Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Xuân Phương Shop Tác Giả: Phạm Hải Anh    
    Tấm biển bề thế đóng chắc vào tường ở ngay ngã tư đầu phố. Nền xanh, chữ in hoa, sơn đen nổi bật: Xuân Phương shoes shop, ở dưới là hai dòng quảng cáo, chữ ngả, hoa mỹ: Đến với Xuân Phương bạn sẽ hài lòng và Welcome to Xuân Phương!. Góc phải vẽ một đôi giày cao gót đang nhảy nhót làm bắn ra những tia vàng lấp lánh. Góc trái hình một đôi giày nam đen nhánh, kiểu môđen. Dưới cùng là mục Tel và Fax, nhưng hai mục này còn để trống. Ngày ngày, độ tám rưỡi sáng, ông Xuân Phương vác một cái hòm gỗ tạp đựng đồ nghề và một manh chiếu ra trải dưới tấm biển. Đấy là dấu hiệu shop ông mở cửa cho quý khách vào sửa giầy. Hôm nào trời mưa, shop ông có thêm tấm nilông màu xám che cho khỏi ướt. Còn nếu trời nắng thì cứ lộ thiên cho thoáng. Ông Xuân Phương có một chú phụ việc người bé nhỏ. Lúc nào vắng khách, hai ông con ngồi duỗi thẳng chân trên chiếu, gió hây hẩy, tán phượng xanh om đu đưa trên đầu, nom rất là thoát tục.
    Bên trái ông Xuân Phương là cô bán trứng vịt lộn, bên phải là bà hàng chè chén. Xa hơn một chút có bún ốc, bún riêu, xôi chè, cháo sườn, phở... Cả tập hợp hàng quán này với những bàn gỗ xam xám chật ních bát đũa, giấy ăn, dấm tỏi ớt, những cái ghế con con thấp tịt thỏa hiệp giữa ngồi bệt và ngồi xổm..., lúc nào cũng đông đúc tạo thành một khu chan gắp nhai húp xì xụp hân hoan vui sống. Giữa cái đám hổ lốn vô danh ấy, ông Xuân Phương với tấm biển uy nghi của ông là một cái gì vượt trội lên, độc đáo, làm người ta chợt liên tưởng tới con mối chúa ung dung ngự giữa bầy đàn nhốn nháo điên khùng vì cuộc mưu sinh.
    Mà ông Xuân Phương ung dung thật. Khi tôi mang giầy ra, còn đang đứng lớ ngớ, ông khoát tay mời ngồi, cử chỉ đàng hoàng như thể cho phép tôi ngự trên chiếc ghế bành êm ru chứ không phải là cái ghế con cập kênh bên bờ cống lờ đờ nước chảy. Ông Xuân Phương khề khà bảo: "Chú ở bên 46 chứ gì? Từ độ chuyển về đây chưa ra mắt hàng xóm láng giềng đấy nhé. Tôi cũng định sang thăm chú mà chưa thu xếp thời gian được." Tôi đâm rối trí, không biết có nên lấp liếm bảo mình ra đây để hỏi thăm sức khỏe ông, hay cứ đưa giầy ra sửa. Thì ông Xuân Phương lại ân cần khuyên tôi nên lấy vợ:
    -Chú năm nay bao nhiêu tuổi, băm tư rồi hả? Chưa vợ con gì thế là không ổn., phải an cư rồi mới lạc nghiệp. Chú lương tháng được bao nhiêu?... Đàn bà bây giờ thiếu gì, hay là kén quá, để tôi giới thiệu cho một cô, hay là làm rể tôi nhé?
    Tôi vội vàng đưa đôi giày hỏng ra để hãm ông lại. Nhưng đã muộn. Băng pháo đã châm ngòi không thể tự tắt được, những lời hỏi thăm của ông Xuân Phương vẫn hồn nhiên bắn tung vào tôi, rát rạt. Tính tôi hay bị mất tinh thần. Ngày còn bé, lòng can đảm của tôi thường được đo bằng số lần thay quần ướt đũng. Bây giờ từng trải hơn, tuyến bài tiết cũng tốt hơn, nhưng những khi bị vặn vẹo, tôi vẫn không khỏi rịn chút mồ hôi. Nay trước uy thế của ông Xuân Phương, tôi đâu dám lảng tránh không trả lời. Ông Xuân Phương gật gù, chị hàng trứng và bà bán nước hai bên cùng vui vẻ góp tai góp miệng. Chẳng mấy chốc, khi ông Xuân Phương xỏ được mũi kim đầu tiên vào đôi giầy hỏng, đời tư của tôi đã khỏa thân tênh hênh nằm trên kênh thông tin của shop Xuân Phương. Ông Xuân Phương thân mật gọi một chén nước chè mời tôi. Tôi rút bao thuốc mời lại ông một điếu. Tình xóm giềng mới được xây đắp tuy hơi muộn mằn nhưng xem ra cũng ấm cúng. Ông Xuân Phương chùi tay vào quần, đón điếu thuốc, rít một hơi. Cặp mắt ông chợt hơi mờ đi, mơ màng. Lúc này là lúc có thể chuyển đề tài, tôi gợi ý:
    -Bác có tấm biển hiệu đẹp quá!
    Ông Xuân Phương mở choàng mắt, nhìn tôi đắc ý:
    -ấy đấy. Cả phố này đố có cái nào địch được. Mà chính thằng Xuân Phong nhà tôi thiết kế đấy!
    Ông chỉ tay sang cậu phụ việc đang nhoay nhoáy đánh giầy bên cạnh. à, ra đó là cậu Xuân Phong. Tôi khen thực thà:
    -Cậu nhà có hoa tay thật. Mà lại cả tiếng Anh nữa cơ đấy!
    Ông Xuân Phương không dấu nổi vẻ tự hào:
    -Không, tiếng Anh là con chị nó. Con Xuân Hương. Con bé trình độ lắm nhé, học hết lớp mười hai rồi, bây giờ đang học tiếng Anh đã đến bằng gì rồi ấy. Nó học đến đâu, chữ vào thun thút đến đấy chứ không ngu lâu như cái thằng này.
    Cậu Xuân Phong gầm gừ tiếng gì không rõ trong cổ, cái búa cầm tay bổ chan chát vào đế giầy. Ông Xuân Phương bình luận:
    -Mày cứ bổ thật lực cho nó vỡ mẹ nó đi để bố mày đền tiền người ta một thể.
    Rồi quay sang tôi than vãn:
    -Thời thế xoay vần đấy chú ạ. Ngày xưa, nhà tôi chả gì cũng tiếng tăm lừng lẫy cái đất Hà Nội này...
    Ông Xuân Phương kể ông sinh năm ất Dậu. Các anh chị ông đều nhận những cái tên quê mùa miễn cho có cái mà gọi. Nhưng ông thì khác. Ông sinh vào đúng buổi chiều cờ đỏ Việt Minh bay khắp làng. Cha ông theo người ta phá kho thóc Nhật, được chia hẳn một thúng gạo đầy. Cả làng khí thế hừng hực. Đổi đời rồi! Mẹ ông phấn khởi quá đẻ tuột ra ông không cần phải rặn. Cả nhà, cả họ bảo thằng này số sướng, sinh ra đúng vào Mùa Xuân của dân tộc nên đặt tên chữ là Xuân Phương. Các con ông sau này cứ đệm chữ Xuân ấy mà đặt... Khi ông Xuân Phương lớn lên thì cụ thân sinh ra ông đã làm chủ một hiệu bán dép lốp, dép râu và guốc mộc ở ngay gần cầu Long Biên. Chỉ nhờ bán dép mà nhà ông sắm nổi tivi, cả phố đến xem ké. Lúc tan phim ra, không ai nhận nổi dép mình. Cả mấy chục cái dép ngổn ngang, giống nhau y đúc, đều là hàng Xuân Phương cả. Một nửa Hà thành xài dép lốp Xuân Phương. Cụ thân sinh ra ông còn ôm mộng được trang bị dép lốp cho toàn thể phi công Việt Nam "chân dép lốp bay vào vũ trụ". Nhưng ước mơ của cụ không thành... Ông Xuân Phương thở dài nuối tiếc, chỉ tay sang cậu Xuân Phong, hậm hực:
    -Mà cũng tại chúng nó nữa. Cái hồi dép Xuân Phương ế, tôi đã quyết nhà mình cứ giữ truyền thống đi dép Xuân Phương. Đời cha không hết thì con cháu đi dần, mãi người ta cũng phải nhận ra giá trị của mình. Nhưng mới độ một tháng, con Xuân Hương đã tha ngay về đôi dép nhựa xanh lè, đi vài bữa thì nước ăn toét cả mười kẽ ngón chân. Tôi đánh nó, chửi nó cũng chẳng ăn thua, nghĩ chỉ còn hi vọng vào thằng Xuân Phong. Thằng bé vẫn bền bỉ đôi dép râu, ai cười mặc ai. Hóa ra nó tích góp tiền, đùng một cái rước về một đôi giày tây. Báu ngọc gì đâu, cứ tập tễnh y thể thằng què. Đi vài bữa, cả giày, cả tất bốc mùi lên như chuột chết. Tôi thắp hương trên bàn thờ ông chúng nó, khóc vì không dạy được con...
    Chuyện đang đến hồi gay cấn thì phải dừng lại. Ông Xuân Phương có khách. Không phải khách sửa giày mà là bạn thơ. Ra ông Xuân Phương còn sinh hoạt câu lạc bộ Thơ phường. Chủ tịch câu lạc bộ thơ đến giục ông nộp bài cho buổi sinh hoạt thơ phụ lão tuần sau, đề tài khuyến khích sinh đẻ có kế hoạch. Ông Xuân Phương oang oang đọc thơ để duyệt trước. Tôi tự biết mình không thể đọ sức với nàng thơ để buộc ông Xuân Phương quay vào với mớ giầy hỏng nên kiên nhẫn chờ. Ông Xuân Phương đọc một bài lục bát rất dài. Tôi nghe loáng thoáng thấy "gian lao" với "cõi u mê", sau lại thấy "bừng lên" rồi "đẹp giàu", chắc là triển vọng cũng tươi sáng. Ông đại diện thơ phường gật gù nhận xét tư tưởng thế là vững nhưng chủ đề chưa nổi bật. Ông Xuân Phương phản đối, bảo câu "Rồi từ khi biết đặt vòng, đời em như ánh nắng hồng ban mai. Sinh con nhiều nhất là hai. Gia đình hạnh phúc, tương lai đẹp giầu... " thế là rõ ý lắm rồi. Ông chủ tịch câu lạc bộ thơ cao hứng đọc một bài họa vần. Ông Xuân Phương bắt đầu bình luận. Cô hàng trứng ngơ ngẩn lắng nghe, bà hàng nước lơ đãng đuổi ruồi. Ông Xuân Phương lại đọc sang bài thơ thứ hai. Một anh bán thuốc tẩy đi qua, loa phóng thanh cũng thơ ra rả: “Lòng em trong trắng, áo dính nhựa cây, thuốc tẩy anh đây, bôi vào là sạch... ". Rồi một xe hàng rong nữa, lần này là nhạc vàng thánh thót: "Trái tim ngục tù. Anh yêu em đến ngàn thu... ". Đệm vào màn trình diễn thơ nhạc trữ tình ấy là giàn còi inh ỏi của ôtô, xe máy, và thỉnh thoảng, tiếng búa của cậu Xuân Phong đóng đinh chí chát trên những gót giầy đang được tân trang lại.
    Trong lúc đó, đôi giày của tôi vẫn nằm ỳ ra trên chiếu, mõm há hốc cầu cứu. Bất chấp tình hàng xóm giữa tôi với ông Xuân Phương đã được vun đắp, bất chấp quá khứ lừng lẫy của nhà dép lốp Xuân Phương, bất chấp cả bao nhiêu thơ nhạc thánh thót rót vào, nó vẫn ngoan cố toang hoác ra như thế, cái nó cần là mấy mũi khâu hay chỉ vài giọt keo thôi. Tôi không đủ kiên nhẫn, lì lợm như đôi giầy của tôi. Tôi tính nước bỏ của chạy lấy người, nhưng thơ của ông Xuân Phương vẫn ào ào xối xả, lời từ biệt của tôi vất vả lách vào rồi lại bị đẩy bắn ra. Vị cứu tinh đến bất ngờ giữa lúc tôi sắp chết đuối giữa bài thơ thứ bao nhiêu của ông Xuân Phương. ấy là một ông tây được tấm biển tiếng Anh mời mọc, tự tin đặt đôi giày lấm lên chiếu của Xuân Phương shop. Ông Xuân Phương lập tức ngừng bặt. Ông chủ tịch câu lạc bộ thơ phường lập tức cáo lui. Cậu Xuân Phong nhanh nhẹn lấy đồ nghề. Ông Xuân Phương phụ trách chân phải, cậu phụ trách chân trái, hai chiếc bàn chải lia vù vù thần tốc, nom rất ngoạn mục. Tôi ngẩn ngơ nhìn ông chủ một thời của dép lốp, dép râu đang nhiệt tình đánh giầy tây. Ông ưu tiên khách quốc tế thế là phải, còn tôi hàng xóm láng giềng, giải quyết nội bộ lúc nào chả được. Đôi giầy của ông tây sạch bong trong nháy mắt, xi đánh đen nhay nháy. Ông Xuân Phương lịch sự đưa cả hai tay ra nhận tiền. Ông chỉ tay lên tấm biển Xuân Phương shop, hai bố con cười hân hoan. Ông tây cũng cười ra ý hài lòng. Cô hàng trứng, bà bán nước và tôi bất giác cười theo. Cả Xuân Phương shop bỗng dưng tưng bừng hớn hở, không khí rất là dễ chịu
    Cuối cùng cũng đến lượt tôi. Ông Xuân Phương tính dán đế năm nghìn, khâu mũi mười nghìn, vừa dán vừa khâu tổng cộng bốn chiếc bốn chục ngàn. Phương châm của Xuân Phương shop là "Chắc - Bền - Rẻ", tôi cứ đi thử thì biết, lần sau lại ra đây. Ông Xuân Phương có vẻ quý tôi. Ông hứa sẽ giới thiệu cho tôi một đám, lại mời tôi khi rảnh rỗi cứ ghé lại đây, ông sẽ đọc thơ cho mà nghe. Lời mời nhiệt tình của ông làm tôi đâm hoảng, cho nên từ lần sau, tôi cứ tránh đi qua ngã tư ấy. Chỉ thỉnh thoảng, tôi đứng xa xa nhòm ra chỗ ông Xuân Phương. Ngày ngày ông vẫn chễm chệ thiết triều ở cái góc cố định. Cao trên đầu lấp lánh tấm biển hiệu hứa hẹn tiến thẳng đến một tương lai quốc tế hóa bằng giầy tây, tiếng tây, Tel và Fax, kiên cố ở dưới là cả cái vỉa hè trải chiếu ngời ngời tính dân tộc. ở đó, ông sẽ không bao giờ ngã, không bao giờ thoái vị, vĩnh viễn tự hào về quákhứ dép lốp và ung dung ngồi sửa giầy tây, khi rảnh rỗi lại rung đùi đọc thơ hay củng cố tình thân hữa láng giềng... Một dạo thành phố ra chiến dịch "đường thông hè thoáng", ông Xuân Phương không chạy kịp bị tịch thu mất cái chiếu, nhưng tấm biển may còn giữ được. Vài hôm yên ắng, lại thấy shop ông mở cửa. Mọi thứ vẫn y như cũ, chỉ có cái chiếu mới hơn và nghe đâu dạo này ông Xuân Phương chuyển sang làm thơ phê phán xã hội ghê lắm…./.

Kết Thúc (END)
Phạm Hải Anh
» Xuân Phương Shop
» Lập Xuân
» Tiễn Trăng
» Huyết Đắng
» Lạc
» Tìm Trăng Đáy Nước
» Ngựa Ô
» Nguyên Xuân
» Phục Trước Tĩnh Đàn
» Mờ Nhân Ảnh
» Cửa Sổ
» Culi
» Cái Đồng Hồ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ