Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Cơn Khát Cuối Mùa Tác Giả: Nguyệt Chu    
    1. Tôi vẫn nhớ những đêm mịt mùng tăm tối, mẹ trở dậy, bừng lên trong cơn mơ hoang dại, chạy về phía con đê ngút ngàn. Tôi sấp ngửa chạy theo mẹ. Đôi chân trần tướp máu.
    
    Tiếng chó rộ lên từ phía đầu làng. Rồi vụn vỡ vào đêm. Phía chân trời, đột ngột lóe lên một vài ánh chớp, nhoi nhói, run rẩy. Cây mộc miên già quằn quại trong cơn khát đêm man dại. Những cánh tay gầy guộc, lêu nghêu vươn lên cào cấu, xé rách từng mảng trời đen thẫm. Hoa đổ ào ạt như những cục máu lớn bầm tím rơi rụng từ những vết thương sâu hoắm nơi đỉnh trời. Mẹ đạp trên những xác hoa nát bấy. Từng cánh ứa máu. Mặn chát. Mẹ ngấu nghiến ăn những cánh hoa như muốn nuốt trọn cả cơn mơ nhập nhòa trong bóng tối của quá khứ bủa vây.
    Tôi lẳng lặng đỡ mẹ về. Những bước chân mẹ vẫn trôi dài trong mê man.
    Từng ấy năm rồi.
    Những cơn mộng du vẫn trở đi trở lại…
    2. Tôi cũng không nhớ rõ đôi mắt bà bị lòa từ bao giờ. Có phải là sau mấy chục năm trời ngóng cha trở về mà bặt vô âm tín? Bà chỉ có mình cha…
    Những lúc rảnh rỗi tôi thường ngồi chải tóc cho bà. Người già, tóc loe hoe vài sợi bạc. Nhưng bà vẫn vấn khăn. Như là một nỗ lực sau cùng phủ nhận sự chảy trôi của thời gian. Dù biết, chỉ là tự huyễn.
    Những lúc đó, bà lại kể chuyện xưa. Đôi mắt mờ nhòe khép lại, mơ màng. Bà như đang sống về ngày trước. Nhưng chuyện chẳng đầu, chẳng cuối, đoạn mất, đoạn còn như ký ức lỗ mỗ. Bà bảo, cha tôi đẹp lắm, như ông tôi vậy. Gái làng ai cũng mê. Tôi thì chỉ nhìn thấy ông và cha tôi qua bức ảnh đen trắng đã ố vàng nên cũng không biết hai người đẹp đến mức nào. Tôi băn khoăn hỏi bà sao mình chẳng được thừa hưởng những nét đẹp của cha, ông như lời bà kể. Bà mở mắt, tỉnh queo, bảo, tại tôi giống mẹ.
    Rồi bà lại nhắm mắt, miên man với những mẩu chuyện cũ mèm. Chuyện về thời son trẻ của bà, đại khái cũng là hoa khôi của làng thì mới lọt vào tầm mắt của ông tôi. Tôi thấy trong giọng nói của bà lấp lánh hào quang của niềm kiêu hãnh.
    Câu chuyện đang say sưa thì mẹ tôi về. Quần áo lấm lem đầy bùn đất. Đôi quang gánh nặng trĩu những rau là rau. Tôi chạy ra đỡ mẹ. Bà cầm chiếc gậy lên rồi dò dẫm từng bước vào nhà.
    3. Bao năm rồi, cha không trở về. Tôi không biết mặt cha. Cha với tôi là một ý niệm mơ hồ. Như sương khói tháng ba giăng giăng mỗi chiều tả tơi mộc miên rơi đỏ ối. Mẹ bảo hồi ấy làng nghèo lắm. Hạn hán liên miên, đồng ruộng khô nứt nẻ. Dòng sông quê cạn nước đục ngầu, chẳng thể tắm mát đồng làng trong cơn khô khát. Cây gạo những muốn vươn cánh tay cào xé, rạch nát đỉnh trời hòng kiếm những giọt mưa. Nhưng vô vọng! Chỉ còn lại những cánh tay xương xẩu rền rĩ trong đau đớn tự cào tướp ngực mình. Rồi nở ra những bông hoa như từng giọt máu vỡ òa trong bất lực. Lúc ấy, cha bảo sẽ theo người ta đi làm ăn xa, chứ ở nhà, trông vào đồng ruộng thế này, làm sao sống nổi? Mẹ tôi nhìn quanh, giật mình nhận ra, đàn ông trai tráng trong làng hầu như cũng bỏ quê mà đi vì cuộc mưu sinh. Mẹ gạt nước mắt tiễn cha đi. Hai người chia tay nhau dưới gốc gạo già. Lồng lộng gió trên đỉnh trời vần vũ. Từng đàn chim từ đâu ùa về, liệng vòng kêu thống thiết. Mẹ bấu vào vạt áo của cha, nhùng nhằng mãi rồi mới dứt được ra. Không ngờ từ bấy đến giờ, cha đi luôn. Có lẽ cha cũng không ngờ mình lại có một người con gái là tôi ở trên đời. Mà tôi giờ đã ngoài hai mươi tuổi.
    Cha đi rồi, căn nhà chỉ còn hai người đàn bà lặng lẽ. Từ khi ông mất đi, bà trở nên sầu muộn rồi đâm ra khó tính. Nhất là khi mẹ tôi về làm dâu, mặc dù không nói thẳng ra, nhưng thực tình bà cũng chẳng ưa gì. Ông bị cảm mà đột ngột ra đi, trong lòng bà chống chếnh chưa dễ gì khỏa lấp, tưởng rằng có cha tôi là chỗ dựa, thế mà cha lại mau chóng phải lòng mẹ rồi xin rước mẹ về. Bỗng chốc bị san sẻ tình cảm, bà đẩy những ấm ức của mình về phía mẹ tôi. Bà không chửi bới, đánh mắng mẹ bao giờ nhưng sự lạnh lùng và những lời nói dửng dưng khiến mẹ tôi luôn thấy chạnh lòng và đau xót. Tại sao mày không ngăn nó lại? Bà hỏi khi mẹ tôi đi tiễn cha về. Dù bà biết rằng, đến bà còn không ngăn được, huống chi là mẹ? Nhưng bà vẫn nói, như đay như nghiến, như xoáy vào tâm can.
    Mẹ lặng im không nói. Rồi mỗi ngày phấp phỏng chờ đợi tin cha. Cha đi được non tháng thì mẹ thấy lạ ở trong người. Khó ở, mệt mỏi, buồn nôn, đến bữa thì không ăn nổi. Bà nhìn mẹ, nửa mừng vui, nửa nghi hoặc. Ánh mắt bà sáng lên lấp lánh rồi bỗng tối sầm lại. Bố tôi đi rồi, liệu cái tin vui này thực là của ai?
    Bà cứ mang theo cái tâm trạng nửa vời ấy từ khi biết mẹ mang thai tôi, suốt bao nhiêu năm trời, đến khi, đôi mắt bà lòa đi. Phải chăng, chỉ đến khi không còn nhìn thấy cuộc sống với những sắc màu hiện ra trước mắt, chỉ đến khi thấu suốt cõi lòng sâu thẳm, bà mới khép lại cái nhìn nghi hoặc của định kiến suốt gần nửa đời người, để bao dung và bình thản hơn.
    4. Người ta bảo, thần cây đa, ma cây gạo. Tôi chưa gặp ma cây gạo của làng tôi bao giờ, bởi hồi nhỏ, nghe những chuyện ma cây gạo mà mọi người kể lại, tôi nào dám bén mảng ra đê. Bà tôi thủng thẳng nói những chuyện xưa, rằng, hồi con gái, đi gánh nước đêm, qua cây gạo, thấy những con ma xõa tóc trắng treo mình trên cây. Tiếng kêu lúc thê thiết, bi thảm lúc lại hờn oán, cuồng nộ. Gió thổi ù ù, hoa gạo rơi như mưa ngập ngụa thành cả dòng máu lớn. Lũ con gái hết hồn, bỏ cả gánh nước, chạy tán loạn về làng. Vừa chạy mà chân vừa như bị trăm ngàn bàn tay kéo lại, sa lầy trong máu đỏ. Chả biết thế nào rồi cũng chạy được về tới nhà. Sớm hôm sau, người ta thấy bao nhiêu gánh nước lăn lóc nơi gốc gạo, nhưng nào có máu me gì đâu. Lại bảo, chắc đứa trai nào trêu bọn gái làng, làm bọn chúng hoảng hồn, đâm ra thần hồn nát thần tính.
    Nhưng bà tôi vẫn tin là có ma nơi cây gạo. Con ma cây gạo dẫn dụ mẹ hay người đàn ông nào dẫn dụ mẹ trong đêm, để cho mẹ bất chấp cả sợ hãi, lao vào bóng tối, chạy lên đê, tóc xõa bời bời? Bà càng nghi kỵ mẹ tôi. Để giải đáp cho những băn khoăn của mình, bà quyết theo mẹ trong đêm mộng mị. Rồi sửng sốt thấy mẹ ăn ngấu nghiến những bông hoa đỏ cuối mùa. Đôi mắt mẹ sáng lên, ánh như những vệt lân tinh, cô độc và ma quái. Từng cánh một trôi qua cuống họng. Rồi nôn. Lại ăn. Lại nôn! Mẹ khóc cười ngập ngụa trong xác hoa. Mặn đắng và chua chát…
    Câu chuyện cũng đã mấy chục năm rồi. Dù sao, trong đêm tăm tối ấy, bà vẫn động lòng thương mà dìu mẹ tôi về. Bà cũng đã vượt qua nỗi sợ của mình về những con ma xõa tóc trắng trên cây gạo. Mẹ và bà, cả hai người đàn bà, cùng lặng lẽ, đều đang phải tự chữa lành vết thương của mình mà không ai chịu chia sẻ cùng ai.
    5. Năm ấy, bà đổ bệnh. Bà nằm lọt thỏm trên chiếc giường bùng nhùng chăn chiếu. Đôi mắt đục mờ của bà thỉnh thoảng giương lên, tròng mắt đảo quanh như muốn tìm kiếm thứ gì, nhưng vô vọng. Kẽ mắt tèm nhèm đọng lại những gỉ mắt dấp dính. Tôi lau mắt cho bà. Đôi tay của bà gầy guộc, lêu nghêu như những cành gạo già bấu vào tay tôi run rẩy. Sao mày lại để nó ra đi? Hai giọt nước mắt đục ngàu lăn trên khóe mắt bà, rồi chạy lan vào những vệt chân chim, như nguồn nước phù sa của dòng sông cạn cố lan thấm vào những mảnh ruộng khô cằn. Bà cứ lặp lại câu hỏi đó cho đến khi kiệt sức, thiếp đi.
    Mẹ yên lặng nhìn bà. Mẹ không khóc nhưng toàn thân chợt như co rúm lại vì đau khổ và bất lực.
    Ngày hôm sau, tôi thấy mẹ đưa bác hàng xóm về nhà. Lúc tôi cất tiếng định chào bác thì hai người ra hiệu cho tôi im lặng. Mẹ tôi dẫn bác đến bên giường bà rồi lay bà dậy. Bỗng tôi thấy bác ôm chầm lấy bà, vừa nói vừa khóc trong nghẹn ngào, tức tưởi: "Mẹ ơi, con trai của mẹ đây! Con đã trở về!". Bà tôi giật mình ngơ ngác, đôi mắt mở căng hết cỡ. Khuôn mặt nhăn nhúm của bà bỗng giãn ra và sáng lên lạ lùng. Bà giơ đôi tay khô đét lên sờ nắn khuôn mặt đứa con trai thân yêu đã xa cách hơn hai chục năm trời. Cái thằng trời đánh! Bà cười mà như mếu, về là tốt rồi, từ rày, chớ có được đi đâu!
    Rồi đôi tay bà dần dần buông thõng. Hơi thở mỏng dần, mỏng dần và tan thành sương. Chỉ có nụ cười vẫn phảng phất trên môi. Bao dung và bình thản.
    6. Tôi đăng tin tìm cha trên các phương tiện truyền thông.
    Ông Phùng Văn A đi khỏi nhà từ ngày…tháng…năm…
    Mẹ đưa tôi bức ảnh vàng ố của cha để tôi đăng cho người ta nhận diện. Bức ảnh thấm đẫm mồ hôi và nước mắt mà bao năm trời mẹ đã cầm trên tay ròng rã khắp các nẻo đường ra bắc vào nam để tìm cha. Hễ nghe nói ở đâu có tin cha là mẹ lại đi tìm. Nhưng cuối cùng, vẫn chỉ trở về với tấm ảnh gió sương nhàu nhĩ.
    Giờ tôi lại đi tiếp con đường của mẹ.
    Một ngày, có cuộc điện thoại từ một người lạ. Người ấy nói rằng, hơn hai mươi năm trước có cứu một người đàn ông bị chết đuối. Ông ta có dáng người như thế, như thế… đúng theo những mô tả tìm người. Chỉ tiếc là, mạng sống thì còn nhưng trí nhớ thì mất. Ông hoàn toàn không biết mình là ai, thuộc về thế giới nào…
    Mẹ tôi run rẩy, đánh rơi cả chiếc máy điện thoại.
    Tôi hoang mang trước những gì vừa nghe thấy. Liệu người ấy có phải là cha tôi hay không? Có phải là người mà bà và mẹ tôi mòn mỏi chờ đợi đến khô héo suốt cả một đời?
    Mẹ trằn trọc không sao ngủ được. Thấp thỏm, ngóng trông, rồi hy vọng và thất vọng, liệu sẽ là gì sau cuộc hẹn sớm mai?
    Đêm nay, mẹ tôi không mộng du.
    Mà ngoài đê xa kia, những bông gạo cuối mùa vẫn run lên trong cơn khát đêm hoang dại.
    

Kết Thúc (END)
Nguyệt Chu
» Đêm Kinh Thành
» Linh Tao
» Bông Ngọc Lan Phủ Chúa
» Mẹ Chồng
» Hoa Muộn
» Tiếng Chuông Trong Mờ Sương
» Vết Dấu
» Lối Về Tuổi Cũ
» Lời Nguyện Đóa Hồng Xanh
» Mai Muộn
» Tâm Trà
» Bóng Thu
» Cơn Khát Cuối Mùa
» Kẻ Đi Tìm Huyền Thoại
» Tổ Chim Xanh
» Con Nhện
» Hoa Mộc Miên
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ