Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ngược Gió Tác Giả: Thảo Nguyên    
    Sau tất cả, không phải tiền bạc, nhà cửa, xe cộ hay danh lợi mà quý giá nhất chính là gia đình.
    Xe thả chúng tôi xuống chợ phiên Đồng Văn. Mới bình minh, ứng dụng thời tiết trên màn hình Note 8 hiện lên con số bốn độ. Hạ xuýt xoa, kêu lạnh quá trời quá đất. Tôi cười hinh hích: “Như này nhằm nhò chi”. Thằng bé ngồi tựa mình vào vách đá, chừng bảy tuổi, nhe răng cười với chúng tôi. Hạ hỏi nó sống ở đâu? Thằng bé chỉ tay về phía núi, giữa sương mù dày đặc. “Qua có ba quả núi là tới”, nó cắt nghĩa chặng đường xa hun hút từ nhà xuống chợ phiên nghe nhẹ hều. Hạ chìa ra vài thỏi socola. Khác với hình dung của chúng tôi, rằng thể nào thằng bé cũng háo hức nhận lấy ngay tắp lự, nó chạy ào đi. Hạ chưng hửng. Tôi trấn an: “Có lẽ do mình lạ”.
    
    Buổi sớm trên cao nguyên đá, chúng tôi ngồi nhìn nhau, lòng tím tái không biết vì đau hay vì lạnh. Chuyến đi nằm ngoài kế hoạch này bắt đầu chớp nhoáng từ một tin nhắn Hạ gửi cho tôi: “Phương Bắc dưới 10 độ. Thích đi ghê”. Chẳng cần suy nghĩ, tôi nhắn lại: “Thì đi”. Hành trình rất ngẫu hứng, bỗng chốc kéo chúng tôi xích lại gần nhau và khoảng thời gian năm năm mất liên lạc chỉ như một cái chớp mắt.
    Hơi thở bốc khói. Hạ cho hai tay vào túi áo măng tô dày cộm, vu vơ hát: “Stop complaining”, said the farmer/“Who told you a calf to be/ Why don’t you have wings to fly with/Like the swallow so proud anh free?”. Tôi hùa theo: “But whoever treasures freedom/Like the swallow must learn to fly”. Đây là lời bản nhạc đồng quê Dona Dona mà thời sinh viên chúng tôi vẫn thường ngồi hát trên ban công ký túc xá mỗi khi nhớ nhà, nhớ má. Hạ rướn người trên bờ đá, tay mân mê không khí: “Ở Bangkok, không được phép làm việc. Nhiều hôm chạy xe như đứa điên, vô định. Nhớ má mà không dám về”. Tôi khựng lại bờ bên kia, sợ nói ra bất cứ điều gì, người nghe cũng cảm giác như ngửi thấy mùi cay nghiệt.
    Hạ quyết định lấy chồng chóng vánh, ở chàng Việt kiều Thái ấy hội đủ những điều kiện cô vạch ra trước đó, đẹp, lịch lãm, giàu và rất đàn ông. Theo chồng về xứ lạ, Hạ không một mảy may chuẩn bị gì cho bất trắc. Thời gian đầu, nhiều đứa trong nhóm chúng tôi hoàn toàn choáng ngợp trước hình ảnh lộng lẫy cô đẩy lên facebook của mình mỗi ngày. Một khu biệt thự sang trọng, váy áo hàng hiệu, bàn ăn ngập tràn sơn hào hải vị. Rồi, Hạ biến mất, facebook khóa, email không bao giờ sáng đèn. Còn chúng tôi, mải mê trong vòng luẩn quẩn kiếm tìm công danh sự nghiệp đã quên Hạ.
    Tầm mười giờ sáng vẫn không có một tia nắng nào quét qua thị trấn vùng cao. Hạ ngẩng mặt nhìn trời, thốt ra kiểu nói bâng quơ: “Mình đánh mất bản thân bao lâu rồi?”. Câu hỏi của Hạ kéo tôi về miền ký ức rất xa, những năm còn trẻ, hơi mơ mộng, tham vọng và kiêu ngạo nữa. Sau nhiều kịch bản phim được giới truyền thông tung hô tận mây xanh, những buổi họp báo sáng lóa ánh đèn, những hôm lên truyền hình nói chuyện nghèo và đam mê, những chuyến bay nối dài ra nước ngoài cùng đoàn phim, vào một sáng chênh vênh, tôi thấy mình chẳng là gì, đầu óc trống rỗng, bất lực trước ngôn từ. Tay giám đốc hãng phim gọi, hối thúc nhanh, nhanh và nhanh nữa. Ý tưởng mà làm như mì ăn liền, chỉ cần chế nước sôi ba phút là dùng được ngay. Tôi lơ tất thảy những cuộc gọi đến, giam mình giữa bốn bức tường căn hộ chung cư, hoài nghi bản thân, chán ghét chính mình và phân vân về con đường đang đi. Bế tắc từ bên trong trở thành một dạng thuốc độc, không chỉ ăn mòn tâm can mà đến não bộ cũng tê liệt. Tôi ngồi rồi nằm, hễ nhắm mắt lại mơ thấy một hình hộp chữ nhật kỳ dị, được ghép từ trăm ngàn tờ bản thảo khổ A4. Tôi nằm trong đó, cơ thể bị trói chặt bởi một con rắn chữ.
    Ngày thứ hai mươi chín, tôi đẩy cửa ra ngoài, chẳng buồn nghĩ mình muốn đi đâu. Hai mươi chín ngày, tôi không nhớ mình có lê vào nhà tắm, ăn những gì để sống? Anh Hai phá cửa, ào tới như cơn lốc, nhìn bộ dạng thảm hại của em gái và bật khóc. Đến lúc đó, tôi mới biết, cái cảm giác nhớ má, nhớ căn nhà nhỏ ven kênh xáng vẫn âm ỉ đâu đó trong tim và nuôi mình sống. Như kẻ mộng du, tôi dấn bước, ma xui quỷ khiến thế nào, giữa trưa thì đứng ngay trên đường Hàn Thuyên, con đường cà phê bệt, tuổi hai mươi hay ngồi. Từ đằng xa, có cô gái lơ đãng nhìn xe cộ, gương mặt được trang điểm kỹ, màu son hồng đào nổi bật trên làn da trắng mịn, không chút dấu vết thời gian. Phải dụi mắt mấy lần tôi mới nhận ra Hạ. Cô khác quá. Vẫn đẹp đấy, mà buồn, kiểu buồn huyễn hoặc không sao cắt nghĩa nổi.
    Thằng bé trở lại cùng một bà cụ hom hem, đầu quấn khăn, chân đi dép tổ ong. “Bà nội có bánh tam giác mạch đổi kẹo”, nó nói tỉnh bơ. Tôi tự tát vào mặt mình trong ý nghĩ. Tôi từng mường tượng sẽ phải gặp cảnh tụi nhỏ chèo kéo, o ép khách du lịch mua vài món đồ lưu niệm. Nhưng không, bảy tuổi, cu cậu đã được dạy sòng phẳng, ứng xử lịch sự. Những đứa trẻ khác quanh thằng bé thì có ánh mắt buồn, nhưng trong vắt và bình lặng.
    Chợ tan, Hạ kéo tay tôi, ngầm ý theo hai bà cháu. Thằng bé vui ra mặt, còn bà cụ chỉ im lặng. Ngôi nhà sàn tềnh toàng giữa núi, không có gì ngoài mấy bộ quần áo sờn cũ, nồi niêu sứt mẻ.
    Thằng bé được sinh ra từ một cuộc tình. Ừ thì, có đứa trẻ nào mà không được sinh ra từ một cuộc tình, dẫu là dài lâu hay chỉ chơi chơi qua đường. Cha nó mê mẩn cô gái ngồi ôm cúc họa mi bên sông giữa thành phố. Bỏ lại mẹ già, đồi nương cùng cái lạnh vùng cao, anh đi theo sự mách bảo của trái tim non trẻ và khờ khạo. Bà cụ ngồi trên núi chờ con, qua hết bảy mùa đông thì nó về, tay ôm đứa trẻ còn đỏ hỏn. Hôm trước, hôm sau lại quầy quả đi, nói: “Kiếm mẹ thằng nhỏ về”. Đã thêm bảy mùa đông nữa trôi qua, tôi tự hỏi, giữa miền xuôi xa hút, băng qua những cuộc tìm vô vọng, có giây phút nào người đàn ông ấy nhớ mẹ, nhớ ngôi nhà giữa núi này không.
    Thằng bé dẫn đường cho chúng tôi tìm củi. Trên những đoạn bằng, nó nhảy chân sáo, miệng ngậm kẹo. Mọi cử chỉ của nó đều hút ánh nhìn Hạ. “Hạ đã mong được làm mẹ”, cô trở lại chuyện cũ. “Vợ thật của anh ấy bị một căn bệnh hiếm gặp, da dẻ chị bong tróc, cả ngày lẫn đêm đều nằm rên ư hử”. Vợ thật, vậy ra Hạ là “vợ giả”. Tôi cố nén tiếng thở dài. Những câu nói rời rạc của Hạ vẽ ra bức tranh trần trụi. Ở đó, có người phụ nữ loạng choạng rơi từ bậc cầu thang sau khi nhìn thấy “vợ thật” của chồng. Cô mất con, mất luôn khả năng làm mẹ khi chưa tới tuổi ba mươi, thế mà, ngay cả khi rời đi vẫn còn băn khoăn “chỉ cần cái máy đẻ, sao anh ấy phải cất công sang tận bên này cưới Hạ?”. Chấp nhận sự thật mình là kẻ nằm ngoài cuộc chơi mang tên tình yêu, hóa ra lại khó đến thế. Hạ lang thang ở Bangkok nhiều tháng liền, nơi cô không có gì ngoài người đã từng là chồng-giả. Về nước và về nhà, cái viễn cảnh ấy khiến Hạ co ro. Cô sợ.
    Hạ khom người thổi lửa trong lúc tôi phụ bà cụ gọt mấy củ khoai mì. Thằng bé có lẽ thích Hạ, cứ quấn lấy cô suốt. Căn nhà bên triền sông, nơi có má, có anh chị em, Hạ nhớ quay quắt, nhưng “Mặt mũi nào mà về. Mình đã ảo tưởng vẽ đời màu hồng rồi, giờ xám ngắt thế này”. Tôi cũng vậy, đã bỏ đi, đã trót vẽ đời lộng lẫy.
    Khoảnh khắc thấy lửa bùng lên, tự dưng tôi muốn khóc. Câu hỏi “Mình đánh mất bản thân bao lâu rồi?” lại chạy qua đầu. Năm ấy, chán chường sau hơn năm trăm ngày chôn chân trong đài truyền thanh huyện, đứa con gái hai mươi bốn tuổi đầu của má tôi đã quả quyết: “Con phải thành công, phải hạnh phúc ở phố, xứ mình nghèo chết”. Má liêu xiêu chạy trên đường làng, gọi với theo xe: “Nếu mệt thì về với má nghe, Hân”. Con gái má thành công thật. Thành công đến độ thấy mình chỉ có... tiền.
    Bà cụ mang cho chúng tôi một tấm chăn bông khá dày, nói: “Con gái phố, lạnh này cắt da cắt thịt mất”. Thằng bé nằm giữa nhà, bên cạnh bà, tấm mền mỏng tang. Thấy Hạ có vẻ áy náy, bà cụ xua tay: “Quen rồi”. Chúng tôi sáp về phía họ, xởi lởi: “Nằm gần cho ấm”. Như chỉ chờ có thế, thằng bé sà vào lòng Hạ. Hẳn trong tâm hồn nó là khát khao vòng tay ấm của mẹ, một dạng khát khao mang tính bản năng. Tôi quay nhìn bà cụ, dè dặt hỏi: “Có giận con trai?”. Phải đến hơn mười lăm, hai mươi phút, tôi mới nhận được câu trả lời: “Mình thương, mình còn đợi”.
    Khuya, lạnh buốt vào tận xương, Hạ đẩy vai tôi: “Mình về đi Hân, ở nhà, có má luôn chờ”.

Kết Thúc (END)
Thảo Nguyên
» Anh Này, Thỉnh Thoảng Đừng Quên Mất Em Nhé!
» Mật Sim
» Vòm Mây
» Duyên Đót
» Thị Thành
» Bến Đợi
» Đồi Gió
» Ngược Gió
» Đất Khách
» Lá Đỏ
» Bến Thương
» Giếng Làng
» Hồn Gốm
» Thị Thành !!!
» Đất Hát Lời Thương
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý