Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Hạnh Phúc Nhất Làng Tác Giả: Đỗ Xuân Thu    
    Cụ giáo Đào đang giương kính đọc sách thì anh Khả đến. Cụ thong thả cất quyển sách rồi đi pha nước mời khách. Đón chén trà nóng trên tay cụ giáo, anh Khả nhấp môi rồi chép chép miệng thưởng thức cái dư vị chát đắng của chè còn đọng lại nơi đầu lưỡi.
    Chuyện trò một lát, cụ giáo nhìn thẳng mặt anh Khả hỏi: “Tôi nghe nói cậu định chuyển nhà lên phố à?”. Anh Khả giãy nảy: “Đâu có. Con chưa bao giờ có ý định đó cả”.
    Là người năng động nhất làng Cổ Cò, đang làm ruộng, anh Khả bàn với vợ cho thuê ruộng. Anh gom nhặt vốn liếng rồi vay ngân hàng cả tỷ đồng chuyển sang kinh doanh đồ gỗ nội thất. Nhà anh có chục thợ mộc. Anh nhập gỗ, thuê thợ sản xuất tủ, giường, bàn ghế. Mộc là nghề gia truyền bố anh để lại. Đồ nội thất nhà anh toàn hàng đẹp. Ai thích gì có nấy. Đại gia có loại cho đại gia. Dân thường có thứ bình dân hợp túi tiền. Hàng làm ra đến đâu hết đến đấy. Đơn hàng đặt trước khá nhiều. Thế nên, sau hơn hai năm, anh Khả đã mua được ô tô và đang chuẩn bị mở thêm xưởng mộc nữa trên thị trấn. Đúng là làm ăn gặp thời vận có khác. Cứ lên vù vù. Anh giàu nhanh chóng. Thấy vậy, người làng Cổ Cò đồn đoán anh sẽ chuyển nhà ra phố. Cụ giáo Đào hỏi anh cũng từ cái ý đó.
    Nhớ hôm vợ chồng nhà Đán tổ chức cuộc liên hoan mừng con đỗ đại học, cụ giáo Đào cũng được trân trọng mời dự. Hôm ấy, tiệc đông vui lắm. Đang giữa bữa, rượu vào lời ra, cánh đàn ông bắt đầu lý sự. Ai cũng khen nhà Đán sung sướng nhất làng. Thì từ xưa đến nay, ở cái làng Cổ Cò này có nhà nào được như nhà Đán? “Ngay như cô Huyền, con cụ giáo đây, học giỏi thế mà cũng chỉ vào được có cao đẳng thôi nhé”. “Đến bây giờ, cánh tuổi con cô ấy, con của chúng ta ngồi đây này, đứa nào đứa nấy học vẹt cả đũng quần, toét cả mắt ra mà cũng chỉ có vài đứa đỗ được đại học. Còn số đông cũng chỉ trung cấp, cao đẳng nhì nhằng thôi. Có phải không cụ giáo?”. Cụ giáo lặng lẽ gật gật đầu. Ai đó lên tiếng thay cho cụ. “Ông nói thế cũng chưa đúng. Các cụ chả bảo học tài thi phận à?” Mọi người xì xào. Ai cũng bảo vợ chồng nhà Đán là sung sướng nhất làng.
    Anh Đán xoa xoa tay nói với mọi người: “Em cảm ơn các bác đã có nhời! Thực tình, cháu nó được như thế cũng là mừng. Còn sung sướng thì… chắc còn xa”. Anh Đán vừa dứt lời thì mấy vị mâm bên nói với sang: “Thế chú còn muốn thế nào nữa mới sướng? Ối người cầu giời khấn Phật mãi mà đâu có được”. “Con tôi đây này, hai lần thi đại học toàn trượt vỏ chuối thôi. Giờ về đang xách vữa kia kìa”. “Được như chú thím thế này, tôi mơ đấy”... Mỗi người một câu khiến bữa tiệc ồn ào hẳn. Vợ Đán bưng âu canh từ dưới bếp lên nghe thấy thế tủm tỉm cười.
    “Thím cười gì thế?”, lão Nhượng toét giương mục kỉnh nhìn chòng chọc vào vợ Đán hỏi. Vợ Đán nhoẻn cười: “Các bác bảo nhà em sung sướng nhất làng, chả nhẽ…”. “Chả nhẽ chúng tôi nói sai?”. “Em thấy các bác hơi bị quá nhời. Nhà em không dám nhận sung sướng nhất làng đâu ạ”. “Thế theo thím làng mình còn nhà ai hơn nữa nào?”. Vợ Đán thủng thẳng: “Em là người cạn nghĩ nhưng em thấy sung sướng nhất làng ta phải kể đến vợ chồng nhà bác Khả ạ”. Dừng lại giây lát, chị nhìn mọi người rồi nói tiếp: “Em hỏi thật, có bác nào bạo gan như bác ấy không? Ai đời đang yên đang lành mà bác ấy cho thuê hết mấy sào “bờ xôi ruộng mật” để vay tiền mở xưởng mộc. Liều thế cơ mà? Giờ thì nhà bác ấy có thiếu thứ gì? Đáng ra, hôm nay bác ấy cũng đến đây vui cùng vợ chồng em đấy, nhưng lại bận đi giao hàng mãi tận bên Trung Quốc cơ. Làm ăn lớn, quan hệ rộng thế cơ chứ. Đấy! Theo em sướng nhất cái làng Cổ Cò này phải là nhà bác Khả. Sau bác Khả thì đến một số bác làm mỳ miến, làm khung nhôm kính, làm chậu hoa cây cảnh nữa. Kể cả nhà chị Nguyệt, Bí thư Chi bộ hay nhà ông Lự Trưởng thôn nữa, cũng đứng sau bác Khả nhé. Em nói thế có phải không các bác?”.
    “Đúng đấy - một bà ngồi mâm bên lên tiếng - Sướng nhất nhà Khả đấy! Cả mấy hộ làm nghề nữa. Chúng ta phải học tập họ”. Ông Lự ngồi rung đùi: “Phải đấy!”. Vợ Đán nói tiếp: “Nhà em thuần nông, cháu nó học được thì cứ đầu tư cho nó học thôi. Sau này, cháu nó ra trường thì chưa biết thế nào cả các bác ạ. Thế nên bác nào bảo nhà em sung sướng nhất làng là em không chịu đâu”.
    Không khí bữa tiệc đang rôm rả bỗng chùng hẳn xuống. Lúc này cụ giáo Đào mới lên tiếng: “Thím Đán nói kể cũng phải. Con người ta mỗi người đều có cái sự sướng khổ, hạnh phúc khác nhau. Tùy theo quan niệm. Người thích của. Người thích con. Có người khát con trai. Có kẻ lại mong có con gái. Người mê chữ. Người say cây cảnh, nhà tầng. Thôi thì, tham sân si, mê cái gì khổ cái đó. Người nào biết đủ, bằng lòng với cái mình có là người đó sung sướng. Nhưng xét một cách toàn diện, làng Cổ Cò ta từ ngày triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay, cái sự sướng vẫn chiếm dòng chủ đạo. Các vị cứ nghĩ mà xem. Từ đường đi lối lại, từ điện đóm, nhà cửa, từ cái ăn cái mặc… nhiều lúc tôi nghĩ cứ như mơ. So với ngày trước thì mơ thật các vị ạ”.
    “Cụ giáo nói hay quá, đúng quá! Tất cả chúng ta cùng sung sướng, hạnh phúc. Tôi đề nghị mọi người nâng chén mừng cho làng Cổ Cò ta như ý cụ giáo Đào vừa nói”, lão Nhượng toét nâng cao chén rượu hề hề nói. Tất cả mọi người đồng loạt “dô dô”. Không khí bữa tiệc tưng bừng trở lại.
    Mới đó, thế mà đã hai năm. Khả được nhắc tên trong bữa tiệc hôm đó giờ anh ta đang ngồi trước mặt cụ đây. Công ty của anh Khả ăn nên làm ra vượt xa những ngày đó. Làng Cổ Cò này cũng đổi mới quá chừng.
    Tiễn anh Khả về, cụ giáo Đào ngẩn ngơ nhìn theo chiếc ô tô con bóng lộn đen sì vụt đi trên đường làng. Tuy không dạy anh Khả ngày nào nhưng cậu ấy vẫn coi cụ như thầy. Có điều gì khúc mắc là anh Khả lại đến thỉnh thị, xin ý kiến cụ. Từ chân lấm, tay bùn, con trâu đi trước cái cày theo sau giờ anh Khả đã ra dáng ông chủ rồi. Thì ông chủ thực sự, doanh nhân thành đạt của làng rồi còn gì. Dám nghĩ, dám làm, gặp thời, gặp thế, nhanh thật. Cứ tưởng giàu có rồi bỏ quê nào ngờ anh vẫn chung thủy với làng. Với cách nghĩ, cách làm ấy của Khả, cụ tin chắc anh còn tiến xa hơn nữa.
    Là người dạy học nhưng thầy giáo Đào rất quan tâm đến việc nhà nông. Cụ đã chứng kiến làng này từ ngày còn hợp tác xã nhỏ, sản xuất cò con manh mún đến thời hợp tác lớn, to xác mà hiệu quả. Rồi lại từ chỉ thị 100, đến khoán 10, khoán 1 (tức khoán hộ). Khó ai có thể ngờ bây giờ làng Cổ Cò lại phát triển đến thế. Làng có hơn trăm hộ thì chỉ còn non nửa số hộ làm ruộng. Số còn lại bung ra đủ các ngành nghề. Gia truyền có, du nhập mới có. Nhưng có lẽ mạnh nhất vẫn là nghề làm tương, làm mì miến và chế biến gỗ. Hầu hết các “ông chủ” của làng đều là học trò cũ của cụ. Các hộ ven quốc lộ nhà tầng, xưởng máy mọc lên như phố mới. Ra dáng thị tứ lắm rồi.
    Cụ đang vẩn vơ với những ý nghĩ đó thì chị Nguyệt, Bí thư Chi bộ phóng xe máy tới. Chị cười tươi chào cụ giáo và nói liến thoắng: “Thầy ơi! Con mang tin vui đến cho thầy đây. Vui lắm thầy ạ!”. Là học trò cũ của cụ giáo, Nguyệt vẫn xưng hô thầy con như xưa. Cụ giáo đon đả: “Thì vui mấy cũng mời chị vào uống nước cái đã”. Xách chiếc túi khá nặng, chị Nguyệt bước theo cụ giáo vào nhà.
    “Nào, có tin vui gì chị cho tôi nghe đi”, cụ giáo vừa rót nước vừa hỏi. Chị Nguyệt mở túi cầm mấy quyển sách mới cứng còn thơm mùi mực in trên tay hớn hở: “Làng mình được công nhận là làng nghề rồi thầy ạ. Nghề sản xuất đồ gỗ Cổ Cò. Thầy bảo thế có vui không?”. “Vui! Vui quá đi chứ”. “Cái này mới vui hơn nữa thầy ơi!”, chị Nguyệt gần như reo lên. Hai tay chị nâng hai cuốn sách mới đưa cụ giáo. Mắt chị ngời lên long lanh. Thoáng ngạc nhiên, cụ giáo đưa tay đón nhận. Mắt cụ dán vào bìa hai cuốn sách và lẩm nhẩm đọc: “Lịch sử làng Cổ Cò và tập thơ văn Cánh Cò”. Sau đó, cụ mở to mắt nhìn chị Nguyệt: “Sách xong rồi hả?”. Chị Nguyệt hớn hở đáp: “Vâng. Con cầm hai quyển về cho thầy xem trước đấy. Đẹp chứ thầy?”. Cụ giáo mở từng cuốn sách gật gù: “Đẹp. Đẹp quá!”. “Vâng. Mỹ mãn luôn thầy ạ. Hôm này xã tổ chức đón nhận danh hiệu đạt chuẩn nông thôn mới, làng mình đón danh hiệu làng nghề, sách về thật đúng dịp”. “Thế thì còn gì bằng. Ý nghĩa lắm Nguyệt ạ!”.
    Cụ giáo Đào bỗng nhớ lại hôm chị Nguyệt thay mặt chi ủy đến đặt vấn đề nhờ cụ chủ biên viết cuốn sử làng và tập hợp các sáng tác văn thơ của các cụ trong làng để xuất bản thành sách phát hành trong dịp lễ đón nhận chuẩn nông thôn mới của xã. Hôm đó, sau khi nghe chị Nguyệt nói, cụ ngẩn người một lúc. Vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì đúng ý định và mong ước của cụ. Lo vì làng toàn nông dân, có mấy vị nghỉ hưu thì đa phần là công nhân nghỉ chế độ. Chuyện viết lách với họ xem ra rất xa vời. Chị Nguyệt động viên khích lệ cụ, đúng mục cụ giáo say mê. Cụ say chữ nghĩa như mấy ông chủ của làng say làm kinh tế vậy. Thế rồi, cùng với cụ là mấy ông cán bộ xã nghỉ hưu, họ đã cặm cụi thu thập tài liệu, say sưa chắp bút. Lãnh đạo xã, thôn thường xuyên tới thăm động viên. Và bây giờ, sản phẩm công trình đã nằm trên tay cụ đây, khá dày dặn, thơm phức. Cụ đã làm được một việc rất ý nghĩa cho làng, cho xã. Hít hà hai cuốn sách, đứa con tinh thần của cụ và mấy vị cán bộ hưu, cụ giáo Đào như mơ. Các con chữ như đang nhảy múa trên trang sách trước mặt cụ.
    “Thầy biết không, kinh phí in ấn hai cuốn sách này là anh Khả tài trợ đấy. Các doanh nghiệp khác thì ủng hộ kinh phí để tổ chức buổi lễ đón nhận. Xã hội hóa hết thầy ơi!”, chị Nguyệt hân hoan khoe. Thoáng ngỡ ngàng, cụ giáo Đào nhìn chị Nguyệt: “Thế hả? Thế thì tuyệt vời!”. Chị Nguyệt liến thoắng đáp: “Vâng. Vui lắm thầy ạ!”. “Chẳng giấu gì em, lúc này đây, thầy là người sướng nhất làng Cổ Cò! Cả đời thầy chỉ mơ ước viết được một cuốn sách. Giờ thì mãn nguyện rồi. Tuy không phải là tác giả nhưng như thế này cũng đã là toại nguyện”. Cụ giáo xúc động xưng thầy em với Nguyệt. Chị Nguyệt cũng rưng rưng: “Thầy là chủ biên thì chính thầy là tác giả còn gì. Chúng em trân trọng công lao của thầy. Không có thầy chắc gì hai cuốn sách này đã có được?”. “Em đừng nói vậy. Đó là công lao của cả làng. Thầy chỉ là người chắp bút. Cho nên thầy là người hạnh phúc nhất làng này”.
    Hai thầy trò cụ giáo ríu rít bên nhau. Họ cùng bàn về ngày đón nhận danh hiệu nông thôn mới của xã. Niềm vui cứ thế nhân lên. Trong tim họ ai cũng cảm nhận mình là người sung sướng, hạnh phúc nhất làng Cổ Cò. Và ngoài kia, một năm mới lại bắt đầu. Vui lắm. Rộn ràng lắm.

Kết Thúc (END)
Đỗ Xuân Thu
» Sự Cố Tin Nhắn
» Người Hạnh Phúc Nhất Làng
» Đường Mới
» Đường Về Giỗ Tổ
» Vai Diễn Bác Hồ
» Cây Đa Lịch Sử
» Chào Năm Học Mới
» Thủy Thủ Thư
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng