Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nhà Bên Chân Núi Tác Giả: Tường Linh    
    Xe khách dừng tại trạm cuối là một thị trấn nhỏ thuộc một tỉnh cực nam Trung bộ. Từ đây tôi còn phải ngồi xe ôm để vào tận dãy núi xa kia. Bao năm qua tôi muốn đến đấy nhưng lúc này mới thực hiện được. Cái xóm sơn thôn ấy có gia đình anh bạn thân của tôi. Ngày trước chúng tôi ở cùng một làng. Nhà tôi ở giữa làng còn gia đình anh ở tận cuối làng bên chân dãy núi có tên là Hòn Ngang cao sừng sững, giăng từ đông sang tây giáp tận mé bờ con sông Cái.
    Nhà anh bạn không có xóm vì chỉ đơn độc một gia đình anh, cư dân ở đây chỉ có ba người là cha mẹ anh và anh. Tên anh là Trần Lam, con duy nhất của ông bà. Chúng tôi biết và thân nhau từ khi cùng học lớp đồng ấu đến lớp ba trường làng. Chỗ ở của gia đình anh rất cách trở nên dân làng không ai muốn đến ở. Vì vậy, nơi đây còn đất để cha mẹ anh có được mấy đám ruộng, nhất là cụm đồi để ông bà tạo thành rẫy trồng chè đủ bán trong làng. Đây là thu nhập chính của họ.
    Thời gian còn học chung trường, tôi thường xuống nhà anh Lam chơi. Mùa đông, nước con khe Le sâu lại không có cầu, anh Lam đi học và tôi đến anh chơi đều phải ôm áo quần lội bơi qua khe. Hai cậu bé nhà quê chúng tôi coi đó là chuyện bình thường.
    Làng tôi đã lập từ hơn ba trăm năm. Đất cũ, người chết đã qua mấy thế hệ nên làng có nhiều truyền thuyết thuộc dạng tâm linh. Người ta đồn rằng ở dãy núi Hòn Ngang cạnh nhà anh Lam thường có bầy rùa vàng. Thỉnh thoảng chúng hiện ra lúc nửa đêm, bò thành hàng tại một điểm nào đó trên núi với màu vàng sáng. Cũng theo truyền thuyết, đây là vàng của người Chămpa xưa gọi là “vàng Hời”. Nơi bầy rùa vàng luẩn quẩn cách thánh địa Mỹ Sơn của người Chăm xưa chừng mười cây số đường chim bay qua núi Hòn Ngang. Nhiều người cho rằng cha anh Lam chọn ở nơi heo hút này là chờ ngày bắt được rùa vàng, mỗi con nặng cả trăm ký. Họ còn nói cha anh Lam cho anh học võ là để phòng bảo vệ số tài sản quá lớn sẽ có ấy.
    Cũng vì nghe sự truyền miệng hấp dẫn nói trên nên thỉnh thoảng tôi đến chơi và ngủ lại nhà anh Lam. Một đêm nọ chúng tôi đang ngủ trên bộ phản gỗ giữa nhà thì cha anh Lam kêu dậy. Bác bảo ra sân xem “bầy rùa vàng”. Tại sườn núi xa xa trước mặt có bảy cụm sáng gần như hình tròn. Chúng không di động để người ta kháo nhau là bầy rùa vàng bò.
    Tôi nói với cha anh Lam:
    - Nếu đó là vật bằng vàng thì đêm tối thế này chúng ta đâu thấy được vì vàng tự nó đâu có phát quang, lại không có ánh sáng bên ngoài nào tạo cho những vật ấy phản quang. Thưa bác, có phải vậy không ạ?
    Ông cười thành tiếng:
    - Thì hồi nào tới giờ bác đâu có nói tới rùa vàng? Bác cho mấy cụm sáng kia là những vạt đom đóm, như ta thường thấy ban đêm dọc bên đường làng. Chỉ vậy thôi.
    Gia đình anh Lam chịu ở bên chân núi như vậy nhưng cũng không yên. Thời chiến tranh kháng Pháp, quân địch đóng tiền đồn tại một làng bên kia dãy Hòn Ngang. Bao lần chúng hành quân lên làng tôi đều bị ta chặn đánh tơi bời từ đầu đường truông bên kia núi. Chúng bèn dùng đại bác 105 ly bắn qua dãy Hòn Ngang, đạn rơi xuống phần đất bên chân núi cuối làng tôi. Gia đình anh Lam bị đe dọa thường xuyên nhưng họ rất gan lỳ ở lại. Nghe trái đại bác đầu tiên nổ, họ lao ra hầm đặt đá kiên cố. Cứ thế họ trụ lại suốt chín năm để giữ ruộng lúa và đồi chè tươi tốt.
    Đến năm 1964, một trận lụt cực kỳ lớn đã cuốn phăng hầu hết nhà cửa, tài sản của dân làng, nhiều người chết. Mấy sào ruộng của nhà anh Lam bị sỏi đá núi sạt lở bồi lấp đến độ không làm sao xúc đi được. Nhiều người làng là nạn nhân của trận lụt Giáp Thìn kinh khủng ấy còn sống phải bỏ làng ra đi. Gia đình anh Lam cũng thuộc số người này.
    ...
    Chàng trai chạy xe ôm luôn nhắc tôi ôm chặt bụng cậu ta vì đường này nhiều dốc. Tôi cười thầm: vậy mới gọi là xe ôm.
    Đường đến nhà anh Trần Lam bạn tôi rất vắng vẻ, dọc đường không thấy bóng người, bóng xe. Nó chạy sát mé núi, qua những thửa ruộng bậc thang, những dãy đồi. Suốt quãng đường dài rất thưa thớt nhà cửa.
    Đến một nơi bằng phẳng, cậu xe ôm dừng lại nghỉ. Gió núi mát rượi. Tôi khen nhưng cậu xe ôm cho biết chính chỗ này năm kia đã xảy ra một vụ cướp đường. Tôi liền nhớ nhanh mấy thế võ cận chiến phòng thân, cẩn tắc vô áy náy vì mặt mày tay xe ôm này có vẻ bặm trợn.
    Cậu ta kể:
    - Lần ấy có ông khách trạc tuổi bác có nhà ở cái xóm bác sắp đến, ông đi xe ôm từ dưới thị trấn về. Kẻ cướp đã theo dõi ông khách từ lúc ông nhận tiền của một tiệm buôn lớn ở thị trấn. Rà rà mời ông khách đi xe ôm, hắn biết rõ cả số tiền ông nhận sau hai đợt bán chè xanh và chè khô. Đến chỗ này hắn dừng xe như để nghỉ nhưng đột nhiên hắn nói như ra lệnh cho ông khách: tôi rất cần tiền, ông hãy đưa cho tôi một nửa số tiền ông đang có, nhanh lên! Nếu không…
    Ông khách cười gằn, hỏi:
    - Nếu không thì sao?
    - Thì… tôi cướp.
    - Làm đi.
    Tên cướp nhảy tới đúng lúc ông khách già ngã ngửa xuống đất và nhanh như chớp, ông đưa ngang bàn chân trái ngoéo giữ chân phải tên cướp rồi ông dùng chân phải đạp mạnh đầu gối chân trái đối thủ, hắn bị trật xương bánh chè, miệng kêu oai oái và lăn kềnh ra đất. Ông khách đè một chân lên bụng hắn. Tên cướp vừa rên xiết vừa xin tha. Ông khách hỏi:
    - Mày có dám hứa từ nay bỏ chuyện cướp giật không? Hứa thì ta giải chỗ đau cho. Hừm! Đã biết chạy xe ôm là việc lương thiện còn bày đặt giựt dọc chi vậy?
    - Dạ… dạ, con mới làm bậy lần này vì mẹ con đang bệnh nặng mà con không chạy ra tiền để chữa bệnh cho mẹ.
    Ông khách đưa bàn tay vào đầu gối tên cướp và giật mạnh. Hắn la oái oái rồi im. Miếng xương bánh chè trật đã nằm lại chỗ cũ. Hắn xoa xoa đầu gối rồi ngồi lên, lạy tạ ông khách. Ông bảo hắn hứa lại lần nữa. Hắn tuân lệnh còn thề độc. Ông khách hỏi:
    - Có thật mẹ cậu đang bệnh nặng không?
    - Dạ, con đâu dám đem mạng sống của mẹ ra mà nói dối. Con làm bậy với bác vừa rồi vì bị lâm vào thế cùng.
    - Vậy thì ta gửi cậu một số tiền để về lo cho bà. Đếm lại đi.
    Tên cướp mừng quá và lại lạy ông khách.
    Ông khách cười, hỏi:
    - Có đúng với số tiền lúc nãy cậu đòi ta chia một nửa không?
    Hai người cùng cười.
    Nghe xong, tôi hỏi cậu xe ôm:
    - Tại sao cậu biết vụ cướp đường ấy rõ đến từng chi tiết vậy?
    Cậu xe ôm không trả lời, chỉ tủm tỉm cười có vẻ bí ẩn.
    ...
    Xe chạy tiếp một lúc rồi dừng lại đầu một xóm nhà đứng dài theo chân núi. Tôi nhìn quanh, xóm này thật đơn độc, bốn phía, xa gần toàn là núi.
    Tôi hỏi một chị đi bộ nhờ chỉ hộ nhà võ sư Lam. Cậu xe ôm nói mau:
    - Con biết nhà võ sư, chúng ta đi.
    Từ sân nhà thấy tôi, anh Lam vội chạy ra ngõ. Anh ôm chặt lấy tôi. Hai bạn già cứ gọi mãi tên nhau. Cậu xe ôm vòng tay cung kính chào anh Lam:
    - Con chào sư phụ.
    Anh bạn tôi đáp:
    - Năm Mực đó à?
    - Dạ, sư phụ và bác gái vẫn khỏe?
    - Ừa…
    Tôi hỏi cậu xe ôm:
    - Cậu biết anh chị đây à?
    - Dạ, sư phụ là người năm kia bị con cướp tiền và con lại bị sư phụ đạp trật xương bánh chè đó ạ!
    Anh Lam cười, hỏi lại:
    - Bà nhà vẫn khỏe chứ?
    - Thưa sư phụ, sau trận bệnh nặng được sư phụ cứu, đến nay mẹ con rất khỏe ạ!
    Nói xong cậu ta xin phép trở về. Anh Lam dặn:
    - Năm Mực ơi, hôm nào ta gọi điện, cậu lên đây chở anh bạn ta về thị trấn, tiền xe ôm ta sẽ trả gấp đôi.
    - Dạ.
    Tôi và anh chị Lam ngồi uống nước tại chiếc bàn gỗ. Chúng tôi hỏi nhau và nói toàn chuyện không đầu không cuối. Tôi hỏi:
    - Ở đây anh chị thu nhập bằng gì để sống?
    Anh Lam chỉ tay về phía bên kia đường trước nhà:
    - Nhờ mấy rẫy chè bên đó. Định kỳ, hái từng lứa, bán chè tươi và chè khô, sống được.
    Tôi cười:
    - Đúng là anh chị ly hương bất ly nông. Hồi ở ngoài mình, hai bác cũng trồng chè.
    Anh Lam tiếp:
    - Và cũng làm nhà bên chân núi.
    Tôi nói:
    - Năm lụt Giáp Thìn sáu tư tôi có về làng thăm bà con nhưng gia đình anh và một số người đã đi vào trong này rồi.
    Riêng gia đình anh, có người nói đi vì giàu chứ không phải vì nghèo. Họ đồn bác trai và anh đã đập được một con rùa vàng Hời. Con rùa ấy bị vỡ thành tám miếng, mỗi miếng cân đúng một kí lô. Mỗi kí lô vàng hai mươi tư lượng, cứ thế họ nhân lên.
    Đang châm thêm nước chè tươi vào ly của tôi, anh Lam bật cười lớn. Anh ngồi xuống ghế vừa lắc đầu vừa cười:
    - Ở mình vui thật. Bầy rùa vàng Hời, tôi học võ để bảo vệ tài sản lớn khi bắt được vàng cũng do người làng ta đồn ra. Rồi tới vụ này. Nếu được chừng ấy vàng gia đình tôi dại gì bỏ làng mà đi và dẫu có đi thì cũng chẳng đến bên chân núi này.
    Chúng tôi cùng cười.
    Trên lối đi hẹp sau nhà, anh dẫn tôi ra thăm mộ song thân anh. Cảnh trí nơi này giống hệt phía sau nhà anh ở ngoài quê. Cũng triền dốc núi đi lên một quãng thì có nơi bằng phẳng. Mộ hai vị nằm song song gần nhau trên mảnh đất này, xung quanh toàn cây sim đang mùa trổ hoa tím. Hai vị mà ngày trước tôi gọi là bác trai, bác gái vẫn ở bên chân núi.
    Đêm ấy hai chúng tôi ngủ chung trên bộ phản rộng trước gian bàn thờ giống như thời niên thiếu thỉnh thoảng tôi ngủ lại nhà anh để chờ xem… bầy rùa vàng Hời trên lưng núi Hòn Ngang. Tất nhiên chúng tôi có nhắc lại chuyện ấy để cười. Anh nhắc nhiều hơn, toàn là những chuyện ở làng cũ.
    Anh cho tôi biết dịp tết vừa rồi anh có về quê. Làng bây giờ là xã mới, người đông hơn xưa rất nhiều: Nhà cửa xây cất mọi chỗ nhưng nơi phần đất nhà anh ở cuối làng người ta ngại xa nên vẫn bỏ trống. Anh định cuối năm nay sẽ cưới vợ cho đứa cháu nội rồi vợ chồng anh trở về ở tại nơi ở cũ. Nói đến đây, anh đánh cái dấu ngoặt:
    - Lạ thật anh ạ, dòng họ nhà tôi có gen độc đinh. Cao hơn thì tôi không biết chứ từ ông cố tôi chỉ sinh ông nội tôi, ông nội tôi chỉ có một con trai là cha tôi, đến đời cha tôi thì như anh đã biết, xuống tới đời tôi cũng chỉ có một con trai rồi vợ chồng hắn cũng vẫn chỉ có một… ”hũ mắm treo đầu giàn”. May là qua bao đời không có “hũ mắm” nào bị rớt bể.
    Tôi hỏi:
    - Con trai anh có ở đây với anh chị?
    - Nó là bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện tỉnh, sắp nghỉ hưu. Vợ chồng hắn có nhà ở đó.
    - Còn thằng “hũ mắm”?
    - Thằng cháu nội tôi đã đậu đại học kinh tế. Cuối năm nay hắn cưới vợ, thế nào cũng mời anh ra dự.
    Anh nói tiếp về chuyện hồi hương:
    - Tôi sẽ giao nhà, đất ở đây cho vợ chồng thằng cháu nội. Hắn sẽ công nghệ hóa mấy rẫy chè của tôi. Hồi đầu năm tôi về có thưa chuyện dò ý chính quyền xã, cậu chủ tịch bảo việc hồi nguyên quán của tôi không có gì trở ngại. Nếu suôn sẻ như ý thì sau tết năm nay vợ chồng tôi sẽ dọn về.
    Ngôi nhà, khu vườn ở làng cũ như thúc giục anh nói về nhiều nhân vật, sự kiện một thời đã xa. Anh sẽ làm lại căn nhà như nhà xưa ngay trên nền cũ. Anh sẽ xin xã trồng chè trên các ngọn đồi, sẽ có thương hiệu đàng hoàng. Anh sẽ…
    Anh đưa ra nhiều dự định khác nữa.
    Bỗng anh ngồi dậy, nói:
    - Về việc cải táng mộ cha mẹ tôi về chôn gần chân núi trước nhà cũ thì ủy ban xã nói rằng xã ta đã quy hoạch một nghĩa trang hoành tráng, không cho chôn người từ trần tại đất ở.
    Anh nói tiếp:
    - Nếu không cải táng mộ bên chân núi cũ đúng theo ước vọng và di ngôn của cha tôi thì về làm gì anh nhỉ?
    Tôi không biết trả lời anh thế nào về việc này.
    Anh vẫn nói liên miên. Từng chuyện anh nhắc lại như những nhát cuốc đào vào hố sâu ký ức đầy trầm tích không bị phân hủy. Tôi tôn trọng điều ấy và chỉ biết lắng nghe.
    Tiếng gà rừng gáy rộ trên mé núi sau nhà.
    Đêm trắng.

Kết Thúc (END)
Tường Linh
» Nghìn Sau Nước Mắt
» Người Thổi Kèn Đám Tang
» Rời Rạc Dấu Xưa
» Nhà Bên Chân Núi
» Ông Lái Già Và Cây Cầu Mới
» Phía Cầu Vồng
» Phân Khúc Mỗi Cung Đường
» Tiếng Vạt Sành Kêu Đêm
» Quán Đầu Ngựa
» Hai Quãng Sông Trống Vắng
» Nghĩa Khuyển
» Ngã Ba Cây Cốc
» Thằng Bối
» Bản Sao Không Chuẩn
» Người Chị Đồng Hương
» Mùa Xuân Và Mẹ
» Dòng Xưa Chuyện Kể
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Làm Mẹ