Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ly Hương Tác Giả: Đinh Thùy Hương    
     “Anh về được chưa? Có mưa rồi”. Nghe tiếng vợ ngập ngừng, nghèn nghẹn như tiếng mưa đứt quãng đâu đó ở đầu bên kia, lòng Bình chùng xuống. Đang giữa tháng, điều chưa phải cuối vụ, nhà chủ lại tốt vậy, khi mình khó khăn người ta giang tay giúp, giờ giữa lúc đang cần người để vừa thu hoạch, bóc tách, vừa đóng gói xuất xưởng mình lại bỏ đi, nên không? Ăn ở phải có tình chứ, đâu phải giữa người với người lúc nào cũng chỉ có những tờ giấy bạc lạnh ngắt.
    Bình nghĩ thêm một thôi. Mắt nhìn vào bóng đêm mênh mông, tiếng tắc kè đâu đó buông từng tiếng rành rọt. Không khí oi nồng dưới tấm mái phi-brô xi-măng. Căn phòng có mấy mét vuông. Ngày mới lên, nhìn nhóm người lôi thôi lếch thếch, khuôn mặt mệt mỏi sau một chặng đường dài đầy vẻ khổ hạnh, ông chủ xưởng điều thở dài. Tiếng thở dài của sự đồng cảm, xót thương. Rồi ông cho ở không dưới dãy lán dài gần xưởng, tháng dùng bao nhiêu điện thì đóng bấy nhiêu. Vậy là quá tốt rồi. Ở đây còn có nước ngọt. Thứ nước mà giờ ở quê, vợ Bình cùng cả xóm đều phải chắt chiu từng giọt. Thấy thương.
    Chưa năm nào hạn mặn xâm lấn dữ dội đến như vậy. Công ruộng của Bình đang rời rợi xanh, bỗng gục xuống héo úa èo uột đến xót lòng. Tiền phân bón, tiền giống còn chưa kịp trả, tất cả cứ cộng dồn lại và chỉ thấy những con số tăng lên. Bình thở dài, vợ thở dài. Ra vào trong căn nhà bé xíu, bề bộn, hai người tránh nhìn mặt nhau. Hồi đi công nhân ở Bình Dương về, hai vợ chồng được ba mẹ Bình cho hơn một công ruộng, họ cùng nhau quần quật cày cuốc, tích cóp từng đồng nhỏ nhất để hy vọng còn có cái lo cho con cái sau này. Ông trời thương, hai vụ đầu có lãi, Bình dựng được mấy cột bê-tông, quây vách tôn bốn phía. Vậy là thành căn nhà che mưa nắng cho hai vợ chồng son. Bình vẫn nhớ những ngày ấy, ngồi bên hiên nhà nhìn ra đám lục bình trôi trên sông, sao mà yên bình đến thế. Vậy mà giờ, hạn hán nứt toác cả cánh đồng, đám lục bình ngày nào còn ken kín cả mặt sông, giờ xác xơ trong nước mặn. Nước mặn nên đám tôm cá cũng không sống nổi. Bữa cơm của hai vợ chồng lèo tèo mấy đọt rau, nuốt nghẹn.
    “Về thôi anh, có mưa rồi”. Tiếng vợ Bình trong điện thoại vừa rụt rè, vừa trông ngóng, chờ đợi. Sao mà thương, thương đến thắt ruột gan. Vợ Bình đang mang thai đứa con đầu lòng. Cô ấy cần người đàn ông của mình ở bên cạnh, dù chẳng làm được gì cho vơi bớt những cơn nghén ngẩm đàn bà, thì ít nhất có Bình, nhà cũng ấm hơi người. Nhưng nếu về bây giờ, đến hồi cô ấy sinh con, Bình biết xoay xở ra sao? Mùa mưa mới chớm, đất còn mặn ứ, cây cối nào lên được? Thời gian qua Bình đã cố gắng đủ cách. Người đàn ông như Bình xốc vác đủ việc chỉ mong có một mái ấm yên bình để đón đứa con đầu lòng, vậy mà con chưa ra đời, Bình lại phải tha hương. Hồi về làm đám cưới, hai vợ chồng đã tự nhủ không đi xa nữa, giàu nghèo gì cũng bám đất quê mình để sống. Cứ tha phương nơi đất khách quê người, ôm bao mệt nhọc tủi hờn cũng có khá hơn được đâu. Quê mình đó, ruộng đất vô cùng, ở đâu mà chẳng là tự bỏ sức lao động mà mưu sinh. Vậy mà vừa nhắc mình được một đoạn, Bình đã ra đi. Đành tự động viên mình thôi thì cố thêm một thời gian nữa, có chút đồng ra đồng vào, vừa kịp thời gian vợ sinh, vừa kịp cuối vụ điều. Bình chập chờn chìm vào giấc ngủ khó nhọc khi tiếng gà gáy eo óc cất lên. Cả một khoảng trời đen đặc tĩnh mịch.
    ★ ★ ★
    Bình tỉnh dậy khi dãy trọ bắt đầu í éo những thanh âm gọi nhau trong sáng sớm mai. Tia nắng sớm xối thẳng qua kẽ ván vào mặt khiến Bình nhăn nhó. Ngày mới, hơi nóng đã hực lên. Bình vội vã rời tấm phản cứng quèo. Anh với tay lên đống đồ hầm bà lằng trên hộc tủ, móc ra gói mì tôm. Phần sáng của Bình hôm nào cũng vậy, trước khi ra xưởng làm, Bình cắm nồi cơm để trưa về sẵn cái ăn. Thường thì trong cái nóng đến hao người Bình chan ít nước tương vào cơm, ăn cho xong. Hôm nào mệt hoặc muốn xôm cho bữa ăn để tăng sức cho mình, Bình thêm con khô hoặc quả trứng vịt dầm tương cho bát cơm có vị. Bữa tối cũng vậy, là phần cơm nguội còn lại của trưa. Qua quýt như thế để Bình không xâm phạm vào phần tiền tích cóp mang về cho vợ sinh con. Biết làm sao. Ông trời có khi thương, khi không. Nhớ hồi mới cất được căn nhà lên, niềm vui chưa thỏa thì vợ Bình phải đi mổ ruột thừa. Vận hạn, khó khăn đôi khi không thể lường được. Nằm trên giường bệnh khi ấy, nhìn khuôn mặt buồn buồn của vợ, Bình phải nạt nộ dữ lắm để cô ấy không nhắc về khoản viện phí bất ngờ này. Còn người là còn của. Người sinh của, chứ bo bo mấy đồng bạc mãi ích gì. Làm để có tiền phục vụ mình cơ mà, sao phải tiếc? Nói vậy thôi, vét đến đồng tiền cuối cùng trong nhà rồi đi vay thêm một khoản nữa, ai không rầu ruột. Nỗi niềm của Bình khi ấy toang hoác, nứt nẻ như cơn khô ngoài đồng ruộng… Giờ ở xưởng có mì, có gạo ăn là tốt lắm rồi. Còn bao nhiêu người quê Bình đang khóc ròng giữa cánh đồng cháy nắng đó thôi. Ở đời, nhiều khi là ông trời thử thách nên cho mỗi người khổ một kiểu. Vượt qua được tao đoạn đó, bàn chân mình sẽ vững vàng hơn.
    ★ ★ ★
    Một cái đầu được che chắn kín mít bởi cái mũ trùm, hai con mắt hở ra tươi rói, bàn tay cô ấy giơ ra trước mặt Bình cái túi ny-lon:
    - Này ăn đi!
    Bình hơi sững lại, ngại ngần.
    - Bánh thôi mà, ăn nhanh còn sang xưởng làm.
    Người phụ nữ dúi vào tay Bình rồi lướt nhanh như một cơn gió. Túi bánh trên tay Bình nóng hổi. Bình tần ngần với cảm xúc không thể nào hiểu nổi. Người phụ nữ này cứ như có mối ràng ríu vô hình nào đó với Bình.
    Bình lên xưởng điều ở Bình Phước đã hơn ba tháng. Cũng chừng xấp xỉ từng ấy thời gian người phụ nữ ấy bày tỏ sự quý mến Bình theo cách đó. Có khi chị vào, có khi là thằng nhỏ con chị mang theo trên tay một đồ vật nào đó cho chú Bình theo lời dặn của mẹ. Có lần nó còn ngồi cả buổi tối để xem Bình tỉ mẩn đẽo khúc gỗ cà-phê cứng quèo thành hình thù của những món đồ ngộ nghĩnh. Mê mẩn đến độ, muộn Bình phải đưa thằng bé về. Căn nhà của hai mẹ con nó ở giáp phía rừng cao-su.
    ★ ★ ★
    Những cánh rừng cao-su bạt ngàn ở miền đông này không hiếm. Trên ti-vi, nó đẹp tựa như những thước phim lãng mạn. Người ta xem chỉ biết xuýt xoa những cảnh đẹp, ít ai biết những phận người khốn khổ lấp ló sau vẻ đẹp đó. Mỗi người mỗi phận. Nhưng mẹ con thằng bé thì cuộc sống không vất vả. Chị có vốn nên mở hàng tạp hóa đủ cho hai mẹ con sống thảnh thơi hơn nhiều người ở xứ này. Nhà cửa chị khang trang. Mùa nóng, khi hơi nóng rát rạt thổi, nhà chị có điều hòa mát lịm. Mùa mưa, những ngày tháng dầm dề nhão nhẹt cũng không ảnh hưởng. Bình quen người phụ nữ ấy khi anh còn làm công nhân ở Bình Dương. Chị cũng ở dưới đó, gần chỗ Bình, nhưng chị làm gì thì Bình không biết. Mỗi người mỗi cách mưu sinh nên Bình không bao giờ hỏi. Cũng chính chị giới thiệu cho Bình công việc ở xưởng điều này, khi nghe Bình than qua điện thoại rằng ở quê những dòng kinh đã kiệt cùng nước chảy, đàn bà con gái tắm nước mặn đến khô héo cả người.
    - Bảo chú Bình sang ăn cơm, nghe con!
    - Dạ!
    Thằng bé chân sáo líu lo. Những người cùng dãy trọ, cùng những khuôn mặt sạm đen cháy nắng lấp ló trước cửa phòng, đùa Bình rằng “vận đỏ của mầy đó, ở lại đi”. Bình cười, khuôn miệng như mếu.
    “Bình ở lại đây với tui đi…”. Lời đề nghị rất tình cùng ánh nhìn thật mềm mượt của người đàn bà buông ra, khi thằng bé ăn tối xong đã sang nhà bà ngoại. Bình xoay người muốn giấu đi sự thảng thốt, bối rối. Nhưng vòng tay của người phụ nữ bất chợt ôm xiết phía sau. Hơi thở hổn hển phả vào Bình. Anh ngây ra, chân tay bủn rủn. Người đàn ông sức vóc mạnh mẽ như anh bất chợt thấy mình sao mà yếu đuối. Điện chợt tắt phụt. Bóng tối nuốt chửng hai người. Bình cựa quậy yếu ớt. Vòng tay mềm mại của người đàn bà càng xiết chặt đến ma mị. Nhưng trời ơi, không phải vợ, rõ ràng không phải vợ Bình mà. Hình ảnh vợ cùng cái bụng chình ình chợt hiện ra sừng sững, đôi mắt cô ấy mở to nhìn Bình bình thản đến lạ lùng. Anh vùng mạnh, vòng tay tuột ra và Bình lao đầu chạy thẳng vào bóng tối. Ở đây hay ở đâu không có vợ con, với Bình chỉ là cuộc ly hương nhức nhối. Những mối ràng buộc kiểu vậy nó luôn chông chênh, bất an, và vô cùng tạm bợ. Mà ở đời tạm bợ trong mối quan hệ giữa người với người là điều Bình ghét nhất. Bình về phòng vục đầu vào chậu nước mát. Nước lạnh khiến anh tỉnh ra. Thiếu chút kiểm soát là Bình đã tự đẩy mình vào thế khó rồi. Bản năng người đàn ông trong anh tất nhiên là giục giã, đòi hỏi. Nhưng là người thì phải lý trí lúc cần. Không phải cứ nghèo là hèn.
    “Anh về được chưa? Có mưa rồi...”. Bình không ngủ được, đầu âm âm sự khẩn khoản của vợ. Mưa ở miền tây quê Bình năm nay lại sớm vậy sao? Trên những cánh rừng cao-su, rừng điều ở miền đông, nắng vẫn khô khốc, rạc dài người. Mùi dầu điều lẫn trong mùi của máy móc, của mồ hôi người lẫn mùi của mái tôn hập xuống càng khiến cho không khí oi nồng. Có lẽ ở nhà, những buổi chiều vợ Bình vẫn ngóng ra những cơn mưa mát lành, để có cớ đợi chờ chồng về từ phía xa tít chân trời. Đã xa rồi cái thời miền tây gạo trắng nước trong. Đi dọc cả một khúc sông chỉ thấy những khuôn mặt người nông dân khắc khổ, buồn thương ngắm cánh đồng xơ lụi, nứt toác. Mấy hạt mưa đầu mùa đâu đã đủ xối đi những mặn chát nhức nhối bao ngày xâm lấn những cánh đồng. Những mỏi mệt còn đó, những nước mắt còn đó. Và những món nợ cũng còn nguyên đó thôi.
    Một tháng làm đủ hai sáu ngày của Bình được trả sáu triệu. Ăn uống sinh hoạt tùng tiệm, anh có dư cho ngày trở về. Những ngày được nghỉ Bình vẫn xin đi phụ những việc khác cho chủ. Sức dài vai rộng, Bình cần gì nghỉ đâu. Rảnh, biết đâu lại sinh ra tật ách nọ kia.
    “Anh chưa về, để tròn bốn tháng anh lấy lương cả thể rồi nghỉ luôn”. Bình quyết định chốt với vợ. Còn nửa tháng nữa cũng có nhiều nhặn thời gian gì đâu. Kéo dài những ngày ly hương một chút để những ngày trở về quê yên bình hơn.
    Mưa ở miền tây bắt đầu kéo qua cả phía đông rồi. Đêm nay những giọt mát lành đã bắt đầu buông.

Kết Thúc (END)
Đinh Thùy Hương
» Xứ Người Già
» Sóng Ngầm
» Ly Hương
» Chờ Nắng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Đời Khổ
» Người Dưng Làm Má