Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Quán Chú Mùi Tác Giả: Việt Dương Nhân    
    Thế kỷ trước, hễ sáu mươi năm cuộc đời thì người ta cho là già. Theo tục lệ Việt Nam thì con cháu phải làm lễ lục-tuần, đáo-tế, bái-lạy để chúc thọ cho Ông, Bà, Cha, Mẹ... Nhưng thời đại bây giờ dù có hơn tám mươi tuổi đi nữa, các ông, các bà cũng chưa chịu nhận mình là già. Như chú Mùi, Tết tới này tuổi của chú đáo lại ngày sanh nhựt vào mùng 1, năm Quí-Mùi mà chú vẫn còn hăng máu lắm. Ở nhà thì chú rất nương chìu vợ mà khi đi ra ngoài đường nhìn thấy cô nào coi mặn-mòi, ăn mặc ‘’sexy’’ chút chút là chú ló bông so đủa ra liền. Lúc nào chú cũng ăn mặc rất là ê-lê-găng, nói chuyện hoạt bát, tâm hồn cởi mở, giao thiệp rộng, cộng thêm vóc dáng cao ráo khỏe mạnh, có mái tóc chen sương, điểm tuyết, trông sang và đẹp lão... Còn thím Mùi thì mới ngoài năm mươi mà chẳng chịu sửa soạn, ăn mặc theo kiểu nhà quê bên nhà. Có lẽ thím an phận làm vợ hiền đã hơn ba chục năm nay... Họ có hai đứa con trai, Hòa ba chục tuổi và Hiệp hai mươi tám đều có công ăn việc làm và ra ở riêng nhưng chưa ai có vợ.
    Hôm nay chiều thứ bảy, cuối mùa thu mặt trời đi ngủ sớm, ngoài đường lá vàng rơi ngập đầy, mưa rỉ rã, gió thổi hiu hiu lành lạnh. Trong nhà của chú Mùi có mời ba, bốn người bạn. Họ toàn là những ông đã về hưu độc-thân-vui-tánh, hầu hết họ ở cùng chung-cư. Tất cả đang nhậu với món cà-ri-dê do chính tay chú Mùi nấu. Nhờ chú làm tài xế lái mêtro nên được hưu trí sớm nên chú rất rỗi rảnh.
    Như hôm nay cuối tuần, nhà chú Mùi có chầu nhậu nhẹt, ăn uống tại căn appartement trong khu chung-cư bình-dân ở cạnh quận 13 Paris. Thường xuyên là nhậu với món cà-ri-dê đặc biệt mà mấy ông thường gọi là ‘’cà-ri-Thầy’’. Đôi khi các ông còn đòi hỏi sao chú Mùi không lấy vài cặp ngọc-sơn-dương nấu chung ăn cho bổ... Chú Mùi hứa lần sau sẽ có. Nói xong họ cười rần rần. May là lúc đó thím Mùi ở đàng sau bếp đang lo múc thêm cà-ri nên không nghe.
    Ăn, nhậu, nói, cười một hồi đã cạn ba, bốn chai rượu vin ‘’Bordeaux’’ rồi. Dường như ai cũng hơi ngà say. Trong số các bạn của chú Mùi thì có Bác Dương góa vợ là người lớn tuổi nhứt. Bữa nay chắc là ma-men nhập vào Bác dữ hơn mọi hôm. Rượu thấm nên mặc mày đỏ như gấc, Bác đưa tay ngoắt ngoắt chú Mùi, nói giọng nhừa nhựa:
    - Chú Mùi nó à ! Chú nấu món cà-ri-dê thiệt đặc biệt và ngon quá xá. Nè, chú cho tui đề nghị chuyện này nghe !
    Chú Mùi đưa ánh mắt lờ đờ nhướng lên và hỏi Bác Dương với cái giọng hơi cà lăm:
    - Anh muốn đề... đề nghị chuyện gì đây? Anh cứ nói cho... cho thằng em này nghe coi !
    Bác Dương từ từ mở điếu xì-gà đưa lên miệng, bật hộp quẹt châm lửa, hít vài hơi nhả khói và nói chầm chậm:
    - Không dấu gì chú với các anh em đây. Tui có dư chút vốn, tụi mình đi kiếm nhà hàng nào nho nhỏ sang lại mở quán nhậu, chuyên môn bán một món cà-ri-dê này được hôn? Chú, thím góp công, tui góp của. Chú và các anh em đây nghĩ sao?
    Trên bàn có các chú Tý, Sửu, Dậu... cười híp mắt đều tán thành:
    - Anh Dương nói phải đó, phải đó... Làm đi Mùi ơi ! Tụi này sẽ đến ủng hộ hết mình.
    Thím Mùi từ dưới bếp bưng lên tô cà-ri châm thêm nữa, chợt nghe, thím cười hắc hắc:
    - Ủng hộ hết mình thiệt hôn? Hay là sẽ cháy túi, hết tiền vậy các anh? Có khi nào ăn nhậu quá chén rồi cuối cùng là chỉ trả bằng chữ ký chớ không phải là tiền không? Thôi, thôi. Thôi đi anh Dương ơi ! Bày đặt ra tiệm tùng coi chừng có ngày mất tình nghĩa bạn bè. Anh nhìn ông nhà-tôi kìa, hai con mắt ổng sáng quắc lên đó.
    Chú Dậu lắc đầu cười:
    - Tụi này không có tệ như vậy đâu thím Mùi à !
    Chú Mùi liếc vợ rồi bưng ly rượu vin ực một cái, chú khoác tay và nói:
    - Bà không biết gì ráo trọi đừng có xía vô chuyện của đàn ông. Bạn bè của tui quen biết nhau lâu năm, tất cả lúc nào cũng sòng phẳng và đàng hoàng mấy cái vụ tiền bạc mà bà. Bữa nay, tui thấy bà nói chuyện nghe hơi quảng-tiều rồi đó nghe.
    Thím Mùi biết mình nói hớ, nên trở giọng lại:
    - Xin lỗi các anh. Tui nói giỡn chơi đừng có buồn nha. Nè, ông ! Ông liệu có nấu nổi mỗi ngày không? Chớ tui thì chắc khó à nghen !
    - Bà khỏi cần làm gì hết. Tui nấu bếp, bà lượm tiền, kêu thêm một đứa trẻ trẻ phụ trên, phụ dưới là xong.
    - Ông nấu, rồi ai nhậu để say, xỉnh dùm ông?
    Chú Mùi cười khà khà:
    - Dễ ợt. Việc đó bà đừng lo. Nấu có một món. Tui làm một nồi chừng 50 ký-lô để đó, chừng nào khách vào kêu thì mình chỉ có múc ra dĩa, đưa ổ bánh mì hoặc dĩa bún hay tô cơm là xong ngay. Bộ bà không biết tài nấu bếp của tui sao?
    - Thì tui có chê ông nấu bếp dở bao giờ đâu !
    Bác Dương đôi mắt lim dim gật gật đầu mỉm cười và nói:
    - Nhắc tới vụ nấu ăn, bỗng nhiên làm tui nhớ... nhớ... Hồi đó, lúc còn đi lính Cộng-Hòa. Chú Mùi cỡ hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi, cấp bậc Hạ-Sĩ-Nhứt, trong quận Ba-Tri (Kiến Hòa). Còn tuổi tui thì ba mươi mấy, cấp Thượng-Sĩ. Tụi tui là lính Địa-Phương-Quân, thường chuyên lo việc ăn uống cho mấy ông Quận-trưởng và Quận-phó. Có khi các ông đi ba-trui về khuya, tụi này nấu cháo gà và nhậu vài xị rượu Đế. Nè, chú Mùi ! Chú còn nhớ cô Diễm Xuân và cô Ngọc Xuyến không vậy chú? Cũng nhờ nồi cháo gà mà tụi mình mới thân mật được với hai cô đó. Đêm ấy vui quá xá há ! Ông Phó nài ép hai cô nhắm có một chung rượu-đế mà hai gò má ửng hồng như những trái đào-tơ vậy.
    Chú Mùi giựt mình sực nhớ... rồi gật đầu và lấy tay chỉ Bác Dương mà cười híp mắt:
    - Nhớ chứ... làm sao tui quên được cái đêm ấy... Đã hơn ba chục năm qua mà anh còn nhớ kỹ quá, khá khen anh có trí nhớ dai.
    Chú Mùi khoan thai bưng ly rượu hớp thêm vài ngụm, đôi mắt lim dim rồi tiếp:
    - Dạo đó, tụi Việt-Cộng hay đắp mô trên đường lộ để cản trở xe đò, xe hàng vô Quận. Tội nghiệp các cô hết sức, mặc áo dài, quần trắng, eo-co bó sát người mà xách giày, xăn quần, cột áo, lội vòng dưới ruộng, vì đi trên mấy mô sợ tụi nó đặt mìn. Cô nào cũng còn trẻ măng, đẹp ác ôn. Các cô thiệt là can đảm. Từ Sài-gòn dám lặn lội xuống thăm ông thiếu-úy Lê Văn Bảo, phó Quận-trưởng. Cô Diễm Xuân là đào của ông Phó. Còn cô Ngọc Xuyến thì đi theo chơi. Nên cái đêm ăn cháo gà...
    Nói tới đây chú Mùi định nói tiếp... Nhưng chú đáo qua:
    - Hề... hề... lúc đó anh gần bốn mươi. Anh gọi cô Diễm Xuân bằng bà Phó. Cô mắc cỡ chấp tay lạy anh quá trời và nói: ‘’Con lạy Bác, xin Bác đừng gọi con bằng bà...Con đáng con cháu của Bác mà...’’. Khà khà... Tui nhớ chuyện đó rõ lắm lắm...
    Thím Mùi nóng mặt xía vô với một giọng đay nghiến:
    - Cha, nhắc lại chuyện cổ-tích. Hứ ! Nè, ông ! Còn cô Ngọc Xuyến của ai vậy hén? Anh Dương nhắc chuyện xưa, chắc chắn tối nay ông nhà tui sẽ nghe toàn nhạc tình hoặc làm thơ lãng mạn cho mà coi. Khuya nay có cái màn, tui phải nghe ổng ngâm thơ lảm nhảm suốt đêm.
    Chú Mùi hăng lên:
    - Khỏi cần tới khuya. Nếu bà muốn, tui ngâm liền mấy câu thơ của bạn bè tặng tui hồi còn trai trẻ đây:
    ...‘’Đêm nay vui lẻ hay buồn tẻ?
    Tủ rượu chưa đầy lại lâng lâng.
    Chú Mùi cao hứng cười hăng hắc rồi ngâm tiếp:
    ... ‘’Có ai tránh được chữ Si,
    Vô ân, vô ái phải chi là đời...
    Thím Mùi lắc đầu:
    - Các anh thấy chưa? Các anh có thích thơ-thẩn như ông nhà tui không? Còn anh Dương ! Anh có cô nào từ Sài-gòn xuống thăm không?
    Tất cả đều cười. Còn Bác Dương trả lời nhanh nhẹn câu hỏi của thím Mùi:
    - Đâu có ai thím. Dạo đó, tui có vợ, có con rồi.
    - Vậy à !
    Chú Mùi nhìn Bác Dương, chú nháy mắt:
    - Rồi, tới rồi. Anh nhắc làm chi để cho bả đổ ghè-tương lên thì bả nhằn, bả hạch, bả hỏi tui nhức nhối tận xương tận tủy lận đó anh ơi ! Mà cũng tại tôi ngu. Hồi cưới bả về, tui kể hết chuyện tình ái lẩm cẩm của tui hồi còn trong nhà binh. Lâu lâu lên cơn là bả hỏi lại hoài anh ơi !
    Bác Dương lắc đầu cười cười:
    - Ai biểu chú kể. Chú cứ ngâm thơ hoài là khỏi nghe thím cằn nhằn. Ối, thôi chuyện hồi trai trẻ, nhứt là đời lính rày đây mai đó mà thím.... Thiệt là tui vô duyên quá, nhắc chuyện xưa làm chi để chú sợ thím cằn nhằn. Hổng có gì đâu thím ơi ! Thôi, bỏ chuyện xa xưa qua một bên đi hén ! Mình trở lại cái vụ mở quán nhậu với cà-ri-dê đi.
    Thím Mùi bất kể lời yêu cầu của Bác Dương:
    - Hứ ! Ở đó mà không có. Tại gia đình ổng hỏi cưới tui cho ổng trước. Nếu mà hỏi tui sau, thì chắc chắn cô Ngọc Xuyến ngồi đây hôm nay, chớ không phải chỗ của tui đâu anh Dương ơi !
    Chú Mùi vuốt tóc gãi đầu, đưa ánh mắt làm bộ thả-dê nịnh-đầm nhìn vợ và nói:
    - Tui đã nói với bà nhiều lần rồi. Từ ngày cưới bà đến nay, đời tui, tim tui, tâm hồn tui chỉ yêu có một hình bóng của bà thôi. Bà biết mà, bà tin tui mà... hề hề. Nè, bây giờ tui hỏi bà có bằng lòng cùng anh Dương mở quán không?
    - Ủa ! Ông bảo tui đừng xía vô mà.
    Chú Mùi vói tay vuốt vợ, rồi lại cười hề hề:
    - Nhưng phải có sự đồng ý của bà chứ ! Vợ là nhứt, vợ là trời mà. Phải không các anh?
    Chú Sửu nãy giờ ngồi trầm ngâm nhậu. Chú nghe thoáng mấy câu của chú Mùi, chú bèn mở lời:
    - Chú còn có thím thì chú ráng chìu thím đi. Như tụi này đâu có ai mà... mà...
    Thím Mùi cắt lời chú Sửu:
    - Nếu các anh bớt nhậu nhẹt thì thế nào cũng có các bà chiếu cố hà.
    Chú Tí xía vô:
    - Tụi tui muốn thấy mồ mà có con-ma nào để ý tới đâu?
    Thím Mùi cười nhạt:
    - Tui thấy nhiều bà cu-ki còn ngon lành lắm. Nhưng chắc mấy bả nghĩ các anh, sáng xỉnh, chiều say, tối thì ngáy khò khò. Nên mấy bả ớn mà không dám nhào vô chớ gì !
    Chú Tí tiếp:
    - Thà nhậu cho sướng đời và quên hết sự đời thím ơi ! Có đàn bà làm chi cho lộn xộn.
    Chú Dậu nãy giờ ngồi im lìm nhậu và nhắm món cà-ri, bỗng nghe thím Mùi và chú Tí đối đáp, chú thấy hơi sái tai nên chú ngẩng cổ lên tháp tùng vô vài câu:
    - Tui nói thiệt với thím Mùi nghe. Tuổi tui thì quá sáu mươi cũng sắp sửa vào hàng bảy chục rồi. Nhưng nếu chọn giữa đàn bà và rượu thì tui chọn rượu cho xong. Thím biết không? Hồi bà-nhà tui hấp hối sắp lìa đời mà cũng còn ghen, bả thì thào căn dặn: ‘’Ông cứ tiếp tục nhậu, chớ đừng có bà khác ngoài tui nghe ông ! Nếu mà ông lộn xộn là tui về tui bẻ cổ chết hết đó...’’. Vì vậy mấy năm nay bả đi chầu Ngọc-Hoàng Thượng-Đế mà tui không dám nhìn ai ráo trọi đó thím à !
    Thím Mùi trề môi:
    - Ối, tại anh sợ bị ràng buộc, hoặc sợ không nuôi người ta nổi. Chớ sức mấy mà anh sợ chị...
    Chú Dậu run run đầu gối cười và nói:
    - Thím nói cũng có lý phần nào. Sự thật tui cũng ngán mấy bà. Thời buổi bây giờ các bà đua đòi lắm. Kệ, tui ở cu-ki, lâu lâu con cháu về thăm cũng vui nhà rồi.
    Thím Mùi trở bộ ngồi:
    - Ừa, anh có con cháu đông thì ở vậy cũng được. Còn anh Tí ! Sao không chịu kiếm một bà cho hủ hỉ?
    Chú Tí thân gầy ốm, mà lại nhỏ con lùn xịt, cao cỡ một thước rưởi. Chú nghe thím Mùi hỏi, chú rút cổ, lắc đầu và nói:
    - Thầy Tử-Vi và mấy ông Tướng-số, họ đều nói số tui là số cô độc suốt đời, nên tìm kiếm làm chi cho mệt thím.
    Bác Dương xoay qua nói lớn:
    - Thôi. Trời đất ơi ! Sao mà cứ nói lạc đề hoài. Còn cái chuyện mở quán của tui đưa ra sao không nói nữa?
    Chú Mùi cười cười rồi với tay lấy chai rượu châm thêm mấy ly và nói với Bác Dương:
    - Nhậu, nhậu thêm chút nữa đi anh Dương. Xem như nhà-tui và tui bằng lòng rồi. Vậy anh định chừng nào mình mở tiệm được đây?
    Bác Dương dịu giọng:
    - Thì trước hết, mình phải đọc báo tìm tiệm nào rẻ rẻ, đủ với túi tiền của mình mới sang được. Còn mấy tháng nữa là tới Tết rồi. Tìm lẹ lẹ đi. Để nhân dịp Tết chú làm tiệc mừng sáu mươi năm cuộc đời của chú luôn.
    Bác Dương nhìn hết mọi người và nói tiếp:
    - Sao, các anh em nghe tui tính như thế có đúng không?
    Các ông vỗ tay và đồng nói:
    - Nếu kịp khai trương vào đêm giao-thừa là thượng sách. Và cũng để chúc thọ sáu mươi năm cho chú Mùi nó nữa chứ.
    Chú Mùi khoái chí cười ha hả:
    - Thôi, chúng ta cưa hết chai chót này rồi tan hàng hén ! Tui phải ngủ sớm để mai đi tìm báo Áp-Phe xem coi có ai đăng sang quán, sang tiệm nào không nghe anh Dương?
    - Ok ! Chú tìm được thì cho tụi này hay, rồi mình kéo nhau đi coi. Có gì mình hè nhau sửa chữa trang hoàng lại. Mình làm giống mấy quán-cóc bên nhà nha !
    - Anh đừng lo. Tui có quen một đám bốn năm chú em mà người ta thường gọi là Tứ-Quái - Phát-Tài-Phước-Lộc gì đó. Họ chuyên môn trang hoàng nhà cửa, sửa chữa tiệm tùng, mà cũng là dân ăn nhậu chịu chơi lắm. Coi vậy chứ sức của tụi mình cũng hơi yếu rồi làm không bằng các chú ấy đâu.
    Bác Dương bập bập điếu xì-gà đã tắt ngủm, Bác dụi vào gạt tàn thuốc và đứng lên nói:
    - Ừa, nếu chú muốn mướn họ làm thì cũng được. Thôi, tụi này về nghe chú, thím Mùi !
    
    Sau một ngày mưa gió đi qua. Sáng nay Chủ Nhật, trời trong, mây xanh biếc, nắng thu vàng chói tỏa khắp nơi, tiếng chim hót ríu rít, bay nhảy trên những cây ngô-đồng trơ cành trọi lá. Trong sân vườn chung-cư tiếng trể nít cười giỡn ồn-ào vui nhộn.
    Đã hơn mười giờ rồi mà chú Mùi vẫn còn ngáy khò khò trong phòng. Còn thím Mùi thì dậy trước, thím đang rửa chén bát. Có tiếng nhận chuông, làm chú Mùi giựt mình thức dậy. Chú réo vợ:
    - Bà ơi ! Có ai nhận chuông kìa.
    - Ông ra mở cửa dùm coi. Tui đang lỡ tay.
    Chú Mùi mắt nhắm, mắt mở, xỏ đôi giép đi lệch-bệch ra mở cửa, chú thấy Hòa, cậu con trai lớn về, chú vui lên và nói lớn:
    - Thằng Hòa bà ơi ! Vô đi con.
    Hòa vui vẻ:
    - Thưa ba, con mới về. Má đâu rồi ba?
    - Má con ở sau bếp. Uống cà-phê chưa con?
    - Dạ, con uống rồi.
    - Con ở đây, ba vô nhà tắm chút nha !
    Thím Mùi vừa rửa chén xong, thím đi lên ngồi salon và nói với con:
    - Lát nữa ba con muốn đi kiếm tờ báo Áp-phe để coi có ai sang tiệm. Sẵn đó, mình đi ăn phở Au Vieux-Sàigòn luôn nghe con. Còn thằng Hiệp con có gặp nó thường không?
    - Con có lấy tờ Áp-Phe cho ba, má nè. Còn thằng Hiệp thì ít khi con gặp nó lắm má ơi !
    - Nghe nói nó có bồ rồi phải không? Còn con có cô nào vừa ý chưa? Chút nữa đưa tờ báo cho ba mầy đọc. Vậy là ổng khỏi cần đi kiếm xin.
    Chú Mùi đánh răng, rửa mặt xong rồi vô phòng thay đồ. Chú bước ra, bất chợt nghe vợ hỏi chuyện riêng tư của các con, chú liền nói:
    - Bà cứ tò mò hoài mấy chuyện của tụi nhỏ. Kệ tụi nó. Hễ chừng nào tụi nó cưới vợ thì mời mình tham dự... Đưa tờ báo cho ba coi.
    Hòa đưa tờ báo cho cha và có ý bênh vực mẹ, cậu nói:
    - Má hỏi cũng đúng. Đâu có gì tò mò ba !
    Cà-phê để sẵn trên bàn, chú Mùi đến rót vào tách, và hỏi con:
    - Uống cà-phê thêm không con?
    - Dạ, Không. Con cám ơn ba.
    - Nè, chút nữa con có rảnh không?
    - Chi vậy ba?
    - Để ba đọc báo dò xem coi có tiệm nào sang. Rồi hai cha con mình đi xem nha !
    - Cần gì đi ba. Nếu có đăng, thì ba cứ ở nhà điện thoại hỏi.
    - Ừa, hỏi nếu được mình đi xem, rồi ghé quán Huế ở đại lộ Choisy ăn bún-bò-Huế luôn.
    Thím Mùi đang lau chùi sơ sơ bàn ghế và hỏi vói:
    - Bữa nay không ăn phở hả?
    - Thôi. Lại quán Huế ăn, rồi sẵn đó ghé tạt qua văn phòng địa-ốc Thế Giới của ông Phùng coi có sang bán tiệm nào không. Chớ xem báo cũng chưa đủ đâu bà ơi !
    Hòa nhìn cha, nhìn mẹ và nói:
    - Con về thăm ba má, chút nữa con phải đi. Vì con có hẹn với bạn...
    Chú Mùi cười:
    - Hẹn với đào phải không?
    - Dạ, dạ...
    - Ba đoán là trúng bóc ! Con điện thoại nói với cô ấy, là ba má mời cô đi ăn trưa ở quán Huế.
    Hòa lừng khừng... Thím Mùi nói vô:
    - Con mời đi. Sẵn cho ba ma biết mặt cô ấy luôn. ờ, mà Việt Nam hay đầm Tây vậy con?
    - Dạ, Việt Nam !
    Chú Mùi vui cười và làm bộ lên giọng làm tàng:
    - Sức mấy mà thằng Hòa chịu đầm. Có thể thằng Hiệp đó !
    Thím Mùi lắc đầu:
    - Việt hay đầm cũng chẳng sao. Con, con gọi điện thoại cho bạn con đi.
    Hòa lấy điện thoại cầm tay ra bấm gọi:
    - A-lô ! Hồng đó hả? Xuống quận 13 ăn bún-bò-Huế với ba má anh không?
    - Hồng ngại quá anh Hòa ơi !
    - Ba má anh dễ chịu lắm, đừng lo !
    Hồng đã đến quận 13 rồi. Cô đang vô Chợ-Lớn (Big-Store) mua rau cải. Cô nghĩ: ‘’Anh Hòa này thiệt. Khi không bắt người ta đi ăn chung với ba má ảnh. Thiệt là kỳ ghê !’’. Tuy Hồng nghĩ thế nhưng cô cũng nhận lời:
    - Được. Mà mấy giờ?
    - Mười hai giờ rưởi nha.
    - Ok !
    Hòa cúp điện thoại, quay sang nói với cha mẹ:
    - Bạn con chịu đi ăn chung rồi.
    Chú Mùi cười thỏa mãn và nói với vợ:
    - Thằng Hòa, nó chịu cho mình gặp bạn gái của nó là mình sắp có dâu rồi đó bà. Bà vô sửa soạn một chút cho tôi coi. Bà thấy tui tươm tất không?
    Thím Mùi trên gương mặt hiện nét vui và nói:
    - Ừa, thì từ từ, tui thay đồ, chớ cái gì dữ vậy ông !
    Trong khi chờ đợi thím Mùi sửa soạn. Chú Mùi xem sơ tờ Áp-Phe, thấy chẳng có tiệm nào được. Chú bảo vợ và con đi ra quán Huế. Đến nơi, Hồng đã đứng đợi rồi. Hòa giới thiệu Hồng cho cha mẹ. Tất cả vui vẻ ngồi vào bàn, họ đều lựa món bún-bò-Huế. Hòa và Hồng uống nước dừa. Thím Mùi thì uống nước lạnh, còn chú Mùi gọi cà-phê đá. Ăn, uống, trả tiền xong, họ đi tà tà qua văn phòng Địa-ốc của ông Phụng.
    Ông Phụng miệng tươi cười và rất vui vẻ tiếp khách. Ông ngồi nghe chú Mùi nói. Ông biết khách muốn tìm tiệm để sang, ông liền giới thiệu một tiệm nho nhỏ, cỡ ba chục chỗ ngồi, nằm ngay góc đường Caillaux và đại-lộ Italie Paris, quận 13. Họ sang lại hơn ba chục ngàn ơ-rô, tiền nhà khoảng bốn trăm mỗi tháng. Chú Mùi thấy khoái quá liền gọi điện thoại kêu Bác Dương ra để đi xem chung.
    Bác Dương đi bộ ra quán Huế. Họ cùng nhau thả bộ đi xem tiệm. Vừa thấy tiệm là Bác Dương bằng lòng liền, và hẹn hôm sau đi ký giấy đặt cọc. Người ta hứa hai tháng sau mới giao tiệm.
    
    Hai tháng qua mau. Thêm một mùa thu tàn đi. Gia đình chú Mùi vẫn vui tươi với những người bạn thân tình hằng tuần. Trời đã sang đông buốt lạnh, thỉnh thoảng có tuyết rơi nhẹ, ngoài đường ướt át hơi trơn trợt, người ta đã mặc áo măn-tô, chân mang giày bốt. Các cửa tiệm lớn nhỏ từ ngoài đường đến trong những trung tâm thương mãi lớn đều trang hoàng đèn đuốt sáng chang, rực rở, chớp tắt trên những cây sa-pin đứng sừng sững ngoài hành lang để chào đón khách mua sắm cho lễ Giáng-sinh và tết Dương-lịch.
    Riêng trong nhà của chú Mùi thì từ ngày hai con chú đã lớn thì chú, thím không chưng cây sa-pin nữa. Mà chỉ tụ họp với bạn bè nhậu nhẹt cuối tuần như thường lệ.
    
    Giáng-sinh và Tết Dương-lịch đã trôi qua. Bác Dương và chú Mùi hẹn nhau đi Chưởng-khế (Notaire) để ký giấy lấy tiệm. Ký xong, chú Mùi mời bạn bè lại nhà làm một bữa tiệc ăn mừng, và bàn việc đặt tên cho tiệm. Bác Dương sung sướng cười khà khà và nói:
    - Ối, đặt tên tiệm nên lấy bảng hiệu là ‘’Cà-Ri-Dê - Quán Chú Mùi’’. Khách mà không đến đông chặt đầu tui đi.
    Chú Mùi nghe đã tai. Chú liền ra đàng sau lấy chai Champagne lên khui và cho nổ cái bốp. Tiếng vỗ tay cười vui như hội Tết...
    
    Sau khi bác Dương và chú Mùi ký giấy tờ lấy tiệm xong, chú Mùi đi đăng quảng cáo trên báo Áp-Phe cùng ra thông báo. Nếu ai tuổi Mùi (con dê) sẽ được bớt 20% trong vòng một tháng, bất luận nam hay nữ. Rồi chú Mùi liên lạc băng ‘’Phát-Tài-Phước-Lộc’’, để họ đến trang hoàng, sơn phếp và gắn bảng hiệu. Bác Dương muốn các cậu trang hoàng theo lối mấy ‘’Quán-Cóc’’ Việt Nam quê mình. Bác cũng là tay biết sơ sơ cách trang hoàng. Bác nói:
    - Nè, xin các chú cho tui góp ý kiến cách trang hoàng nhà hàng coi có hợp gu với các chú không nha?
    Phát là ‘’sếp’’ sòng hãng thầu D. R. Cậu lễ phép trả lời:
    - Dạ, thưa bác Dương ! Chúng cháu rất hân hạnh được bác cho ý kiến.
    Ánh mắt bác Dương tươi lên, miệng bác bập bập điếu xì-gà đã tắt ngũm. Bác đưa tay lấy điếu thuốc ra và nói:
    - Đây là ý riêng của tui. Nếu các chú thấy được thì thực hành. Còn không thì tùy ý các chú.
    Phát xoa hai bàn tay:
    - Dạ, xin bác cứ chỉ dạy.
    - Các chú biết không? Mình trộn xi-măng với cỏ khô rồi đắp lên tường làm như vách bùn trộn rơm, theo kiểu nhà nghèo miệt bưng biền. Bên trong dựng những cây cột bằng ống tre nhân tạo, bàn ghế sơn màu xam xám làm như cũ kỷ vậy. Các chú thấy có được không? Còn chén, dĩa, tô, tộ để chúng tui lo. Tui thích những thứ đó bằng đá sành thô sơ, đủa tre, muỗng thiếc...
    Phát gật đầu:
    - Ý kiến của bác thật là tuyệt mỹ.
    Bác Dương khoái chí, miệng cười toe toét.
    
    Báo quảng cáo Áp-Phe ra số tất niên. Ông chủ báo vừa đi ngang quán nhậu ‘’Hai Hợi’’ liệng vô vài chục tờ báo. Cô Vân ghé ngang uống cà-phê bèn huơ tờ báo đọc thấy có nhà hàng sắp khai trương. Không để lỡ cơ hội, chừng mười phút sau, cô liền ghé qua ‘’Quán Chú Mùi’’. Vì cô chuyên môn bỏ rượu, bia, nước ngọt cho các nhà hàng Á-Châu trong Paris. Cô giới thiệu những loại rượu vin trung bình giá phải chăng, điều kiện dễ dàng trả góp. Chú Mùi và bác Dương nghe qua những điều kiện, cả hai đều bằng lòng và cồm-măng liền.
    (......)
    Trong vòng ba tuần lễ trang hoàng, sửa chữa và thượng bảng hiệu đàng hoàng. Rượu vin, bia, Champagne, nước ngọt đã giao xong. Sáng 29 Tết, chú Mùi đi lên Porte de la Chappelle khiêng 5, 6 con dê tơ. Mỗi con khoảng 9, 10 ký-lô, đem về xẻ thịt, ướp trước. Đến sáng 30 Tết, chú đến nhà hàng lo nấu nướng, mùi cà-ri bay ra thơm phức cả xóm. Còn thím Mùi thì lo đi mua hoa-quả, bánh tét, bánh chưng, bánh ích và nhiều thứ mức cho ba ngày Tết.
    Đêm đón giao-thừa, mừng xuân ở miền ‘’Tây-Phương-Cực-Lạc’’ này. Cũng may thay ! Ngoài trời ít lạnh, tuyết không rơi như những năm trước. Nhà hàng Cà-Ri-Dê - Quán Chú Mùi tưng bừng khai trương. Có mặt đầy đủ hai gia đình chú Mùi và bác Dương. Đương nhiên là không thể vắng mặt các chú ; Tí, Sửu, Dậu và rất đông đảo bạn bè, quan khách đến tham dự chật cứng nhà hàng. Họ tặng những chậu hoa, bó hoa lớn có gắn những tấm băng-đờ-rôn với những lời chúc tốt lành: may mắn, phát-tài, phát-đạt... Họ ăn nhậu, nói cười, và đôi khi còn ca hát, ngâm nga. Kẻ say, người xỉnh. Thật vui nhộn... đến ba bốn giờ sáng mới ra về...
    
    Chiều mùng 4 Tết, mới có 4, 5 giờ mà mặt trời đã chìm lặn dưới chân đồi ! Ngoài trời lạnh teo-ruột, tuyết rơi trắng xóa khắp nơi. Trong trung-tâm thương-mại Oslo-Olympiades Paris 13, người ta đi chợ mua sắm khá đông đảo. Trong đám đông đó có hai anh Ba Lèo và Tám Hứa ăn mặc đơn sơ nhưng sạch sẽ đang phùng mang trợn mắt, múa tay múa chân. Chắc hai anh ăn uống, nhậu nhẹt ở đâu đã đời nên coi mòi say sưa sướt mướt. Hai anh choàng vai nhau, nói chuyện lè nhè, cặp kè đi xàng qua xàng lại. Anh Ba Lèo trong đầu nghe vui vui rồi nhơ nhớ bài thơ ‘’Say’’ của Thi-sĩ Tản Đà. Anh nổi hứng đứng lại, rồi giả giọng nói như đại danh Hề Tùng Lâm:
    - Ê, Hứa ! Mầy muốn, Lèo này ngâm thơ không?
    - Muốn chớ. Mày ngâm lên đi... Ý, ý, mà ngâm thơ đâu giữa đường vậy cha !
    - Không có sao hết, chẳng chết thằng Tây-Tàu nào cả. Mầy lắng tai nghe nha:
    ‘’Đêm xuân một trận nô cười
    Dưới đèn chẳng biết là người hay hoa
    Khi vui quên cả cái già
    Khi say chẳng rốc giang hà cùng say.’’
    Tám Hứa khoác tay: - Mấy câu sau để tao phụ họa:
    ‘’Kiếp say sưa đã chấm sổ thiên đình.
    Càng đắm sắc mê thinh càng mải miết.
    Say lắm vẻ: say mê, say mệt, say nhừ, say tít !
    Trong làng say ai biết nhất ai say?’’
    Ba Lèo đưa tay bụm miệng Tám Hứa: - Để tao tiếp hơi mầy:
    ‘’Mảnh hình hài quen giả trá xưa nay,
    Chúng sanh tướng, lúc này coi mới hiện
    Thôi xếp cả nguyệt hoa, hoa nguyệt,
    Cảnh bồng lai trải biết gọi làm duyên.
    ’’
    ...
    Hai anh vừa đi vừa thay phiên nhau ngâm thơ, rồi cả hai cười hắc hắc, làm những khách bộ hành đứng lại cũng mắc tức cười. Hai anh xem như giữa đời này chỉ có riêng hai anh mà thôi. Bất chợt Ba Lèo đứng khựng lại nữa, và hỏi: - Ê, Hứa ! Tao hỏi mầy cái này !
    - Hả ! Cái gì nữa đây?
    - Thêm vài câu thơ cho vui.
    - Lại thơ-thẩn. Rồi, ngâm đi cha nội ơi !
    - Mầy nghe tao hỏi đây:
    ‘’Kính thưa, kính gởi, kính mời,
    Trong 3 thứ kính, mầy xơi kính nào?’’
    Tám Hứa, tuy say mà ráng làm tĩnh, vỗ vai Ba Lèo:
    - Ối, dễ ợt ! Để tao đối đáp cho mầy nghe.
    Anh vung vai, nhướng mắt, vuốt râu mép, lấy hơi ngâm theo điệu ‘’Lục-Vân-Tiên’’ bằng một giọng nhừa nhựa giống y như đại danh Hề Thanh Việt của chúng ta:
    ‘’Kính thưa là chuyện tào lao
    Mầy đưa kính gởi đây tao mang về,
    Kính mời, tao cũng chẳng chê
    Đừng quên tao thích lẩu dê nghen mầy !’’.
    Ba Lèo nghe đến ‘’lẩu dê’’. Anh nhướng hai con mắt lé xẹ. Một con trợt qua phía Bắc, một con nhìn về phía Nam, anh cười khoái chí:
    - Mầy nhắc lẩu dê, tao mới sực nhớ... Ở ‘’Quán Chú Mùi’’. Hôm bữa khai trương, ngay đêm giao-thừa có món cà-ri-dê hết xẩy con cào-cào. Mà tao nghe loáng thoáng chú Mùi nói, ra Tết chú sẽ có món ngọc-sơn-dương hầm thuốc Bắc hay nướng ngủ-vị-hương gì đó... Ha ha, ăn cho nổ con... con... con...
    Tám Hứa cướp lời:
    - Con gì? Sao mầy cà-lăm hả thằng quỉ?
    - Con... con... con mắt... khà khà.
    Tám Hứa nhăn mặt, liền hỏi:
    - Tao tưởng nổ cái gì khác. Tưởng mầy nói tục-tiểu chớ.
    Anh Ba Lèo xỏ cánh tay, nghéo Tám Hứa, vừa đi vừa nói:
    - Ở đây chỉ có tao với mầy. Nếu mình có nói tiếu-lâm, tục-tiểu cũng không có ai nghe đâu mà sợ.
    Tám Hứa lắc đầu:
    - Người ta đầy đường mà mầy nói chỉ có hai đứa mình... Chắc mầy say quắc cần-câu rồi. Nè, mầy say đủ chưa?
    - Hứ ! Say đâu mà say. Nhậu hết đêm nay chưa thắm gì. Mà mầy hỏi để làm chi vậy?
    - Mình băng qua ‘’Quán Chú Mùi’’. Coi bữa nay chú có nấu món lẩu-dê và ngọc-sơn-dương không nha !
    Ba Lèo gục gật đầu, rồi khoác tay, nói:
    - Khoang. Để tao kêu thằng Bảy Gàn coi nó có nhà không. Có nó sẽ rậm đám thêm.
    - Ê, mầy gọi luôn Năm Bướng nữa chứ?
    - Thì từ từ... Ý, mà không được đâu mầy ơi !
    - Tại sao không?
    - Thằng quỉ Năm Bướng, nó hay cãi vã và ồn ào lắm... Theo tao thấy, mầy nên gọi anh Hoành hay Tỷ tốt hơn.
    - Ừa, để tao gọi luôn. Ối, mà có ồn ào mới vui chớ !
    - Theo tao biết, chú-thím Mùi dể chịu, chớ Lão già Dương khó tánh lắm nha.
    - Không sao đâu. Mầy đừng ngán ổng.
    - Tùy mầy. Chớ tao thì hơi ớn ớn Lão.
    - Bác Dương, Người có tuổi cao, nhưng hảo ngọt lắm. Lại đó, tụi mình lễ phép, kính nễ. Theo tao thì mình cứ ‘’kính lão đắc thọ’’. Và mời bác nốc vài ba ly Cognac thì bác ngồi ngáy khò khò liền tì tèo hà.
    - Mầy rành Lão hả?... Ê ! Mà mầy có biết chị Út-Mập không? Nghe đâu, chỉ phụ việc ở đàng đó. Đôi khi chị ta lên-cơn-đồng-bóng, bói bài, giảng Tử-vi nữa. Mày biết không?
    - Không... Ý... Ủa, lúc này chỉ làm thầy bói rồi sao? Bộ mầy ưa chỉ hả?
    Ba Lèo cười cười, gải đầu:
    - Cũng có thể ! Tuổi nàng cỡ tụi mình.
    - Chị Út tâm tánh rất vui vẻ.
    - Chỉ nhậu ba-sợi là chỉ coi bói, xem quẻ trúng lắm !
    - Chỉ bói mầy lần nào chưa?
    - Chưa !
    - Tao tưởng... Nè, nếu chừng nào mày gặp cảnh buồn khổ, Út-Mập xem cho mầy một quẻ là mầy hết buồn liền... hà hà... Ý, mà chỉ còn hát ca, ngâm thơ và nói tiếu-lâm, mầy sẽ cười chết luôn.
    - Tao khoái loại đàn bà vui tánh. Chớ mấy bà chằng-tinh là tao chạy tét... Mày biết không?
    - Không.
    - Để tao nói cho mà nghe. Thường thì mấy cha nội nhậu say, rồi về nhà bị vợ bố, nên các cha làm bộ vã lã ngâm nga câu này:‘’Có chồng say như trong chai ngoài bội. Ngó vô nhà như hội Tầm-dương’’. Còn tao thì thích có vợ say say - xỉnh xỉnh cho vui cửa, vui nhà... hì hì.
    - Thôi, dẹp chuyện đàn bà qua một bên đi.
    - Rồi, dẹp thì dẹp. Bây giờ mầy gọi thằng Gàn, Bướng, Hoành, Tỷ gì đó đi.
    - Tao gọi anh Tỷ, anh Hoành. Còn Gàn, Bướng để hôm khác hén !
    - Ừa, cũng lượt, cũng lượt ha ha... Biết đâu, tụi nó cũng đến đó nhậu như tụi mình !
    - Tới đó rồi sẽ hay. Cha, anh Hoành, anh Tỷ chưa có mặt mà mầy nháy giọng... Tàu rồi.
    - Thì lâu lâu A-nam-mít chuyển giọng... cho vui có sao đâu !
    Anh Tám Hứa móc trong túi áo măng-tô ra cái điện thoại cầm tay và bấm số...:
    -... A-lô ! Anh Tỷ đó hả?
    - Ừa, ngộ lây. Ủa, thằng nào ló dậy?
    - Tám Hứa với Ba Lèo đây. Năm mới, hai đứa tụi này xin chúc anh và gia đình mạnh khỏe, vui vẻ và mầng ăn phát đạt - thịnh vượng. Sao, anh phát tài chưa?
    - Hà hà, ngộ cũng chúc các chú em dàu có... Ngộ phát tài chút chút dồi. Còn nị. Nị có thử thời dận dì chưa?
    - Thời vận gì?
    - Thì ba ngày Tết, cờ bạc chút chút coi năm mới hen xui, may dủi da xao ! Ngộ quánh bầu-cua-cá-cọp dà binh xập-xám-chướng mấy bữa Tết. Ngộ ăn lượt mấy chăm ô-dô. Ngộ lịnh li kiếm các chú mời ăn nhậu chơi. Không ngờ các chú gọi ngộ. Các chú lang ỉa lâu dậy?
    - Tụi này sắp sữa đi lại ‘’Quán Chú Mùi’’.
    - ‘’Quán Chú Mùi’’ hễ? Lượt lượt. Lại ló, dồi ỉa ló chờ ngộ, lể ngộ kêu thằng Hoành li chơi luôn.
    - Vậy thì sẽ vui lắm. Hẹn các anh đằng đó hén !
    - Ô-kê ! Ngộ dí thằng Hoành lến liền, lến liền...
    Ngoài đường lạnh cóng, tuyết bắt đầu rơi mỏng như màn lụa trắng từ trên trời buông rũ xuống. Tám Hứa và Ba Lèo cặp-kè đi xàng qua xàng lại, tay huơ, chân đá. Còn miệng thì nói cười vui vẻ, hớn hở, như vừa được trúng Lô-Tô độc-đắc vậy...

Kết Thúc (END)
Việt Dương Nhân
» Quán Chú Mùi
» Như Cánh Tuyết Rơi
» Vầng Trăng Khuyết
» Phận Nghèo
» Tình Thắm Đêm Xuân
» Đàn Chim Việt
» Bóng Mờ Dĩ Vãng
» Lá Vàng Lóng lánh
» Ai Khổ Hơn Ai
» Tay Cắt Tay Bao Nở
» Âm Thầm
» Mặt Trời Vẫn Lên
» Hoa Tuyết Đêm Xuân
» Lá Rơi Về Cội
» Niềm Tin
» Vẫn Chưa Muộn Màng
» Gọi Nắng Xuân
» Ơn Đền, Oán Xả
» Nhờ Tin Có Ông Trời
» Xóa Hận Thù Riêng
» Kiếp Bơ Vơ
» Tâm Như Đất
» Vầng Trăng Của Mẹ
» Nguyệt Hạ
» Ngoại Tình