Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Hiên Chờ Tác Giả: Tống Phước Bảo    
    Nội vẫn ngồi bên hiên, một chiều đầu chạp, sau cú điện thoại đường dài tận nửa vòng trái đất. Hai chị em bạc trắng mái đầu. Ai cũng vọng Tết như một đứa trẻ. Người nhắc chợ hoa bến Bình Đông, kẻ hỏi chợ lá dong khu ngã ba ông Tạ. Nhắc để rồi khóc. Khóc để rồi tặc lưỡi cái chách, ờ chị em mình còn có bao nhiêu cái Tết đâu heng.
    1.
    Nội cứ hay nói, cuộc đời này ngộ lắm, thời gian luôn biết cách trả lời mọi câu hỏi. Chỉ là… ờ thì chỉ là con người ta có đủ bình tâm chờ đợi hay không mà thôi! Năm đó nội tròm trèm tám mươi. Tóc trắng màu mây, vết chim di in hằn lên đôi mắt nua già. Chiều chiều nội thường ra ngoài hiên hóng gió. Những ngày Sài Gòn hừng hực nóng, nội hay thủ thỉ chuyện xưa cũ mình ên. Chẳng ai nghe thấy. Chỉ mỗi gió rỗi rãi thoảng khi ghé đến hiên nhà. Rồi gió cũng đi. Nhưng gió vốn chẳng bao giờ đem kể cho ai.
    Có bận, Nắng nghỉ ca trực, thấy nội ngồi bên hiên nhà nhìn thâm sâu vô định. Nắng khẽ ngồi cạnh bên. Bộ bà nội nhớ ông nội hay sao chiều nào cũng ra đây ngồi chi cho mệt vậy? Bậy nè, nhớ ổng mần chi con. Ổng đi theo chiến hữu cũng chục năm rồi. Nội nhớ thằng Sáo. Thằng Sáo cứ tầm này là về nhà đòi cơm. Thằng Sáo nay chắc chưa tan sở. Dạo này nghe nói đơn vị tăng cường chi đó. Nên thằng Sáo có bữa về đến nhà đã khuya lắc lơ. Nội khều nhẹ Nắng, kiểu như phân trần chuyện thằng Sáo chưa về một cách hiển nhiên. Rồi nội đứng lên, chấp tay ra sau, đứng dáo dác phía đầu xóm.
    Tháng mười một, chiều còn nóng hâm hấp lên mấy bụi nha đam sát hiên. Nắng nhìn nội, rồi Nắng nhìn chiều. Giữa những tiếng thở dài thườn thượt của nội, là tiếng xe máy ai đó chạy về ngang hiên. Hổng phải thằng Sáo. Nội buông tiếng rồi lại ngó nghiêng. Chiều chẳng một cơn gió, tù túng lòng người gì đâu.
    2.
    Mưa theo tin áp thấp kéo về, vần vũ cả ngày ngập ngụa cái xóm nhỏ. Mưa quất ràn rạt vào hiên nhà. Má tắc lưỡi cái chạch. Mưa gì quá xá, bà nội mầy nay hổng ra hiên ngồi, buồn hay sao đó mà ăn lưng chén cơm. Bắt tuồng cải lương Ông Cò cho bả nghe, mà bả hổng chịu nằm yên.
    Nắng vừa cởi vội cái áo mưa phủ lên xe, mới bước chân vào phòng khách đã nghe tiếng má thở dài. Bão mà má, mưa dữ thần, ngập mọi ngả đường. Chiều bên Trần Xuân Soạn, mưa ngập ngang cái yên xe, mấy đứa học trò lớ ngớ bị nước cuốn trôi cái cặp táp kìa. Thiên hạ sợ quá chừng, ai cũng tấp vào lề đứng trú mưa. Chín giờ tối mà người ta còn rồng rắn nối đuôi nhau trên đường.
    Nắng quay sang cái đi-văng chỗ nội nằm, thấy bà vẫn cứ mở mắt thao láo, trở mình qua lại. Thằng Sáo của nội dìa rồi. Nó mắc mưa, chạy đi tắm rồi. Lát nó lên nó gãi lưng cho nội nghen. Giờ nội nằm yên ở đây. Nội thương thằng Sáo hông? Thương nó thì nằm yên nghen. Hổng có leo xuống đi tùm lum. Thằng Sáo ra hổng thấy nội là nó giận, mai mốt hổng thèm gãi lưng cho nội đâu nhen!
    Nắng vừa nói vừa khều khều chân nội. Lấy mấy ngón tay, cù lét vào lòng bàn chân. Nhột bây, bây hổng tắm lẹ là bệnh, mà bệnh thì hổng ai gãi lưng cho tao. Dữ thần heng, tận này mới dìa. Nay nhà hổng có gì ráo. Mấy miếng gà kho gừng, trời mưa ăn cho ấm nghen bây. Nội thỏ thẻ rồi nằm im re.
    Tối nào nội cũng đợi thằng Sáo của nội về gãi lưng mới chịu ngủ. Mấy khi trong giấc mơ màng nội hay gọi: Sáo ơi. Tiếng gọi bàng bạc vào trời đêm nghe thắt thẻo ruột gan. Có hôm thằng Sáo của nội kẹt lịch trực hổng về nhà được, thể nào nội cũng trằn trọc chẳng yên. Sớm tinh mơ sương còn chưa tan, nội đã lục tục ra hiên nhà đợi.
    3.
    Nội về cái xóm nhỏ theo đợt chạy giặc từ bên Xoài Riêng. Mười ba anh chị em, trên đường tha hương, lớp bệnh, lớp chết đạn lạc, chừng đến Sài Gòn còn được sáu người. Cù bơ cù bất, cứ vậy mà đứa lớn đùm túm đứa nhỏ. Bà con chòm xóm thương tình cho ở ké mấy khoảng đất trống. Có gì ăn đó. Ai cho thì lấy. Đứa lớn hàng ngày đi gánh nước mướn, đứa thì chạy vặt cho cái tiệm giò chả Phú Hương trứ danh ngoài Ngã Bảy. Mấy đứa nhỏ thì dạt ra khu đất hoang sau lưng Viện Hóa Đạo mà hái kèo nèo mọc um tùm để dành nấu cháo. Có bận xin được mấy củ khoai lang sùng người ở xóm chợ Bàn Cờ bỏ đi thì mừng hí hửng. Nồi cháo chiều đó, lềnh những kèo nèo, củ khoai độn với mớ gạo mốc bà chủ tiệm giò chả cho thằng anh Hai. Vậy mà cũng đi qua thời khốn cùng.
    Lần lượt hai người anh đầu bị bắt lính, đi hun hút mất dạng. Rồi chị Tư đi bán bar. Cao lớn, xinh xắn nhất nhà. Chị Tư nói nếu hổng đi bán bar lấy gì nuôi em. Mấy đứa em ngày càng lớn. Sao chịu hoài cái cảnh nghèo đói. Hồi đó, người trong xóm họ chọc dữ dằn. Họ đi qua đi lại cái nhà ở đậu, che mấy miếng tôn cũ mà buông lời miệt thị. Nhục hông bây? Nhục chứ, nhưng mà chị Tư vẫn tối tối lầm lũi rời cái xóm nghèo mà đi. Sáng sáng thất thểu dìa. Cứ vậy mà lăn lóc qua những ngày trái châu chớp sáng đêm đêm.
    Thằng Út là được học hành đàng hoàng tưởng sẽ ngon lành, đùng cái người ta tới bắt, nói nó băng đảng gì đó, tội nặng lắm. Người ta giật sập cả mấy miếng tôn cũ. Bận đó hình như người ta cũng bắt chị Tư đi theo. Mấy ngày sau chị Tư dìa, lầm lũi câm nín, trên mình đầy vết bầm xước, dưới đáy quần máu tụ khô đỏ bầm. Chị Tư chỉ nói thằng Út bị đầy Côn Đảo. Cái chỗ chỉ nhốt mấy thằng du đãng cộm cán. Ờ hình như nhốt chung mấy ông cách mạng.
    Rồi chị Năm theo chị Tư đi bán bar. Chị Năm giỏi tiếng Mỹ, xí xô xí xào với mấy thằng cha mắt xanh mũi lõ sao đó, chừng năm ba tháng sau là đủ tiền mua miếng đất này. Cái Tết năm đó, hai con nhỏ bán bar xây xong cái nhà che mưa che nắng. Hết kiếp ở đậu. Người trong xóm cũng quen dần căn nhà của mấy đứa con gái hư thân. Họ dặn con cái hổng được bén mảng ghé tới cái căn nhà đó. Họ canh me mấy ông chồng như giữ vàng. Họ sợ vàng lẫn bùn.
    Nhưng mà trong căn nhà mới năm đó, Tết đâu có vui, mấy thằng con trai vẫn bặt tăm. Mấy bận chị Tư lân la dò hỏi thì nghe nói anh Hai bị đưa ra Quảng Trị, anh Ba thì tuốt vùng Bốn. Thằng Út càng mất tăm tích.
    Thoảng khi, Nắng vẫn hay nghe nội kể về mấy chuyện cũ càng như vậy. Chừng tiếng thở nội rải đều vào đêm, Nắng mới buông tay mà về phòng nằm ngả lưng. Có bận đồng hồ điểm một hai giờ khuya.
    4.
    Lâm xì xầm gì đó với đám đông lúc giờ họp đội. Mới năm giờ sáng, cả đám mặt đang ngáo ngơ bỗng rộn ràng ầm ĩ. Đứa bay tới đè Nắng ra chụp hình, đứa quay phim làm ra vẻ phỏng vấn, đứa thì sờ nắn khắp người. Nắng ngơ ngác chưa kịp hỏi. Thì ai đó la sếp vào. Cả đám nghiêm chỉnh dàn hàng vào cuộc họp.
    Sếp ngang qua chỗ Nắng nhìn hồi lâu rồi ghé tai bảo Nắng nay nghỉ trực, xuống ca theo sếp lên Sở. Nắng nghe choáng voáng đầu, tim đập thình thịch, trời cái vụ gì đây. Mấy nay mình có làm gì để bị phải về sở kiểm điểm hay giải trình. Mặt Nắng bắt đầu tái xanh.
    Sau cuộc họp, Nắng ghé tai Lâm hỏi thằng bạn nổi danh trùm thông tin nhất đội xem có biết vụ gì hay không? Mặc Nắng ra giá chầu cà phê, kèm tô phở nóng hổi thơm ngon, cái thằng ất ơ chỉ thì thầm với vẻ mặt bí ẩn. Nhẹ thì kỉ luật “bẻ gạch”, nặng tí thì ra khỏi ngành. Không được nói với ai tao nói đấy. Ở yên mà ngoan ngoãn chờ. Có gì mình cũng là anh em. Tao lo cho mầy nên mới dặn. Không hé môi cho ai biết nhé.
    Cả đám tứ tán chia tổ, lên xe bắt đầu ca trực chốt. Nắng nhìn đồng đội lên những chiếc mô tô với hàng chữ xanh Cảnh Sát Giao Thông mà thèm thuồng. Cố ngồi trấn tĩnh xem mình có làm gì sai phạm. Thì bữa mình có xử lý một vụ cho qua khi bà mẹ vội chở con đi học, sợ kẹt xe leo lề. Sáng sớm ngay ngã tư đông đúc người chen lấn. Chuyện kẹt xe, leo lề nhiều khi cũng bất lực.
    À hay là… thôi rồi, ngay tuần trước, mình trực ca chung với thằng Lâm, bắt ông già kia chạy xe ôm, quẹo chẳng xi-nhan. Ngặt nỗi ổng lớn tuổi, chạy xe nuôi bà vợ già bị tim, chiếc xe cà tàng mua lụi ngoài chợ xe Tân Thành làm gì có giấy. Ông già run run nhét tờ một trăm nhàu nhĩ vào tay Nắng. Chú em thương qua cái nhen, qua chạy hồi sáng tới giờ có nhiêu đây à, nhà có hai vợ chồng già thôi, bả bị tim nhưng cũng ráng đi rửa chén cho tiệm cơm. Xe này mà bị giam thì đói chết chú ơi! Qua dân miền Tây lên đây, tứ cố vô thân, nghèo lắm mới từng tuổi này mà bỏ xứ tha hương. Ông già mếu máo. Nắng nghe nghèn nghẹn cổ họng. Ngó nghiêng qua lại rồi xua tay. Cầm về mà mua thuốc cho bà đi ông. Chạy kĩ lại tí xíu. Lần sau hổng có tha đâu nghen. Dạ biết rồi chú, qua cám ơn chú dữ thần luôn đó.
    Ông già lên xe chạy một đoạn xa, thằng Lâm ngó Nắng rồi thở dài. Ủa rồi mầy tha hả? Trời ơi, Sài Gòn này người ta diễn giỏi hơn diễn viên nữa đó. Ai cũng năn nỉ, ai cũng hoàn cảnh, kể khổ ron rót như thuộc bài vậy không hà. Khéo bị thanh tra ghi hình được là mầy mệt. Lúc đó Nắng đâu có nghĩ gì. Chỉ biết nếu mình phạt thì bữa cơm tối của hai ông bà già có còn vui vầy. Tuổi đó đáng ra phải ở nhà cho con cháu nuôi. Biệt xứ mà lam lũ trên cái thành phố này thì cầm chắc là khổ tứ bề. Cái gì tha được thì tha. Luật gì thì cũng do con người tạo nên mà. Nhưng luật nào thì cũng đâu có qua được lương tâm của mình. Hay có lẽ như thằng Lâm nói, xui rủi bị thanh tra ghi hình. Tim Nắng đập thình thịch. Ngộ lỡ bị chuyện gì Nắng biết ăn nói sao với ba.
    5.
    Nội thứ sáu, xứ này người ta phân ngôi thứ anh em trong nhà bằng cách gọi đứa đầu tiên là thứ hai, cứ thế mà đếm tới, nhưng đứa cuối cùng phải gọi là Út. Nội bảo cái Tết đầu tiên trong căn nhà mới chỉ vỏn vẹn đúng mùng một Tết, sang mùng hai thì pháo súng ì đùng phía phi trường, nội năm đó tròn mười tám. Chị Tư dáo dác chạy về, gom tiền vàng chắt mót nhét vào cái túi vải nhỏ rồi cạy miếng gạch tàu dưới gầm cái gác-măng-giê mà giấu. Chị Tư kêu ở lại giữ nhà. Chị nghe nói anh Ba từ vùng Bốn được rút về đánh trận ngoài Gò Môn, chị chạy đi kiếm cái đã. Chị Tư nói vậy rồi đi. Ờ đi mất hút luôn đó bây. Năm đó Mậu Thân. Người ta khiêng về phía bên trong cái công viên đâu gần sát Bảy Hiền. Mùng Tám Tết năm đó. Chị Năm theo xe nhà binh lên kiếm xác. Thấy anh Ba với chị Tư nằm đó. Người ta đòi giấy tờ mới cho nhận, không thì tránh ra. Cái hố chôn tập thể cứ thế mà liệng vô.
    Giữa những đêm kí ức vọng về, nội hổng ngủ, cứ thế mà nằm kể, mặc cái thằng Sáo của nội vỗ về. Ngủ chi bây, đời tao còn bao lâu nữa để kể. Giờ nhớ thì nói, chừng nữa quên rồi thì biết đâu là gốc tích. Mà nè Sáo, thiệt ra thì Út bây nó đâu có phải du côn du đãng gì, nó làm cách mạng. Nó học Pétrus Ký, nó biểu tình, nó trá hình làm du đãng là để ra Côn Đảo hoạt động tìm đường cứu mấy ông đồng chí. Năm bảy mươi hai, một toán tù Côn Đảo vượt ngục thành công là do Út mầy lên kế hoạch đó. Bên trại mấy thằng du đãng bị kích động quậy phá quá chừng. Thế là tạo điều kiện cho mấy ông cách mạng trốn chạy. Phía ngoài biển đã có tàu chờ sẵn.
    Nhưng mà Sáo ơi, người về thì người lại đi. Người ta đem cái thẻ bài của anh Hai từ Quảng Trị về, lần này trước lúc nhắm mắt ảnh gởi người đồng đội đem về. Chị Năm thẫn thờ ngồi miết ngoài thềm, chừng lâu sau chị Năm đánh điện tín báo Út bây hay. Nghiệt heng con. Bên này hay bên kia cũng là chung một dòng máu. Bàn tay lật qua lật lại cũng là thịt của mình. Chị Năm nói, vậy cũng còn may, chứ lỡ đụng trong một trận đánh. Anh giết em hay em giết anh, thì cả đời chẳng thể nào sống nổi. Thắng hay thua, sống hay chết, thì mọi cuộc chiến đều in hằn những vết xước cả.
    Nội nằm đó, giọng vẫn đều đều. Năm đó Nắng cũng tròn mười tám. Cũng một lần đi qua sóng gió đời mình.
    6.
    Má điện thoại, tiếng được tiếng mất. Lòng Nắng nóng ran. Nắng xin phép vội chạy về. Người ta dọn nhà, lấy giấy báo che kiếng lại hết. Ba nằm đó, mắt nhắm nghiền, giấc ngủ hiền sau một lần đánh án bị đám ma túy tông thẳng xe vào người. Má ôm chầm lấy Nắng. Nội tẩn mẩn gì đó bên bàn thờ gia tiên. Nội gọi Sáo ơi Sáo à! Nắng như muốn gục xuống.
    Ba là đứa con trai duy nhất của nội với người thương binh bạn học cậu Út. Ngày hòa bình còn nhiều thiếu khó, chính anh chàng hàng xóm cứ thi thoảng lại ghé sang đỡ đần cho nội lúc nhà vắng hơi đàn ông. Rồi thì bén duyên. Anh bạn ngỏ lời hỏi cậu Út có ưng bụng. Ông cậu gật đầu cái rụp. Nhưng cái đám cưới bị cấp trên cân nhắc mấy lần, sau nhờ quá trình cống hiến của ông cậu, nhờ cái giấy thương binh của ông nội mà mới có một cái đám cưới giản đơn nhưng ấm áp. Ông đâu có gì, ngoài đôi bông tai mù u, ngoài xấp lãnh Mỹ A. Đám bạn lính ghé ngang tặng dăm ba cục xà bông thơm Bến Thành. Đám cưới lính bánh kẹo đầy bàn, vang khúc quân hành tận nửa đêm.
    Chòm xóm bảo cái nhà gì ngộ, thứ gì cũng có, bên này bên kia, tri thức me Tây, vàng thau lẫn lộn. Xì xầm cho đến ngày nội cấn bầu đứa con trai đầu lòng, thì cũng gật gù, ờ cái nhà vậy mà yên ổn heng. Đời cứ thương nhau mà sống. Mấy chuyện cũ rít đâu cần đem ra so đo tính toán chi cho mệt cái thân. Da vàng mũi tẹt, nói tiếng Việt y nhau thì hà cớ gì phân biệt cho khổ đời nhau. Thằng Sáo ra đời, nhà rộn ràng tiếng cười.
    Thằng Sáo lớn lên muốn theo ba theo cậu Út làm Công an. Người ta xét tới xét lui. Người ta cũng võ đoán nghi kị. Nhưng may thay, ông Giám đốc ngành ổng phủi tay cái rột, trời ơi bây giờ đất nước mở cửa, là hội nhập để phát triển. Đâu ra còn cái mửng phân biệt chi cho lao tâm khổ tứ. Tuổi trẻ muốn cống hiến, thì mình phải ủng hộ, mình phải tạo điều kiện chớ. Sao lại cứ đem cái gia cảnh ra mà nói. Sống ở đời cần phải bao dung. Ông Giám đốc ngành biên cái lá thư tay gởi xuống quận. Năm đó ông cậu Út ngồi Trưởng Công an của một quận khét tiếng giang hồ Sài Gòn. Ông cậu lại làm cái lá đơn xác nhận lý lịch cho đứa cháu sống trọn đam mê. Đứa cháu theo SBC, máu lửa hừng hực.
    Hồi nhỏ, Nắng đâu biết ba mình làm gì, chỉ thấy ba đi đầu hôm sớm mai, thi thoảng ghé về thăm nhà rồi vội vã đi. Má nói ba đi làm ăn. Ba đi kiếm tiền mua bánh cho Nắng. Ờ thì Nắng con nít mà, má nói mần sao thì Nắng nghe mần vậy. Nắng có biết đâu, cho đến khi Nắng thấy má phơi bộ đồ xanh trên sào thì Nắng mới thỏ thẻ hỏi nội. Nội cười tỉnh queo, hỏi Nắng có muốn giống ba không? Chừng nào ngoài kia còn kẻ xấu thì ba Nắng vẫn chưa được về nhà với Nắng đâu. Nắng bắt đầu, nhen lên ước mơ trong mình.
    Hôm Nắng nói với ba sẽ đi theo ba vào ngành. Ba thốt nhìn Nắng một đỗi rồi ra hiên nhà đứng nghĩ ngợi. Sớm mai trước khi vào ca trực, Ba chỉ nói một câu với Nắng, làm gì cũng là một cái nghề để mưu sinh, để kiếm sống. Nhưng khi chọn cho mình cái nghề gian nguy này, thì thật ra là mình sống cho hai chữ bình yên. Chục năm trước, cho đến ngàn đời sau, phải sống trọn vẹn với tâm thế sẵn sàng đi là không về.
    Nắng đứng đó, giữa căn nhà quen thuộc, nhìn gương mặt ba thật thanh thản. Vậy là ba về. Mãi mãi ở lại với má và nội. Vậy là ba được nghỉ ngơi. Kẻ xấu ngoài kia, cứ để lại cho Nắng.
    7.
    Chị Năm đi cũng gần ba chục năm, tha hương bôn ba theo chồng nơi đất khách. Hồi nội hỏi chị Năm sao chọn ra đi? Chị Năm cười lặng lẽ, chẳng biết sao mình chọn lựa như vậy. Chỉ biết là thuyền theo lái. Chị lấy một sĩ quan chế độ cũ, rồi chấp nhận xuất cảnh theo diện HO. Hôm nội tiễn chị Năm ra sân bay, chị Năm hỏi nội, nếu dĩ lỡ phải ở bên ấy luôn thì ngày chị mất, nhớ phải đem tro cốt về đất mẹ mà rải. Người ta có đi trăm muôn ngàn lối, gá phận mình ngàn muôn vạn nẻo, thì đâu cũng chỉ tạm bợ một quãng đời, cạn cùng rồi ai cũng muốn được về với quê hương.
    Nhưng chị Năm cũng chỉ quay về cố hương được vài lần khi còn trẻ, giờ thì có muốn cũng chẳng thể về, hơn tám chục tuổi. Biệt xứ ly hương. Trong những lần chị Năm gọi về cho nội đó con. Bả khóc. Bả nhớ Sài Gòn, thèm tô bún riêu, thèm miếng mắm kho. Ai nhớ quê lại không thèm một vị ngon xưa xa nào đó. Thèm là thèm vậy thôi, chứ xứ người lẵm xa, chị Năm hổng có về được đâu Sáo à!
    Nội vẫn ngồi bên hiên, một chiều đầu chạp, sau cú điện thoại đường dài tận nửa vòng trái đất. Hai chị em bạc trắng mái đầu. Ai cũng vọng Tết như một đứa trẻ. Người nhắc chợ hoa bến Bình Đông, kẻ hỏi chợ lá dong khu ngã ba ông Tạ. Nhắc để rồi khóc. Khóc để rồi tặc lưỡi cái chách, ờ chị em mình còn có bao nhiêu cái Tết đâu heng.
    8.
    Báo chí rần rần cái vụ anh chàng Cảnh sát giao thông giữa một chiều mưa tầm tã, kè chiếc xe taxi giúp bà bầu vỡ ối thoát đoạn đường ngập nước kẹt xe. Người ta quay lại được cái gương mặt thảng thốt lo âu của anh chàng Cảnh sát trẻ nơi cổng bệnh viện, khi hối thúc y tá đẩy băng ca cấp cứu. Người ta thấy anh chàng thẫn thờ ướt nhem đứng trước cổng bệnh viện nhắm mắt cầu nguyện điều gì đó, rồi đưa tay lau cặp mắt đỏ hoe. Lưng chừng chạp, thành phố hối hả khi những cơn gió mùa mơn man khắp các xóm nhỏ.
    Ai đó up đoạn phim lên mạng xã hội. Thiên hạ kéo nhau truy tìm anh chàng Cảnh sát. Báo chí tìm đến Sở hỏi. Ông Giám đốc cười hề hà. Chèn ơi, cái thằng nhóc đó à. Ờ cũng lắt léo lắm nghen, cũng bên này bên kia, nhưng mà thôi mình thời nào rồi, mấy cái cũ kĩ hổng nói tới nữa. Cái mình nói là nói đến tương lai. Nói đến những điều tốt đẹp. Thằng nhóc đó nó nhát hích, hổng có nghĩ ngợi màu mè gì đâu. Mấy anh nhà báo mình viết tuyên dương thôi, chứ đừng làm thằng nhỏ nó sợ. Đừng có giựt tít câu view gì ráo, cứ để đám trẻ ngày nay nó sống tử tế theo cái tâm của tụi nó nghen. Ờ thằng nhóc đó nó con của ông bạn thân tui. Ông đội trưởng SBC năm xưa đã hy sinh.
    Má coi tivi má khóc ngon ơ. Má chỉ nội, kìa thằng Sáo lên tivi, người ta khen thằng Sáo quá chừng nè. Nội nhìn đăm đăm một hồi. Hổng phải bây ơi. Thằng Nắng. Con của thằng Sáo. Là cái thằng đêm nào cũng về gãi lưng cho tao. Cái thằng hay nằm nghe tao kể chuyện đời xưa mỗi đêm nè. Rồi nội cười móm mém. Giữa những lẩn thẩn nhớ quên của tuổi đời bạc thếch gieo neo dâu bể, không dưng nội rõ mồn một khoảnh khắc này. Thằng Sáo đội trưởng SBC đi xa lắm rồi. Thằng Sáo như gió, vẫn cứ lang thang đâu đó thoảng khi mới chịu ghé về bên hiên. Cái này là thằng Nắng, thằng Nắng vẫn ở quanh đây.
    Nội lại bắc ghế ra hiên nhà ngồi. Nội nói với má, nay tao chờ thằng Nắng nghen bây. Vài hôm nữa mới Tết, mà lòng nội thì xuân sang tự bao giờ.

Kết Thúc (END)
Tống Phước Bảo
» Ong Bầu Đậu Đọt Mù U
» Mút Chỉ Cà Tha
» Di Bố Phù
» Thiềng Liềng Ơi
» Cách Một Quãng Đồng
» Hiên Chờ
» Ráng Chiều Cù Lao
» Hỗn Kỳ Đài
» Còn Thương Thì Về
» Nỏ Bao Giờ Sai
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79