Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Tuyết Lạnh Tác Giả: Thái Bá Tân    
    - Con đi Mỹ lần này thế nào cũng phải tìm gặp bằng được bà ấy, - mẹ tôi nói, không biết đã là lần thứ mấy. - Tội nghiệp bà lão!
    - Làm sao con gặp được? Nước Mỹ lớn lắm, đâu như làng Vĩnh Lộc nhà mình. - Tôi đáp, có lẽ cũng không phải lần thứ nhất. Tôi vừa thấy bực mình lẫn buồn cười vì nói mãi mẹ tôi vẫn không chịu hiểu điều đơn giản đó. - Bà ấy sang Mỹ sống với con trai thì sướng chứ có gì mà mẹ phải bảo "tội nghiệp"?
    Mẹ tôi thở dài, thong thả nhổ vào chiếc ống đồng miếng bã trầu cụ ngậm chắc đã hơn một tiếng đồng hồ.
    - Các anh hiện đại, lại sống ở thành phố, đâu hiểu được lòng người già.
    "Bà ấy" là bà cụ Mật, bảy mươi tuổi, bạn thân của mẹ tôi từ thời con gái. Hai cụ quen sống có nhau suốt mấy chục năm, nay phải xa nhau, mẹ tôi nhớ cũng dễ hiểu. Tôi biết thế và cũng muốn được gặp bà Mật để sau này kể cho mẹ tôi nghe về bà ấy. Nhưng làm điều này đâu dễ. Trước khi về quê, tôi được báo có tên trong đoàn nhà văn Việt Nam sắp thăm Mỹ. Cụ thể đi đâu, làm gì thì đến bây giờ vẫn chưa biết. Tuy nhiên, hiểu tính khí người già, tôi cũng cầm chiếc phong bì có địa chỉ anh con bà Mật ở Mỹ mà một lần anh ta đã gửi cho họ hàng ở làng tôi. Tôi hứa sẽ cố tìm thăm bà bạn của cụ, nếu có thể. Còn gói cau khô và bó trầu xanh thì cương quyết không nhận mang hộ, vì nghĩ khả năng gặp được bà cụ cùng làng ở tít bên ấy là rất ít, nếu không muốn nói là điều không thể.
    Chuyện bà cụ Mật đi Mỹ một thời từng làm xôn xao làng tôi và cả mấy làng lân cận. Số là cách đây năm năm, đùng một cái, bà cụ Mật được anh con trai cùng cô vợ đầm da trắng, tóc vàng và đứa con lai bốn tuổi từ Mỹ về, tuyên bố đón bà sang sống "bên ấy" với anh ta!
    Chà, người kéo đến xem cứ như hội. Mọi người ngạc nhiên không chỉ vì thấy anh Hòa con bà, ngày nào còn là một thanh niên làng chài rất ít khi mặc quần áo, gầy gò và đen trùi trũi, thế mà bây giờ cứ trắng hồng, comlê, cà vạt, lại còn để ria mép nữa. Họ còn ngạc nhiên khi thấy "bà đầm" vợ anh nói được tiếng Việt, thậm chí thuộc lòng cả một đoạn Kiều. Hơn thế, "bà ấy" rất thoải mái, dễ gần, hay cười và đặc biệt gặp ai cũng chào. Thằng con lai thì về hôm trước, hôm sau đã thấy lúi húi chơi bi với lũ trẻ chân trần, mũi thò lò trong xóm. Hóa ra người Mỹ họ cũng bình dân như ta! Mà "thằng Hòa" cũng chẳng kiểu cách ta đây như ối anh Việt Kiều khác. Trừ vẻ ngoài, "nó" vẫn là "thằng Hòa" ngày xưa như họ biết - chăm làm, yêu thương mẹ, chất phác và biết kính trọng người khác.
    "Đúng là nhà có phúc!"
    "Sang bên ấy, tha hồ mà sướng nhé!"
    Bà cụ Mật góa chồng từ ngày mới sinh anh Hòa. Từ bấy đến nay hai mẹ con ở vậy nuôi nhau. Như mọi người khác trong làng, bà làm ruộng, lúc rỗi việc nhà nông, bà cùng mẹ tôi hàng ngày xuống chợ Hôm cách làng mấy cây số ngồi bán mấy mớ trầu, buồng cau, chục trứng hoặc vài thứ lặt vặt khác. Anh Hòa lúc nhỏ cũng được đi học như những đứa trẻ khác. Anh học giỏi, thi đại học hai lần nhưng không hiểu sao đều trượt. Vì con một phải nuôi mẹ già nên thời chiến tranh anh không bị gọi nhập ngũ, chỉ ở nhà tham gia dân quân và ra biển đánh cá, lúc đầu còn trong hợp tác xã ngư nghiệp, sau hợp tác tan, anh cùng mấy người nữa sắm thuyền đi riêng. Năm 1979, lúc này đã gần ba mươi tuổi nhưng vẫn chưa vợ, một lần anh cùng hai người nữa lên thuyền ra biển như mọi ngày. Không may gặp bão lớn không về kịp, thuyền anh bị sóng đánh vỡ, mỗi người bị hất đi một nơi. Ở nhà ai cũng tin họ đã chết. Bà Mật khóc cả tháng trời, sau đó ốm một trận, may lắm mới khỏi. Rồi bà được một người cháu đằng nội, nửa khôn nửa dại, không chồng đến ở chung. Cô cháu này tuy dở người nhưng chịu khó, biết điều, nên hai cô cháu sống cũng tàm tạm. Bà vẫn nhận làm sào rưỡi ruộng khoán, lúc nào cũng có bầy gà và đôi lợn trong chuồng, vẫn đều đều đi chợ Hôm cùng bà bạn thân là mẹ tôi. Một năm sau, bà bất ngờ nhận được thư con trai. Lại từ nước Mỹ. Hóa ra, lúc đắm thuyền, con trai bà vớ được tấm ván, lênh đênh trên biển hai ngày đêm, đang lúc sắp chết thì được một tàu nước ngoài vớt lên, đưa tới hòn đảo nào đó thuộc Malaysia, ở đấy mấy tháng, làm thủ tục và cho sang Mỹ. Thư anh viết ngắn, hỏi hai người kia còn sống không, cho mẹ biết anh mạnh khỏe và đang chuẩn bị vào học một trường Đại học lớn tại Mỹ. Từ đó anh đều đều viết thư cho bà, thỉnh thoảng có gửi cả tiền. Cùng với thời gian, anh báo tin học xong, tìm được việc làm, mua ô tô, nhà riêng, lấy vợ rồi có con...
    Hôm nay, đúng mười hai năm kể từ ngày gặp nạn ngoài biển, lần đầu tiên anh về quê gặp lại bà, và như mọi người đang kháo nhau trong làng, sẽ đưa bà sang "bên ấy" sống hẳn.
    - Thế con Sáu thì sao? - Bà cụ Mật hỏi. "Con Sáu" là tên cô cháu dở người vẫn sống với bà cụ.
    - Thì cô ấy trước ở đâu nay về đấy. Hoặc ở lại nhà này, nếu muốn. Thỉnh thoảng con gửi tiền giúp cô ấy.
    - Còn đôi lợn và bầy gà?
    Anh con cười:
    - Không lẽ mẹ định đem theo sang Mỹ?
    Thằng con lai đang ngồi cạnh kêu lên thích chí, giọng lơ lớ:
    - Đem đi theo! Đem đi theo!
    - Còn sào rưỡi ruộng và cái ao mùng?
    Đứa cháu lần nữa lại kêu lên:
    - Đem đi theo! Đem đi theo!
    Bà cụ Mật ngồi im. Bà ngồi im rất lâu, vì quả chẳng biết nên nghĩ gì, làm gì. Bà mừng vì cuối cùng lại được gặp con. Mừng cả vì người con dâu và đứa cháu, tuy vẫn thấy họ là lạ và sờ sợ. Bà muốn được sống cùng con, muốn biết cái nước Mỹ ấy là gì mà người ta hay nhắc đến như vậy. Nhưng gì thì gì, bà cũng không thể bỏ quê hương làng xóm mà đi được. Bà đi, ai chăm sóc con Sáu mỗi lần nó lên cơn động kinh? Ai biết rõ hơn bà tính khí đôi lợn, đàn gà và con chó để chiều chúng, cho chúng ăn, hoặc biết lúc nào thì nên hái mùng, những cây mùng bà biết rõ từng gốc? Mà rồi bà sẽ sống thế nào bên ấy? Không lẽ bà sẽ chết đâu đó và không được chôn cạnh ông Mật chồng bà?
    Bà Mật đem những điều này tâm sự với mẹ tôi và hỏi nên làm gì.
    - Thì bà bảo con và dâu bà ở lại đây, - mẹ tôi nói. - Thế là vừa sống chung, lại vừa được nuôi lợn, làm ruộng như bà muốn. Tôi và bà cũng được đi chợ với nhau!
    Bà cụ Mật lặng thinh, chắc nghĩ mẹ tôi nói có lý. Đêm hôm ấy bà ướm hỏi con trai điều này, tuy tự bà cũng biết việc đó khó có thể xảy ra.
    - Trời, mẹ! Làm sao con ở lại đây được? Vả lại có muốn, nhà nước cũng không cho.
    Bà Mật không tin nhà nước không cho con bà về sống với mẹ. Bà nghĩ con bà chỉ tìm cách thoái thác mà thôi. Nên bà im không nói thêm gì nữa. Từ đó, bà cứ thơ thẩn đi lại khắp nhà, lúc xuống bếp, xuống chuồng lợn, lúc ra vườn, có lúc ra cả ngoài đồng xa dù chẳng làm gì. Bà bước đi vật vờ như cái bóng, đầu chít khăn nâu mỏ quạ, áo gụ sờn vai, quần đen, da nhăn nheo và đen sẫm như màu bờ ruộng bà đang bước lên. Trong cảnh hoàng hôn sắp tàn, bóng bà như hòa lẫn vào đất.
    Mấy hôm sau bà theo con ra đi, chỉ mang hai bộ quần áo và chiếc cơi trầu. Cô Sáu ở lại nhà bà, chăm sóc đàn gà, đôi lợn và sào rưỡi lúa chiêm mới cấy. Cả làng ai cũng mừng cho mẹ con bà. Chỉ mấy người, trong đấy có mẹ tôi, thì im không nói gì.
    Đấy, câu chuyện bà cụ Mật làng tôi đi Mỹ cách đây năm năm là thế. Và bây giờ mẹ tôi giao cho tôi cái nhiệm vụ tìm thăm bà cụ "bên ấy", cái bên mà tôi chưa một lần đặt chân tới và chỉ biết loáng thoáng qua sách báo và ti-vi.
    Trong một tháng ở Mỹ, may mắn tôi được tới Chicagô, nơi bà cụ Mật đang sống cùng con trai. Trên chiếc bì thư mẹ tôi đưa có ghi như vậy. Chicago 2180, Lakeside Drive 370-21, State of Illinois, USA. Nhưng đây là địa chỉ cách đây hơn năm năm, khi anh Hòa gửi thư báo ý định sẽ đưa mẹ đi cùng. Nghe nói người Mỹ thích thay đổi chỗ ở, nên tôi chẳng dám chắc có tìm được họ theo địa chỉ này không.
    Chỉ còn mấy ngày nữa là Noel. Ở Chicagô trời rất rét. Gió thổi mạnh không dứt từ phía hồ Michigan. Thành phố hiện đại nhất và cũng là trung tâm công nghiệp lớn nhất nước Mỹ này đúng hơn là một rừng chi chít những tòa nhà chọc trời bằng bê tông và kính. Ngồi trên tắc-xi, tôi cố mà không thể hình dung nổi làm sao một bà cụ nông dân làng tôi có thể sống nổi, chứ chưa nói hòa nhập được với khu rừng đá lạnh lẽo, xám xịt này.
    Tôi đang đứng trước cửa căn hộ cần tìm. Nó nằm tít trên tầng 25 của một chung cư cao tầng. Ở Mỹ, nội điều này đủ rõ chủ nhân nó thuộc loại bình dân, nếu không muốn nói là nghèo. Những người thuộc tầng lớp trung lưu thường sống ở những căn nhà một hoặc hai tầng và xa trung tâm thành phố.
    Tôi bấm chuông, đứng chờ. Không có ai trả lời. Tôi cố tình đứng trước lỗ kính nhỏ ở cánh cửa để người bên trong nhìn thấy, và bấm chuông hai lần nữa. Kinh nghiệm dạy tôi phải kiên nhẫn. Chả là cách đây mấy năm, tôi và nhà thơ Phạm Hổ lặn lội tới tận thành phố Thessaloniki, Hy Lạp, để thăm một người bạn từng là lính lê dương Pháp sau chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Chúng tôi cũng bấm chuông chờ như thế này, nhưng mãi không thấy mở cửa nên bỏ đi. Thế mà năm sau gặp nhau ở Hà Nội, người bạn Hy Lạp ấy khẳng định đúng lúc chúng tôi gọi, ông ở trong nhà, đang ngủ và khi ông, vốn đã già và chậm chạp, mặc quần áo xong đi ra thì chẳng thấy ai. Tuy nhiên, lần này tôi đã chờ đủ lâu để đoán chắc trong nhà không có người. Khả năng nhầm phòng được loại ngay từ đầu, vì trên cửa có tấm biển nhỏ bằng kim loại ghi rõ tên ông bà Robert Nguyễn và Mary Nguyễn, tức là Nguyễn Văn Hòa, vốn là thanh niên dân chài làng tôi. Tôi biết rõ điều đó, vì trước đấy nhiều lần anh có nói anh đổi tên như vậy cho hợp với bên này, và cũng để người ta dễ gọi.
    Đang lúc thất vọng định vào thang máy đi xuống thì tôi thấy phòng bên có người mở cửa. Một bà già da trắng dắt con chó giống bulldog màu nâu, mõm to và ngắn đi ra. Chắc đây là giờ bà đưa chó xuống phố đi dạo. Sau khi chào và tự giới thiệu mình, tôi nói với bà mục đích tôi đến đây.
    - Bà cụ trong nhà ấy! - bà già đáp.
    - Nhưng tôi bấm chuông mãi không thấy ai mở cửa?
    - Thì bà cụ vẫn vậy. Đâu biết gì mà nói. Vả lại có muốn mở cũng chẳng có chìa khóa...
    Thấy tôi ngạc nhiên, bà hàng xóm nói tiếp:
    - Thằng bé giờ này ở trường. Ông bà Nguyễn đi làm cầm luôn chìa khóa. Một phần sợ ở nhà cụ không biết, mở cửa cho kẻ xấu vào. Thành ra coi như suốt ngày cụ bị nhốt trong ấy. Tội nghiệp. Tối anh lại, chắc chắn họ có nhà.
    Bà già hàng xóm là người cởi mở. Ra phố tôi còn đi với bà một chốc. Bà cho biết anh Hòa hiện làm việc cho một công ty điện toán, chị vợ vốn trước học tiếng Việt và văn hóa phương Đông, nay dạy ở trường tổng hợp Chicagô. Kinh tế gia đình bình thường như nhiều người ở đây. Căn hộ không thuê mà mua theo kiểu trả góp. Cả hai chiếc ô tô cũng vậy. Còn thằng bé thì học lớp ba. Học bán trú, hết giờ làm bố mẹ mới đón về.
    - Bà cụ sống thế nào?
    - Chúng tôi là láng giềng tốt, nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng mới sang thăm nhau vào các dịp lễ. Bà cụ cứ ở riết một mình trong phòng riêng. Chừng ấy năm tôi chỉ nhìn thấy cụ vài lần khi con cháu đưa cụ ra giới thiệu. Không thấy cụ ra khỏi nhà bao giờ. Phải nói cả hai ông bà Nguyễn và đứa cháu rất quý cụ. Chỉ tại tính cụ thích thế.
    Tôi cảm ơn bà già tốt bụng, thầm mừng vì đã có những thông tin cần thiết về bà cụ Mật, coi như việc mẹ tôi giao đã làm xong, nếu không quay lại được thì cũng không còn gì phải băn khoăn.
     Nhưng ngay tối hôm ấy tôi quay lại, dù đã quá 9 giờ tối. Chỉ mấy giây sau khi bấm chuông, chính anh Hòa ra mở cửa. Anh nhận ngay ra tôi và vồn vã dẫn vào phòng khách, cứ chân giày bám đầy tuyết dẫm lên thảm, theo đúng phong cách Mỹ. Chúng tôi từng là bạn chăn trâu thời bé cho đến khi tôi đi học xa. Sau đó hình như chúng tôi còn gặp nhau vài lần nữa trước ngày anh "mất tích" trên biển. Anh tíu tít gọi vợ con ra chào khách. Chúng tôi nói với nhau bằng tiếng Việt. Anh Hòa vẫn giữ nguyên cái giọng Diễn Châu rất nặng.
    Chị Mary vợ anh nói giọng miền Nam, chắc thầy dạy trước đây người Nam Bộ. Còn thằng con thì chẳng ra giọng vùng nào, mặc dù nó nói khá sõi.
    Sau một lúc ôn lại kỷ niệm xưa, anh Hòa nói:
    - Chiều nay đi làm về, bà hàng xóm cho biết có người từ bên nước sang tìm gặp, nghĩ mãi không biết ai, hóa ra là anh.
    - Bà cụ đâu? - Tôi hỏi khi mãi không thấy anh nhắc gì về mẹ.
    - Cụ ở đây và vẫn mạnh khỏe. Cụ đang ngồi ở phòng mình. Có điều, gần đây chắc do tuổi tác, cụ có vẻ bắt đầu lẩn thẩn. Hầu như chẳng nói năng gì. Cụ cứ ở rịt trong phòng, đăm đăm nhìn đâu đó và suy nghĩ những gì có trời mới biết. Anh vào thăm cụ đi, kể thật nhiều chuyện quê hương vào, chắc cụ sẽ mừng lắm.
    Tôi theo anh đi sang phòng bên.
    Đó là một căn phòng khá rộng, mọi thứ đều trắng toát như phòng bệnh viện. Từ các bức tường, trần nhà, tấm ri đô, chiếc giường đôi phủ ga phẳng phiu cùng chiếc chăn gấp gọn ghẽ, chiếc gối bông, đến chiếc tủ đựng quần áo và chiếc chao đèn đầu giường - tất cả đều màu trắng. Cả chiếc ghế bành rất sâu và lớn kê sát cửa sổ cũng trắng. Và lọt thỏm trong đó là một bà già bé nhỏ đang đờ đẫn nhìn ra ngoài qua tấm kính cửa sổ lớn không che ri-đô. Bên ngoài tuyết đang rơi những bông lớn và dày, nhìn thấy rất rõ nhờ hệ thống đèn chiếu sáng cực mạnh của các tòa nhà cao tầng bên cạnh. Bà cụ không nhận thấy chúng tôi đang bước vào.
    - Mẹ ơi, có anh Lân bên nước mình sang thăm mẹ đây này! - Anh Hòa nói to. - Anh Lân con bà Hoạt làng ta, mẹ nhớ không? Bà Hoạt vẫn cùng mẹ đi chợ Hôm ấy mà!
    Bà cụ Mật quay sang nhìn tôi bằng cái nhìn vô cảm, chắc vẫn chưa dứt khỏi những ý nghĩa triền miên của mình và vẫn chưa nhận ra tôi là ai, hoặc có nhận ra cũng chưa tin là thật.
    Anh Hòa kéo chiếc ghế nhỏ lại gần cho tôi ngồi, rồi khẽ nói:
    - Cụ vẫn thế đấy, cứ như người mất hồn. Tôi ra ngoài nhé, để anh và cụ nói chuyện tự nhiên.
    Tôi ngồi xuống ghế, nhẹ nhàng cầm bàn tay khẳng khiu, đen xạm của bà trong hai tay mình.
    - Chào bác. Cháu là con trai cả bà Hoạt làng Vĩnh Yên ta đây. Mẹ cháu bảo đến thăm bác...
    Bà cụ vẫn nhìn tôi không chớp mắt. Bàn tay nhỏ bé của bà run run trong tay tôi. Đôi mắt rưng rưng như muốn khóc, nhưng bà không nói gì.
    - Bác vẫn khỏe chứ ạ? Mẹ cháu nhắc bác luôn.
    - Ra mẹ anh còn nhớ đến tôi à? Làng xóm vẫn nhớ tôi à? - Cuối cùng bà cụ lên tiếng.
    - Có chứ ạ. Ai cũng nhớ và mừng cho bác được sống với con cháu sung sướng bên này. Nhưng bây giờ quê ta cũng khá lắm rồi, không khổ như trước nữa. Nhiều cái mới lắm.
    Rồi tôi bắt đầu kể về những thay đổi lớn trong làng, từ việc có điện lưới cách đây ba năm, nhiều nhà có ti-vi, xe máy, đến việc huyện cho xây con đường lớn rải nhựa hẳn hoi, ô tô chạy qua làng hệt như ngoài thành phố, còn uỷ ban xã thì có cả máy điện thoại. Tôi còn cho bà biết ai trong số người già trong làng vừa chết, con nhà ai vừa hỏi vợ, gả chồng..
    - Anh nói làng ta đủ ăn rồi à?
    - Vâng, không còn cảnh đứt bữa như trước nữa. Hơn thế, bây giờ nhà nào cũng ăn cơm trắng, không phải độn khoai...
    - Và ngày ba bữa?
    - Đúng thế ạ.
    Bà cụ ngồi im, vẻ không tin.
    - Cả nhà ông Thíu? Cả cố Chuyên?
    - Vâng, cả ông Thíu cũng thế. Thằng Dũng con ông ấy còn sắm được máy cày cày thuê cho cả làng đấy. Còn cố Chuyên thì chết năm ngoái, chín mươi chín tuổi, nhưng làng báo lên xã một trăm, và được xã đứng ra tổ chức chôn cất chu đáo lắm. Có cả đại diện trên huyện mang tiền về mừng nữa. Bác biết không. Rú Thần bây giờ được biến thành nghĩa trang của làng ta. Mỗi dòng họ một ô riêng. Bao nhiêu mồ mả các cụ kỵ xưa nay đều được gom về đây, cứ theo thứ tự trên dưới mà xếp, vừa ý nghĩa lại vừa đẹp mắt.
    - Con Sáu dạo này thế nào? Có hay lên cơn nữa không?
    - Cháu ở Hà Nội, thỉnh thoảng mới về nên không rõ lắm. Nghe mẹ cháu nói thì cũng bình thường.
    - Còn đôi lợn?
    Tôi ngồi im vì chẳng biết nói gì.
    Bà cụ lại trầm ngâm nhìn ra ngoài, nơi những bông tuyết lớn vẫn không ngừng rơi, thong thả và chập chạp như ý nghĩ trong đầu cụ.
    - Cái Sáu đoảng lắm. Không hiểu nó có biết tính con Cụt Đuôi thích ăn củ mùng không. Ngoài ao nhiều mùng, không khéo nó lại bỏ tiền mua rau lang, trong khi để mùng thối cả đống. - Bà cụ nói, với chính mình nhiều hơn là với tôi.
    Rồi cụ thong thả lấy từ dưới ghế bành một hộp trầu và cái ống nhổ bằng đồng đem từ Việt Nam sang. Cũng thong thả như vậy, cụ têm một miếng, có cả vôi và cau tươi, rồi đưa lên miệng nhai.
    - Mẹ cháu bảo mang cho bác ít cau trầu quê nhà, nhưng không chắc tìm thấy nên cháu không mang theo.
    - Bên này cũng có. Thằng Hòa nó nhờ mua đâu đó từ miền Tây. Tương cà mắm ớt không thiếu cái gì.
    Mãi đến lúc này tôi mới nhận thấy bà cụ Mật vẫn mặc chiếc quần lụa đen, chiếc áo vải gụ đã sờn, và đầu vẫn quấn chiếc khăn nhung cũ hệt như ngày nào tôi gặp cụ ở làng. Nếu không có màu trắng của các đồ vật trong căn phòng sạch sẽ, lạnh lẽo ở tòa nhà kính gần ba chục tầng, và màu trắng của tuyết Chicagô những ngày cuối năm này, thì khó có thể hình dung bà cụ đang xa quê nhà hàng chục nghìn cây số, ở một đất nước có thể là no đủ, sung sướng đấy, nhưng vẫn buồn và xa lạ. Bất giác, tôi có cảm giác như bà cụ vừa đi cấy về, đang tỏm tẻm nhai trầu, trò chuyện với mẹ tôi, thì bỗng bị bàn tay vô hình nào đó bê nguyên xi sang đây, tách khỏi màu xanh quê hương làng xóm, khỏi những tập tục và việc làm vốn quen thuộc từ ngàn xưa, để tới cái thành phố khổng lồ, xám xịt và lạnh giá này. Cụ như cây mùng từ ao bùn Việt Nam bị nhổ bật rễ đem cấy xuống cánh đồng tuyết quê người. Và dù được giữ trong nhà kính ấm áp, được chăm sóc tốt, cây mùng ấy vẫn ngày một úa tàn, héo quắt. Đơn giản là do bị đặt nhầm chỗ.
    - Nước Mỹ rộng và đẹp, bác có hay đi chơi, xem đây đó không? - Tôi hỏi.
    - Không. Năm năm nay tôi không bước chân ra khỏi nhà.
    Lúc lái ô tô đưa tôi về khách sạn, tôi hỏi anh Hòa vì sao như vậy. Anh nói có lẽ do cụ sợ. Chả là hôm mới đến, để cụ biết nước Mỹ là gì, anh đưa cụ lên tận tầng cuối cùng của tòa nhà Sears Tower 110 tầng, cao nhất thế giới. Cụ nhìn xuống chóng mặt suýt ngất. Khi xuống, thang máy chạy nhanh quá, cụ còn nôn cả ra tay áo con. Từ đấy anh rủ đi đâu, cụ nhất định không chịu.
    - Bác có nhớ nhà không? Có muốn về thăm lại quê không? - tôi lại hỏi.
    Bà cụ ngồi im hồi lâu, hai mắt lại rưng rưng đờ đẫn nhìn những cánh tuyết xốp rơi không dứt ngoài cửa sổ. Lần nữa bà cụ lại chìm trong thế giới những ý nghĩ đau buồn không dứt của mình. Tôi cũng kiên nhẫn ngồi im, không hỏi thêm câu nào nữa. Cuối cùng, cụ chậm chạp, khó nhọc đứng dậy từ chiếc ghế bành lớn màu trắng. Tôi định đỡ, nhưng cụ ra hiệu không cần. Và cũng chậm chạp, khó nhọc như vậy, cụ cởi chiếc áo gụ sờn đang mặc trên người, đút vào hai túi hai miếng trầu đã têm sẵn, cẩn thận vuốt thẳng từng thân áo, ống tay rồi gói vào một tờ báo. Cụ còn lấy một sợi len đỏ gấp bốn, cột chéo vuông vức như chiếc bánh chưng.
    Xong, cụ kính cẩn đặt chiếc áo vào tay tôi. Lần này thì cụ khóc thực sự. Hai dòng nước mắt hiếm hoi từ từ lăn xuống và nhòe dần theo những lớp nhăn sâu trên khuôn mặt già nua khô quắt. Tôi cũng xúc động không kém và chỉ biết đứng im, chờ xem cụ định làm gì.
    - Anh nói hộ với mẹ anh là tôi nhớ bà ấy lắm, nhớ bà con, làng xóm lắm. Bây giờ gặp anh đây, tôi có thể nhắm mắt được rồi. Tôi biết tôi chẳng còn sống bao lâu nữa, và chắc chắn sẽ phải chết ở cái xứ lạnh lẽo, xa lạ này. Vậy nhờ anh mang cái này về chôn cạnh mộ ông lão nhà tôi, có lẽ bây giờ đã được đưa về Rú Thần, trong nghĩa trang họ Hoàng mới xây như anh nói. Nếu được, bảo người ta đắp cho tôi nấm mộ giả cho có vợ có chồng. Ông ấy đỡ cô đơn, mà cũng đỡ tủi cho tôi...
    Tuyết vẫn không ngừng rơi. Đêm đã khuya, các đường phố Chicago vốn đã rộng càng thêm rộng. Anh Hòa cầm lái cho xe đi thong thả vì đường trơn. Tôi ngồi yên phía sau. Chiếc áo sờn nhẹ tênh của bà cụ Mật đè nặng trong tay tôi, như thể tôi đang một mình bế cụ vượt hàng vạn cây số đưa về nơi yên nghỉ cuối cùng trên đất mẹ./.
    

Kết Thúc (END)
Thái Bá Tân
» Đứa Bé Ăn Mày
» Bạch Ngọc
» Sapa Mây Phủ
» Hà Nội Những Ngày Trước Tết
» Cuộc Trở Về Của Đứa Con Lầm Lỗi
» Ðứa Bé Ăn Mày
» Gửi Nàng Elise
» Người Rách Bóng
» Vẽ Ác
» Hai Chiếc Gương
» Người Không Nhớ Tên Mình
» Những Cô Gái Áo Trắng
» Anh Dũng Cảm và Anh Hèn
» Tuyết Lạnh
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển