cha nó trở nên cộc cằn, khó tính. Ông hùng hục cắm đầu làm không kể đông hè. Ba giờ sáng, ông đánh trâu ra đồng. Năm giờ nó mang cỏ và ăngô cháo ra ruộng. Nó đứng ở đầu bờ, cỏ đưa xuống cho trâu, cháo đưa lên cho cha nó. Trâu phì..phì...miếng trước, người soạp..soạp...miếng sau. Xá cày vẫn không ngừng lật đều tăm tắp, nó chỉ bị đứt đoạn mỗi khi gặp phải những gò mả hủi. Khi ấy, mặt cha nó quặm lại. Có khi, ông chửi đổng: Mẹ cha nó! Sống thì như ma như quỷ. Chết ám nhà, ám đất. Lật hết mẹ nó lên cho dễ làm chứ lỵ. Cha cày liền mạch đến mười giờ rồi giao trâu cho nó rồi lấy cuốc vạc sàm sạp lên thân mả và những chỗ không cày tới được. Gò mả hủi ở ruộng nhà nó bị róc dần, róc dần theo từng vụ. Gần cả đời cha nó cắm mặt xuống đất mà chưa thực hiện được ước mơ: xây ngôi nhà trần để không phải lo toan mỗi mùa bão lũ.
    
- o O o -

    Nó học không tồi. Năm cuối cấp ba, thầy dạy toán bảo: Thằng này sáng dạ. Cô dạy văn nói: Cậu nhạy cảm. Nhưng nó bỏ không thi đại học. Cha hỏi: Sao mày không thi? Nó cười: chỉ để đếm một ba ba học như vậy đã là quá nhiều. Một ba ba là công thức cha nó áp dụng để lấy gạo nấu cơm cho ba bữa hàng ngày mà nó thuộc làu. Cha nó bảo: Mày từ gốc rạ chui lên thì cũng đến lộn xuống! Cô Lành bảo: Đời như câu hát. Bay ra được khỏi luỹ tre làng thì sẽ vút cao. Muốn làm công thì lông phải đẹp, không chỉ suốt đời làm quạ. Đừng bỏ cháu ạ. Nhưng cái đầu non nớt của nó không nghĩ sâu xa được những điều mà cô Lành nói. Vậy là nó ở nhà.
    Mùa đông năm ấy, cha nó làm gạch. Khu công nghiệp bên kia sông và công ty trách nhiệm Hữu hạn"Cá Hồng" ở hồ Dái Cá hợp đồng với xã. Nghe đâu, người yêu cũ của cô Lành trước đây chính là giám đốc công ty. Ba giờ sáng, sương muối châm nhôn nhốt vào da thịt như những mũi kim. Gió bấc u u hú. Cha con hật hờ vác cuốc, vác thùng thập thõm trên cánh đồng Mả Hủi như đi chợ âm phủ. Bàn chân nó thi thoảng lại bị vặn ngược nhói tận óc mỗi lần sa xuống những lỗ nẻ toang toác. Cha nó bảo: Tuần này phải gặm xong gò Ma Cùi. Tuần sau sang Ma Cụt. Tao tính, cũng phải được ba vạn gạch. Số gạch tốt bán để mua vật liệu. Gạch xấu xây. Xỉ than đổ móng. Thêm đất trồng lúa cho vụ sau, nhất cử lưỡng tiện. Mùi ma muối mắm khăm khẳm từ bụi luầng quầng bốc ra khiến nó oẹ oẹ khan: Hình như đây là mả...Cha nó gắt: Mả cha mày ấy! Làm đi. Đất cứng như sắt. Cuốc chim bổ xuống chan chát nẩy câng câng tê dại tay. Một chốc, tay nó rát kện ướt nhem nhép rồi xót đến tận âm ty củ tỷ. nó ngồi phệt thở dốc. Da bàn tay bị lột dính cả cán cuốc ri rỉ máu. Tay nó giật giật như người động kinh đau đến phát khóc. Cha nó càu cạu: Lấy nước đái bóp vào. Xón một tí ra tay thôi còn nín lại đái vào cục đất khô. Trưa tao mang về bỏ gốc chuối. ra hồ gánh nước về đây.
    Nó đi ra hồ. Trời lạnh, hồ phà phã bốc hơi. Chỉ nghe tíếng lũm bũm khoả nước. Mấy con rô bệnh loét hết mình trôi lập lờ. Nó chậc lưỡi: Gấp vạn cơm với muối vừng mặn! rồi xâu chúng vào một cành nhỏ
    Mặt trời lờ đờ như chiếc bánh đa gấc dính nước nhợt nhạt cố thoát ra khỏi đám sương mù. Cánh đồng Mả Hủi hiện ra. Cha con nó cùi cũi làm. Chỉ nghe tiếng thịnh thịch bổ xuống gò như đám hủi cùi xây thành. Chiếc cuốc chim trong tay cha nó choá lửa nảy ngược. Cha nó lầm bầm: Mả cha nó! Đúng là đất cùi đất hủi! Nó khẽ rùng mình, quay lại nhìn cha giọng gai gai: Hay thôi hả cha. Con sợ...Mà cứ thấy ác ác thế nào ấy... Cha nó vằn mắt: Không ác lấy cứt mà ăn. Làm đi! Nó im lặng. Những nhát cuốc cứ chùn chùn trong tay
    Gò Mả cùi rất nhiều mảnh sành. Cứa nhộn nhạo dưới gan bàn chân. Dẫm cứ nhợn nhợn. Người cùi thường rất sợ những vật sắc. Phải chăng cha ông nó muốn giết nốt những oan hồn đáng thương kia? Bàn chân nó be bét vết cứa. Máu nhây nhưa trên quả đất tròn làm gạch như nấm mồ hoang. Đất thâm thâm nên vết máu cứ thẫm lại. Xiến. Dẫm. Đạp. Càng xiến nhỏ càng dẫm đạp mạnh đất càng mau nhuyễn gạch mới tươi hồng không bị quắt, không bị phồng. Những gò mả nát nhừ dưới những đôi chân. Hết lượt trên, bên dưới đất tự nhiên mềm nhũn như thịt người. Mảnh sành càng đào xuống càng lắm lẫn với thứ bột trắng xốp như thạch cao không dính nước, dẫm không tan trong đất nhưng lại dễ bám vào chân tay cứ dấp dính rất khó chịu. Rồi những mẩu xương. Trắng. Thâm. Nhờn nhợt. Tất cả đều có màu đen như nhọ nồi ở đầu mút...Cha nó bỏ tất cả vào cái hòm đựng sách trước đây rồi đem chôn chúng ở góc nghĩa địa. Một nghìn...Hai nghìn...một vạn..vạn hai...vạn rưởi... Những gò mả hủi cứ mất dần nhường chỗ cho cáng gạch chồng lên ngày càng cao như những bức luỹ thành. Năm ấy, cha con nó làm được ba vạn gạch...Mẻ gạch đầu tiên thật không ngờ. Những lò đốt bởi đất ao, đất vườn bị nổ trắng. Hòn thì quắt queo như mặt bà già tám mươi ốm đói, viên lại phồng như mặt quan xã dính đậu mùa. Khi ra lò vứt đi đến một nửa, số còn lại cấu bở bùng bục khiến mấy tay cai thầu ngán ngẩm lắc đến sái cả cổ. Thóc bán mua than. Tiền không thu lại được cả làng như có dịch. Chỉ có mỗi lò của cha nó ra viên nào được viên nấy. Cứ vuông chằn trặn. Nhẵn lì. Da tím rịm như tiết luộc. Rơi cong cong, nẩy thanh thách, được xếp vào loại đặc biệt, giá cao gấp rưỡi, gấp đôi gạch của những nhà xung quanh.
    Làng đổ xô tranh gò cùi đống hủi. Tấc đất đọi máu. Trước đây, nó là thứ vô chủ không nằm trong diện ruộng được chia nên mạnh ai nấy chiếm. Những chuyện hằn thù nhau từ đời nảo, đời nào nay cũng được dịp khới lên. Cá dưới ao nổ mắt trắng nhã vì đất đèn. Trâu bò chân bầm đen từng vệt vì bị cắt gân. Mả ông bà ông vải thi thoảng lại bị quật lên sau những cái tốc quần xỉa xói. Cha nó và chú Bản một lần nữa lại vác cuốc xẻng rượt nhau chạy quanh cánh đồng. Nỗi thâm thù từ ngày trước càng bị khoét sâu thêm.
    
    
- o O o -

    
    Chiều nay, cha nó vào lò sớm. Khi lửa đã lem lém ăn than mới có bảy giờ. Lửa hồng hộc liếm ngoam ngoám cứ rừng rực một góc sân. Hơi nóng táp thốc táp tháo rát mặt. Nó nhìn những viên gạch đang chín nhừ hồng rực dưới cái nóng có hoa như đang dãy dụa gai gai những ý nghĩ về những oan hồn hủi. Có ánh đèn của chú Bản lấp loé rồi mất hút. Đó là mật hiệu cho mọi cuộc hẹn của nó và Hiền. Như một con mèo, nó chạy biến khỏi sân. Gió ù ù bên tai. Trăng vãi bạc trên sông, ngân ngẩn đồng loã cùng nó. Hương cỏ, hương con gái xoắn quện ngập đầy trong ngực. Phía xa, khu công nghiệp nhoang nhoáng dưới trăng. Nó hạnh phúc vén mấy sợi tóc xoà xuống mặt Hiền: Anh sẽ xin vào làm công nhân trong nhà máy- nó thì thầm - em vào khu nuôi cá Hồng. Chúng mình sẽ làm một đám cưới thật to...Cỏ mật êm như tấm nệm nhung. Gấp gáp. Hối hả. Da thịt trắng loã dưới trăng. Cả hai đê mê hạnh phúc trong giấc mơ của cuộc sống tương lai...
    Hiền giật thót người khi nhìn ánh đèn chao lắc phía xa giọng lo lắng: Không biết bố em sao về sớm thế? Mà lại có vẻ vội vã nữa? Nó nuối tiếc vùi sâu mặt vào vồng ngực trinh nữ của Hiền hít mạnh rồi đứng dậy. Trăng khuyết vẹt như mảnh sành vỡ chao chao phía trước. Từ xa, nó đã nghe tiếng khóc uất nghẹn của cô Lành. Giọng chú Bản đay nghiến: Đồ cẩu gâu gâu. Đồ đánh đĩ quên cả váy. Đẹp cái mặt! Còn chối tao cắt lưỡi! Mày với thằng khốn nạn ngày xưa có đúng không? Hả? Hả? Đồ đĩ! Đồ đĩ! Tao ỉa vào cái giàu sang của nó! Cút đi mà liếm đít nó! Đi! Đi! Mắt chú vằn đồng đọc. Con dao dứ dứ gí vào mặt cô. Uất ức đến cực điểm. Cô thè lưỡi. Phựt. Mẩu thịt văng khỏi miệng nhảy đanh đách trên mặt đất như cá bị muối. Mồm cô nhoe máu đỏ lòm. Cô ngã vật xuống. Chú Bản như chết đứng. Chiếc quần lót phụ nữ trên tay chú rơi xuống nền nhà...
    Sau khi xảy ra chuyện, chú Bản ân hận lắm. Chú biết có kẻ thâm thù đã lấy quần lót của cô rồi vứt vào trong hang để chú nhặt được. Cô Lành phải nằm viện mất mấy tháng. Chú ở hẳn trong viện để chăm sóc cô. Còn cha nó vẫn như không. Những gò đống trước đây tranh nhau với chú Bản cha nó làm tất. Lửa đỏ rức. Gạch thâm thẫm. Từng lò. Từng lò. Nhưng những lò gạch lại tỉ lệ thuận với cảm giác đau rát ở tứ chi khiến cha nó không còn làm việc nổi. Đến lúc đó cha nó mới hoảng hồn. Ông đã bị lây căn bệnh nghiệt kiếp: Bệnh hủi.
    
- o O o -

    
    Đã có thêm vài người trong làng mắc chứng như cha nó. Cả làng thấp thỏm sống trong nỗi sợ hãi vô hình. Làng đa số bỏ ruộng hoang vào làm trong khu công nghiệp và trại cá. Nó và Hiền cũng vậy. Công việc của nó khá đơn giản: Mài quần bò. Nó làm ca đêm. Từ bảy giờ tối hôm trước đến bảy giờ sáng hôm sau, nó mài mặt trên những bộ quần áo dày như da trâu với miếng ráp. Soạt. Soạt. Soạt. Nó nghiến răng lia trên những ống những mông. Soạt. Soạt. Soạt. Tay nó mỏi nhừ, mắt hoa lên dưới ánh điện xanh lét như con giời leo trong đêm. Trước mặt nó, lúc là miếng ráp lúc lại hiện gương mặt thô khắc khổ của cha cắm đầu soàm soạp miếng cháo trên xá cày dang dở. Một tháng nửa sống ngày nửa sống đêm nó khạc đàm xanh, đàm đỏ như gỉ đồng. Hai bàn tay lúc nào cũng nhớt nhợt bởi hoá chất. Tháng đầu chưa quen, nó chỉ mài được một trăm năm mươi chiếc, mỗi chiếc được trả một nghìn vị chi được một trăm năm mươi nghìn. Tháng sau khá hơn tăng gấp đôi. Nó biết trăm hay không bằng tay quen, phải tập mài đến khi chỉ cần làm bằng cảm giác thì mới giàu được. Vậy là nó tập mài. Nó tập ở mọi nơi mọi chỗ. Đi đường, nó mài tay. Tắm, nó mài trên nước thậm trí trong giấc ngủ nó cũng huơ huơ tay trong không khí. Bây giờ thì nó đã trở thành cao thủ mài quần bò. Có tháng nó mài được tới bốn trăm chiếc. Nó không còn làm bằng trực giác, không làm bằng cảm giác mà làm bằng ảo giác. Vẫn cái điệp khúc soạt. Soạt. Soạt. Nhưng bây giờ miếng ráp không phải là gương mặt của cha nó nữa. Đó là gương mặt của chính nó, của Hiền. Bợt bạt. mòn rữa. Cứ mỏng dần, mỏng dần. Có lần nó sợ quá hét toáng lên khi thấy gương mặt mình chỉ còn mỏng dính, phẳng lỳ như một tờ giấy vẽ đầu lâu người dán trên cái trần nhà vôi vữa be bét. Nó kinh hãi khi nhớ tới câu chuyện về bệnh nghề nghiệp mà hồi đi học cô giáo kể: Một ông cả đời chỉ làm mỗi công việc đóng chiếc đinh lên sản phẩm. Về già, ông ta vác búa lấy đinh đóng lên đầu vợ cho đến chết mà cứ tưởng mình đang làm việc...
    Soạt. Soạt. Soạt. Chiếc áo không bạc phếch như mọi khi mà cứ thẫm lại. càng thẫm nó càng sát mạnh. Soạt. Soạt. Soạt. Rát. Đau. Soạt. Soạt. Soạt. Rát, đau như ai lấy dao lóc từng miếng thịt trên mặt, lúc ấy nó mới biết mình đang miết mặt trên chiếc áo bò. Máu nhỏ tong tong như những giọt gianh mái nhà trong cơn mưa rào vấy vá loang đỏ đôi bàn tay trắng bợt bạt. Máu nhểu nhểu thẫm đen xuống đất như tiết cặn gà. Gương mặt nó nham nhở be bét như đám gò cùi hủi. Nó ngất lịm đi trong âm thanh soạt soạt quen thuộc cùng nỗi sợ hãi tột độ. Nó sẽ chết giục trên đồng bò mài không chừng nếu không có mũi dày đinh nhói ở mạng sườn cùng cái giọng lơ lớ tục tằn của lão ba tàu: Thằng chó! Về mà rúc cái L. mẹ mày lắm lông ấy! Tiền của tao trả không phải để cho mày ngủ như chó thế này! Nhục. Nhục vì hèn. Nhục vì nghèo. Vì bị kẻ khác máu tanh lòng xúc phạm. Nó bật dậy tông quả đấm giữa cái mặt hầm hổ của hắn. Bốn cái răng rơi xuống như vãi mạ. Nỗi đau của nó càng nhân lên khi những người cùng cảnh ngộ then lét như rắn mồng năm sau lời doạ của tên giám đốc người Việt đi cùng: Thằng nào động đậy sẽ đuổi việc ngay. Còn nó, bị lũ lâu la tẩn cho một trận rồi tống cổ khỏi nhà máy.
    
- o O o -

    Nó quệt những giọt mồ hôi đen sì bụi đường nhìn cái "ổ chuột" dựng tạm rồi khẽ gõ cửa. Im lặng. Nó gõ mạnh hơn. Có tiếng hắng giọng, sau đó là giọng khàn khàn: Cứ vào. Nó đẩy tấm liếp. Trong nhà tối om. Mấy con chuột thấy động soàn soạt chạy tứ tán. Khục! Khục! Khục! Nó căng mắt nhìn về phía phát ra tiếng ho. Một người đàn ông hom hem co quắp trên chiếc giường một đang đưa tay lên miệng cố ghìm trận ho rũ rượu. Mái tóc muối tiêu xơ xác như dựng ngược. Cái xác không hồn kia là cha nó đấy ư? Một cái gì đó xót ứ trong lòng. Nó không ngờ, mới có mấy tháng không gặp mà cha nó đã ra nông nỗi thế kia. Cha bị bệnh lâu chưa? Ra khỏi trại phong sao cha không về làng mà lại vào đây ở làm gì cho khổ? Cha nó không trả lời. Ông chống tay xuống giường cố ngồi dậy. Nó vội vàng luồn tay đỡ. bất chợt bắt gặp bàn tay chỉ còn mỗi một ngón cái. Thân thể ông có cảm giác chỉ còn là một bộ xương xạo xạo. Nó nén tiếng thở rưng rưng định vuột ra khỏi cổ họng. Có tiếng lạch xạch ngoài cửa. Một người đàn ông người đầm đìa mồ hôi, người nhem nhuốc như vừa ở một xó xỉnh nào chui ra xộc vào: Ông đã đỡ chưa? Thằng cháu trên bệnh viện thành phố mới về, có vỉ thuốc bổ. Ông dùng cho mau lại sức. Chợt nhận ra nó đang ngồi đó. Ông ta tiếp: Thằng cháu nhà ông đây à. Nó lên bao giờ đấy? Thôi tôi về tắm rửa chút đã. Chút nữa bà ấy mang cháo sang. Ông cố mà ăn cho nó khoẻ nhé. Ra đến cửa ông ta còn ngoái lại giọng hãnh diện: Lần này thằng cháu nó về chơi rồi lên làm tiến sĩ đấy ông ạ. Cả xóm vui lắm. Tối nếu đỡ hai bố con sang chơi với cháu nó. Người đàn ông về rồi, chỉ còn lại hai cha con nó. Cha nó im lặng, những sợi tóc bạc như bết vào nhau khi nghe nó kể tại sao nó bị đuổi việc khỏi nhà máy. Lòng nó như dao sát khi nhìn cha nó bó gối ngồi thu lu trên giường. Lúc ấy, cha nó như già đi đến mấy chục tuổi. Đêm ấy, trước khi đi ngủ cha nó bảo: Mai ta về làng con ạ.
    
- o O o -

    ánh sáng hoi hóp đằn bóng cha nó dãi nhập nhềng trên tường. ức. ức. Khà. Cha nó uống như nước đổ ải. Như muốn đút tất cả nỗi đau vào cái dạ dày rỗng tuếch. Từ khi ở làng của những người hủi về đến giờ, cha nó như một cái bóng. Ông lầm lũi quẩn quanh ra đụng nhà vào đụng tường. Hình như cha nó đang ngẫm ngợi điều gì lung lắm. Đêm nay, lần đầu tiên kể từ khi trở về nó thấy cha nó uống rượu. Ông ngửa cổ thè lưỡi thèm thuồng đón nốt giọt rượu quét lưỡi một lượt quanh đôi môi khô khốc rồi đứng dậy đi sang sang nhà chú Bản. Có lẽ, đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm ông mới bước chân qua hàng rào Găng. Một lúc sau, ông bước vào, vẻ mặt có vẻ thanh thản. Im lặng. Một lát sau ông bảo: Cả đời tao cắm mặt xuống làm mà không xây nổi cái nhà. Từ mai, mày không đi làm nữa, cố thi đại học để may ra còn ngẩng mặt lên với thiên hạ. Nó không nói gì, từ nhỏ nó đã quen với mọi sắp đặt của cha. Với lại, nó đã chán ngấy sự hoang hoá ở làng nó bây giờ. Nó có ý định đi tìm một cái gì đó ở thành phố đã từ lâu nhưng còn nấn ná bởi bệnh tình của cha nó. Còn bây giờ. Phải. Nó sẽ quyết tâm thi đại học. Chắc cô Lành và Hiền sẽ rất ủng hộ. Nó nhìn cha. Hình như còn điều gì đó mà ông chưa nói ra được. Chiêu một ngụm nước, giọng ông chìm xuống: Tao vừa sang chú Bản. Chuyện cái quần lót ấy mà...Ông bỏ lửng ở đấy rồi đứng dậy đi vào buồng - Mai tao sẽ làm lều để nuôi vịt và thả lưới. Ăn ngủ tại đấy. Trưa, chiều mang cơm cho tao.
    Sau hôm đó, Nó tự cầm tù mình trong căn phòng ngột ngạt đầy muỗi gián với đống sách vở phủ bụi ẩm mốc lôi ra từ xó gầm giường. Ngay cả việc gặp Hiền nó cũng hạn chế. Một phần nó phải học, một phần Hiền cũng bận tối ngày đi làm trong khu nuôi cá rô phi hồng. Nghe Hiền nói, dạo này con rái cá phá đám đăng, lưới của cha nó ghê quá. Đã mấy lần ông vồ hụt mà vẫn chưa bắt được...
    
    
- o O o -

    
    Đã quá hẹn gần cả tiếng đồng hồ mà Hiền vẫn chưa đến. Nó sốt ruột nhìn đồng hồ cố nén tiếng thở dài rồi đứng dậy, Đã đến giờ nó phải ngồi vào bàn học. Bỗng nó thột thột người. Một chấm đen nhệch nhạc lúc ẩn lúc hiện ùm ũm phía đám lưới giăng... Nó ào xuống thuyền, đôi dầm bơi trong tay bạt mạnh. Cẩn thận, nó túm mép lưới nhấc lên. Trong ánh đèn chai nhờ nhờ, con mài mại vướng mắt lưới quẫy quẫy, vẩy bàng bạc. Xoạc! ùm! ũm ũm. Bóng đen như đứa trẻ lên ba xé toang bụng lưới nhào xuống sông. Lóp nhóp. lũm bũm. Nó trồi ngụp ngay trước mũi thuyền vừa đủ để không chao vợt tới được rồi men theo hồ nước đến trước cửa hang thì mất hút. Trời tối om, Nó dờn dợn mò mẫm bước vào. Trong ánh lân tinh len lét ma quái của những con giời leo và đám gỗ mục, nó nhận ra hai thân hình trần truồng đang dính bẹt vào nhau cũng len lét ứ hự bên vách. Chân nó tan chảy như nấu cao. Tiếng hồng hộc sượt qua mang tai nóng hổi nhào trong tiếng rên khoái trá. Nó lốc thốc cắm đầu chạy khỏi hang rồi đánh phệt đít xuống bờ sông thở gấp lòng hoang mang cực độ. Chuyện các cô gái trong khu nuôi cá rô phi hồng lương lậu chẳng được bao nên hay tăng gia thêm bằng vốn tự có nó đã nghe người ta kể nhưng nó chẳng mấy khi để ý. Còn bây giờ, tự nhiên trong nó, ý nghĩ của về Hiền cứ cợn cợn như xương răm cá mắc ở cuống họng. Đêm nay, sao Hiền không đến chỗ hẹn? Liệu Hiền của nó có như thế không? Biết đâu, cô gái nó gặp trong hang kia, chẳng phải là Hiền?
    Đêm hoang. Gió bã bượi vật vờ. Nó nhìn dòng sông đang tha thủi chảy. Đoạn này ngày xưa bọn trẻ thường lùa trâu xuống tắm. Còn bây giờ, con sông không còn hiền dịu như xưa. Không còn nuôi dưỡng được cánh đồng, không còn nuôi dưỡng được tiếng nô đùa của bọn trẻ mỗi trưa hè và làn da mịn màng của con gái mỗi chiều trên bến Lặng. Cái thứ nước thải từ khu công nghiệp biến dòng nước trong xanh cứ tái dại như da người sốt rét, như một thứ a xít ăn mòn những cánh đồng vốn đã chua mặn, biến nó trở nên hoang hoá, không một thứ cây gì có thể sống nổi. Có bước chân phía sau. Hiền lặng lẽ ngồi xuống bên cạnh. Bỗng cô gục đầu vào vai nó tức tưởi: Thằng chủ gọi em lên...hu..hu..Nó... May mà em chạy kịp...hu...hu..Nó xiết chặt Hiền đến muốn tan chảy trong vòng tay. Mắt như lửa ma chơi loe loé ánh xanh lẹt. Gió bắt đầu thổi mạnh. Những đám mây đen ùn ùn kéo đến. Nghìn nghịt ba bề. Lác đác đã có vài hạt mưa. Nó nhìn quanh, một khoảng sáng trên bầu trời cuối hướng gió chỉ có vài gợn mây bông. Nó nắm tay Hiền hướng về phía ấy cắm đầu chạy.
    

Kết Thúc (END)
Nguyễn Mạnh Hùng
» Trên Cánh Đồng Làng
» Hoa Dành Dành Trắng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Đời Khổ
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam