Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chị Tác Giả: Đào Quốc Vịnh    
    Khai giảng năm học ấy là lần cuối cùng chị đọc diễn văn khai mạc. Chị nói với phụ huynh, nói với giáo viên và học sinh bằng những lời tâm huyết, hàm chứa những tình cảm sâu sắc đã được bồi đắp bằng gần chục năm chị sống với trường, ngôi trường do chính tay chị dày công vun đắp tạo dựng. Tôi nghe như trong mỗi lời nói của chị mọng chứa đầy nước mắt.
    Tôi gọi chị là chị vì chị hơn tôi đến hơn chục tuổi. Chồng chị lại là thầy giáo dạy văn khi vợ tôi học cấp ba ở trường huyện. Chúng tôi gặp lại chị như một sự tình cờ. Cuộc gặp mặt ấy như một định mệnh. Con trai tôi vào độ đi học lớp một, chị xin cho cháu vào học ở một trường có tiếng hồi bấy giờ mà không mất một đồng nào. Nhớ buổi tối chủ nhật ấy, chị đưa hai vợ chồng tôi và con trai tôi đến cửa Bắc, vào nhà thầy hiệu trưởng để xin học cho thằng Quốc con trai tôi. Chị xách theo cân bột sắn làm quà, gọi là đón tay lúc gặp thầy hiệu trưởng.
    Chúng tôi được chị quan tâm lắm. Gặp nhau dù bất kỳ lúc nào, dù ở đâu, chị và vợ tôi đều “ngằm ngặp như chị gặp em”. Có bao nhiêu chuyện vui, chuyện buồn đều giãi bầy, dốc gan, dốc ruột kể cho nhau hết.
    Rồi năm con trai tôi học lên lớp bốn thì chị có chuyện gì đó không hài lòng với thầy hiệu trưởng. Ấy là tôi đoán thế. Tôi thấy vẻ mặt chị sắt lại, có phần hốc hác. Rồi một buổi tối, chị sang nhà tôi. Chị nhỏ to với vợ tôi một chuyện gì đó, nghe ra có vẻ tâm đầu ý hợp lắm, tâm đắc lắm.
    Khi chị đã về, vợ tôi bóng gió gợi chuyện. Chuyện chị Bách, chuyện gia đình thầy Xuân. Thầy từng dạy văn những năm vợ tôi học cấp ba trường huyện. Chuyện chị bị thầy hiệu trưởng trù úm. Nói đúng hơn là thầy hiệu trưởng phản đối chị dạy thêm. Chị là người viết chữ rất đẹp. Ngoài lớp luyện chữ đẹp cho lũ học sinh tiểu học, chị mở hai lớp lá, lớp mầm để các cháu ở độ tuổi sắp vào lớp một làm quen với chữ, tập viết, tập tô. Ngôi trường nơi chị dạy tuyển sinh học sinh vào lớp một bằng hình thức thi tuyển. Học sinh sau khi được cha mẹ đăng ký vào học tại trường phải học chừng một tháng về làm quen với chữ, với những con số, vào độ cuối tháng bảy sẽ tham gia một kỳ thi. Kỳ thi vào lớp một nhưng không kém hồi hộp và lo lắng. Số lượng học sinh đăng ký dự tuyển cao gấp nhiều lần số chỉ tiêu được tuyển.Vì vậy, đề thi có tính phân hoá cao. Để chắc chắn cho con đỗ trong kỳ thi tuyển, mọi người nháo nhào tìm chỗ cho con học thêm. Chị viết chữ đẹp, lại là giáo viên của trường nên đông người đến cậy nhờ. Chị được coi như một cửa lớn để xin cho con vào lớp một của trường. Lớp học chữ, học số của chị vì thế mà đông học sinh học lắm. Rồi chuyện chị mở lớp dạy thêm đến tai thầy hiệu trưởng. Thầy gọi chị lên phê bình, chị uất lắm. Cả cái trường này, hỏi có ai không dạy thêm. Đâu chỉ mình chị mà gọi chị lên phê bình. Chị ghét cái kiểu đạo đức giả. Thời buổi khó khăn, đồng lương thấp kém, nghề gì mà chả phải tìm cách kiếm thêm. Không xoay sở kiếm thêm thì lấy gì đổ vào mồm, lấy gì nuôi chồng nuôi con. Nghề nào cũng vậy thôi. Có chức có quyền thì ăn bổng lộc, thì ăn tiền dự án, ăn tiền chữ ký. Không có chức quyền thì chạy mánh, mua đầu chợ, bán cuối chợ. Làm nghề gõ đầu trẻ con như chị thì dạy viết chữ đẹp. Nhờ có chị mà bao nhiêu đứa trẻ đã trúng tuyển vào cái trường này học. Ngoài chị ra, khối người dạy thêm, sao không dám cấm người ta mà lại động đến chị. Ấy là chị và thầy hiệu trưởng đã từng đi tăng cường cho ngành giáo dục của một huyện mãi trong Cà Mau hồi miền Nam mới giải phóng đấy, chứ có phải xa lạ gì đâu!
    Vợ tôi nói toạc ý định chị rủ rê mở trường tiểu học với tôi. Gia đình tôi có đất, chị có chuyên môn, chị có uy tín với phụ huynh của cả mấy quận xung quanh. Tôi đồng ý cho chị mượn thửa đất gần 200m2 để chị mở lớp.
    Con gái chị làm nghề luật sư nên rất thông thạo các thủ tục thuê mướn nhà đất. Chị mang đến để tôi ký một hợp đồng liên doanh liên kết mở trường tiểu học với chị. Nội dung là: Vợ chồng tôi góp đất, chị góp công, góp trí tuệ. Chị được sử dụng thửa đất của gia đình tôi 15 năm. Trong 3 năm đầu gia đình tôi miễn không thu lợi tức. Từ năm thứ tư trở đi mỗi tháng chị thanh toán trả gia đình tôi một khoản lợi tức tương đương 100 đô la Mỹ. Chị được phép đầu tư xây dựng phòng học trên đất của vợ chồng tôi đưa vào liên kết. Thời gian liên kết 15 năm kể từ ngày ký hợp đồng. Sau 15 năm, hợp đồng hết hạn, chị có trách nhiệm bàn giao lại toàn bộ cơ sở dạy học và pháp nhân trường học cùng với sự hoạt động của trường cho gia đình tôi mà không nhận bất kỳ một khoản tiền nào. Để tôi có thêm chút lợi, chị còn cho thêm một điều khoản nói về việc học tập của con gái tôi. Theo điều khoản này, con gái tôi được học 5 năm tiểu học tại trường với học bổng toàn phần và miễn thu tiền ăn suốt 5 năm.
    Rồi chị cải tạo lại mảnh vườn, san lấp đất và xây lên một ngôi nhà hai tầng, mỗi tầng ba phòng, đủ ở mức tối thiểu về cơ sở vật chất cho việc thành lập một ngôi trường dân lập lúc đó.
    Vợ tôi sung sướng vì sắp tới con gái tôi vào lớp một không phải đóng tiền, được học ở trường nhà mình. Nhưng rồi khi con gái tôi đi học, vợ tôi bảo, con đi học mà không đóng tiền nghe ra nó thế nào ấy. Nhất là chị Bách lại mới mở trường còn nhiều khó khăn, thêm một khoản chi phí là nặng thêm một chút trên vai. Vợ tôi mang tiền nộp cho con đến học. Ban đầu chị không nhận, còn mắng té tát vợ tôi, cho rằng như thế thì trẻ con lắm! Nhưng vợ tôi dúi vào túi chị, khiến chị phải nhận. Việc trả tiền học cho con gái đã thành một thói quen. Cứ đầu tháng là vợ tôi sang nộp tiền cho chị. Một vài lần bận công việc nộp tiền chậm, buổi tối mở cặp của con ra xem thì thấy giấy nhắc đóng tiền học phí chị bỏ vào trong cặp của con gái gửi về nhắc nhở.
    Trường tư, nhưng dạy có uy tín, giáo viên trẻ nhưng tâm huyết, nhất là uy tín của chị nữa, thu hút được hơn ba trăm học sinh. Làm trường tư, chị có đồng ra đồng vào nên cứ hai ba tháng một lần chị đi Sài Gòn chơi nhà con gái. Công việc ở trường chị giao khoán hết cho giáo viên. Ngoài bà Liên làm công tác chuyên môn, dự giờ giáo viên theo định mức chị khoán từng tháng ra, chị giao trường cho Công đoàn trường tự quản. Thời gian đầu, công việc đều suôn sẻ. Nhưng rồi, giống như một chiếc xe không người lái, tự hành loạn xạ, mất phương hướng, nhiều mâu thuẫn nội bộ phát sinh. Chị tính xởi lởi, thương người đến vô lối. Một vài phụ huynh học sinh xin điểm cho con có học bạ đẹp là chị chép miệng đồng ý. Thôi thì chả mất gì, thêm một điểm từ 9 lên 10 vẫn là một thang đánh giá là giỏi, nhưng học bạ đẹp, các cháu ra trường vào cấp hai dễ dàng, chị cũng mát mặt.
    Mâu thuẫn nội bộ về tranh giành quyền lực khi chị vắng trường khiến không ai nể ai, mạnh ai người nấy làm. Cô giáo Thanh là người đanh đá nhất trường. Mỗi cuốn học bạ được chị chữa nâng điểm cô Thanh đều chụp lại hết. Chụp từ lúc điểm chưa được nâng đến lúc điểm được nâng. Cô thì thầm với một vài người rằng, đó là cái gậy để cô giữ mình.
    Chị làm trường được tám năm thì oải. Chị bàn với giáo viên là cổ phần hoá ngôi trường. Một vài giáo viên ủng hộ việc cổ phần, nhưng khi hỏi đến nhà đất thì họ thôi. Nhất là khi họ biết các điều khoản hợp đồng giữa chị và vợ chồng tôi ký với nhau thì không ai dám tham gia mua cổ phần nữa.
    Những năm đầu thế kỷ 21, gia đình tôi gặp một đại hạn. Con trai tôi là thằng Quốc bị một tai nạn, chấn thương đến mất hoàn toàn trí nhớ. Tôi phải bỏ việc cơ quan đi chạy chữa cho con. Khi sức khoẻ của con trai dần hồi phục thì chị sang nhà gặp vợ tôi bóng gió về việc muốn nhượng ngôi trường cho vợ chồng tôi. Giá chuyển nhượng là 300 triệu đồng. Chị động viên:
    – Cứ làm đi! Cậu Việt cậu ấy làm được đấy! Chị biết mà! Có gì chị giúp thêm!
    Đêm ấy hai vợ chồng tôi thức khuya lắm. Chúng tôi bàn nhau để đi đến một quyết định có ý nghĩa như một bước ngoặt của cuộc đời. Mua lại ngôi trường đồng nghĩa với việc tôi phải nghỉ việc cơ quan về làm tư nhân. Môi trường mới này hoàn toàn xa lạ với tôi…
    Sáng hôm sau, tôi lấy cớ sang trường gặp chị Bách, rồi đảo mắt qua, nhìn ngôi trường một lượt. Ngôi trường nhỏ bé nhưng ấm cúng. Lũ học sinh nhìn thấy tôi vào đồng thanh chào lễ phép. Mấy cô giáo trẻ ngước những cặp mắt ngơ ngác trong veo nhìn tôi như dò hỏi. Tôi khẽ gật đầu, cười chào các cô giáo trẻ rồi ra về.
    Vợ chồng tôi quyết định mua lại ngôi trường của chị với giá 300 triệu đồng. Thời gian bàn giao được chị ấn định là 31 tháng 8.
    Sau này bà Liên, khi đã nhận lời mời của tôi là tiếp tục làm chuyên môn cho tôi, cười hóm hỉnh bảo:
    – Sao ông Việt không nhận bàn giao ngay từ hè mà lại nhận bàn giao vào cuối tháng Tám !
    Tôi không hiểu hàm ý sâu xa câu hỏi của bà Liên.
    Trưa ngày 31 tháng 8, vợ chồng tôi mang đủ 300 triệu vào nhà chị Bách. Chị và thầy Xuân niềm nở đón chúng tôi. Sau vài lời xã giao, chúng tôi trao tiền cho chị. Chị đã đánh máy sẵn tờ giấy biên nhận chuyển nhượng trường tiểu học của chị cho tôi. Nhận tiền xong, chị ký và ghi đầy đủ họ tên chị rồi đưa tờ giấy sang cho thầy Xuân đọc và ký. Chị lôi từ ngăn kéo ra một cái cặp Clear đựng bộ hồ sơ pháp lý của trường, bao gồm toàn những bản chính cho tôi.
    Ngay chiều hôm đó, chị cho họp hội đồng trường và thông báo tôi sẽ làm hiệu phó phụ trách tài mậu của trường. Hơn chục cô giáo nhìn tôi dò hỏi. Tôi phát biểu vài câu làm quen với các cô giáo. Cô chủ tịch công đoàn, người mập mạp, ngước nhìn tôi bằng đôi mắt rực sáng. Bất giác hai bầu má cô ửng đỏ khi bắt gặp cái nhìn của tôi.
    Ngay sau ngày đó, chị đưa tôi đi các nơi, đến nhiều cơ quan có quan hệ để giới thiệu cho tiện việc công tác của tôi sau này.
    Khai giảng năm học ấy là lần cuối cùng chị đọc diễn văn khai mạc. Chị nói với phụ huynh, nói với giáo viên và học sinh bằng những lời tâm huyết, hàm chứa những tình cảm sâu sắc đã được bồi đắp bằng gần chục năm chị sống với trường, ngôi trường do chính tay chị dày công vun đắp tạo dựng. Tôi nghe như trong mỗi lời nói của chị mọng chứa đầy nước mắt.
    Sau lễ khai giảng, chị và thầy Xuân dùng bữa cơm trưa thân mật với vợ chồng tôi và các thầy cô giáo. Bữa cơm chia tay chị vội vàng. Chị ăn vội bát cơm rồi cùng thầy Xuân lên xe đi sân bay để kịp chuyến bay chiều vào Sài Gòn với con gái chị.
    Chiều hôm ấy, chúng tôi về trường. Cô Chủ tịch Công đoàn và bà Liên đồng chủ trì một cuộc họp chuyên môn. Trước khi vào nội dung chính của cuộc họp, bà Liên giới thiệu về tôi để mọi người biết. Tôi là Phạm Việt. Tôi sẽ là chủ ngôi trường dân lập này. Trong thời gian nhất định, chị Bách vẫn là hiệu trưởng, tôi là hiệu phó điều hành trực tiếp và mọi mặt các hoạt động của nhà trường.
    Nghe thấy vậy, cả phòng họp xôn xao hẳn lên. Anh Thế, là anh ruột chị Bách, bí thư chi bộ nhà trường đứng dậy trấn an:
    – Tôi đề nghị các đồng chí trật tự! Vì lí do sức khoẻ, cô Bách không thể tiếp tục điều hành được nữa. Nay đồng chí Việt về, là đảng viên, từng kinh qua công tác ở các cơ quan Nhà nước. Đó là điều thuận lợi, mong các đồng chí bình tĩnh. Việc ai nấy làm.
    Phòng họp im lặng. Một không khí nặng nề đè lên tôi.
    Bà Liên tiếp tục phổ biến công việc chuyên môn đầu năm học.
    Những ngày sau đó, tôi bắt tay vào công việc chẳng mấy dễ dàng. Tôi mong chị sớm ra Hà Nội như chị đã hẹn để giúp tôi vượt qua những khó khăn của những ngày đầu tiên này.
    Sau một tháng thì chị ra Hà Nội. Chị từ chối tiếp tục làm hiệu trưởng giúp tôi. Chị lập hồ sơ xin thành lập lớp mầm non trên địa chỉ lớp mầm non chị đã bàn giao cho tôi kèm với hồ sơ bán ngôi trường tiểu học. Địa điểm đó là căn nhà chị đã thoả thuận cho tôi thuê lại 5 năm để lớp mầm non hoạt động, nằm sát ngay cạnh trường tiểu học. Một buổi chiều cuối thu, trời se lạnh, tôi đang ngồi làm việc thì một đoàn cán bộ gồm năm, sáu người trên phòng giáo dục và phường sở tại xuống khảo sát địa điểm chị xin phép mở lớp mầm non. Mọi người trong đoàn thấy đã có trường mầm non hoạt động thì rất ngạc nhiên. Trong một nhà không thể cấp giấy phép cho hai lớp mầm non hoạt động được. Mọi người thấy tôi lạ bèn kiểm tra giấy phép thành lập lớp. Sau khi kiểm tra xong, biết chị đã chuyển nhượng cả cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học cho tôi, mọi người không ai nói thêm một câu nào, lặng lẽ ra về. Tôi được biết năm ngày sau Uỷ ban nhân dân phường có văn bản trả lời không chấp nhận đơn xin thành lập lớp mầm non của chị. Chị nhận thông báo trả lời của Phường xong chạy về nhà lăn ra, kêu gào thảm thiết. Tôi gọi ông Thế, anh ruột chị, rồi cùng ông vào nhà xem sự tình thế nào để động viên chị. Vừa nhìn thấy tôi, mắt chị long lên nom như điên dại. Chị gầm gào, chửi bới tôi. Chị nói tôi cướp trường của chị. Ông Thế cầm điện thoại gọi thằng Bạch con chị về vì nom chị như điên dại, có thể phải đưa chị đi viện.
    Sự việc diễn ra ngoài ý muốn, ngoài sự tưởng tượng của tôi và mọi người trong trường. Chị không đơn giản như tôi tưởng. Trước khi bàn giao cho tôi, chị cân đối nguồn thu, lên một mức lương cao hơn mà chị không phải trả. Tháng lương đầu tiên tôi thanh toán cho người lao động xong, trừ một số chi phí điện nước, chi phí hành chính, tôi còn lại trong tay chưa đầy năm triệu bạc. Vào năm học, động đến tiền bảo hiểm y tế, tiền xây dựng đầu năm, tiền mua sách giáo khoa, tôi mới biết chị đã thu trước tất cả những khoản ấy mà không hề nói với tôi một tiếng. Chị cứ để mặc nhiên tôi phải bỏ tiền nhà ra bù vào những khoản chị đã thu của phụ huynh học sinh.
    Một buổi chiều, chị sang trường lúc tôi đi vắng. Chị lấy con dấu ra đóng vào một tập thông báo để gửi phụ huynh học sinh. Nội dung chị thông báo là: Kể từ ngày …tháng …năm ấy, chị không làm hiệu trưởng nhà trường nữa. Chị hoàn toàn không chịu trách nhiệm về mọi hoạt động dạy và học của nhà trường. Phụ huynh học sinh nhận thông báo của chị ký và đóng dấu thì hoang mang thực sự. Đâu đó còn có tin đồn tôi không có trình độ chuyên môn, không có trình độ đại học, không biết gì về giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học. Tôi chỉ là cậu bảo vệ thất thế về làm hiệu phó nhà trường. Ở một vài lớp đã có vài phụ huynh học sinh hoang mang, gặp tôi trình bầy nguyện vọng cho con được chuyển trường. Tôi mời một số phụ huynh đại diện cho các khối lớp lại, cùng các cô giáo giải thích, thuyết phục. Rồi dần dần cũng ổn định được tình hình.
    Khi ấy, chị là đại biểu hội đồng nhân dân phường, phó chủ tịch hội khuyến học, uỷ viên uỷ ban mặt trận tổ quốc phường, tổ phó tổ dân phố nơi trường hoạt động. Chị cùng ông tổ trưởng dân phố tổ chức một cuộc họp toàn thể các hộ dân cư sống trên địa bàn tổ, có sự tham dự của đại diện Đảng uỷ, Mặt trận tổ quốc phường. Tổ dân phố mời tôi tới dự cuộc họp ấy. Nội dung cuộc họp được công bố rõ ràng là “về việc hoạt động của trường Nguyễn Huệ trên địa bàn dân cư số 8 “.
     ….
    Người điều hành cuộc họp là ông Hữu, tổ trưởng dân phố. Ông vốn là tiếp phẩm của một đơn vị quân đội thời chiến tranh chống Mỹ chuyển ngành về làm công tác bảo vệ ở xí nghiệp bánh kẹo bích quy. Nghe người ta kháo nhau hồi còn làm bảo vệ cơ quan, ông là người tin cẩn nhất của giám đốc xí nghiệp. Hàng ngày, ông cầm cuốn sổ nhỏ như quyển lịch bỏ túi, hễ thấy ai hay đồ vật gì ở cơ quan có gì khác thường là kịp thời ghi lại. Kia là mấy anh trong phân xưởng đóng gói nghỉ giải lao quá 3 phút, bên này là tay Thiêm bảo vệ vần cái thùng phuy đã vét hết bơ đưa vào sản xuất, không biết đã nộp tiền hay chưa. Hắn lấy xuất của hắn hay lấy xuất của ai… Mọi cái đều được ông ghi rõ rành rành để tối còn sang báo cáo giám đốc. Có lần ông theo dõi một đôi cùng làm một phân xưởng, tan ca vẫn còn nán lại hú hí với nhau ở góc kho chứa đầy các thùng phuy đựng đầy bơ. Theo dõi họ, rồi ông tò mò cứ đứng ngẩn tò te nhìn họ chim chuột. Có lẽ vì thế mà cả xí nghiệp gắn cho ông cái biệt danh “ Hữu chó “. Vì những thành tích theo dõi, phát hiện kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong xí nghiệp mà cái đận xí nghiệp cấp đất cho cán bộ công nhân viên, ông được cấp hẳn một miếng đất rộng nhất, đẹp nhất chừng 90m2 ngay ngoài mặt đường lớn, tương đương xuất dành cho phó giám đốc xí nghiệp. Mọi người xì xèo bàn tán mãi, có người đâm đơn kiện. Nhưng rồi cũng chẳng ăn thua. Chả ai xử kiện cả. Lão Hữu bé thật đấy nhưng là con chó của sếp to thì bố thằng nào dám xử. Chả nhẽ đánh chó mà không ngó mặt chủ. Rồi về hưu, cả lớp người cùng thời với ông về hưu và cùng về dựng nhà trên những thửa đất được cơ quan phân cho. Xóm Bích Quy được thành lập, rồi thành tổ dân phố. Bao nhiêu năm bầu đi bầu lại, chả ai muốn làm cái chân tổ trưởng. Người ta xúi nhau đồng loạt giới thiệu và biểu quyết bầu ông Hữu làm tổ trưởng. Ông Hữu thấy thật tự hào. Ông cho mình là người ăn may về hậu vận. Mười lăm năm đời lính, ông đeo lon chuẩn uý 9 năm, chuyển ngành về xí nghiệp phấn đấu mãi cũng chỉ được cái chức tổ phó tổ bảo bệ cơ quan. Bây giờ làm tổ trưởng dân phố, ông lãnh đạo ngay cả những người từng sai bảo ông, lãnh đạo ông thời ông làm ở xí nghiệp như sai bảo một con chó săn, một tên nô tỳ …
    Ông Hữu mời mọi người vào phòng họp để buổi họp khai mạc. Mọi người lục tục bước vào phòng họp, không ai nói một lời nào. Không khí cuộc họp có vẻ sẽ rất căng thẳng. Chị Bách ngồi ở hàng ghế trên, ngay sát ông Hữu. Hai người thì thầm với nhau một hồi rồi ông Hữu bắt đầu điều hành cuộc họp. Ông giới thiệu thành phần khách mời bao gồm các ông Nguyễn Ích – Chủ tịch Mặt trận tổ quốc phường, ông Trương Thế – phụ trách tuyên giáo của Đảng uỷ phường. Thành phần dự họp gồm đại diện của 27 gia đình thuộc tổ dân phố số 8 và tôi đại diện trường tiểu học Nguyễn Huệ.
    Ông Hữu thông báo về tình hình trật tự trên địa bàn tổ dân cư trong thời gian vừa qua. Cụ thể, tổ dân phố có nhiều người cao tuổi, thường xuyên đau yếu sinh sống. Đường vào trường Nguyễn Huệ nhỏ, luôn quá tải. Xe cộ đưa đón học sinh gây tiếng ồn làm ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, giờ ra chơi, học sinh nô đùa làm mất trật tự địa bàn dân cư. Ông cũng tóm tắt ý kiến trong tập đơn thư bà con trong xóm ngõ gửi ông về sự mất ổn định do nhà trường gây nên. Phát biểu một hồi dài, bằng giọng nói gay gắt, ông bỗng quay sang phía các vị đại diện của phường giọng nhẹ nhàng hơn:
    – Tôi xin thay mặt cho bà con tổ dân phố có ý kiến với các cơ quan nhà nước cho ngừng hoạt động của trường Nguyễn Huệ, nhằm đảm bảo trật tự cho địa bàn dân cư, đảm bảo cuộc sống người dân, đặc biệt là người cao tuổi được ổn định ạ.
    – Tôi có ý kiến – ông Sơn chủ nhà số 31 cướp lời – tôi đề nghị phải làm dứt điểm, không thể e nể. Các hộ chúng ta ở đây ai cũng biết, đường thoát nước rất bé, ống thoát chỉ bằng cái cổ tay mà ngần này gia đình thải ra đã thường xuyên tắc, nước bẩn dềnh lên tận mặt ngõ. Nay bốn trăm học sinh và mấy chục giáo viên hàng ngày sinh hoạt làm sao mà thoát kịp. Các ông các bà thử tưởng tượng bốn trăm người cùng đi đái thì nước đái dềnh lên tới đâu?
    Cả phòng họp cười ồ lên tán thưởng. Chị Bách thì thầm rỉ tai ông Hữu một điều gì đó rồi đứng dậy, giọng nhẹ nhàng như giảng bài cho học sinh tiểu học:
    – Kính thưa các đồng chí đại diện cho lãnh đạo phường! Kính thưa bà con tổ dân phố! Tôi phải phát biểu một sự thật trong cuộc họp này là điều hoàn toàn tôi không muốn, nhưng tôi phải phát biểu: Ngôi trường Nguyễn Huệ nằm trong con ngõ nhỏ. Xe cộ hàng ngày vào ra đưa đón học sinh rất phức tạp. Ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của nhân dân. Nó ảnh hưởng ngay từ khi tôi mới thành lập. Từ sáng sớm tinh sương đến tối mịt, không lúc nào là không có tiếng trẻ con nô đùa, la hét. Hệ thống nhà vệ sinh thì làm lộ thiên. Các cháu đi vệ sinh xong chưa kịp xả nước, nắng nóng thiêu đốt, làm ảnh hưởng rất là nghiêm trọng tới môi trường không khí. Một nơi mà nhiều tiếng ồn, bị ô nhiễm, không khí hết trong lành, sực mùi khai thối, hỏi bà con sống làm sao được. Khi tôi làm thì còn khác. Quy mô trường còn nhỏ. Sĩ số học sinh không đông như bây giờ… Tôi biết bà con cũng rất thông cảm cho cậu Việt. Nhưng nếu để kéo dài tình trạng này thì e rằng không được. Nên chăng cậu Việt cần tính đến phương án di chuyển đến nơi khác, rộng rãi hơn….
    Chị ngừng lời. Tôi nhìn vào mắt chị. Phía sau ánh đèn neon xanh lét là khoảng thâm đen nơi hốc mắt chị. Hai tròng con ngươi vẫn lấp loé giống hai ngọn lửa như đang muốn phụt ra thiêu cháy tôi.
    Sau ý kiến của chị, còn rất nhiều ý kiến của các hộ gia đình khác. Năm hộ gia đình giáp ngay trường học thì kêu gào về việc tiếng ồn, việc có học sinh, thợ thuyền đến trường đôi khi nhìn trộm sang cửa sổ nhà tắm nhà họ.
    Ông Ích Vinh bình tĩnh đằng hắng mấy tiếng rồi ôn tồn nói:
    – Trước khi tôi và anh Trương Thế có ý kiến, tôi đề nghị anh Việt cho biết ý kiến của mình thế nào…
    – Vâng. Tôi xin thưa các ông, các bà, các bác cùng các anh các chị. Đêm cũng đã khuya, tôi chỉ vắn tắt mấy vấn đề như sau: Một là về tiếng ồn xe máy, buổi sáng nhà trường chúng tôi đã có giáo viên ra đón học sinh ngoài đầu ngõ nên số xe máy vào trường giảm đi ba phần tư. Cho nên việc ảnh hưởng tới giao thông, trật tự tôi nghĩ là đảm bảo được. Hai là về tiếng ồn của các cháu học sinh, các cháu học tiết nọ gần như gối tiết kia, khoảng trống giữa hai tiết chỉ là năm phút, chỉ đủ thời gian cho các cháu giải lao, đi vệ sinh rồi vào lớp ngay, không có thời gian thường xuyên nô đùa. Một buổi sáng các cháu ra chơi có một lần, thời gian ba mươi phút kể cả thời gian thể dục giữa giờ nên sự nô đùa của các em học sinh cũng có giới hạn. Còn về việc mùi hôi thối như ý kiến chị Bách nêu là không đúng. Sau khi nhận bàn giao từ chị em đã sửa chữa cải tạo toàn bộ các công trình vệ sịnh, đảm bảo sạch sẽ, không hôi thối, không ruồi muỗi. Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ với bà con thực tế câu chuyện thế này, mặt tôi nóng bừng lên. Tôi cần nói những gì phải nói: – thực chất thửa đất dựng ngôi trường lên là của gia đình nhà tôi. Giữa gia đình tôi và chị Bách có một hợp đồng liên kết. Chị Bách mở trường và xây dựng các công trình trên đất của tôi, sau 15 năm chị sẽ phải bàn giao toàn bộ ngôi trường bao gồm bất động sản, trang thiết bị dạy học và hoạt động của nhà trường cho tôi mà tôi không phải trả một khoản tiền nào. Tính đến đầu năm học này chị mới làm được bảy năm, vì thế để nhận ngôi trường chị xây trên đất của tôi, tôi đã trả cho chi ba trăm năm mươi triệu đồng. Chị Bách ạ, chị biết rõ là không được hoạt động ở đây, sao chị nỡ giao cho em và nhận ngần ấy tiền của em! Sao chị không nói điều này trước khi thoả thuận. Hôm nay có đông đủ mọi người, tôi phải nói điều đó…
    Cả hội trường lặng im. Sự im lặng đến tột độ. Dường như mỗi người chỉ còn nghe thấy tiếng đập thình thình của con tim mình.
    – Tôi có ý kiến thế này – ông Ích Vinh nhẹ nhàng: – trước hết chúng ta hãy xem trường Nguyễn Huệ hoạt động có phép hay không? Có đóng góp ngân sách cho nhà nước hay không? Có giảng dạy vấn đề gì trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước hay không? Có chấp hành pháp luật hay không? Nếu nhà trường có phép hoạt động trên địa bàn này, mọi hoạt động đều đúng pháp luật thì chúng ta không thể biểu quyết để giải tán được. Hơn nữa, tại sao vẫn ngôi trường này, vẫn hoạt động ở đây mà chị Bách làm hiệu trưởng thì ta để yên, nay sang anh Việt thì ta lại phản đối. Tôi nói vấn đề này để các ông, các bà và cả anh Việt nữa cũng phải suy nghĩ, xây dựng tình đoàn kết giữa tổ dân phố với nhà trường và ngược lại. Trường học phải gần dân, phục vụ dân các ông các bà ạ.
    Mọi người im lặng. Chị ngồi tụt lại phía sau, nấp dưới cái bóng to dài đổ chéo xuống nền nhà của ông Hữu. Ông Hữu lắp bắp định nói một điều gì thì ông Trương Thế phát biểu. Sau một loạt những lời hoa mỹ, nhẹ nhàng, lúc tung, khi hứng, vừa như xoa dịu, lại vừa như chấn an những người dân bình thường ngồi họp, ông nhấn mạnh về các quy định của pháp luật mà người dân phải chấp hành:
    – Qua ý kiến của các cụ, các ông và các bác, tôi thấy là giữa nhà trường và tổ dân cư còn có sự thiếu hiểu biết lẫn nhau, từ đó để ý, dị nghị, tích tụ những bực dọc thường nhật thành những mâu thuẫn đến mức căng thẳng. Tôi được biết, cụm dân cư cũng có tổ chức Đảng hoạt động, trường Nguyễn Huệ cũng có tổ chức Đảng hoạt động. Hai chi bộ cùng dưới sự lãnh đạo của đảng uỷ phường, tại sao chúng ta không có quan hệ mật thiết với nhau mà phải để nảy sinh mâu thuẫn, để đêm hôm khuya khoắt thế này chúng ta vẫn phải ngồi đây mà mổ xẻ, chì chiết lẫn nhau. Tại sao cũng ngôi trường này, chỉ cách đây một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo của chị Bách thì mọi việc bình thường mà chuyển sang cho anh Việt điều hành chưa được bao lâu thì lại nảy sinh chuyện. Vấn đề không phải là ở cái nhà vệ sinh, không phải là cái cống thoát nước, mà vấn đề là ở mối quan hệ của chúng ta với nhau. Trường Nguyễn Huệ hoạt động gần chục năm, trước do chị Bách điều hành, nay do anh Việt điều hành, không vi phạm pháp luật, dạy đúng chương trình của ngành giáo dục. Đặc biệt thời gian gần đây trường đã tham gia đóng góp vào ngân sách địa phương. Vậy căn cứ pháp lý nào để chúng ta kiến nghị giải thể nó? Chúng ta phải làm theo Hiến Pháp và Pháp luật. Tôi đơn cử nói về tiếng ồn của một trường tiểu học để các vị thấy. Đó là tiếng nô đùa của trẻ. Đó là tiếng đọc bài của trẻ, tiếng ca hát của trẻ. Những tiếng ồn ấy khác hoàn toàn tiếng máy dập, tiếng sắt thép va vào nhau. Tiếng trẻ thơ lảnh lót làm cho chúng ta thấy cuộc sống thêm ý nghĩa. Tất cả chúng ta ngồi đây đều có con, cháu đang độ tuổi đi học. Tôi nói có đúng không các vị. Tôi kết luận thế này, ngay bây giờ, sau ngay khi tôi phát biểu, tôi đề nghị anh Việt cùng bắt tay các vị trong tổ dân phố. Chúng ta đoàn kết lại. Anh Hữu và anh Việt nên ngồi lại với nhau, lên phương án đón và trả học sinh cho hợp lý, giảm thiểu tiếng ồn do xe máy vào ra cùng một lúc khá đông….
    Tôi tiếp lời ông Thế bằng những lời cám ơn chân thành. Tôi cảm ơn bà con tổ dân phố đã trình bày những bức xúc để tôi biết và khắc phục những tồn tại. Mọi người lục tục đứng dậy ra về. Tôi nhìn thấy chị vội lách qua mọi người, ra khỏi phòng họp nhà văn hoá, rảo bước về phía con ngõ nhỏ sâu hun hút, tối om không một ánh đèn …
    Sau cuộc họp ấy, tôi đã lập phương án bố trí giáo viên và bảo vệ tổ chức đón học sinh buổi sáng và trả học sinh buổi chiều ở ngày đầu ngõ. Số lượng xe máy vào ngõ ít hẳn. Chỉ còn lác đác những người vào đóng học phí, hoặc những người có công việc thực sự cần kíp gặp giáo viên chủ nhiệm mới phải vào trường.
    Mọi việc diễn ra suôn sẻ, tưởng như những ngày tháng tới sẽ được bình yên, thì bỗng chuyện khác lại đến. Có đơn kiện của lão Tính.
    Lão Tính, người đang sống trên phố cổ, có mảnh đất ngay sát cạnh ngôi trường Nguyễn Huệ của tôi. Trước đây chị Bách thuê thửa đất ấy, dựng lên một căn nhà ba gian, lợp ngói nằm kề ngay mặt ngõ, để làm bếp nấu ăn bán trú cho nhà trường. Khoảng trống ở giữa làm sân để dạy môn giáo dục thể chất. Tiếp đến, phần trong cùng thửa đất, chị Bách dựng lên một căn nhà sàn có khung bằng sắt, quây xung quanh bằng tôn mỏng. Nhà lợp ngói phi bờ rô xi măng. Căn nhà sàn để cho các cô giáo ngoại tỉnh ở, mỗi tháng nộp một khoản tiền nhà cho chị Bách, gọi là bù đắp vào khấu hao. Các cô không phải đi thuê nhà ở xa, giá cả lại đắt đỏ. Khi tôi tiếp nhận lại ngôi trường thì cũng đúng là lúc hợp đồng thuê khu đất giữa chị Bách và lão Tính hết hạn. Lão Tính nhiều lần ngỏ ý muốn để tôi thuê, nhưng khi tôi hỏi đến thì lại hét với cái giá cao ở trên trời, gấp ba bốn lần tiền chị Bách thuê đất của lão. Lão bực dọc và thể hiện thái độ cay cú ra mặt. Nhân lần gặp vợ chồng tôi lúc cuối giờ ngoài cổng nhà lão, lão khà khịa bắt đền cái xí xổm bị vỡ bên trong căn nhà sàn. Tôi nói, tôi nhận bàn giao của chị Bách không có hợp đồng thuê nhà của lão. Mọi việc phát sinh đều trong thời gian chị Bách thuê mướn. Tôi có thể mua tặng lão cái xí xổm nhưng không phải là đền. Lão cứ khăng khăng bắt đền, ngầm ý như muốn mượn cái xí xổm để hạ nhục tôi. Rồi tôi thấy lão cứ thì thụt ra vào nhà chị Bách. Mỗi lần vào nhà chị Bách, lão ngồi cả tiếng đồng hồ. Khi ra về sặc sụa mùi rượu. Mồm lải nhải chửi đổng. Cứ tưởng lão chỉ chửi đổng thế thôi, ai ngờ lão đi kiện. Lão đâm đơn lên Bộ giáo dục, lên Sở giáo dục, rồi đưa đơn về Phòng giáo dục. Nội dung kiện đi vào ba vấn đề chính. Thứ nhất, lão kiện trường Nguyễn Huệ xây một căn nhà không có phép. Lão khẳng định một trăm phần trăm không phép và yêu cầu các cấp có thẩm quyền thực hiện cưỡng chế, yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Thứ hai là ông Việt (tức là tôi), chỉ là nhân viên bảo vệ của một cơ quan, không bằng cấp, sao có thể làm được hiệu trưởng của một trường tiểu học. Thứ ba là, bà Thanh,vợ ông Việt (tức vợ tôi), chỉ là dân phe ở shop sao lại làm hiệu phó một trường tiểu học.
    Đồng thời với việc đâm đơn kiện, lão Tính còn đến tận nhà những người nắm các công việc chủ chốt ở trường, vận động họ bỏ việc, không tiếp tục cộng tác với tôi nữa. Mồng sáu Tết âm lịch, lão lấy cớ chúc tế , đạp xe đến nhà bà Liên hiệu phó, vận động bà thôi không làm chuyên môn giúp tôi nữa. Để thuyết phục bà Liên, lão bịa ra hết chuyện này đến chuyện khác, bôi nhọ tôi… mục đích chính là để không ai hợp tác với tôi, để ngôi trường của tôi tan rã.
    Cuối cùng thì những đơn thư của lão cũng quay lại phường sở tại để giải quyết. Hai vợ chồng tôi được Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân Phường Đông Chính mời lên làm việc tại phòng tiếp công dân. Tiếp chúng tôi là chị Tân bí thư Đảng uỷ, anh Như phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, cùng đại diện các ban ngành của phường như thanh tra xây dựng, phụ trách tuyên giáo Đảng uỷ, đại diện mặt trận tổ quốc phường, đại diện phụ trách công tác văn xã của phường. Địa bàn dân cư có đại diện chi bộ đảng. Tuy nhiên nguyên đơn là lão Tính và đại diện tổ dân phố vắng mặt. Chúng tôi được yêu cầu xuất trình tất cả các giấy tờ, bằng cấp có liên quan đến nội dung đơn lão Tính kiện. Vấn đề thứ nhất, trường Nguyễn Huệ xây dựng khu nhà năm tầng không có phép được đưa ra mổ xẻ và giải quyết trước. Tôi khẳng định, trường Nguyễn Huệ chưa bao giờ được Nhà nước giao đất hay cho thuê đất nên không thể xin phép xây dựng được. Thửa đất xây ngôi nhà trên là thuộc quyền sử dụng của bà Nguyễn Thanh Thanh – vợ tôi. Vợ tôi đã đứng tên xin phép xây dựng. Vì số tầng xin phép xây dựng trong khu vực vượt quá thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân quận nên giấy phép xây dựng do Sở xây dựng cấp. Mọi người chuyền tay nhau xem tờ quyết định cấp phép xây dựng. Chủ toạ buổi làm việc kết luận, phần khiếu kiện của ông Tính về việc trường Nguyễn Huệ xây dựng nhà không phép là không có căn cứ. Tiếp đó, chúng tôi xuất trình các văn bằng, quyết định công nhận chức danh hiệu trưởng của tôi, thẻ công tác và các giấy tờ liên quan chứng minh vợ tôi là công chức, hiện đang công tác trong cơ quan Nhà nước , nên không làm hiệu phó của trường.
    Tôi về đến đầu ngõ vào trường thì bắt gặp chị đang thì thầm với lão Tính. Vừa nhìn thấy tôi, cả hai người vội quay mặt đi, rồi cùng nhau bước vội vào con hẻm nhỏ hướng vào nhà chị.
    …
    Mấy tháng sau, một buổi tối mùa thu, trời đã se lạnh, tôi đi bách bộ từ nhà ra phố. Chẳng hiểu sao chân tôi lại bước về phía ngôi trường của mình. Từ xa, tôi đã nhìn thấy có một ai đó đang ngồi bệt ngay ngoài cổng trường. Trong không gian tĩnh lặng, dưới ánh đèn cao áp của cây đèn đường vàng bệch, một người đàn bà đầu tóc xoã xượi đang ngồi, thút thít khóc. Tôi dừng lại, cố gắng nép mình vào một góc khuất của con hẻm để người đàn bà kia không phát hiện ra sự hiện diện của tôi. Một ma lực kỳ lạ đã khiến tôi đứng chôn chân ở đó một thời gian tương đối lâu. Rồi tôi bất chợt nhận ra người đàn bà đó là chị. Chị ra Bắc từ khi nào, hiện giờ ở đâu mà đêm hôm khuya khoắt một mình ngồi ngóng trước cổng trường trong nỗi buồn đến mênh mang, xoã xượi như vậy. Chẳng phải sau khi chính quyền phường giải quyết xong vụ lão Tính kiện tôi, chị và cả gia đình đã chuyển nhà vào Nha Trang rồi hay sao!
    Dường như linh cảm thấy có người theo dõi, chị vùng đứng dậy, bước những bước thật dài vào con hẻm nơi xưa kia chị từng sinh sống…
    Tôi được bác bảo vệ ngôi trường kể lại, chị ra Bắc, đang ở với một người cháu họ trong hẻm. Đêm nào chị cũng ra ngồi trước cổng trường, ngóng vào phía trong kia sân trường như chờ đợi, mong được gặp một ai đó đã từng thân quen, gắn bó với chị. Tôi cảm thấy thương chị hơn bao giờ hết và bâng khuâng tự hỏi lòng mình, liệu tôi có phải là tên kẻ cướp tàn nhẫn đã cướp đi niềm vui lớn lao nhất cuộc đời của chị hay không…!

Kết Thúc (END)
Đào Quốc Vịnh
» Chị
» Chạy Trốn
» Chân Dung Dĩ Vãng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò