Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Sài Gòn Mùa Yêu Thương Tác Giả: Thái Thanh    
    Chuông đồng hồ báo thức. 6 giờ sáng. Như thường lệ, vệ sinh cá nhân xong, Quyên theo lối cầu thang lên căn gác nhỏ. Khoảnh ban công độ mươi bước chân, vài chậu hoa kiểng nhỏ thi thoảng khẽ đung đưa trong làn gió nhẹ sớm mai, vài thùng xốp cũng nhỏ xinh xanh mướt những lá rau non. Bên dưới, những căn nhà im lìm, con hẻm nhỏ thảnh thơi. Sài Gòn, thành phố nơi Quyên ở học tập, rồi lập nghiệp đang trong tình trạng giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19. Khẽ hít một hơi thật nhẹ, Quyên cảm thấy trong lòng hạnh phúc lạ. Hôm qua Quyên và Long đã chính thức trở thành vợ chồng, trong một lễ cưới đặc biệt mà một người đam mê tiểu thuyết và cũng có chút ngón nghề viết lách như cô chưa bao giờ nghĩ tới.
    Quyên là con gái nơi làng biển xứ Quảng, còn Long lớn lên chốn miệt vườn miền Tây. Hai đứa cùng học đại học tại Sài Gòn. Quyên vốn dĩ rất thích chất giọng miền Nam. Rồi cô gặp Long trong chuyến đi tình nguyện của sinh viên các trường về huyện ngoại thành. Long chỉ hơn cô một tuổi. Cùng kiểu sống giản đơn, những suy nghĩ chín chắn và sự cầu tiến của hai người trẻ sinh ra trong gia đình lao động bình dân, Quyên và Long dần gần nhau hơn. Và những chuyến đi tình nguyện chung với trường, rồi với nhóm thiện nguyện riêng đã đưa hai đứa đến với nhau. Một điều giản dị ban đầu, Quyên cảm mến Long ở giọng miền Nam chân chất mà cô thích, còn Long thì thích thú lạ với cái họ tên chỉ mỗi hai chữ “Ðỗ Quyên” của cô gái, cũng là tên một loài hoa.
    Vì khoảng cách nhà hai đứa xa xôi và quan trọng hơn cả, vì cả cha mẹ hai bên đều ưng bụng với người con rể, con dâu tương lai, nên chỉ đôi lần về ra mắt là đến lễ dạm ngõ. Người lớn cũng sẻ chia, thống nhất nhau miễn lễ hỏi, chỉ tổ chức lễ cưới theo nghi thức truyền thống. Ngày cưới được ấn định.
    Quyên và Long bước vào hôn nhân ở cái tuổi mà nhiều bạn bè cho rằng quá sớm, khi họ vẫn còn muốn bay nhảy với cái tôi, sợ bó buộc mình vào khuôn khổ trách nhiệm chung một mái nhà. Còn Quyên và Long lại chung suy nghĩ khác. Hai đứa sau tốt nghiệp vài năm, có được việc làm ổn định và chưa bao giờ thôi nỗ lực, phấn đấu trong công việc. Và rằng không cần thời gian dài để thử thách tình yêu như nhiều người thường nghĩ, với cả hai, chỉ cần cảm nhận tình yêu trong nhau đủ lớn, thấy rằng cần phải có nhau thì quyết định bước tới.
    Quyên và Long đều làm việc cho công ty tư nhân. Công việc của Quyên liên quan đến các con số, nhưng vì đam mê và sẵn chút ít khả năng viết lách nên cô thỉnh thoảng viết bài cộng tác với một toà soạn báo. Gần đây, tình hình dịch bệnh phức tạp, hai đứa được công ty bố trí cho làm việc tại nhà. Cả hai cũng đã xin phép nghỉ việc vào ngày trọng đại của cuộc đời.
    Dăm ngày nữa là đến ngày cưới. Mâm quả lễ vật nhà trai đã gửi ra nhà gái, chỉ chờ đúng ngày hai trẻ kịp về tổ chức lễ đón dâu ngoài ấy. Thiệp mời báo hỷ đã gửi đến họ hàng, bè bạn, mâm cỗ đã đặt để mọi người chung vui, chúc phúc. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh phức tạp hơn, thành phố thực hiện giãn cách, chống dịch ở mức độ cao nhất, nhiều nơi bị phong toả để chính quyền kiểm soát mầm bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cả hệ thống chính trị thành phố, nhất là đội ngũ y, bác sĩ đang vất vả, nỗ lực hết sức để dập dịch, bảo vệ an toàn sức khoẻ Nhân dân và đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái bình thường mới. Thương Sài Gòn mùa dịch giã và vốn dĩ đã một lần phải hoãn đám cưới trùng thời điểm quê nhà của Long dịch bệnh bùng phát, nên giờ đây Quyên và Long đã đắn đo, suy nghĩ và cuối cùng đưa ra quyết định mạnh mẽ, đó là xin ý kiến cha mẹ cho phép thành vợ thành chồng qua lễ cưới trực tuyến, một điều mà có thể làm buồn lòng người. Ngày được cha mẹ đôi bên cùng đồng thuận, hai đứa vỡ oà niềm vui.
    Ngày cưới. Buổi sáng đẹp nơi căn nhà nhỏ trong con hẻm không xôn xao ngày giãn cách. Quyên trong chiếc áo dài đỏ thêu hoa, gương mặt trang điểm nhẹ nhàng, tay cầm bó hoa cưới giản dị bên Long, chú rể trong bộ quần âu, áo sơ mi trắng và chiếc cà vạt màu xanh sậm. Ðối diện là màn hình vi tính trực tuyến kết nối với hai điểm cầu tại nhà trai và nhà gái, bàn thờ gia tiên bày biện trang nghiêm, người lớn chỉn chu trong lễ phục truyền thống tiến hành các nghi thức thành đôi cho con trẻ, vài anh chị em trong nhà cùng chứng kiến. Chiếc máy ảnh cài sẵn chế độ chụp tự động ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc rạng ngời trên ánh mắt cô dâu, chú rể ngày cưới. Quyên bồi hồi nắm chặt tay Long, e ấp, thẹn thùng như ngày mới yêu của cô gái thanh xuân tuổi đôi mươi.
    Ngày cưới đặc biệt ở một thời điểm đặc biệt, không rộn rã niềm vui báo hỷ như dự tính nhưng Quyên vẫn thấy ngập tràn hạnh phúc. Hạnh phúc vì được làm vợ Long, được người thân, bạn bè chúc phúc và cả những người hàng xóm cùng sống trong con hẻm nhỏ cũng gửi lời chúc mừng trăm năm đầu bạc răng long trên nhóm Zalo của tổ dân phố, và rằng sự an toàn, còn cùng được bên nhau là rất đáng quý giá giữa thời điểm nhiều người Sài Gòn đang chịu nỗi mất mát, chia xa vì dịch bệnh.
    “Chào buổi sáng, cô dâu mới”, Long khẽ ôm Quyên từ phía sau, nhẹ hôn lên tóc cô. “Trăng mật, hẹn anh tối nay…”, Quyên lấp lửng, quay người trêu trong ánh nhìn trìu mến dành cho Long: “… và cùng với anh Thuận nhé”. Thuận là anh trưởng nhóm thiện nguyện mà hai đứa cùng tham gia. Những ngày qua, nhóm bận rộn hơn với những chuyến nhận hàng, rồi sắp xếp thành từng phần, cùng nhau chia ra vận chuyển đến những con hẻm bị phong toả, nhờ các lực lượng gửi tặng những gia đình gặp khó khăn. Ngoài số tiền các thành viên quyên góp, nhóm còn tranh thủ vận động nhiều nhà hảo tâm quen biết, vì vậy mà hoạt động của nhóm gần như liên tục mỗi ngày. Quyên và Long cùng sắp xếp công việc, đồng hành với nhóm và càng cảm nhận hạnh phúc nhân lên qua hành trình thiện nguyện giữa mùa dịch.
    Vài năm trước, khi vào Sài Gòn trọ học, Quyên không nghĩ mình sẽ gắn bó với thành phố sôi động, sầm uất nhất nước này. Ấy vậy mà giờ đây cô đã chính thức trở thành người con của miền Nam, của Sài Gòn. Nhiều người khi so sánh với miền quê cứ nghĩ rằng nơi đô thị hoa lệ, người Sài Gòn sống lạnh lùng và ít tình nghĩa với nhau, nhưng Quyên lại thấy một Sài Gòn trẻ trung, đáng yêu và đầy bao dung qua những người bạn, đồng nghiệp là dân Sài Gòn chính gốc. Chính nhờ sự tiếp sức của bạn bè mà vợ chồng cô mới có đủ tài chính sở hữu được căn nhà nhỏ này. Người dân trong con hẻm nơi cô ở, tuy ngày thường ít gặp nhau hỏi han, nhưng những ngày dịch bệnh, bác tổ trưởng tổ dân phố mỗi khi nhắn lên nhóm Zalo tuyên truyền, thông báo về phòng, chống dịch đều không quên kèm theo lời động viên mọi người cố gắng vượt qua khó khăn bảo vệ sức khoẻ, rồi các thành viên nhóm cũng theo đó nhắn cho nhau lời chúc bình an. Những ngày Sài Gòn căng mình trong cơn đại dịch Covid-19, được hoà mình góp sức nhỏ bé vào hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ bà con gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Quyên càng cảm nhận hình ảnh đẹp của đất Sài thành, không chỉ là nơi hội tụ nghĩa tình của đồng bào cả nước qua những chuyến hàng về đây không ngơi nghỉ, mà chính những người Sài Gòn đã cùng tương trợ nhau, dắt dìu nhau qua cơn khốn khó.
    …Buổi sáng ngập tràn yêu thương trong căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng mới cưới. Quyên và Long lại bắt đầu ngày mới với mớ công việc của công ty hôm qua gác lại, lại tranh thủ từng giờ để kịp góp sức cùng nhóm thiện nguyện. Hôm nay Quyên cũng sẽ hoàn thành bài viết về đề tài thời sự nóng hổi mà toà soạn đã đặt hàng: Mùa dịch Covid-19 ở thành phố. Cô đã có trong đầu mình cái tít cho bài báo sẽ viết, đó là “Sài Gòn mùa yêu thương”. Cảm nhận tự trong lòng mình, cô gọi Sài Gòn ở hiện tại bằng cái tên như thế. Ðại dịch nguy hiểm Covid-19 sẽ sớm qua đi, thành phố lại trở về nhịp sống sôi động như trước. Người Sài Gòn của thời khắc này cũng sẽ mãi nhớ một ký ức lịch sử mùa dịch giã, nhưng những con số thiệt hại nặng nề về kinh tế cũng sẽ chỉ là một phần thống kê trong hành trình phát triển của thành phố. Chỉ duy nhất điều lưu lại trong trí nhớ của người Sài Gòn là tình yêu, sự nhường cơm sẻ áo dành cho nhau, là giá trị nhân văn lan toả khắp ngõ ngách của thị thành.
    Trong mùa Sài Gòn đầy yêu thương này còn lưu giữ khoảnh khắc hạnh phúc của Quyên với ký ức về một ngày cưới đặc biệt. Sau này có con, khi chúng lớn, chắc chắn cô sẽ kể cho các con của mình nghe về ngày hạnh phúc tuyệt vời của cha mẹ chúng, về một Sài Gòn đáng nhớ năm 2021 - Cô dâu mới thẹn thùng trong suy nghĩ. Trên bàn làm việc, màn hình laptop sáng đèn với hình ảnh cành cỏ 4 lá vươn mình trong nắng sớm…

Kết Thúc (END)
Thái Thanh
» Sài Gòn Mùa Yêu Thương
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt
» Bất Diệt