Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Vạt Trăng Vuông Tác Giả: Tiêu Đình    
    Tiêu Đình là bút danh của nhà văn Nguyễn Đình Quý, quê quán Quế Châu, Quế Sơn, Quảng Nam. Trước khi đến với con chữ, Tiêu Đình là một nhà giáo ưu tú. Rời phấn trắng bục giảng, anh chuyển qua làm lãnh đạo ở Hội văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Xông xáo sống và viết, hết mình với bạn bè; về hưu ngòi bút anh càng không ngại va chạm.
    Ở nhà văn Tiêu Đình, luôn có sự giày vò, dường như ở tận hai thái cực, giữa sự cách mạng tiến bộ và văn hóa truyền thống dần mai một cần phải níu giữ. Cái riết róng đắng đót nhiều lúc tưởng chừng như chơi vơi…
    Mộ của em Lành nằm giữa một mô đất lưa thưa cây trinh nữ, loài cây có hoa tim tím nhỏ xinh, hễ chạm tới là xếp lá e thẹn. Sau chiến tranh, cha chắt chiu lắm mới xây cho em được một nấm mộ bằng gạch được chọn từ đống đổ nát của ngôi nhà cổ. Cha như vừa trút được một gánh nặng: ‘’Vậy là yên tâm, mai này dù có vật đổi sao dời cũng không sợ mã bằng mộ lạc”. Rồi mẹ mất, cha theo mẹ sau đó một năm, tôi vào Nam sinh sống, em Lành nằm lại bơ vơ một mình giữa hoang vắng và rát rạt gió Lào.
    Tôi về nhổ cỏ, thắp hương mộ em Lành vào một ngày giao mùa Đông –Xuân, tiết trời se se lạnh, gió núi nhè nhẹ đưa mùi hương thơm lan tỏa khắp hoàng hôn rừng đồi. Sống chậm lại một mình với em và khoảng lặng yên hiếm có, tôi chợt nghĩ sao hồi xưa mình không bàn với cha xây cho cho em một nấm mộ hình vuông, cái hình vuông giống hệt vạt trăng vàng của em nhìn từ miệng căn hầm chìm? Ý nghĩ bỗng chốc đưa tôi ngược về một vùng ký ức đã mờ xa hơn nửa thế kỷ. Vậy mà tất cả dường như vẫn nguyên vẹn, vừa thân quen vừa xa xót.
    Việc gia đình phải đi hay ở lại không dễ quyết định như việc cha chọn khu đất nào để tỉa bắp, vùng đồi nào để trồng khoai. Nhiều đêm trằn trọc mất ngủ, cha vẫn chưa tìm ra đáp số cho bài toán khó đi-ở. Đưa cả gia đình xuống phố thì lấy gì để sống? Còn ở lại vùng đất ‘’da beo’’ ngày đêm hai chủ khác nhau thì không thể chịu nổi với bom đạn. Cuối cùng, cha bàn với mẹ sẽ cho tôi xuống phố trước, nương tựa vào gia đình chú Hợi để tiếp tục học hành. Em Lành còn nhỏ sẽ ở lại với cha mẹ. Thời buổi chiến tranh, dàn xếp hai chiều như thế cũng là cách giữ lại chút may mắn nếu lỡ bị bất hạnh ập đến.
    Ngày tôi xuống phố, em Lành 9 tuổi, tiễn tôi từ trong bóng tối dưới đáy hầm lên ngăn bếp lờ mờ, rồi anh em cùng ló đầu ra khỏi ô miệng hầm hình vuông, vẫy tay chào nhau. Chỉ một thoáng chốc được nhìn thấy bầu trời rựng sáng, được thở hít chút khí trời trong loãng rồi mẹ lại hối em vào. Đạn pháo từ một nơi nào đó phía biển vẫn đì đùng bắn lên hướng núi. Tôi đi như chạy theo cha dưới một đoạn giao thông hào dài gần cây số rồi mới chia tay. Cha con im lặng nhìn nhau bằng đôi mắt đỏ biết nói. Gió Lào vẫn đuổi theo phía sau khô nóng, rát rạt. Mấy chiếc máy bay vẫn quầng thả bom ở một vùng núi rất gần. Ra đến bến xe đầu chợ, tôi cảm thấy đã đến lúc không thể giữ mãi những giọt nước mắt đang đồng lõa với sống mũi cay cay khó chịu. Và tôi đã òa khóc giữa đám đông người ngược xuôi hối hả.
    Mùi hương trầm dường như không muốn tan nhanh mà cứ lờn vờn, quẩn quanh mãi bên ngôi mộ em Lành. Chắc lâu ngày anh em mới được gặp nhau nên em không muốn vội chia tay, đột ngột và bất ngờ như cái ngày em vĩnh viễn xa tôi. Hồi quần cộc cởi trần chạy chơi ngoài rừng cho đến khi bị nhốt suốt ngày đêm dưới hầm sâu, anh em có bao giờ rời nhau nửa bước. Thầy nào trang số cho em mà cha cứ nhắc hoài, con Lành tính hiếu động, thích chạy nhảy leo trèo như con trai nên đừng cố giữ nó ngồi nằm yên một chỗ. Còn anh, anh thấy em rất giống với chú Dế Mèn của Tô Hoài. Mèn không thích giam mình lâu ngày trong hang sâu tối nên cứ bươi đất đòi lên. Chỉ cần lên khỏi mặt đất, dạo quanh một vòng nhìn trời đất, rồi xòe cánh gáy te te là đủ. Cũng vì cái tính kỳ khôi ấy mà có lần cha đã to tiếng quát ầm lên:
    – Lên trên đó làm chi mà cứ nằng nặc đòi lên. Bom đạn đầy trời trên đó kìa…
    – Cho con lên chạy qua bên nhà cậu Tư chơi chút rồi về.
    Nhà cậu Tư nằm bên kia đường, đối diện với nhà tôi. Đó là một căn nhà xây gạch, lợp ngói cong, năm ngoái đã bị đạn pháo phá sụp một góc. Cậu phải tạm thời dùng tre gỗ chống giữ để lợp tạm mấy tấm tôn che mưa nắng. Nhà cậu có bé Sinh cùng tuổi, học cùng lớp, cùng trường và cũng cùng bỏ học dang dở nửa chừng như em Lành. Em Lành và Sinh chơi thân nhau như chị em sinh đôi. Một lần sang chơi bên đó nghe tiếng tôi gọi về ăn cơm, em Lành đã ngược hướng gió Lào chạy băng qua đường như con chim chích đang bay. Thấy mà thương, thân hình tong teo, đôi chân khô gầy như muốn ngã quỵ.
    Nghe em Lành nói có vẻ tha thiết, cha im lặng trong thoáng chốc rồi ngó lơ qua hướng khác trước khi luồn theo một ngách hầm để sang bên ngăn bếp. Nhà tôi ai cũng hiểu, khi cha im lặng lờ đi một chuyện gì đó thì đừng có cố gắng năn nỉ tiếp. Phán quyết đã rạch ròi: ‘’Không đi đâu cả”. Những lần như thế, tôi thường mong sau đó sẽ có những giọt nước mắt chảy ngược vào tim, làm thay đổi ý định ban đầu của cha. Thấy thế, tôi dỗ em Lành:
    – Thôi mà, ở đây chơi ô với anh, qua chi bên đó nguy hiểm…
    – Sao anh lên được mà em không lên được? – Em Lành bỗng hỏi tôi như giọng người lớn.
    Ờ há! Sao cha chỉ nhắc tôi phải cẩn thận khi lên khỏi miệng hầm mà không cấm. Còn em Lành thì gần như suốt ngày phải tự nhốt mình trong bóng tối với mùi đất ẩm mốc? Vừa suy nghĩ tôi vừa nhìn em. Không biết vì tức giận hay vì phải sống lâu ngày trong lòng đất tối om mà màu da mặt em Lành bỗng tái nhợt. Tôi an ủi em mà nghe tim mình đau thắt:
    – Anh khác, em khác…
    – …
    – Anh đã lớn, lại còn phải đi học…
    Đến đây thì em Lành im lặng. Nhìn khuôn mặt lầm lì hơi cúi thấp của em không ai nghĩ rằng em đã từ bỏ ý định xin lên khỏi lòng hầm để được tung tăng đùa vui giữa bầu trời thoáng mát. Em Lành không còn thắc mắc có lẽ vì nghe tôi vừa nhắc đến việc học. Lành chỉ mới học đánh vần a, b, c… ở một ngôi nhà vắng chủ mượn tạm. Từ ngày bom đạn rộ lên, chiến tranh tràn từ núi cao xuống núi thấp, rồi lan ra đồng bằng, làng vòng vèo những địa đạo đất đỏ, người người bị đẩy từ đồng ruộng xuống hầm sâu, lớp học của em Lành cũng tự động giải tán. Giữa ánh sáng lờ mờ của căn hầm, tôi dạy em Lành đánh vần tiếp những chữ ‘’cha’’, ‘’mẹ’’, ‘’anh Huy’’, ‘’bạn Sinh’’, ‘’Trương Thị Lành’’…. Chỉ đơn giản vậy thôi mà bữa có bữa không, bữa được bữa mất.
    
    Bù lại sự hẫng hụt đáng thương ấy, tôi hứa khi nào vắng máy bay, đạn pháo sẽ xin cha cho em qua chơi bên nhà bạn Sinh. Nào ngờ dù đã dọn lòng, dọn lời hết cỡ đẹp cha vẫn không chịu. “Không được’’, câu trả lời gọn lỏn, tiếp sau vẫn là cái nhìn lờ đi như một thói quen tránh bớt sự xa xót. Cha là vậy, quyết đoán nhưng tình cảm, buồn vui để bụng, đại sự suy tính một mình. Mẹ nhiều khi không hiểu hết cha nhưng lại rất nể trọng. Có lần mẹ đã nói với tôi, cha mày vừa khó chịu vừa khó hiểu, nhưng đàn ông phải như rứa, nhà mình mà không có ổng chủ trì thì mấy đứa bay hư hết.
    Thấy tôi buồn buồn, một lát sau cha quay lai:
    – Em mày còn khờ lắm, tốt hơn nên tập cho nó thói quen sống dưới hầm. Chiến tranh đang hồi khốc liệt thì biết lúc nào là vắng bom đạn. Mày thấy rồi đó, chỉ nghe‘’cạch’’ ngoài biển một cái là trong này nổ đoành, nhà bác Tám Dậu hồi ấy mà xuống hết dưới hầm thì đâu đến nổi thằng Quân phải chết…
    Cha nói có lý, năm ngoái thằng Quân, bạn tôi trong xóm chết banh xác, thịt bay vắt tòn ten trên cành tre chỉ vì chủ quan không chịu nhảy xuống sớm dưới hầm ếch mà còn chần chừ xem đạn pháo bắn đi hướng nào. Mẹ nó đang chạy lúp xúp dưới bờ mương, khi nghe tiếng nổ nhìn lên thấy con mình tan xác đã bật ngửa ra, ngất xỉu. Hồi đó chiến tranh mới bắt đầu ở xóm núi heo hút này mà bình yên và sống chết đã cách nhau chỉ bằng một tia chớp lóe sáng. Huống hồ bây giờ, xóm làng đã trở thành bãi đất của tử thần, ngày đêm dày đặc súng đạn và lửa khói…
    Tối hôm đó, giữa khoảng lặng yên hiếm có, tôi đưa em Lành vòng sang ngăn bếp. Đây là không gian ăn uống tạm thời của cả nhà. Ở đây có thể nhìn thấy lờ mờ ánh sáng mặt trời, mặt trăng qua ô miệng hầm hình vuông. Trời tháng hè thanh thoát, nhiều trăng. Hình như trăng đang độ tròn đầy nhất, vàng mượt nhất. Ánh trăng màu mật ong, lọt vào đường hầm nhỏ xíu, lung linh huyền ảo như trong truyện cổ tích. Nhìn chăm chú ô miệng hầm một lát, rồi bỗng em Lành reo lên: “ÔI, đẹp quá!”. Vừa nói em vừa vung đôi cánh tay khẳng khiu như con chim nhỏ tập chuyền đang muốn bay lên. Nhớ lời cha dặn, tôi kéo tay em:
    – Thôi, lo mà xuống đi. Đạn pháo đấy!
    Như không nghe lời tôi, em Lành hỏi:
    – Đố anh trăng hình chi?
    – Thì hình tròn chứ hình chi.
    – Không, hình vuông.
    Vạt trăng riêng của em tôi đó sao? Hình vuông! “Hình vuông có bốn cạnh bằng nhau và bốn góc vuông như góc nhà trên mình rứa đó”. Tôi bỗng nhớ bài hình học đầu tiên mà tôi đã dạy cho em Lành giữa ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu trong căn hầm chữ A nổi trên mặt đất. Bị bom, nhà sụp, hầm chìm thay cho hầm nổi. Không biết rồi em Lành có còn mường tượng được một góc nhà xưa vuông vứt?
    – Anh ngó nè, một cạnh, hai cạnh…, một góc, hai góc…
    Nhìn theo ngón tay chỉ của em Lành, tôi thấy một vạt trời đầy trăng, xô xệch góc cạnh. Tuổi thơ của tôi, của em rồi sẽ có lắm diệu kỳ để nhớ, để kể.
    Ầm ầm… xéo… ầm… xéo xéo… ầm ầm… Đất trời chớp sáng rồi chao đảo, sập xuống. Dường như vạt trăng riêng của em tôi cũng vừa vỡ nát. Tiếp đó là tiếng kẻng báo động, tiếng máy bay gầm rú….”Thằng Trọng đâu, mau đưa em xuống!”. Tiếng cha tôi thốc tháo nỗi lo. Tôi kéo em Lành như rơi tụt sâu vào lòng đất và đụng phải cha tôi đang chạy lên căn bếp. Cha nói như chả có việc gì vừa xảy ra, như đã quá quen với bom đạn: ‘’Đã nói rồi, đừng có ở lâu trên đó”
    Cuộc sống thời chiến cứ trôi theo quán tính thời chiến. Bình thường lẫn trong bất bình thường, bất hạnh chen vào an vui. Như bàn tay cha, lật bên này là những đường chỉ tay mềm mượt, trở bên kia là chai sạm nắng gió cùng một vết thương không thể lành sẹo. Phía bên trên miệng hầm, bầu trời khi thì lặng ngắt, khi lại bủa trùm đầy ắp những âm vang rợn người. Dưới hầm, gia đình tôi co cụm với nhau trong bóng tối muôn thuở, hết nghe ngóng đạn bom lại đổ liều ngủ vùi. Riết rồi cũng quen. Riết rồi con người cũng đâm ra chai lì với sống chết. Không ai nhìn rõ được mặt nhau nên chẳng biết lúc này em Lành có phị mặt ra nuối tiếc vạt trăng vuông vứt trên kia? Còn tôi, tôi mở mắt nhìn trâng bóng tối mà lại thấy khoảng trăng vuông của em Lành. Chưa có đêm nào tôi cảm thấy khó ngủ như đêm hôm ấy, cái đêm trước ngày vĩnh viễn xa em Lành. Nghe như có con giun, con dế cứ lọ mọ hoài dưới lưng, trên bụng. Người chết chôn sâu trong đất chắc cũng có cảm giác giống tôi chăng?
    Đêm đó tôi mơ thấy mình đang lúp xúp chạy dưới giao thông hào, bỗng hứng khởi sao đó lại ném sách vở nhảy tưng lên mặt đất. Tôi vung tay, chạy nhảy, say sưa nói cười, rồi hét vang: ‘’Lành ơi, lên đây với anh!”. Mấy đứa bạn tròn mắt nhìn tôi, có đứa hoảng quá đã để xộc xệch tay cầm sách vở: “ Thằng Huy điên!… Coi chừng bom xén bay đầu”…. Giật mình, tôi lại thấy mình đang nằm cạnh em Lành dưới căn hầm tối om. Tôi choàng tay qua ôm em. Hơi lạnh và mùi ẩm mốc quen quen tỏa ra từ một thân hình gầy rộc….
    Ở phố chuyện làng quê, chuyện về em Lành chỉ nhớ nhớ quên quên. Về đây, được ngồi bên em giữa không gian yên ắng của núi rừng, mọi thứ đều trở nên rõ ràng và đầy đủ đến kỳ lạ. Ngày còn sống, cha vẫn kể về cái chết của em như một điệp khúc đời người: ‘’Hôm đó cha phải qua tận bên kia núí để lo việc chôn cất thím Tư, số chết, số bỏ đi, làng xóm còn được mấy người để lo đâu. Mẹ con thì mãi loay hoay cơm nước, đâu biết rằng em con đã lén ra khỏi hầm để chạy qua chơi bên nhà cậu. Tội nghiệp, nó đang gọi Ly ơi, Ly hỡi… thì bom nổ”.
    Vậy là anh mãi nợ em phải không Lành? Trả lời tôi, vầng trăng non hình trái chuối, hình chiếc thuyền giấy mà em thường xếp đã nhô lên phía biển. Rồi nó sẽ tròn như quả bóng, như cái mâm con. Nhưng sẽ không có vừng trăng nào vuông, gấp gãy…, góc cạnh… như của em.

Kết Thúc (END)
Tiêu Đình
» Vầng Trăng Đơn Độc
» Ra Ngõ Ngó Mông
» Nối Hai Bờ Quê Phố
» Ông Chủ Yếu
» Đón Tuổi Mới Ở Quê
» Tam Đại Đồng Đường
» Đường Càng Ngày Càng Xa
» Bệnh Dị Ứng Mặt Nạ
» Vạt Trăng Vuông
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh