Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chị Yên Tác Giả: Nghiêm Lương Thành    
     Ngại thật, đứng ngần ngừ một lúc trước cửa phòng "Tổng hợp", nhưng rồi bí quá, cuối cùng tôi cũng đánh liều đẩy cửa bước vào. Hai tay xoa xoa vào nhau, bước đi rón rén, mặt mũi đáng thương, y trang ngoại mạo của một kẻ có việc xin xỏ, cầu cạnh.
     - Chị cho em một ít giấy in - Tôi nói trong hơi thở.
     - Cậu ăn giấy đấy à? Tuần trước tôi vừa xuất cho cậu một ram kia mà !
     - Thật mà chị, có việc cần gấp, em phải in ngay cho nó kịp.
    - A ! Cậu đem công việc ra dọa tôi đấy hả !... Cậu không định nói là Vụ trưởng hay Bộ trưởng đang giục đấy chứ?! Thôi, ra đi cho tôi làm. Việc mang ùn đống lên đây này.
    Biết có nói nữa cũng chẳng ăn thua, tôi lủi thủi bước ra. Quả thực, tuần trước tôi đã dùng giấy để in cho thằng em cái Luận văn tốt nghiệp. Cái bà này "cáo" thật, đố có ai lừa được ! Thế là tôi đành phải hậm hực chạy vội ra phố, đến cửa hàng văn phòng phẩm, tự giác bổ sung ngay để lấy cái làm.
    Đấy là chị Mai Yên của vụ kế hoạch chúng tôi, liên tục là gái tân trong ba mươi tám năm liền. Cái tên, xét về mặt mỹ thuật, hoàn toàn không có gì khớp với một khuôn mặt bình thường, chưa bao giờ dùng kem dưỡng da của chị. Nếu có cái gì tương xứng với khuôn mặt này, thì đó chính là cái mũi hơi bè và có kích thước trên trung bình một chút. Bộ phận "tổng hợp" chỉ có mình chị. Một lần phải khai lý lịch bổ sung, chị lúng túng hỏi mọi người nên điền như thế nào vào mục "Công việc đang làm" cho nó đúng. Cậu Thắng bảo: văn thư vụ. Cậu Quỳnh không đồng ý: Thế còn quản lý tài sản, lo tiếp tân, đoàn ra đoàn vào... thì sao? Thấy vậy, anh Cát, vụ trưởng bảo: Cứ ghi là tổng hợp. Thế là cái buồng có mỗi một mình chị ngồi với một lô lỉnh kỉnh những máy vi tính, máy phô tô, máy fax, điện thoại cùng những tủ những giá tài liệu lưu trữ và tả pí lù các thứ văn phòng phẩm được gọi là "Phòng tổng hợp". Phòng này chỉ ai có việc mới đến nên thường không được vượng khí cho lắm.
    Người ta ngại chị, bởi trong công việc ai chả có lúc sai nguyên tắc. Mà sai ở đâu thì không biết, nhưng với chị ấy thì nhận được một "bài học" là cái chắc. Mức độ chát chúa của bài học thì còn phụ thuộc vào thái độ thành khẩn của người đó. Mà đời này có mấy ai chịu mất mặt bao giờ, cho nên cái sự thành khẩn cũng là một thứ hiếm hoi lắm; đối với người ít coi trọng uy tín của bản thân, đã thuộc cái nết của chị, cái sự này cũng chỉ xảy ra thực sự khi chỉ có hai người với nhau. Mà cái chị này, phụ nữ gì mà thiếu tế nhị, thiếu tâm lý: chẳng bao giờ đếm xỉa gì đến cái sỹ diện vĩ mô của cánh đàn ông. Về nguyên tắc, đối với một người phụ nữ chưa hề ký tên vào giấy giá thú như chị, đấy là điều kỵ lắm, cũng hệt như ngày xưa, phải luôn tỉnh táo để tránh, không dùng những từ có khả năng gây ra sự phạm thượng đối với các bậc Quốc phụ. Ngay cả anh Cát, một lần trách chị tại sao tiếp khách nước ngoài lại cũng sơ sài như tiếp khách trong nước, thì nhận được ngay một câu "đích đáng": "Về mặt con người, nước ngoài hay nước trong là như nhau ! Tuy là dân kinh doanh, mấy người Nhật ở Phúc Yên còn biết nói câu Tôi yêu Việt Nam nữa là... ". Quá đúng, quá đã ! Nhưng sao chị lúc nào cũng cứng cỏi quá thể như thế? Không biết nể mặt vụ trưởng lấy một chút, mà có mất gì của nhà mình đâu?! Vì thế, người ta ít đùa với chị và đặc biệt, nếu hãn hữu chuyện ấy có xảy ra thì cũng chưa thấy ai dám cả gan đùa tay đôi với chị. Bọn trẻ gọi phòng tổng hợp của chị là "Trạm cao áp". Cánh đàn ông lớn tuổi hơn thì dí dủm truyền cho nhau và rất lấy làm tâm đắc cái câu đã được đẩy lên tầm "Bộ ngữ": "Thứ nhất Mai Yên, thứ nhì điện giật !".
    Nói cho đúng ra, làm gì có ai hoàn chỉnh, dù là chỉ xét trên một khía cạnh nào đó như cái thói thẳng thừng, không bao giờ quan tâm đến thái độ người nghe hay cái nết sòng phẳng, chính xác tăm tắp như một cái máy chẳng hạn. Ai cũng ước mơ mình sẽ trở thành một người hoàn chỉnh. Sao lại dại thế?! Bởi, nếu được vậy thì lúc đó chúng ta còn biết nói gì với nhau nữa đây? Bộ não sẽ có khả năng bị tê bại, cái lưỡi sẽ có khả năng bị thoái hoá; các văn sỹ, nhạc sỹ cùng tất cả các loại sỹ sẽ lâm vào tình trạng lúng túng, chẳng biết mình phải làm gì, bắt đầu từ đâu nữa ! Và, biết đâu, cái sự khập khễnh, cái sự không hoàn chỉnh ấy lại chẳng phải là ân tứ lớn nhất mà Trời ban cho loài người dại dột chúng ta đó sao?! Vì thế, ngay cả chị Yên cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng cái việc khập khễnh này của chị, oái oăm thay, sao không chọn ai mà lại chọn đúng anh Cát mà bộc lộ kia chứ.
    Tôi, một gã trai khoẻ mạnh, không giầu, cũng chẳng nghèo, giận ai thì hầm hầm hụi hụi ra mặt và, cho đến bây giờ, đang đạt danh hiệu ba mươi nhăm năm trai tân. Tôi không thích điểm này chỉ vì đã giống thì phải giống những kẻ hay ho, chứ ai lại đi giống cái bà chị này ! Là người đang vươn tới và cố gắng thể hiện một phong cách sống đàng hoàng, thế mà thỉnh thoảng tôi vẫn bị bà ấy rót nước lạnh lên đầu trước mặt toàn thể bàn dân thiên hạ: "Hút thuốc in ít thôi. Tôi mà còn bắt gặp hút trong phòng thì cứ liệu. Ai lại phòng làm việc mà mở cửa vào là cứ thấy hôi mù cả lên !". Còn anh Cát, tuổi đã ngoài năm mươi, là "típ" người thật thà, hiền hậu, hay giúp người. Vì cái tội thật thà, nên tiếng là vụ trưởng một vụ quan trọng trong Bộ - khối kẻ mới trông thấy từ xa mà cái lưng đã tự tiện còng xuống từ lúc nào không rõ - mà cuộc sống gia đình cũng vẫn eo hẹp lắm. Cũng chỉ vì có mỗi thế mà người vợ đã bỏ ba bố con anh để đi tìm một miền đất mới; Không như ngày xưa, phụ nữ bây giờ người ta động lắm ! Xoá bỏ bao cấp, cuộc sống nói chung của người dân đã khá hơn, nhưng anh vẫn ăn bữa trưa trong cái cặp lồng ọp ẹp còn rơi rớt lại từ cái thời vừa bị xoá bỏ ấy. Mọi người góp ý thì anh cười cười, chống chế: "Tiền học các thứ của bọn trẻ bây giờ cao lắm. Giá cả thì cứ lên... như thế. Với lại, tôi quen thế này từ lâu rồi !". Động lòng trắc ẩn, thỉnh thoảng cái nhà chị Yên, khô như một thứ "nghị định", mua cho anh lạng giò hay tý thịt quay hoặc nấu thứ gì đó từ nhà, đem đến đặt cạnh chiếc cặp lồng để anh ăn thêm. Một lần, anh không nhận, liền bị một cú "cao áp" làm co dúm người lại: "Sao lại thế, anh nghĩ tôi làm thế này để nịnh anh chắc?! Không chịu ăn, ốm ra đấy, làm khổ con khổ cái; anh cho thế là hay à !". Trước đấy, một lần tình cờ, cậu Thắng trông thấy cái sự ấy liền kể cho mọi người cùng phòng và, để kết luận, cậu gật gù: "Giá mà... thì ra bà chị cũng biết cách ứng xử với sếp lắm !". Mọi người cũng gật gù, nhếch môi, thả ra những cái cười đồng cảm chí thiết. Người ta gật gù, người ta mỉm cười bí hiểm, như thể chỉ có cách thể hiện ấy mới có thể tách bạch rõ ràng mình với cái típ người xấu xa kia và nếu có thể diễn đạt thành lời thì chắc hẳn sẽ là: Chà ! Thế mà cứ tưởng... Tôi ý à... nhất là bét ! Không bao giờ đâu nhé ! Còn cậu Quỳnh, lẳng lặng đứng dậy, dùng khoeo chân khẽ ẩy chiếc ghế ra phía sau và tiến lại gần Thắng, đặt một tay lên vai người đồng sự rồi quay lại phía mọi người, thủng thẳng: Tôi là người có đạo. Trong Kinh Thánh có một chuyện, nhân đây xin kể giúp vui, đại để thế này: Khi Jesus từ núi Ôlive trở về đền thờ, một đám người Pharisi dẫn một người đàn bà tới trước mặt người và nói: "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang về tội ngoại tình. Vả, trong luật pháp Môidơ đã truyền cho chúng ta hãy ném đá người dường ấy. Còn ý Thầy thế nào?". Jesus không đáp mà cúi xuống, lấy ngón tay viết lên mặt đất. Vì họ cứ hỏi mãi nên Ngài đứng thẳng dậy mà bảo họ rằng: "Ai trong các ngươi là vô tội, hãy ném đá vào nàng trước đi !". Rồi Ngài lại cúi xuống, viết lên đất. Chúng nghe vậy đều đi ra từng người một, từ già đến trẻ. Còn Jesus ở lại một mình với người đàn bà vẫn đứng giữa đó và phán cùng nàng rằng: "Người đàn bà kia ơi, chúng đâu rồi? Không ai định tội ngươi sao?". Nàng đáp rằng: "Thưa chúa, không ai hết". Jesus mới phán rằng: "Ta cũng không định tội ngươi; Hãy đi và từ rày đừng phạm tội nữa!" [1]. Nghe xong câu chuyện, tôi cảm thấy mặt mình gợn sạn. Chà, cái cậu này !...
    Thời bây giờ, khác trước nhiều lắm. Người ta quan tâm nhiều đến chữ tâm, cái chữ mà mới đây thôi, trong khoảng ba bốn chục năm vừa rồi, ít người nhắc tới. Có người lý giải rằng cái đó, lúc bấy giờ thì có mà đầy rẫy, đâu đâu chả có, quá bình thường nên chẳng ai nói tới làm gì. Nghe vậy thì biết vậy, hơi đâu mà tranh luận, mà cãi nhau; chứ nói thế, chẳng hoá ra ngày nay chúng ta sống thiếu tâm chắc? Bố bậy ! Thì đấy, cứ quan sát thì biết: Thời buổi này người ta sống có tình có nghĩa lắm, mọi người đều quan tâm đến nhau nhiều hơn. Hễ người quen chẳng may bị ốm đau, không ai biết mà lại không đến cùng với những lời hỏi thăm ân cần. Hễ nhà nào có việc hiếu, không hẹn mà ai cũng có mặt để tỏ tình chia xẻ, cảm thông sâu sắc, hào phóng thủ thỉ hoặc đọc vang những điều cao cả ngợi ca kẻ xấu số. Cảnh tượng bi ai khiến ngay cả hiếu chủ cũng phải động lòng ghen tỵ và làm cho những quả tim sắt đá nhất cũng phải rưng rưng, run rẩy. Những người trong nhà có việc hỷ như cưới gả, tân gia, đỗ đạt, thọ mai... cũng vậy, họ rộng lòng, hào hiệp mời tất cả, kể cả những người chỉ quen biết sơ sơ. Chưa bao giờ mối giao cảm cộng đồng lại đạt đến độ đại đồng cao đến thế. Tất nhiên, tuy là thiểu số, nhưng những người chưa tốt thời nào mà chẳng có. Vì vậy, kỹ thuật "Bà con ơi, tôi là người sống có tâm lắm !" cũng được đẩy lên một tầm cao mới, quyết không thể xem thường !
    Khi người ta đã vào cái tuổi "đầu năm", về mặt sức khoẻ, thậm chí cả tuổi thọ, không thể nói mạnh được như hồi còn ở "đầu ba". Cứ xem như anh Cát thì rõ, khỏi phải "ný nuận" dài dòng. Vừa mới ký thông báo kế hoạch điều chỉnh vốn xây dựng cơ bản giữa năm còn chưa ráo mực, thế mà, nhoằng một cái, đã phải đi cấp cứu, hôn mê đã mấy ngày rồi. Thì ra anh mắc chứng tiểu đường đã từ lâu, nhưng ngại phiền đến mọi người, nên giấu biệt, không ai biết. Cả bộ xôn sao, điểm nóng nhất là vụ tôi. Người ta hò nhau đi thăm. Những cái phong bì, những túi quà đắt tiền bay vèo vèo, tới tấp vào bệnh viện, đến tận tay thằng con trai cả đang học lớp 12 của anh. Người thì oang oang bằng những thông tin mới cập nhật về "chiến hữu" của mình; kẻ thì nhỏ nhẹ thông báo những biến chuyển về bệnh trạng của anh cho nhau mỗi khi ở viện về. Cảnh tượng thật cảm động !
    Công đoàn cũng vào việc: khẩn trương viết giấy thông báo tình hình sức khoẻ của người ốm dán trên bảng tin và bố trí cắt đặt người, thay nhau trực bên anh trong bệnh viện. Thậm chí, có người còn tìm gặp trực tiếp thư ký công đoàn bộ phận, bức xúc cật vấn: "Tại sao không có tên tôi trong danh sách trực ở bệnh viện?!". Thế mới biết làm người sướng thật ! Về điểm này, tôi đã gặp may hơn cả đức "Thiên bồng nguyên suý". Tôi thầm cảm ơn Trời vì Người đã cho tôi được đầu thai vào giống người.
    Mọi người trong vụ kháo nhau: "Biết ngay mà, từ hôm ấy đến giờ, bà ấy mới bén mảng vào viện được đúng một lần. Tệ quá !". "Thói đời xưa nay vẫn thế, các ông các bà còn lạ gì !". Họ đang nói về chị Yên. Hình như là thế. Lòng buồn bực, bức bối, tôi xộc thẳng vào phòng tổng hợp. Thấy chị đang loay hoay bên đống tài liệu, tôi tiến lại.
    - Chị bận lắm sao?! - Tôi hỏi hơi xẵng và cảm thấy máu cà khịa đang lăn tăn sôi trong huyết quản.
    - Chết tiệt ! Tài liệu hội thảo lần này nhiều thấy mồ ! - Chị trả lời cắm cảu, tay vẫn không ngừng thoăn thoắt phân trang cho các tập tài liệu. Mấy sợi tóc xoã xuống, bết bệt vào cái trán hơi dô, mồ hôi đang rịn ra lấm tấm - Tình hình anh Cát thế nào rồi?
    - Vẫn thế... mà sao chị không vào ngó ngàng anh ấy lấy một chút? - Tôi nói, mặt nhăn nhó khó chịu.
    - Có người trực rồi, vào thì giúp gì được? - Chị thản nhiên, đi lại phía bàn, cầm lên một tập phong bì, đưa cho tôi - Chú chuyển đi ngay cho tôi những cái giấy mời này. Chạy quàng lên !
    Vậy là, đối với chị, vẫn có cái gì đấy như là kỵ vía, kỵ dơ, máu cà khịa của tôi chỉ dừng ở mức lăn tăn chứ không sao sôi bùng lên được. Tôi ấm ức cầm tập giấy mời đi ra, chứ tuyệt nhiên không dám "xuống lưỡi", cho chị vài chiêu cho bõ tức, cho hả cái bức xúc cao quý đang đầy ứ trong người.
    Bốn ngày trôi qua, anh Cát đã tỉnh lại và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi chậm chạp. Người ta lại kéo đến viện: lại phong bì, lại quà; rồi chúc mừng, rồi cười, rồi nói, rồi tranh nhau bày tỏ cái tâm trạng lo lắng của mình trong mấy ngày vừa qua... Thậm chí có người cao hứng còn báo cáo cả công việc. Đấy là cố tật đáng yêu và vô hại của những công chức mà sự mẫn cán đã được định hướng một cách kỹ lưỡng.
    Thế rồi cái gì đến vẫn phải đến. Nửa tháng sau, bệnh viện chính thức thông báo cho gia đình và cơ quan: "Bệnh của ông Cát đã vào giai đoạn cuối, cuộc sống của ông chỉ còn tính theo tháng...". Từ hôm đó, anh Cát có nhiều thời gian tĩnh dưỡng hơn bởi ít phải tiếp khách đến thăm hơn.
    Sự kiện ấy khiến mọi người trong cơ quan nghĩ ngợi nhiều hơn. Người ta tiến hành các cuộc chiêm nghiệm nhanh, người ta mau chóng rút ra các bài học, rồi ân cần rót vào tai nhau những kết luận kiêm lời khuyên: "Cuộc đời thực ra cũng ngắn lắm, cố mà sống cho nó vui vẻ !"; "Đấu đá, vật vã, tranh cướp làm cái gì, cuộc đời rốt cuộc có khác gì một giấc mơ !". "Vua Ngô, rốt cuộc, lại ngồi chén anh chén chú với Chúa Chổm ở dưới âm phủ !". "Ai mà nói trước được điều gì? Có gì vui vẻ thì ới nhau một cái nhá !"; "Giá trị của một con người, nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng vẫn là cái tâm !"...
    Rồi sau đó, những câu chuyện bàn tán về tình trạng của anh dường như cũng lắng xuống. Trên bảng tin của cơ quan không thấy dán bảng phân công trực viện nữa. Không còn thấy cái cảnh mọi người ầm ĩ hò nhau vào viện như trước.
    - Vào xem ông Cát thế nào đi ! - Cậu Quỳnh rủ cậu Thắng - chắc ông ấy buồn lắm.
    - Tiếc quá, tôi còn phải làm cho xong cái công văn phúc đáp cho Quảng Bình. Thôi, ông cứ đi đi. Lần sau nhé.
    -...
     Có chăng, thỉnh thoảng, chỉ thấy vài ba người lặng lẽ đi lẻ. Mấy người đó vẫn hỏi nhau những tin tức về anh nhưng chỉ nói nhỏ, gần như thì thầm. Cái bà Yên trái tính trái nết cũng nằm trong số ít người đó.
    - Tình hình ông ấy thế nào rồi? - anh Thu, người đang rình đủ 55 tuổi để về hưu sớm, thì thầm với chị Yên.
    - Cũng khá hơn rồi - Chị Yên trả lời - Bệnh viện nói sẽ theo dõi tiếp vài ba hôm nữa, nếu không có gì đặc biệt sẽ cho về điều trị ngoại trú ở nhà.
    - Lần sau, nếu đi, chị gọi tôi với nhé !
    -...
    Do tình hình anh Cát không thể tiếp tục làm việc được nữa nên cần phải kịp thời có một vụ trưởng mới để tiếp tục điều hành công việc trong vụ. Một trong các ông vụ phó lên thay là cái chắc. Vậy thì sẽ khuyết một chân vụ phó ! Không khí trong vụ như lắng xuống. Những người rỗi việc bắt đầu kín đáo đoán già đoán non, đưa ra các giả định này kia kia nọ. Số còn lại, nghiêm túc hơn, thì trở nên ít nói, mà có nói thì cũng dè dặt lắm, mà cũng chỉ là công việc. Người ta kín đáo quan sát nhau, nghiên cứu nhau, thậm chí để ý đến cả những hành vi sinh hoạt bình thường nhất như ông Đ đã đến quỹ tiết kiệm và lúc ra, tay xách một chiếc túi căng phồng những gì là gì. Hình như một lời chào ngoài hành lang, một cử chỉ ân cần, một cái nhìn trìu mến, một cuộc thăm viếng hồn nhiên nào đó của bất cứ ai cũng đều trở nên rất nghiêm trọng và đáng ngờ lắm. Thế thì sống làm chó gì cho nó mệt - tôi bức bối, cáu kỉnh thầm nghĩ - hàng mấy tuần nay, tịnh chưa được nghe lấy một câu chuyện tiếu lâm nào, buồn héo cả người ! Mà ngay cả cái bà chị còn "trên cả điện giật" kia nữa; Sao lại cũng không giống như trước nữa? Sao độ này đôi mắt cứ quầng trũng xuống thế kia, lại chẳng thèm uốn nắn ai nữa? Sao lại rất hay đi muộn về sớm và lúc nào cũng cứ tất tất tưởi tưởi như bị quỷ xua, ma ám vậy?
    Người ta vẫn bảo phàm bất cứ việc gì của cơ quan, khi đến giờ tan sở hãy cố gắng để nó lại phía bên trong cửa phòng làm việc, chớ có đem về nhà mà làm hỏng hết không khí gia đình. Nói thì dễ, thực thì đâu có vậy ! Tôi thấy buồn, buồn quá, bỏ cơm chiều ở nhà, lên một chiếc xe buýt, rủ mấy đứa bạn đi uống rượu.
    Một giờ sáng. Tôi là người cuối cùng ra khỏi quán rượu, sau khi nghe lời nhắc nhở lịch sự của một nhân viên nhà hàng xinh đẹp. Tôi lững thững bước dọc theo vỉa hè một con phố mới mở. Những đợt gió về đêm mang theo cái lạnh của phương bắc, cuốn theo những lớp bụi mỏng cùng mùi vôi, mùi sơn mới phả vào mặt, xộc vào mũi, hăng đến chảy cả nước mũi. Rẽ thêm hai ngã tư nữa, qua nhà anh Cát. Theo thói quen, tôi ngẩng đầu lên: Cửa sổ vẫn còn sáng đèn. Thế là, chẳng nghĩ ngợi gì, tôi rẽ vào như một cái máy. Thì ra đó là ánh đèn hắt ra từ bàn học của cậu con trai anh.
    - Ô, chú ! - Thằng bé tròn mắt, ngạc nhiên chào tôi.
    - Vẫn còn học à? Bố cháu thế nào rồi?
    - Cũng vẫn thế chú ạ - Nó rầu rầu trả lời
    - Chú vào buồng bố cháu một lát có được không?
    Thằng bé ngước nhìn tôi, có vẻ lưỡng lự.
    - Nếu bố cháu đang ngủ, chú chỉ nhìn thôi !
    Rồi, chẳng đợi ý kiến của cậu bé, tôi tiến thẳng vào căn buồng nơi anh nằm.
    Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn ngủ, tôi nhận ra anh đang nằm yên, hai mắt nhắm nghiền, má và hai hốc mắt lõm xuống khiến khuôn mặt, trước đây vốn đầy đặn là thế, trở nên hốc hác và xám ngắt đến não lòng. Chẳng hiểu anh có ngủ được không. Mà thật lạ, trời đang lạnh thế mà sao lại chỉ đắp cho anh có cái vỏ chăn. Cũng may, tôi thấy phía dưới gầm giường có một lò than đang hồng. Cùng lúc ấy, tôi nhận ra ở góc buồng bên trái, sát cửa ra vào còn có một cái giường một nữa... một người phụ nữ đang nằm, dáng vẻ mệt mỏi, chẳng có chăn chiếu gì cả, hình như cũng vừa thiếp đi. Nhìn kỹ: Chị Yên ! Tôi vội đưa tay lên bịt miệng mình. Thằng bé thấy vậy liền kéo tôi ra ngoài, khẽ khàng kéo cánh cửa buồng lại, thì thào:
    - Cô Yên đấy chú ạ !
    - Đêm nào cũng vậy à?
    - Vâng, từ hôm bệnh viện trả bố cháu về. Cháu bảo thế nào, cô ấy cũng không nghe. Cô ấy không cho anh em cháu làm cái gì cả. Đụng vào việc gì cũng bị cô ấy mắng; Cô ấy bảo hai đứa phải tập trung vào học, cháu phải thi bằng được vào đại học, còn em cháu phải thi đỗ vào một trường cấp ba tốt.
    - Vậy thì cô ấy đúng rồi ! Thế nhưng tại sao không đắp cho bố cháu cái chăn dày dày một chút... mà cả cô Yên nữa, ai bắt mà phải ngủ không chăn như thế?!
    - Bố cháu bây giờ yếu lắm rồi, đi tiểu cũng thường không tự chủ được nữa, chăn bị ướt hết, không kịp khô. Cô Yên đốt cái lò than để ở dưới gầm giường bố cháu ấy, cũng đủ ấm chú ạ.
    - Nhưng còn cô Yên...?
    - Cô ấy cố tình không đắp chăn đấy !
    - Sao lại thế?
    - Cô ấy không nói, nhưng cháu biết đấy: Lò than ấy là cũng tạm đủ ấm cho hai người. Cô ấy cố tình không đắp chăn là để khi nào than đã kém ấm, lạnh người thì không ngủ được và lúc ấy sẽ biết mà dậy tiếp thêm than vào cho bố cháu khỏi lạnh.
    Tôi ngẩn người.
    Thì ra, có những việc chúng ta bỏ nhiều công ra nghĩ, hí hửng tưởng là hay ho, to tát, nhưng thực ra chỉ giải quyết được khâu óng ánh; Thứ óng ánh tồn tại ký sinh vào một nguồn sáng bên ngoài, nhiều khi cũng vui mắt, nhưng... cũng chỉ thế thôi. Chị Yên của tôi vốn là người thô vụng, ý thành, nghĩ bằng quả tim, nên mới có được cái sáng kiến bất hủ ấy.
    
    
    Chú thích:
    
    [1] Kinh Thánh.Tân ước. Giăng. Người đàn bà ngoại tình.
    

Kết Thúc (END)
Nghiêm Lương Thành
» U60
» Cái Mồm
» Anh Thường
» Cái Mặt Không Xài Được
» Độn
» Hoài Của
» Về Quê
» Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao??
» Được Và Mất
» Có Gì Để Mở Rộng Tầm Mắt
» Hơi Bị Đểu!
» Khen Chê
» Tôi Với Ông Có Họ Mà!
» Con Lạy Bố !
» Đèn Đỏ
» Mùa Xuân
» Xuân Tàn Hoa Nở
» Khóc Và Cười
» Mây Bay Trên Đầu Và Nắng Trên Vai
» Chợ Búa
» Hút Thuốc Lá
» Thằng Bờm
» Cảm Ơn Đồng Chí
» Ông Cò Loan
» Nói Tục