Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nghĩa Khuyển Tác Giả: Tường Linh    
    Hồi tôi còn học bậc tiểu học, nhà tôi có nuôi một con chó đực, lông màu vàng, ngực nở, đặt tên là Ròn. Vì được nuôi dạy từ nhỏ, Ròn mến và gần như hiểu ý từng người trong nhà, đặc biệt là với mấy anh em tôi. Nó rất dễ dạy. Khi làm sai điều gì bị la một lần thì nó không tái phạm.
    Việc chủ yếu của loài chó là giữ nhà. Con Ròn có mấy cách giữ nhà rất đáng khen. Nó thường nằm trên mặt chiếc bao tời đặt tại góc sát vách hiên gạch của nhà trước. Tại vị trí này, nó quan sát được tận cổng ra vào, khu vườn rộng và vuông đất bốn mùa trồng rau của mẹ tôi. Khi thấy ai không phải người nhà xuất hiện tại các chỗ này thì nó sủa mấy tiếng báo cho người nhà ra nhận diện để ứng xử. Người ngoài đến nhà, nó theo dõi. Nếu người ấy cầm lấy một vật gì đi ra mà trước đó nó không thấy nói gì với người trong nhà thì khi họ ra sân nhất định sẽ bị nó cắn chặt ống quần giữ lại cho đến lúc có người nhà ra giải quyết nó mới thả. Có lần tôi thấy ông bác tôi tới chơi thử nó bằng cách lấy cần câu cá tràu của cha tôi. Con Ròn không lạ gì bác nhưng ông vẫn bị nó cắn ống quần nhùng nhằng giữa sân. Tôi chạy ra lấy lại cây cần câu nó mới chịu thả bác tôi.
    Nhà tôi có một con trâu Bỉnh để cày ruộng. Lúc nửa đêm, anh cả tôi ra ngoài thì thấy cổng chuồng trâu bị kẻ trộm mở toang và con Bỉnh bị lùa đi mất. Anh tôi la lên, mẹ và tôi chạy ra. Anh em tôi cầm gậy đuổi theo kẻ trộm. Con Ròn cũng chạy theo. Đến ngã ba đường làng thì chúng tôi khựng lại vì không biết kẻ trộm đã lùa trâu chạy đường nào. Con Ròn chúi mũi ngửi bên này bên kia, rồi nó đứng lại nơi một đầu đường cất tiếng kêu ẳng ẳng. Nó đã đánh hơi được trâu bị lùa theo đường đó. Lập tức, nó chạy trước, chúng tôi chạy theo nhưng nó chạy nhanh quá, cự ly giữa chúng tôi và nó cứ xa dần. Chừng non cây số, chúng tôi nghe tiếng Ròn sủa liên hồi. Chúng tôi chạy đến nơi thấy Ròn đứng giữa đường bên cạnh trâu Bỉnh. Thì ra nó đã đuổi kịp kẻ trộm và đón hắn lại rồi sủa lớn để chúng tôi ở phía sau biết. Có lẽ hiểu được điều này nên kẻ trộm vội bỏ chạy thoát thân.
    Sau lần ấy, ban đêm Ròn đi tuần thêm mấy vòng quanh khu nhà.
    Một chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật đã diễn ra ngay trước mắt tôi. Vâng, chả ai tin có chuyện chó mà giết được diều hâu.
    Số là gần trưa nọ, con gà mái của nhà tôi dẫn mấy gà con kiếm ăn quanh cây rơm gần cổng vào. Thình lình một con diều hâu dữ dằn từ trên cao đáp xuống bắt gà con. Nhà nào trong xóm có nuôi gà đều bị con diều này gây hại.
    Khi con diều vừa chạm đất, tuy không cân sức nhưng con gà mái liền xông lại đá tới tấp địch thủ. Nó liều mạng để cứu con. Diều hâu dùng mỏ sắc mổ mạnh xuống lưng gà mái. Từ trong hiên, con Ròn chạy vụt ra cực nhanh và cắn cổ diều hâu. Con ác điểu chết, con gà mái mang thương tích đầy thân. Bà con trong xóm kéo đến xem xác diều. Họ khen chó Ròn và cũng khen con gà mái đã liều mạng cứu con.
    Ròn rất sạch. Phần ăn của nó phải đặt trong dĩa thiếc riêng. Nước nó uống cũng vậy. Nó không bao giờ bỏ chạy khi tôi cho nó uống thuốc tẩy xổ. Nó rất thích theo tôi ra sông tắm. Tôi xát xà phòng rồi dùng bàn chải tre chải lông, kỳ cọ sạch sẽ cho nó.
    Làng tôi xưa có hàng tre thật dài và ken dày, đứng bên hương lộ dọc bờ sông. Người làng dùng hàng tre này để ngăn bớt sức chảy quá mạnh của nước lụt từ sông tràn vào làm trôi hoa màu, tài sản, nhà cửa. Việc bẻ măng của hàng tre này bị cấm và đời nọ tiếp đời kia ai cũng tuân thủ hương ước ấy. Măng tre ở đây chỉ được bẻ từ giữa tháng tám đến cuối tháng mười âm lịch vì thời gian này có những trận lụt, măng không được bẻ thì bị nước lụt ngâm sẽ rụi hết, uổng phí.
    Sáng nọ mẹ tôi chui vào bờ tre gần nhà để bẻ một mụt măng. Khi mẹ đang lom khom cắt mụt măng thì nghe phía sau lưng tiếng Ròn sủa rất nhặt. Mẹ quay lại thấy Ròn đang cắn cổ một con rắn hổ. Con rắn chết. Một bác chuyên bắt rắn và chế thuốc chữa người bị rắn cắn cho biết người hay con vật nào đi gần ổ rắn con sẽ bị rắn mẹ đuổi cắn. Con Ròn đã lùng sục hai đầu của hàng tre để bảo vệ chủ. Công sức ấy của nó đã không thừa. Mẹ tôi hú hồn.
    Lần khác tôi đi câu tại một hồ nước ở lưng chừng dãy núi phía sau làng tôi. Hồ này nhiều cá. Dãy núi chỉ có một hồ ấy đầy nước quanh năm. Do đó thú rừng các loại thường đến đây uống nước, trong đó có cả rắn và trăn lớn. Cọp, beo cũng thường đến hồ để rình bắt mồi và con người cũng là “mồi” của chúng. Vì vậy rất ít người đến câu tại hồ này. Tôi cũng sợ nhưng sự ham thích đã thắng.
    Khi thấy tôi cầm cần, xách giỏ ra đi, Ròn chạy theo. Tới nơi, tôi còn điều chỉnh phao cho hợp độ sâu của hồ thì Ròn chạy vào cụm rừng phía trong để lùng sục bảo vệ chủ. Bỗng tôi nghe tiếng Ròn sủa và gầm gừ rất lớn. Tôi vội chạy vào thì thấy nó đã cắn cổ một con nhím khá lớn. Chiêu thức độc nhất nó chuyên sử dụng để hạ đối thủ là cắn cổ. Con nhím chết nhưng Ròn bị năm chiếc lông nhím dài, cứng và nhọn đâm dính vào thân. Tôi nhổ các lông nhím ấy ra và yên tâm vì biết lông nhím không có độc tố.
    Có lẽ khi vừa thấy Ròn, con nhím liền xừng tất cả lông dài, nhọn để hù dọa địch thủ theo quán tính phản vệ của nó. Con Ròn thấy thế lo cho sự an nguy của tôi nên nó xáp vô tử chiến đến bị thương.
    Tôi đi câu không được con cá nào mà lại xách về một con nhím. Thời ấy chưa nghe chuyện cấm săn bắt và ăn thịt động vật hoang dã.
    Cha tôi nghỉ dạy tại trường trung học tỉnh chưa bao lâu thì lâm trọng bệnh. Nằm bệnh viện hai tuần lễ, bệnh không thuyên giảm. Ông đòi về nhà nằm cầm cự bằng thuốc bắc.
    Những ngày đêm cha tôi nằm trên giường, con Ròn cứ nằm bên dưới, lơ là chuyện ăn uống. Chiều nọ, khi cha tôi từ trần, nó tru lớn nhiều tiếng và không rời đi nơi khác. Giờ tẩm liệm cha tôi, nó cũng tru lớn và chồm lên dùng hai chi trước bám vào thành quan tài để nhìn toàn thi thể cha tôi. Mấy chú trong đội âm công tạm dừng tay vài phút để Ròn vĩnh biệt chủ theo cách của nó rồi mấy chú mới đậy nắp ván thiên. Mọi người có mặt đều rất cảm động. Mấy ngày đêm thấy cha tôi nằm không đi lại được, mẹ tôi cứ sụt sùi, con Ròn biết cha tôi bệnh nặng, rồi khi thấy mọi người than khóc, nó biết ông chủ lớn nhất của nó đã từ trần. Bác tôi khen: nó chỉ không biết nói thôi. Sáng hôm động quan cha tôi, Ròn đi sau quan tài đồng hành với đông đảo bà con, xóm giềng đưa tiễn. Mấy ngày sau, nó vào nằm bên mộ cha tôi. Nó bỏ ăn bỏ uống, thân hình gầy rạc. Anh cả tôi và tôi thay nhau cõng nó về nhà, dỗ cho nó ăn uống trở lại.
    Con Ròn sống được tám năm.
    Từ đó nhà tôi không nuôi con chó nào nữa vì cho rằng không thể tìm đâu được con chó khôn, dễ dạy, dũng cảm và có nghĩa như Ròn.

Kết Thúc (END)
Tường Linh
» Nghìn Sau Nước Mắt
» Người Thổi Kèn Đám Tang
» Rời Rạc Dấu Xưa
» Nhà Bên Chân Núi
» Ông Lái Già Và Cây Cầu Mới
» Phía Cầu Vồng
» Phân Khúc Mỗi Cung Đường
» Tiếng Vạt Sành Kêu Đêm
» Quán Đầu Ngựa
» Hai Quãng Sông Trống Vắng
» Nghĩa Khuyển
» Ngã Ba Cây Cốc
» Thằng Bối
» Bản Sao Không Chuẩn
» Người Chị Đồng Hương
» Mùa Xuân Và Mẹ
» Dòng Xưa Chuyện Kể
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý