Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Những Ngọn Từ Bi Tác Giả: Chu Thị Thu Hằng    
    Mẹ bảo đấy là cây từ bi.
    
    Gọi thế bởi cây này cứu giúp những người nghèo không có tiền mua thuốc.
    Mẹ cũng đã từng được cứu sống bởi những nắm lá từ bi. Tôi cũng từng lớn lên từ dòng sữa của mẹ được tạo nên bởi những nắm lá từ bi.
    Nhưng bây giờ, những hàng từ bi ở cổng nhà tôi đã không còn. Tôi cũng không chơi trò cô dâu chú rể mà hái tơ hồng vướng vít trên ngọn từ bi nữa. Có lẽ những đọt lá xanh mà bạc phếch dầu dãi nắng sương chỉ còn khẽ đâm lên trong nhoi nhói trí nhớ của mẹ. Bức tường gạch được xây ngay ngắn, ngăn cách nhà tôi với con đường làng.
    Lũ trẻ con ở làng cũng chẳng còn đứa nào chơi với tơ hồng.
    Nên không có cái gì cần từ bi để mà bấu víu.
    Ốm thì đã có thuốc. Ai còn phải dùng đến mấy ngọn từ bi?
    Đó là những mùa xuân xưa lắm.
    Giêng hai, náo nức hội hè.
    Mẹ bảo, hồi ấy ai cũng mê những gánh hát về làng biểu diễn. Họ hát từ chèo, tuồng đến cải lương, vở nào cũng hay, từ Tống Trân-Cúc Hoa, Lưu Bình-Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Kim Nham đến Nghêu-Sò-Ốc-Hến. Mẹ mê nhất là vở Tống Trân-Cúc Hoa, đến nỗi gần như đã thuộc làu làu, vậy mà, lần nào xem mẹ cũng khóc. Bà ngoại thở dài, bảo, con gái đa sầu đa cảm vậy, rồi lại khổ thôi. Bà biết mẹ đã thương một người…
    Người đàn ông là kép chính trong gánh hát. Khuôn mặt thanh tú, giọng ca thật mùi. Mẹ cố len qua đám đông, đứng lên hàng đầu để được nhìn thật gần, khuôn mặt ấy, nghe thật gần, giọng ca ấy. Trời đã khuya, cuộc hát đã tàn, mẹ cố chờ cho bằng được người ấy chỉ để chào hỏi một câu. Mưa xuân mỏng như tơ giăng kín lối về. Tơ hồng mắc trên những ngọn từ bi ánh lên trong đêm lộng lẫy.
    Người đàn ông không hề biết cây từ bi. Người ấy bảo, quê mình không có loài cây đó. Thế là những lúc gánh hát ở lại làng, mẹ lại ngắt những đọt từ bi xanh mỡ màng cho người ấy nấu canh. Canh từ bi lạ lắm, lúc đầu ăn không quen thì thấy đắng, sau quen rồi thì vị đắng đó lại ngọt thấm vào lòng. Một mùi thơm sực lên nồng ấm, dân dã quê mùa. Người đàn ông tha hương thấy lòng mình như ấm lại.
    Tôi bước vào sân, thấy mẹ đang ngồi lơ đãng trước gốc đào nở muộn. Xuân vẫn như nguyên vẹn bao quanh mẹ mà xa kia, những chùm hoa xoan tím đã bắt đầu đơm bông. Tôi bảo, hội làng mình lần này có gánh hát về mẹ ạ. Mẹ giật mình, ngước lên, rồi ngỡ ngàng hỏi lại, giọng trầm đục, run run. Có lẽ, quá khứ chợt hiện về từ xa xăm. Rồi mẹ nói với tôi mà như tự nói với chính mình: "Biết bao nhiêu năm rồi lại mới có gánh hát về làng". Lời mẹ như chất chứa bao nhiêu ngậm ngùi, tiếc nuối.
    Những lúc xuân về, mẹ vẫn kể, câu được câu chăng. Chuyện về những đám hội, những gánh hát rong. Câu chuyện thế nào lại vẫn quay về người ấy. Đó là một người đàn ông đã góa vợ và có một người con gái sống ở quê cùng bà nội. Làm vợ kép hát rong nay đây mai đó nhọc nhằn, còn phải chịu cảnh "trầu thừa cau lại", bà nào tác hợp cho lứa đôi. Mẹ khóc. Bà cũng khóc. Cả hai đều đau nỗi đau của những người đàn bà.
    Thế là gánh hát ra đi khi mùa xuân đã cạn. Mẹ tấm tức khóc dưới gốc xoan hoa tím rụng bời bời. Rồi ốm. Mẹ mê man theo tiếng trống chèo, theo giọng hát xưa. Bà lấy lá từ bi đánh gió cho mẹ. Một mùi thơm hăng hắc xộc lên từ những chiếc lá dập nát làm mẹ lại khóc.
    Bà nhờ người phá bỏ hàng từ bi trước cổng. Mẹ lao ra, ngăn lại. Để sau này tôi vẫn còn được uống dòng sữa từ những ngọn từ bi.
    Bà nhờ người mai mối cho mẹ tôi. Mẹ lấy cha không tình yêu. Ấy là sau này khi lớn lên, tôi đoán vậy. Nhưng vợ chồng trọn nghĩa. Bởi trong trí nhớ của tôi, cha mẹ chưa xích mích bao giờ. Có lẽ, với hai người, cái gì cũng vừa phải và đúng mực.
    Bà tôi mất vào một chiều giông gió. Hàng từ bi trước cổng bị gió quật lên quật xuống. Tơ hồng tơi tả. Từng sợi rủ xuống, đứt gãy, tan tác. Bà nắm tay mẹ đặt vào tay cha. Chỉ vậy thôi, rồi ra đi.
    Đến lúc cha qua đời, cũng chỉ kịp nắm tay mẹ đặt vào tay tôi. Trên tay mẹ còn dính đầy những chiếc lá từ bi dập nát.
    Cha tôi chẳng ốm đau bệnh tật gì. Chỉ bị cảm qua loa. Mẹ ngắt vài đọt từ bi ở hàng rào đánh cảm cho cha. Vậy mà, cha đi luôn, chẳng kịp trăng trối lại gì. Cái nắm tay cuối cùng trọn nghĩa vợ chồng. Mẹ ngồi trơ như hóa đá. Sau 49 ngày của cha, mẹ lặng lẽ phá bỏ hàng từ bi trước cổng. Tôi ngăn mẹ, xót tiếc những tơ hồng. Mẹ lắc đầu, từ bi giờ cũng chẳng thể cứu giúp ai được nữa. Tôi bần thần nhìn mẹ lầm lụi cắt bỏ những bụi cây lá sum suê. Những sợi tơ hồng lấp lánh ánh vàng rụng xuống. Chỉ còn tôi với mẹ và một khoảng trống trước sân nhà.
    Mẹ ốm đúng vào ngày gánh hát về làng.
    Tôi xót xa nhìn mẹ nằm thiếp đi mê man. Hẳn là mẹ đã mong chờ lắm, tiếng trống chèo, tiếng hát xưa. Mong suốt cả một thời tuổi trẻ đến khi tóc bạc pha sương. Vậy mà trận ốm đột ngột đã làm mẹ chẳng thể đi xem hát. Không biết gánh hát bây giờ có còn như gánh hát xưa? Biết đâu, nếu giờ mẹ đi lại mang về một nỗi thất vọng tràn trề vì nó không còn như ký ức.
    Tôi biết, có nhiều thứ chỉ đẹp trong ký ức mà thôi. Thời gian đã khiến tất cả thay đổi quá nhiều. Có những món ăn thần thánh của tuổi thơ nhưng bây giờ chúng ta lại không ăn được. Giờ có chăng, chúng ta chỉ ăn bằng tâm trí và hoài niệm mà thôi.
    Đang vẩn vơ suy nghĩ, tôi thấy bác họ tôi đi ngang qua cổng. Tôi ra chào bác, hỏi có phải bác vừa đi xem hát về không. Bác gật đầu, miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu. Bác đã già thật rồi, lưng đã còng, chân đã chậm nhưng vẫn gắng đi xem gánh hát về làng. Lâu lắm rồi làng mình mới được xem hát, chắc vui lắm phải không bác? Bác tôi lơ đễnh một chút rồi gật gù, ờ, kể ra cũng vui, nhưng mà không giống ngày xưa. Tôi cười, bảo, vui là tốt rồi, chứ làm sao mà giống như xưa. Thời gian qua đi, cái gì mà chẳng đổi thay hả bác?
    Bác bảo tôi nói cũng có lý. Rồi đi vào thăm mẹ tôi. Mẹ đã tỉnh, nằm trên giường, dáng vẻ mệt nhọc. Bác loay hoay móc ra từ mấy lớp áo một gói kẹo bột nho nhỏ rồi dúi vào tay mẹ, nói, chị mua cho mày ở ngoài hội làng đấy. Biết là răng đã yếu rồi, nhưng thi thoảng ngậm vẫn cứ ngon. Ngày xưa, mày chẳng thích nhất là ăn kẹo bột còn gì. Gớm, người đâu mà cứ cho cả cái vào miệng nhai rôm rốp, nhoáng một cái đã hết cả gói. Giờ xem ngậm gói kẹo này có mất đến cả tháng hay không?
    Tôi cười vì món kẹo tuổi thơ. Mẹ tôi cũng cười. Nụ cười méo xệch. Tôi hỏi mẹ thèm ăn gì để tôi nấu cho mẹ. Mẹ lắc đầu. Mãi lúc sau mới ngập ngừng bảo, mẹ thèm một bát canh từ bi.
    Tôi ngỡ ngàng. Biết kiếm đâu ra từ bi? Đã mấy chục năm rồi, hầu như không còn ai trồng từ bi làm hàng rào nữa. Bác giục tôi đi về cuối làng, xem ở những bụi cây dại có còn sót lại gốc từ bi nào nữa hay không. Tôi nhờ bác trông mẹ rồi vội vã đi tìm lá. Lòng hoang mang, lo lắng không biết liệu có điềm gì.
    Tôi tha thẩn cả chiều, hết làng trên xóm dưới, không đâu còn sót lại một ngọn từ bi. Chỉ có con đường làng rải bê-tông sạch trơn và những bức tường ngay ngắn ngăn cách mỗi nhà. Ở những bãi hoang, xuyến chi đâm lên, lá mỡ màng xanh, hoa từng đóa trắng muốt xen lẫn sim, mua và những cây mâm xôi dại. Nhưng không thấy từ bi. Cả những tơ hồng, đang vấn vít nơi đâu? Tôi bật khóc trong buổi chiều trống rỗng. Mẹ vẫn ở nhà chờ tôi mang về những chiếc lá xưa.
    Tôi thất thểu lê từng bước chân nặng nhọc về gặp mẹ. Sẽ nói gì đây khi một mong muốn giản đơn của mẹ mà tôi lại chẳng thể làm mẹ thỏa lòng. Nhìn thấy tôi trở về tay không, mẹ lặng yên, cúi mặt. Tôi cũng quay đi, tránh nhìn vào mắt mẹ. Tôi sợ ánh mắt buồn.
    Bỗng có tiếng người xôn xao ngoài cổng. Tôi chạy ra, ngạc nhiên thấy một người đàn bà lạ bước vào sân, trên tay bưng một chậu từ bi xanh tốt. Không biết là ai nhưng tôi cũng gật đầu chào. Người đó hỏi thăm mẹ tôi rồi theo tôi vào nhà. Ai nấy đều ngơ ngác trước một vị khách lạ đường đột ghé thăm.
    Người đàn bà đặt chậu từ bi xuống rồi thong thả nói: "Trước khi mất, bố cháu dặn bằng mọi giá phải mang về cho cô chậu từ bi". Mẹ tôi dụi mắt, nhìn người đàn bà rồi run run hỏi lại: "Bố cháu là…?". "…là người kép hát năm xưa!". Mẹ tôi sững sờ, lặng đi trong phút giây. Mấy chục năm qua, bặt vô âm tín, mà nay đột ngột biết tin. Sao thấy cây mà chẳng thấy người? Mẹ bật khóc, nhưng tôi thấy tiếng khóc thanh thản lạ.
    Người đàn bà kể rằng chị là đứa con gái duy nhất của ông, đã ở quê cùng bà nội trong suốt những tháng năm thơ bé để ông bôn ba cùng gánh hát khắp xứ người. Lớn lên, lại theo nghiệp cha, mặc cho người đời dè bỉu là "xướng ca vô loài". Người ấy đã trọn nghĩa vẹn tình với mẹ tôi, bao năm rồi cũng không tái giá. Dù biết bố tôi đã mất nhưng cũng không muốn về làm xáo trộn cuộc sống của mẹ tôi. Tâm nguyện cuối cùng của ông là muốn gửi mẹ gốc từ bi, loại cây đã cứu và nuôi sống ông một thời nghèo đói, như một sự trả ân, trả nghĩa. Ông biết rằng, làng tôi giờ đã không còn một bóng từ bi.
    Mẹ tôi đón lấy những chiếc lá xanh non mà đã có lúc mẹ cố công phá bỏ. Cuộc sống đúng là có nhiều sự bất ngờ. Nếu ngày ấy, bà ngoại đồng ý cho mẹ đến với người kép hát thì mẹ và người đàn bà đó sẽ trở nên gắn bó, nhưng lại chẳng có tôi ngày hôm nay, ngồi tại đây để kể câu chuyện này vào dịp đầu xuân.
    Còn trong lúc này, mẹ đang xem người đàn bà một mình diễn cả hai vai Tống Trân, Cúc Hoa.
    Nhưng giọt nước mắt không lăn trên khóe mắt nhăn nheo của người già nữa.
    

Kết Thúc (END)
Chu Thị Thu Hằng
» Trinh Nữ
» Bầy Én Có Trở Về
» Những Ngọn Từ Bi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop