Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Cái Mồm Tác Giả: Nghiêm Lương Thành    
     Các máy chạy điện lấy năng lượng qua cầu dao. Các máy động lực lấy năng lượng qua chế hoà khí hoặc bơm cao áp... Năng lượng làm cho máy chạy, còn máy chạy lúc nào, lâu hay chóng lại do con người quyết định. Hơn nữa, năng lượng đưa vào máy không hề làm máy phát triển về kích thước, sinh sôi về số lượng. Vì thế, những cầu dao, chế hoà khí, bơm cao áp... đó đều không được gọi là mồm. Thực ra, trong ý tưởng, chúng ta cũng muốn chế ra những loại máy móc có thể phát triển về kích thước, sinh sôi về số lượng như thế. Dù sao thì các giấc mơ Giả kim thuật, Trường sinh bất lão, Động cơ vĩnh cửu và hiện giờ là ý tưởng đó cũng là những cái mốc đánh dấu các bước tiến về tư duy của chúng ta. Con người thì không ngừng vật vã loay hoay, còn Thượng đế thì tay chống cằm, mắt quan sát và miệng cười tủm tỉm !
    Năng lượng của cây là đất, nước và ánh sáng. Năng lượng của các loài vật ruột dài là cây cỏ. Năng lượng của các loài vật ruột ngắn là các loài ruột dài. Năng lượng của người là cây cỏ, là các loài ruột ngắn ruột dài và, đôi khi, chính đồng loại.
    Một cái mồm hoàn hảo bao giờ cũng có đủ răng và lưỡi. Loài nào cũng có răng hàm. Loài ăn cỏ thì răng cửa phát triển. Loài ăn thịt thì răng nanh phát triển. Loài người thì răng gì cũng phát triển. Loài cầm thú dùng răng làm vũ khí để áp đảo, lấn lướt đồng loại và các loài khác. Loài người có văn hoá nên chẳng làm thế, chỉ dùng răng để làm duyên khi cười.
    Mồm của giống người trông thì nhỏ nhẻ, hiền lành, nhưng biết bao loài thảo mộc: cao quý như nhân sâm, bình dân như củ ráy; biết bao loài thú vật: Hung hãn, to lớn như voi như hổ, hiền lành bé nhỏ như chim như sóc không gì là không phải khuất phục. "Toạ thực tiêu sơn !" Khiếp thật. Chả trách, mấy ông khoa học, lo sợ rồi đây giống người sẽ ăn hết cả quả đất, đang hốt hoảng hô hào: Chú ý, chú ý ! Sinh đẻ phải có kế hoạch !
    Vì có lưỡi nên mồm còn có một công năng nữa là phát âm. Cái sự phát âm này cũng mầu nhiệm lắm, chẳng cần phải đằng đẵng khổ luyện, tu hành thành chính quả cũng có thể làm được những công nghiệp phi thường. Trong nháy mắt, nó có thể biến một con dê già thành chú tuấn mã, biến Thạch Sanh thành gã lưu manh, đổi Lý Thông ra Bồ tát,... và hơn thế, khiến cho đám người ưu tú nhất của một quốc gia, cứ như đang đứng trong một dòng nước chảy xiết, phải nhất tề thành tâm mà trầm trồ, mà tấm tắc rằng "Quả là đức hoàng đế đang mặc một bộ triều phục đẹp chưa từng thấy !", trong khi, cái lũ trẻ ranh miệng còn phảng phất hơi sữa, nói năng bát nháo chi thiên, thì lại nhẩy cẫng chân sáo và reo tướng lên giữa đường giữa chợ: "A, chúng mày ơi, hoàng đế cởi truồng !". Cũng còn may cho xã hội, bởi đấy chỉ là con trẻ. Để giải thích tính uyển chuyển và vô cùng linh động của cái lưỡi, người đời bảo vì nó không có xương. Thực ra, có lẽ, chả phải.
    Người đời bảo đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Nhưng cũng chỉ dễ nhận ra ở những người có đôi mắt luôn mở to, trong sáng; số khác, cứ cố tình khép bớt mi mắt, lim dim che dấu tinh thị như loài rắn thì làm sao biết được. Nhưng mồm thì khác, đã có mồm và không bị câm thì không thể không nói, mà dù có khéo giấu diếm đến mấy thì các loại tâm địa, tâm hồn, cũng như cái kim trong bọc, không thể lúc nào cũng kiểm soát được, đến lúc nào đó cứ hồn nhiên tự tác mà phô ra. Vậy tại sao không nói Cái mồm cũng là cửa sổ của tâm hồn?
    Có câu: Bệnh từ mồm mà vào, hoạ từ mồm mà ra. Từ đó có thể thấy: Người ta phải tự chịu trách nhiệm về những thức mình ăn, những điều mình nói, chứ quyết không thể cứ thích lên theo ý riêng mà bừa phứa vung vít được; càng không thể vì thiếu bản lĩnh, kém tự tin mà mượn rượu nói nhảm; lại càng không thể lợi dụng những lý tưởng cao cả, vụng về che lấp những ý đồ tối tăm mà nói nhảm nói nhí, làm điều xằng bậy ngang trái. Nhưng lại thấy thuốc chữa bệnh, thuốc bổ cũng qua mồm mà vào cơ thể, và cũng thấy lời yêu thương, hoà thắm, câu an ủi chân thành từ miệng mà ra. Chim hót bằng mỏ, người hát bằng miệng. Vậy tại sao không bổ sung: Sự khoẻ mạnh từ mồm mà vào, điều cao đẹp từ miệng mà ra?!
    Có một kỹ sư chế tạo máy kể vui rằng: Trong khi quan sát, nghiên cứu quá trình vận hành của cụm mồm do mình tạo ra, Thượng đế đã rất buồn khi thấy, đôi khi, cái mồm của giống người yếu đuối đến độ không cắn vỡ nổi cả một hạt cơm; nhưng Ngài lại cười như nắc nẻ khi nhận ra, vẫn cái mồm ấy, lại cắn vỡ tan tành cả những đồng tiền kềnh kệch bằng kim loại, một công năng không hề được Ngài thiết kế ! Cười chán, Ngài mới từ từ đưa ống tay áo lên lau những nước mắt vô tình cứ tràn ra trong lúc nắc nẻ, ngả nghiêng mà phán rằng: "Ngộ nghĩnh thật ! Ngộ nghĩnh quá thể !! (lại cười...) Ôi, chết mất, ta đau bụng quá. Bay đâu... dâng cao Sao vàng !".
    Để ghi lại các sự kiện lịch sử đặc biệt hoặc công tích cao cả của các bậc cao nhân, chẳng phải người ta đã dùng đá núi mà tạc chữ lên đó? Nhưng cũng chỉ được ngàn năm là cùng. Ngoài ngàn năm, dù chẳng có bia đá nào ghi lại, mà cũng chẳng cần câu chuyện minh oan kỳ bí của triều đình nhà Lê, không ai không biết cụ Nguyễn Trãi là bậc tiên trí. Thế mới biết cái sự bia miệng nó trơ trơ, nó nó chân xác, nó bền vững đến thế nào ! Bia miệng tạo ra chân văn và xây nên chân sử. Bia miệng là trời, còn bàn tay là … bàn tay.
    Giời sinh ra cái mồm là để ăn và nói. Đó là lẽ tự nhiên. Thoạt tiên, cứ ngỡ đó là hai hành vi đơn giản, nhưng thực ra không phải. Vì không đơn giản nên phải học. Về chuyện này, các bậc tiên nhân của chúng ta đã đúc kết và truyền lại cho con cháu trước tác: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Cũng là lời nói, lời hoà thắm, trung thực luôn mang lại tình cảm ấm áp, tin cậy; lời thị phi, dối trá có hệ thống chẳng bao giờ đem lại điều gì tốt lành.
    Nói là một trong những nhu cầu sống còn của xã hội con người. Không thể tưởng tượng nổi điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó giống người bỗng dưng nhất loạt câm bặt. Chừng nào còn con người, chừng ấy sự nói vẫn tồn tại và phát triển. Sự nói liên tục phát triển cả về ngôn ngữ lẫn cách biểu hiện và hình thức truyền thông: Nói bằng mồm, bằng mắt, bằng cử chỉ; nói bằng sách báo, bằng hội hoạ, âm nhạc, phim ảnh, phát thanh … và truyền hình theo đường truyền vệ tinh.
    Nền Tự do ngôn luận được thế giới coi là đỉnh cao sự phát triển văn hoá của xã hội loài người. Thật bất hạnh cho một dân tộc nào đó nếu Hiến pháp nước họ, thực chất, không xác nhận quyền tự do ngôn luận của công dân. Thời Pháp thuộc, dân ta cũng đã từng bất hạnh như vậy bởi “… bị bịt mõm và bị buộc dây dắt đi, chỉ có quyền phải phục tùng, không được kêu ca; vì nếu anh ta dám phản đối thì anh ta liền bị tuyên bố là kẻ phản nghịch hoặc là một tên cách mạng và bị đối xử đúng với tội trạng ấy [1]”, bởi “Về mặt báo chí, xuất bản bằng tiếng phương Đông, chính phủ giành lấy cái quyền bỉ ổi chỉ cho phép xuất bản những loại nào ca ngợi mình và sau khi đã có kiểm duyệt rồi. Chính phủ lợi dụng cái quyền độc đoán ấy để lập ra những tờ báo tiếng An Nam theo ý mình, được hưởng trợ cấp bí mật của nhà nước (Lấy từ tiền đóng thuế của người An Nam? - TG) và chuyên làm việc quảng cáo tuyên truyền cho chính phủ và thường kỳ viết những bài phỉnh nịnh các quan trên có thế lực ở thuộc địa” [2].
    Nói là hình thức truyền tải thông tin bằng âm thanh. Thông tin là ánh sáng của văn hoá, của khoa học và lý trí tiến bộ. Loài người không ngừng có tâm thức hướng đến cái cao đẹp và sự hoàn thiện. Nếu các Thánh tông đồ của Chúa Trời, các Đệ tử của Phật Gia, các chân nhân … không được nói những lời của ánh sáng, thì không biết con người ta còn tự đầy ải nhau đến thế nào?
    Thông tin cũng là tình cảm của đại tự nhiên. Mùa xuân đến, chim trống líu lô réo rắt là để tỏ tình với chim mái. Nếu không cho nó hót thì sinh ra mùa xuân để làm gì? Và những loài chim kia, cũng chẳng mấy chốc, tự biến mất khỏi cái mặt đất xanh mướt, tràn đầy sinh khí này và mùa xuân bẽ bàng kia sẽ chẳng bao giờ quay trở lại nữa.
    
    Thế thì hãi quá !
    
    Chú thích:
    [1] Nguyễn ái Quốc: Vấn đề dân bản xứ. Báo L’Humanité ngày 02/08/1919.
    [2] Nguyễn ái Quốc: Đông dương và Triều Tiên. Báo Le Populaire ngày 04/09/1919.
    

Kết Thúc (END)
Nghiêm Lương Thành
» U60
» Cái Mồm
» Anh Thường
» Độn
» Về Quê
» Cái Mặt Không Xài Được
» Hoài Của
» Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao??
» Được Và Mất
» Có Gì Để Mở Rộng Tầm Mắt
» Hơi Bị Đểu!
» Khen Chê
» Tôi Với Ông Có Họ Mà!
» Đèn Đỏ
» Mùa Xuân
» Con Lạy Bố !
» Khóc Và Cười
» Mây Bay Trên Đầu Và Nắng Trên Vai
» Hút Thuốc Lá
» Xuân Tàn Hoa Nở
» Chợ Búa
» Thằng Bờm
» Cảm Ơn Đồng Chí
» Ông Cò Loan
» Nói Tục