Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Một Thời Tác Giả: Huân Long    
    Tôi tan sở lúc 4 giờ 30. Lái xe về đến nhà khoảng 1 tiếng rưỡi sau. Trên bàn, buổi cơm chiều đã dọn đầy đủ. Mẹ tôi ngồi đó. Một mình. Tôi hỏi cho có lệ: bố lại chưa về, hả mẹ. Bà má lẳng nhẳng nói, chẳng quay ra phía tôi: ngày nào chả thế, còn phải hỏi.
    Tôi biết tình trạng này kéo dài khiến mẹ tôi rất buồn. Nhưng phận là con, tôi không tài nào cải sửa được. Có lần tôi đã đem lời mẹ phân bua với bố. Ông gạt đi qua quít cho xong. Tôi có hỏi mắc mỏ ông: nếu bắt bố phải chờ đợi, bố có thấy bực không? Bố tôi cấm cảu trả lời: tao chờ đã lâu nên quen rồi.
    Trong khi tôi còn đang phân vân chẳng biết nói sao thì nghe bố lửng lơ: nhiều khi chờ đợi cũng là một thái độ. Tôi thực sự mù tịt cái tâm tình của bố.
    Một lần cuối tuần, thấy tôi rỗi rảnh, bố đề nghị tôi theo bố được không? Tôi gật gù những muốn thử xem bố đi những đâu mà miệt mài say sưa đến thế.
    Trước tiên, bố dẫn tôi vào một quán cà phê vỉa hè. Bố chọn cái bàn ngay cạnh lề đường, bảo tôi gọi gì đi. Tôi chọn một ly xí muội đá đường. Bố kêu một tách đen nóng. Hai cha con lẳng lặng ngồi cạnh nhau. Bố lơ đãng nhìn dài theo con phố.
    Tôi theo dõi ánh mắt ông. Có một chút gì chập chờn lẫn mơ mộng lửng lơ. Chợt bố nói với tôi: bố thích chỗ này vì nó nhắc bố về Ban Mê, một thời bố đã sống. Tôi nho nhỏ hỏi lại: vì vậy hằng ngày bố phải đi? Bố lẳng lặng gật đầu.
    Bố cầm cái tách lên. Thận trọng nhắp môi một ngụm, không dầy, không mỏng. Bố ngậm chặt miệng. Một sợi khói mỏng còn kịp tản ra, tôi biết cà phê rất nóng. Bố lại bảo: cà phê cũng giống thứ Robusta ngày xưa.
    Các bàn xung quanh đầy đặc người ngồi. Phần đông đều chọn một tách bốc khói và đen đặc như bố. Khói nước và khói thuốc đan quyện lấy nhau. Tôi tưởng mấy ông đang đốt cháy dần mái tóc của họ. Tôi ngơ ngác về nhận xét này.
    
    Tôi chưa một lần ghé lên Ban Mê nên không rõ quang cảnh ở đó ra sao. Nhưng với bố, đó là nơi bố thích nhất. Mỗi năm bố về phép một lần 15 ngày. Mẹ mừng lắm, chăm lo làm hết món này món khác đãi bố. Vậy mà bố ở nhà nhiều lắm vài ngày đã nhấp nhổm muốn đi. Mẹ năn nỉ, bố nán thêm được đúng một tuần là tếch. Mẹ rất giận, tôi hỏi gì, mẹ gắt um lên: mày hỏi ông ấy, chứ tao biết gì?
    Tôi hình dung không rõ tại sao bố về với gia đình chưa mấy ngày lại đùng đùng bỏ đi như thế. Có lúc tôi đã mơ hồ hay là bố lăng nhăng với ai đến quên cả vợ con. Tôi viết gửi bố một lá thư, trách bố thấu triệt theo ý mình nghĩ. Tôi lấy địa chỉ nhà con bạn, để lỡ điều tôi nghi hoặc là đúng thì mẹ sẽ không phải buồn giận.
    Thư bố trả lời làm tôi ngỡ ngàng. Bố mắng tôi như tát nước, bảo là tôi nghĩ vẩn vơ, không có bằng chứng gì thì đừng vội phán xét. Sau những lời cự nự, bố tiếp theo bằng một lời kể hết sức tình cảm: nhóc con, mày đã nghi oan cho bố rồi. Cả mẹ, cả nhà không bao giờ nghe theo bố lên ở đây nên chưa biết rõ phong cảnh của vùng cao nguyên thắm thiết ra sao. Mày phải có lần hiện diện ở đây đúng vào mùa hoa cà phê chín, họa may mày mới biết vẻ đẹp của miền đất đỏ là thế nào.
    Tôi tẽn tò khi biết mình nghĩ bậy. Tâm tư này tôi dấu chặt trong tim, không mảy may kể lại mẹ hay. Tháng 4-75, tôi chưa kịp một lần đi Ban Mê thì bố hớt hải chạy về với dáng hình xơ xác. Bố kể về những chặng đường bố đã vất vả vượt qua và bố thở dài sườn sượt khi than: mất Ban Mê yêu dấu rồi.
    Bố ngậm ngùi một đằng, tôi âu sầu một nẻo, hai cha con cứ rưng rưng cặp mắt và lặng lẽ lảng đi khi chợt đụng mặt nhau. Ấy rồi chỉ ít lâu sau bố lại lên đường đi học. Bố bảo trước cũng đi, sau cũng đi thì đi sớm cho rồi, còn về lo sắp đặt lại gia đình. Mẹ thì nẫu người ra như mẹt cơm nếp nát, ăn chẳng buồn ăn, làm chẳng buồn làm.
    Tôi liếng thoắng cố tạo cho mẹ một niềm tin, nhưng mẹ chỉ thở dài bảo: mày con nít, biết gì. Bố đi biền biệt, một tuần, một tháng, một năm và dằng dặc chẳng ai đoán được lúc nào về. Mẹ còm cõi xốc bầy con nheo nhóc, lại còn lúc nào cũng chằm chằm lo cho bố.
    Mùa đông năm bố xa nhà, miền Nam chợt rét dữ tợn. Tôi ngủ rồi mà thức dậy bất chợt vẫn thấy mẹ sụt sịt trong đêm. Tôi rón rén ngồi lên, mò lại gần bên mẹ. Người vẫn đều đều tụng kinh trước bàn Phật để cầu cho bố. Tôi âm thầm đợi mẹ tụng xong, mới rề lại nắm bàn tay gầy của mẹ xin người đi nghỉ.
    Mẹ đỡ khuôn mặt tôi trong hai bàn tay và nói khẽ vào tai: con đi ngủ đi, mẹ lo vì thấy trời rét quá. Mẹ e bố không chịu đựng nổi. Những giọt lệ long lanh ngập ngừng rồi trào ra từ khóe mắt mẹ không ngưng. Tôi cũng nấc lên, giúi giụi mặt vào tay mẹ. Cả hai cùng âm thầm khóc.
    Sự chờ đợi của mẹ được ghi dấu bằng những lần thăm nuôi bố không đều. Có khi mẹ đi thăm gần, có lúc lại đi mãi tận xa. Mỗi bận như thế, mẹ đều mệt mê mải và gầy rạc đi trông thấy. Tôi năn nỉ xin thay mẹ, nhưng mẹ gạt ngay. Mẹ bảo: tao già cả, chúng chẳng dở trò nham nhở được, còn mày… Mẹ bỏ lửng, nhưng tôi nổi gai nơi sống lưng.
    Tôi bỏ học, phụ với mẹ bằng cách ra chợ trời. Có thứ tôi mua bằng vốn, có thứ vượt quá khả năng, tôi chạy sang tay kiếm tí tiền còm. Mẹ giao cho tôi đám em, còn mẹ lo chạy vòng ngoài và thỉnh thoảng đi nuôi tù. Tôi phải luồn lách để khỏi bị dòm ngó bởi địa phương. Tôi không ngờ mới tí tuổi đầu mà đã nói dối trơn mồm trơn miệng như vậy.
    Gia đình tôi là đối tượng của khóm, phường. Tay công an khu vực luôn dò xét và thỉnh thoảng bất chợt ghé vào nhà. Anh ta nói huyên thuyên, nhưng tôi biết mục đích của anh là ngầm tìm hiểu xem gia đình tôi sống như thế nào. Ngoài miệng thì anh ta như chia cửa xẻ nhà cho mẹ con tôi, song lúc nào cũng khuyến khích chúng tôi đi kinh tế mới.
    Anh dụ dỗ là nếu mẹ tôi ký hiến nhà thì bố tôi sẽ được chóng về với gia đình. Tôi vờ vịt xin chờ bố tôi về thì mẹ con mới tính được. Áp lực càng lúc càng nặng nề khiến nhiều khi mẹ con tôi cảm thấy nghẹt thở. Đầu óc tôi luôn căng thẳng nhức buốt , tôi thương mẹ, thương các em và thương cả chính bản thân.
    Trong một lần thăm nuôi, mẹ trở về mặt dài như quốc lộ. Mẹ quẳng mớ đồ đạc mang theo và thở hắt ra từng cơn. Tôi như con giun bị đạp quẫy quàng mà không dám hỏi. Mẹ cứ thì thào nói một mình: tội tình gì lắm thế mà xuôi ngược chuyển mãi đi.
    Mười sáu tuổi, tôi lớn nhanh và ranh ma hơn vô kể. Những tay bộ đội đến hỏi mua hàng, tôi vờ lăng xăng đon đả, nhưng dơ máy chém thẳng tay. Những món tiền kiếm được, mẹ con hẩm hiu nuôi nhau chờ tin bố.
    Quãng hơn 6 năm thì bố về. Người bố nhẹ tênh, tưởng chỉ cần cơn gió là ngã. Mẹ rưng rưng nước mắt lo cho bố sớm hôm. Bố thảng thốt như người bị ếm, nhiều đêm chợt nghe bố hét inh tai. Cả nhà thức dậy nhìn thấy mồ hôi vã ra ướt hết áo. Mắt bố trợn trừng khiếp đảm làm sao. Bố bưng lấy hai tay, co mình sợ hãi.
    Bố lầu bầu kể về buổi đêm được cử ra nhận diện người bạn trốn tù. Anh ấy bị đạn nằm thoi thóp cất lời xin được cứu vớt. Nhưng những người bộ đội đã thí cho anh một viên ân huệ và hết. Bố tận mắt thấy cảnh thương tâm nên bị ám ảnh đến tận khi đã được tha về.
    Ngày phong phanh có tin cho người tù đi tị nạn, tôi nghe bạn chợ lao xao về kể bố mẹ hay. Bố cứ duỗi ra, bảo là họ gài bẫy để tóm người muốn trốn đi khỏi nước. Một tay mẹ với tôi âm thầm bàn bạc nhau lo lập giấy tờ. Đến khi bố được gọi đi nhận sổ thông hành, bố vẫn lừng khừng không chịu đi. Mẹ phải đi theo thì bố mới chịu.
    Sang giai đoạn vào phỏng vấn và nhận ngày lên đường, bố vẫn rủ rỉ rù rì muốn doãi ra. Mẹ trần thân lo hết. Tay khu vực đánh hơi rất giỏi, cứ xun xoe ngọt nhạt chờ bố hiến nhà. Mẹ định bán lấy số vốn mang theo, nhưng bố can gián đừng làm mất lòng, e họ ách lại.
    Mẹ cứ than vãn nỗi e sợ quá đáng của bố. Trái lại, bố bảo đến quốc gia cũng mất thì tiếc gì chút nhà. Khi bố ký giấy rồi thì tay khu vực rối rít cám ơn. Gia đình ra đi đường hoàng từ phi trường Tân Sơn Nhất. Chỉ đến khi máy bay cất lên khỏi mắt đất, đánh vòng sau cùng chào Saigon ở lại, bố mới thở phì ra trút sạch mọi âu lo.
    
    Sau lần đi theo bố và nghe biết được tâm tình của bố, tôi thấy mình quá ngô nghê. Tôi hiểu bố sâu hơn và cảm đậm được lòng bố. Tôi về kể lại với mẹ, bà vẫn có vẻ dỗi. Bà trách tôi ngây thơ ăn phải bả của bố. Tôi luôn tủm tỉm cười vì không biết phải ngả hẳn về ai, tôi chỉ mong được là chút gạch nối để bố mẹ vui với nhau vào quãng cuối cuộc đời.
    Những lúc chỉ ở riêng với bố, tôi thường xin bố kể lại cho nghe về mảnh đất cao nguyên mà bố hằng ấp ủ để rồi phải bỏ đi trong đau khổ. Ngược lại những khi chỉ còn hai mẹ con hủ hỉ với nhau, tôi lại kể với mẹ về những gì bố đã nói với tôi.
    Dần dà ít lâu sau hòa khí gia đình đã trở lại. Mẹ đã bớt đi những lời trì chiết với bố, trái lại thì bố cũng đã bớt đi những lúc đi lẻ một mình. Cuối tuần, tôi đã nghe bố rủ mẹ đi với bố ra tiệm cà phê, mẹ cứ duỗi ra, nhưng bố thuyết phục mãi mẹ cũng nhận lời.
    Tôi vờ tảng lờ nhưng trong bụng rất vui. Nhất là khi hai ông bà dắt tay về, trên mắt mẹ loáng thoáng có nét vui. Tôi chưa kịp hỏi thì mẹ đã bảo: tao không ngờ ở chỗ quán lại có một con đường trông thật giống một góc Ban Mê ở bên nhà.
    Tôi chẳng rõ đã có lần nào mẹ tìm lên Ban Mê thăm bố chưa, và đã có bao giờ mẹ được thấy tận mắt đất cao nguyên chưa, nhưng nghe mẹ nói tôi cũng hòa theo nhận xét của mẹ. Thế là cả nhà đều vui. Tôi nghĩ chẳng qua bố còn ôm ấp một thời của bố, cái thời mà giờ tìm ở đâu cũng không còn gặp nữa.
    Tôi vẫn luôn ôm trong đầu câu của bố nói với tôi: mùa này hoa cà phê bắt đầu nở. Tự dưng tôi cũng ngửi thấy mùi hoa xực nức đâu đây.
    

Kết Thúc (END)
Huân Long
» Rau Răm Ở Lại Chịu Lời Đắng Cay
» Rau Răm Ở Lại Chịu Lời Ðắng Cay
» Thằng Con Bất Hiếu
» Chuyện Tào Lao
» Hoa Sữa
» Tình Sầu
» Căn Nhà Sát Biển 2
» Bươm Bướm
» Nhan Sắc
» Chị Em Tôi
» Bạn Cũ
» Con Nước Rong
» Dẫu Cho Sỏi Ðá Cũng Còn Có Nhau …
» Khu Phố Nhỏ
» Châu Thổ
» Tôi Như Là Con Ốc Bơ Vơ Nằm Trên Cát Một Mình…
» Bước Gập Ghềnh
» Chuyện Một Người Viết Sách
» Một Thoáng Tư Lự
» Còn Một Giò .....
» Nhìn Về Con Đường Cũ Mênh Mong
» Lai Rai Ba Sợi - Buồn Tình Nản Ghê
» Bước Xuân
» Một Thời
» Căn Nhà Sát Biển