Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ngôi Nhà Cuối Xóm Chà Gai Tác Giả: Hà An    
    Ngôi nhà ông bà nằm ở cuối xóm Chà Gai. Cái tên xóm được mọi người đặt như thế là do ở đó đất rộng nhưng cằn cỗi, chỉ có cây chà gai không những sống nổi mà còn sinh sôi nảy nở khắp nơi. Ông bà không phải dân vùng này, nghe đâu họ bỏ quê xứ đến đây cư ngụ cũng đã hơn 30 năm. Người dân trong xóm gọi ngôi nhà của ông bà là... ngôi nhà ma ám, bởi tiếng la khóc, tiếng ré cười từ đó cứ vang vọng trong những đêm khuya. Mới đầu, ai cũng sợ hãi, không dám ra đường khi ngày thôi hắt nắng, không dám để trẻ con đi ngang ngôi nhà ấy. Nhưng rồi theo thời gian, dân làng cũng quen dần với những âm thanh kỳ quái phát ra từ ngôi nhà ma ám...
    Làm ăn sinh sống với nhau, người dân xóm Chà Gai thi thoảng cũng lui tới nơi ở của ông bà và họ biết được ông bà có năm người con, gồm hai gái, hai trai và một đứa chẳng biết đó là trai hay gái. Họ đoán non đoán già, rằng ông bà ăn ở “vô hậu” thế nào mà sinh ra cả bầy con đều bất thành nhân dạng. Đứa khoèo tay chân di chuyển bằng cách lê lết tấm thân toàn xương với da; đứa nằm ngọ ngoạy bởi cái đầu to quá cỡ; đứa không có tứ chi ngó y như một súc thịt biết cử động... Ông bà chẳng buồn giải thích, phân trần với ai. Người chồng ngày ngày lên rừng tìm kiếm của rừng để nuôi sống cả gia đình. Còn bà vợ quần quật với bầy con đã nhiều tuổi nhưng không chịu lớn khôn. Đứa đầu lòng đã xấp xỉ ba mươi, đứa nhỏ nhất cũng đã qua thời niên thiếu từ lâu. Các con của ông bà chẳng biết đi, biết nói, biết chạy, chỉ biết ú a ú ớ với những âm thanh không rõ. Người hiểu biết, chép miệng thở dài: “Rõ khổ! Con cái nhà ấy bị nhiễm chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống vùng quê bán sơn địa này trong thời kỳ chiến tranh”.
    Thấu rõ hoàn cảnh và thấu rõ nguyên do vì sao các con của ông bà bị dị tật hết trơn, người dân xóm Chà Gai không còn ghẻ lạnh xa lánh ngôi nhà ma ám ấy nữa. Họ chia sẻ sự cảm thông bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.
    Theo lời ông kể, ông tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ khi chiến trường Quảng Đà bước vào giai đoạn gian nan ác liệt nhất. Còn bà cũng tham gia thanh niên xung phong, tải thương, cõng đạn phục vụ chiến trường. Là đồng hương, hai người nhanh chóng quen thân với nhau rồi yêu nhau và nên vợ nên chồng sau ngày quê hương giải phóng. Hạnh phúc đã không mỉm cười với họ. Đứa con đầu lòng chào đời với hình hài quái gở, ngó chẳng giống ai. Ông bà vái tứ phương, ăn chay, niệm phật, cầu mong được một đứa con đúng nghĩa một con người để được nghe con thỏ thẻ gọi tên ba, tên mẹ. Nhưng rồi... những đứa con lần lượt được sinh ra đều bị dị tật, thân thể quắt queo héo mòn. Bất lực, đau đớn, vợ ông chết đi sống lại bao lần vì sau khi sinh nở đều thấy các con mình bất thành nhân dạng.
    Mãi sau này, ông bà và mọi người mới biết đó là di chứng của thứ chất độc mà quân đội Mỹ rải để khai quang rừng núi. Và ông nhớ lại những năm tháng sống ở rừng. Khi nghe tiếng máy bay địch quần thảo trên đầu, ông ngước nhìn lên trời và thấy một đám mây màu nước gạo vo lãng đãng bay. Đám mây ấy khiến ông ho sặc sụa, nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng. Mấy ngày sau, cây cối cả khu rừng rộng lớn đồng loạt héo xàu lá non lá già và rụng rơi hết. Cả khu rừng phút chốc trụi trơ để lộ những cành nhánh khẳng khiu đang chết dần chết mòn. Đơn vị ông đóng quân ở khu rừng ấy. Và ông cùng bao đồng đội khác đã nhiễm phải thứ chất độc được gọi bằng cái tên mỹ miều: da cam! Nó ngấm vào cơ thể ông để rồi hiện hữu qua những đứa con “bất thành nhân dạng” của ông.
    Trong tận cùng nỗi đau, những người cùng cảnh ngộ như ông lại tìm đến với nhau, đó là những cựu chiến binh từng có một thời vào sinh ra tử. Bảy Hiệp và Chín Đức tới thăm gia đình ông, rủ ông vào Hội Nạn nhân da cam xã. Bảy Hiệp nói: “Bọn mình là người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Đó là lời của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, tôi chỉ nhắc lại thôi!”. Còn Chín Đức lại khẽ khàng bảo: “Vào Hội Nạn nhân da cam xã, chúng ta dễ đồng cảm với nhau nên dễ giúp đỡ lẫn nhau. Hội là tổ chức mà ở đó không ai có những câu hỏi khiến người khác phải đau lòng, tỷ như con các ông, các bà học học có giỏi giang không? có mấy dâu, mấy rể? có bao nhiêu cháu nội, cháu ngoại? vân vân. Ở đó, mọi người dựa vào nhau, nương tựa vào nhau để xoa dịu nỗi đau...”. Bảy Hiệp rề rà phân tích và ông nghe cũng thuận tai. Ông gật đầu đồng ý. Hai người bạn cựu chiến binh có cùng cảnh ngộ ở chơi với vợ chồng ông đến xế chiều mới ra về.
    Đêm hôm ấy, ông nằm nghĩ ngợi lan man.
    Chất độc da cam/dioxin đã gây ra bao nỗi bất hạnh cho hàng trăm, hàng ngàn gia đình đã tham gia kháng chiến ở xã ở huyện chứ đâu phải một mình vợ chồng ông? Họ vẫn sống trong sự cảm thông chia sẻ của mọi người. Trước đây, do không ai biết những đứa con bất thành nhân dạng của ông là do di hại của thứ chất độc có màu nước gạo vo nên cho rằng ngôi nhà ông là “ngôi nhà ma ám”, hàng xóm láng giềng né tránh, xa lánh, ghẻ lạnh. Khi hiểu rõ nguyên do, họ đối xử với gia đình ông rất tốt. Vậy tại sao ông lại phải mặc cảm? Bảy Hiệp và Chín Đức nói đúng, mình không nên tự cô lập mình, như thế chỉ khổ tâm thêm. Ông quay sang nhìn góc phòng chật hẹp. Vợ ông đang vỗ về cưng nựng những đứa con tội nghiệp. Chúng có hình hài không ai mong muốn. Song cha mẹ vẫn dành cho chúng đầy ắp yêu thương. Ông cảm thấy lòng nhẹ nhõm khi nhìn những đứa con dị dạng đang ú ớ “nói chuyện” với nhau bằng thứ ngôn ngữ của người vô thức rồi phá lên cười khùng khục, cười hềnh hệch. Chúng hồn nhiên “hát hò”, “chơi đùa” trong “ngôi nhà” của mình, đó là những chếc cũi do ông mày mò tự đóng. Ông làm cho mỗi đứa con một cái cũi. Người ta có con thường nghĩ đến chuyện làm nhà, dựng vợ gả chồng cho con, còn ông lại đóng cũi nhốt con vào trong đó. Ngôi nhà đã chật, lại càng chật thêm…
    Đêm đêm nằm gác tay trên trán, ông lại thấy thương bà. Nơi góc nhà kia, bà ngồi trò chuyện với các con và ngủ ngồi bó gối. Từ lâu bà đã có cách ngủ của riêng mình để dễ bề chăm sóc các con khi chúng thức dậy quấy rầy. Ông thương bà có cách ngủ lạ đời, thương các con chỉ tư thế nằm duy nhất là gập người lại, thân hình co quắp như một dấu hỏi to tướng. Ai đã biến các con của ông thành những hình nhân dị dạng? Nhìn những đứa con tuổi đã trung niên nhưng cứ ngẩn ngơ, đôi mắt lạc thần, tiếng cười ngô nghê, mỗi lần lên cơn lại gào thét kêu la, lăn lê khắp nhà, vớ được cái gì cũng ném vung vãi, ông lại chạnh lòng. Ông thầm cám ơn Hội Nạn nhân chất độc da cam xã, thầm cám ơn Bảy Hiệp, Chín Đức và những người bạn cùng cảnh ngộ đã giúp ông có thêm nghị lực để sống...
    Điều ông bà không ngờ tới là mọi người ở xóm Chà Gai lại nhường phần cho gia đình ông bà được vay vốn ưu đãi để làm vườn, trồng cây, chăn nuôi heo gà... cải thiện cuộc sống. Nhờ thế, vợ chồng ông bà mới có điều kiện chăm sóc các con tốt hơn. Cuộc sống bớt khốn khó, các con ông bà lại lần lượt bỏ cha bỏ mẹ ra đi. Ông chọn bãi đất bằng ven chân núi làm nơi yên nghỉ cho những đứa con tội nghiệp. Một nấm mồ, hai nấm mồ, ba nấm mồ… Gió cứ thổi, hàng thông cứ reo ca, cây trên đồi vẫn xanh tươi như vỗ về ôm ấp những nấm mồ nhỏ nhoi. Ông quỳ xuống ôm những nấm mồ và ông cảm thấy các con ông nắm được tay mình. Không khóc nhưng nước mắt ông tự dưng cứ ứa ra...
    Đi ngang qua ngôi nhà cuối xóm Chà Gai không còn nghe thấy tiếng la khóc, tiếng ré cười, mọi người không khỏi chạnh lòng với cuộc sống quạnh quẽ của hai ông bà đã ở bên kia triền dốc cuộc đời...

Kết Thúc (END)
Hà An
» Ngôi Nhà Cuối Xóm Chà Gai
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò
» Xác Ngọc Lam
» Xuân Phương Shop