Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đất Khách Tác Giả: Thảo Nguyên    
    Quán mì Tư Mẫn bữa nào cũng đông người ra kẻ vào. Mười ba cái bàn gỗ con con được ông chủ xếp thành ba hàng theo thứ tự ba, bốn, năm. Cả chục năm nay vẫn y chang vậy. Cũ, mục thì ông mua cái khác thế vô. Không thêm, không bớt một bàn nào. Có khách quen thắc mắc: “sao cứ phải mười ba, chú Tư? Ông già tuổi thất thập đen gầy với mái tóc màu muối tiêu gọn ghẽ cười hề hề: “Thì rứa thôi”.
    Vợ chồng ông Tư Mẫn đưa nhau vô xóm Hoài hồi năm 2000. Mới đầu nơi đây chỉ là bãi đất nằm đối diện kênh Biệt, có chừng năm, bảy nóc nhà chơ vơ, nhà này cách nhà kia cả trăm mét, chẳng biết gọi tên sao. Về sau, người tứ xứ tới đông, nhà cấp bốn và những dãy phòng trọ thay nhau mọc lên nối dài từ đầu tới cuối, riết thành xóm. Ở đây có Ba Sáng quê đâu tuốt luốt Đất Mũi lên chạy xe ôm 15 năm. Tích góp kiểu gì không biết, hai cha con vẫn kiếp ở trọ. Chị Bảy Kẹo người xứ Nẫu, cách tháng lại nhảy xe đò đường dài Trung – Nam, khi chở mấy thùng mắm nêm, khi mớ đường bát, chồng bánh tráng dừa. Hai Ngà mười bữa như chục, đạp xe ngược xuống chợ đầu mối kéo hàng trắng đêm. Thằng Trâu, con Hai Ngà mới 15 tuổi, sáng sáng ra kênh phụ cánh thương hồ khuân vác kiếm ít đồng. Vợ chồng Chín Nhàn, người chở hàng thuê, người gánh đậu hủ đi loanh quanh khắp ngõ ngách Sài Gòn từ 5 giờ sáng tới 11 giờ đêm. Ông Tư Mẫn hay đùa “Tên Nhàn mà ngó mặt là thấy hết nhàn liền”.
    Mỗi người đến từ một vùng đất. Thành ra, “đặc sản” của xóm Hoài chính là những giọng nói chở nặng nghĩa tình người quê ra phố. Hồi đầu, không ai hiểu ai. Như khi mới mở quán, ông Tư Mẫn nói gì khách cũng ngó ông trân trân. Ông gãi đầu, gãi tai “tau người Quảng, nói năng rứa đó mi bơi, biết răng chừ”. Khách gãi đầu, gãi tai theo ông.
    Cứ bà Tư Mẫn chạy ra quán tạp hóa Tám Nhỏ thì y như rằng hai bác, cháu phải chỉ chỉ trỏ trỏ cái này cái kia.
    - Nề, mười ký gộ mi hỉ, ký chơm chơm nữa.
    - Con hông hiểu gì trơn trọi, thím Tư.
    Bảy Kẹo hỏi bé Bắp, con gái Chín Nhàn nhiêu tuổi.
    - Năm rồi chị Bảy.
    -Dẫy na, con nhỏ dỡ thương qué.
    Chín Nhàn hết biết tả, kêu có hai chữ “trời quơi” rồi thôi.
    Dần dà sau này, hễ một bữa không nghe giọng Quảng nằng nặng “chi, mô, răng, rứa” ở quán Tư Mẫn hay mấy chữ “dìa, hen, nghen” ngọt như mía lùi của Tám Nhỏ lại thấy nhớ, thấy thương.
    …
    Bàn thứ 13 là chỗ bà Tư Mẫn hay ngồi. Có những buổi chiều dài, đang nhặt rau, bà ngước mắt lên hỏi chồng:
    - Thằng Phúc mô rồi ông?
    Lần nào như vậy, ông Tư Mẫn cũng quay mặt đi, chửi thầm mình “thằng cha ni, già rồi còn khóc chi”.
    Bữa khác, bà tựa cửa ngó ra.
    - Răng hắn đi học về trễ hung ri, ông?
    Ông Tư Mẫn đổ quạu
    - Cái thằng bất hiếu nớ, bà trông chi.
    ...
    Ở xóm Hoài, không một ai táy máy hỏi chuyện riêng tư của nhau. Tại sao thằng Trâu không có cha? Tại sao đã ngót 40 tuổi mà Bảy Kẹo vẫn một thân một mình? Tại sao bà Tư Mẫn cứ tỉnh tỉnh mê mê, ngồi hoài ở cái bàn thứ 13 rồi hỏi về một cái tên? Tại sao và tại sao? Như một kiểu luật bất thành văn, người ta không tọc mạch, không dò xét nhau. Chỉ có niềm thương tự nhiên hình thành giữa họ, y như cái tên “xóm Hoài” vậy thôi.
    …
    Hồi sáng này, cả xóm bị một phen khiếp vía.
    Bán buôn ngưng lại. Cười đùa ngưng lại. Nhịp sống ồn ào thường ngày cũng ngưng lại.
    Xóm ùa ra kênh.
    Người la hét.
    Người chạy đi lấy dầu cù là.
    Người dáo dác kiếm ông Tư Mẫn.
    Tám Nhỏ hốt hoảng thả tay làm rớt nguyên chục trứng gà xuống đất, tức tưởi khóc: “ông già mắc dịch hà, dầu sôi lửa bỏng vầy mà ở đâu không biết”.
    Ba Sáng ướt rượt từ dưới kênh lên.
    Chín Nhàn luýnh quýnh pha ly trà nóng.
    Bảy Kẹo ào vô nhà trải chiếu, lấy sẵn chiếc chăn ấm.
    Mỗi người một việc. Bởi, bà Tư Mẫn té kênh, đuối nước. Mà trên mặt bàn thứ 13 trong quán mì, chỉ có mảnh giấy in nét bút ông Tư Mẫn “Tui đi kiếm thằng nhỏ”.
    …
    Mãi tới năm 35 tuổi bà Tư Mẫn mới sinh được thằng Phúc. Người làng nói con cái là của trời cho, được chăng hay chớ. Thì vợ chồng bà ừ. Thằng Phúc dễ nuôi. Nó chẳng mấy khi quấy khóc. Từ độ sinh thằng Phúc, ông bà làm gì được đó. Mùa đậu trúng đậu. Mùa bắp, bắp đầy sân. Ông Tư Mẫn cười hề hề “thằng ni được”.
    Phúc lên cấp hai, đi học phải băng sông. Ngày đó làng chưa có cầu. Tính nó hiếu động, lại rất lanh lợi. Thấy ba má lo cái vụ lội sông, lội nước, nó liến thoắng”:
    - Con đi một lèo qua bên tê liền, ba má lo chi.
    Ngày nào nó cũng khoanh tay trước ngực: “thưa ba má, con đi học”, “thưa ba má, con về”.
    Tháng ngày bình yên, hạnh phúc nhất của của vợ chồng ông Tư Mẫn gói trong tiếng “dạ”, tiếng “thưa” của thằng Phúc. Nó còn lâu mới tới tuổi trưởng thành, nhưng bà Tư Mẫn đã tính quá chừng. Nào tiết kiệm cho nó học đại học. Để miếng đất mai mốt nó lấy vợ, làm nhà. Chắc phải may bộ áo dài đặng còn đi hỏi dâu.
    Ông Tư Mẫn cười, nói vợ sao lo xa ba chuyện trời ơi đất hỡi.
    - Bà làm như thổi cái là hắn lớn hỉ.
    - Thì rồi cũng tới ngày nớ mà ông.
    ….
    Tháng mười năm ấy, mưa ào về không ngớt. Như bao mùa bão nổi khác, làng chực chờ gói ghém đồ đạc chạy lên đồi. Sống với lũ lụt hoài rồi thì người ta cũng phải quen lũ lụt. Hắn vô phá nhà, phá ruộng thì chừng hắn ra mình làm lại. Có chi mà thấp thỏm. Ông Tư Mẫn hay nói vậy.
    Sau một tuần liền được nghỉ vì nước sông lên cao, thằng Phúc lại xách cặp “thưa ba má, con đi học”. Ông Tư Mẫn dặn, lúc về lỡ nước lên thì ở yên thị trấn, thể nào cũng có người báo tin, ông lên rước. Phúc “dạ”.
    Đó là lần cuối cùng ông bà Tư Mẫn còn được nghe tiếng cười giòn tan, tiếng “dạ” thân thuộc và gương mặt sáng bừng của Phúc.
    Chiều đó, nó đã lao xuống dòng nước xiết cứu San và Quý, học lớp Sáu cùng trường. Dìu được hai cô bé vào bờ cũng là lúc nó kiệt sức hẳn. Dòng nước vô tình cuốn Phúc biền biệt ở tuổi mười ba. Ông Tư Mẫn và cánh đàn ông, trai tráng trong làng quần thảo liên tục 72 tiếng đồng hồ vẫn không tìm thấy xác thằng Phúc. Làng khóc. Nó nằm lại đâu đó trong lòng sông mẹ rồi. Bà Tư Mẫn gần như hóa điên. Bà không còn nhận ra ai nữa. Ngày nối ngày, bà chỉ làm mỗi một việc là ra sông kiếm thằng Phúc.
    Chiều cuối năm, ông Tư Mẫn cúi đầu trước ngôi mộ gió trên nghĩa địa làng rồi nắm tay vợ ra đi. Hình như ông sợ ở lại sẽ khiến mình mòn mỏi, khô héo hay sao đó.
    …
    Vô xóm Hoài, bà Tư Mẫn có những ngày rất tỉnh. Món mỳ Quảng nước lèo nhưn gà bà nấu, ai cũng tấm tắc khen ngon.
    Ba tháng trước, vào một buổi tối mưa phùn, ông Tư Mẫn đang tính đóng cửa quán thì có thằng nhỏ bước vô. Nó đứng ngay cửa, người gầy rộc, đen nhẻm, trên tay cầm bọc ni lông cáu bẩn. Mới đầu, ông Tư Mẫn giật mình, tự hỏi thằng nhỏ này ở đâu ra rứa trời, rồi vài phút sau thì ông hiểu.
    - Con ưng ăn mì hả?
    Thằng nhỏ im.
    - Rứa vô đây ông làm cho ăn.
    Thằng nhỏ im.
    - Ông không lấy tiền mô.
    Thằng nhỏ vẫn chôn chân tại chỗ.
    Bà Tư Mẫn từ dưới nhà sau lên. Bà ngó thằng nhỏ trân trân. Phải có đến năm, bảy phút lặng thinh nặng nề trôi qua như vậy. Bà Tư Mẫn bước về phía thằng nhỏ, giọng rất khẽ.
    - Con muốn đem mỳ về hả?
    Thằng nhỏ gật.
    - Rứa con ưng ăn không?
    Thằng nhỏ gật.
    - Con đói không?
    Thằng nhỏ gật.
    Chỉ chờ có vậy, bà làm ngay một tô mỳ Quảng nóng hổi bỏ vô cà mèn. Thằng nhỏ nhận bằng hai tay. Trước khi ù té chạy, nó ôm chặt cà mèn trong lòng như thể sợ ai cướp mất.
    Ngày thứ hai.
    Chuyện xảy ra y chang ngày đầu.
    Tới ngày thứ ba.
    Thằng nhỏ chìa tờ tiền một ngàn ra trước mặt bà Tư Mẫn.
    - Sau ni, sau ni con sẽ trả đủ cho ông bà.
    Đó là lần đầu tiên nó mở miệng kể từ khi bước chân vô quán mỳ. Thấy thằng nhỏ dễ gần hơn một chút, trước khi nó quay ra, ông Tư Mẫn đánh bạo, hỏi:
    - Con tên chi, ở mô?
    - Rác.
    - Tên con là Rác hả?
    - Dạ, không, con ở Rác.
    - Rứa con mấy tuổi rồi?
    - Dạ, con mười ba.
    …
    Thằng nhỏ không trở lại quán nữa. Tối nào bà Tư Mẫn cũng làm sẵn tô mì và ngồi chờ nó. Thi thoảng, bà ngước mắt lên hỏi chồng:
    - Chừng mô hắn tới?
    Hẳn nhiên ông Tư Mẫn không thể có được câu trả lời. Ngay cả tên thằng nhỏ, ông còn chưa kịp biết. Rác? Rác là ở đâu?
    Bà Tư Mẫn dần mất kiểm soát. Bà lại ngồi ở cái bàn thứ 13, hỏi chồng những câu hỏi nhói tim về thằng Phúc. ông Tư Mẫn lại lén chùi nước mắt “cái thằng bất hiếu, hắn đi một nước, bỏ lại ba má rứa mà coi được chớ”.
    Bữa đó, khuya lắm, ông Tư Mẫn ra kênh Biệt ngồi một mình. Ba Sáng chạy xe ôm về ngang, quở “làm gì trễ dữ, chú Tư”. Ông buột miệng hỏi dẫu không hy vọng mấy sẽ có câu trả lời “Mi biết Rác là chỗ mô không, Sáng?”.
    Ba Sáng ngẩn tò te hồi lâu, rồi như nhớ ra điều gì đó bèn thốt lên:
    - Có một khu chung cư cũ ngay trung tâm thành phố, nát bét, không còn mấy nhà ở nữa, rác bừa phứa. Tụi nhỏ đi nhặt ve chai hay tụ tập ở đó rồi gọi là Rác hay sao đó chú Tư. Người ta sắp đập chung cư này rồi. Mà, chú hỏi có gì không?
    - Tau có xí chuyện. Bây cho tau cái địa chỉ chỗ nớ nghe Sáng.
    …
    Bà Tư Mẫn còn say giấc. Muốn tạo bất ngờ cho vợ, ông Tư Mẫn để lại mẩu giấy nhỏ rồi rời nhà từ non bốn giờ sáng. Ông muốn tìm thằng nhỏ ở Rác. Ông hy vọng nó sống chỗ đó. Nếu may mắn được gặp, sẽ hỏi coi liệu mỗi ngày nó có thể ghé quán ăn tô mì, chén cơm cùng vợ chồng ông không? Gì chớ, đồ ăn thì vợ chồng ông chẳng thiếu.
    Cái cảnh bà Tư Mẫn lập cập ra kênh tìm thằng Phúc, ông chưa lường trước được. Nếu không có người xóm Hoài, cả phần đời còn lại, ông sẽ tự rủa xả mình về sự bất cẩn, về cái tội bỏ vợ ở nhà một mình.
    …
    Thằng nhỏ ở “Rác” thật. Má nó mất rồi. Mất từ ba tháng trước sau cơn bệnh suy thận kéo dài hai năm trời. Nó đã nhặt ve chai, đánh giày, bán vé số, đủ hết, chắt bóp từng đồng tiền lẻ mua thuốc cho má. Nó vẽ ra trăm ngàn viễn cảnh về ngày má nó khỏe hơn. Nó sẽ đi học trở lại. Nó sẽ làm việc kiếm tiền thuê một chỗ ở tươm tất cho hai má con thay vì lăn lóc trong bệnh viện và rác. Nó sẽ mua vài bộ quần áo mới cho má. Nó sẽ không bao giờ hỏi “ba con đâu?” nữa bởi mỗi lần nghe câu này, má nó lại khóc. Nó sẽ…
    Ngày ông Tư Mẫn tìm thấy nó, thằng nhỏ đang ngồi thu lu trong rác, đói lả. Má không còn, nó hết chỗ dựa, cũng mất hẳn động lực để tiếp tục bươn bả mưu sinh. Trước mắt nó, mọi cánh cửa dường như đã khép lại. Không gia đình, Không tương lai. Không hy vọng.
    …
    Ông Tư Mẫn đưa thằng nhỏ về nhà lúc sáng thì đến chiều đã ra phường hỏi đủ thứ thủ tục. Nào xin con nuôi, nào hồ sơ để một đứa trẻ có thể đi học. Xóm không táy máy chuyện của nó, không hỏi tại sao trong vô vàn quán xá, nó lại tìm tới đúng chỗ ông bà Tư Mẫn. Họ háo hức như ngày vui chung, rủ nhau mang qua nhà ông bà đủ cả. Người nải chuối. Người cặp đường bát nấu chè. Người chục bánh tráng dừa. Người cân nếp nấu xôi
    Xóm Hoài cho ông bà già và thằng nhỏ cút côi từ nay hết đơn độc.
    Trong cái cảnh thân tình đó, bà Tư Mẫn ôm thằng nhỏ vào lòng với hai bàn tay siết chặt, nói bâng quơ.
    - Chắc tui phải may một bộ áo dài, ông hỉ.

Kết Thúc (END)
Thảo Nguyên
» Anh Này, Thỉnh Thoảng Đừng Quên Mất Em Nhé!
» Mật Sim
» Vòm Mây
» Duyên Đót
» Thị Thành
» Bến Đợi
» Đồi Gió
» Ngược Gió
» Đất Khách
» Lá Đỏ
» Bến Thương
» Giếng Làng
» Hồn Gốm
» Thị Thành !!!
» Đất Hát Lời Thương
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý