Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Cái Chổi Tác Giả: Trần Mỹ Thương    
    Dựng chân chống xe chắc chắn cẩn thận, dựng ngược cả cái chổi rễ vào góc hiên. Còn cái thùng nước rác to tổ chảng, đầy ứ ự vẫn nguyên trên xe, mùi chua thum thủm sực lên, chị hẵng kệ, ngồi bệt xuống bậc tam cấp trước cửa nhà. Mệt không buồn thở. Trời mới bước vào đầu hè đã oi ả muốn thiu thối cả người. Nhoài người vớ cái quạt nhựa chỏng chơ ngay cạnh cửa, chị vừa quạt vừa giựt giựt ngực áo cho gió luồn vào trong. Mồ hôi tướp táp.
    Được mươi phút thảnh thơi như thế mỗi ngày, là vào cái lúc hết ca đi thu quét rác dọc tuyến phố Lý Tự Trọng về, thằng Trai đi học lớp chuyên biệt chưa đến giờ đón, chị mới có chút thời giờ nghỉ ngơi cả chân tay lẫn đầu óc. Rồi lại lục tục chúi đầu vào đàn lợn đang eo éo sau chuồng kia. Quanh quẩn hết ngày như thể không đủ hai mươi bốn tiếng. Dịch người đã đành, lại còn dịch cả lợn, làm cho nhà chị mãi chả xuất được đàn ấy, nuôi vẫn phải nuôi, may gom được nước rác quanh phố chứ không thì chết tiền cám bã.
    Nhàn ơi, may quá giúp chị một tay với! Chị vội vẫy con bé Nhàn hàng xóm vừa lúc thấy nó đứng ngỏng cổ ngắm gốc xoài ngoài sân, chắc đang định tìm sào chòi quả non về dầm. Ì dạ..., nặng quá! Đúng là tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu. Chị cảm ơn nhá! Hai chị em ì ạch khênh cái thùng nước rác từ trên xe hạ xuống đất, chị vừa nói vừa phẩy tay ra hiệu cho con bé ra về rồi mới quay vào tra tay mở cửa. Thời buổi cô vít cô veo, chả ai dám nán lại buôn dưa lê bán dưa cải với ai như trước. Chị thì đi quét rác suốt ngày, mà rác bây giờ toàn khẩu trang, găng tay với que test, biết thế nào được?! Chị sợ mang bệnh lây cho hàng xóm, lại cũng sợ người ta hiểu lầm mình sống xa cách nên hễ cứ thấy ai ra vào ngoài ngõ là chị lại đứng ở cái góc sân bán mái nhà mình mà nói với sang, hỏi dăm câu ba điều cho có chuyện.
    Hai tay xách đến cả chục cái xô sơn ra để múc nước rác, chị cứ phăm phăm như người máy. Cái tưởng khổ, vất vả chứ sướng gì! Thế nhưng mà chị vô tư, bằng lòng với gia cảnh hiện tại, dẫu có lúc oải muốn đứt hơi. Chuyến nước rác cuối cùng thì Thanh - chồng chị về, xịch cái ô tô chở hàng ngoài cổng.
    Chưa nấu nướng gì à?
    Ô hay, em cũng vừa về nào đã kịp thở!
    Hỏi thế, không thưa được tử tế à?
    Thì em chưa nấu, xách nốt xô nước rác vào chuồng cái đã. Ơ anh đi đâu đấy? Không hộ em đi đón thằng Trai à? Đến giờ đón rồi đấy!
    Còn chuyến bã đậu sang bên Quang Trung đây này, đón với đưa!
    Chị lẳng lặng xách nốt xô nước rác đổ vào cái thùng to trong chuồng. Cái chuồng thấp, sộc lên toàn mùi bio ga lẫn mùi thiu chua nước rác, lại cả khưn khửn mùi lợn. Lũ lợn thấy chủ đổ xồ xồ nước rác vào cái thùng cạnh chuồng, chúng í éc nhạo lên đòi ăn.
    Đúng là cái lũ lợn! Phàm ăn thế không biết! Rồi rồi, tí tao khắc cho chúng mày ăn, không phải rít! Đã đến giờ đâu mà rít. Chị nói với lũ lợn, mồm liền tai.
    Xếp gọn hai chồng xô vào góc chuồng sát bếp, chị vặn vòi nước rửa qua cái tay rồi chạy ù đi đón thằng út. Thằng con chị, nặn mãi mới được một thằng con trai mà lại chả khỏe mạnh bình thường cho, thành ra chị lại càng thêm vất. May hai đứa lớn đều ngoan ơi là ngoan, giỏi ơi là giỏi, còn đỡ chị bao nhiêu rồi.
    Ít nhất một lần chị chết hụt vì phá thai khi đã quá to, bị băng huyết, chạy chữa mãi. Hai đứa gái ngoan ngoãn cỡ ấy, đỡ đần bố mẹ cỡ ấy, mà chả đủ vừa lòng chồng, lại càng không đủ vừa lòng ông bà nội. Anh cứ bắt chửa, ngại xóm giềng thì trộm chửa, xong âm thầm đi siêu âm, phát hiện con gái thì bỏ, liều thế, ác thế! Nhưng mà chị hứng bao nhiêu áp lực, chồng chị cũng áp lực lắm nên cứ đành phải liều, phải ác chứ chả biết làm thế nào. Đâu đến lần thứ hai là băng huyết. Thanh sợ tái mặt, tưởng mất vợ thì chết đòn cảnh gà trống nuôi con. Đỡ được thời gian, vợ ngơi phải chửa. Thế xong đùng cái, bụng chị lại ễnh ra.
    Lần này chị chửa chả khỏe phầm phập được như những lần trước, nghén ngẩm, hụt hơi, lại hay đau bụng. Thanh đưa vợ xuống tận Hà Nội kiểm tra sàng lọc, tiếng là kiểm tra sức khỏe vợ cho yên tâm, chứ cốt vẫn là soi xem trai hay gái. Bác sĩ sau sơ khám, khuyên vợ chồng bàn nhau chọc ối kiểm tra vì nghi dị tật thai nhi rất cao, dù là bé trai nhưng nghi thai không bình thường. Thanh nhấm nhẳng vẻ không hài lòng. Chị thuyết phục mãi, anh mới đồng ý cho chọc ối. Kết luận thai nhi bị mắc hội chứng down, bác sĩ lại khuyên vợ chồng nên lựa chọn bỏ thai an toàn, sau này đỡ khổ cả bố mẹ lẫn đời đứa trẻ. Thanh đùng đùng gắt lên với bác sĩ: Vớ vẩn, cả đời vợ chồng tôi cố gắng vì cái thằng trong bụng này thôi, bỏ thế nào mà bỏ? Máy móc bây giờ hiện đại bằng thật, nhưng làm sao chắc chắn mười mươi bằng mắt thấy, có lúc cũng nhầm bỏ mẹ ra ấy chứ, các ông khuyên tôi giết con à? Không nhá! Thế nào cũng phải đẻ. Con trai tôi, nhất định tôi phải để đẻ, nó chả sao hết! Đùng đùng, rồi Thanh lôi vợ xềnh xệch bỏ ra ngoài. Chị lùi lũi bước như chạy theo sức kéo của chồng, biết chả thể nào lay chuyển được.
    Ớ, ớ, ơ..., Trai đứng lỳ lại, giật giật tay mẹ khi thấy mấy cái khẩu trang với cả cái que test nhanh Covid vứt bừa bãi dưới chân. Chị buông tay, đeo đôi găng tự may vào đôi tay nhỏ, giở cái túi cầm theo ra cho nó bỏ mấy cái khẩu trang vào, rồi chị nhanh tay giành phần nhặt cái que test bỏ nốt vào túi, buộc lại. Chị thường đi bộ đón con, dù việc nhà lúc nào cũng bận tới tấp đợi chị về, thể nào về muộn cũng bị chồng cằn nhằn mấy câu. Nhưng lớp chuyên biệt phục hồi chức năng mà thằng con chị học cũng gần nhà. Và nữa, chỉ có những lúc chị dắt nó lang thang vỉa hè, nhặt nhạnh rác rưởi, nó mới tỏ vẻ ngoan ngoãn, không quấy phá. Chị phát hiện ra cái tia sáng ấy khi vô tình dựng xe ở lề đường nhặt mấy cái vỏ chai nhựa bỏ túi mang về, vừa sạch sẽ đường phố, vừa tích cóp bán được vài đồng lẻ cho con ăn sáng. Vốn việc của chị cũng là công nhân môi trường, cả đời quét tước cho phố phường sạch đẹp. Những người lao công như chị, phía hông xe chở rác bao giờ cũng có vài cái túi bóng to hoặc cái bao tải dứa để đựng đồ sắt, nhựa nhặt nhạnh được trong khi quét rác, gom góp mỗi lần bán cũng được kha khá tiền mắm muối, mãi rồi thành thói quen, thấy đâu cũng nhặt. Lần ấy thằng bé cứ ư ứ nhất quyết đòi xuống xe, tấp tểnh bước theo, cúi nhặt cùng mẹ, lại còn khăng khăng nhặt cả mấy cái khẩu trang, túi bóng vương vãi quanh đấy rồi chạy lạch bạch một cách khó khăn về phía cái thùng rác công cộng đòi mẹ bế lên bỏ vào, xong cứ hềnh hệch cười vẻ thích thú lắm. Từ bấy chị cứ đi bộ đón con nếu không vào ca làm, kệ cho Thanh lèm bèm chán thì thôi.
    Dù sao Thanh cũng rất mực thương thằng bé, dẫu nó có không bình thường như con nhà người ta. Cũng nhiều lúc Trai nghịch dại, ví như cái lần nó bôi cứt lên giường chiếu, bôi cả lên đầu bố nó khi bố nó đang say rượu. Tỉnh dậy, Thanh cho thằng bé một trận nhừ đòn, vợ xin, anh điên tiết choảng luôn cả vợ. Nhưng họa hoằn anh mới xuống tay. Anh khao khát con trai đến nỗi nhất quyết phải đặt tên thằng con này là Trai ngay từ khi nó mới ở trong bụng vợ được vài tháng. Dù đẻ ra đúng là nó bị down, đúng là nó không bình thường, nhưng nó vẫn là con trai, anh vẫn không đổi tên con mình. Dường như, nó là niềm an ủi đau đớn sau cùng, cũng chính là nỗi ám ảnh lớn nhất của người đàn ông đã ngoại tứ tuần cứ khao khát mãi một thằng chống gậy.
    Mẹ con dắt díu nhau tíu tít mãi mới về đến cổng. Xe Thanh dựng ở đó rồi. Chị hơi bối rối, lúc nãy đã thấy anh cắm cẳn, chắc nay mệt. Giờ mà không khéo ngang dẫm phải tổ ong đất. Chị khe khẽ bế thốc thằng Trai vào nhà, mở điện thoại cho nó xem rồi vào bếp. Bát đũa tứ tung khắp sàn, rồi thì cả cái chổi cọ và chổi rễ chị dùng đi gom rác đã cháy rụi chỉ còn đống than đen xì tả tơi ngay gần chuồng lợn. Chị lẳng lặng thu dọn, quét tước, múc nước rác cho lũ lợn để bịt cái mõm rối rít đòi ăn của chúng nó lại, rồi vào nấu nướng. Cơm chín hôi hổi, vừa hay con bé Vân đi học về, chị sai nó trải chiếu, bê mâm rồi gọi bố dậy ăn cơm. Thằng út xọc tay vào mâm nguấy tung mù, ú a ú ớ, chị khẽ kéo tay con, bế ngồi vào lòng, lấm lét. Thanh chả buồn nói, cũng chả thèm lườm chị như mọi bữa, và nhanh bát cơm rồi đứng dậy. Chị cũng không dám hỏi: sao mà ăn ít thế?
    Mãi chiều chuẩn bị đi làm thì thằng Trai đổ đùng ra sốt, chị cuống lên kẹp nhiệt độ, mang lọ cồn xịt khuẩn về xịt tới tấp, rồi đè ngửa thằng bé ra mà ngoáy mũi test nhanh. Sắp ra cửa đi chạy hàng, Thanh nhìn thế đoán ngay con bị mắc Covid, vội hỏi vợ như nạt: Hồi trưa cô có cho nó nhặt mấy cái thứ linh tinh ngoài đường không?
    Em...có. Nhưng mà em cho nó đeo găng tay mà!
    Thế nhặt cái gì?
    ... Khẩu... khẩu trang ạ.
    Chết tội ngu chưa? Tôi chửi suốt mà cô không chịu bỏ vào tai bao giờ đấy. Cả đời cô quét rác còn chưa chán hay sao, còn lôi cả nó lang thang nhặc rác. Nhiều lúc đi qua thấy lộn tiết, vợ con chả khác bọn điên ngoài đường. Tôi đốt cái chổi rồi đấy, cô khỏi phải quét rác đi, tính mà làm việc khác.
    Cả đời em chỉ trông vào mỗi cái chổi..., mà biết đâu có khi nó lây ở lớp.
    Cãi!
    Nhưng mà...
    Nhưng nhưng cái giề, cô còn cho nó nhặt cả khẩu trang đấy thây, cả ổ cô vít ở đấy mà cô cho con nhặt, hai vạch căng đét rồi đấy, nhưng nhưng!
    Chị cúi đầu, vừa lau bẹn cho con vừa quệt nước mắt.
    Thanh giật phắt lấy thằng bé đang sốt nhũn người trong tay vợ, bế thốc nó đặt vào cái xe chở hàng lao vút đi. Lo quá, cuống quá, trẻ con chưa tiêm mũi nào, lại còn bệnh nền đủ các thứ, nên anh chở con phi thẳng đến bệnh viện đa khoa thành phố. Chị lật đật nổ xe chạy theo.
    Thằng Trai khỏi, may ở viện được hơn tuần nó cũng khỏi chứ không đến nỗi, chỉ tội tốn tiền chạy chữa với thuốc men, ăn uống tẩm bổ.
    Lại mất toi một người làm. Đứa cả đang học chuyên nghiệp cần tiền cũng chỉ âm thầm cặm cụi làm thêm tự trang trải, con em thì thương bố mẹ vất vả lại mất một người tạm nghỉ việc ở nhà chăm em, nên sáng nào cũng khắc lục tục dậy rang cơm, nấu mì chứ tuyệt đối không dám mở mồm xin mẹ tiền ăn sáng, nói gì đến ăn vặt. Sống ở thành phố, mà hai đứa nó ngoan đến đáng thương.
    Vợ chồng chị bẵng đi cả chục ngày không nói chuyện, là chị không dám hỏi chuyện chồng. Mỗi ngày hai ca đi làm, vẫn tranh thủ nhặt nhạnh, rồi còn tự vào quán phô tô nhờ người ta in chữ "Xin buộc kỹ đồ bảo hộ, que thử covid vào túi trước khi bỏ vào thùng", rồi đi đến thùng rác công cộng nào chị cũng dán, dán cả vào gốc cây, biển hiệu công cộng... Còn những thứ chai lọ nhựa sắt chị không dám mang về nữa, mà gửi nhờ chỗ chị đồng nghiệp để dồn, bán sau.
    Hết ca cũng vừa vào giờ đi gom dồn nước rác, chị cứ lao vào việc như siêu nhân rồi lại vội trở về giành phần chăm thằng bé, may đàn lợn có con bé Vân đỡ phần nào. Nó mới lớp bảy mà làm việc thoăn thoắt y như mẹ. Chồng chị phải nghỉ những chuyến chở hàng đi xa cả chục ngày trời, chỉ loanh quanh nội thành may ra ngày được một chuyến lúc vợ ở nhà nấu cơm. Tiền kiếm được ít, lại cả một đoàn tàu há mồm, sốt ruột. Đâm ra anh chẳng buồn nói chuyện, chị càng không dám nhờ anh thêm việc gì, chị biết, trông được thằng Trai hết ngày chẳng hề đơn giản, huống hồ tính đễ cáu như anh. Không khí nặng như chì. Đang thế thì chị Xuân ghé. Dẫu cố mà đon đả, cũng không qua được mắt người làm công tác công đoàn cả chục năm. Chị Xuân là Phó Chủ tịch của Công đoàn Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố, nhà cũng chỉ cách đây một con ngõ, biết rõ gia cảnh cấp dưới của mình, nên chị thường qua lại động viên luôn.
    Chị vừa là thay mặt Công đoàn cơ quan sang thăm cháu, mừng cháu đã khỏi Covid về nhà; vừa là sang để chúc mừng em đợt này được chọn là đoàn viên công đoàn tiêu biểu có nhiều sáng kiến, cống hiến cho công tác phòng chống dịch Covid của thành phố nhé! Đấy, giấy mời đi dự lễ khen thưởng vào đúng dịp ba mươi tháng tư đây này, tổ chức trên hội trường Tỉnh ủy hẳn hoi, hôm ấy chị cho mượn cái áo dài mà mặc lên nhận cho hoành tráng nhé! Vừa nói, chị Xuân vừa giơ tấm giấy mời lên, đưa cho Thanh nhân lúc thấy chị đang dở tay bón cháo cho thằng bé, cốt là để Thanh thấy được những việc tốt của vợ mà mừng, mà ủng hộ.
    Ôi chị! Em có sáng kiến sáng kiếc gì đâu, cứ chỉ đi quét rác như mọi người thôi mà. Chữ nghĩa thì ít, em làm gì có nộp sáng kiến bao giờ, hay anh chị nhầm ấy?
    À đấy, em đúng là chuẩn tấm gương, ngày ngày ngoài việc chính theo ca, em chả đi gom nhặt rác thải y tế, nào khẩu trang nào que test Cvid người ta vứt bừa bãi ra đường. Lại còn chạy vạy đi dán chữ nhắc dân nâng cao ý thức xử lý rác thải an toàn nữa. Chị nằm trong Ban Chấp hành đã đành, còn là Trưởng Ban Nữ công, có trách nhiệm phải đề nghị biểu dương em ngay ấy chứ. Sếp cũng quyết rồi, sau cái lễ trao khen thưởng biểu dương này, em còn được nâng lương thêm một bậc, làm động lực cho người khác phấn đấu noi theo. Quá xứng đáng còn gì! Chú Thanh vẫn cứ làm hậu phương vững chắc cho vợ nhé, công chú mới là to! - Người phụ nữ không giấu nổi niềm vui, xúc động qua lớp khẩu trang phập phồng trên mặt.
    Chị khẽ liếc sang anh. Thanh chưa tỏ vẻ gì, chỉ đang cố đon đả mời nước người phụ nữ đứng tuổi - lãnh đạo của vợ. Còn chị dè dặt đón lấy tấm giấy mời từ tay chồng rồi chăm chú đọc như để tự mình xác nhận.
    Tiễn chân chị Xuân ra cổng, chị trở vào, cố nén nụ cười dù trong lòng lâng lâng sung sướng. Thấy anh nổ xe đi, vốn định không dám hỏi nhưng có lẽ cái men vui nó đang phừng phừng nên chị buột miệng hỏi với: Ơ, anh đi đâu đấy?
    Ra chợ bảo người ta mổ sẵn con gà chứ đi đâu!
    Thanh vừa phóng vù đi, chị đứng ở hiên thả một cái cười, thật nhẹ cả người!

Kết Thúc (END)
Trần Mỹ Thương
» Cái Chổi
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Hoa Học Trò
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop