Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bắt Trộm Tác Giả: Kim Tam Long    
    - Thì có ai nghĩ bây giờ nó lại phức tạp như thế, cứ quen ngày xưa ở dưới quê cửa nhà cửa ngõ cứ mở ra suốt ngày vậy mà có mất cái gì đâu...
    
- o O o -

    - Trộm ! có trộm bà con ơi, bắt lấy nó...
    Ông Tú cầm cái chổi quét nhà lao vội ra ngoài ngõ vừa chạy vừa hô lớn. Mấy người hàng xóm cũng vội vàng mở cửa ra xem tình hình thế nào. Bà Nhung ở sát nhà ông Tú đang ngồi trong toa-lét, nghe thấy tiếng hô bắt trộm cũng hốt hoảng kéo luôn cái quần hoa lên đến quá bụng để chạy vội ra xem...Bất chợt bà lại quay vào nhà vớ luôn con dao phay làm vũ khí, vừa nhìn thấy ông Tú bà hỏi dồn dập:
    - Đâu, đâu! Đứa nào, có tóm được nó không...Có mất gì không?
    Ông Tú thở hổn hển chống cái chổi xuống đất, miệng vẫn lẩm bẩm mặc cho những câu hỏi của hàng xóm đứng vây xung quanh:
    - Mẹ bố tiên sư nhà mày! Ông mà tóm được thì ông chọc cho mày thọt lên đến tận cổ!
    Bà Nhung lạch bạch thân hình béo tròn của mình chạy ra đầu ngõ hết nhìn lên lại nhìn xuống rồi quay lại nói với ông Tú:
    - Thế có mất cái gì không? Gớm ông hét to quá, làm tôi chưa giải quyết xong cái chỗ dở...
    Đã bình tĩnh trở lại ông Tú bắt đầu kể:
    - Đang nằm nghe cải lương Lan và Điệp, tự nhiên tôi thấy một bóng người đi vào trong nhà, nhìn thấy tôi nó bỏ chạy luôn! Tôi đuổi theo mà không kịp, nó nhanh như con ma chơi. Chắc là chưa kịp thón cái gì đâu, quên không đóng cửa ngõ một cái là trộm nó đã mò vào rồi! Chết thật!
    Ông Nhân nghe vậy vội sờ tay vào trong túi moi ra chùm chìa khóa rồi cũng ngó về phía cửa nhà mình cho yên tâm rồi nói:
    - Thời buổi bây giờ sợ thật, một mét vuông mà có đến mấy chục thằng ăn cắp! Sắp tết rồi nên bọn nó lộng hành lắm, toàn bọn đói ăn đấy! tốt nhất là cứ đi đâu cũng phải khóa hết cửa vào cho yên tâm...
    Ông Nhân và bà Nhung từ trước đến giờ vốn không ưa nhau, nghe ông Nhân nói vậy bà tranh thủ cạnh khóe:
    - Ông Nhân nói đúng đấy! nhưng có khóa thì nó cũng bẻ được hết, mấy cái khóa rẻ tiền nhà ông thì dọa được ai, nhà bà Thu ở tổ 12 kia kìa, đi ăn đám thượng thọ bị chúng nó mang cả ôtô tải vào chở hết đồ ra mà không ai biết, về đến nhà trống trơn chả còn cái mẹ gì ngoài đôi dép tổ ong...
    Biết mình bị nói đều, ông Nhân nói:
    - Vâng! khóa nhà tôi và khóa nhà bà cùng hãng với nhau, nhà tôi mà bị làm sao thì nhà bà cũng chả kém.
    Ông Tú nhìn bà Nhung tỏ vẻ nghi ngờ:
    - Bà cứ nói quá, ăn cắp thì nó phải lén lút, ai lại mang cả ôtô tải vào rồi lại khuân hết cả đồ đạc đi dễ như thế, còn hàng xóm láng giềng nữa chứ.
    Thấy ông Nhân cũng gật gù với ý kiến của ông Tú, bà Nhung biết là họ tỏ rõ thái độ không tin mình, bà để con dao xuống dưới đất rồi ngạc nhiên hỏi lại:
    - Ô hay, thế chẳng nhẽ hai ông bảo tôi điêu à!
    Ông Nhân cười nhạt:
    - Bà nói cứ như trong phim, ăn cắp gì mà lại đi bằng cả ôtô thế thì loạn à !!!
    Bà Nhung phủi hai tay vào nhau, nét mặt rất nghiêm túc:
    - Thế thì mới thành chuyện, chúng nó thấy nhà đi vắng cả, giả vờ là dịch vụ dọn nhà, hàng xóm lại cứ tưởng nhà bà ý định chuyển đi nơi khác nên có ai nghi ngờ gì đâu. Thậm chí có mấy người hàng xóm còn giúp bọn nó khuân hộ đồ lên xe ý, thế mới đau! Khổ thân bà Thu, giờ nhìn già như con lạc đà vì tiếc của! Báo công an rồi nhưng chưa biết có bắt được thủ phạm không.
    Ông Nhân thẫn thờ khi nghe bà Nhung nói, bỗng nhiên ông cau mày lại nhìn mọi người:
    - Vậy thì xóm chúng ta phải hết sức đề cao cảnh giác, tôi đề nghị thế này...Ngõ nhà chúng ta có 4 nhà sát nhau, khi một trong bốn nhà bị trộm nó mò vào hỏi thăm thì cứ hô thật to lên, các nhà còn lại sẽ ập ra chặn lại...Kiểu gì cũng phải tóm được nó. Chẳng lẽ cả mấy nhà hợp lực lại mà lại thua mấy cái thằng ăn cắp à!
    Ông Tú nói thêm:
    - Tôi là tôi ghét nhất cái thói trộm cắp, cứ phải làm sao tóm được nó rồi nện cho một trận đã rồi mới đưa ra đồn công an...
    Dường như cũng ủng hộ ý kiến của ông Tú, bà Nhung cúi xuống vớ con dao phay lên khua khoắng:
    - Tôi mà tóm được thì con dao này sẽ xin nó tí tiết canh...Hèn nào dạo này tôi thấy rất nhiều đối tượng lạ mặt lởn vởn ra vào cái ngõ này...Loại trộm cắp là không thể thương được, cứ phải trị cho nó thẳng tay!
    Ông Nhân quay sang nhìn ông Tú dặn dò:
    - Nhà ông Tú là cần phải để phòng nhất, nhiều lúc tôi đi qua cứ thấy cửa mở toang hoang ra, ông là ông chủ quan lắm đấy!
    Ông Tú chép miệng thở dài:
    - Thì có ai nghĩ bây giờ nó lại phức tạp như thế, cứ quen ngày xưa ở dưới quê cửa nhà cửa ngõ cứ mở ra suốt ngày vậy mà có mất cái gì đâu...
    Vừa nghe thấy ông Tú nói vậy, bà Nhung lắc đầu:
    - Mỗi thời nó một khác, nhà tôi đây này, có cái xô rác để ngoài cửa, đêm không xách vào mà hôm sau còn mất nữa là đồ đạc khác...Bọn ăn cắp thì nó có tha cái gì đâu, ông cứ tơ hơ ra như thế khác gì mời chúng nó xơi!
    Bà Nhung ngó trước ngó sau rồi giơ tay ra hiệu cho hai ông hàng xóm có vẻ bí mật:
    - Này hai ông! Có khi kẻ trộm chẳng đâu xa lại chính là thằng Quảng con bà Phấn đấy, dạo này nhìn dặt dẹo lắm, chắc nghiện nặng rồi cũng nên! Mấy lần tôi đi về gặp nó ở ngõ, ngáp lên ngáp xuống, mặt thì tái như đít con nhái...
    Ông Tú nghe bà hàng xóm nhắc đến thằng Quảng vội đảo mắt nhìn về phía nhà bà Phấn, mặt ông bỗng nhăn lại tức tối:
    - Còn nhà nghèo mà đú đởn! người gầy như xác ve thế mà không nghiện nó phí đi! Lần trước nhà tôi mất cái máy bơm nước, tôi đã nghi nghi rồi nhưng không có bằng chứng gì nên đành chịu. Dạo này toàn thấy nó đi đêm thôi, cái mặt thì hốc hác như cái đứa bị sảy thai ý! Tôi là tôi không có thiện cảm với cái nhà đấy từ xưa rồi, giống nghiện ngập là tôi chúa ghét!
    Bà Nhung bĩu môi:
    - Cái ngữ ấy thì ai ưa! Cứ nhìn thấy nó là tôi phải đề cao cảnh giác. Thôi thế này, giờ chúng ta ai về nhà nấy mai phục, có động tĩnh gì thì cứ hét thật to lên, nghe thấy tiếng ở nhà nào thì các nhà khác sang hỗ trợ luôn và ngay. Con Ô sin nhà tôi nó lại chuẩn bị về quê, không có ai trông nhà! Tôi phải để sẵn con dao phay này đề phòng bắt trắc...
    Cầm con dao phay của bà Nhung, ông Tú lật mặt trước mặt sau để xem rồi phì cười:
    - Bà cứ cẩn thận quá, làm gì đến mức phải dùng con dao to thế này, án mạng như chơi đấy! Thấy kẻ trộm thì cứ hô hoán lên là chúng nó sợ chạy vãi cả đái ra rồi. Đừng nóng giận quá mà mất khôn!
    Bà Nhung giật lấy con dao, nét mặt bà rất nghiêm trọng:
    - Ông chả chịu đọc báo gì cả! Bây giờ chúng nó có lấy tiền hay vàng là xong đâu, nó còn hãm hiếp gia chủ nữa đấy, hãm hiếp xong rồi nó giết luôn để bịt đầu mối. Cướp – hiếp – giết là cùng một chuỗi dây chuyền hành động của chúng nó bây giờ. Tôi cứ cầm con dao phay này, léng phéng là tôi xoẹt một phát đứt luôn!
    Ông Tú giật mình ngắm thân hình đồ sộ của bà Nhung từ trên xuống dưới và chưa hình dung ra cái cảnh bà bị hãm hiếp thì nó sẽ thế nào, ông nghĩ thầm nếu nó có xảy ra thật thì khổ thân thằng trộm lắm! Còn ông Nhân thì tranh thủ mỉa mai:
    - Trộm cướp bây giờ chúng nó cũng khôn lắm, nó cũng phải biết giữ sức khỏe để còn tẩu thoát. Tôi chỉ sợ là hãm hiếp bà xong thì nó đi bằng đầu gối để chạy thôi, riêng bà thì chúng nó chỉ có cướp và giết thôi, còn cái khoản hãm hiếp thì không bao giờ xảy ra với bà đâu, đừng có mơ!
    Đang cay cú trước cái giọng mỉa mai của hàng xóm, bà Nhung đang định trả đũa thì cái Lan con ông Tú bấm còi xe máy:
    - Bố và các cô chú làm gì mà tụ tập bàn tán vậy, nhường đường để con đi học nào!
    Thấy con gái đi học, ông Tú tranh thủ dặn dò con gái đi đường cẩn thận đừng vượt đèn đỏ kẻo lại bị phạt như mấy lần trước thì nghe nó nói:
    - À này Bố ơi! Con bảo. Lát nữa có anh Điệp bạn của con đến thì bố đưa cái Laptop con để trên bàn trả cho anh ý hộ con nhé, con mượn mấy hôm rồi. Mà bố cho con tiền mua cái máy khác đi để con còn học bài, bây giờ không có Laptop con chả làm được việc gì. Bố hứa mấy lần rồi mà chẳng thấy mua cho con!
    Ông Tú thấy hơi ngại với mấy người hàng xóm liền cười trừ:
    - Ừ, bố nhớ rồi, sang tuần rồi bố mua cho cái máy khác, đi mượn của người ta mãi cũng ngại!
    Bà Nhung nhìn thấy cái Lan đi khỏi mới quay sang bảo ông Tú:
    - Ông bảo nó phải cẩn thận đấy, đã tên Lan rồi lại quen thằng tên là Điệp thì sau này cơm cháo gì nữa!
    Ông Nhân cũng nói thêm:
    - Đúng đấy, thằng Giang con tôi đây này, quen một con tên Mai, tôi cấm cửa luôn. Tên gì mà ghép lại thấy kinh luôn.
    Ông Tú mắt sáng lên rồi cau mày lại vì giờ mới chợt nhớ ra, nhưng ông cũng đang không hiểu là cái thằng tên Điệp chết tiệt đấy có phải người yêu của cái Lan con gái ông không vì chưa thấy nó đến nhà bao giờ. Ông nghĩ thầm lát nó đến lấy máy tính ông thử thăm dò xem, nếu đúng là có tình cảm thì sẽ ngăn cản luôn, không thể để con gái ông có chuyện tình giống Lan và Điệp được.
    Từ xưa đến giờ ông quan niệm rằng cái tên nó rất quan trọng và liên quan đến hạnh phúc của cuộc đời người ta. Thằng Nghĩa con trai cả của ông năm nay đã gần 30 tuổi, cũng có người yêu hứa hẹn chuẩn bị cưới xin, nhưng khi dẫn về ra mắt thì ông mới biết tên người yêu nó là Trang. Hai cái tên Nghĩa-Trang ghép lại đã đủ khiến ông nẫu ruột rồi. Ông cương quyết cấm đoán không cho hai đứa tiếp tục quan hệ, việc đó khiến hai bố con ông đang xảy ra xích mích với nhau, chuyện chưa đâu vào đâu thì giờ lại đến con gái út của ông tên Lan mà lại quen thằng tên Điệp...
    Mới nghĩ đến vậy mà lòng ông đã buồn rười rượi, bất chợt nhìn thấy cái chổi trong tay mà lúc nãy cầm đuổi đánh thằng trộm làm ông hình dung ra cái cảnh cái Lan con gái ông đang quét lá đa ở sân chùa, còn thằng Điệp thì đi lấy con bỏ mẹ khác...
    - Này, ông làm sao mà đần người ra thế, trúng gió à? – Ông Nhân lay người ông Tú
    Luống cuống một lúc, ông Tú mặt như sắp khóc:
    - Đúng là cái vận cái hạn cuối năm! Hết lo trộm cắp rồi lại đến chuyện con cái yêu đương, đau hết cả đầu...Mẹ bố chúng nó chứ, bao nhiêu cái tên hay không chọn, chọn toàn cái tên ẩm ương!
    Bà Nhung hiểu ý ngay liền an ủi:
    - Thôi ông đừng lo, chắc gì đã phải yêu đương, nhỡ thằng Điệp đấy là bạn bình thường thì sao, ông chỉ được cái lo xa. Thôi tôi về xem nhà cửa thế nào đã, cứ theo kế hoạch mà làm nhé các ông, cứ thấy trộm là hô to lên tôi vác dao sang tiếp ứng ngay.
    Tất cả giải tán ai về nhà nấy, mỗi người đều mang một tâm trạng không vui, riêng bà Nhung thì lại lo hơn vì nhà bà giàu nhất xóm, kiếm được đứa Ôsin nhanh nhẹn được việc thì nó lại chuẩn bị về quê giữa tình trạng trộm cắp gia tăng, một mình bà không biết xoay xở thế nào...
    - Lụa! Mày làm cái gì thế, lại hóng hớt chuyện người lớn hả, vào trong nhà ngay...Trộm cắp bây giờ đầy ra mà mày cứ mở toang hoang cửa ra thế à!
    Nhìn thấy con Lụa Ôsin mặc cái áo màu hồng nhạt, mắt đeo kính đen, tay cầm điện thoại, ngồi trên cái ghế nhựa nhìn về phía đầu ngõ để hóng chuyện vừa rồi của bà với mấy người hàng xóm, bà Nhung quát lên làm con Lụa hoảng hốt:
    - Ô hay, bác làm cái gì mà quát to thế! cho cháu nghe các bác chém gió tí...Cháu ngồi đây thì đứa nào dám vào ăn cắp, cháu chả oánh cho bỏ mẹ ý chứ!
    Bà Nhung trợn mắt:
    - Con mất dậy, mày bảo ai chém gió? Bọn tao đang bàn chuyện rất nghiêm túc, nhà ông Tú vừa rồi trộm nó mò vào nhà kia kìa, mày liệu mà trông nhà cho cẩn thận.
    Nhìn thấy con Lụa tự nhiên hôm nay đeo cái kính đen, bà Nhung ngó nghiêng một lúc rồi hỏi:
    - Sao hôm nay mày lại đeo cái kính đen này trông như con mù dở thế, hay mày bị đau mắt hột, cẩn thận không lại lây sang tao!
    Con Lụa tháo cái kính ra, lấy cái vạt áo lau lau rồi lại đeo vào mắt:
    - Mốt đấy bác ạ, kính này không phải kính thường đâu, kính 3D đấy, nhìn không gian 3 chiều luôn!
    Cả đời bà Nhung cũng chỉ biết đến cái kính lão, kính cận, còn 3D thì bà cũng chỉ nghe quảng cáo trên vô tuyến về loại Tivi siêu mỏng xem hình ảnh 3D, bà thắc mắc:
    - Kính 3D là cái mẹ gì nhỉ, có phải để xem vô tuyến không?
    Con Lụa tươi cười gật gù khoái chí:
    - Đúng rồi, công nghệ mới nhất đấy. Hôm qua con Mận được chủ nhà cho 2 cái vé xem phim 3D nó rủ cháu đi rạp xem cùng, thấy người ta phát cho cái kính này đẹp quá nên cháu múc luôn để diện chơi tết!
    Như chợt nhớ ra điều gì, bà Nhung chỉ tay vào mặt dọa nạt con Lụa:
    - Nhân tiện đây tao cấm mày tụ tập với bọn con Mận, con Na nhà đầu phố đấy nhé, đi làm giúp việc mà xểnh ra một cái là tụ tập với nhau nói xấu chủ nhà rồi bàn tán lên chính sách đòi hỏi, hở một cái là đòi tăng lương, suốt ngày ăn rồi ngủ béo tròn ra, làm thì lười! Động một cái là dỗi hờn, đòi nghỉ việc.
    Con Lụa nghe thấy bà chủ mắng mình, đùng đùng đứng dậy, mặt mếu máo, tay đưa lên vỗ vào ngực nghe kêu bồm bộp:
    - Bác không được xúc phạm đến danh dự của cháu! Tuy cháu là Ôsin nhưng cháu cũng có cái Tôi của cháu, một bầu trời tư cách tồn tại trong này! Cháu đã nhịn nhục nhiều lắm rồi, từ hồi cháu về đây nhận công tác, thử hỏi bác coi cháu khác gì đứa ở của cái nhà này...không thể chịu được nữa. Vì bác mà cháu đã từ chối rất nhiều lời mời hấp dẫn từ các gia đình khác, ổn định hơn, lương cao hơn, nhàn hơn! Đã thế mỗi năm lại còn được cho đi nghỉ mát! được mua quần áo đẹp...Tết còn được tháng lương thứ 13, 14 theo quy định của chính phủ.
    Bà Nhung trợn tròn mắt nghe, bất ngờ trước những ý kiến mà nó vừa phát biểu. Tuy tức tối nhưng sợ làm căng lên nó lại bỏ việc luôn thì chết, cuối năm tìm Ô sin đâu có dễ, mà con Lụa thì cũng đã quen việc và quen tính cách của bà hơn mấy đứa Ô sin trước. Tự kìm chế cơn tức giận, bà nhẹ nhàng:
    - Thì tao cũng toàn cho mày quần áo của tao còn gì, thỉnh thoảng lại còn cho cả đôi guốc đi nữa! Ăn uống thì tao ăn gì mày ăn đấy, chế độ đãi ngộ có kém gì nhà nào đâu, mày còn muốn gì nữa...
    Bà Nhung chưa dứt lời thì con Lụa đã vén áo lên, chìa ra cái cạp quần:
    - Đây, bác nhìn đây này, bác 70 cân, cháu có 40 cân, mà cho cái quần này à, kéo một phát lên đến tận cổ, cháu phải buộc rúm ró vào thế này mới mặc được đây này. Con Mận giúp việc ở đầu phố kia kìa, nhà chủ người ta có máy giặt, lò vi sóng, bếp ga nên nó có phải làm gì mấy đâu. Đi ngủ còn được nằm điều hòa nhiệt độ, thời buổi gia nhập tổ chức y tế thế giới rồi mà bác còn bắt cháu giặt quần áo bằng tay, nhóm bếp than. Đêm hôm thì bắt đi tuần tra canh trộm cứ như lính trinh sát ý! Vất vả như thế mà còn chê là lười, tiền phụ cấp độc hại thì không có...
    Thấy con Lụa đòi hỏi lên dần, bà Nhung tức tối:
    - Mày nói cái gì, độc hại hả? Mày làm việc nhà chứ mày làm ở khu chế tạo khí độc à mà đòi tiền phụ cấp độc hại. Tao biết ngay mà, chúng mày cứ tụ tập với nhau lần nào là y như rằng về lại đòi hỏi chủ nhà.
    Con Lụa lại tiếp tục mếu máo, mặt mũi nhăn nhó xem chừng có nhiều nỗi ấm ức:
    - Thế mà không độc hại à, nói ra thì lại càng tủi nhục cho thân phận mình! Hồi đầu nhận việc chỉ nói là làm việc nhà thôi, càng ngày càng sai toàn những việc chẳng liên quan. Ví dụ như việc nhổ lông nách chẳng hạn, làm gì có trong thỏa thuận ban đầu. Tuần nào cháu cũng phải nhắm mắt nhắm mũi để cắm mặt vào đấy mà nhổ, như thế mà bác bảo không độc hại à!
    Bà Nhung lúng túng:
    - Ờ thì cái đó là việc riêng, phụ nữ với nhau thì tao nhờ mày không được à? Làm gì mà mày cứ như là đau khổ, uất ức lắm ý! Thôi được rồi lần sau nhờ thì tao bồi dưỡng cho 2 nghìn, được chưa?
    Vẫn chưa hài lòng, con Lụa tiếp tục:
    - Còn cái vụ này nữa, cháu là cháu không muốn nói ra đâu, nhưng không nói thì không chịu được. Bác ốm đau thì cháu sẵn sàng thức đêm phục vụ, miễn là bác không bắt cháu nằm ngủ cùng giường là được! Đã mấy lần ngủ cùng, cháu không thể chịu được...
    Nghĩ rằng mình ngáy to quá nên làm nó không ngủ được, bà Lụa an ủi:
    - Tao biết là mày quen ngủ một mình rồi, đúng là tao ngủ ngáy cũng hơi to nhưng ốm đau mày không nằm cạnh thì tao không yên tâm...Có gì gọi lại khó...
    Con Lụa vội ngắt lời:
    - Không phải như thế, cháu không ngại chuyện đó, nhưng bác cứ có cái kiểu chùm chăn xong rồi oánh rắm, thối không chịu được, nhiều lúc cháu muốn ngạt thở luôn, bệnh viêm xoang của cháu ngày càng nặng cũng là vì lý do đấy, nhiều lúc cháu đau lòng lắm bác biết không. Một đêm oánh đến mấy chục phát thì bố cháu cũng chả chịu nổi...
    Bà Nhung vội nhìn ra ngoài cửa như sợ có ai nghe thấy, bà xua tay:
    - Mày bé bé cái mồm hộ tao, mày rống lên như thế thì mấy ông hàng xóm ông cười tao chết. Mày phải giữ thể diện cho tao.
    Vớ cốc nước lọc tu một hơi cạn, con Lụa đặt mạnh cái cốc xuống rồi tức tưởi:
    - Nhắc đến lại nhớ, cháu giữ thể diện cho bác thì bác cũng phải biết giữ thể diện cho cháu chứ. Hôm bác Tú với anh Nghĩa sang nhà chơi, bác oánh tủm một phát to đùng ngã ngửa ra, rồi đổ vạ cho cháu là tác giả của quả tủm đấy! Thà rằng quả đấy nó xịt thì đã đành, đằng này tủm một phát to phát khiếp ra, làm cháu xấu hổ với anh Nghĩa, cả đêm cháu khóc cạn hết nước mắt bác có hiểu không?
    Thấy con Lụa khóc nước mắt ngắn dài, bà Nhung liền an ủi:
    - Thôi tao biết rồi, thì hôm sau tao chả đền mày gói bim bim rồi còn gì! Với lại chuyện đó cũng bình thường thôi, ai chả có lúc nhỡ nhàng!
    Lụa chu môi lên:
    - Bình thường thôi! Bình thường thì sao bác không nhận đi, sao lại có cái kiểu oánh rắm xong rồi đổ cho người khác như thế chứ! Sau hôm đó, anh Nghĩa cứ gặp cháu ở ngõ là lại trêu cháu, làm cháu chỉ muốn thắt cổ tự tử cho xong!
    Bà Nhung bật cười, đứng dậy sang ngồi cạnh đặt tay lên vai Lụa đầy thông cảm:
    - Chắc nó thấy mày xinh nên nó trêu! Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu, không thằng nào nó trêu thì mới sợ cháu ạ!
    Lụa ngơ ngác nhìn bà Nhung với khuôn mặt méo mó:
    - Thôi chả dám đâu ạ, anh ý toàn bảo cháu là: "Mục đích của em đến trái đất là để oánh bom à", rồi "sau này ai lấy được em thì khỏi cần phải đốt pháo"... Trêu như thế làm sao cháu có Gấu được chứ, cháu vẫn đang "Ép-Ây" mà...
    Lụa gạt nước mắt rồi đứng dậy, vớ lấy túi vải to đã chuẩn bị sẵn, sắp xếp ít đồ để chuẩn bị về quê. Tay cất đồ mà miệng vẫn lẩm bẩm:
    - Mà bác có thời gian thì cũng nên đi kiểm tra cái hệ thống thoát khí đấy xem có bị hỏng van không, nếu có hở van thì nhờ bác sĩ người ta khóa vào cho, ai lại cứ Tủm Tủm suốt ngày thế, rồi cháu lại bị oan gia!
    Bà Nhung móc túi ra mấy tờ tiền, định đưa cho con Lụa 200 nghìn nhưng lại tiếc, rút lại và lấy tờ 100 nghìn:
    - Tao cho thêm 100 nghìn mà đi tàu xe về quê, tháng này tao đã ứng trước tiền lương cho mày rồi đấy nhé, sướng chưa! Có chủ nào dễ tính như tao đâu. Về mấy hôm rồi sang tuần lên luôn nhé, tháng sau là tết rồi đấy. Ở đây ăn tết chả vui hơn về quê à, đúng không? Cứ ở đây rồi tao kiếm cho tấm chồng, có khi đổi đời đấy con ạ!
    Lụa phụng phịu cầm tờ tiền nhét luôn vào túi rồi nói:
    - Để cháu xem việc nhà việc cửa thế nào đã...ở đây thì cháu làm Ô sin thế thôi, chứ về quê là cháu có giá lắm đấy. Thôi bác ở nhà, cháu đi ra ngoài kia chào con Mận và con Na đã!
    Lúc này bên nhà ông Tú chỉ còn một mình, cửa ngõ ông vẫn hé mở để rình thằng trộm quay lại. Tay lăm lăm cái chổi để đánh trộm mà trong lòng ông vẫn nghĩ đến thằng Điệp, ông thầm cầu mong cho nó không phải là thằng người yêu của con Lan để ông đỡ mệt. Ông thở dài đi vào nhà, nhìn thấy cái Laptop mà trong đầu nghĩ ra bao nhiêu câu hỏi để khi thằng Điệp đến lấy thì ông còn thăm dò...
    - Cháu chào chú ạ! Cháu là bạn của Lan ạ!
    Đang mải suy nghĩ thì ông giật mình khi nghe thấy tiếng chào của cậu thanh niên đeo kính. Ông biết đây chính là thằng Điệp rồi, nhưng vẫn cố thể hiện khuôn mặt lạnh lùng để cho nó biết rằng muốn tán con gái ông không dễ...
    - Vâng, chả dám! Mời anh vào nhà xơi nước.
    Cậu thanh niên nhìn nét mặt nghiêm nghị của ông Tú, cậu bỗng luống cuống không dám ngồi xuống, cậu ấp úng giới thiệu:
    - Dạ, cháu là Điệp, cháu đến xin cái máy tính xách tay ạ! Lan đi đâu rồi ạ!
    Ông Tú lạnh lùng nhìn cậu Điệp từ trên xuống dưới rồi nghĩ bụng, "Nó sợ mình quá nên mặt tái dại rồi, giờ phải thị uy cho nó biết", rồi ông nói bằng cái giọng mỉa mai:
    - Vâng, máy tính của cậu đây, con gái tôi nó đi chơi với người yêu nó rồi, thời gian đâu mà ngồi chờ cậu!
    Cậu Điệp run run cầm cái máy tính, miệng ấp úng mãi mới nói được:
    - Lan! Lan có người yêu rồi hả chú!
    Ông Tú đứng phắt dậy nhìn trừng trừng vào mặt cậu Điệp:
    - Thế anh nghĩ con gái tôi nó ế chắc! Xin lỗi anh nhé, đầy thằng xếp hàng xin chết kia kìa. Nhưng thằng nào có ý định cưa cẩm con gái tôi là tôi tống cổ ngay, đang đi học yêu đương cái gì.
    Thấy Điệp sợ quá tay ôm khư khư cái Laptop như muốn bỏ về, ông Tú lại tiếp tục gằn giọng dọa nạt:
    - Thế anh là như thế nào với con gái tôi, có phải anh có ý định tán tỉnh nó không thì bảo!
    Điệp xua tay lia lịa:
    - Dạ không ạ, cháu chỉ là bạn bình thường thôi, cháu xin phép chú cháu về...
    Nói xong, Điệp hơi cúi đầu xuống chào rồi đi luôn ra cửa mà khuôn mặt không giấu được vẻ lo âu sợ hãi trước thái độ của ông Tú. Thấy thằng Điệp như vậy, ông Tú thở dài nhẹ nhõm, vậy là ông đã đuổi được cái thằng định cưa cẩm tán tỉnh ông mà nghe đến tên nó đã đủ để ghét rồi. Ông ngồi xuống, tựa đầu vào ghế tủm tỉm cười khoái chí, chẳng hiểu con Lan và thằng Điệp này có gì không nhưng ông tin chắc là sau hôm nay có cho tiền nó cũng không dám bén bảng đến đây nữa và tương lai con gái ông sẽ không có kết thúc bi thảm giống chuyện tình Lan và Điệp...
    Đang mơ màng vì chuyện vừa rồi bỗng ông nghe thấy tiếng chó sủa từ phía bên nhà ông Nhân hàng xóm, chợt nhớ ra đến thằng trộm, ông bật dậy cầm cái chổi, tay rón rén tắt đèn rồi nhẹ nhàng leo lên cầu thang theo dõi...
    Một cái bóng người lạ đang ngó nghiêng trước cửa nhà ông Nhân có vẻ rất khả nghi! Nó đang thập thò ngó vào cửa nhà ông Nhân rồi lại loay hoay ngó nghiêng sang nhà khác. Con chó nhà ông Nhân thấy người lạ sủa lên khiến nó bỏ chạy thụt lùi, tự nhiên nó đứng nhìn chằm chằm về phía cửa nhà ông...
    Tay ông lăm lăm cái chổi, "Quả này thì mày có chạy đằng trời con ạ!, ông phang cho mày chết" nghĩ vậy rồi ông nhẹ nhàng đi xuống cửa.
    Bóng người lạ đang đứng trước cửa nhà ông mà ông đã mở hé chờ sẵn. Khi thấy nó vừa thò tay vào định kéo cửa thì ngay lập tức ông vụt cái cán chổi vào tay rồi bất ngờ lao vút ra đập túi bụi vào mặt, vào người thằng trộm. Vừa đập ông vừa hô hoán cho hàng xóm sang tiếp ứng:
    - Trộm! Bà con ơi, bắt được nó rồi, Trộm! Trộm!
    Nghe tiếng hô ông Nhân vớ cái gậy lao sang, bà Nhung cầm luôn con dao phay cũng vừa chạy sang vừa hô hoán:
    - Trộm, đánh chết mẹ nó đi bà con ơi!
    Thằng trộm sợ quá lao người bỏ chạy nhưng không kịp vì ông Tú và ông Nhân đã lôi cổ được nó vào trong nhà, còn bà Nhung với khuôn mặt đanh đá, dữ tợn đã kề con dao phay vào cổ nó...Miệng gầm gừ không rõ tiếng. Đưa thằng trộm vào trong nhà ông Tú, bà Nhung quay lại kéo cửa vào đề phòng nó tẩu thoát. Thằng trộm vẫn liên tiếp nhận được trận mưa đòn từ cán chổi của ông Tú và cái gậy của ông Nhân...
    Bà Nhung bỗng hét lên một tiếng để hai người kia dừng lại rồi bà với khuôn mặt lạnh lùng, đôi mắt mang hình viên đạn, tay giơ thẳng con dao phay tiến nhanh đến chỗ thằng ăn trộm:
    - Mày muốn tao chém chết mẹ mày không! Đời tao ghét nhất là cái thói trộm cắp, trước khi đưa mày ra đồn công an tao phải xin mày tí tiết canh đã!
    Thằng trộm quằn quại dưới đất vì đau đớn, tay xua liên tục vì sợ hãi, mặt mũi đã tím bầm vì bị đánh. Ông Tú vừa thở vừa nói:
    - Tôi theo dõi thấy nó đang lởn vởn định ăn cắp nhà ông Nhân nhưng thấy chó sủa nó sợ quá chạy vào nhà tôi định đánh quả...Tôi ập vào tóm gọn luôn!
    Bà Nhung hét lên một tiếng lấy khí thế rồi phang con dao thẳng xuống chân của thằng ăn trộm khiến tất cả đều hốt hoảng nhưng cũng may là bà chỉ bổ xuống bằng cán dao nên chân nó không bị đứt lìa ra mà chỉ tím bầm và sưng vù lên.
    Thằng trộm đau quá nước mắt dàn dụa, nó gào lên:
    - Nhầm rồi! Cháu không phải trộm...Ôi đau quá mẹ ơi!
    Bà Nhung vừa nghe nó nói xong liền kề con dao phay vào cổ rồi nghiến răng:
    - Tao ít khi đánh người, nhưng một khi đã đánh là phải đau...Khai mau, mày ăn cắp được những gì ở cái xóm này rồi, nói mau không tao cắt cổ! Mày có phải bạn thằng Quảng con nhà bà Phấn không, chúng mày định phím nhau đạo chích ở cái xóm này hả?
    Ông Tú cũng tiến tới túm cổ áo, trợn mắt dọa:
    - Có phải lần trước mày ăn cắp cái máy bơm của tao không, khai mau!
    Ông Nhân cũng dọa thêm cho nó sợ luôn một thể:
    - Mày biết tội ăn cắp tù bao nhiêu năm không, thích ăn tết trong tù hả! Lôi luôn nó ra đồn công an cho người ta xử lý!
    Thằng ăn trộm vẫn nhăn mặt xua tay:
    - Cháu không phải ăn trộm, cháu là Điệp! bạn của Lan ở xóm này, cháu đến lấy cái máy tính Lan mượn của cháu!
    Ông Nhân và bà Nhung thì giật mình khi nghe thằng ăn trộm giải thích, bà Nhung vội rút con dao đang kề lên cổ nó lại vì chuyện thằng Điệp đến lấy máy tính thì bà cũng biết rồi. Bà Nhung cũng hơi bất ngờ, mặt ỉu xìu vì hối hận.
    Riêng ông Tú vừa nghe xong thì ông nhăn mặt, dùng hết sức lực ông giơ tay vả luôn một phát trời giáng vào mặt cái thằng nhận là Điệp kia:
    - Này thì Điệp này! Mẹ tiên sư bố nhà mày, định giở trò với tao à! Mày nghĩ tao là thằng ngu à mà tin mày, đưa nó ra đồn công an cho người ta giải quyết!
    Mặc cho thằng thanh niên đang tự nhận mình là Điệp gào khóc, ông Tú lôi xềnh xệch nó ra ngoài trước ánh mắt ngơ ngác của bà Nhung và ông Nhân
    - Trời ơi, bố làm gì bạn con thế này! Anh Điệp ơi, anh Điệp, em là Lan đây, tỉnh dậy đi anh! làm sao mà bị đánh ra nông nỗi này hả anh ơi!
    Cái Lan vừa mở cửa ra thấy cảnh hỗn chiến trong nhà, nó lao vội vào đỡ lấy Điệp đang lả đi như sắp ngất. Nghe con gái nói vậy, ông Tú mới bàng hoàng biết là mình đánh nhầm người, ông ú ớ:
    - Mày nói gì? Thằng này là thằng Điệp à, thế cái thằng lúc nãy đến lấy máy tính là thằng nào? Nó cũng bảo là thằng Điệp mà!
    Hai má của thằng Điệp chính chủ lúc này đã xưng hơn quả ổi, hai cái môi vều cả ra trông như mồm con cá trê bị dính lưỡi câu, hai mắt thì tím thâm lại trông như con gấu trúc vì những trận đòn không thương tiếc của ông Tú và hai người hàng xóm, nó vừa mếu máo vừa giải thích:
    - Cháu đến lấy máy tính, nhưng chưa biết nhà nên cháu phải đi tìm số nhà Lan, thấy chó sủa cháu mới đi ra và tìm thấy số nhà này. Định gọi cửa thì thấy nhà tắt đèn tối om, tưởng nhà có chuyện gì nên cháu định vào thì bị đánh túi bụi, chả kịp giải thích câu nào!
    Con Lan nhìn trên bàn không thấy cái máy tính đâu vội hốt hoảng:
    - Cái máy tính đâu rồi, bố đưa nó cho ai, trời ơi bố bị lừa rồi!
    Ông Tú vẫn ngơ ngác:
    - Thì nó đến nhà rất đàng hoàng rồi bảo là Điệp, tao tưởng bạn mày nên đưa nó mang về rồi. Nhưng sao lại thế nhỉ, nếu lừa thì sao nó biết mà lừa được như thế cơ chứ!
    Bà Nhung giật mình vừa chạy vừa nói:
    - Thôi chết rồi, vậy tôi phải chạy về nhà xem, lúc nãy vội sang chưa đóng cửa nhà, không biết có mất gì không!
    Ông Tú, ông Nhân vội đỡ thằng Điệp dậy ngồi lên ghế, rối rít xin lỗi. Còn cái Lan thì cứ gào khóc vì tiếc của, cái máy tính mượn mấy hôm của Điệp về học bài giờ đưa không cho người khác một cách quá dễ dàng. Giờ ông Tú lại phải mất tiền oan để đền cái máy tính khác cho thằng Điệp...
    Đang bần thần vừa day dứt vì đánh nhầm thằng Điệp, vừa thắc mắc không hiểu đầu đuôi sự việc thế nào thì bà nghe thấy bà Nhung gào khóc thảm thiết:
    - Bị lừa hết rồi các ông ơi, con Ôsin nó ăn cắp hết tiền vàng tôi giấu trong tủ rồi bỏ đi rồi. Giờ thì tôi đã hiểu rồi các ông ơi, tất cả là con Ôsin Lụa khốn nạn đấy!
    Ông Tú vội vàng lao về phía bà Nhung:
    - Thế là thế nào, sao bảo nó về quê mà, thế thì phải báo công an ngay!
    Ông Nhân không hiểu chuyện gì, cứ ngơ ngác nhìn mọi người rồi hỏi:
    - Sao tôi vẫn rối tinh lên không hiểu cái gì cả!
    Bà Nhung vừa khóc vừa giải thích:
    - Bây giờ mất hết của tôi mới hiểu ra vấn đề, con Ôsin nhà tôi nó thông đồng yêu đương với bọn trộm cắp ngoài kia, nó hóng hớt được chuyện cậu Điệp này đến lấy máy tính nên đã gọi điện báo cho thằng ăn cắp kia đến nhà ông Tú lấy, hiểu chưa! Lúc nãy tôi ở đây thì nó tranh thủ bỏ trốn luôn rồi, thế là bao nhiêu tiền tích kiệm và mấy chỉ vàng trong tủ của tôi cũng theo nó đi luôn rồi!
    Nói xong bà Nhung chạy vội đi báo công an, ông Tú mặt cắt không còn hột máu nhìn thằng Điệp mà ông tưởng là thằng ăn trộm. Ông ngồi sụp xuống đất, tính toán xem nhà còn bao nhiêu tiền để đền thằng Điệp cái máy tính xách tay, miệng lẩm bẩm:
    - Đúng là chuyện Lan và Điệp bao giờ cũng có những kết thúc bi thảm! Sau vụ này chẳng cần cấm thì thằng Điệp nó cũng bỏ con Lan thôi.

Kết Thúc (END)
Kim Tam Long
» Tình Yêu Và Cạm Bẫy
» Bắt Trộm
» Tết Này Mình Cưới Nhau Nhé
» Con Dâu Của Bà Đức
» Đừng Mở Cửa
» Lấy Vợ Còn Trinh
» Ai Nghèo Hơn
» Ai Hại Ai
» Đêm Đào Mộ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản