Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Kiếp Tăm Tác Giả: Lê Thao Chuyên    
    Mụ đàn bà to lớn phốp pháp như chiếc thùng phi đứng án ngữ trước mặt, phía sau một bầy con nít túa nhanh tựa đàn ong vỡ tổ đáp vào những sọt trái cây hút chặt hương vị ngọt ngào. Trang nhón gót cố nhìn qua bờ vai núng nính những thịt để bắt quả tang một đứa nào đó đang thi hành thủ đoạn nhưng mụ đã khôn khéo đưa người sang một bên. Mắt Trang lại bị che bởi cái đầu đen rối nùi.
    - Lần sau bà đừng dẫn mấy cháu nhỏ đi theo, tôi không kiểm soát được.
    - What? Bà nói cái gì? Nó là con tôi, không cho chúng đi theo thì cho ai?
    Trang bước vội ra khỏi quầy sau khi rút chìa khóa máy tính tiền bỏ vào túi. Mụ đàn bà đằng hắng vội vàng. Lũ trẻ nghe mật mã ù lại dồn thành đống ngay phía sau lưng mụ, núp dưới đôi cánh tay xòe và cái mỏ nhọn của diều hâu mẹ đanh ác. Nghĩ rằng được che chở, chúng khoái chí cười hinh hích, miệng vẫn còn lép nhép nhai.
    - Bà thấy không, đứa nào cũng nhét đầy một miệng. Trang khó chịu.
    - Cái gì trong miệng là thuộc về nó, bà không có quyền thắc mắc.
    - Nhưng chúng ăn trái cây của tôi.
    Mặt Trang đỏ bừng khi mắt liếc qua những sọt nho căng mọng vừa xếp lên kệ lởm chởm vài cuống khô, đưa tay chỉ mà thấy toàn thân mình run lên.
    - Đó tôi nói có sai đâu.
    - Chúng mày há miệng hết cho tao coi, không có thì chết với tao.
    Mụ đàn bà chanh chua chửi con nhưng lại ám chỉ Trang trong khi lũ nhỏ vội vàng nuốt trửng để phi tang.
    - Tôi không muốn bà dẫn chúng đến đây nữa, dứt khoát như thế!
    - Tại sao? Bà sống nhờ khách hàng mà lại đuổi họ đi? Như vậy còn ra đây làm gì?
    - Tôi không thể chấp nhận những loại khách như bà... Để cảnh sát đến bà đôi co với họ.
    Trang nhấc ống điện thoại, phương pháp hữu hiệu nhất khi có ai làm phiền đến mình, quả nhiên mụ đàn bà sưng ngay mặt và tru tréo:
    - Tôi sẽ nói hết với cả xóm này bà không cần họ, rồi ai chết đói cho biết.
    Mụ đàn bà khệnh khạng bước ra ngoài trước khi Trang quay số dẫn theo đám con trần trụi mỗi chiếc quần đùi vừa đi vừa nhảy cỡn lên. Chúng nhe răng nhe lợi, có đứa thọc hai tay vào mồm kéo cho rộng ngoác ra dọa Trang và cũng để biểu dương chiến công hiển hách của kẻ vô công rỗi nghề đi phá quấy hàng xóm. Chung quanh đây ai cũng ghét mụ. Ở các chợ, có nơi họ còn gọi cảnh sát khi mụ vừa dắt con vô tiệm. Chỉ mình Trang, tại ham ba cái đồng lời cỏn con cố chiều khách hàng, cứ nghĩ họ sẽ phải tự trọng khi biết mọi người đề phòng, cứ nghĩ họ sẽ sửa đổi khi có người đối xử tử tế nhưng Trang đã lầm. Càng tử tế mụ càng lờn mặt hoặc đó cũng là cái nghề sống độ nhật nên mụ và đàn con luôn đáp trả bằng những ngón tay đâm sâu vào thúng đào cho chảy nhầy nhụa nước, bằng những ngón tay bấm hàng loạt trên lê, táo, mận, bằng những cái bóp tận lực vào nải chuối đang chín tới. Lần nào cũng vậy, họ đi khỏi là Trang cay đắng dồn mọi thứ hư hỏng mang về nhà. Con Trang chẳng đứa nào ăn của đó khi khám phá những chỗ lủng hoặc bầm dập mà Trang, con sáo già bất đắc dĩ, tiếc của tiếc tiền cố gọt đẽo, cắt xén thế nào để có thể bỏ chút ít vào miệng gọi là của mồ hôi nước mắt, gọi là để thưởng công sức mình sau một ngày dài làm việc...
    - Bà có phải là chủ tiệm bán trái cây này? Người đàn ông ra vẻ khúm núm khi hỏi.
    - Không, thưa ông, tôi chỉ là người làm công.
    Với Trang, làm chủ gian hàng bán trái cây cỏn con dựng bên lề đường bằng những cây chống, mái tôn thấp lè tè mà mùa hạ chỉ mỗi chiếc quạt phành phạch chạy thì có gì ngon lành hoặc vinh dự mà phải khoe ra. Hơn nữa mình làm công, dễ hòa đồng thân thiện với đám dân đen quanh đây vì cùng tầng lớp giai cấp với họ.
    - Mày có biết là mày rất may mắn khi được làm ở đây không? Gã đàn ông đổi ngay thái độ và cách xưng hô, như tao, dân Mỹ chính tông mà cả đời xin việc chẳng ai cho...
    Lại thêm một người bất mãn cuộc sống tìm chỗ xả uẩn ức nhưng khốn nỗi Trang không phải là cái thùng rác.
    - Ông nói thêm cũng vô ích vì tôi không thể giúp gì được cho ông.
    Để mặc ông ta lải nhải, Trang tiếp tục lục soát những trái cây vừa mới bị lũ trẻ đâm thủng.
    - Mày có gì cho tao không? Vài củ khoai, vài trái chuối...
    Rõ nghèo gặp cái eo, giá ông ta xin ngay từ đầu có lẽ Trang đã mở rộng tâm hồn, đàng này sau một hồi chửi bới, nguyền rủa khiến tai Trang no đầy nên lòng cũng đã khép lại.
    - Tôi chỉ có thể cho ông những thứ này, thích thì lấy. Trang trao cả bịch trái cây cho ông ta.
    - Tao không ăn mận, già như tao đâu có răng mà nhai, còn trái lê ném chó, chó cũng chết.
    Lão thọc tay vào bịch lôi từng trái chuối đưa lên cao ngắm nghía rồi trề môi:
    - Chuối này chỉ cho khỉ. Tao không phải là khỉ...
    Buổi sáng vừa mở cửa gặp hai khách hàng quái đản Trang không thể nín nhịn:
    - Nếu muốn mọi thứ vừa ý thì ông cứ bỏ tiền ra là sẽ có tất cả.
    - Có tiền là có tất cả... ha ha..., ông ta cười lớn, có tiền là có tất cả, mày nói đúng nhưng kẻ không tiền cũng vẫn có. Trẻ thì ăn cắp cướp giựt, già như tao chạy không nổi thì ăn xin. Mày làm ở đây lâu rồi mà không hiểu lề lối, quy luật của chúng tao.
    - Chẳng lề lối quy luật gì cả, Trang cầm ngay ống điện thoại lên, đây là ông xử ép chứ thực lòng tôi không muốn gọi cảnh sát.
    - Tao làm gì mà mày gọi chúng? Thách đấy, thách cả họ hàng làng nước chúng mày, tao không ăn cắp, ăn trộm, tao...
    - Nhưng ông làm phiền tôi...
    Câu trả lời cứng cỏi khóa miệng ông ta ngay tức thời. Luật pháp bên Mỹ tuy dễ mà khó, cùng một hành động nhưng cố ý vẫn nặng hơn. Cùng trong đám đánh nhau nhưng tự vệ và tấn công lại khác. Trong nhà người ta dẫu bị nhạo báng hay khiêu khích mà xảy đến chuyện đổ máu là mình bị thiệt vì những ông trạng cãi chỉ chờ dịp để làm đen thành trắng dễ dàng. Còn gã này, gã lải nhải trong tiệm Trang, cảnh sát đến chắc chắn lão sẽ phải bị đuổi đi, nếu kháng cự chiếc còng sắt không nể nang.
    Người ta bảo có yêu nghề mới làm việc được, Trang không thích cái nghề vừa vất vả lại tùy thuộc rất nhiều vào thời tiết nhưng vẫn phải lăn xả vào kiếm sống. Tháng nắng, mọi thứ trái cây để vài ngày đã muốn hư nên phải bán đổ bán tháo hoặc phơi khô, hoặc làm mứt cho vào lọ bán sỉ ở mối chợ trời. Cuối thu, khí hậu khoảng năm mươi độ là chuối thâm đen dù chưa kịp chín. Ba tháng mùa đông đóng cửa nhưng vẫn phải trả tiền tiệm, mà tiệm ở xứ Mỹ đa số mua vào phải trên mười năm mới hết nợ. Thuyền lớn sóng lớn, Trang có cửa hàng nhỏ, quá nhỏ nên tiền nợ cũng nhỏ nhưng lợi tức thu vào chẳng được bao nhiêu chỉ đủ chi chế cho bốn mẹ con nếu cố gắng tằn tiện. Được cái các con nàng không đua đòi theo chúng bạn cho nên Trang vẫn tự hào với chính mình. Con mất cha như nhà mất nóc, dù các con Trang mất bố nhưng vẫn còn có mẹ, cái nóc được đắp điếm, chắp nối bằng tình thương yêu thiết tha như một thứ keo mủ càng lúc càng dầy, càng vững chắc mà không sợ gió mưa bão táp phá sập.
    Hàng ngày Trang đi làm thì các con cũng đi học. Tối về bốn mẹ con quây quần bên mâm cơm, bên những câu chuyện ở trường học và trường đời nổ dòn. Họ học lẫn của nhau, học chữ nghĩa văn chương, học những va chạm cuộc đời, học để biết cái hay cái dở, cái tốt cái xấu và học để so sánh tại sao nước mình vẫn mãi nghèo, chậm tiến dù người dân rất cần cù, chăm chỉ và nhiều sáng kiến.
    - Mẹ ạ sao không tập đánh máy làm thư ký nhàn hơn.
    Con Út mang xấp giấy nháp ra khoe. Mười một tuổi ở trường đã dậy đánh máy chữ, đánh computer trong khi Việt Nam mình làm gì có tiền mua những thứ ấy và nếu có cũng không dám cho các lớp tiểu học xử dụng, như vậy có phải nước chậm tiến là vì thiếu tiền bạc và phương tiện?
    - Làm thư ký ít tiền lắm, đứa lớn mười bẩy tuổi lên tiếng, mẹ vào đại học bốn năm khi ra trường dẫu tệ lương tháng cũng trên hai ngàn.
    Các con Trang sống ở xứ Mỹ gần bẩy năm, lại đang tuổi ăn học nên nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan là phải.
    - Làm người ai lại chẳng muốn có kiến thức và cuộc sống sung sướng hở con nhưng ai sẽ nuôi mẹ ăn học và các con thì sao?
    Mấy đứa nhỏ chợt im lặng. Hình như chúng đang liên tưởng tới một số bạn, gia đình chỉ sống dựa vào tiền trợ cấp nên cũng chật vật và rất khó để theo đuổi việc học cho đến nơi đến chốn. Hoặc cũng có thể chúng đang thấm thía câu nhất nghệ tinh, nhất thân vinh mà Trang vẫn nói hàng ngày, về người mẹ bán trái cây mơ ước có những đứa con thành danh, về Trần Minh khi xưa đóng khố chuối đến trường. Các con Trang hơn hẳn họ, nhưng chỉ trên phương diện vật chất chứ cái danh chưa đạt được. Muốn thành danh phải thành người trước, muốn thành người phải là những trẻ ham học và là những đứa con ngoan ngoãn có hiếu với cha mẹ. Trang nhắc nhở mỗi ngày, như một chiếc máy đã rè, đã gần hết pin, như Trang mỗi ngày mỗi yếu, mỗi thêm tuổi và công việc kiếm sống càng lúc càng khó khăn hơn. Cũng may các con Trang không hổ thẹn vì có người mẹ quê mùa, khù khờ giữa xã hội bon chen, không mặc cảm với bạn bè về trình độ học thức của mẹ mình và rất may mắn chúng không phải ra tiệm bòn nhặt từng đồng, từng hào, ngóng khách hàng như trẻ ngóng mẹ về chợ để thấy rằng Trang đang cần phải phụ giúp cấp thời hơn là chờ đến khi chúng thành danh.
    - Mam...
    Trang giật mình quay lại, hình như ông khách đã đứng ở đó lâu lắm.
    - Xin lỗi tôi hơi vô ý, ông cần mua loại nào thưa ông?
    - Không thưa bà, bà cứ để tôi tự nhiên và tiếp tục làm việc. Gian hàng rộng và bày biện đủ mọi mặt hàng trông trang nhã quá...
    Trang xụ ngay nét mặt vì biết chắc chắn những người tán láo lếu không ngoài mục đích nhờ vả hoặc xin xỏ, càng tỏ ra ân cần săn hỏi thì càng sớm bị vướng vào cái vòng lừa đảo lớn lao. Bao nhiêu lần Trang đã bị cái lòng nhân to lớn hơn trí óc nên cứ mãi bị lừa, thật không còn gì bực dọc bằng lòng tốt của mình bị lợi dụng.
    - Thưa bà, tôi ở tiểu bang xa tới bị cướp giật nên không còn phương tiện trở về, xin bà giúp cho chút tiền xăng.
    Gì chứ bị cướp giật thì đành chịu vì không thể xét đoán họ qua bề ngoài. Người lái chiếc Corvette vẫn có thể ngửa tay xin tiền ăn sáng. Kẻ mặc sang trọng cổ thắt cravatte vẫn có thể xin một quarter gọi điện thoại còn ông này trông tuy chưa đến nỗi nào nhưng không thể liệt vào loại ăn mày cò con dù có mỗi chiếc Pinto cũ rích. Trang móc trong túi ra hai đồng, một phần mười số tiền phải bỏ ống mỗi tuần để sắm sửa sách vở cho các con hàng năm.
    - Ông đi xin mỗi nơi một chút. Của ít lòng nhiều, tôi chỉ có thể giúp ông được có thế!
    - Cảm ơn bà. Đội ơn bà. Bà tử tế quá! Tôi nghĩ bà là người sung sướng được sinh ra trong một nước Nhật giàu có. Dân Nhật thật là tốt lành.
    Đối với ông ta, có thể Trang là người rộng lượng nên chỉ nhìn vẻ cuống quýt khi cất tiền vào túi và lối cám ơn vụng về, nếu không muốn nói là quá ngu xuẩn khi tâng bốc một người nước khác mà quên cái tự hào và phẩm cách của chính mình, Trang vẫn cảm thấy tự ái bị tổn thương trầm trọng nếu không giải thích sự hiểu lầm đó.
    - Chỉ là tình người giúp đỡ lẫn nhau chứ tôi không có cao vọng đại diện người nước này giúp đỡ người nước khác. Hơn nữa sinh trưởng trong đất nước giàu có mà keo kiệt thì đâu bằng nghèo vật chất như đất nước Việt Nam chúng tôi nhưng lại có tấm lòng rộng lớn.
    - What? Mày là Vietnamese? Ông ta đổi ngay thái độ tựa phường ăn cháo đá bát, tụi tị nạn nghèo khó chuyên ăn tiền trợ cấp xã hội?
    Sự trở mặt của người đàn ông khác gì lửa đang cháy được chế thêm dầu, mặt Trang nóng bừng:
    - Không ăn tiền trợ cấp sao được gọi là tị nạn? Có điều ông nghĩ thế nào khi ngửa tay xin tiền của một con tị nạn? Người như ông được xếp vào loại nào và những kẻ cũng lãnh welfare foodstamp dân của các ông thuộc loại nào?
    Người đàn ông quay hẳn mặt lại nhìn Trang, đôi mắt bẹt ra như chiếc chổi chà quét một vòng từ đầu xuống đến chân, từ chân ngược lên đầu và cuối cùng dừng lại ngay chiếc cần cổ xương xẩu đầy những gân xanh, đôi bàn tay cũng nắm lại rồi thả ra như ước lượng có vừa tầm nếu muốn vặn ngược. Trang cũng đáo để đứng lùi lại một chút, phía sau quầy hàng để có thể tấn công lẫn tự vệ, khí giới là con dao gọt trái cây, là chiếc búa đóng đinh, là cái điện thoại và nút báo động thẳng đến cảnh sát. Trong tích tắc cả hai cùng biết sự lợi hại của nhau cho nên chỉ còn biết đánh võ mồm.
    - Nếu ông can đảm trả lại hai đồng tôi mới phục ông là người tự trọng...
    Hai tay người đàn ông xỏ vào túi quần nhưng không phải lấy tiền ra mà dùng nó để nâng cao đôi vai, cố tỏ ra ngang tàng, khí phách cùng với cái lừ mắt thị oai:
    - Tao không hiểu sao chúng mày không cút về nước mà sống bám ở đây?
    - Nhờ sống bám nên ông mới có hai đồng.
    Trang biết mình đang cãi nhau theo kiểu trẻ con, cãi chày cãi cối, cãi nhây cãi nhợ, cãi cho qua để chấm dứt câu chuyện lẹ làng không gây thù oán nhưng người đàn ông cố tình châm chọc, hình như để hả sự bực tức từ lâu đè nặng trong ý tưởng.
    - Chúng mày qua đây ăn tiền trợ cấp nên đứa nào cũng có nhà có xe...
    Không phải một mà đã rất nhiều lần Trang bị nghe những lời buộc tội quá đáng mà nàng biết chắc chỉ phát xuất từ lòng ghen hờn, ích kỷ, thiếu suy xét hoặc từ mặc cảm mà ra vì đa số dân bản xứ sống cả đời cũng chỉ sắm nổi căn nhà hoặc tuổi già lang thang vất vưởng phải nằm trong viện dưỡng lão trong khi dân tị nạn qua đây mới mười bẩy năm đã có kẻ trở thành triệu phú hoặc làm chủ các hãng xưởng lớn nhỏ trên toàn quốc. Số còn lại là công tư chức, bác sĩ, kỹ sư thì cũng có motel, condo, apartment hoặc tệ lắm cũng có vài căn nhà cho mướn, như vậy danh từ sống bám có phải chỉ là lời buộc tội trơ truốc? Trang cười mai mỉa:
    - Thưa ông, dân các ông cũng ăn tiền trợ cấp sao nghèo vẫn cứ nghèo?
    - Tao có ăn con gì thì cũng là tiền của ông cha tao, cũng là tiền của nước tao, còn chúng mày...
    - Còn chúng tôi thì sao? Trang ngắt lời. Các ông sợ chiến tranh thì tôi cũng thế. Nhưng không phải tại vì chiến tranh mà chúng tôi có mặt nơi này. Nhìn lại hai mươi năm về trước...
    - Tao chẳng nhìn tới nhìn lui gì cả chỉ cần chúng mày cút khỏi nơi đây. Hòa bình rồi đó, thông thương rồi đó, hãy cút xéo về quê hương nghèo khó của chúng mày...
    Giọng người đàn ông đầy vẻ cố chấp cho nên dù Trang có lôi cái hòa bình giả tạo, lôi cái thông thương từ bọn con buôn ham lợi nhỏ làm hại muôn ngàn người ở các trại tị nạn ra phân trần cũng chỉ phí lời. Cũng như tranh luận tại sao quân đội Việt Nam Cộng Hoà phải bỏ chạy, tại sao dân Việt Nam lại có mặt trên đất nước này với người vô ý thức, với kẻ chữ i chữ tờ không biết, lịch sử nước mình không tường và ngay đến vấn đề Trung Đông nóng bỏng cũng mù tịt thì nói chi đến chính anh chính chị, có chăng như nước đổ đầu vịt. Vì thế muốn quật ngã hắn phải dùng ngay những thí dụ điển hình, Trang mím môi hạ từng nhát búa:
    - Về Việt Nam rồi ai đóng thuế nuôi những người nghèo trong viện dưỡng lão? Ai đóng thuế cho các ông các bà nằm ở nhà chỉ biết ăn rồi đẻ? Ai đóng thuế...
    - Im đi, chúng mày là một lũ lừa lọc, ăn cướp, ăn chận trên xương máu người khác.
    - Ăn cướp ăn chận như người đàn bà bán trái cây lam lũ đang đứng trước mặt ông với mười hai tiếng làm quần quật trong một ngày? Thưa ông đã đặt vấn đề thì nên đi sâu vào chi tiết, Trang hạ giọng xuống và lấy vẻ mặt bình thản, không nói đâu xa, năm 1976 thành phố Biloxi không có bóng dáng người Việt, mọi cơ sở làm seafood đông lạnh sắp sửa phải đóng cửa vì không kiếm được nhân công. Tôi không ám chỉ ai nhưng dân các ông sống sung sướng từ trong trứng nước bởi thế không làm vẫn có ăn vì đã có chương trình trợ cấp xã hội để nương dựa, bám vào. Gia đình càng đông con thì tiền trợ cấp càng cao nên đẻ cũng chính là đầu tư tiền bạc...
    - Mày nói như "shit".
    Không để ý đến vẻ tức tối của ông ta, Trang cứ cất giọng đều đều:
    - Trong tình thế kiệt quệ, các chủ hãng họp lại và một người đưa ra sáng kiến là mỗi buổi sáng lái xe lên New Orleans, thành phố ở tiểu bang kế cận, đón người tị nạn xuống làm vì nghe đồn người Việt không nề hà cực nhọc kể cả số lương thấp nhất. Mới qua tiếng Mỹ tiếng Tây không biết, được việc làm ai nấy ùn ùn rủ nhau khăn gói, cơm nước kéo nhau đi. Ông nhớ lại xem, cả một thành phố sắp chết mà chỉ có vài trăm người tị nạn làm cho nó sống lại thì những năm sau đó với số bốn ngàn dân chúng tôi tại sao không thể biến thành phố của các ông thành bộ mặt mới? Những căn nhà ọp ẹp quanh đây đã được sơn phết tu sửa. Những con đường bẩn thỉu đã xuất hiện đầy những chiếc xe mới. Tất cả những thứ họ kiếm được là nhờ đôi bàn tay, nhờ công sức. Thưa ông công sức và đôi bàn tay chứ tôi chưa nói đến những người biết tiếng địa phương và có đôi chút tính toán. Chỉ vài năm sau, những người không đi học như chúng tôi dành dụm được một số tiền kha khá họ bung ra làm chủ apartment, chủ hãng xưởng, chủ tiệm, chủ tàu. Dù làm chủ nhưng không ông bà nào không lăn xả vào làm. Vừa làm chủ vừa làm công thì làm sao không có của ăn của để? Ngay đến chủ tàu đánh cá như ông thấy cũng đi theo thợ thuyền lênh đênh trên mặt biển nhặt cả đầu tôm, cạo từng con mực. Họ đánh ngày đánh đêm, tôm cá kéo lên loại nhỏ luộc phơi khô tại chỗ, loại lớn phân ra để riêng vào thùng đá, khi tàu cặp bến, phần tươi bán cho hãng, phần khô các chủ chợ người Việt chờ sẵn lấy mối. Người đàn bà Việt chúng tôi ngoài tám tiếng ở xưởng tôm, thời gian còn lại gỡ ghẹ, búng đầu tôm cho các quán ăn kiếm thêm tiền vậy mà khi vừa về đến nhà đã vội lo cơm nước cho thật lẹ để còn ra vườn cào xới, bón phân hoặc hái rau bó lại đi bán. Họ bòn nhặt từng đồng từng cắc, chỗ ở dồn đống năm mười người trong một nhà, ăn uống chỉ vài ba lá rau, chén nước mắm là xong vậy thì đồng tiền dàn dụm đó là cướp giựt hay ăn trộm?
    Lời giải thích của Trang không làm ông ta dằn cơn bực tức mà trái lại còn hùng hổ thêm vì bị đụng chạm tự ái.
    - Chúng mày qua đây làm xáo trộn kinh tế. Dân tao đang sung sướng không làm cũng có ăn, nhất là mấy thằng chủ tàu chỉ tà tà đi ra biển vài ngày là kéo đầy một tàu thế mà bây giờ nửa tháng cũng chưa vào. Chúng mày hốt hết kể cả con lớn lẫn con nhỏ. Chúng mày là thứ làm ăn phạm pháp.
    - Bộ chính phủ Mỹ không có mắt chắc? Nếu phạm pháp đã bị tịch thu giã còn đâu nữa mà đánh với đấm? Tiền rừng bạc biển, ai có sức thì làm, ai chịu khó thì được hưởng. Các ông muốn ngồi trên ăn trốc nhưng không muốn bỏ công thì cứ ôm bóng tàu. Các ông mất tàu cũng chỉ vì lười, chỉ vì không muốn xa vợ xa con, chưa bung giã đã muốn trở vô, còn chúng tôi... Mà thôi có nói nữa ông cũng không hiểu.
    - Hiểu thế chó nào được. Chúng mày là quân ăn cướp, không ăn cướp sao gần sáu chục phần trăm tàu đánh cá đều thuộc về người tị nạn?
    Trang cảm thấy thương hại vì sự tức tối quá đáng của ông ta:
    - Mùa tôm tàu lớn tàu nhỏ chúng tôi quần đầy trên biển, ngày cũng như đêm trong khi các ông còn ngủ, còn hưởng thụ. Chúng tôi làm tận lực, làm bất kể giờ giấc chỉ vì lo trả cho hết nợ, chỉ vì muốn rút ngắn sự vất vả để tiến thêm một bước khác khá hơn, có nghĩa là từ tàu nhỏ năm ba chục ngàn lên tàu sắt năm sáu trăm ngàn. Tàu càng lớn thì nợ càng nặng mà nợ càng nặng thì tiền lời càng nhiều và đóng thuế càng cao. Chúng tôi làm cho bản thân, gia đình và cũng để đóng thuế nuôi một số thành phần nghèo đói cũng như trí giới thức, ngân hàng, bảo hiểm các ông, để làm giàu cho đất nước các ông và cũng để chứng minh rằng chúng tôi, những người Việt đi tìm tự do dù ở đất nước nào cũng là một thứ cây sống đời, sống đẹp và sống tốt lành. Thưa ông, ở đời có làm có hưởng là lẽ đương nhiên...
    Trang chưa dứt câu người đàn ông đã quay ngoắt ra khỏi cửa. Chiếc Pinto 78 được sự đồng tình của chủ rống to như cố đẩy mọi bực tức, uất hờn kể cả ganh ghét ra ngoài. Trang nhìn theo làn khói mịt mù lòng không khỏi áy náy vì đã quá lời nhưng đòn đau nhớ đời. Có người chỉ một cái cau mày cũng đã tự hiểu nhưng cũng có những người cần phải nói như đập vào mặt họ mới chịu mở rộng tầm mắt. Ở đời ai không làm mà có ăn?
    - Mam...
    Lần này thì Trang uất lên thật sự vì từ sáng đến giờ toàn bị nghe tiếng mam, mở cửa hàng chưa bán được một đồng một cắc mà chỉ thấy chửi nhau với cãi nhau, buôn bán như thế thì dẹp tiệm cho rồi. Trang không quay lại nhưng nghe bùng lên nỗi cay đắng.
    - Mam...
    Cố bậm môi, tay bấu vào thành bàn cho nước mắt khỏi trào ra và cũng để dằn sự hờn tủi với ý nghĩ kiếm được đồng bạc nơi xứ người chua chát khổ sở như thế đó nhưng Trang vẫn phải quay đầu lại.
    - Tôi cần năm thùng cam thật ngọt cho đám cưới tuần này cùng dưa leo, cà rốt, củ cải mỗi thứ thêm mười pounds...
    Như được liều thuốc hồi sinh, Trang cười tươi với khách hàng bằng đôi mắt còn long lanh nước...
    

Kết Thúc (END)
Lê Thao Chuyên
» Đuổi Theo Vệt Nắng
» Bóng Mờ Hiu Quạnh
» Chốn Cũ
» Kiếp Tăm
» Nữa Cánh Thiên Đường
» Bà Giao Chỉ
» Mây Và Nắng
» Vàng
» Hòn Đá Cuội
» Lối Thoát
» Đêm Tình Yêu
» Người Đi Qua Đời Tôi
» Chữ Nhân
» Chiếc Ghế Bành Màu Da Người
» Con Xà Mâu
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý