Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chuyến Xe Qua Bão Ngọt Ngào Tác Giả: Trần Nguyễn Anh    
    Chuyện kể về một chuyến xe tải có hai cha con bất ngờ gặp bão giông. Nếu thối chí, họ sẽ mất hết tài sản và có thể bị nước cuốn đi. Một chàng trai đi nhờ trong tình huống bắt buộc đã chủ động tìm ra giải pháp cứu xe và cứu người. Khoan hãy nói tới tính hợp lý của tình huống mà tác giả đặt ra, cô gái và bố của cô như được thêm sức mạnh để vượt qua bão lũ, câu chuyện được người đọc chia sẻ với tình cảm đột ngột của cô gái chưa yêu lần nào. Phải chăng nghề nghiệp hay hình thức của con người không phải là điều làm người ta theo đuổi say đắm. Tình yêu vốn như quả nhãn xù xì mà chứa đựng cả hương thơm và vị ngọt khó quên.
    Lời bình của nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ

    Bố cô làm tài xế đường dài. Mùa hè đem con đi cùng, xuyên Việt một chuyến cho biết đó đây. Cô ngồi với bố, trên ca-bin. Thùng xe bố chở đầy nhãn lồng Hưng Yên. Đi qua những làng mạc khô cằn, những cánh đồng nứt nẻ và dăm ba thị xã thấp lè tè những ngôi nhà chỉ vôi ve mặt tiền.
    Lần đầu tiên được đi xa, phong cảnh mải mê. Cô ghi lại vài ký họa nguệch ngoạc để đưa vào luận văn tốt nghiệp với tựa đề “Kết nối thủ đô với các vùng văn hóa khác”. Càng xa miền bắc, cô không còn thấy những người già mặc áo nâu sòng chít khăn mỏ quạ, ngạc nhiên nhìn những người già mặc áo bà ba, lên chức bà mà vẫn sơn móng chân đỏ chót...
    Bất giác, cô nhìn thấy một anh chàng tóc buộc tém, mặc áo vải gai, đi giày bố và đạp chiếc xe đạp mầu ghi đang lên dốc. Hình ảnh người con trai lẻ loi giữa những chuyến xe hàng ngồn ngộn đang vượt dốc phả khói đen sì chợt làm cô thích. Kìa, anh ta giữ một nhịp đi đều đặn đáng kinh ngạc. Cô bỏ dở bức vẽ khi bố dừng xe, mua một quả dưa hấu.
    “Ê! Anh kia, có quá giang không?” - Cô thò đầu ra hỏi gã trai. Anh ta ngẩng đầu lên, khuôn mặt nhem nhuốc, cái kính xệ xuống ra dáng: “Tôi không có tiền”. Cô nhìn bố. Bố đắn đo vài giây. Mắt cô khẩn khoản. Bố phẩy tay, bảo: “Chúng tôi cho đi nhờ”. Ngần ngừ một lúc, anh ta cám ơn bố chứ không nói với con nửa lời, rồi bốc chiếc xe đạp lên thùng xe. Cô hơi khó chịu nhưng anh ta đã lên xe rồi. Cô nói: Em tên Thanh. Còn anh? Anh chàng chăm chú nhìn cô gái và chắc hẳn thấy một khuôn mặt được trang điểm kín đáo cùng mái tóc tết đuôi sam, đôi mắt nàng mở to. “Tôi tên Nguyễn”. Cô phá lên cười: “Hay nhỉ, lấy họ làm tên à. Em là sinh viên thương mại năm cuối, anh là họa sĩ hả?”. Người khách đi nhờ có vẻ khó chịu với câu hỏi ví von mình với ai đó: “Tôi không biết vẽ, tôi là một nhạc công”.
    - Xướng ca vô loài! - Cô nói với bố. Con cứ tưởng anh ta là họa sĩ. Biết là nhạc công con chẳng cho đi nhờ. Bố lắc đầu, cho đi cùng cho vui, có mất gì đâu con gái. Ông tăng tốc để xe vượt qua những đám rơm rạ phơi trên lề đường.
    Chiếc xe chạy đi, lúc la lúc lắc. Bố Thanh như thể rô-bốt, không chớp mắt. Thanh ríu hết mắt. Cô ôm cái gối phủ bụi, ngủ ngon lành trong ca-bin nóng ngột ngạt. Trong giấc mơ, cô thèm uống nước dừa. Những rừng dừa mọc miên man như thể rừng hoang. Mua một chục thì họ bán cho mình 12 trái, cứ tưởng họ nhầm. Rồi bất giác mơ về hồ Gươm có rặng liễu lơ thơ...
    Hai bố con ăn cơm, thích món cá nấu chua, rồi cả món cá nướng nữa. Thanh không biết uống trà đá, cô sợ viêm họng. Hai cha con lên xe, chạy một lúc mới nhớ đến vị khách sau xe. “Xin lỗi, anh không xuống ăn cơm à?”. Anh chàng nhạc công giơ lên một mẩu bánh mì: “Tôi đã có cái này rồi”. Hóa ra anh ta giấu bánh mì trong cái ba-lô tròn. “Cha con cô chở gì mùi thơm vậy? Hoa sữa?”. Thanh cười phá lên: “Hoa sữa có ăn được đâu mà chở chứ. Nhãn đấy”. Ra thế.
    Những cơn mưa đổ xuống dữ dội. Bố không xem chương trình thời tiết. “Mình đi vào vùng lũ mất rồi”. Sau lưng nước đuổi, phía trước nước dâng. Thanh thấy bố dừng xe. Quanh xe mặt nước trắng xóa. “Biển hả bố?” Cô quá sợ hãi. Những thôn làng sau vài giờ đã chìm trong nước và sau vài phút chợt biến đi đâu mất hết. Một vài con trâu lạc ngoi ngóp trong làn nước, nhô lên cặp sừng.
    Thanh trèo lên thùng xe. Anh chàng nhạc công vẫn ngủ vùi. “Ê! Dậy đi bố! Chúng ta đi nhầm ra biển mất rồi”. Anh chàng nghệ sĩ nửa mùa dụi mắt, bảo: “Tôi đói, mệt lả đi chứ không phải ngủ”.
    Anh ta nhìn chung quanh: “Không phải biển, không phải sông. Nước lũ dâng lên ngập băng thế đấy”. Thanh hỏi: “Con đường biến đâu mất rồi”. Anh ta bảo: “Cô cứ vào ca-bin ngủ đi, khi nào nước rút con đường sẽ hiện ra”. Trời ơi, chẳng nhẽ em lại chết chìm giữa dòng nước này sao. Thanh hét toáng lên: “Bố ơi, xe đang trôi!”.
    Dòng nước trắng xóa dâng lên nhanh thật bất ngờ. Con đường đã biến mất tăm, chiếc xe nằm lọt giữa mênh mông nước. Bố vò đầu bứt tóc: “Chuyến hàng này đến chậm thì hỏng to. Sai hợp đồng là chắc rồi”. Người nhạc công nói một câu có vẻ chẳng hợp gì với bộ dạng bất cần đời của anh ta: “Bây giờ phải lo kiếm miếng gì vào bụng trước khi trời tối bác ạ. Hợp đồng tính sau đi”. Bố bảo: “Chúng tôi chỉ có nhãn. Niêm phong cả rồi. Không lấy ra ăn được đâu”.
    Rồi những cơn gió đã vãn, cơn mưa cũng tạnh. Thanh thấy mình nhỏ bé như một con chim sẻ lạc tổ. Cô chẳng còn bụng dạ nào vẽ vời: “Con chết đói mất. Ước gì giờ này ở nhà, kiếm tô phở chín bố ơi”. Bố vớ cái điếu hút thuốc lào, lui cui bật lửa mãi không được. “Cái tội không xem dự báo thời tiết. Xe ngậm nước lâu máy móc sẽ hư hỏng hết. Xưa nay tôi thường đi tuyến Tây Bắc, chưa vướng cảnh lũ lụt như thế này bao giờ. Con lại chẳng biết bơi. Ước gì có chiếc áo phao...” - Cha cô lộ rõ vẻ lúng túng!
    “Anh có cách gì không?” - Cô gái hỏi. “Chúng tôi đã chở giúp anh không công, giờ anh phải giúp chúng tôi”. Cô nói thêm: “Chở anh nặng, chúng tôi đi chậm mới rơi vào cảnh túng quẫn này”.
    Nguyễn không nói gì. Anh ngồi nhìn con nước như thể chú chim bói cá trầm tư. “Anh phải làm gì giúp chúng tôi chứ”. Thanh nổi cáu. Vị khách vẫn ngồi im. Khi người tài xế đã rít được một hơi thuốc lào, Nguyễn mới bảo: “Khoảng ba tiếng nữa nước sẽ ngập lút chiếc xe này và cuốn nó ra biển như một con sò”. Thanh muốn ngất xỉu: “Vậy bố con em thì sao! Em không biết bơi”.
    Người tài xế nói chuyện với Nguyễn một lúc. Cả hai khá căng thẳng. Ông đứng trên nắp ca-pô, nhìn về miền bắc. Quê hương thật xa xôi. “Anh có đảm bảo kế hoạch của mình không” - Ông bố nói - “chúng ta sẽ không bị lũ cuốn chứ”. Nguyễn hứa: “Cháu không đảm bảo được gì hết. Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Trường hợp xấu nhất, cả ba làm mồi cho cá”. Không được. Người tài xế già chùng giọng: “Không chắc chắn, tôi không làm được”. Nguyễn lắc đầu: “Vậy bác chắc chắn điều gì vào lúc này? Hãy thử để thoát ra khỏi vùng biển nước này và điều đó sẽ đem lại hy vọng”. “Em đồng ý” - Thanh nói - “Em chấp nhận mạo hiểm”. “Con tin Nguyễn”. Bất giác Thanh gọi tên người đồng hành.
    Đèn chiếc xe đã cháy. Bóng tối loang dần. Nguyễn đi trước, dò theo những cột trụ ngả nghiêng bên đường mà đi. Chiếc xe tải chở nhãn và hai cha con người tài xế cứ theo bóng người hoa tiêu tiến theo. Chiếc xe chậm rãi từng vài chục mét lại dừng.
    “Cố gắng lên anh. Em sẽ giúp anh”. Thanh gào lên. Nguyễn bảo: “Em không biết bơi, đừng xuống nước!”. Thỉnh thoảng anh chàng nhạc công bước hụt chới với trong làn nước đục ngầu. Nhưng anh ta không bao giờ rời sợi dây dù mầu đen tháo ra từ chiếc ba-lô. Chiếc dây dù cứu Nguyễn mấy lần khỏi dòng nước xoáy. Anh ấy không sợ nước.
    “Nếu anh bị nước cuốn, em hãy mở ba-lô của anh ra”. Em không đợi đến lúc chết. Cô lôi chiếc ba-lô, tìm thấy trong đó ba gói mì tôm. Hai cha con nhai ngấu nghiến. “Làm sao có thể đưa mì tôm cho anh ta?” - Bố băn khoăn thấy chàng trai vẫn cứ bơi vượt lên phía trước, đầu không ngoái lại.
    Nước dâng nhanh thêm. Phía sau, cây dừa bị nước ngập tới nửa thân cây. Chiếc xe Giải Phóng đã quen với việc vượt suối, trèo non nhưng xem ra sắp bất lực trước dòng nước mênh mông. Anh nói đúng, trong ánh trăng lờ mờ, em hiểu, nếu cứ đậu chiếc xe chỗ cũ thì giờ nước ngập hết ca-bin rồi. Chúng ta cứ phải đi, phải tiến lên, dù rằng phía trước cũng có thể là vực sâu, nước xiết. Còn hơn ngồi lại và chờ cho nước ngập tất cả! “Anh Nguyễn nói đúng bố ạ. Phải tìm một lối thoát, không phải cho chiến thắng mà cho hy vọng lại nhóm lên”. “Phải rồi!” - Bố nói - như ngày xưa chiến tranh nhỉ. Phải tiến lên!
    Bất giác, bố nói: “Chàng trai thật dũng cảm. Đấy, có phải cứ họa sĩ mới là tuyệt vời đâu con. Anh ta chả phải họa sĩ. Chúng ta cần một người như Nguyễn”. Đến lượt bố, bố cũng tin vào quyết định của anh ta. Thanh nghe thế, bất giác tủm tỉm cười.
    Bóng tối bao trùm kín dần mọi thứ. Thỉnh thoảng, những đám mây hé lộ vài chút ánh sáng từ những chòm trăng sao xa mờ, nhưng rồi mọi thứ lại biến mất hết. “Anh ở đâu rồi?”. Thanh tuyệt vọng. Phía trước chỉ thấp thoáng ánh trăng trên mặt nước. Như nghe tiếng Nguyễn vọng lại: “Anh chết, em hãy mở chiếc túi nhỏ trong ba-lô”.
    Có lẽ anh đã chết thật. Không còn bóng dáng, không một tiếng kêu. Thanh mở chiếc túi bé xíu và tìm thấy một chiếc đèn pin. Thanh trèo xuống xe. Con đi đâu? Bố cầm lái hỏi. Con xem có giúp gì anh ấy không? Không được rời xe. Bố quát. Không, anh ấy đang đuối! Cô nhìn thấy bóng tiêu hàng cột ven đường và men theo hàng tiêu ấy.
    Cô có thể bị nước cuốn nếu trượt chân ngã xuống hố sâu. Chẳng hiểu sao cô vẫn đi tìm Nguyễn. “Anh không thể để bố em chìm trong xe. Chúng ta phải đi tiếp. Phải mạo hiểm hơn tất cả mọi sự mạo hiểm anh ơi”. Thanh nói với lòng mình: “Em cũng không thể bỏ rơi anh”.
    Hình ảnh người con trai vượt dòng nước lũ phía trước thôi thúc Thanh. Cô muốn noi gương anh. Nguyễn làm được, sao Thanh không làm được chứ. Bố không nhìn rõ Nguyễn, tiến lên. Cô nhìn thấy Nguyễn và bố nhìn theo cô. Như thế tốt hơn cho bố. Em và anh cũng sẽ làm hoa tiêu cho bố.
    Trong ánh chớp lóe lên đó đây, mặt nước mênh mang, đâu đó trôi những thân cây nom như người. Cô thấy hơi sợ. “Chàng ở đâu? Em đang tìm anh đây”. Thanh gào lên. Cô muốn khóc nhưng không phải, mắt cô ráo hoảnh. “Em đây”. Thanh ôm lấy Nguyễn bên dòng nước cuốn. Không phải anh. Chỉ là một cây dừa đã bị cây lớn quật gãy.
    Có lẽ mình sẽ chết mất. Mình chết cùng Nguyễn cũng đáng. Nhưng còn bố thì sao. Phải quay lại thôi. Thanh thấy chiếc xe đang chìm dần trong nước. Chắc chắn bố sẽ rất đau lòng vì cô, vì đám nhãn lồng tan nát vốn liếng của cả nhà. Tuổi này, lẽ ra bố phải được nghĩ ngơi rồi. Thanh cứ bước. Bỗng cô ngã chúi xuống. Một vòng tay từ trong làn nước vươn ra đón lấy Thanh. “Em tưởng anh bị cuốn ra biển rồi chứ”. Thanh nói trong nước mắt. Cô nhìn thấy Nguyễn mờ mờ như chàng Thủy Tinh tội nghiệp suốt đời cô đơn nơi biển cả xa xôi. Nguyễn bảo: “Em nghĩ sao vậy. Anh phải đưa bố con em đến nơi bình yên”. Anh mệt quá, đang ôm lấy thành cầu nghỉ một chút. “Tí xíu nữa bị nước cuốn rồi”. Chàng nói và dỗ dành Thanh.
    Ăn xong gói mì tôm sống, Nguyễn như khỏe ra. Anh dìu Thanh cả hai cùng tiến lên. Anh làm cây dừa nhân tạo để Thanh bám lấy. Anh chưa bao giờ ra Hà Nội của em ư. Vé máy bay đắt quá thì anh cứ đi xe tải. “Nhãn lồng khi sấy khô ngọt lắm phải không?”. “Nhãn tươi còn ngọt và thơm hơn”. Nàng chợt có một ý nghĩ lạ. Cô muốn hôn thật chặt đôi môi tím tái kia của Nguyễn. Vâng chút nữa thôi, dòng nước kia cuốn trôi Nguyễn... “Em sẽ bên anh”- Nàng nói, như vỗ về Nguyễn. Họ cứ thế lần mò trong đêm tối trong làn nước xiết, nước tập dần theo chân tiến lên của họ và rồi cả hai cũng chạm vào thanh cầu thứ nhất.
    “Con ở đâu rồi?” - Bố cô gọi trong đêm. Thanh bật sáng chiếc đèn pin bằng nhựa và hua lên. “Con và Nguyễn đang ở trên cầu. Bố nhìn thấy đèn không. Bố cho xe lên đây”. Bố thấy rồi. Các con cứ ở đấy, bố sẽ lên đến nơi. Bố cô gào lên, tiếng khản đặc.
    Người lính về hưu lái chiếc xe không phải chở đạn mà chở những gói nhãn lồng ngọt lịm nhích dần về phía bóng đèn. Tiếng của cô con gái chìm trong gió. Chỉ có ánh sáng duy nhất phát ra từ tay của hai người trẻ. Bàn tay của Nguyễn và Thanh cùng nắm lấy cái đèn khuya trong đêm làm tiêu cho bố cô. Ánh đèn pin hua lên, rồi tắt, rồi lại hua lên.
    Chiếc xe lên được trên cầu, là lúc nó cố hực hực vài cái, như con ngựa chiến cố sức lần cuối trước khi gục xuống. An toàn rồi - bố nói. Nguyễn bảo: “Ở miền trung, cầu là nơi cao nhất. Nơi không có núi rừng, cây cầu chính là ngọn núi của làng quê”.
    
- o O o -

    Mưa ngớt dần rồi tạnh. Chiếc xe chơ vơ trên cầu, bóng đen xì hằn trên trời. Quanh cầu nước vẫn rào rào xiết chảy. Không phân biệt đâu là đất đâu là nước...
    Người tài xế già ngủ ngon lành, tiếng ngáy đều đều bình an.
    Thanh nằm bên cha một lúc mà không sao ngủ được. Anh chàng ấy đâu. Cô ra khỏi ca-bin. Bên ngoài hình như dòng nước bớt hung dữ nhưng vẫn trôi phăng phăng làm cô rùng mình. Ừ nếu như không có anh ta. Cô khẽ gọi: Nguyễn, anh Nguyễn!
    Vào đây. Nằm trên những bao tải này. - Rõ ràng là tiếng chàng trai trong thùng xe!
    Cô chui vào thùng xe.
    Cô nằm xuống cạnh anh và nhận ra ngay lập tức anh đang run rẩy.
    - Anh sao thế!
    - Lạnh tý thôi mà!
    - Phải rồi từ hôm qua anh có ăn gì đâu lại ngâm bao lâu trong nước.
    Họ im lặng rất lâu.
    Thanh tin cô sau chuyến đi này sẽ chẳng bao giờ gặp lại. Cô cũng không hiểu sao khi quyết định tiến theo Nguyễn cô lại trở nên dũng cảm vậy. Họ ở hai nơi quá xa xôi, như ở hai đầu chân trời. Nhưng rõ ràng, nếu không có anh cha con cô sẽ chìm theo chiếc xe này. Cô chưa khi nào yêu ai, cũng chưa khi nào nghĩ lại lấy một người thanh niên có vẻ ngoài bụi bậm xù xì như Nguyễn. Nguyễn không phải là họa sĩ điều mà trước đây cô thường cho là họ mới có thể là người cô yêu cô chọn. Cô bỗng choàng tay sang anh khi cảm thấy tấm thân kia run rẩy từng nhịp vì giá và đói.
    Chính khi ấy có mùi hương vô cùng ngọt ngào để cô cảm nhận - hương nhãn ở xứ bắc trong yên lặng dâng lên dâng lên tràn ngập quanh cô và anh. Nhãn lồng rất ngọt và có thể hết đói! Cô vùng dậy và mở một chiếc bao.
    - Nhãn ngọt lắm đây anh ăn thử đi... Cô đỡ anh dậy và cầm trong tay chùm nhãn chi chít những quả mà trong đêm tối họ chỉ nhận ra từ mùi hương chứ không hề nhìn rõ hình hài... Khi đối diện, cô và anh đều nhìn rõ đôi mắt của nhau. Đôi mắt cô đen nhay nháy như hạt nhãn và môi của cô và môi của anh chàng tên là Nguyễn cũng ngào ngạt thơm như cái hương nhãn của xứ bắc quê cô...
    
- o O o -

    Sáng sớm hôm sau, một chiếc xe lội nước của bộ đội đã đến đón họ kéo chiếc xe đến nơi an toàn cách đó vài cây số. Khi chiếc xe lội nước tới, người ta đã tưởng không còn ai trên chiếc xe. Mọi thứ quanh đó đều bị cuốn trôi. Chiếc xe tải cũ kỹ nằm trên cầu. Trên nóc chiếc xe, người lái vẫn còn ngủ, chiếc áo lính bạc mầu đã khô cong bùn đất.
    Trong thùng chiếc xe tải, người ta thấy một đôi trai gái vẫn bình thản ngồi vẽ chân dung cho nhau. Họ không quan tâm lắm đến những người cứu hộ. Vài chiến sĩ không hài lòng lắm, nói: “Lũ trẻ bây giờ đúng là bất cần đời”. Có làn gió nhẹ mang theo hơi nước, mang theo cả hương thơm của những trái nhãn ngọt trong xe cô bay xa, bay xa...

Kết Thúc (END)
Trần Nguyễn Anh
» Gia Đình Làng Quê
» Một Chuyến Nhảy Dù
» Tiếng Sáo Nơi Lưng Trâu
» Đảo Nước Mắm
» Những Chuyến Tàu Chở Tết
» Chuyến Xe Qua Bão Ngọt Ngào
» Vóc Dáng Quê Hương
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Đời Khổ