Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ai Xuôi Vạn Lý Tác Giả: Huỳnh Thạch Thảo    
    Đã vào tiết lập xuân, ánh nắng quá ngọ hanh vàng trải dọc theo quãng đèo Lương tỏa bóng dịu mát, chút gió nhẹ từ vịnh Xuân Đài thổi lên phất phơ đám cỏ gà trắng mọc ven đường cái quan lởm chởm đất đá. Chim kêu lảnh lói trên tán cây ven đường chợt ngưng bặt khi tiếng vó ngựa khua giòn văng vẳng từ xa nơi vòng cung đèo vọng đến. Hai bóng người bận đồ lam, đầu chít khăn nâu, chân mang giày cỏ đang cúi mình trên lưng ngựa phi nước kiệu. Đến ngã rẽ có cây đa cổ thụ buông tán rợp mát, người lớn tuổi hơn thả lỏng dây cương, khoát tay ra hiệu cho người bên cạnh: “Này Đại, ta nghỉ một tí cho ngựa uống nước”. Người trẻ hơn khẽ gật cho ngựa về lại bước một. Con chiến mã rũ bờm, ngẩng đầu, lông bết mồ hôi, hông thở phập phồng chứng tỏ đã phi nhanh trên chặng thiên lý.
    
    Lê Đại tháo yên, mở dây cương rồi vỗ nhẹ con ngựa giống Thạch Thành ở miền núi phía tây Hoa Anh cho nó sang đám cỏ trải rộng trước mặt. Con ô của người bạn đường từ Phú Xuân vào Nam đang cúi đầu gặm cỏ chợt hí dài gõ móng như mời mọc. Đại yên tâm bước lại bóng mát nơi già Tâm đang bày ra trên mặt đá chiếc bình rượu bằng quả bầu khô, xâu bánh nếp gói lá chuối của viên vệ úy quân lương ở Thành Hoàng Đế đưa thêm lúc đi đường. Vừa ngồi xuống già Tâm đã hỏi:
    
    - Này, đệ xa nhà bao niên?
    
    Đại thở ra, đáp nhỏ tiếng chao trong gió:
    
    - Dạ, hơn mười năm sau khi nữ chúa Thị Hỏa bị quân Ngũ dinh (1) của chúa Nguyễn hành hình dưới chân Thạch Bi Sơn.
    
    Già Tâm gật gù tay mở nút rượu, mùi men gạo xứ Bầu Đá bốc lên thơm lựng:
    
    - Ừ, ta cũng rời Diên Ninh lúc ông Nguyễn Nhạc trá hàng Hoàng Ngũ Phúc rồi sai đức ông Nguyễn Huệ vào Phủ Phú Yên giết bọn vô lại. Đợt này ta về nhưng sẽ trở ra, còn đệ?
    
    - Tôi cũng vậy, được một tuần trăng. Không biết giờ này mẹ già và vợ con ra sao, thời gian mòn mỏi có đợi cho ngày gặp mặt.
    
    Già Tâm đăm chiêu một lúc mới nói nhỏ:
    
    - Một ngày đổi một năm là nhiều rồi, nghe đâu Đức ông cho người về An Khê chuẩn bị lương thảo, trưng dụng quân sĩ, mua thêm voi chiến, đóng lại thuyền bè để hành phương Nam.
    
    Đại im lặng nhìn ra khoảng xa nơi có những dãy đồi nhấp nhô cùng những đám mây bạc hình chim loan trôi lang thang. Xa kia là vịnh Xuân Đài nơi thuyền bè từng cập vào để nhận quân lương, cỏ ngựa ùn ùn đưa tới. Trên bộ hàng trăm thớt voi từ Tây nguyên, ngựa chiến từ Sơn Hòa đổ xuống với hàng ngàn nông dân trai tráng theo Đức ông dưới sự điều khiển của Chiêu Viễn tướng quân Vũ Văn Dũng từ Bắc Hà vào Nam mộ lính. Giờ này, Chiêu viễn trấn thủ Thanh Nghệ sau khi giết tri phủ cùng quê Đức ông phạm tội tham tang của dân. Đời này có bao người như thế, khi quê nhà quanh năm đói kém cùng tiếng tù và thúc nộp sưu thuế bởi cuộc chiến tranh hai chúa đằng đẵng.
    
    Nhớ ngày quân trẩy trong mịt mù khói bụi, trong phèn la trống giục rộn ràng bên hàng vạn bước chân rầm rập, lúc quay lại vẫn thấy những người dân đi tiễn đang ngóng mắt trông theo từ đỉnh đèo đầy khói sương lãng đãng. Thà rằng theo đoàn quân áo vải cờ đào còn hơn chịu nỗi thống khổ đọa đầy trong cuộc phân tranh Nam Bắc. Bây giờ đường về còn xa, chưa thấy đỉnh Thạch Bi Sơn cuộn mờ sương phủ, nơi vua nhà Lê cho khắc vào đá: “Chiêm thành quá thử, binh bại quốc vong” (2) thì vẫn nao lòng. Cha không chịu nổi sưu cao thuế nặng, cả đời lao lực khổ tứ đã mất trong mùa hoa lựu nở đỏ sân vườn. Mẹ thì già yếu, lưng còng tóc bạc mười năm có lẻ con không về báo hiếu, còn người vợ tần tảo thân cò sớm hôm. Một mình thui thủi lúc trăng tà, bóng xế có biết ta ngày Bắc đêm Nam vẫn ngóng về nàng, về đứa con nhỏ dại.
    
    Già Tâm đưa bầu rượu ra sau khi chiêu một ngụm, khà nhỏ:
    
    - Đệ thúc ngựa phi nước đại liên tục nó đứt ruột thì khổ. Mà sao vẻ mặt buồn thế kia?
    
    Đại buông lời:
    
    - Ba đêm hai ngày, quá trễ trên dặm đường rồi, thua lúc chúng ta từ Phú Xuân ra Thăng Long chỉ mất 5 ngày.
    
    Già Tâm hỏi:
    
    - Lúc đó đệ ở cánh nào, kể cho vui chờ ngựa lại sức ta lại xuôi theo vạn lý. Còn già, chỉ là kẻ giữ ngựa cho đô đốc Bảo. Mà đô đốc đạo Thuận Quảng này còn trẻ, từng theo Đức ông phạt Trịnh. Đô đốc cho ta về nghỉ dưỡng, nhưng ta muốn quay lại để làm kẻ tôi tớ giữ ngựa. Còn đệ?
    
    - Tôi làm lính cho Đô úy Hoàn cũng dân Bắc Hà, ông này là kẻ sĩ nhưng lúc cầm quân thì uy dũng và mưu lược. Rất thích người cánh Nam dù Đô úy chưa một lần tắm nước sông Ba. Riêng Đức ông thì tôi nhớ có lần, đưa ba quân ra Cửa Tùng huấn luyện thủy binh, viên vệ úy Thông hiệu quân từ Phú Xuân phóng ngựa mang cáo của ông Sở đến trình. Mới hay, Lê Chiêu Thống cùng bọn bộ hạ vượt ải Nam Quan cầu viện Càn Long. Đức ông lúc đó giận sôi máu, đưa cặp mắt sáng rực đọc chiếu rồi quát rung rinh cả cờ hiệu: “Được, nó muốn bán nước cầu vinh đem rắn về nhà thì chim ưng sẽ mổ. Đi, ta về Phú Xuân …”.
    Vậy là thêm một chặng trường chinh gian lao, chứ tôi thì muốn về quê bên luống cày, đụn rạ cùng gia đình ngay lúc đó.
    
    Già Tâm vuốt chòm râu bạc quá nửa, thở dài:
    
    - Ai chẳng vậy, nếu ông Nhạc đừng nghĩ Đức ông tiếm quyền thì đâu đến nỗi. Ai lại đến Thăng Long lật nhào họ Trịnh thì phải quay về Hóa Châu lúc hoàng triều nhà Lê nhen nhóm trở lại. Đức ông cũng thật khó xử với Vương phi Ngọc Hân, vì biết rằng Ngọc Hân gọi mẹ Lê Chiêu Thống là chị dâu…
    
    Lê Đại trầm ngâm một lúc:
    
    - Lúc đó, chưa đánh quân Thanh nhưng lúc tiễu trừ quân Trịnh tại cửa Thuận An gặp thủy quân Bồ Đào Nha ủng hộ, tàu bọc sắt như lưỡi cày cùng súng ống phụt lửa ầm ì nhưng vẫn chiếm được thì đâu ngại. Đức ông lên ngôi lập đàn đăng quang ở núi Bân cạnh dòng sông Hương kề núi Ngự Bình cách đàn Nam Giao không xa, hình như ông né tránh việc mình dẫm chân lên hoàng triều vì ông là một người nông dân nổi dậy khởi nghĩa.
    
    Còn nhớ, buổi sáng cuối năm (3) sắp Tết Kỷ Dậu, tại lễ tế trời và xuất quân, trống chiến Tây Sơn ba hàng ngang đỏ chói, mỗi hàng bốn chiếc, thêm chiếc trống cái và hàng chiêng kèm bên, cọc trụ bằng đá hoa cương do bầy voi kéo ra bện thừng chắc lẳn, sáu người quân cụ điều khiển nện từng hồi dài theo tiếng Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ đọc chiếu:”Trẫm chọn ngày này lên ngôi thiên tử …”. Rồi quân trẩy rùng rùng qua sông. Và 5 ngày đêm ta đặt chân vào Thăng Long thì lão đã biết. Tôi ăn, ngủ trên lưng giống ngựa Thạch Thành quê nhà, còn anh em phải thay ngựa liên tục để truyền lệnh của Đức ông đang ngự trên bành voi, tay cầm cờ lệnh vải điều, mình mặc chiến bào ám đầy khói súng mà thúc quân thẳng tiến.
    
    Lê Đại thở hắt, kể thì nhanh nhưng hơn mười năm cùng nửa sơn hà chinh chiến, ông Hoàn đã lên đô đốc và hầu cạnh Đức ông, tay cầm thanh gươm có dải Thao triều khúc đỏ do Đức ông ban thưởng để mang quân chuẩn bị vào Nam. Đại nói:
    
    - Ông Hoàn có hứa với tôi khi thống nhất nước nhà một cõi để trị vì, sẽ ban thưởng bổng lộc chức tước ngay đất quê mà hưởng thụ. Nhưng tôi đã từ chối, có học hành đỗ đạt đâu mà làm quan, không khéo no cơm ấm cật lại quấy nhiễu dân tình. Vả lại, khi đi có dặn với người vợ lúc yên giặc, ta về, nàng đừng khóc. Đấy, lão thay ngựa mấy cửa thành, còn tôi vẫn rong ruổi cùng ngựa quê, chứng tỏ đất xứ tôi tốt bao nhiêu dù bị hoang hóa, khô cằn.
    
    Già Tâm trầm ngâm nhìn đôi ngựa đang tung bờm đùa giỡn phía đồng cỏ sau khi ra suối vục mõm uống nước thỏa thuê. Nắng chênh chếch và gió đã kéo đến làm chao từng đám cỏ gà trắng. Lão nhìn người bạn đường một chặp:
    
    - Ta nghe Đức ông nói: “Trẫm là người áo vải Tây Sơn, không có một thước đất, vốn không chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ghét thời loạn …” mà rưng rưng. Khổ nỗi, lệnh ông Nguyễn Nhạc lo sợ Đức ông át hết hào quang nghĩa khí của mình nên mới kêu về. Ôi chao!
    Đại gật gù đưa tay chỉ về hướng nam, nơi có những dãy núi đá nhấp nhô trập trùng mờ ẩn, nói:
    
    - Đức ông đã từng vào xứ tôi năm hai ba tuổi để đánh quân Ngũ Dinh. Tôi chẳng lạ vì hai vùng đất giáp ranh dãy đèo Cù Mông, anh em Đức ông sống trong mái nhà tranh nho nhỏ cùng ruộng vườn cha mẹ nơi ấp Tây Sơn. Lúc dấy binh khởi nghĩa thì quân lính bốn phương tụ về vùng hào kiệt đó. Tôi nói khi không phải với lão, họ toàn là những tay cày vai mang cuốc, rồi những người kêu là man di trên núi mang voi ủng hộ, dân đâm kình ngư vùng biển mang thuyền xung vào thủy quân, chúng tôi thì lương thảo. Sức khỏe nông dân mới chịu nổi muôn dặm đường xa, đâu cần phải cáng võng, vậy họ có yêu nước không? Tôi hỏi lão, Đức ông sống có tâm thì tướng Trần Quang Diệu và đô đốc Bùi Thị Xuân mới theo chân, Đại tư mã Ngô Văn Sở mới chịu cúi mình, có đức thì Vũ Văn Dũng là tướng chúa Trịnh nhưng chống chúa bị giam ngục tối, được Đức ông đem ra tin dùng, có tình thì Đặng Tiến Đông một dòng họ quan lại lớn của Bắc Hà mới bái phục, có thương núi sông gấm vóc, yêu dân đang cảnh lầm than, Đức ông mới nói: “Trẫm nay có thiên hạ sẽ dắt dân theo đạo lớn, đem dân lên cõi đài xuân, quan phải thanh liêm, dân phải theo luật vua, lệ nước …”
    
    Lão Tâm cười vang, vuốt râu ra chiều đắc ý:
    
    - Ừ, đệ nói đúng. Lúc đầu ta nghe tin đồn Đức ông là phường giặc cỏ, không một giọt máu hoàng tộc lại muốn nắm quyền binh, xem thường phép nước. Ta cũng ngại. Đến khi ra Bắc Hà, Đức ông rất trân trọng sĩ phu, tin dùng trong việc nước như Bùi Thanh Lịch, Nguyễn Thiếp được mời vào viện sùng chính, mời dịch sách chữ Nôm thì hậu thế sau này mới vẻ vang. Chính tờ chiếu do ông Ích viết và ông Nhậm bổ sung cho ông Kỷ đọc. Đức ông mà làm sai, đi ngược với chí hướng lúc thâu tóm giang san thì sau này, nghìn năm sau này muôn dân, trăm họ sẽ oán ghét, sẽ bêu riếu qua bia miệng đời đời.
    
    Những cơn gió nồm từ vịnh Xuân Đài vào mát rượi, bóng nắng đã ngả sang tây, chim chóc lại líu lo trên các tán cây. Lê Đại đứng lên giũ bụi rồi bất chợt dải khăn vấn tóc xổ tung làm rơi tấm kim bài lấp lánh trên chân già Tâm.
    
    - Ái chà, quan vệ úy. Vậy mà ta cứ tưởng …
    
    Lê Đại phẩy tay:
    
    - Trong chiến trận phải có trên dưới, bất tuân phục mệnh là mang trọng tội. Khi xong việc nước tôi sẽ về quê như đã nói với lão, thì cái chức vệ úy là cái gì? Làm quan làng, xã, phủ thì thiếu gì học trò La Sơn phu tử hở lão? Còn lão, chắc chắn phải mang tước lộc gì đấy, nếu không làm sao lão biết nhiều thế?
    Lê Đại cười, huýt vang tiếng sáo. Con ngựa đen tuyền đã rũ bờm phóng đến để anh móc yên, thắt lại dây cương. Rồi anh chỉ lên tán cây có tiếng chim lảnh lói:
    
    - Chim khách kêu kìa, chắc chắn nó sẽ đến nhà trước. Vậy xin phép lão, tôi phải đi gấp.
    
    - Cho ta gửi lời thăm gia đình và hẹn ngày gặp.
    
    Già Tâm nhìn theo Lê Đại đang cúi người thúc ngựa sang nước kiệu, tiếng vó khua rầm rập cuốn bụi rồi xa dần phía vòng cung đèo. Lão đứng một hồi lâu, thở dài khi rút ra từ tay nải tờ giấy vàng đóng triện đỏ sắc phong về phủ Diên Ninh. Lão từ từ buông tay, tờ giấy cuốn theo gió bay phất phơ xuống chân đèo. Lão lên ngựa, sảng khoái đọc vang bài thơ tứ tuyệt giữa vùng gió lộng rồi ra roi cho chiến mã theo đường cái quan thẳng hướng về Nam.
    
    (1) Ngũ Dinh: Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ.
    
    (2) “Chiêu Thành vượt khỏi đây thì binh bại, nước mất”
    (3) Ngày 22/12/1788
    

Kết Thúc (END)
Huỳnh Thạch Thảo
» Chuyện Đêm Giao Thừa
» Tiếng Gọi Phía Ký Ức
» Ai Xuôi Vạn Lý
» Sông Xuôi Về Biển
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Hoa Học Trò