Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ông Già Ti Mua Tác Giả: Nguyễn Thiên Việt    
    ác giả hẳn từng là người trong cuộc. Thiên truyện xây dựng trên quan hệ của hai người đàn ông, một già một trẻ, hai chủng tộc khác biệt và cơ nhỡ như nhau trên đất Đức. Dường như chuyện không dụng tâm kịch tính và xung đột; ngay cách kể tình huống dễ gay cấn nhất - chi tiết ông già Ti Mua vì giấu hàng lậu cho người Việt rồi biến mất không có dấu vết cũng được thuật lại với ngôn ngữ từ tốn, nhẹ tênh. Nhưng đọc xong những dòng viết ẩn lệ và giàu chất văn của Nguyễn Thiên Việt, bạn đọc thấy nhói đau, xa xót cho những người cơ nhỡ, đầy tính thân phận khi lang bạt, dù nơi đấy là xứ giàu có và văn minh. Nhưng dù thế đi chăng nữa thì câu chuyện dựng lên truyện ngắn này vẫn thấy nổi lên rất rõ và, sáng lấp lánh tình con người, cái tình ấy luôn như ngọn lửa ấm áp sưởi ấm và chở che cho con người ta khi tha hương, lúc đói, khi lạnh và nhiều khi cái tình sinh ra chả cần cùng phải mầu da sắc tộc, mà do chỉ chung một tình yêu nào đó, mà ở đây cụ thể là nền văn học lớn lao, nhân ái một thời của nhân dân, của nước Nga nhân hậu.
    Lời bình của nhà văn Nguyễn Văn Thọ

    Sau khi tốt nghiệp Khoa văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được phân công làm biên tập viên của một tờ báo địa phương. Thế rồi khát vọng bay nhảy và mong muốn kiếm ít dấn vốn đã đưa tôi sang Liên Xô hợp tác lao động. Năm năm, tôi sống và làm việc ở một thành phố nhỏ. Nước Nga với những năm tháng ngọt ngào, ấm áp tình người, thật khó quên. Liên Xô tan rã, cuộc sống rối ren, số phận lại một lần nữa đưa đẩy tôi sang Đức.
    Ở Berlin, mấy anh em thuê chung một căn phòng nhỏ trong cư xá dành cho người Việt. Tối, rải đệm xuống sàn nằm khòng kheo cả lũ. Ban ngày, ăn xong lê đôi giày vẹt gót lang thang trên các nẻo phố xin việc. Có lần đi bộ mỏi quá tôi với thằng bạn chui vào một công viên của Berlin, tìm góc khuất, leo lên ghế đánh một giấc rõ lâu. Trong mơ tôi thấy mình bơi giữa một dòng sông vàng lấp lánh. Vàng đến ngột thở. Tỉnh dậy, té ra là những lá phong của mùa thu rơi rụng trùm khắp lên người. Cả một rừng phong vàng rực. Trời xanh, cao, yên tĩnh.
    Một thời gian công việc cũng hết. Tiền cạn. Bạn bè bảo: “Xuống đường làm sinh viên trường thuốc đi”. “Sinh viên trường thuốc” đây nghĩa là ra hè phố đứng bán thuốc lá lậu thuế. Buổi sáng, vào giờ đi làm, từng tốp ba tốp bảy lên đường ra vị trí chiến đấu. Mỗi người một túi, hai, ba chục cây, vuông chằn chặn, trông rõ ra là thuốc lá. Xếp thuốc vào túi thế nào là cả một nghệ thuật, xếp sao cho khéo, vuông vắn, chứa được nhiều mà vẫn gọn, đầu cây thuốc lá thò đủ trên miệng túi. Tây nó chỉ cây nào là rút ra được ngay.
    Bảy giờ sáng, đeo một túi thuốc vuông vắn, nặng trịch, tôi thập thò ra khỏi cửa, ngay lập tức, xuất hiện cảm giác sợ hãi và ngượng nghịu. Sợ hãi thì hẳn rồi, đụng công an thì có chạy đằng trời, nhất là cái túi cồng kềnh. Còn ngượng: trên tàu điện hàng trăm dân Đức nhìn chằm chằm bỏng lưng, “những ánh mắt hình viên đạn”. Qua lớp túi ni-lông mỏng có thể đọc rõ trong túi tên từng loại thuốc: Marlboro, West, HB...
    Nỗi sợ hãi và ngượng nghịu bám suốt cả ngày cho đến khi trở về nhà mới thôi. Đến chợ rồi, tự động tản ra, người đứng đầu đường, người trước cửa chợ. Chợ ở đây là một phố trung tâm đông đúc người qua lại; rồi cứ cái túi có cây thuốc lá chìa ra ngoài miệng, lang thang trên phố, gặp ông đi qua gặp bà đi lại thì dí vào tận mặt họ: Bitte Schoen! - Hãy mua nào! Nếu thấy một ông “cộng” xách túi xách đến thì phải ngay lập tức nhanh chóng xoay lưng cản lại, đồng thời dúi hẳn thuốc vào tay “Tây”. Mất một, hai tuần tôi mới quen với kiểu mua bán này, vì mình hay ngượng, hay sĩ diện hão, lại không chịu xô lấn tranh khách. Ngành thẩm mỹ học trong những năm học ở trường Tổng hợp rõ ràng đã không giúp ích gì cho tôi trong việc tiếp thị thuốc lá.
    Còn một khó khăn nữa mãi tôi không làm sao quen được. Đó là cái chuyện bị đuổi chạy trên phố khi bất thình lình xuất hiện cảnh sát dã chiến hoặc ở đâu đó vang lên tiếng thét thất thanh “hình sự” thì mau mà ôm túi thuốc co cẳng chạy cho nhanh. Giữa phố phường đông đúc của Berlin, từng đoàn người Việt nhếch nhác bẩn thỉu ôm đồm túi, chạy như ma đuổi về một hướng. Tôi cũng chạy trong đám đông đó. Lúc chạy cảm giác bị săn đuổi, nỗi sợ hãi mù quáng làm mình guồng như điên dại. Khi hết nguy hiểm, đứng lại nhìn xung quanh vẫn là những người Đức ăn mặc chỉnh tề đi lại bình thản mới thấy xấu hổ, nhục nhã. Vì cái gì mà ta phải chạy như một con thỏ trên phố vậy? Dưới bầu trời xanh này, ta và người không cùng một đẳng cấp ư, hỡi những người ăn mặc lịch sự mỉm cười chững chạc kia?
    Về sau, tôi chơi khôn, cứ ngồi một mình ở giữa phố kệ cho quân ta tụ ở hai đầu. Ngồi ở giữa khó bán, bao nhiêu khách mua bị chúng nó vợt hết nhưng ít nguy hiểm. Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ. Đặt cái túi đấy, tôi ngồi thả hồn lơ mơ. Ai mua thì mua chả mua thì đừng. Được vài tháng, cũng chỉ đủ tiền ăn, dạo này làm ăn mỗi ngày một khó. Dân Việt từ nhà kéo sang ùn ùn. “Bộ đội” mình bắt đầu thu thuế. Ở trung tâm thành phố, khu vực thu thuế quân “Nghệ” xen lẫn quân “Bắc” theo kiểu da báo. Những vùng xa, ngoại ô thì được coi như vùng tự do, ai có sức ra mà bán. Bạn bè xui tôi chuyển sang ga Kruynau tuy hơi xa nhưng khả dĩ, chứ ở Schoenhause Allee này, bây giờ dân bán thuốc đi nườm nượp, lười như ông thì nước mẹ gì! Tôi nghe bùi tai, xách túi sang ga Kruynau thử số mệnh. Nhưng tình hình cũng chẳng khá hơn. Những vị trí tốt nhất, đã có hơn một tá chị em chiếm lĩnh, nhan nhản như họp chợ. Tranh khách với hội này chớ dại, cô nào cô ấy chân ngắn nhưng mồm rất dài, lại thêm cái trò “bắt” khách từ xa bằng mắt, nụ cười, tay nữa. Thôi “em” xin thua các chị. Tôi cứ vở cũ, bày túi vào một góc, đứng nhẩn nha. Hết ngày, về. Giống như đi câu cá, lâu lâu lạc vào một chú.
    Dăm bữa, tôi thấy gần cửa ga có một ông người Á bán báo. Lối chừng khoảng 70 tuổi. Bên cạnh chồng báo to tướng, ông ta đứng im lặng kiên nhẫn, không vẻ cầu xin hạ mình, nho nhã, phớt lờ trước dòng khách ngược xuôi ầm ĩ. Hình như người Mông Cổ. Nước da bánh mật săn chắc, sạm nắng gió phong trần, mái tóc điểm bạc. Ông cụ có gương mặt hiền từ, đôi mắt thông minh nhân hậu thoáng nét cười dí dỏm mỗi khi thấy lũ nhau nhau chúng tôi chạy trốn ẩn nấp cảnh sát. Trông nét mặt dầu dãi, dáng vẻ ung dung của cuộc đời, thấu hết mọi sự trong cõi phù vân này.
    Không hiểu sao tôi cứ nghĩ nếu có một trái núi sụp đổ trước mặt chắc cụ vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra.
    Chị em ta “dân vận” ngay được cụ già để giấu thuốc. Thông thường, lúc đi từ nhà ai cũng xách một bị to dăm ba chục cây. Lúc đứng bán chỉ chìa ra năm, bảy cây. Khi bán hết, ra “kho” lấy thêm. “Cơ cấu” như vậy, khi cảnh sát đuổi, dễ chạy. Ai gửi thuốc, ông bán báo đều nhận rồi phủ chồng báo to tướng lấp lên trên. Những lúc gã cảnh sát bụng phệ chạy sộc vào nhà ga, trợn trạo truy tìm thuốc lá, tôi thấy ông già cười cười, rung rung chòm râu bạc, khoái trá trước sự bất lực của người thi hành công vụ. Cảnh sát Đức không ngờ thứ hàng họ đang truy lùng nằm ngay ở chân người bán báo già, cách họ không đầy gang tấc.
    Nhìn cảnh các cô bé cười nói ríu rít vây quanh ông già hiền từ, quần áo bạc mầu, râu tóc trắng xóa tự nhiên tôi cứ liên tưởng tới hình ảnh lão du kích hoạt động vùng địch hậu trong một bộ phim nào đó xem từ hồi còn bé được giáo dục “Russki day dứt” từ trong trường phổ thông. Sau vài câu làm quen, té ra cũng là người nhà cả. Ông già trước đó có thời học báo chí ở Liên Xô, sau làm phóng viên quân đội kiêm dịch giả văn học Nga. Thảo nào cụ nói tiếng Nga như “thợ”. Chúng tôi chìa tay cho nhau. Cái bắt tay ấm và chặt. Bàn tay phải người bán báo già có những vết sẹo dài, tím tái. Tên ông là Ti Mua. Ông lấy tên đó là vì yêu và kỷ niệm nhân vật của nhà văn Xô Viết lừng danh Ac-ka-đi Gai-đa. Tôi lùi lại, ngắm nghía người bán báo. Nếu như còn sống Ti Mua năm xưa cũng độ tuổi này chăng?
    Hơn một tí, kém một tí song tính cách chắc chắn phải như vậy: thông minh can đảm, dí dỏm và nghĩa hiệp.
    Ti Mua nheo cặp mắt ẩn hiện ngọn lửa nhỏ, cười hề hề bảo: Tớ thấy chú mày không biết làm kinh tế, chàng trai ạ. Các “devôtska” (cô gái) buôn bán giỏi hơn. Tôi cũng cười, thấy vui vui vì cho đó là một lời khen.
    Có cái gì đó làm tôi tin vào nụ cười hóm hỉnh, ánh mắt đầm ấm, mộc mạc của ông. Hình như chúng tôi đồng cảm lâu rồi.
    Lúc rỗi tôi thường đi trò chuyện tán gẫu với ông già. Được biết Ti Mua về hưu, nay sang Đức thăm con, nhân thể đi bán báo phụ thêm vào đồng lương ít ỏi cho con cháu. Giữa chúng tôi có một tình yêu quá khứ, nên chuyện không dứt.
    Một chiều thứ bảy, khi túi thuốc lá đã vơi vơi, tôi thu xếp “đồ nghề” tiến lại ông bán báo đề nghị: Chúng ta hãy vào bar uống với nhau một cái gì đó nhân dịp cuối tuần, như người Đức hay thường nói trong dịp này Vockhenendơ (nghỉ cuối tuần). Câu trả lời của Ti Mua là một nụ cười. Tôi xin phép được gọi một chai Conag cỡ nhỏ. Cốc đầu tiên dành cho sự gặp gỡ tình cờ và lý thú. Chúng tôi trò chuyện về Lép, về Những con đường đau khổ của A.Tolstôi, về Blôk. Êxênhin và văn tài lãng tử Bunhin. Con đường xưa xa lắc với cỗ xe tam mã im lặng. Rừng bạch dương Nga ẩn hiện đâu đây xanh mướt đến xao lòng. Tiếng lá mùa thu rụng, tiếng vó ngựa, tiếng giọt mưa rơi nghe chậm rãi.
    Ngoài kia chiều buông chầm chậm. Ánh đèn xanh lạnh. Những chiếc xe Auđi, Mercedes bóng lộn phóng vùn vụt như bầy quái vật câm lặng. Vẳng nhạc disco thình thịch.
    Trời tối thẫm từ bao giờ. Ti Mua gọi chai thứ hai. Mắt người già đã bắt đầu óng ánh. Ông cẩn thận đếm những đồng xu lẻ từ số lãi của một ngày bán báo. Bàn tay gân guốc nổi cộm vết sẹo có những ngón dài lóng ngóng.
    Rồi đề tài quay về với văn học Xô viết: Aitmatov hùng vĩ với “Cây phong non trùm khăn đỏ”, nhà thơ trữ tình Rasul Gamzatoz, thế hệ nhà văn “trung úy” Bônđarep...
    Chuyện như pháo rang. Những du khách lịch sự qua lại không dấu nổi vẻ ngạc nhiên. Họ thấy hai ông cháu tôi, một già một trẻ, quần áo lấm lem, mặt mũi hơi men, cười nói rổn rảng ra chiều đắc ý lắm. Ồ, những người mắt trắng kia, các người có biết chúng tôi đang nói chuyện gì không?
    Tôi nói với Ti Mua là có dịp đọc tác phẩm nổi tiếng của văn học Mông Cổ “Sông Thami trong xanh”. Ông ngạc nhiên và tỏ ra cảm động. Sau này tôi nhớ có lần Ti Mua giới thiệu tôi với vợ ông khi bà đi đâu đó tạt qua, một người phụ nữ luống tuổi nhưng không giấu được vẻ đẹp đường bệ và quý phái “Đây là thằng Việt, nó đã đọc truyện “Sông Thami trong xanh” của chúng ta”. Bà mỉm cười và gật đầu với tôi.
    Ti Mua bảo rằng có dịch một vài truyện ngắn của Việt Nam sang tiếng Mông Cổ.
    Cuối buổi rượu, người bán báo ngà ngà, khuôn mặt ửng đỏ thì thầm bí mật vào tai tôi:
    - Bây giờ tôi sẽ tiết lộ cho cậu một tin tức quan trọng - Ông dừng lại mấy giây, rồi nhìn vào mắt tôi, không cao giọng - Tớ đã từng là
    “Balsoi trelavec” (cán bộ cao cấp).
    Thấy tôi trố mắt, ngớ người, ông già cười khà khà đắc chí:
    - Trước khi về hưu tôi là Phó Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân Mông Cổ - Cụ nháy mắt cười - Hừm, cũng không phải là xoàng đâu nhé.
    Nói rồi Ti Mua đưa cho tôi xem ảnh. Trong ảnh trông ông có vẻ trẻ hơn. Gương mặt chữ điền chằn chặn, đôi mắt nghiêm khắc với đôi quân hàm cấp bậc đại tá lấp lánh bên ve áo.
    “Không khéo cụ đã choảng nhau với tụi Nhật cũng nên”, tôi thoáng nghĩ và hỏi:
    - Thế bố có tham chiến ở sông Khankhingôn năm xưa không? Chắc cái sẹo này là vết thương ngày ấy phỏng?
    - Không, ngày ấy tớ còn nhỏ. Cái sẹo này là kỷ niệm của những ngày tiễu phỉ ở thảo nguyên sau chiến tranh - Ông già khoát tay, thoắt trầm hẳn dường như đang nhớ về một quá khứ xa xăm nào đó. Ti Mua hẹn chủ nhật sau mời tôi đến thăm gia đình và làm quen với các con ông.
    Sau đó tất cả sẽ đi câu cá. Họ biết một chỗ phong cảnh tuyệt đẹp và có thể câu được. Nếu bắt được nhiều cá sẽ nấu món cháo cá ngay tại chỗ.
    Ông già vuốt râu tủm tỉm nửa đùa nửa thật: À, mà nếu cậu chưa có gia đình thì tôi sẽ giới thiệu cho cậu một cô bé Mông Cổ. Ai bảo Ti Mua có con gái xinh lắm.
    Biết đâu đấy, có khi tôi thành rể Mông Cổ cũng nên. Chưa đến ngày chủ nhật nhưng tôi đã thấy rõ tấm thảm cỏ xanh rờn êm ái, mùi cháo cá thơm lừng và tiếng nô đùa khanh khách bởi các cô gái.
    Than ôi! Cái ngày chủ nhật hứa hẹn nhiều niềm vui ấy đã không đến. Mấy hôm sau cảnh sát tổ chức một đợt vây ráp tại khu nhà ga. Lần này, họ thả “thường phục” vào trước để quan sát, nên tường tận mọi việc. Một tiếng sau, cảnh sát rút, tôi từ chỗ ẩn nấp thập thò quay lại. Ông bán báo đã không còn ở đó nữa. Quanh chỗ ông đứng bây giờ lố nhố vòng trong vòng ngoài các cô bé bán thuốc, mặt mũi đờ đẫn tái nhợt vì vừa thoát hiểm. Họ đang kháo nhau về cái chuyện cảnh sát tìm thấy thuốc lá lậu giấu ở trong đống báo của ông già và đã đưa ông đi.
    Một cô khác, người bé loắt choắt, đầu to như cây nấm di động, quả quyết: Dứt khoát lão già tranh thủ lúc hỗn độn, “bùng” của chị em mình mấy chục cây. Tay già đểu thật, chỗ ấy phải hút hàng năm mới hết.
    Chính cái cô bé ngày thường tươi cười, một điều papa, hai điều papa với ông lão. Dân mình vài kẻ có cái tính tệ. Ai cho cái gì, giúp cái gì thì dù một tí tẹo cũng sắn sàng hạ mình quỵ lụy, khi không có lợi thì lập tức quay ngoắt 180 độ. Tôi những muốn giải thích cho họ biết là Ti Mua không bao giờ làm điều đó vì ông ấy tên là… Ti Mua. Như Ti Mua của ngày xưa, ông chỉ làm công việc hằng yêu thích là giúp đỡ những ai gặp khó khăn. Nhưng tôi nghĩ có nói ra điều đó cũng chẳng ích gì, thậm chí các cô có khi cũng chẳng thèm cần biết nhân vật Ti Mua là ai, làm gì?
    Những ngày sau, không thấy ông già bán báo trở lại. Dường như ông bị mất hút đi đâu. Nhiều lần tôi thử hỏi thăm một vài người Mông Cổ nhưng tất cả họ đều ú ớ lắc đầu quầy quậy hoặc đần mặt khi nghe cái tên Ti Mua xa lạ.
    Chuyện gì đã xảy ra với ông hôm đó? Thời gian sau, tôi xin được việc làm và không bán thuốc lá lậu nữa. Lâu lâu có dịp đi qua chốn cũ, tôi hay dòm vào cái góc, nơi xưa kia Ti Mua đứng bán báo. Ở chỗ đó, giờ đây là một người Đức mắt xanh biếc, tóc vàng, gườm gườm nhìn người qua lại với chồng báo to tướng. Lúc khác là một chàng trai Mông Cổ ngơ ngác như buồn ngủ.
    Cảnh vật vẫn như cũ. Các cô bé nháo nhác mời khách. Xe điện chạy toe toe. Nắng rực rỡ.
    Nhiều năm sau, tình cờ qua một người bạn tôi mới biết hôm đó Ti Mua bị cảnh sát bắt giam vì tội che giấu hàng lậu. Sau đó sự việc sáng tỏ, ông được thả nhưng bị tịch thu giấy phép bán báo. Nghe đâu sau này ông đi buôn ô-tô. Vài ba tháng một lần, ông sang Đức, vào chợ xe, chọn mua một cái giá rẻ rồi tự lái về Ulanbato bán.
    Tôi tưởng tượng Ti Mua râu tóc bạc trắng xóa, mắt nheo cười, gương mặt nom phúc hậu, bàn tay với những vết sẹo sần sùi tím tái đang lái ô-tô trên con đường gập ghềnh vạn dặm, xuyên qua những thảo nguyên mênh mông tuyết trắng, những cánh rừng Taiga heo hút chân trời... Ti Mua người bạn bán báo già của tôi, biết có ngày nào gặp lại, mong ông bình yên và khỏe mạnh.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Thiên Việt
» Ông Già Ti Mua
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt
» Bất Diệt