Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đêm Hoa Thơm Tác Giả: Nguyễn Văn Học    
    Bình thản và luôn nhiệt tình. Đó là cách sống ông Miều học được từ biết bao năm lăn lộn công tác, và từ hoa. Nhiều người đến với ông. Những đồng nghiệp còn đang làm việc đều thấy ở ông sự thư thái hoàn toàn, hiểu biết mà dễ gần, khác hẳn sự cứng rắn trong khuôn mặt vuông vức của ông những năm điều tra tội phạm, đối mặt bọn trộm cướp, hại người. Sân vườn nhà ông nhiều hoa, cây cảnh, hài hòa với ngôi nhà giản dị luôn đầy bóng xanh. Chẳng ít cây đạt đến độ cổ kỳ mỹ văn. Ông Miều chơi dòng khó chăm sóc nhưng thanh tao: Thanh vũ, Hoàng vũ, Hoàng cẩm tố… Mỗi loại hiến dâng những vẻ đẹp vừa nhuần nhị vừa cao sang, vừa âm thầm kín đáo nhưng cũng đầy sự khơi mở.
    Chậu Hoàng cẩm tố là giống địa lan quý, gia truyền mấy đời, được cưng nựng như bảo vật, như một người con gái đẹp và kiêu kỳ. Giới chơi coi địa lan là thứ hoa vương giả. Để địa lan trổ hoa đẹp là cả một sự kỳ công chăm sóc. Thậm chí, địa lan cũng như con người, lúc khỏe, khi bệnh, khi vui hay khi buồn đều hiện lên mặt lá. Nhìn địa lan, nhiều loài giống nhau nhưng chỉ người sành nhìn kỹ mới thấy sự khác ở đường gân, cuống lá. Ngày xưa, cụ Cố Hồng - ông Miều gọi là ông nội, lên đường đánh giặc còn không quên dặn vợ ở nhà, có biến thì phải mang theo chậu lan. Do để nhiều năm, cụ thân sinh ra ông rồi đến ông Miều hết lòng bảo lưu, để các nhánh lan thế hệ sau vẫn chắt chiu, quyện hòa được vẻ đẹp từ thế hệ lan trước. Những năm tháng công tác, do đặc thù công việc, ông ít quan tâm được hàng xóm láng giềng, nhưng thường nhắc nhở vợ phải luôn ứng đối tử tế, hòa nhã với người chung quanh. Hàng xóm chỉ nghĩ ông là công an công tác ở trên thành phố. Bây giờ thì khác rồi. Ban ngày, cửa cổng nhà ông mở rộng, khách trong làng thấy ông xởi lởi, cũng thường đến ngắm cây, đánh cờ và thưởng trà.
    Có hôm, một cậu khá trẻ, béo, đầu cạo trọc, xăm con rết to bự ở cánh tay, ăn mặc cố chỉn chu nhưng không giấu được vẻ trọc phú đến vườn ông Miều. Cậu nhìn chậu Hoàng cẩm tố, hơi bĩu môi, khinh thường: "Bác chơi cây thế thì tốt đấy, nhưng lan thì kém". Trước lúc đi còn vung tay trịch thượng: "Thời này bác còn tỉ mẩn chơi mấy dòng cổ lỗ sĩ. Bây giờ người ta sính Vương mỹ nhân, Bạch tuyết cánh trắng, rồi Hồng hoa hạc, Hồng minh châu… Bác chuyển dòng đi". Ông Miều chỉ cười, từ tốn: "Tôi có tuổi rồi, chơi dòng cổ một tí, nhưng bền".
    
- o O o -

    Chậu lan Hoàng cẩm tố bỗng dưng không cánh mà bay. Người nhà lo lắng. Ông Miều bình tĩnh, trích xuất camera gia đình. Bà vợ sốt ruột nhìn theo các thao tác của chồng. Đây rồi, khoảng hai giờ đêm, hai bóng áo đen vào - ra, đeo khẩu trang đen. Ông khẳng định hai kẻ đó là đàn ông, dong dỏng cao, cử chỉ mau lẹ, ngang nhiên khiêng chậu lan đi ra phía cổng, đưa vào chiếc xe bán tải đã được che biển kiểm soát. Ông nói với vợ: "Chắc chắn không phải khách nhà ta".
    Ông Miều gọi điện cho đội trưởng cảnh sát hình sự quận, là học trò một người bạn thân của mình, nói rõ sự tình. Ông cũng gọi cho Thế Anh, chàng cảnh sát khu vực nhờ hỗ trợ rà soát các đối tượng thuộc diện theo dõi hình sự trong xã, mở rộng đến các đối tượng trong quận. Tổ trinh sát vào cuộc, xác định việc này dù nhỏ thế nào cũng phải ngăn chặn kịp thời, không để các đối tượng trộm cắp lộng hành. Nhất là lại lấy trộm đồ quý của một cựu cảnh sát hình sự.
    
    Chiều đến, mấy lão niên đến nhà hỏi thăm. Ông Miều vẫn bình tĩnh nói chuyện cây, chuyện hoa dưới gốc khế cổ thụ. Rồi ông nghe tiếng Hải gọi. Hải đến, nói nhanh, như thể việc của ông Miều cũng chính là nỗi lo lắng của mình.
    - Anh ạ, cậu Thế Anh đã báo sự việc chậu lan cho em. Em nắm tình hình và đã mau chóng đến dò la tại một số điểm giao dịch lan trong vùng và trên mạng. Anh yên tâm nhé.
    Ông Miều hơi lặng người đi, bởi chỉ một chậu lan của gia đình nhưng đã làm kinh động đến nhiều người. Ông cười cảm kích:
    - Cảm ơn sự quan tâm của chú em. Anh em chiến sĩ cũng đã vào cuộc rồi, lại cả chú Hải nữa thì tôi an tâm lắm. Tôi tin là bảo vật gia truyền sẽ không bị phá hủy. Nếu bán chuyền tay thì sẽ chuộc lại được.
    Hải đi khuất, những tia nắng vẫn nhảy nhót dưới sân vườn. Ông Miều cảm thấy ấm lòng, tự nhủ: Tốt quá, vậy là cả Hải cũng nhập cuộc. Chiêu ngụm trà trong không gian bình lặng, ký ức đưa ông trở lại cái ngày gặp Hải.
    Khi còn là một thanh niên, Hải chuyên ăn cắp vặt, lớn lên lêu lổng, tạo nên cả một nhóm lấy trộm xe máy bán cho mấy cửa hàng xe đồ cũ, rồi tháo phụ tùng bán đổ bán tháo cho các cửa hàng sửa chữa nhỏ lẻ. Đồ của người thân hở ra thứ gì mất thứ đó. Cha mẹ gã khốn khổ vì sinh ra thằng con bạo ngược, ham ăn lười làm, mắt lơ mày láo, nhìn thứ gì của người ta cũng nuốt nước bọt. Còn ít tuổi nhưng hai lần Hải phải vào trường giáo dưỡng. Ra trường, Hải vẫn chứng nào tật nấy, vẫn bám lấy lũ bạn xấu, không yêu nổi cái chữ, chỉ yêu cái tối tăm của đêm đen. Càng lớn, sự táo tợn của Hải càng tăng. Cờ bạc, chích hút, chuyện gì cũng dám làm. Lần thứ ba thì gã bị bắt về tội trộm cắp, phải lĩnh án ba năm tù. Ra tù, gã lọc lõi hơn. Cảnh sát khu vực đưa Hải vào danh sách đối tượng bị quản lý. Gia đình cố lấy vợ cho gã, nhưng gã vẫn chẳng bỏ được tính xấu.
    Đó là năm ông Miều đã lập gia đình, sống chung nhà với cha mẹ. Vợ ông Miều đặc biệt yêu địa lan. Đúng ngày mồng bảy tháng ba, chậu Hoàng cẩm tố biến mất khiến cả gia đình tá hỏa. Cụ thân sinh ông Miều không cầm lòng được đã khóc. Vợ ông rưng rức nói với chồng: "Anh nhất định phải tìm chậu lan về, người ngoài không hiểu giá trị của nó đâu, ngộ nhỡ…". Là người tinh thông nghiệp vụ, lại nhờ người lân la hỏi dò, ông biết thủ phạm lấy trộm chậu lan quý là Hải, biệt danh "Hải rồ".
    Ông phán đoán, gã ăn trộm sẽ tìm cách bán đi, nhưng người dân cho biết trong nhà gã để một chậu lan tuyệt đẹp. Ông liền đến gõ cửa nhà gã. Hải đây đẩy chối, còn văng tục. Ông Miều vẫn cố từ tốn trước một kẻ giang hồ khét tiếng: "Tôi chỉ đến đòi lại chậu lan anh Hải đã mượn. Ngoài ra không có ý gì khác". Vợ Hải hỏi chồng: "Anh bảo là mua chậu lan này tặng em nhân dịp mồng tám tháng ba, sao lại là đồ ăn trộm?". Hải liền ôm ghì, kề dao vào cổ vợ, nói bừa: "Đây là hoa anh mua tặng vợ yêu, em nói đi, để ông ấy ra khỏi đây". "Yêu mà giờ anh kề dao vào cổ em à?!". Ông Miều liếc vào chậu hoa, chẳng ăn nhập với không gian luộm thuộm, bề bộn nhà Hải, ông nói với gã: "Anh Hải, hãy buông chị ấy ra kẻo chẳng may xảy ra chuyện gì thì hối không kịp. Tôi biết, anh yêu vợ. Ngoài xe, tôi có mua sẵn một bó hoa, tôi sẽ biếu anh để anh tặng chị, và chuyện đến đây coi như xong".
    Nói qua nói lại một hồi, cuối cùng Hải cũng buông vợ ra, để ông Miều mang chậu lan về. Gia đình mừng vì bảo bối gia truyền lại trở về với không gian tịnh an, có tiếng chim, tiếng cựa mình của hoa lá và cả tiếng cười của sắc hương. Nhưng sau vụ việc đó ông Miều lại có thêm "cơ duyên" với Hải. Chỉ ba tháng sau, Hải lại đột nhập vào nhà một bà góa, làm bà bị thương. Khi người dân phát hiện, bao vây, Hải dùng bà làm con tin hòng tìm kế tẩu thoát. Tổ cảnh sát hình sự có mặt kịp thời. Con cái người đàn bà nhớn nhác lo hãi. Hàng xóm mặt cắt không ra giọt máu. Không gian nghẹt thở. Lúc đó, lại chính ông Miều xuất hiện, đứng ra khuyên can. Không biết ông đã nói những gì mà lòng dạ gã trở nên mềm nhũn, gã thôi không gây nguy hiểm cho người đàn bà và đưa tay chịu tội. Cộng mấy tội vào, Hải bị kết án năm năm tù giam.
    Hải được tha trước hạn một năm, trở về địa phương, chính ông Miều là người đã đến động viên Hải đầu tiên. Gã ôm mặt khóc rấm rức, nói lời xin lỗi và cảm ơn vợ con vẫn chờ mình, rồi hứa làm người tốt.
    
- o O o -

    Hai tên trộm lan bị tóm sau ba ngày lẩn trốn, nhưng chậu Hoàng cẩm tố đã bị bán cho một chủ vườn lan tận Phú Thọ. Lấy địa chỉ, ông Miều cùng Hải ngược Phú Thọ. Cũng chẳng khó khăn lắm để tìm được chủ vườn lan. Người vợ chủ vườn đón khách. Bà xởi lởi dẫn khách vào khu vườn giới thiệu. Đúng là một không gian kỳ mỹ. Ông Miều đưa mắt nhìn những chậu địa lan được chăm sóc kỹ lưỡng trong những đôn sứ giả cổ: Bạch ngọc, Đại kiều, Tiểu kiều... lá xanh ngời như có thể soi mặt được. Không ngoa, tất cả đều ở mức tuyệt mỹ, và nếu chúng do bàn tay ông bà chủ vườn chăm sóc, thì đôi tay và khối óc của họ đạt đến tầm nghệ nhân. Ông Miều thốt lên: "Đẹp, đẹp tuyệt! Hẳn vợ chồng bà đã rất kỳ công". Bà chủ vườn tiếp lời: "Vâng ạ". Rồi bà chỉ tay vào chậu Hoàng cẩm tố: "Duy chậu này thì nhà em mới mua, vì thấy là lan quý. Nghe nhà em nói có mấy gã mang từ Hà Nội lên, nhưng trên này chẳng ai biết giá trị của nó". Ông Miều chợt buông hắt hai tiếng: "Được rồi!". Bà chủ vườn hỏi lại: "Bác vừa bảo gì cơ ạ?". Ông nói: "Không, không có gì đâu ạ".
    Đang xem hoa thì ông chủ vườn về. Ông Miều nhìn chủ vườn, ngờ ngợ. Còn ông chủ vườn thì cười phá lên: "Có phải thủ trưởng đó không? Cơn gió nào đưa thủ trưởng đến nơi này thế ạ?". Ông Miều còn chưa nhận ra ai thì chủ vườn nói luôn: "Em là Dũng. Dũng sẹo đây. Người đã được thủ trưởng cứu giúp để có ngày nay". Nhìn vào vết sẹo còn vện rõ bên má trái của chủ vườn, ông Miều nhận ra người mình có duyên năm xưa. Cũng như Hải, hơn hai chục năm trước Dũng là tay giang hồ cộm cán. Bị bắt đưa đi cải tạo ở Thanh Hóa, gã trốn trại tiếp tục cùng đàn em đi cướp. Để tăng uy lực, Dũng quay trở lại nơi từng giam giữ mình, lợi dụng sự thông thuộc địa hình, gã đã cướp đi mấy khẩu súng. Dũng cùng đàn em đi đến đâu cũng gây rúng động. Trong chuyên án năm đó, ông Miều cũng là người khiến Dũng ra quy án, thành khẩn khai thêm nhiều vụ việc khác.
    - Quay trở lại trại giam, em đã cải tạo tốt, rồi được tha tù trước thời hạn để về làm lại cuộc đời - Dũng khoe - Cũng may em có người con gái thôn quê hết lòng yêu thương, đồng cam cộng khổ. Rồi chúng em bỏ thành phố, chuyển đến xứ này.
    Ông Miều gật đầu:
    - Tôi nhớ ngày đó, cậu vô cùng nhanh nhẹn. Cũng là một người tài.
    - Dạ. Nhưng đi đường tối anh ạ. Cũng may được anh thương, khuyên can, được khoan hồng… Nếu không thì đời em vẫn trôi nổi ở xó xỉnh nào đó. À mà hôm nay sao thủ trưởng lại đến tìm em?
    Ông Miều ngồi nghiêm cẩn, sau khi chiêu ngụm trà, dõng dạc:
    - Chẳng là, vì cái chậu Hoàng cẩm tố. Nó bị lấy trộm. Đi tìm, thì tôi được biết nó bị bán cho cậu.
    Dũng lại cười phá lên:
    - Lan của thủ trưởng rơi vào tay em là may rồi. Em biết giá trị của dòng quý đó. Chứ kẻ ăn trộm, rồi kẻ dẫn tên trộm mang lan đến đây cũng chẳng biết. Đấy, em mua có ba triệu. Nhưng người biết thì phải trả cả trăm lần. Thủ trưởng, và anh đây ở lại ăn cơm với vợ chồng em, cho vợ chồng em được thưa chuyện, cảm ơn ân nhân, rồi mai em xin mời thủ trưởng và anh đây đưa lan quý về.
    Càng nói chuyện, ông Miều càng thấy Dũng sẹo rất hiểu lan. Còn học được cả đạo chơi. Bình thường, hai vợ chồng là chủ quán phở khá đông khách, được hàng xóm quý, rảnh ra thì chơi lan. Mà Dũng chăm lan tỉ mỉ như chăm con. Mỗi dòng lan mỗi tính, nhưng lan thuần hóa từ rừng mang về vô cùng khó tính. Phải đậu trên gỗ tốt, không nhãn da vàng thì phải gỗ vú sữa. Được ở gỗ tốt thì cứ như cô gái xuân thì, phô rễ, phô thân và hoa. Chi tiết nào cũng mập mạp, đầy khêu gợi, đầy sức sống.
    Dũng mời ông Miều đến gần sát chậu Hoàng cẩm tố, nói như thể chính gã là người chăm chậu lan này từ bao lâu nay: Nhìn vào đây em biết thủ trưởng chơi truyền thống và yêu lan, tránh xa bọn trẻ con lít nhít, cứ đú đởn lan đột biến. Chậu hoa nhu mì, có duyên thầm. Các nhánh đều, gốc không thưa cũng không mau. Ở không gian của em, không gian của kẻ hèn, nên sắc hoa có hơi xỉn. Chắc lan nhớ chủ lắm đấy. Nếu được đặt trong không gian đẹp hơn, quen thuộc, hít thở không khí quen thuộc, thì màu sắc sẽ thật long lanh…
    Ông Miều thiếu chút nữa thì thốt lên: Cậu láu lỉnh lắm. Nhưng cũng tinh tường, hiểu cây lắm. Ông không thể ngờ, cuộc đời lắm cái duyên. Cái tình người, tình đời rộng mở nó cho ta nhiều thứ. Khi ta bị đóng cánh cửa này, thì có người nhân nghĩa trong cuộc đời sẵn sàng cùng ta tìm để mở ra cánh cửa khác. Và cái duyên hoa cũng hữu linh. Nó không chỉ dẫn con người đến với đạo chơi cây, đạo làm người, dưỡng cái thần, mà còn xui khiến con người ta mở lòng rộng lượng, hào phóng, học cách cho đi. Bởi cho đi là nhận lại. Như muôn thứ hoa lan đã hiến dâng kiệt cùng mà chẳng đòi hỏi.
    Hôm đó, ông Miều ở lại ăn cơm với vợ chồng Dũng sẹo, rồi tối muộn vẫn xin được đưa lan về. Hẹn dịp khác tái ngộ. Đặt chậu Hoàng cẩm tố vào vị trí cũ, ông khóa cửa cũng là lúc đồng hồ điểm ba giờ sáng. Đi cả ngày nhưng ông Miều lại thấy vui và khoan khoái. Các loài hoa trong vườn đang trổ thơm, hoan hỉ chào mừng sự trở lại của một nhan sắc trong vườn.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Văn Học
» Xe Đạp Đôi
» Cánh Chim Bên Trời
» Người Mê Vịt
» Hình Bóng Miền Quê
» Về Lại Bến Sông
» Mùa Thương Nhau
» Đêm Hoa Thơm
» Dưỡng Chí
» Mắt Đen
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản