Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Lễ Bế Giảng Tác Giả: Nguyễn Quốc Văn    
    Trước khi mất tích, lão Phán ngụ tại số nhà 488 đường Tố Như. Căn nhà này nằm ở khoảng giữa số 1 và số 916. Lão hay nheo mắt, nói đùa với bạn bè rằng, cứ gấp bản đồ thành phố làm bốn là tìm ngay được nơi lão ở.
     Lại nữa, phòng dành riêng cho lão cũng ngự chính giữa hai căn phòng. Một là khoảng tự do của tiến sĩ Mới. Một dành cho cô Thu Tâm, vợ của vị tiến sĩ khả kính. Có nghĩa là lão Phán luôn luôn là trung tâm của mọi trung tâm. Giữa địa danh và địa danh. Giữa người và người…
     Vị trí này được xác lập là do lão có rất nhiều tài, kể cả tài làm nổi danh lợi cho người khác. Dĩ nhiên, nghe lão nói, mắt lại hơi rơm rớm mỗi khi mở miệng, thì vị trí mà lão phải chấp nhận hiện thời cũng là do lão còn ngu! Quá ngu! Hay nói trại đi là đại đại ngu cũng chẳng ngoa!
     Người ngoài hay ngứa miệng, bảo lão mắc xương cá hay sao mà tự nhiên bán sạch đồ đạc, lại chuyển giao cả chức hiệu phó cho tiến sĩ Mới, rồi lại còn dọn đến nhà anh ta ở nữa, ăn nói chẳng ra chủ, cũng không phải đày tớ, thật chẳng hiểu mô tê ra làm sao? Hà tất phải có một cớ gì khó nói ra lắm đây! Khôn nhiều thì ngu lắm, âu cũng là thói thường ở đời, có trách, đi mà hỏi ông xanh ấy. Lão Phán không đi hỏi ông xanh, cũng chẳng ai đi hỏi thay lão. Nhưng hỏi và buộc lão đi theo một con đường nào đó, không phải bằng lời, mà bằng nhiều cách khác nhau, thì có đấy. Là lương tâm trong trẻo của lão? Là một âm mưu vô hình ai đó đã tính toán rất chi li? Hay là một cái gì mơ hồ rất chông chênh, ví như tình ái chẳng hạn?
     Chuyện đời lão Phán hệt như một giấc mơ có thật, nói ra cũng khó có người tin. Vì hên, lúc nào cũng hên. Ngay cả khi bất hạnh cũng vẫn còn hên?
     Hồi mới từ Huế vào, nhuệ khí ngất trời, lão Phán làm việc như điên để xây dựng cơ ngơi. Ban đầu lão xin đi dạy cho một trung tâm luyện thi đại học. Vốn là một thầy giáo giỏi dạy ở một trường nổi tiếng, từng luyện nhiều học sinh đi thi và đạt giải quốc tế, tiếng tăm lão nhanh chóng nổi như cồn trong giới phụ huynh và học sinh ở thành phố. Lão nhanh chóng kiếm được khá nhiều tiền. Lại nhanh chóng ngộ ra rằng, nếu đứng ra tổ chức một trung tâm, lão có thể còn kiếm được gấp hàng chục hàng trăm lần như thế. Tiếc thay, sức thì còn nhưng tiền lại cạn, chí lớn nhưng lực nhỏ, lão cam phận dạy hợp đồng với số lương thỏa thuận một trăm hai mươi ngàn tính cho một giờ thực dạy. Số các thầy giáo đi dạy thêm có giá như lão bây giờ ở thành phố cũng chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Hậu hĩ là thế nhưng lão vẫn ấm ức, dĩ nhiên là âm thầm thôi, chứ ngoài mặt, lão luôn tỏ ra hài lòng lắm, lúc nào cũng cười, trừ lúc trên lớp, lão nghiêm khắc tới mức có thể khiến bất cứ đứa học sinh lười học nào cũng trở thành chăm chỉ, cần mẫn. Vậy thì còn tiếc cái gì? Khi một ông thầy hạnh phúc nhường ấy? Ơ, sao lại không tiếc nhỉ? Tiếc là tiếc cái tài quản lý. Cái tài ấy chưa được đưa ra thi thố ở chốn hái ra bạc từ nghề gõ đầu trẻ tự ngàn đời nay đã được tiếng là thanh sạch bậc nhất này!
     Người giàu tâm huyết hay được trời thương. Cho nên ngày ấy lão đã gặp được bà Tôn Nữ Thục Trinh và được bà đem lòng yêu kính? Bà Thục Trinh goá chồng. Từ năm ba mươi tuổi, bà thủ tiết thờ chồng và nuôi ba người con ăn học. Khi bà vừa bước qua tuổi năm mươi thì các con cũng đã trưởng thành. Họ đều làm việc trong các công ty nước ngoài ở hải ngoại. Người như bà, tuổi tác chưa hẳn đã gọi là già, nhưng cũng không còn trẻ nữa. Thời gian chưa đủ sức làm tàn phai vẻ đẹp vốn có của bà; bà không còn đẹp, nhưng mà còn duyên, lại là duyên thầm của người trải đời, người nhẫn nại nên vẫn còn rất ưa nhìn. Bây giờ, các con đã ra ở riêng cả, mà lại ở rất xa, bà bỗng trở lại thời son rỗi như xưa, chả còn nghĩa vụ nào ràng buộc nữa. Bà là người tự do hoàn toàn, không còn bị lương tâm dằn vặt mỗi khi tự hỏi về tương lai của đời mình vào những ngày tới sẽ ra sao. Và bà đã có thể cho phép mình lựa chọn. Đương nhiên, bà chọn một người bạn hơn là chọn một người tình. Lão Phán nằm trong tiêu chuẩn lựa chọn của bà, lấy lão chẳng qua cũng là để có một người đàn ông làm bầu làm bạn lúc xế chiều mà thôi. Một ý nguyện như thế là qúa ư đứng đắn và nên làm, ai cũng nói thế, các con trai của bà cũng nhìn nhau tủm tỉm cười mà bảo nhau như thế. Ba người con trai tân tiến của bà rất thương mẹ, lại cũng muốn có ai đó gánh vác phần đời còn lại cùng mẹ họ nên việc bà Thục Trinh tái giá không gặp cản trở nào. May sao, lão Phán là người quá ư mực thước, nếu không nói là qúa đức độ. Giá như làm việc này từ hàng chục năm trước mới là phải. Tiếc thật, duyên trời chưa bén, mãi hơn năm chục tuổi đầu mới gặp nhau, muộn đấy, nhưng vẫn hơn là không gặp. Vợ chồng già đối đãi với nhau, qúy trọng nhau như khách. Đi dạy học về, lão Phán rất thích được tự tay nhóm lửa nấu nước cho vợ tắm, có hôm còn xuống bếp làm những món ăn mà bà Thục Trinh ưa thích. Lương tháng được bao nhiêu, lão đều đưa cho vợ giữ. Vì vậy, hôm lão vô tình than vắn thở dài, ngỏ ý muốn mở một trung tâm luyện thi đại học mà không có vốn, bà Thục Trinh đã tiết lộ bí mật lớn nhất của đời bà cho lão biết. Rằng, chồng bà đã để lại một tài sản khá lớn, dư sức để lão đầu tư mở một trường học, còn một trung tâm luyện thi thì có gì mà phải kêu ca thiếu vốn? Rằng, ông thích mở trung tâm hay dựng trường học tôi đều chiều hết, miễn là ông phải tính cho thấu nhẽ, tóc bạc rồi, không thể không thấu nhẽ tiền bạc khó kiếm lại như thế nào nếu sơ suất đánh mất vì tính toán chưa hết khúc nông sâu. Rằng...
     Lão Phán đã nghe theo lời vợ. Nghe một người yêu thương mình và chu đáo trong mọi chuyện là việc phải, là lẽ đương nhiên, nhất là đối với những người đàn ông có số lận đận về đường vợ con. Lão đã đặt bút và tính chi li tới từng đồng vốn đầu tư. Chi tiết tới mức, khi lão đưa cho bà Thục Trinh coi lại, bà chỉ mỉm cười, nói một câu tình tứ đầy ý nghĩa:
     - Giỏi! Việc gì ông cũng giỏi!
     Ít lâu sau, lão Phán nhờ bạn bè chạy vạy khắp nơi và được đứng tên đầu tư dựng nên một trường dân lập. Hai vợ chồng bán nhà ngoài phố dọn vào ở trong trường cho tiện việc quản lý. Bà Thục Trinh góp nhiều vốn nhất, được các cổ đông bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị; còn lão Phán, đương nhiên nắm quyền hiệu phó điều hành. Quyền và tiền đều do hai vợ chồng nắm, chỉ còn lo cho trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò thôi. Chức hiệu trưởng danh dự, cái chức để các cơ quan quản lý thông qua thủ tục, để phụ huynh học sinh tin tưởng gởi con em họ tới trường, thì giao cho giáo sư Lô Tấn Cận giữ, mức lương của ông ấy là bốn triệu một tháng. Lương vậy là cao với nghề dạy học, nhưng với một giáo sư có uy tín thì còn rẻ, rẻ qúa! May mà các nhà giáo thừa chữ nghĩa còn nghèo, nên bốn triệu bạc vừa là tiền lương làm việc, vừa được hiểu là ơn huệ, là ưu ái. Phán nó là trò ngày xưa, giờ mở mang mày mặt, nghĩ tới thầy cũ như vậy cũng là đúng đạo lý, vả lại, thầy không giúp trò thì giúp ai, cơ chế mới thầy không đi tiên phong thì nhường cho ai đi trước? Thầy Lô Tấn Cận nghĩ thế và vui vẻ ngày đến trường nửa buổi, đi tua các lớp, chỉ trỏ chỗ này, góp ý chỗ nọ, dặn đại khái phải làm như thế, như thế chứ không được làm khác đi thế kia, nghe chưa! Nghĩa là vẫn còn dáng vẻ của một giáo sư mẫn cán lắm lắm...
     Công việc đang tiến tới thì bà Thục Trinh mắc trọng bệnh. Các bác sĩ khẳng định rằng bà chết vì căn bệnh nhồi máu cơ tim. Riêng những người lẻo miệng thì rỉ tai nhau rằng vợ ông hiệu phó chết do ghen với cô Thu Tâm, thủ quỹ của trường. Cứ theo lời đồn đại thì cô Tâm là tình nhân của lão Phán. Chính mắt người ta đã nhiều lần trông thấy lão đến và ở lại qua đêm tại nhà cô Tâm trong thời gian nghiên cứu sinh Trần Tiến Mới đang ở nước ngoài. Láo toét, láo toét tất! Gớm ghê thay những kẻ hôi mồm hôi miệng, ngẫm về đời, suy về người chỉ qua cái bụng bốc mùi của họ! Gớm thay, gớm thay! Giáo sư Cận đã lắc đầu và kêu lên như vậy. Cổ họng ông như bị nghẹn. Lại có lúc nước mắt chứa chan. Ôi, ôi ôi là, gớm ghê qúa, khủng khiếp qúa là cái miệng thế gian! Nó tâm địa với người tâm huyết, ác khẩu cả với những người khai sáng! Những người ấy mất đi, một vùng tối của sự thiếu tri thức sẽ ùa lại, như mây như khói bao phủ tiếp lên đầu lên cổ con em của những kẻ thất học kia. Nguy thay! Vậy mà họ không xót thương thì chớ, lại lên giọng mỉa mai người đem lại ánh sáng và hy vọng đổi đời cho con em họ. Buồn biết mấy, những kẻ vô ơn, mắt nhìn bé bằng nửa hạt đậu, mới đóng năm trăm ngàn tiền học một tháng cho con mà đã la toáng lên...
     Nhưng tất cả mọi tiếng xấu về quan hệ giữa lão Phán và cô Thu Tâm đã tắt ngấm ngay sau khi tiến sĩ Mới về nước.
     Bất chấp những chuyện quá đáng mà miệng thế gian truyền tai nhau trong những cuộc đàm tiếu bậy bạ, vợ chồng vị tiến sĩ mời lão Phán về ở hẳn trong nhà họ. Gia đình tiến sĩ Mới, ngoài hai vợ chồng ra, có thêm lão Phán càng thêm vui cửa vui nhà chứ sao. Lão có thể chưa đứng vào bậc cha chú, nhưng thừa đáng mặt đàn anh. Một ông thầy tốt như thế, hoàn cảnh lại đáng thương như ta đã thấy, không bao bọc, không thương yêu ông ta, không chăm sóc ông ta khi khả năng cho phép thật đáng hổ thẹn. Nhất là thẹn với người đã bỏ tiền ra xây trường dựng lớp vừa mới khuất kia. Tiến sĩ Mới hay nói thế và lão Phán đi đâu cũng nói những câu đại loại như thế. Mối quan hệ tốt đẹp giữa ba người được chứng minh bằng chính vẻ bề ngoài của từng người, ai cũng béo tốt, hồng hào, nụ cười luôn tươi rói trên môi. Người ngoài chưa ai dám bảo lão Phán có cái cười gượng bao giờ. Lão cười ha ha, hi hi. Mắt tít lại, miệng mở rộng, âm vang xa. Những cử chỉ, dáng vẻ ấy chỉ có thể có ở những người đang được thỏa mãn. Cũng chả hiểu ra làm sao nữa cái lão Phán! Hay là lão sắp điên? Hoặc đã điên rồi mà những kẻ rỗi hơi vô tình nên chưa biết?
     Bỗng một hôm tiến sĩ Mới nổi hứng, nhận lời mời của Đài Truyền hình và xuất hiện trước công chúng để nói chuyện về vấn đề hôn nhân và gia đình. Anh ta say sưa phân tích những lỗi lầm của một mối tình tay ba khá kì dị. Những người quen vợ chồng Mới và lão Phán nghe cứ cảm thấy ngờ ngợ. Chuyện vừa quen vừa lạ, vừa thực, lại như hư. Nghĩa là cứ u u minh minh. Nghĩa là như cố phơi bày, lại như cố giấu giếm; càng giấu càng lộ ra. Nghe vừa tức vừa giận. Tức vì con người hèn quá. Giận vì con người đê tiện quá. Mà lại đều là thầy cô giáo cả mới tai hại chứ. Loại người đi dạy người mà xấu xa nhường ấy thì còn dám tin vào ai trên đời này? Nội dung nói kích động, nhưng người nói chả biểu lộ thái độ gì, mặt cứ lạnh tanh, miệng trơn tru như nói về chuyện của những kẻ ở đâu đâu vậy. Chết người là ở cái khách quan ấy. Hình như có ám chỉ ai chăng? Hay là chỉ nói cho đã mồm, cho hả bớt mớ kiến thức tâm lý đầy ứ hự học được mãi bên Tây bên Tàu? Này, biết đâu đấy, chuyện vu vơ mà khối kẻ phải giật mình?
     Sau đó, vị tiến sĩ trở về nhà. Không hiểu vì lẽ gì, anh ta bị Tâm chặn lại từ ngoài cổng, cô ta chỉ tay vào mặt chồng, khẽ rít qua kẽ răng:
     - Tư cách anh thật không hơn gì một con chó, nhỉ! Anh bày mưu lừa lão già để lấy hết tiền bạc, lại phải nhường phần vốn hùn cho anh để đổi lấy sự yên thân chưa đủ sao? Bây giờ anh trở mặt, không muốn để cho tôi được yên ư? Lành làm gáo, vỡ làm môi, gái dở này đâu dễ xỏ mũi thế !
     Tiến sĩ Mới cười gằn:
     - Cô im đi! Cô cứ gọi tôi là chó cũng chả sao! Nhưng tôi vẫn là chồng cô, tôi còn bản giao kèo có đủ chữ kí của cô và lão Phán đây. Có đúng là hôm cô và lão bị tôi bắt quả tang trên giường, ngoài các điều khoản khác, còn có điều lão sẽ chỉ được tự do sống với cô nửa năm ở nhà ta không?
     - Nhưng ai đã cho anh phép chung chạ với mụ Hương Giang, chủ nhà hàng Đổi Gió? Ai?
     - Có bằng chứng không?
     Đúng lúc ấy, lão Phán xuất hiện và lạnh lùng nói:
     - Có ngay đây. Xin tặng anh cuộn băng ghi âm lời anh và mụ Giang bàn cách cho chúng tôi dính tai nạn giao thông này...
     Cơ trên mặt vị tiến sĩ khẽ giật giật:
     - Ông... ông mà cũng đáng gờm nhỉ! Ông đã lừa tới hai người đàn bà. Một, ông vờ yêu thương để chiếm trọn tài sản. Một, ông lấy tài sản để chiếm đoạt trái tim. Nhưng ông thắng sao được thằng này!
     - Anh đã lầm rồi tiến sĩ ạ. Tôi có tội với bà Thục Trinh. Nhưng với cô Thu Tâm thì không. Màn kịch mà anh buộc cô ấy phải thực hiện đã làm cô ấy bừng tỉnh và hiểu rõ anh thuộc hạng người nào. Và anh biết đấy, bây giờ anh đã trở thành kẻ tay trắng!
     - Không, chính các người mới là những kẻ tay trắng. Hãy dắt nhau cút khỏi nhà tôi! Cút !
     Thu Tâm cười ruồi:
     - Anh hãy tự xéo đi thì đúng hơn! Biết không, tờ giao kèo bẩn thỉu của anh đã được tôi sửa lại rồi! Chỉ có chữ kí là còn nguyên vẹn thôi!
     - Láo!
     Thu Tâm lạnh lùng nói:
     - Tôi chỉ nói lên một sự thật. Tờ giấy mà tôi để trên bàn đêm ấy là loại giấy mỏng có tới hai lớp. Ở nửa phía trên, nơi anh đã viết các điều khoản bất lợi cho tôi còn đủ cả hai lớp giấy. Tôi đã bóc đi và thay vào đó là những dòng đánh máy tuyệt đẹp. Còn nửa phía dưới...
     Tiến sĩ Mới run bần bật, hỏi:
     - Nó thế nào?
     Thu Tâm gằn giọng:
     - Nó đã được lột một lớp trước đó. Và đương nhiên, chữ kí của ba chúng ta vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng nói lại cho anh biết thôi, chứ bây giờ tôi nhổ toẹt vào sự ràng buộc đó. Tôi đã phô tô sẵn cho anh một bản đây này. Có dám muối mặt để tôi đưa nó cho tất cả mọi người quen biết anh xem không? Khi mà anh...
     - Tôi đã làm cái gì?
     - Anh đê tiện lắm! Số vàng mà anh kiếm được, tôi để chúng trong tủ, hiện ở đâu? Chúng đã bị mất trộm. Ai lấy ư? Tôi đã ngầm báo cho công an biết hôm số qúy kim ấy bị mất. Người ta đã lấy dấu vân tay trên mép cửa tủ và khẳng định đó là vân tay của anh...Vậy thì anh còn có gì trong cái nhà không phải do anh tạo nên này?
     Vị tiến sĩ xoa xoa hai lòng bàn tay vào nhau, hạ giọng nói:
     - Thôi được, coi như anh chịu thua em! Em có thể tha thứ cho anh chăng?
     - Không! Tôi thà ở với quân lừa đảo đã hoàn lương chứ nhất định không chịu sống chung với kẻ dám đánh đổi vợ mình lấy tiền tài địa vị nữa!
     Tiến sĩ Mới im bặt, đi vào nhà. Một lát sau, anh ta xách ra một cái va li khá nặng, bước lên một cái xe tắc xi màu đen. Làm ra vẻ lịch lãm, anh ta còn đưa tay ra vẫy chào Thu Tâm và lão Phán. Người thông minh như anh ta không thể không lịch lãm. Ngay cả trong lúc gặp cảnh dở khóc dở cười này cũng không được phép quên điều đó. Cho dù nó là một sự giả dối. Giả dối nhưng vẫn là cách của kẻ có học. Mới tin rằng anh ta hơn hẳn kẻ vô học là ở chỗ này, chỉ ở chỗ này mà thôi. Vì vậy, thất bại thì phải biết chấp nhận. Nhưng thành công, biết đâu đã ló dạng ở đâu đây? Có điều chưa rõ, chưa tỏ mặt mũi nó mà thôi! Vẫn có quyền hy vọng, vì không hy vọng tức là đã đầu hàng kẻ khác! Mà đầu hàng thì còn tệ hơn cả cái chết!
     Suốt cả tuần sau đó, trường dân lập của giáo sư Lô Tấn Cận xao xác như vừa qua một trận bão cấp mười hai. Mọi người hoang mang không hiểu vì lẽ gì mà tiến sĩ Mới và lão Phán đều biến mất dạng.
     Người ta nói Trần Tiến Mới đã được cử ra nước ngoài để báo cáo một công trình khoa học lớn cỡ quốc tế về tâm lí của con người trong buổi giao thời đầy biến động.
     Còn lão Phán, thì nghe đâu là đã bị tâm thần nên đã bỏ về Huế rồi.
    May mà trường còn có cô Thu Tâm! Cô cười tươi hơn mọi khi, gặp ai cô cũng cười, cũng bắt tay. Mà lại nắm rất chặt, lắc rất mạnh. Rõ khéo! Rõ là người bản lĩnh chưa? Mà này, tôi bảo cho mà biết nhé, nhờ một tay cô vững tay chèo chống mà kết quả học tập và tu dưỡng đạo đức của các em học sinh vẫn lạc quan lắm lắm đấy! Cô quả là một tấm gương sáng về nghị lực và lòng yêu trẻ! Vâng, đúng thế, đúng sự thật là như thế đấy! Và thay mặt cô, tôi xin mời qúy vị hãy tới thăm trường chúng tôi! Lời mời này chúng tôi cũng đã gửi tới rất nhiều nơi nhân dịp bế giảng năm học! Giáo sư Lô Tấn cận đã quả quyết nói thế.
    Còn ông hiệu phó, một thầy giáo mới được tuyển từ Huế vào thì chỉ tủm tỉm cười và khoe, trường sẽ có rất nhiều phong bì dành cho quan khách đến góp mặt làm vẻ vang cho buổi lễ đặc biệt nói trên. Dự đoán là lễ bế giảng năm nay của chúng tôi sẽ rất thành công, kể cả không có các vị thì vẫn cứ vậy vậy thôi, nghĩa là vẫn như trên ấy mà! Biết không? Vâng, còn ông bà muốn biết cảm tưởng của tôi về buổi lễ ư? Xin thành thật mà nói rằng, đối với tôi, ngày hôm ấy sẽ là một ngày khai giảng đáng nhớ. Tôi vừa nghỉ hưu cách nay hai tháng. Và bây giờ lại bắt đầu đi học. Học gì ư? Học vào đời chứ còn học gì nữa?
    

Kết Thúc (END)
Nguyễn Quốc Văn
» Gió Rét Ngọt Nắng Hanh Trong Lá
» Em Gái Một Nhà Văn
» Chị Mơ Xóm Ruồi
» Đất
» Bà Cháu
» Bức Tranh
» Lão Mạc
» Lão Ăn Mày
» Đi Tìm Cha
» Giấy Trắng
» Nụ Cười
» Ông Hạ Hỏa
» Gà Trống
» Lễ Vật Máu
» Miếng Bánh
» Bạn Của Người
» Phiên Chợ Tuổi Thơ
» Bắc Và Tân
» Món Nợ
» Đất Vuông Tròn
» Cặp Song Sinh
» Câu Cá Mùa Hè
» Trúng Số
» Tên Cướp
» Gương Trăng