Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Rồi Bến Sẽ Xưa Tác Giả: Lê Trâm    
    1. Buổi chiều đó Thịnh lại ghé về cái bến đò cũ. Bến đò ở cuối dòng sông, một dòng sông lớn. Mỗi khi buồn Thịnh thích chạy xe máy một mình về nơi ấy. Vừa ngắm biển vừa ngắm sông vừa ngắm người. Ở đó nhịp sống có vẻ luôn thôi thúc mọi người. Những chiếc tàu cập bến đậu san sát nhau và những người buôn bán cá nhanh chóng ùa lên sàn tàu. Những tiếng kêu réo, chửi bới nhau náo nhiệt cả một khúc sông dài. Một vài chiếc tàu khác đang lặng lẽ chuẩn bị xăng dầu, thực phẩm… cho chuyến ra khơi mới.
    Theo thói quen Thịnh chụp vội vài pô ảnh, nhiều khi cũng chỉ là cảnh cũ, người cũ. Chụp vu vơ vậy thôi. Trên kia, bắc ngang sông là một chiếc cầu bề thế có vẻ bị kéo dài khá lâu so với sự mong đợi của mấy chục ngàn cư dân vùng biển vắng vẻ này, vừa mới thông xe. Mấy ngàn tỷ đồng và mấy năm trời cho những khát vọng đổi đời là mắc hay rẻ? Thịnh cũng chẳng rõ nữa, chỉ thấy lòng mình thật xao động khi chứng kiến cảnh thông cầu. Nhìn sự rạng rỡ trên những gương mặt thì biết. Nhưng cũng không giấu được những nỗi băn khoăn… Phía biển, không xa đất liền là mấy, một cụm đảo hiện lên trong nền trời trong vắt. Ở đó, giờ cũng đang rất nhộn nhịp. Người ta cũng đang đau đầu tìm sự lựa chọn khôn ngoan nhất giữa sự phát triển và bảo tồn một vùng sinh quyển đẹp đã thành của hiếm của nhân loại. Hòn đảo tuyệt đẹp ấy, có lần Thịnh gọi là đảo thiên đường và không hề ngượng với sự ví von của mình. Đã có những giằng xé, băn khoăn để lựa chọn, một bên là giữ lại, một bên là thay đổi và phát triển. Vì thế chính Thịnh cũng có cảm giác như nhìn đâu cũng thấy áp lực, cảm thấy không yên ổn. Nhiều thứ mơ hồ.
    Ghé lại cái đình làng be bé xây bên bờ sông. Cái (không thể gọi là ngôi đình được - Thịnh nghĩ vậy) đình nhỏ nhoi, tạm bợ dành cho một ngôi làng cũ xưa và nổi tiếng ghi dấu mấy trăm năm mở cõi của vùng đất này. Chùa làng thì nằm tít bên trong xóm với khá nhiều pho tượng cổ, lưu dấu nhiều nét quyến rũ của thời quá vãng, lưu dấu chút hồi quang một thuở rạng rỡ và nhộn nhịp của con đường tơ lụa trên biển từng đi ngang qua đây. Ông già ngồi đan thúng chai trên nền cái đình nhỏ xíu và buồn bã ấy, có vẻ như lạc điệu so với cuộc sống đang diễn ra xung quanh. Người chứa trong mình cả thế kỷ thời gian. Ba cái thúng chai bày ngẫu nhiên xung quanh ông. Một cái cũ đang sửa lại, một cái dường như đã xong, một cái ông đang cạp vành. Như đại diện cho ba thời quá khứ hiện tại tương lai vậy. Một khổ người nhỏ bé, chai sạm và gân guốc. Ông có thể cùng lứa tuổi với ba của Thịnh, sau này thì biết ông cũng cùng họ với anh. Ba Thịnh thì đã mất đã hai tư năm còn ông cơ chừng vẫn còn khỏe lắm.
    Ông già có vẻ gì đó thật lôi cuốn. Thịnh tạt vào chỗ ông già đang làm. Hỏi, tre này mua từ đâu vậy bác? Ông bảo mấy người trong xóm bảo họ mua tre từ trên nguồn Vu Gia về, phải thứ tre cật vừa đủ già, vừa chắc vừa dẻo mới đan thúng chai được, mới chịu nổi với sóng gió biển khơi chứ chú. Hỏi, còn dầu rái để trát thúng? Thì hình như từ Nông Sơn hay từ Thượng Đức chi đó, họ chở về bán. Hỏi, một cái thúng này bán được bao nhiêu, ông bảo hai triệu tám. Định hỏi sẽ lời được bao nhiêu nhưng ngại, mãi đến tận trước lúc ra về mình mới hỏi lại câu ấy, ông bảo cỡ gần một triệu. Thời gian để làm xong chiếc thúng chai là nửa tháng, có khi lâu hơn. Ông bảo mấy đứa con khuyên cha cứ nghỉ đi cho khỏe. Ông cười với Thịnh, đụng tay đụng chưn quen rồi, ngồi không ngứa ngáy khó chịu lắm, có khi ở không lại sớm bị quỵ xuống cũng nên. Thịnh cười bảo với ông, bác cứ giữ nhịp làm ấy, sẽ khỏe thôi, đừng có nằm xuống, sẽ suy sụp nhanh đi đấy! Ông đồng ý liền. Ông nhắc về người vợ đã mất cách đây mười năm của mình với vẻ hoài niệm thấy rõ. Bà bị bệnh đâu chừng nửa năm thì mất. Ông theo bà suốt thời gian ấy, qua nhiều bệnh viện. Có phải khi người ta già thì càng quấn quýt với nhau hơn không? Thịnh cảm nhận được rất rõ cái ân nghĩa vợ chồng, người xưa gọi là nghĩa tào khang, qua những câu nói của ông. Ông mời Thịnh hút thuốc, thứ thuốc điếu rẻ tiền chỉ dành cho những người lao động nghèo như ông, Thịnh lắc đầu từ chối và cảm thấy mình dường như sợ hãi quá nhiều thứ chứ không an nhiên được như ông. Ông bảo hút miết quen rồi, trước hút thuốc điếu, quấn từng lá thành điếu mà hút, thuốc lá Quảng Nam mà chú, sau quấn thuốc rê, giờ chuyển qua thứ này cho tiện. Thịnh buột miệng hỏi về thời gian chiến tranh khi nơi này chìm trong đạn bom khói lửa và cả vùng cát này là một vùng trắng xóa, hỏi sinh sống ra làm sao…
    2. Hồi ấy, trên sông hải thuyền của lính Sài Gòn và Mỹ quần lên quần xuống từng giờ, canh nông bắn suốt ngày suốt đêm, cách vài ngày thì máy bay quần tới bỏ bom. Ông bảo, thì né qua bên gành phía bắc, nơi ấy có khu dồn hoặc né lên phía trên thị xã. Hễ yên yên thì đảo về trồng khoai hoặc ra sông hoặc cửa sông đánh cá. Khổ nhứt là những năm 1968 - 69 - 70 - những năm ác liệt nhứt của cuộc chiến - phải chạy đi tứ tán. Ông bảo đang tuổi quân dịch nên phải trốn chui trốn nhủi, khổ lắm... Những chuyện riêng của ông thì cũng thôi, lâu lắc rồi, không kể ra làm gì. Nhưng cảm nhận được sức chịu đựng của con người thật vô hạn. Hỏi, hồi ấy khổ thế vẫn chịu đựng được bi chừ chắc sướng? Ông già lắc đầu, sướng chi chú? Mỗi thời có cái khổ riêng! Hồi ấy tránh qua tránh lại, hết chiến tranh còn có thể quay trở lại mảnh vườn, căn nhà cũ, giờ thì không biết đi mô? Thịnh bỗng chạnh lòng. Nơi đây đang có một dự án nghỉ dưỡng lớn vừa mới triển khai. Đã rục rịch dời nhà đi nơi này nơi khác. Với địa thế lý tưởng, vùng đất đẹp này chắc rồi sẽ không yên. Đã thấy sự tạm bợ ở ngay chính cái nơi “gọi là đình” làng ấy. Những cái lư những cái chân đèn bằng nhựa rẻ tiền sơn màu vàng giả đồng có vẻ sẽ thôi đi trong một ngày không xa. Làng rời đi, những nét văn hóa, những cố kết văn hóa, những sự kết dính từ những con người ở làng biển này sẽ phải rã ra và trôi tuột đi mất ư? Cái mà bom đạn lẫn chết chóc diễn ra ba bốn chục năm trời vẫn không thể làm bật họ ra khỏi mảnh đất họ từng gắn bó đời này sang đời khác, có khi chỉ gói gọn trong một cái tên làng, giờ sẽ phải rời đi và biến mất ư?
    Ông già kể. Bữa ấy trời rất trong và chung quanh thấy im ắng rất lạ. Sau đó hải thuyền chạy lên rất đông. Nghe đồn là đang đánh nhau rất ác liệt ngoài Quảng Trị hay Huế chi đó. Bọn tui rúc xuống hầm từ hồi đêm và “nằm im” đến gần nửa buổi. Nghe rất rõ tiếng máy nổ từ những chiếc hải thuyền đang quần lên quần xuống. Mọi bữa bọn nó chỉ quần “cho có chuyện” rồi quay về. Trốn miết tới gần xế chiều, đói quá định mò lên tìm cái chi lót dạ. Vừa ló đầu lên khỏi miệng hầm đã nghe sau gáy lạnh ngắt: “Đi lên! Ra bến ngay!”. Tui luýnh quýnh đi theo hướng thúc của mũi súng sau gáy mình. Sau này mới biết thì ra bọn nó đang lùng bắt lính chứ nghi ngờ là du kích có lẽ tiêu tùng rồi! Bọn nó hốt tụi tui qua quận rồi đẩy lên xe bít bùng đi trong đêm. Sáng hôm sau mới biết đã bị đưa ra tận Đà Nẵng, mãi sau này mới rõ chỗ chúng gom tụi tui chính là núi Sơn Chà. “Bác… đi lính từ hồi đó à?”, Thịnh hỏi. Ông già lắc đầu: “Sức mấy chú. Nửa đêm bọn tui trốn ra được bãi biển. Đêm tối hù. Mấy thằng xúi nhau lấy đại một chiếc ghe coi bộ khá nhất nhắm hướng nam cứ thế mà chèo. Cứ men theo bờ biển mà đi, ra xa sợ tàu hải quân, gần bờ lại sợ bọn lính. Thấy tàu là… tránh, giả vờ như đang đánh cá. Lần quần miết đến tối mới tấp vào được cái xóm nhỏ ở đầu thị xã. Trong đêm, cả bọn tản nhau ra các hướng, vừa đi bộ vừa đi nhờ ghe đến tảng sáng thì đến… nhà. Sau này còn thêm mấy bận trốn tránh nữa thì… giải phóng. May mà…”. Câu chuyện dừng ở đó, ông già lúi cúi ghì, siết mấy sợi mây trên vành thúng chai. Thịnh xin phép ra về.
    “Tết chú nhớ về xem hát bả trạo nghe!” – ông già nói với theo.
    3. Thịnh nhận ra ông Tổng Lái trong bộ lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng màu đen. Tổng Mũi nổi bật trong bộ đồ màu sắc rực rỡ như một diễn viên tuồng, tay cầm cặp sênh để điều khiển. Tổng Khoang mặc áo ba màu, quần ngắn, tay cầm gàu tát nước. Mười sáu ngư dân lực lưỡng trong đội chèo. Khá nhiều thanh niên trong vai các con trạo. Các con trạo mặc áo trắng quần trắng, chân quấn xà cạp, đầu chít khăn, lưng thắt vải đỏ, chân đi đất, tay cầm mái chèo sơn đen trắng. Lúc Thịnh đến buổi hát bả trạo đã vào hồi lôi cuốn nhất. Tất cả hòa quyện trong tiếng đàn cò xen lẫn tiếng trống, kèn, sênh. Thịnh nhận ra Tổng Mũi chính là ông già đan thúng chai, người đã mời anh về thăm làng chài trong mấy ngày tết. Ông già trông quắc thước trong bộ đồ Tổng Lái màu sắc sặc sỡ. Dưới sự điều khiển của ông già, những Tổng Khoang và Tổng Lái cùng đám bạn chèo trình diễn nhịp nhàng cùng sự phối hợp giữa lời ca, điệu múa và âm nhạc làm rộn ràng một khúc sông, lan ra xa tận phía cửa biển. Từ rất lâu, ở vùng này, hát bả trạo là một màn diễn xướng, một loại hình nghệ thuật mang ý nghĩa tâm linh kết hợp với những yếu tố sôi nổi, kịch tính và cao trào của những lời ca và động tác múa. Trong suốt bao nhiêu năm qua, hát bả trạo vẫn được duy trì, truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác trong các lễ hội cầu ngư…
    “Chắc khó mà gặp ông già được!”, Thịnh chép miệng rồi lặng lẽ rời khỏi đám hát bả trạo, lòng không ngớt nghĩ vẩn vơ. Lẽ nào cái bến sông đẹp như tranh vẽ này rồi cũng sẽ xưa đi hay sao? Rồi tự trấn an, chắc không sao, bởi đây là hồn cốt của cả vùng sông nước này, dù thay đổi bao nhiêu đi nữa người ta cũng phải giữ lại những gì đã tạo dựng nên sức sống cho vùng đất này chứ!

Kết Thúc (END)
Lê Trâm
» Rồi Bến Sẽ Xưa
» Một Mình Sóng Cả
» Lưu Lạc, Những Phiến Rời
» Đảo Thiên Đường
» Nước Vẫn Chảy Dưới Chân Cầu
» Cuộc Gặp Gỡ Bất Ngờ
» Bạn Xưa
» Đám Rước Mùa Xuân Qua Bến Trần Gian
» Lá Rơi Chạm Ngực
» Đám Rước Mùa Xuân Qua Bến Trần !!!
» Mùa Chim Bay Đi
» Gió Rát
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79