Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Đàn Bà Đợi Ở Bến Xe Tác Giả: Nguyễn Quang Thân    
    Sau khi li dị, Toản quyết định không lấy vợ nữa. Anh không thổ lộ ý tưởng ấy với ai, gom tiền mua một căn hộ trong khu chung cư "hác lem". Sắm sửa các thứ tối thiểu trong nhà xong, anh thành tay trắng. Nhưng Toản tự thấy được an ủi là từ nay trong nhà anh không có đàn bà. Ðàn bà, với anh là chị vợ cũ, người anh đã yêu khi chưa biết thế nào là tình yêu. Ðã cưới khi chưa biết thế nào là hôn nhân. Ðầu tiên anh mất ăn mất ngủ vì nụ cười lộ hai hàm răng trắng và đều, khi chị cho anh hôn, anh nhớ mãi vị ngọt của nụ hôn đầu tiên trong đời, khi anh cùng chị đi chơi ngoại thành mắc mưa, phải đứng với nhau ba tiếng đồng hồ trong một cái điếm canh đê, anh bàng hoàng chạm phải da thịt cùng làn sóng lạ lẫm đang dâng lên khắp nơi trên thân thể chị. Và sau đêm đó ở cái điếm canh đê chị đòi anh cưới. Chị nói không thể sống mà không có anh. Còn anh, anh thèm thuồng nhớ lại chuyện xẩy ra trong điếm canh đê, anh muốn làm như thế một lần nữa, lần nữa. Và anh cưới chị, hai người ở trong căn hộ cơ quan phân phối cho anh khi còn độc thân, những ngày đầu tiên tuyệt vời, anh đi làm về đã thấy một mâm cơm trên bàn còn trên tấm trải giường màu hoa lựu là chị nằm đọc cái gì đó, khi mặc một bộ váy ngủ, khi không mặc gì cả để đón anh và anh bỏ mặc mâm cơm, đổ xuống chị như một cây chuối bị đốn bởi niềm đam mê. Giờ thì anh không còn nhớ gì đến những chuyện đó nữa, nụ hôn, cái điếm canh đê trong cơn mưa, bộ váy ngủ và những làn sóng dâng lên nhấn chìm anh trong phút chốc. Anh chỉ còn nhớ một người đàn bà. Anh nhớ chị lục tìm trong áo khoác anh cái ví, chị rút tệp giấy bạc kỳ lương còm của anh ra, chị thấp nước bọt lên ngón tay, đếm từng tờ rồi bĩu môi nhìn anh đang ngồi bó gối trên chiếc ghế dựa cũ xin của cơ quan, anh co rúm lại trong sự bất lực về mình, về cái nghề bạc bẽo và công việc bèo bọt của anh ở cơ quan nơi có người kiếm tháng năm bảy trăm đô còn những loại như anh chỉ lĩnh năm bảy trăm ngàn tiền Việt. Anh nhớ những lần chị vùng dậy ngồi lên vặn người rồi ra nhà tắm trút bỏ một cách kiên quyết những gì anh đã cho chị như thải một thứ ô nhiễm độc hại nhất, chị nói chị sẽ không bao giờ có con với một thằng "giẻ cùi" và hối là đã nhẹ dạ. Anh nhớ nét mặt lạnh và tỉnh bơ khi chị bắt đầu giai đoạn ra phố sau bữa cơm tối, về rất muộn, vốn "sĩ" và nhu nhược, anh không hỏi chị đi đâu cho đến một đêm chị không về, cho đến một ngày, sau khi anh đi công tác vào Sông Bé bảy tháng, khi anh về, chị trâng tráo nói với anh là chị đã có thai được ba tháng rồi. "Bây giờ anh muốn làm gì thì làm, tuỳ anh" Anh nhớ câu nói ấy và chỉ nhớ câu nói ấy với nét mặt trâng tráo thách thức sáng ngời khoái cảm của người ăn vụng.
    Anh mừng là căn hộ mới của anh không có đàn bà.
    Như mọi buổi chiều, anh ra bến xe buýt cách cơ quan không xa để chờ xe về nhà. Chiếc Honda 81 anh đã phải "đi ở" để trả nốt số nợ mua căn hộ vào năm ngoái. Anh đã quen không đi xe máy mà đi xe buýt, chìều nào anh cũng đi chuyến xe cuối cùng chưa bao giờ bị nhỡ. Anh nghiệm ra nhu cầu của con người có chất cao-su, giả định không còn xe buýt mà phải đi bộ thì anh cũng sẽ đi bộ một cách vui vẻ như khi chuyển từ xe máy sang xe buýt. Anh ngồi lên chiếc ghế của trạm đợi xe dọc đường trong đầu nhâm nhi cái ý nghĩ A.Q rằng mình "dùng" xe buýt nhà nước còn sướng gấp vạn mấy thằng đi xe máy đội mũ sắt mồm bịt khẩu trang như lính cứu hoả đang vật lộn với bụi đường và đồng loại. Cho nên anh quên không nhìn thấy một người đàn bà ôm đứa con nhỏ đang co ro ngồi tít một đầu ghế. Trời rất lạnh, có mưa nhỏ rơi tí tách lâm thâm trên mặt đường. Khi nhìn ra chỉ có mình và người đàn bà ôm con nhỏ chờ chuyến xe vét qua trạm này, anh luống cuống như chính anh vừa hẹn chị ta ra đây với anh chứ không phải tình cờ. Anh đỏ mặt vì lạnh, vì bối rối. Sau ngày ly hôn anh không đi với người đàn bà nào ngoài phố. Trong các cuộc họp cơ quan, anh đứng dậy đi chỗ khác ngay nếu có một cô mắt xanh mỏ đỏ hay cả bà tạp vụ xồ xề ngẫu nhiên ngồi xuống cạnh mình. Anh chưa hề nói với ai là anh không ưa gần phụ nữ. Chỉ anh biết là, mỗi lần nói chuyện với họ, ngồi bên họ là anh lại thấy lại, nhớ lại chị và câu nói tỉnh bơ đầy vẻ hân hoan.
    Ðường phố đã lên đèn. Dãy đèn cao áp vàng khè trong mưa. Người đàn bà bế con ngồi xích lại gần anh, nhìn anh khẩn khoản:
    - Nhờ ông bế hộ cháu một tẹo, tôi đang lo là không còn chuyến xe nào nữa.
    - Chị đi đâu? - anh hỏi - nếu xe đến thì sao?
    - Tôi đi một chút thôi. Nếu xe đến thì ông đặt cháu xuống ghế giúp tôi.
    Anh không nỡ chối từ. Vốn ít tò mò,anh cũng không hỏi chị đi đâu. Anh nhận đứa bé từ tay chị. Thằng bé khoảng chẵn năm, má đỏ hồng, ngủ say sưa trong mớ quần áo ấm không sang trọng gì lắm nhưng cũng không thể nói là tồi. Mùi sữa, mùi hơi thở trẻ con phả vào anh làm anh bừng tỉnh.
    - Nhờ ông trông hộ cái túi.
    Chị nói rồi chạy vào trong mưa. Anh nhìn theo, thấy chị đến chỗ bức tường bao một cái sân chơi. Chị ta ngồi xuống, mất dạng trong bóng tối của bức tường đổ xuống một vệt dài và anh hiểu chị gửi con cho anh để làm gì. Anh xấu hổ, tự trách mình sao lại nhìn theo chị. Vừa lúc đó chiếc xe buýt quen thuộc mang số 56 trờ tới. Thấy chỉ có mình anh ôm đứa bé ngồi trên ghế đợi, anh phụ xe lao đầu ra: Chờ xe thì lên! Anh không trả lời. Trên tay anh đang có thằng bé và cạnh anh là cái túi của người đàn bà. Làm sao anh có thể để lại hai thứ đó trên chiếc ghế. Chiếc xe buýt không dừng, tăng ga rời trạm chờ. Anh nhìn theo, dửng dưng. Ði bộ về nhà mất khoảng nửa giờ nhưng trời lạnh thì cũng chẳng ngại. Anh ôm chặt thằng bé vào lòng vì thấy nó cựa quậy trong vòng tay. Anh ngồi như thế một lúc. Anh không lo lắng gì về phần mình mà chỉ lo cho người đàn bà. Liệu chị ta có tiền để gọi một chiếc xe ôm hay không?
    - Em thật tệ, làm ông nhỡ chuyến xe - người đàn bà quay lại, bế thằng bé về, nói.
    - Không sao, anh nói, nhà tôi cũng gần, đi bộ cho ấm người cũng hay. Chị về đâu?
    - Dạ, em về bến xe Hà Ðông. Em tính đêm nay ngủ ở nhà đợi để sáng mai đón xe về Vân Ðình sớm.
    - Ðể tôi gọi cho chị một chiếc xe ôm nhé?
    Người đàn bà nhìn anh hốt hoảng. Anh hiểu ngay là chị ta không có tiền. Ðáng lẽ anh phải hiểu ra điều đó ngay vì nếu đủ tiền thì chắc chị va không ôm con mà chờ chuyến xe vét cầu âu như thế.
    - Dạ thôi - chị va nói - em hãi đi xe máy lắm. Mẹ con em ngủ lại trạm chờ này cũng được. Sáng mai lại được đi chuyến đầu tiên.
    Lại A.Q rồi. anh nghĩ bụng, làm sao chị va với thằng bé có thể ngủ ở cái trạm xe buýt do một công ty nước ngoài dựng lên để quảng cáo. Chiếc ghế băng granitô, trên là một cái mái che hình cánh chim kiểu cách nhưng không che được cả mưa lẫn nắng. Và tất nhiên không có gì ngăn lũ du đãng thường dùng nơi này để qua đêm và tiêm chích. Tai sao mình lại không thể đón chị ta về nhà? Anh ngỏ lời và đưa tay đón thằng bé. Nhưng thật bất ngờ, người đàn bà từ chối quyết liệt. Chị ta nhất định không đi theo anh mà cứ khăng khăng bảo mình sẽ ngủ ở đây, làm như cái ghế đợi là thiên đường của chị va không bằng. Anh ủ rủ rời trạm đợi xe, đi bộ về nhà.
    Nhưng anh không ngủ được. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Anh tưởng tượng đủ mọi tình huống xẩy ra với người đàn bà trên chiếc ghế đợi vắng vẻ trong đêm và trong mưa. Anh lục lọi lấy ra mấy cái áo mưa rẻ tiền cũ và mới. Vào lúc nửa đêm, anh đi bộ về trạm đợi xe. Người mẹ đang nằm co lại như con tôm trên chiếc ghế, hai tay ôm chặt thằng bé vào lòng như sợ nó rơi mất. Chắc chị va không ngủ vì khi anh vừa bước từ đường nhựa bây giờ đã vắng ngắt lên trạm đợi, chị ngồi dậy ngay.
    - Ông, thế mà em tưởng...
    Nếu mình đúng là thứ người chị ta tưởng thì chị ta cũng làm gì được trong đoạn phố vắng teo và mưa rả rích thế này. Anh nghĩ bụng và ngồi xuống cạnh chị.
    - Tôi không thể để chị ngủ đây - anh nói với giọng kiên quyết - Chị phải về nhà tôi, sáng mai hẵng ra đón xe.
    Anh nói như anh là một đội viên dân phòng có trách nhiệm bảo vệ người vô gia cư ngoài đường phố, như anh đã giao kèo với Thượng Ðế phải bảo đảm an toàn cho hai linh hồn phiêu bạt.
    Người đàn bà không từ chối nữa. Chị đưa con cho anh và đi bên cạnh, giương chiếc áo mưa rách lên che những giọt mưa chếch rơi lên đôi má lộ ra giữa tấm khăn choàng như hai quả trứng gà.
    Thế là trong căn hộ của anh lại có đàn bà. Không những thế, còn cả một đứa bé. Ðiều đầu tiên anh phát hiện được khi người đàn bà và đứa con bước vào căn hộ anh ở, dưới ánh đèn nê-ông là anh thấy chị ta đẹp. Một khuôn mặt nhẹ nhõm, đúng là hình trái xoan và phía bên trong, theo cảm nhận của anh là vẻ dịu dàng của người quen phục tùng và cam chịu. Anh tưởng thế. Ðiều thứ hai anh phát hiện ra là cả hai mẹ con đều đói. Khi thấy chị quay người ý tứ mở cúc áo ngực cho con bú, anh không nhìn nhưng biết chị ta đang cố vắt nặn bầu vú còn thằng bé thì khóc thét lên, rồi chị nhăn nhó đau khổ vì bất lực, hai bàn tay run như giẽ, anh biết là sữa không chảy ra. Người mẹ đang đói. Anh lấy ấm điện đun nước sôi rồi dốc cạn hộp sữa ăn dở của mình. Lúc đầu chị bảo không quen uống sữa, chị không đói. Nhưng khi anh nói chỉ cần uống một cốc thôi là sữa sẽ chảy ngay ( anh nói vong mạng theo lối suy nghĩ đơn giản chưa hề được kinh nghiệm chứng minh) thì người đàn bà vồ chiếc cốc trong tay anh, nhìn anh với đôi mắt biết ơn, cảm động và chị uống cạn cốc sữa một cách ngon lành.
    - Có thật sữa sẽ ra không ông?
    - Ðúng thế - anh nói - chị uống thêm một cốc nữa thì nó sẽ ra nhiều hơn.
    Anh nài chị uống một cốc nữa. Quả nhiên sữa chảy ra và thằng bé bú no nê, lại ngủ trong tay chị.
    - Bây giờ chị đặt nó xuống giừơng tôi để nghỉ tay một lúc. Tôi đi nấu hai bát mì ăn liền, chắc chị đói mà tôi cũng thế.
    Người đàn bà không nói gì. Chị không khách sáo nữa. Chị đói thật. Nhưng một cái gì lớn lao hơn cái đói đang chiếm lĩnh tâm tư chị.
    Họ ngồi ăn mì bên cái bàn viết của anh. Anh cứ ca mãi cái điệp khúc, rõ ràng là anh vẫn có thói quen vạch lá tìm sâu để trách móc một cách hào hứng những khiếm khuyết của đàn bà:
    - Chị sợ cái gì mà nhất định không vào đây? Chị sợ tôi hơn những thằng lưu manh đi ăn đêm ngoài phố hẳn? Chị thấy chưa, nếu chị cứ khăng khăng ngủ ngoài đó thì khéo thằng bé chết đói.
    Chị nhìn anh một cách ý nhị và sau khi ăn, trông chị dễ nhìn và hấp dẫn hơn lúc nãy. Anh còn nhận ra chị là người có học trong cái nhìn ấy. Nhìn chị anh có cảm giác như lần đầu tiên mình nhìn thấy đàn bà, một cảm giác không thể tin được đối với anh.
    - Em hãi đàn ông, bác ạ. Cứ mỗi lần có người đàn ông nào rủ em đi đâu hay làm cái gì là em cứ run bắn lên.- Chị không gọi anh là ông nữa, tiếng bác làm anh hài lòng và thấy thích hợp, đúng là nếu không có thằng bé thì không bao giờ anh đưa người đàn bà này về nhà mình.
    - Thế à? - anh nói kèm một nụ cười chua chát - trong đời tôi chỉ thấy những người đàn ông khổ vì đàn bà còn chưa thấy chuyện ngược lại.
    - Cũng có thể như thế - chị nói với vẻ từng trải và biết điều. Và chị nói thêm - Nhưng em thì không thấy như thế.
    Quả thật có mỗi chỗ nằm và một cái chăn duy nhất thì thằng bé chiếm mất rồi. Họ ngồi bên bàn, không ai dám nói đến chuyện đi ngủ. Cũng như bất kỳ người phụ nữ nào, chị là người đầu tiên hỏi anh về vợ con, về gia cảnh. Anh trả lời qua loa những câu thuộc "đáp án" đã được anh soạn sẵn từ lâu để giải thích cho thân tộc hay bạn bè về chuyện gia dình anh tan vỡ mà không phải nói xấu một ai, không phải nói thật những suy nghĩ của anh về đàn bà. Giọng nói của anh có vẻ chân thật đến nỗi chị muốn kể cho anh nghe chuyện của mình. Nhưng chị không kể. Vô ích. Tưởng cái làng quê của chị làm chị mất mọi cơ hội được làm mẹ, làm vợ. Chị bỏ nghề dạy học, theo hắn về thành phố. Hắn đẹp trai, mồm mép và nguy hiểm nhất là hắn rất hào phóng và tử tế. Chị chưa nói dối ai nên hắn nói gì chị cũng tin. Hắn sống với chị trong một căn hộ thuê của ai đó, hứa sẽ cưới chị khi đủ tiền mua một căn hộ khác đàng hoàng hơn. Chị tưởng đã có một gia đình, có một người chồng tài ba, kiếm được nhiều tiền bằng cách nào chị không có quyền quan tâm và hỏi han. Khi thằng bé ra đời thì hắn không bao giờ nói tới chuyện cưới xin nữa. Bà hàng xóm bảo chị: "Thằng nào cũng thế. Có con rồi thì không chịu cưới nữa". Cho đến hôm nay...
    Anh nghe, nhớ lại ngày anh ở Pleiku về nhà và thấy vợ anh xanh xao, nôn oẹ với cái thai gần ba tháng.
    - Khi em đưa thằng bé đi tiêm chủng về thì "bà ta" đang ở trong nhà. Thì ra vợ anh chồng hờ của em đang sống với hai đứa con chỉ cách chỗ em ở vài cây số, ngay trong thành phố. Bà ta quẳng cho em cái túi còn em thì chỉ kịp nhặt lên rồi đi ra đường. Hôm nay trời mưa, em chỉ lo mỗi chuyện đó, thằng bé mới tiêm chủng mà ướt mưa, người ta bảo như thế sẽ rất độc. Em phải đi thật xa chỗ đó, càng xa càng tốt. Em sợ bà ta đuổi theo, lại lo thằng bé bị ướt nước mưa. Em lẻn vào trạm đợi xe...em đã nói dối bác.
    - Sao chị lại cười? Chuyện của chị có gì đáng để cười đâu?
    - Em mà khóc thì không nuôi con được. - người đàn bà nói- bác thấy đàn ông họ có tài không? Bà ta chỉ ở cách chỗ em hai cây số...
    Nhiều ngày đã trôi qua, nhưng không bao giờ Toản thấy người đàn ông "tài ba" ấy đến tìm thằng bé và người đàn bà. Có thể anh ta không biết họ đang ở đây, trong căn hộ chật chội của Toản. Cũng có thể anh ta biết mà không đến. Nhưng đối với Toản cũng như người đàn bà bất hạnh, chuyện đó chẳng quan trọng gì. Anh không còn bận tâm về chuyện nhà mình lại có đàn bà. Chỉ biết là anh bớt đăm chiêu hơn, thỉnh thoảng anh không phải ăn “bim bim” hay lạc rang trừ bữa và anh không còn nhớ gì về những chuyện anh vẫn nhớ, về một người đàn bà khác lục ví anh rồi nhìn anh khinh bỉ, xanh xao, nôn oẹ ngày anh ở Tây nguyên trở về. Anh cũng quên luôn những gì anh nghĩ với vẻ đắc ý và tự hào về cuộc sống đàn ông độc thân. Cũng may mà anh chưa nói với ai về chuyện ấy. Một hôm, có lẽ là ngày thứ mười ba kể từ lúc tá túc nhà anh, anh đi làm về và không thấy chị và thằng bé đâu nữa. Trên bàn có một bức thư, nét chữ rất đẹp, đúng quy cách, nét chữ cô giáo trường làng. "Mẹ con em xin phép bác, thế này là phụ ơn bác quá. Nhưng em muốn về quê. Em không thể... em biết nếu em ở lại thì chuyện gì sẽ xẩy ra dù bác chưa nói với em lời nào. Nhưng em không thể, em vẫn còn hãi lòng dạ đàn ông, bác hiểu cho em. Em và cháu lạy bác về công ơn cưu mang, đùm bọc..."
    Anh bàng hoàng nhìn mâm cơm dọn sẵn cho anh và mớ quần áo vừa khô được xếp ngay ngắn đặt trên mặt chiếc tủ ly nhỏ. Anh rùng mình nghĩ tới những giây phút cô đơn trước đây. Ðã lâu lắm, lần đầu tiên anh thấy thiếu một người đàn bà.
    

Kết Thúc (END)
Nguyễn Quang Thân
» Người Bẫy Chim Trên Núi Cu kỳ
» Người Vợ Lẽ Ở Phường Khánh Xuân
» Người Đẹp Làng Chiếu
» Sông Nước Đời Thường
» Người Vợ Lẽ
» Michioa
» Thuế Giường
» Người Trêu Chim
» Phường Săn
» Lỡ Hẹn Ở Mai Châu
» Gặp Lại
» Hai Người Từ Thị Xã
» Ðĩa Xa Lát Nga
» Đêm Cổ Nguyệt Ðường
» Cây đắng cay
» Mưa Sao Băng
» Nhật Ký Về Những Người Thanh Lịch
» Cây Bạch Đàn Vô Danh
» Vạt Áo Đời Người
» Gió Heo May
» Chàng Thi Nhân Đầu Bạc
» Người Đàn Bà Đợi Ở Bến Xe
» Mưa Sài Gòn
» Ði Đêm
» Người Đàn Ông Trên Ban Công