Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Hôn Nhân Đầu Tiên Của Tôi Tác Giả: Ruth Prawer Jhabvala    
    Hôn nhân đầu tiên của tôi
    Ruth Prawer Jhabvala
    Tuần trước Rahul tuyệt thực. Anh không phải nhịn lâu, gia đình của anh đã hoảng sợ (anh là quí tử duy nhất) và đến ngày thứ hai thì họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để chiều theo ý anh, kể cả việc cho phép anh lấy tôi. Vì thế anh đã ăn một bữa no nê rồi đến kể cho tôi nghe thành tích này. Thấy anh thật sự hãnh diện và sung sướng nên tôi cũng giả vờ sung sướng theo. Bây giờ thì cha anh và cha tôi đã thân mật trở lại. Hai cụ lại ngồi trong phòng làm việc của cha ở dưới lầu và kể nhau nghe những ngày du học của hai cụ bên Anh. Mẹ của anh cũng thăm viếng, và ngày hôm qua, Kamla, người chị đã lấy chồng của anh đã ghé thăm tôi. Lần sau cùng tôi gặp Kamla là hôm chị nói cho tôi nghe tất cả những điều ấy trên ban - công nhà chị, nhưng bây giờ cả chị lẫn tôi đều hình như không còn nhớ gì về những điều đó. Ngược lại chúng tôi nói chuyện vui vẻ về việc chồng chị vừa được lên chức và buổi trưng hoa hàng năm mà chị là người đã được mời tổ chức một cuộc xổ số. Mẹ đi quanh nhà với vẽ tự mãn và lâu lâu ngân nga từng đoạn quốc ca (lạc điệu - mẹ hoàn toàn không có nhạc khiếu). Không còn ai nhắc về M. nữa.
    Ðã hai năm kể từ ngày anh bỏ đi. Tôi không biết anh ở đâu hoặc đang làm gì. Có lẽ anh đang ngồi thiền ở một nơi nào đó trong dãy Himalayas, hoặc lang thang trên bờ Ganges trong chiếc cà - sa màu cam, tay cầm một cái bát ăn xin; hoặc có lẽ anh chỉ ở đâu đây bên một tỉnh nhỏ cận kề, đang cố phát hành một tờ báo hoặc thành lập một ngôi trường. Nhiều khi tôi hỏi chính mình: có thể có một người đàn ông như thế? Nhưng đó không phải là một câu hỏi mà tôi cần có câu trả lời.
    Lần đầu tiên tôi gặp M. , tôi đang chuẩn bị đi đánh tennis với Rahul. Tôi chỉ nhìn phớt anh - anh chỉ là một trong số những người đến tìm cha. Nhưng anh trở lại nhiều lần và tôi nghe cha nói: “Cái cậu ấy vô tích sự. ” “Dĩ nhiên rồi, ” Mẹ thêm vào bằng một giọng châm chĩa, “ai hỏi mà mình không nhận lời. ” Cha có dáng vẻ bẽn lẽn: thật thế, khi có người cậy xin cha giúp đỡ, ít khi cha từ chối. Cha làm Giám Ðốc Bộ Giáo Dục, và vì đó là một chức vụ quan trọng, nơi văn phòng của cha và ngay cả tại nhà tôi thường có nhiều người tới lui để nhờ vả ông. Thường thì cha chẳng giúp đỡ được gì cho họ, nhưng vì tính cha rất tốt và lịch sự với họ nên họ cứ tiếp tục đến. Rồi thì mẹ tôi thường hay can thiệp vào.
    Một hôm, khi tôi vừa chuẩn bị tới nhà Rahul, tôi nghe tiếng mẹ oang oang ngoài cửa văn phòng làm việc của cha: “Ông Giám Ðốc là một người bận nhiều việc! ” mẹ hét. Mẹ đứng, lưng mẹ đối diện cánh cửa và hai tay mẹ dang rộng ra; M. đứng trước mặt mẹ, đầu anh hơi cúi. Mẹ nói: “Ngày nào cậu cũng tới làm phiền nhà tôi! ”.
    Tôi cảm thấy xấu hổ khi nghe mẹ lớn tiếng với thiên hạ nên tôi vội vã lẻn đi. Nhưng khi tôi đang đi xuống đường, anh bổng nhiên xuất hiện ở đằng sau tôi. Anh hỏi: “Sao cô đi nhanh thế? ”
    Tôi im lặng. Tôi thấy việc anh nói chuyện với tôi là một điều vô cùng bất lịch sự.
    “Cô đang chạy trốn, ” anh nói.
    Rồi không hiểu tại sao tôi phải bật cười: “Trốn cái gì? ”
    “Thực Tế, ” anh nói, giọng anh nghiêm trang đến mức làm tôi phải kính nể và đứng im ở giữa đường nhìn anh.
    Trông anh không còn trẻ - còn trẻ như tôi hoặc Rahul. Tóc anh đã bắt đầu bạc và mắt anh đã có những nếp nhăn. Nhưng đôi mắt của anh, mắt của anh tràn đầy sự hiểu biết và kinh nghiệm! Và anh đang nhìn tôi bằng đôi mắt ấy. Bổng nhiên tôi không diễn tả được cảm giác của tôi.
    Anh nói anh muốn cha mở một ban học mới trong trường đại học. Ban đức dục. Anh giải thích chi tiết ban học này cho tôi nghe và chúng tôi đứng im giữa đường. Ðôi mắt anh rực rỡ. Tôi hiểu ngay; dĩ nhiên là tôi không hiểu hết tất cả - tôi không phải là một người thông minh như anh - nhưng tôi hiểu điều anh nói quan trọng và cao cả. Những điều anh nói mang nhiều ý nghĩ mới, làm thay đổi cuộc đời. Tôi bắt đầu thấy rằng tôi đã sống sai lạc vì tôi đã lớn lên qua sự dạy dỗ để suy nghĩ sai lạc. Những gì tôi, cha, mẹ, Rahul và tất cả mọi người cho là quan trọng, đều không quan trọng: đó chỉ là những việc tầm thường của đời sống mà chúng ta đã bị lôi cuốn vào. Ðó là lần đầu tiên tôi được nghe một người giải thích cho tôi nghe về bản chất thực tế. Tôi hứa sẽ giúp anh và sẽ nói chuyện với cha. Tôi rất xôn xao và luôn nghĩ ngợi về những gì anh đã nói và cách anh thể hiện những lời nói đó.
    Anh thường gọi điện thoại. Tôi đợi điện thoại của anh và tôi trở nên sốt ruột và day dứt cho đến khi anh gọi. Nhưng đồng thời tôi cũng hơi xấu hổ khi nói chuyện với anh vì tôi không thể nói cho anh biết tôi đã thành công. Tôi đã nói chuyện với cha nhiều lần. Tôi nói: “Nền giáo dục sẽ chẳng dẫn đến đâu nếu không có một nền đạo lý bền vững. ”
    “Con gái của cha bắt đầu biết suy tư rồi đó. ” Cha nói và mỉm cười và có vẽ hài lòng vì thấy tôi bắt đầu chú ý đến những tư tưởng cao xiêu.
    Mẹ nói: “Ðừng có nói nhiều; còn con gái mà nói nhiều chỉ vô duyên. ”
    Khi nhận điện thoại của M. , tôi chỉ có thể nói: “Em đang cố gắng. ”
    “Chưa đủ! ” anh nói; giọng hằn học. “Em chỉ ham mê tennis và những thú vui riêng. ”
    Anh nói đúng - tôi thường đi đánh tennis, và bây giờ khi việc thi cữ đã xong, tôi thường lui tới Câu Lạc Bộ và đi coi phim và đọc tiểu thuyết. Khi anh nói, tôi mới biết những điều đó thật không tốt; cho nên mỗi khi nói chuyện qua điện thoại với anh xong là tôi suy nghĩ nhiều giờ sau đó. Khi Rahul tới đón tôi đi đánh tennis, tôi nói rằng tôi bị nhức đầu.
    Nhưng tôi cố giải thích với Rahul. Anh chăm chú lắng nghe; Rahul chăm chú lắng nghe bất cứ những gì tôi nói. Anh trở nên nghiêm trang, và đôi mắt của anh, đã to tròn, lại càng to tròn. Lúc ấy trông anh thật dễ thương, như lúc anh còn bé. Tôi nhớ Rahul lúc anh còn bé vì chúng tôi luôn chơi thân với nhau. Cha anh và cha tôi là đôi bạn thân, thân như anh em. Vì thế, Rahul và tôi cùng lớn lên với nhau, và sau đó thì gia đình anh và gia đình tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ lấy nhau. Mọi người đều vui: cả tôi và Rahul. Chúng tôi sắp sửa làm đám cưới vì cả hai đứa đã tốt nghiệp đại học và cha Rahul đã kiếm cho anh một công việc tốt, có nhiều triển vọng trong một cơ sở thương mãi.
    “Rahul có thấy không, mình ở nhà đẹp, có quần áo đẹp, được học hành tốt và cái gì mình cũng không thiếu, nhưng đồng thời mình không biết thực tế là gì. ”
    Rahul hơi nhíu mày, một thói quen mỗi khi anh làm bài toán khó; nhưng rồi anh gật đầu và nhìn tôi bằng đôi mắt to tròn dễ thương của anh và sẵn sàng nghe bất cứ những gì mà tôi sẽ nói tiếp cho anh nghe. Rahul có đôi gò má rất mịn và hồng hồng do sức khoẻ tốt.
    Một hôm M. gọi và bảo tôi đi gặp anh. Ban đầu tôi cố từ chối, nhưng tôi biết thật ra tôi muốn đi. Anh hẹn tôi ở một cái quán cà phê mà tôi chưa bao giờ đến, và tôi cảm thấy thẹn khi tôi bước vào đấy - nơi đó toàn là đàn ông và không có con gái. Ai cũng nhìn tôi; có vài người có thể họ là sinh viên cùng trường và có lẽ họ biết tôi. Bên trong quán thật ồn ào, đầy ngợp khói thuốc và mùi bánh rán và chutney. Khăn trải bàn thì dơ bẩn và y phục của những người bồi bàn cũng thế. Nhưng anh có mặt ở đó và đang chờ đợi tôi. Ðã nhiều lần tôi cố gợi lại khuôn mặt của anh nhưng tôi không nhớ: bây giờ thì tôi thấy - vâng, như thế, như thế đó, tôi khóc thầm. Khuôn mặt của anh như thế đó. Làm sao tôi có thể quên!
    Rồi tôi bắt đầu gặp anh mỗi ngày. Có lúc thì chúng tôi hẹn nhau trong cái quán cà phê ấy, có lúc thì tại một khu công viên nhỏ, nơi có cái xích đu đã gãy và một bia đá mà những người công chức thường ra ngồi và giở tráp ăn trưa. Lúc đó đã cuối mùa đông và bầu trời xanh nhạt với những tuyến trắng li ti. Mặt trời bắt đầu ấm áp trở lại. Những cây leo màu đỏ thắm bò khắp bia mộ và những con chim vẹt màu xanh bay lượn đó đây. Khi tôi trở về, tôi vào phòng của tôi và nằm trên giường suy nghĩ. Rahul đến chơi thì tôi nói rằng tôi bị nhức đầu. Tôi ít khi để ý tới những gì những người chung quanh tôi nói. Tôi ăn rất ít. Mẹ thường vào phòng của tôi và hỏi: “Hôm nay con đi đâu? ” giọng mẹ ngọt ngào và dịu dàng; những lúc mẹ muốn tọc mạch, mẹ dùng giọng dịu ngọt này. Tôi nói bất cứ điều gì đến trong đầu tôi lúc đó - một người bạn học từ Poona tới và chúng tôi đã đi xem phim - “Phim nào? ” Mẹ hỏi, vẫn bằng giọng ngọt ngào trìu mến và gấp xếp lại những chiếc khăn tay trong ngăn kéo của tôi. Có lúc tôi kể cho mẹ nghe cả truyện phim tôi chưa xem. “ Ngày mai con sẽ gặp lại bạn ấy. ” “Không được, ngày mai mẹ muốn con đi theo mẹ tới thăm dì Meena - "
    Rồi càng này càng khó cho tôi ra khỏi nhà. Mẹ để ý tôi từng phút, và khi mẹ thấy tôi chuẩn bị ra khỏi nhà, mẹ đứng ngay giữa cửa: “Hôm nay cô đi với tôi. ”
    “Con đã thưa với mẹ con phải gặp - "
    “Cô đi với tôi! ”
    Cả mẹ và tôi đều nổi giận và lớn tiếng. Cha từ trong phòng làm việc bước ra.
    Cha nói với mẹ: “Con nó không còn là con nít …”
    Thế là mẹ bắt đầu gây gổ với cha. Tôi nhờ lúc đó mà bỏ chạy ra khỏi nhà. Tôi không quay nhìn lại, mặc dù tôi nghe mẹ gọi tôi.
    Khi tôi kể cho M., anh nói: “ Tốt nhất em nên đi theo anh. ” Và tôi cũng không thấy còn cách nào hơn. Vào những trưa thứ sáu, mẹ đi họp ban Hội Phụ Nữ Ấn - Ðộ, nên đó là lúc tốt nhất. Tôi gom gói tất cả những áo quần và nữ trang vào trong một tấm đra và bước ra khỏi nhà. Faqir Chand, người quản gia, thấy tôi, nhưng ông không nói gì - có lẽ ông nghĩ tôi đưa quần áo đi giặc. M. đứng đợi tôi trong chiếc xe ngựa cạnh nhà bưu điện và anh đỡ tôi lên ngồi cạnh bên anh; chiếc xe ngựa rất cũ và lắc lư; người lái xe cũng già và con ngựa cũng thế. Xe đi rất chậm, đầu tiên ngang sông, qua pháo đài, rồi ngang qua tất cả những khu chợ. Anh và tôi ngồi bên nhau ở đằng sau chiếc xe ngựa. Cái gói đồ của tôi nằm ở chính giữa.
    Chúng tôi có một cái đám cưới thật kỳ lạ. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn buồn cười. Anh có một người bạn chuyên vẽ biển. Người bạn có một cơ sở làm ăn ở bên kia sông. Cơ sở đúng ra chỉ là một cái chòi dự trữ nhưng được trưng trang rất khéo - họ đã quay những tấm biển sát vào tường và treo những chiếc xari của tôi trên những tấm biển. Trên những chiếc xari họ trang bày những vòng hoa. Trông có mỹ thuật vô cùng. Và họ cũng mua thịt ngọt và đậu. Họ đặt những thứ ấy trên một cái bàn dài mà họ đã mượn từ một người thợ mộc. Vài người bạn của anh đến tham dự. Một số đông dân cư sinh sống trong những cái chòi và những túp lều gần đấy cũng đến. Một vị sư đã được mời đến và một ngọn lửa đã được đốt lên. Chúng tôi ngồi trước ngọn lửa nghe vị sư tụng kinh. Tôi cảm thấy nóng vì ngọn lửa và dĩ nhiên vì mặt tôi được xari phủ lấp. Ðó không phải là chiếc xari thích hợp để mặc vào ngày cưới. Ðó là chiếc xari đỏ cũ mà tôi đã mặc hôm mẹ đãi trà cho vợ của những ông giáo sư trong phòng tiếp khách của chúng tôi. Hôm đó mẹ đặt bánh từ hiệu Wenger.
    M. trở nên nóng nảy, anh thúc vị sư: “ Lẹ lẹ một chút! Chúng tôi đã nghe tất cả những điều này rồi. ”
    Vị sư khó chịu và nói: “Ðây là những lời thiêng liêng. ”
    Dưới làn áo, tôi không thể nín cười, mặc dù cùng lúc tôi đã khóc vì tôi nghĩ về cha, Rahul, và mẹ.
    Có một cuộc cãi cọ - bạn anh khuyên anh nên im lặng để vị sư đọc kinh cho đúng cách. M. nổi giận và hét: “Ðám cưới của tôi hay của anh? ”
    Rốt cục thì xong lễ và chúng tôi thành vợ chồng. Mọi người dùng thịt ngọt và đậu, kể cả những người từ ngoài đường lang thang vào, không quen biết với chúng tôi.
    Chúng tôi ở trọ vài ngày với bạn anh. Cạnh bên cơ sở có một cái buồng nhỏ được dựng lên từ những tấm ván. Buổi tối, ở đó, chúng tôi ngủ, cuộn mình trong những tấm chăn. Ban ngày, khi anh bạn vẽ biển, chúng tôi ở một mình trong buồng và không có ai vào quấy rầy. Khi anh ngủ, tôi mãi mê ngồi nhìn; tôi tìm tòi tất cả những nếp nhăn trên mặt anh. Sau khi tôi đã nhìn anh no nê, tôi nhắm mắt và cố hình dung khuôn mặt anh trong tâm trí, và khi tôi mở mắt, kìa, anh nằm đó, khuôn mặt của anh bằng xương bằng thịt, tôi bật khóc vì sung sướng.
    Sau vài ngày chúng tôi đón xe buýt vào Niripat. Chuyến đi dài bốn giờ. Chiếc xe buýt chật ních những người nông phu, những người làm công, và những bà lão tay sách những gói nhỏ cồng kềnh. Có một mùi hôi, mùi của những người nghèo không thể tắm rửa, thay quần áo thường xuyên, và mùi đồ ăn mà những bà lão mang ra ăn từ những cái gói đồ của họ cộng với mùi săng từ xe buýt. Tôi bắt đầu thấy buồn nôn. Tôi thường bị say xe: trước kia khi gia đình tôi lái xe lên Naini Tal nghĩ hè, lúc nào cha cũng dừng xe vài lần cho tôi xuống hóng gió. Mẹ thì cho tôi vài viên kẹo chanh để tôi ngậm và xoa nước hoa vào thái dương của tôi.
    Tại Niripat chúng tôi cư trú với anh họ của M. Họ có căn nhà làm bằng gạch ở ngoài phố. Gia đình của họ rất đông người. Phụ nữ ở một bên, trong đôi buồng nhỏ tối tăm chỉ có rương và giường, và đàn ông thì ở bên kia. Nhưng tôi thì chạy khắp nhà; lúc nào tôi cũng cười, hát. Vào buổi tối tôi ngồi với nhóm đàn ông và nghe họ nói chuyện về tôn giáo, triết lý, và công việc của họ (họ có một nhà xay bột); và vào ban ngày tôi giúp nhóm phụ nữ làm công việc nhà. M. và tôi thường đi dạo và có lúc chúng tôi ra ao tắm. Những người đàn bà trong nhà trêu tôi nhiều vì tôi yêu M. nhiều quá. “Nhưng nhìn hắn kìa, ” họ nói, “người thì đen và tóc! Tóc thì bạc như ông lão! ” Hoặc: “Hắn chỉ là tên vô tích sự - chỉ có nói mà không có làm. ” Tôi giả vờ khó chịu (dĩ nhiên tôi hiểu họ chỉ nói đùa) và làm họ cười rũ rượi. Một chị nói: “Bây giờ thì êm ấm, nhưng chờ đi, rồi thì số phận của cổ cũng chẳng khác gì Savitri. ”
    “Savitri? ” tôi hỏi.
    Và đó là đầu tiên tôi được biết về Savitri và những đứa con của anh. Lúc đầu tôi buồn, nhưng M. giải thích tất cả. Anh lấy vợ lúc anh còn rất trẻ, vợ anh là một cô gái bình dân sống ở thôn quê. Sau vài năm thì anh bỏ chị. Chị hiểu anh cần phải bỏ chị vì anh phải làm nghiệm vụ của anh cho đời mà chị thì không thể nào giúp gì được cho anh. Chị đem con cái về quê sống với cha mẹ. Bây giờ thì chị hạnh phúc vì chị thấy rằng bổn phận của chị là ở nhà trông nom con và sống một đời sống hiền hòa, giản dị, hy sinh của một người mẹ. Anh nói về chị bằng tất cả trìu mến: chị thật nhẫn nại và hiền dịu. Và tôi cũng bắt đầu yêu quý chị. Tôi nghĩ về chị, ở quê, với những đứa con nhỏ, lặng lẽ lo công việc nhà; mỗi sáng, tối chị đọc kinh. Và cuộc đời chị lặng lẽ trôi qua. Anh đã về thăm chị vài lần và chị chào đón anh vui vẻ; nhưng khi anh đi, chị không bao giờ giữ anh lại. Tôi tự hỏi nếu anh mà bỏ tôi đi thì tôi sẽ ra sao. Chỉ nghĩ đến điều ấy thôi mà tôi cũng không thể nào chịu nổi. Tim tôi đau thót vì tôi phải kiềm nước mắt. Từ hôm đó tôi thấy rằng Savitri thật là cao thượng và tiến bộ hơn tôi; và tôi hy vọng rằng, nếu một ngày nào đó, lúc ấy đến với tôi, tôi cũng sẽ can đảm như chị. Nhưng chưa phải là lúc này. Chưa phải. Chúng tôi bán cây kim cài áo làm bằng ngọc trai của tôi và gởi món tiền ấy cho chị; lúc nào anh cũng gởi tiền cho chị nếu anh có. Có một lần anh nói về chị: “Cô ấy là một ngọn nến thắp sáng từ một ô cửa sổ thế giới, ” và tôi luôn nghĩ về chị như thế - một ngọn nến thắp sáng cho anh bằng tia sáng độ lượng.
    Tôi chưa viết thư cho cha và mẹ, nhưng tôi đã viết cho Rahul. Tôi viết: “Rahul ơi, như thế này là tốt nhất. Em thường nghĩ về anh. Làm ơn nói cho tất cả biết rằng em bình an và hạnh phúc. ” M. và tôi cùng đến thư viện mua tem để gởi lá thư. Trên đường về anh bảo tôi: “Em phải viết cho cha em nữa. Cha phải nghe những ý kiến của chúng ta. ” Tôi vô cùng hãnh diện khi anh nói ý kiến của chúng ta.
    Cha và mẹ đến Niripat. Cha viết thư nói rằng cha, mẹ chờ đợi tôi tại Khách Sạn Victoria. M. đưa tôi tới đó rồi rút lui; anh nói tôi phải nói chuyện riêng với cha, mẹ và giải thích tất cả. Khách Sạn Victoria là khách sạn duy nhất ở Niripat và cũng chẳng sang trọng gì - dĩ nhiên không phải là loại khách sạn mà mẹ tôi quen ở. Ðằng trước có một Nhà Hàng Victoria, mà khách có thể ăn cơm tháng với giá hạ; bên hông có một cái hành lang dẫn vào những căn phòng khách sạn. Vài khách trọ đã kéo giường của họ ra tận hành lang ngồi: Tôi để ý một người đàn ông mập phì mặc khố và áo lót đang đọc kinh. Nhưng cha và mẹ thì ở bên trong phòng của họ.
    Ðó là một căn phòng nhỏ với hai cái giường lớn và một cái bàn, ở giữa trải khăn vải bàn màu xanh. Mẹ đang nằm trên một chiếc giường; mẹ đang khóc, và khi tôi bước vào, mẹ khóc lớn hơn. Cha và tôi ôm chào nhau, nhưng mẹ quay mặt, ép mắt vào khăn tay và những giọt nước mắt lăn xuống áo mẹ. Nhìn mẹ như thế làm tôi bực bội: người mẹ nào mà không có lúc phải chia tay với con gái, thế sao mẹ khóc? Tôi xiết chặt bàn tay cha, để cho cha biết rằng tôi vô cùng sung sướng, nhưng rồi cha cũng quay mặt và ho khẽ. Ðã bao ngày không gặp mặt thế mà họ lại đối xử với tôi thật khôi hài. Tôi lạnh lùng nói với họ: “ Mỗi người phải chọn cho mình một đời sống riêng và con đã chọn cho con. ”
    “Ðừng, con ơi! ” Cha nói, giọng cha như có một cái gì làm cha đau xót.
    Bổng mẹ hét to: “Cô là đứa làm tôi xấu hổ và tủi nhục! ”
    “Khẽ nào, khẽ nào, ” Cha nói.
    Tôi muốn hét lại với mẹ, nhưng tôi đã tự kiềm chế; tôi đã không tới đây để gây gỗ với mẹ, cho dù mẹ đã tới đây để gây sự với tôi. Bây giờ tôi đã chững chạc hơn ngày xưa. Nên tôi chỉ nói: “Có những khía cạnh cuộc đời mà mẹ sẽ không bao giờ hiểu. ”
    Một cậu bồi nhỏ mang khay trà vào. Mẹ ngồi dậy - mẹ rất thích uống trà - nhưng sau một lúc mẹ rút người, ngồi tụt sụp lại và nói bằng giọng xỉu liễu: “Trong sữa có cái gì bẩn thế. ” Tôi nhìn và thấy chỉ có vài mảnh rơm khô từ chuồng bò, và tôi lấy thìa khều ra dễ dàng.
    Cha thở dài và nói: “Cha phải nói chuyện với cậu ấy. ”
    Lúc ấy tôi vui sướng trở lại: Tôi biết rằng khi cha nói chuyện với anh cha sẽ hiểu anh, sẽ biết anh là một con người ra sao và tất cả sẽ tốt đẹp lại.
    Và tất cả đã tốt đẹp. Thật thì cha không thể mở một ban đức dục cho anh, như chúng tôi đã hy vọng, vì nhà trường không có đủ ngân khoản cho một ban học mới; thêm vào đó, cha nói, cha không thể kiếm cho anh một chân giảng dạy vì anh không hầu đủ điều kiện cần thiết. (Những qui luật và điều lệ này thật ngu xuẩn! Một người tài ba như M. , với những ý kiến và hiểu biết rộng về đời, có rất nhiều điều để chia xẻ; nhưng anh phải nép mình nhường chổ cho những người tuy mang bằng cao học, tiến sĩ nhưng chẳng hiểu biết gì về đời ngoại trừ những gì họ đọc được từ sách vở.) Cha chỉ có thể kiếm cho anh một chân thư ký cho một ông hiệu trưởng; và tôi nghĩ M. thật khiêm nhường khi anh nhận việc ấy, vì đó không phải là một việc xứng đáng đối với một người như anh. Nhưng anh lúc nào cũng như thế: anh không bao giờ mang những tự ái vặt và chẳng bao giờ kiêu ngạo tự trọng, khác với những người tuy thiếu tự trọng nhưng lúc nào cũng kiêu ngạo, hống - hách.
    Tôi hơi buồn khi phải rời Niripat, vì ở đó tôi sống vô cùng hạnh phúc. Nhưng bây giờ thì đã khác vì có M. bên tôi. Chúng tôi được cha, mẹ nhường căn phòng khách lớn ở phía sau nhà và buổi tối chúng tôi đặt giường ngủ trên bãi cỏ. Ðôi khi tôi cảm thấy buồn cười - chỉ vài tuần trước mẹ đã cố đuổi anh ra khỏi nhà và bây giờ anh ở trong phòng khách đẹp nhất trong nhà. Bánh xe định mệnh có những vòng quay vô định. Tôi nghĩ anh rất thích sống trong một ngôi nhà to lớn, mặc dù lúc đầu tôi sợ anh sẽ cảm thấy ngột ngạt bởi những người hầu và những đồ vật bàn ghế, thảm, đồng hồ và bộ chén đĩa trang trí của mẹ. Nhưng tâm hồn anh sâu thẳm. Anh chẳng hề để ý những thứ lẩm cẩm đó; anh như người thoát tục và anh sống và suy nghĩ chẳng khác nào như anh đang sống giữa rừng sâu, trong một cái chòi.
    Giá tính mẹ khác hơn một chút. Nhưng mẹ tôi ham địa vị và nặng thành kiến nên mẹ không thể thấy một cái gì cao xa hơn. Mẹ nghĩ nếu một người chưa bao giờ xuất ngoại, không mặc com - lê và mở cửa cho phụ nữ, người đó là người thua kém. Nếu M. muốn, tôi nghĩ anh cũng có thể dùng thìa, dao dễ dàng như mẹ hoặc bất cứ một người nào, nhưng tại sao anh phải cố gắng như thế? Chẳng hạn như lúc uống trà không nên gây nên tiếng động, thật là những điều vụn vặn sao ta không nên bỏ qua! Tôi thường cố phân bày với mẹ nhưng tôi không thể nào làm mẹ hiểu. Nên có nhiều lúc thật là ngượng ngùng tại bàn ăn. Mẹ nhìn M. và giả vờ không thể ăn bởi cách dùng bữa của M. Dĩ nhiên M. không bao giờ để ý, và tôi cảm thấy quá xấu hổ bởi thái độ của mẹ nên tôi cũng từ chối không cầm dao, thìa và tôi ăn bằng tay. Cha tôi không nói gì cả - thật ra, dạo này cha tôi ít nói. Cha ở lại văn phòng nhiều giờ hơn và đi họp thật nhiều và khi về nhà, cha chỉ vào phòng làm việc mà không ra trò chuyện với chúng tôi.
    Tôi thường hay nghĩ về Rahul. Anh đã không hồi âm thư tôi gởi và khi tôi gọi điện thoại tìm anh, người nhà của anh bảo anh đi vắng. Nhưng tôi rất muốn gặp anh; tôi có nhiều chuyện để kể cho anh nghe. Nên một hôm tôi đi đến nhà anh. Những người giúp việc bắt tôi phải đợi ở ngoài ban công và rồi thì người chị đã lấy chồng tên Kamla của anh ra. Kamla là một người nhiều tham vọng và chị dùng nhiều mánh khoé để chồng chị được lên chức (anh ở trong Bộ Quốc Phòng) để chị được “lên vai trên” các bà vợ trong bộ của anh. Tôi không ngạc nhiên với cách chị đối xử với tôi. Tôi hiểu một người như chị Kamla thì chỉ nghĩ về những điều nhỏ mọn mà thôi. Chị không thể hiểu rằng trong cuộc sống hằng ngày của chị, chị đang lặn hụp vào những việc không có gì là cao siêu. Nên tôi để chị nói những gì chị muốn nói và khi chị bảo tôi về, tôi về. Khi mẹ biết tôi đã đến nhà Rahul, mẹ nổi sùng: “Cô ngu si, đần độn thế sao? Cô đã không còn chút danh dự nào cho cô, nhưng còn gia đình của cô - chẳng lẽ cô không nghĩ cho chúng tôi! ”. Nghe chữ danh dự tôi phải bật cười thành tiếng: Chữ danh dự đối với mẹ thật khác đối với tôi và M. Nhưng tôi rất buồn vì họ không cho tôi gặp Rahul.
    Ngày nào M. cũng ra khỏi nhà và tôi nghĩ rằng anh vào trường đi làm. Nhưng một hôm cha gọi tôi vào phòng làm việc của cha và báo cho tôi biết M. bị mất việc vì anh đã không đi làm cả mấy tuần nay. Thoạt đầu tôi hơi giật mình nhưng rồi tôi nghĩ không sao, anh muốn làm gì thì tùy anh; và thật ra, cái chân thư ký ấy chẳng xứng với anh tí nào. Tôi nói với cha như thế.
    Cha xoay qua xoay lại cây rọc thư bằng bạc trong tay và cố không nhìn tôi; rồi cha nói: “Con biết cậu ấy đã có vợ trước đây? ” Cha vẫn tránh nhìn tôi.
    Tôi không hiểu cha làm thế nào mà biết được - có lẽ ông đã đi điều tra, đó là điều mà những người có địa vị như chúng tôi hay làm về những người khác, và chúng tôi luôn dè dặt - nhưng tôi ôn tồn trả lời cha. Tôi cố giải thích cho cha nghe về Savitri.
    Cuối cùng cha tôi nói: “Cha chỉ muốn cho con biết rằng hôn nhân của con không hợp pháp và có thể hủy bỏ bất cứ lúc nào con muốn. ”
    Tôi mới nói với cha rằng hôn nhân không phải chứng nhận trước luật pháp mà phải chứng nhận trước mặt Chúa, và dưới mắt Chúa cả tôi và Savritri đều là vợ của M. , chị ở đấy và tôi ở đây. Cha quay mặt và nhìn ra cửa sổ.
    M. nói với tôi rằng anh muốn mở trường và anh có thể làm việc ấy nếu cha giúp anh xin Bộ viện trợ. Tôi nghĩ đó là một ý kiến hấp dẫn và chúng tôi bàn sâu về điều ấy tối đó, khi chúng tôi nằm bên nhau trên giường. Anh có nhiều ý kiến tuyệt vời về cách sinh hoạt của một ngôi trường và nói rằng phải dạy trẻ con đi theo thiên hướng của chúng. Ðiều ấy sẽ dẫn chúng tới Ðỉnh Tốt tối thượng. Anh nói chuyện vô cùng lôi cuốn, như một nhà tiên tri, một vị thánh. Cả đêm tôi trằn trọc và sáng sớm, việc đầu tiên tôi làm là nói chuyện với cha. Chẳng may mẹ đứng ngoài cửa nghe lén - mẹ có cái thói xấu đó - và mẹ đột ngột đổ xô vào. Mẹ than thở: “Sao cô không để cho cha cô yên chứ? Chúng tôi cho cô cơm ăn, chổ ở chưa đủ sao? ”
    Tôi nói: “Thưa mẹ, con đang bàn việc quan trọng với cha. ”
    Mẹ bắt đầu nói nhiều điều về M. và lý do anh lấy tôi. Cha cố cản không cho mẹ nói thêm nhưng lúc đó mẹ đã hoá điên. Tôi lấy bàn tay úp hai lỗ tai và bỏ chạy ra khỏi phòng làm việc của cha. Mẹ theo sau tôi, miệng vẫn còn la hét những điều kinh tởm ấy.
    M. đứng ở hành lang, và khi tôi cố vụt chạy ngang anh, anh chận tôi lại và gỡ bàn tay tôi khỏi lổ tai tôi và bắt tôi phải nghe tất cả những điều mẹ nói. Càng nói mẹ càng nổi giận. Rồi mẹ như người cuồng điên. Mẹ vật người xuống và đập đầu xuống sàn nhà và cấu xé quần áo. Cha cố xốc mẹ lên nhưng dĩ nhiên cha xốc mẹ lên không nổi. Mẹ cứ thế la hét và chửi rủa M.
    M bảo tôi: “Em vào lấy đồ đạc của em. ” Nên tôi vào và gói tất cả đồ đạc của anh và của tôi vào tấm đra. M. quàng cái gói đồ ấy qua vai và bước ra khỏi nhà. Tôi theo sau.
    Tôi đã hy vọng chúng tôi sẽ trở lại Niripat, nhưng anh muốn ở lại thành phố vì anh có vài kế hoạch trong đầu - mở trường, và anh cũng đã hy vọng phát hành một tờ báo để anh có thể đăng tất cả những ý kiến của anh. Nên anh phải đi đó đây để gặp nhiều người, ở bộ này bộ kia vân vân. Ðôi lúc anh cảm thấy chán chường vì anh không thể thuyết phục cho người ta hiểu anh. Trông anh mệt mõi và những nếp nhăn trên khuôn mặt anh càng hiện rõ và tôi cảm thấy yêu và thương anh vô cùng. Nhưng anh có sức mạnh nội tâm, và ngày hôm sau anh lại tiếp tục đi tiếp với niềm sảng khoái và hy vọng ban đầu.
    Vào lúc ấy chúng tôi không có chổ ở ổn định, nhưng ở nhiều nơi. Ðôi khi thì tá túc với anh thợ vẽ biển, lúc thì với một người bạn có một cái tiệm sách ở trong một khu chợ chính phủ, trong một căn phòng nhỏ ở phía sau; và có một lần chúng tôi kiếm ra được một căn nhà mẫu bị bỏ lại sau một cuộc triển lãm nhà giá thấp, và chúng tôi ở đấy cho đến khi những người nhân công tới đập xuống. Chúng tôi có nhiều nơi để tá túc vài ngày, cả khi luôn một tuần lễ. Vào những buổi tối chúng tôi luôn có nhiều bạn bè đến thăm và chúng tôi ngồi quay quần trao đổi những ý kiến, và còn ngâm thơ hoặc thổi sáo, nên đôi khi chúng tôi thức tới sáng. Chúng tôi chẳng bao giờ phải lo âu về tiền bạc - M. nói nếu mình không nghĩ về tiền, mình không cần tiền, và thật đúng thế. Mỗi tháng cha gửi, qua người bạn có tiệm sách, cho tôi một tấm ngân phiếu, và chúng tôi vẫn còn một vài thứ nữ trang của tôi mà chúng tôi có thể bán đi bất cứ lúc nào cần; nên chúng tôi có cả tiền để gửi cho Savitri và con anh.
    Tình cờ có một lần tôi gặp Rahul. Ðó là lúc mà chúng tôi vừa dọn ra cái căn nhà triển lãm. M. phải vào thăm bộ để gặp phó thư ký và tôi thì đang mang một cái gói đồ để đến cô nhi viện do một người bạn của M. quản lý, nơi mà chúng tôi sẽ tá túc. Tôi đứng đợi xe buýt, tay cầm cái gói đồ; cái gói thật nhẹ nên tôi đã không cần gọi xe ngựa. Rahul thì vừa từ một tiệm bán nhạc bước ra, tay cầm những đĩa nhạc anh đã vừa mua (anh rất thích những đĩa nhạc khiêu vũ - biết bao nhiêu lần chúng tôi đã khiêu vũ với nhau cạnh cái máy quay đĩa ở nhà anh!). Tôi gọi anh và khi anh không nghe tôi, tôi bước tới trước mặt anh. Anh hạ thắp đôi mắt né tránh tôi và cũng không chào hỏi tôi.
    “Rahul, ” tôi nói bằng giọng nghiêm nghị như những lần trước đây khi tôi biết anh phạm lỗi.
    “Tại sao cô làm như thế? ” anh nói. “Gia đình tôi giận cô và luôn chính tôi cũng giận cô. ” Anh hờn dỗi, nhưng trông anh thật dễ yêu; đôi gò má của anh vẫn hồng hào.
    “Nếu anh có xe, anh cho em quá giang nhé, ” tôi nói. Bao giờ Rahul cũng là một người lịch sự, và anh còn mang hộ tôi cái gói đồ.
    Chúng tôi phải mất thật nhiều giờ mới kiếm ra cái cô nhi viện - nó nằm ở đằng sau nhà thờ Fatehpuri - nên tôi có nhiều thời giờ để nói chuyện với Rahul. Anh vừa lái xe vừa im lặng lắng nghe. Và khi chúng tôi đã kiếm ra cái cô nhi viện và tôi định bước ra, anh nói: “Em, khoan đã…” Tôi ngồi lại với anh một lúc, mặc dù xe anh đậu bất tiện ở cái hẽm chật chội ấy. Những người kéo xe ba gác mắng rủa chúng tôi vì họ không thể đi qua.
    Không mấy lâu sau một người bạn của M. , một công viên đường sắt, được chuyển công việc. Vì anh ta ở trong một căn nhà được giá tiền thuê thấp, đó là dịp tốt để chúng tôi mướn vào chổ ấy. Căn nhà có hai phòng và một sân sau nhỏ bé, và trên lầu đã có hai gia đình ở sẵn. Cha gởi ngân phiếu trang trải tiền thuê nhà. Tôi nấu nướng, giặt giũ và trò chuyện với hai gia đình trên lầu trong khi M. đi đó đây để giới thiệu những ý kiến của anh. Nhưng sau một thời gian thì anh bắt đầu đi ít đi và trở nên chán nản; anh nói thế giới bỏ rơi anh vì anh chưa đủ can đảm. Anh nói công việc của anh bây giờ là phải tẩy uế con người anh và làm con người anh cứng rắn hơn. Anh ở nhà và ngồi thiền. Người anh có một thay đổi lạ lùng. Suốt ngày anh ngồi trong một căn phòng, một mình ở một góc nhà, và anh không cho tôi vào. Có lúc tôi nghe anh ca hát một mình và la hét - anh làm nên những tiếng động kỳ hoặc, như một con thú. Có những ngày dài anh không ăn gì cả, và khi tôi khuyên dỗ, anh quậy phá những món ăn tôi mang vào và hất tất xuống nền nhà. Tôi cố kiên nhẩn và chịu đựng và thông cảm tất cả.
    Dần dần bạn bè anh không còn đến. Trong hai tháng liền, ít khi anh rời căn phòng đó. Rồi anh bắt đầu ra khỏi nhà một mình - tôi không biết anh đi đâu và không thể hỏi anh. Vẻ mặt anh làm như là anh đang cố nghe ngóng một điều gì làm cho người ta cảm thấy như không thể quấy rầy anh. Khi anh nói với tôi, anh nói như anh là một người khác và tôi là một người khác. BuổI tối, tôi ngủ ở sân sau với hai gia đình trên lầu. Họ lúc nào cũng tử tế với tôi.
    Rồi khách bắt đầu đến tìm gặp anh - họ không phải là bạn cũ của anh, nhưng phần đông là những người mà tôi chưa bao giờ gặp. Họ ngồi với anh trong căn phòng nhỏ ấy và tôi có thể nghe anh nói chuyện với họ. Ban đầu thì chỉ vài người đàn ông lui tới, nhưng rồi mỗi ngày mỗi đông hơn, có luôn cả phụ nữ. Ðôi khi tôi cũng ngồi trong phòng ấy và nghe anh nói; anh kể những câu chuyện lạ lùng về những con vẹt, những vị hoàng tử, và những con hổ trong rừng, tất cả đều có mang những ý nghĩa sâu sắc gì đó. Những người ngồi nghe, khi hiểu được ý nghĩa sâu - sắc kia, họ đều kêu lên thích thú và nói rằng Chúa đang nói qua cửa miệng anh.
    Rồi họ mang quà, thức ăn, tiền, quần áo và cả nữ trang đến cho chúng tôi. M. chẳng bao giờ để ý, và tôi thì mang xếp chồng tất cả vào căn phòng kế bên. Chẳng bấy lâu căn phòng đó chật ních. Chúng tôi dùng những món đồ ăn. Tôi còn mang lên tặng cho hai gia đình trên lầu. Thế nhưng vẫn còn dư thừa và tối đến thì một người từ viện nuôi người ăn mày đến mang đi. Tôi gởi rất nhiều tiền cho Savitri. Bây giờ căn nhà của chúng tôi lúc nào cũng đông khách và họ tràn ra tận ngoài đường và sân sau nhà tôi. Phụ nữ càng ngày càng đến nhiều - phần đông là những người lớn tuổi nhưng cũng có vài người trẻ, và những người trẻ này lại càng hăng hái và sùng tín hơn những người già. Có một chị goá phụ trẻ đẹp, đẫy - đà, lúc nào cũng ăn mặc đẹp, ngày nào cũng tới. Chị nói chị điên cuồng vì yêu Chúa và cần những lời an ủi và trấn an từ M. Chị sờ bàn chân anh và van anh giải toả chị, và khi anh không để ý chị, chị lay người anh và níu kéo quần áo của anh nên anh nổi giận.
    Mẹ thường đến thăm tôi. Thoạt đầu mẹ kinh tởm căn nhà và cách chúng tôi sống vân vân, nhưng sau đó, khi mẹ thấy bao nhiêu người đến và mang theo biết bao thứ đồ và thấy họ nể trọng M. , mẹ giữ im lặng. Bây giờ mẹ chỉ nói: “Ai mà biết rồi chuyện gì sẽ xãy ra? ” Mẹ không phải là một người sùng đạo, nhưng mẹ tin dị đoan nhiều. Khi những người mộ đạo đến nhà mẹ ăn mày, bao giờ mẹ cũng cho họ một cái gì - không phải vì tính chất thiêng liêng của họ mà bởi vì mẹ sợ họ sẽ nguyền rủa mẹ rồi mang đến sự xui xẻo cho chúng tôi. Mẹ không còn nói gì xấu về M. , và khi mẹ nói về anh, mẹ không nói: “thằng đó” như trước đây nhưng mẹ luôn nói “Anh ấy. ” Một hay hai lần mẹ vào ngồi trong căn phòng đó với những người kia, và khi mẹ đi ra, nét mặt của mẹ trầm ngâm, suy tư khiến tôi phải bật cười.
    Rahul cũng viếng thăm tôi. Ban đầu anh lạnh lùng và hờn dỗi, làm như tôi phải mang ơn anh đến; nhưng rồi anh bắt đầu tâm sự rằng anh vô cùng cô đơn và gia đình anh thì cứ ép anh lấy những người con gái mà anh không yêu thích. Tôi thương hại anh - tôi biết tính anh khó kết bạn và ngoài tôi ra, anh thật sự không có ai thân thiết. Tôi để cho anh nói, và anh tiếp tục tới thường xuyên. Sau sân nhà có một chổ được che bằng một tấm amiăng để tôi nấu ăn, và ở đó, tôi và Rahul ngồi trò chuyện. Nơi đó không phải là một chổ kín đáo vì những người đứng chờ vào thăm M. , nhưng rồi Rahul quen dần và ngồi nói chuyện tự nhiên như khi chúng tôi còn ngồi trong buồng tiếp khách của mẹ. Mặt anh âu sầu và khi anh kể cho tôi nghe xong sự cô đơn của anh, anh chỉ ngồi nhìn tôi bằng đôi mắt to buồn. Nên tôi để anh giúp tôi nấu ăn - ban đầu anh chỉ sàn gạo và đãi đậu lăng, nhưng sau đó tôi để anh giúp tôi nấu những món chính và anh thích lắm. Anh làm đủ thứ - bánh rán, bánh khoai, bánh củ cải - và món nào cũng ngon. Chúng tôi ăn một ít còn bao nhiêu chúng tôi gởi đến cho viện nuôi người ăn mày.
    Bao giờ cũng có vài thanh niên ở lại qua đêm và ngủ ngoài cửa căn phòng M. ngồi. Tôi thường nghe anh thức dậy nữa đêm và đi qua đi lại; và có lúc anh mắng những người thanh niên nằm ngủ ở ngoài cửa của anh: “Về đi! ” và anh lấy chân đá họ. Anh rất là nóng nải và giận dữ đối với họ. Dạo này anh thường hay nổi giận. Tôi nghe anh hét và la mắng những người đến quấy rầy anh. Khi anh la mắng họ, họ nói anh có quyền, vì họ là những người xấu xa, tội lỗi; nhưng họ không bỏ đi, ngược lại, họ càng tới đông hơn.
    Một đêm tôi cảm thấy như có người lay tôi dậy. Tôi mở mắt và thấy M. Tôi vội vã ngồi dậy và chúng tôi đi ra ngoài và ngồi trên bậc cửa. Quanh chúng tôi, người nằm ngủ ngổn ngang trên lề đường hoặc trên bục thềm của những cửa hàng đã đóng cửa. Trời tối và yên lặng, ngoại trừ khi có người ho trong giấc ngủ và tiếng gọi của người gác đêm và tiếng động của cây cán. M. nói: “Tôi sớm sẽ phải ra đi. ”
    Tôi chợt hiểu rằng cái lúc mà tôi lo sợ sắp đến.
    Anh nói: “Tốt nhất là em nên trở về với gia đình của em. ” Anh nói bằng một giọng thiết thực, với tất cả dịu dàng và lo lắng cho tôi.
    Nhưng tôi không muốn nghĩ về những gì tôi sẽ làm. Ở phút đó tôi chỉ muốn phút đó - trời mãi là ban đêm, tất cả mọi người đều ngủ hết, chỉ có anh và tôi ngồi bên nhau trên bậc cửa, mãi mãi như thế.
    Chị goá phụ trẻ đẫy đà vẫn tới mỗi ngày trong những chiếc xari khác nhau. Chị gây cảnh chướng mắt nên sau đó M. cấm chị trở lại. Thế nên chị lảng vảng ở sân sau vài ngày, rồi chị bắt đầu nhìn lén vào phòng của anh và sau đó chị núp sau lưng những người khác để lén vào trong phòng và ngồi im lặng ở phía sau; cho tới khi chị xuất hiện trước mặt anh và bắt đầu gây cảnh chướng mắt trở lại. “Xin hảy xót thương con! ” chị khóc lóc: “Chúa đang ăn ngốn con! ” Cuối cùng anh không còn kiềm chế nổi cơn giận đối với chị. Anh tháo dép và đập vào người chị. Chị bỏ chạy, hai tay tóm chặt chiếc xari quanh người, miệng la hét, còn anh đuổi theo sau, tay khua chiếc dép. Trông họ thật buồn cười. Anh đuổi theo chị ra tận ngoài đường, rồi anh quay trở lại và đuổi tất cả mọi người ra khỏi nhà. Anh cào cấu và đánh đập họ với chiếc dép và nguyền rủa và la mắng. Tất cả mọi người vội vã chạy - kể cả Rahul, lúc ấy đang lo làm bánh khoai tây, cũng sợ hãi bỏ chạy. Khi tất cả đã đi hết, M trở lại căn phòng và khóa chặt cửa. Mặt anh trông anh nóng và giận dữ.
    Và hôm sau thì anh đã bỏ đi. Người ta vẫn đến như thường nhưng khi họ biết rằng anh không còn ở đó, họ bỏ ra về và mang theo những quà vật. Tối hôm đó những người làm việc tại viện nuôi những người ăn mày đã thất vọng. Tôi ở một mình; tôi ở đâu đối với tôi không thành vấn đề. Có lúc tôi ngồi trong một trong những căn phòng, có lúc tôi đi qua đi lại. Hai gia đình ở trên khuyên tôi ăn uống và đi ngủ, nhưng tôi không nghe được điều gì họ nói. Tôi không còn nhớ nhiều về khoảng thời gian đó. Sau đó thì cha tới và đưa tôi về nhà. Và đó là lần cuối cùng tôi gom gói đồ vào tấm đra và đi theo cha.
    Ðôi lúc tôi nghĩ về Savitri và tôi nghĩ rằng tôi bây giờ cũng giống như chị - một ngọn nến thắp sáng cho anh ở một ô cửa sổ thế giới. Tôi kiên nhẫn, lòng điềm đạm, và sống theo một cuộc sống đã vạch sẵn cho tôi. Tôi chơi tennis trở lại và tham dự những tiệc trà và dạ hội với mẹ. Rahul và tôi thường mở đĩa nhạc khiêu vũ với nhau. Có lẽ tôi sẽ lấy Rahul một ngày gần đây thôi. Tôi nói và cười như trước đây và mẹ nói tôi tính phung phí, nhưng cha mỉm cười và cổ võ tôi. Mẹ thuê người làm rất nhiều món nữ trang mới để thay vào những món tôi đã bán; và mẹ vẫn tiếp tục gây chuyện với tôi như trước.
    Tôi vẫn cố gắng hình dung khuôn mặt anh trong tâm trí tôi, nhưng không bao giờ tôi thành công. Nhưng tôi biết - và vì lẽ đó mà tôi có thể tiếp tục sống cách sống của tôi hiện thời, và còn hân hoan thưởng thức cuộc sống này - rằng một ngày nào đó tôi sẽ thành công và tôi sẽ thấy khuôn mặt ấy thật rõ ràng. Nhưng trong giờ phút hạnh phúc đó tôi sẽ thấy khuôn mặt của ai - và thật thế, tôi đang mỏi mòn tìm kiếm khuôn mặt của ai kia - vẫn chưa rõ ràng đối với tôi.
    

Kết Thúc (END)
Ruth Prawer Jhabvala
» Hôn Nhân Đầu Tiên Của Tôi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt
» Bất Diệt