Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Gió Về Trên Hoa Đào Tác Giả: Hoàng Anh Tuấn    
    Tháng chạp rồi, Phong lại bay bằng đôi cánh gió về làng, cái làng Hoành Nha nhỏ bé ven sông Sò bốn mùa phù sa hồng rực như màu má thôn nữ. Từ trên đê, Phong đã nhìn thấy các cô gái làng mình đang rửa lá dong, vo gạo nếp ở bến nước đầu làng. Những mái tóc búi tó gọn gàng sau gáy xanh mượt như lá dong. Những bắp chân lộ ra bởi ống quần xa-tanh đen nhánh xắn cao trắng ngần hơn gạo nếp.
    “Lá dong đắt nhỉ, hẳn năm mươi ngàn trăm lá, mẹ tao mua của bà Thi”, “Gạo nếp cái hoa vàng nhà mày trồng đồng Diệc Mạ mà gói bánh chưng thì nhất rồi”, “Ra giêng nhà anh Lực đã mang trầu cau sang hỏi mày về chưa đấy”, “Năm nay làng mình mở hội, có cả bơi chải nhé, vui lắm”. Các cô tay thoăn thoắt làm, miệng ríu ran trò chuyện, giọng nói tan vào nước, tiếng cười vút lên mây. Phong định sà xuống trêu ghẹo các cô ấy vài câu, nhưng chợt nhớ ra mình là gió nên Phong lướt ngang qua làm mấy tà áo nâu non bay lượn phấp phới. Phong phải về kẻo mẹ già mong. Nhà Phong ở giữa thôn Thượng, có cây đào phai trước sân.
    ★
    Bà Vân cầm chổi quét lá mít. Lá mít vàng như mảnh nắng tháng chạp rụng kín trên mặt sân gạch đỏ như làn môi tô son. Bà quét trong sân nhưng mắt thì để ở ngoài ngõ. Tết đến nơi rồi mà gió đông về muộn thật đấy, bà Vân chép miệng thở dài. Từ ngày thằng Phong, đứa con trai duy nhất của bà hy sinh trong trận Thành cổ Quảng Trị ác liệt, cứ đến tháng chạp là bà lại ngùi ngùi ngóng gió đông về. Bà Vân luôn tin rằng Phong là ngọn gió đông bay về nhà ăn Tết cùng bà. Bà Vân ngừng chổi, đưa bàn tay đồi mồi rờ rẫm lên thân cây đào vỏ xù xì như da rắn. Nhìn nó già nua như bà, nhưng tuổi nó bằng thằng Phong thôi. Bố thằng Phong trồng cây đào này đúng ngày sinh nó. Cây đào vẫn còn đây mà ông ấy đã thành người thiên cổ lâu rồi. Tết này Phong và cây đào vừa tròn hai bảy tuổi. Ở làng Hoành Nha, hai bảy tuổi như nó là đã vợ con đề huề, tao đã có cháu bế, cháu dắt rồi, đào nhỉ. Bà Vân ngắm cây đào hai bảy tuổi mà đã trổ hai lăm mùa hoa. Những nụ đào li ti như mắt trẻ còn ủ nhựa ngủ say trong đầu cành. Miệng bà móm mém cười mà đôi mắt đã ầng ậng nước. Bà Vân đưa tay áo lên chấm nước mắt thì gió ùa về sau lưng, dâng lên ngọn cây đào và tràn ngập khắp sân vườn. Bà thoáng rùng mình vì hơi lạnh rồi lập cập hỏi:
    - Phong, con đã về với mẹ đấy ư?
    Phong thấy mẹ reo lên mừng rỡ như trẻ con:
    - Con đã về rồi mẹ ơi. Mẹ có được khỏe không mẹ?
    Nhưng bà Vân không nghe thấy tiếng Phong nói, chỉ có tiếng gió rì rào. Bà nhìn Phong là nhìn vào khoảng trống mênh mông. Phong giang tay ôm mẹ mà không sao chạm vào mẹ được. Mẹ gần gũi lắm mà xa xôi quá chừng.
    Bà Vân đã quét xong mảnh sân, đem hộp kim chỉ ra ngoài thềm vá áo. Mấy cái áo của Phong từ thuở lên năm, lên ba. Năm nào Phong cũng thấy mẹ gỡ những mảnh vá cũ ra rồi khâu vào một mảnh vá mới. Mẹ vừa làm vừa lẩm bẩm “Thằng này mặc hại quần áo quá, cái thì mất cúc, cái lại rách khuỷu, cái này dính nhựa, cái kia dây mực”. Phong ngồi xuống cạnh mẹ. Gió hất mấy sợi tóc trước trán mẹ trắng như mây. Gió luồn qua ngón tay mẹ đang nhịp nhàng lên xuống từng mũi chỉ, đường kim. Ôi, những cái áo từ lúc còn thơm mùi hồ trong cả giấc mơ đến khi vá chằng, vá đụp không còn thân áo đã chở che Phong đi qua tuổi thơ tháng ba ngày tám lam lũ, nhọc nhằn. Đời mẹ nghèo như áo rách, nhưng lòng mẹ thương con thì lành lặn, đủ đầy. Ơ kìa, sao mẹ lại khóc, nước mắt mẹ nóng hổi, đặc quánh như nhựa đào rơi qua kẽ tay.
    ★
    Thăm thẳm đêm xuân trong lúng liếng giêng hai. Phong đứng đợi Liễu dưới gốc đa cạnh miếu, trăng lọc qua tán lá đổ xuống bờ vai anh ánh trăng xanh mơ hồ, mỏng mảnh. Phong đợi Liễu vài phút mà tưởng chừng nghìn năm mới thấy Liễu ra chỗ hẹn. Chiều nay, Liễu đang hái rau bên giậu, búp tay trắng hồng bên ngọn rau xanh mướt. Phong ghé sang nói thầm:
    - Tối nay có diễn chèo ngoài đình đấy. Chúng mình đi xem nhé. Vẫn chỗ hẹn cũ, anh đợi.
    Liễu cúi đầu xuống rổ rau thẹn thò:
    - Vâng, rửa bát xong em sẽ ra ngay. Hôm nay thầy em đi đánh tổ tôm bên nhà ông giáo Song, đi sớm mà dễ đến khuya mới về cơ.
    Phong mỉm cười, không giấu nổi vui sướng. Có tiếng bố Liễu vừa lấy giọng “e hèm” rồi tiếng rít điếu bát xoe xóe trong nhà, Liễu vội cắp rổ rau đi vào, mặc kệ Phong đứng tiếc nuối trông theo vóc dáng mảnh mai và nhỏ nhắn của Liễu lẫn vào khói bếp cơm chiều đang cuộn trên mái ngói rêu phủ.
    Phong mải nghĩ thì Liễu đã đứng ở trước mặt. Phong mừng rỡ cầm lấy tay Liễu hồ hởi:
    - Liễu làm gì mà lâu thế, để anh đợi mãi, muỗi đốt sưng cả chân rồi đây này.
    Liễu cười hiền dịu khoe hàm răng trắng đều như ngô nếp sậm hạt:
    - Em phải chờ thầy đi rồi mới dám ra. Chúng mình vào xem chèo đi, sắp lên màn rồi đấy.
    - Xem Liễu thì xem, anh chả xem chèo - Nói rồi Phong bất ngờ ôm lấy Liễu, đặt một nụ hôn lên môi cô. Liễu giả vờ giãy:
    - Anh này, nhỡ người ta trông thấy thì chết.
    Phong bảo:
    - Chết anh cũng chẳng sợ. Mấy tuần nữa anh lên đường tòng quân rồi, Liễu có nhớ anh không?
    - Anh đừng có nói gở. Em nhớ anh lắm, nhớ nhiều - Liễu thổn thức tựa đầu vào vai Phong. Phong đưa tay lên vuốt mái tóc Liễu, mái tóc mới gội thơm ngát mùi hương nhu, vỏ bưởi. Mái tóc Liễu ướt đẫm, chẳng biết tại ánh trăng hay sương rơi…
    ★
    Phong lên đường nhập ngũ chưa đầy năm thì hy sinh. Ủy ban xã không đưa giấy báo tử đến ngay vì khi ấy Tết đã cận kề. Ăn Tết xong, bà Vân ngã khuỵu xuống khi cán bộ ủy ban đến nhà với vẻ mặt rầu rĩ. Thế là biết có tin dữ. Bà Vân khóc nhiều quá, đến nỗi không biết nước mắt chảy vào trong hay hóa thành sương khói trước mắt bà cũng không biết nữa. Giá mà trời cho bà chết đi thì còn sướng hơn là sống mà phải chịu nỗi đau mất mát thế này. Đời bà hết tiễn chồng lại đưa con. Chồng bà nằm đây nơi đồng đất quê nhà mà con bà nằm đâu nơi rừng sâu đom đóm. Rồi ai sẽ ở bên bà khi tuổi già xế bóng, ai sẽ đưa bà ra cánh đồng Diệc Mạ về với tổ tiên. Liễu quỳ xuống trước bà chắp tay:
    - Con lạy mẹ. Mẹ cho con được để tang anh Phong và ở vậy làm dâu suốt đời phụng dưỡng mẹ.
    Bà Vân đỡ Liễu đứng dậy rồi nhẹ nhàng khuyên nhủ:
    - Không được đâu con ơi. Thằng Phong hy sinh vì Tổ quốc, nó bạc mệnh đã đành, nhưng con còn phận con, con gái có thì con ạ. Mẹ nhận con là con gái của mẹ.
    Liễu gạt nước mắt không nói nên lời. Liễu lấy chồng dưới thôn Trung, chồng Liễu là Tùng, một thầy giáo trường làng. Nhà Tùng nghèo, bố mẹ đã khuất núi cả, có cô em gái lấy chồng làng bên. Thôn Trung cách thôn Thượng một cây cầu đá, Liễu vẫn thường qua lại nhà bố mẹ đẻ hương khói. Bố mẹ Liễu cũng đã rủ nhau cưỡi hạc lên cõi Phật trong cùng một năm, ngôi nhà để lại cho em trai Liễu ở trông coi, thờ cúng. Lần nào về nhà bố mẹ đẻ, Liễu đều sang nhà bà Vân. Liễu biếu bà khi thì con cá, mớ tép ao quê, lúc thì mớ rau, quả mướp vườn nhà. Chồng Liễu tính tình hiền lành, ngoài dạy học còn chịu khó làm lụng ao vườn nên bà Vân cũng rất quý mến. Bà Vân bảo Liễu nhân thể đợt này dọn về nhà mẹ mà ở con ạ, còn đất đai dưới đấy dọn nền nhà đi mà mở rộng thêm ao vườn tăng gia sản xuất. Nhà mẹ rộng lại neo người, có tiếng trẻ cho đỡ buồn. Bà nói đến đấy thì sụt sùi. Nhưng vợ chồng Liễu cứ lần lữa mãi, ngại bà thì ít mà sợ hàng xóm, láng giềng điều tiếng thì nhiều.
    Một hôm, Liễu đạp xe lên nhà bà Vân. Miếng thịt lợn xâu lạt cô đem biếu bà treo lủng lẳng trên ghi-đông. Nhà vắng tanh, cửa im ỉm đóng. Liễu gọi mãi mà không thấy bà Vân thưa. Cô vội vã đẩy cửa vào trong nhà. Bà Vân nằm trên giường đắp chăn thiêm thiếp ngủ, người hầm hập sốt, mùi dầu cao nồng nặc ba gian nhà. Liễu hốt hoảng gọi người đưa bà Vân đi bệnh viện cấp cứu. Sau trận ốm, bà Vân khỏe mạnh trở lại, nhưng ký ức của bà như đi giữa đôi bờ hư thực, mờ tỏ, lúc nhớ, lúc quên. Từ đấy gia đình Liễu dọn về ở cùng bà Vân để tiện chăm sóc bà khi trở trời trái gió. Bà gọi Tùng, chồng Liễu, là Phong, còn Liễu là vợ thằng Phong. Mỗi tối nhà bà Vân vang lên tiếng trẻ ê a học bài, tiếng của con trai vợ chồng Liễu, thằng cu Bách vẫn gọi bà Vân là bà nội.
    Thằng cu Bách thấy bà sắp sửa vá áo lon ton chạy ra lễ phép:
    - Để cháu xâu kim cho bà nội nhé.
    - Ừ, cha bố mày. Con thằng Phong ngoan quá. Giống thằng bố mày như đúc con ạ - Bà Vân nở nụ cười. Nắng xuân lấp lánh trên nụ cười đen nhức của bà. Nắng xuân nhảy nhót trong đôi mắt trong veo của thằng cu Bách. Đôi mắt như giọt sương còn đọng trên hoa đào vừa nở những cánh đầu tiên. Nụ cười quết trầu của bà Vân cũng tươi thắm như hoa đào vừa nở.
    Bà Vân nhớ lại một cái Tết năm nào đã rất xa xôi mà vẫn rõ rệt trong ký ức, khi ấy chồng bà hãy còn và Phong lên bốn, năm tuổi. Cũng tại góc sân này, nhà bà ngồi gói bánh chưng. Đỗ xanh đã đồ chín, thịt lợn đã ướp hạt tiêu, gạo nếp đã ngâm, vớt ra để ráo nước rồi xóc muối trắng, lá dong đã rửa thật sạch. Bà ngồi vo tròn từng cục đỗ xanh, tách sống lá dong, còn bố thằng Phong đang đổ từng lớp gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn lên chiếc lá dong. Bàn tay rắn chắc mà khéo léo như gói cả mùa xuân trong từng tấm bánh, trong khi thằng Phong đang ngồi ngay cạnh gặm ngon lành một cái đuôi lợn luộc buộc một sợi rơm vàng óng. Chẳng là sáng nay nhà nó vừa đụng lợn Tết với các nhà hàng xóm. Thằng Phong bé nhất nên được phần cái đuôi lợn. Bánh chưng đã gói xong giờ đang sôi lục bục trên bếp kiềng đỏ lửa. Bố thằng Phong trồng một cây nêu và dùng nước vôi vẽ cung trừ quỷ ngoài ngõ. Bà Vân tranh thủ đặt bên cạnh một nồi nước hoa mùi già để tắm tất niên. Vườn nhà bà trồng đủ các loại rau thơm, nhưng không thể thiếu được cây mùi. Gần Tết, bà chừa lại một khoảnh vườn để cây mùi già đơm hoa trắng muốt, đến tất niên nhổ cả cây rửa sạch đem vào đun nước tắm tất niên. Nước tắm ấy làm cho cơ thể thơm tho, tẩy trừ hết những bụi trần đau khổ, phiền não của năm cũ để đón một năm mới sạch sẽ, thanh khiết. Bà Vân gọi khản cổ mà thằng Phong vẫn chưa chịu đi tắm, cũng tại trời rét cắt thịt, thấu xương. Chân tay nó cóc cáy, mốc thếch, gãi thành đường. Bà phải dỗ nó là tắm xong sớm mai mẹ sẽ cho mặc áo mới, nó mới chịu bỏ cái đuôi lợn đã gặm nham nhở để đứng lên đi tắm. Thằng Phong dặn mẹ lúc vớt bánh chưng phải gọi con, không con chuột nó ăn mất bánh chưng bé của con đấy, cái bánh chưng mà bố nó gói riêng cho nó. Nhưng chưa đến giao thừa thì nó mệt quá lăn ra ngủ say sưa vì cả buổi trưa mải chơi đá bóng, quả bóng làm bằng bóng đái con lợn vừa đụng. Trong giấc mơ, Phong thấy mình được mặc áo mới, tay cầm bánh chưng bé nhảy chân sáo dọc đường làng. Nó vẫn nghe ngan ngát mùi hương trầm trừ tịch, lầm rầm tiếng bố khấn giao thừa. Sáng mồng một, tiếng kêu leng keng của chuông khánh trên cây nêu quyện với tiếng rao lanh lảnh của cô bán muối, xen lẫn tiếng chúc xởi lởi của những người đi xông đất đầu năm, Phong được mẹ gọi dậy, mặc áo chúc bâu mới sột soạt và mừng tuổi hai hào bạc mới tinh còn thơm mùi giấy bạc.
    Bây giờ Phong đã là cơn gió, đang về trên hoa đào trước sân. Phong bay qua cửa sổ ngắm mẹ ngồi quây quần cùng con cháu bên mâm cơm tất niên đầm ấm. Nhưng mẹ không biết, Liễu, chồng Liễu và cả thằng cu Bách nữa đều không biết, chỉ có cây đào phai bố trồng đang bung nở, nhiều cánh rơi xuống đất là biết Phong đã lấy đi một phần trí nhớ của mẹ, để bà Vân sống thanh thản phần đời còn lại. Phong mỉm cười, cúi đầu lạy mẹ rồi bay đi, để lại dấu chân lấm tấm cánh hoa đào…

Kết Thúc (END)
Hoàng Anh Tuấn
» Thương Về Đu Đủ Vườn Xưa
» Gió Về Trên Hoa Đào
» Trăm Năm Một Giọt Huê Tình
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ
» Tuyết
» Hoa Học Trò
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má