Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đường Về Giỗ Tổ Tác Giả: Đỗ Xuân Thu    
    Sau mười bốn ngày cách ly phòng dịch Covid-19, hôm nay, hai bà cháu bà Nhã mới thực sự tiếp tục con đường trở về cố hương. Gò Dầu, Tây Ninh - nơi chôn nhau cắt rốn của bà với bao kỷ niệm thời trẻ thơ con gái như có ma lực hút bà về, giục bà nhanh chân hơn, gấp gáp hơn. Điện thoại của người thân những ngày qua càng minh chứng điều đó.
    Nửa tháng trước, bước chân lên cầu thang máy bay ở Mỹ, bà đã hồi hộp lắm rồi. Bà chỉ muốn có phép màu nào đó để có mặt ngay gốc cây dầu đầu nhà ngày xưa của bà để ngắm những quả dầu rơi như những chiếc chong chóng bé xíu quay quay trong gió. Và nữa, bà sẽ chạy ào vào vòng tay của người thân đang mong đợi bà. Bốn mươi nhăm năm rồi còn gì. Về quê lần này, dứt khoát bà sẽ đưa cháu bà ra Phú Thọ viếng mộ các Vua Hùng. Nó là cháu ngoại của bà, sinh ra ở Mỹ, lai Mỹ thật đấy nhưng phải cho nó biết cội nguồn dân tộc Việt Nam chứ. Đó là ao ước lớn nhất của đời bà. Được như vậy là bà đã thỏa nguyện. Có về thế giới bên kia, gửi xương gửi thịt trên đất Mỹ, bà cũng cam lòng. Thế mà cái dịch Covid-19 đã giam chân bà cháu bà ở nơi cách ly tập trung hơn chục ngày qua rồi. Sốt ruột lắm. Bức bối lắm. Bà cũng đành phải chịu. Chống dịch như chống giặc. Là người từ Mỹ về nên bà cháu bà Nhã nằm trong diện phải cách ly. Điều đó đã rõ rồi. Các nước khác cũng vậy. Đại dịch toàn cầu chứ có phải chuyện thường đâu.
    Những ngày ở trung tâm cách ly, hai bà cháu bà Nhã được cán bộ, nhân viên ở đây ân cần thăm hỏi, chăm sóc chu đáo. Từ ăn uống, ngủ nghỉ đến giải trí, vui chơi tuy không được như khách sạn nhưng cũng sạch sẽ, tinh tươm lắm. Mọi tin tức về dịch bệnh đều được cập nhật đầy đủ, kịp thời. Kinh khủng quá! Cái con virus Corona này nguy hiểm thật. Nó âm thầm tấn công con người lây lan ra khắp thế giới. Thấy cách tiếp đón, chăm sóc của trung tâm, bà Nhã rất cảm phục. Phải nói rằng nước Việt Nam rất chủ động trong việc bao vây dập dịch. Cứ nhìn cách tổ chức, quản lý của trung tâm cách ly này cùng những tin tức trên vô tuyến thì rõ. Cả nước ra quân đồng lòng ngăn chặn dịch. Bình tĩnh, kiên quyết, phát hiện nhanh, khoanh vùng chặt, cách ly tốt, chữa trị chuẩn...
    Mấy ngày đầu ở trung tâm cách ly, nhất là lúc từ sân bay Tân Sơn Nhất về thẳng đây, bà cháu bà Nhã hoảng loạn lắm. Cũng may, thân nhiệt hai bà cháu ổn định. Sau rồi, những tin tức về dịch bệnh và cách thức chiến đấu bao vây dập dịch của Việt Nam đã làm bà tin tưởng, yên tâm. Thêm vào đó, những cuộc điện thoại của người thân cùng những hình ảnh của quê hương đất nước đổi mới trên ti vi bà xem càng làm cho thêm háo hức. Có lúc, bà nghĩ mười bốn ngày cách ly này lại hay. Vừa được chăm sóc miễn phí, bảo vệ được sức khỏe, lại vừa hiểu thêm về đất nước sau bao năm xa cách.
    Tháng tư năm 1975, bà Nhã không thể nào quên. Mới đầu hạ mà Tây Ninh quê bà đã nắng nóng ghê người. Oi ả, bức bối khó chịu. Nắng chói chang từ sáng sớm. Nắng nung đốt cả ngày. Nắng nhức mắt hoa cà hoa cải. Đúng là Tây Ninh nắng nung người như câu hát ngày đó bà và bao người hay hát. Đặc biệt năm đó, quân giải phóng ào ạt tổng tiến công khắp miền Nam dội lửa lên đầu quân thù làm cho cái nóng càng nóng hơn. Đồn bốt địch tan vỡ từng mảng. Quân Sài Gòn vỡ trận, chạy hoảng loạn khắp nơi. Phi trường Tân Sơn Nhất cũng nằm trong tình cảnh đó. Chồng bà là thợ sửa chữa máy bay. Không lúc nào ông ấy được nghỉ. Chưa sửa xong cái nọ thì lại đến cái kia. Có nhiều cái có đi mà không về. Lính tráng ngơ ngác. Tướng tá thất thần. Rồi làn sóng di tản bùng lên.
    Bà còn nhớ hôm đó, đang giữa buổi sáng, chồng bà từ sân bay chạy về giục bà thu dọn đồ đạc. “Nhanh lên! Đi khỏi đây ngay! Chết đến nơi rồi!”. Bà ngỡ ngàng hỏi lại: “Đi đâu giờ ta?”. “Di tản sang Mỹ. Tất cả chúng nó đang chạy nháo nhào kia kìa!”. “Bọn nó là binh lính, trực tiếp bắn giết. Mình chỉ là thợ sửa máy bay thì có gì phải sợ?”. “Không nói nhiều nữa. Mau lên!”. Vừa nói, chồng bà vừa vơ vội mấy thứ quan trọng, rồi bế thốc đứa con gái ba tuổi chạy ra cửa. Bà Nhã vội đuổi theo. Cảnh tượng trên sân bay đúng như ong vỡ tổ. Nhốn nháo, chen lấn, xô đẩy… Tất cả tranh nhau leo lên chiếc cam-nhông chạy về Sài Gòn. Tới đó, lại tiếp tục xô lấn, giành giật nhau lên tàu ra biển. May mà vợ chồng bà và đứa con gái cũng kịp chen chân lên được. Đúng là chạy như chạy loạn. Năm đó, tuổi mới hai lăm, bà còn khỏe chứ như giờ, bảy mươi rồi...
    Những năm tháng trên đất Mỹ, vợ chồng bà bươn chải đủ nghề để sống. Đất khách, quê người, nước lạ, văn hóa khác… những người như vợ chồng bà rất lạc lõng. Là con dân nước Việt mà họ phải bỏ quê cha đất tổ để đi. Đau lắm chứ. Cũng vì ngày đó, vợ chồng bà và nhiều người đâu có hiểu. Cứ nghĩ tất cả những ai dính dáng tới phía bên kia đều phải chết. Thế là bìu ríu, túm kéo nhau đi. Về sau, qua các nguồn tin tức, mọi người mới dần dần hiểu ra. Làm gì có chuyện ấy. Tất cả là hòa hợp dân tộc, là đoàn kết Bắc Nam, chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng hòa bình, xây dựng cuộc sống mới. Những tin tức tốt lành đó bà Nhã mừng lắm. Mừng cho Tổ quốc đổi mới đi lên. Mừng cho họ hàng bà ở quê an lành, hạnh phúc. Bà nhiều lần định trở về để chứng kiến những đổi thay đó của đất nước. Nhưng rồi cuộc sống khó khăn, vợ chồng bà đâu có phải tướng tá của chính quyền cũ có của ăn của để. Vợ chồng bà chỉ có hai bàn tay trắng rũ áo ra đi, sang đây từ con số không thì làm nên được gì? Sống được là tốt rồi. Vậy nên, ước muốn trở về thăm quê ngày càng mờ mịt, nhất là sau khi chồng bà chết vì một tai nạn giao thông. Bà Nhã ở vậy, một nách nuôi hai con ăn học trưởng thành.
    Mấy năm gần đây, bà Nhã thấy trong mình khó ở. Tuổi cao sức yếu, nỗi nhớ quê cha đất tổ càng da diết. Bà nhớ con sông Vàm Cỏ Đông hiền hòa chảy, nhớ những cây dầu cao to sừng sững trên gò. Bao kỷ niệm tuổi thơ đêm đêm lại hiện về trong giấc ngủ. Những cây dầu thân tròn, thẳng, cao 40-50 m, tán lá rộng hai ba chục mét cứ sừng sững sum suê trong giấc mơ. Bao nhiêu cụm hoa không cuống, dài hơn chục phân với ống đài năm cánh, rất nhiều nhị nở bung ra trông rất đẹp. Đặc biệt, quả dầu có hai cánh khi rụng xuống nó xoay tròn trong gió mới hấp dẫn làm sao. Lũ trẻ bọn bà tranh nhau đuổi bắt trước khi để nó rơi chạm đất. Quê bà nhiều cây dầu lắm. Cái tên Gò Dầu đặt cho huyện cũng là vì vậy.
    Có lẽ được chồng bà phù hộ nên về sau cuộc sống của bà cũng khá dần hơn. Con gái lấy chồng Mỹ. Vợ chồng Thư rồi cũng thành lập được công ty, có của ăn của để. Nó sinh được hai đứa. Bản thân Thư cũng đã đôi lần về Việt Nam. Nó tìm thăm họ hàng của bà và kiếm mối làm ăn. Mỗi lần về, khi sang, Thư lại kể bao nhiêu chuyện quê nhà. Bà Nhã vui lắm. Anh chồng nó thì xì xồ tiếng Việt phụ họa vợ khiến bà nhiều lúc cũng phải bật cười. Riêng hai đứa cháu ngoại của bà, bà đã dày công dạy tiếng Việt cho chúng. Cái Trang (tên tiếng Việt) thông minh hơn thằng Nam em nó. Nó nói tiếng Việt khá chuẩn. Lần này, nó có nhiệm vụ hộ tống bà về quê. Hai mươi tuổi, vừa xong đại học, bố mẹ nó bố trí cho cùng bà về quê ngoại một chuyến. Cái Trang reo lên mừng rỡ. Ngày nào nó cũng mong tới giờ bay. Vậy mà về đến đây, vì “mắc dịch” hai bà cháu đã phải bó chân cả nửa tháng trời. Hôm nay, hết hạn cách ly, mừng vì sức khỏe an toàn, bà càng vui hơn là được tiếp tục cuộc hành trình đưa cháu ngoại về nước, thăm quê cha đất tổ.
    Bà cháu bà Nhã được người thân đón ngay từ cổng trung tâm cách ly trong ngập tràn hạnh phúc. Hoa và nụ cười, ánh mắt cùng những lời nói yêu thương. Bốn mươi nhăm năm xa nước ngày trở lại vui quá chừng. Bà ngợp đi trước cảnh sắc đổi thay hai bên đường. Từ Sài Gòn về, bà chẳng còn nhận ra dấu tích ngày xưa nữa. Khác quá. Đẹp quá. Trung tâm huyện Gò Dầu tấp nập như phố. Siêu thị, nhà hàng khang trang. Chẳng thấy những cây dầu đâu. Đứa cháu bà bảo giờ chỉ còn mấy cây trong xóm thôi. Bà thích thì cháu sẽ đưa đi thăm. Cái Trang bảo phải cho nó xem cây dầu. Bà Nhã cũng vậy. Đó là ký ức tuổi thơ của bà mà.
    Cả tuần thăm thú quê hương, hôm nay, hai bà cháu bà Nhã cùng mấy đứa cháu nữa trên chiếc xe bảy chỗ ra Bắc. Sắp đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương rồi. Mọi con dân nước Việt khắp nơi đều hướng về ngày đó huống hồ bà cả đời chưa được ra viếng mộ Tổ. Cả cháu bà nữa. Một nửa dòng máu của nó là dòng máu Rồng Tiên, con cháu Lạc Hồng. Mấy đứa cháu sợ bà mệt bảo đi máy bay. Bà và cái Trang không đồng ý. Đi xe bảy chỗ xuyên Việt để ngắm cảnh đất nước. Theo đường Hồ Chí Minh mà đi. Tránh chỗ đông người để phòng dịch. Khi về, hết dịch sẽ theo quốc lộ 1 ngắm cảnh biển luôn. Mấy cháu bà ở quê thích lắm. Chúng bảo “công nhận bà của cháu thông minh. Tiện xe, chúng cháu sẽ hộ tống bà, cùng bà ra viếng mộ Tổ luôn”. Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương chỉ thực hành phần lễ, không tổ chức phần hội vì dịch Covid-19. Bà Nhã cho thế là phải. Bà cũng chỉ cần lên núi Nghĩa Lĩnh, thắp hương viếng các Vua Hùng thôi mà.
    Dọc đường, mấy bà cháu bà Nhã ríu ran trò chuyện. Xe nhà, lái nhà. Tha hồ thoải mái. Tiện đâu nghỉ đấy. Tối chỗ nào nghỉ chỗ đó. Thấy nơi nào đẹp thì dừng xe ngắm cảnh, chụp ảnh. Cái Trang liên tục ngúc ngoắc, ngó nghiêng và reo lên trầm trồ trước phong cảnh hai bên đường. Chốc chốc, nó lại bảo dừng xe lại để chụp ảnh. Trang trông như Tây (thì chính là Tây rồi còn gì) mà tính cách chẳng khác gì gái Việt. Lúc thì Trang ríu lấy bà ngoại. Lúc khác, nó lại kéo mấy anh, mấy chú Gò Dầu người nhà chụp ảnh chung. Sau đó, nó “phây búc”, Zalo luôn cho bố và em bên Mỹ. Trên màn hình điện thoại, anh con rể bà Nhã mũi lõ, mắt xanh, râu ria xồm xoàm xì xồ cười rất tươi chào mọi người trên xe. Cả thằng cu Nam cũng tròn mắt ngạc nhiên, nheo nhéo gọi chị nó. Tiếng cười đầy ắp cả xe, ngả nghiêng trên những cung đường ra Bắc.
    “Các cháu biết Phú Thọ nổi tiếng về cái gì không?”. Bà Nhã hỏi cả xe. Lái xe nhanh nhảu: “Đền Hùng phải không bà?”. Mọi người nhao nhao. “Điều ấy ai chẳng biết. Đất Tổ mà lị”. “Rừng cọ đồi chè nữa bà ơi!”. “Có cầu Việt Trì". "Có du kích sông Thao và trường ca sông Lô”. “Cả hát Xoan nữa" - Trang xen ngang - "cháu nghe bảo hát Xoan Phú Thọ là di sản thế giới đấy!”. Bà Nhã hởi lòng hởi dạ vì đứa cháu lai của mình rất am hiểu nước Việt. Nó đọc trên mạng. Nó nghe bà kể. Rồi nó nhập tâm ngấm vào máu của mình. Thế mới là “con người có tổ có tông chứ”. Bà vui vẻ nói với cả xe: “Hôm nay, chúng ta ra Phú Thọ tức là chúng ta hành hương về cội nguồn của dân tộc. Nơi đó có hai di sản văn hóa phi vật thể được thế giới công nhận. Đó là hát Xoan như cháu Trang nói và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nữa các cháu ạ!”. Rồi cứ thế, những câu chuyện về Phú Thọ râm ran trên xe. Con đường Hồ Chí Minh êm ru. Không ai cảm thấy mệt mỏi cả.
    Đúng sớm mùng mười tháng ba, bà cháu bà Nhã leo lên núi Nghĩa Lĩnh. Rừng xanh rì rào. Chim hót véo von. Hương thơm trầm mặc. Làn điệu xoan ghẹo trên hệ thống loa truyền thanh của khu di tích nghe thật rộn ràng. Bà cháu bà Nhã lần lượt thắp hương tất cả các đền. Sau đó, họ dừng chân nghỉ trưa tại đền Giếng, ngay nơi Bác Hồ nói câu nói nổi tiếng. “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Bà Nhã rưng rưng ra cạnh đền lấy một nắm đất cho vào túi nilon. “Để bà mang về Mỹ cho đỡ nhớ. Bây giờ, có nhắm mắt bà cũng đã yên lòng”. Mọi người nghe bà nói vậy đều xúc động.
    Nghĩa Lĩnh trầm mặc linh thiêng. Khói hương ngạt ngào thơm tỏa. Dưới kia, mọi người vẫn thành kính về Giỗ Tổ.

Kết Thúc (END)
Đỗ Xuân Thu
» Sự Cố Tin Nhắn
» Người Hạnh Phúc Nhất Làng
» Đường Mới
» Vai Diễn Bác Hồ
» Đường Về Giỗ Tổ
» Chào Năm Học Mới
» Cây Đa Lịch Sử
» Thủy Thủ Thư
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng