Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nhất Nghệ Tinh Tác Giả: Nguyễn Trí    
    Nhà tô có tấm (chú thích: nhà tô = nhà xây, tấm = tầng, lầu). Cả hai tấm chứ không ít. Tầng trệt là phòng khám ngoài giờ của cô con gái bác sĩ. Lầu hai của cậu con trai kỹ sư, tầng giữa là nơi vợ chồng ông Tính vui vẻ cùng cháu nội. Tính là tên mà người trong nhà và một số bạn thân của ông Tính biết. Còn hầu hết cư dân ấp Bốn xã Lẻ Bảy gọi ông Tính là Hai Thùng. Nhỏ nhỏ gọi bác, chú. Trang lứa kêu cha nội, cha già Hai Thùng.
    Quả là cái tên không xứng tầm căn biệt thự sang trọng. Nhưng tại sao thiên hạ không gọi tên cúng cơm mà gọi kỳ khôi vậy kìa? Sao lại Hai Thùng? Sao trăng gì? Cũng chả kỳ khôi chi. Chuyện chi trên trần đời nầy mà không có gốc gác của nó. Cọng rau thì là còn có sự tích nói chi tên một con người, nhất là nổi tiếng như anh nông dân tên Tình, cha đẻ của một cặp trai gái trí thức thứ thiệt của xóm Bốn.
    Già trẻ sồn sồn, trai gái. Sáng nào cũng tụ lại cà-phê cóc Hai Nhỏ để đấu láo trước khi lên đường kiếm cái ăn cái mặc, cái sắm... vàng. Nghe hỏi, già Hai Nhỏ lên tiếng:
    - Cái tên đó chỉ mấy thằng già sắp xuống lỗ như tao mới biết. Mà cũng chẳng có chi khó hiểu. Chả (cha đó) có tên Hai Thùng là vì xưa kia khi mới đến xứ nầy chả làm ăn bằng một đôi thùng gánh nước. Lúc nào cũng đôi thùng trên vai nên thiên hạ, trong đó có tao, gọi Hai Thùng. Vậy thôi.
    - Làm cái chi mà có thùng chú Hai?
    - Thì gánh nước.
    - Con không hiểu tý nào luôn.
    - Là hồi đó không điện đóm mô-tơ giếng khoan gì ráo. Ông Tính sử dụng cặp thùng và đôi vai gánh nước tưới rau. Hiểu chưa ông con?
    - Rau gì chú?
    - Đủ thứ rau. Nhưng chủ yếu của ổng là rau khoai lang... Nè... tao nói cho bây nghe, hai đứa con nên ông, nhà tô có tấm là do một đôi thùng mà ra đó nghe.
    - Làm chi có chuyện đó chú ơi. Chẳng qua nhờ đền bù giải tỏa nên...
    - Mày biết khỉ gì. Hỏi tao nè... Đất của Hai Thùng đâu phải như đất nhà mày mà đền bù có giá. Xưa kia đất của ổng là đất chó ăn đá gà ăn muối. Liệt vô hàng nông nghiệp loại bốn. Chừng đền bù được bảy chục ngàn một mét vuông. Hai ngàn mét được trăm bốn chục triệu không đủ xây cái móng lấy đâu ra nhà mậy?
    - Không vậy thì cũng có của nổi của chìm. Chú biết đó, mấy ông người Trung nầy giàu ngầm đó nghe, họ là Tôn Tẫn giả điên đó chú ơi.
    - Mày lại ăn ốc nói mò nữa rồi. Để chú nói cho nghe, Hai Thùng với chú là bạn thân nè con.
    
- o O o -

    Từ miệt ngoài trước khi ghé vào xã Lẻ Bảy, Tính cũng lăn lộn vài ba tỉnh rồi. Nói chung dân tha phương nơi nào nhiều thóc thì mới tụ. Tính bỏ quê vì nghe nói trong nam làm ăn ngon lành lắm. Ghé Lẻ Bảy Tính cứ rũ như con gà nuốt dây thun. May quá, xứ nầy nông nghiệp đang thời thịnh, dân các nơi đổ về bỏ vốn phá lâm làm nương rẫy. Năm ba vụ mùa nên công việc nhiều kể không hết, chỉ có cái thiếu là con người. Tính vào lúc dân sở tại đang thu hoạch thuốc lá.
    Xứ sở gì ngon lành quá. Vụ đầu bắp, vụ hai đậu nành, vụ ba thuốc lá. Đất đai không có thời gian nghỉ. Từ đầu năm làm cho tới tết. Tết cũng làm luôn. Mẹ cha ơi đang vào cao điểm thu thuốc lá, bỏ một ngày là phá sản ngay. Bắp và đậu nành ngó quan trọng vậy nhưng chỉ bằng một phần mười thuốc lá thôi. Cứ nghe mấy tay xắt và phơi thuốc nói về thu nhập một vụ của họ là ai nấy muốn bỏ tất cả để theo nghề liền. Chừng một tháng rưỡi họ nắm trong tay cả cây vàng. Cơm nước chủ rẫy lo từ a đến z. Chỉ có cái quá xá cực. Họ phải đổ mồ hôi hột suốt cả đêm trường.
    Chủ rẫy cũng bỏ ra không ít vốn để lo cho thuốc. Riêng khâu gieo giống để có thuốc con là một kỹ thuật tầm đặc biệt. Người ta xới đất cho tơi và nhuyễn như bột, lót bằng cây thuốc để phòng bệnh. Phải bốn mươi lăm ngày mới chiết con giống vô bầu. Chỉ được trồng thuốc vào lúc mờ sáng và chiều tối, nghĩa là lúc không có mặt trời. Trồng xong dùng lá giá tỵ thắt bánh ú để đậy. Phải ba ngày mới được dỡ lá ra, con thuốc nào chết phải cấy lại. Khó như nuôi con mọn chứ không chơi. Phải bón thuốc bằng phân bò và các loại hóa học khác. Ai dại bỏ phân heo là đem bỏ vì bón phân heo khi hút thuốc không cháy. Phải đi bắt sâu hằng ngày, ai chơi dại xịt ba cái trừ sâu là thuốc đó cũng bỏ luôn. Vừa chăm thuốc người ta vừa lo một cái khác không kém phần quan trọng là líp để phơi thuốc. Mỗi vụ một chủ rẫy chừng hai héc-ta làm sao cho có ít nhất một trăm líp. Các vựa mây tre lá mùa nầy là hốt bạc. Thợ rừng tháng dư chỉ vàng là chuyện nhỏ. Rừng ở đây ngoại trừ cây quý còn có cả những vạt bạt ngàn mum và lồ ô, hai loại cây thuộc họ tre và chỉ có nó mới cho ra líp phơi thuốc hảo hạng. Chủ cả phải bỏ ra trên dưới cây vàng mới sở hữu được trăm líp mà phục vụ cái hút hít của loài người. Xứ nầy thiên hạ trồng thuốc lá vàng. Loại nầy khói thơm và độ ngon của nó rất chi đằm. Các chủ hãng thuốc lá đâu bên trời Âu khoái lắm. Mỗi năm họ thu của dân Lẻ Bảy với giá rất hời, có bao nhiêu cũng không đủ bán. Vậy nên mấy ông chủ rẫy mặt luôn ngời ngợi. Vậy. Bỏ vốn lớn thì lợi tức phải lớn theo, đúng không?
    Tuy vai u thịt bắp mồ hôi dầu nhưng Tính không được đi lấy mum và lồ ô vì khi đến Lẻ Bảy thì mùa líp đã qua. Không sao. Thu hoạch đã đến, chủ cả cần người hái. Thu thuốc lá tuy kỹ thuật nhưng nghe là hiểu liền. Mỗi cây chỉ được hái hai lá chân, tục gọi thuốc chân. Loại thuốc nầy nằm trong danh mục bỏ đi, dùng hun muỗi hay để làm thuốc trị vắt cho dân đi rừng. Nói chung thuốc chân là loại không ai hút vì hôi và dở ẹc. Hái xong là bỏ phân cho thuốc. Tuần kế hái tiếp hai lá, gọi thuốc lòng ống. Sau lòng ống là thuốc cái. Bắt đầu từ đây thuốc đã có giá trị như vàng. Người ta bó lại thành cục và đem ủ qua một đêm. Khi lá thuốc ửng màu như chuối chín bói thì bọn nhóc, con của những kẻ làm thuê các xứ sẽ được tập trung suốt cọng thuốc, khoán theo kí lô. Khi suốt phải lau thật kĩ không được để một hạt cát vương trên lá mà trong quá trình thu hoạch có thể bị rơi rớt xuống đất.
    Bốn giờ chiều phe xắt thuốc bắt đầu tập trung. Mỗi tốp một thợ xắt và hai thợ phơi. Thoạt tiên họ đem dao ra làm lấy nước. Lơ mơ không ai được sờ vào lưỡi dao đừng nói cầm thử cho biết. Loại dao nầy chỉ có dân xứ Đồng Tháp mới biết cách cho ra thành phẩm. Nó phải đi qua một nước tôi mà khi để lên bàn cạo, người thợ dùng nạo, nạo ra những dăm bào bằng thép sáng như gương. Các lò rèn có thể tôi già hoặc non, nhưng non xèo đến độ nạo được thì khó lắm. Người thợ sẽ làm chí ít ba lưỡi dao, sao cho bén đến độ thả cọng tóc lên phải đứt hai. Bén và mỏng nên nhỡ mà vương trúng một hạt cát khi xắt lưỡi dao sẽ mẻ ngay. Loại dao nầy đắt lắm, giá cả gấp bốn lần một cây rựa đi rừng loại một. Đó mới là dao, còn để xắt thì chả có loại đồ nghề nào thuộc trường phái tay chân bì nổi. Vật dụng nầy có hình thức giống như một con ngựa không đầu được chế tác bằng gỗ gõ đỏ hoặc cẩm lai. Ở cần cổ của con ngựa được dựng một phách ván dày cỡ ba phân, nó được khoét một cái họng hình bầu dục đáy bằng. Cái họng nầy có chiều cao hai mươi phân, chiều ngang mười lăm phân. Thợ xắt chất thuốc vào đầy họng, một chân gác qua yên ngựa dùng bắp vế để đẩy, tay trái đè và tay phải đưa dao, thuốc sẽ bay ra từ cái họng nầy. Cao điểm thu hoạch, một đêm người thợ phải xắt trên trăm líp thuốc, lúc ấy cần đến cả năm ngọn dao. Nghề xắt thuốc không thể lực không ai làm được. Và xắt thuốc là một nghệ thuật phải dày công luyện tập. Thuốc phải nhuyễn và đều, anh xắt ra hủ tíu là chủ không tính tiền công líp thuốc ấy, có thể anh phải đền nếu chủ không thông cảm. Người chủ xem thợ như cha mẹ, họ o bế đến từng miếng ăn giấc ngủ. Thợ mà trái gió trở trời trong khi xắt thì chủ có đường chết, bởi thuốc lá chỉ được xắt về đêm để phơi sương lấy màu. Xắt ban ngày thuốc đen lại thì chỉ có vứt, còn bị chê thuốc gì đen như cứt chó. Thợ phải đảm bảo xắt hết mùa cho chủ, phải hoàn tất líp cuối cùng trước sáu giờ sáng. Nhỡ bệnh hoặc lúc cao điểm phải có thợ xắt vớt. Không được vậy thì miễn hợp đồng. Thợ phải tuân thủ vì thu nhập của nghề nầy cao vòi vọi. Ai nghe qua không muốn thành thợ kẻ đó bị đánh mất lòng tham.
    Nói về tham thì Tính không thua ai.
    Và tham công tiếc việc chả ai bắt tội cả. Cùng trang phải lứa ai cũng sau tám tiếng là nhào vô sòng nhậu kiếm ba sợi giải buồn. Tha phương cầu thực buồn lắm hỡi tha nhân ơi. Nhưng Tính thì không. Tối, sau bữa ăn Tính đi phụ phơi thuốc cho chủ. Phơi ở đây không phải thợ đâu nghe. Người thợ phơi thuốc chính thống có giá lắm, họ ăn chia ba-bảy với thợ xắt. Nghề nầy không luyện và không kinh nghiệm cũng khó hoàn tất lắm. Thuốc từ họng ngựa bay ra, thợ phơi phải kéo sao cho ra dây. Sợi dây thuốc lớn bằng ngón tay cái và càng dài càng tốt, đẳng cấp của thợ phơi được đánh giá qua nghệ thuật kéo dây, kẻ nào kéo dài và đều nhất được tôn làm chị, làm thầy. Dây để trang trí bề mặt líp thuốc. Mỗi líp thuốc có bề mặt bảy tấc, dài hai mét. Trên cái mặt ấy thợ phải phải kéo năm đường dây, mỗi đường dài bảy tấc. Mặt đáy của líp thuốc phải kéo cho đều và mượt, vụn vằn bỏ vô trong, trên cái vụn vằn phải phủ mặt cho đẹp mới ăn tiền. Hầu hết thợ phơi đều phái tóc dài, chỉ có cái sự dẻo như kẹo của bàn tay con gái mới kéo được dây thuốc. Đôi khi có vài tay ồm ồm vịt đực lọt vào nhưng là ồm ồm pha eo éo. Thợ phơi thường có giá hơn thợ xắt, được chủ quý lắm. Vì sao? Vì liền bà con gái miền Tây, đặc biệt xứ Cao Lãnh cô nào cô nấy đẹp như tiên sa. Dân Lẻ Bảy Đồng Nai mới gặp là hát bài Cho anh xin số nhà ngay tức khắc.
    Tính không phải loại thợ phơi danh giá nầy. Anh ta cũng phơi nhưng là bưng líp đi phơi sương. Tội nghiệp, ban ngày đi hái, đêm còn làm thêm kiểu nầy làm sao xiết? Thực ra mỗi tuần Tính chỉ thức ròng hai đêm mà thôi. Mới đầu mùa thuốc còn ít, một đêm mỗi chủ thuốc ra chừng vài ba mươi líp là nhiều. Xắt đến khoảng mười giờ đêm là hết. Trai trẻ thì thêm vài tiếng cũng chẳng chi hao tổn nguyên khí. Chỉ có vô cao điểm Tính phải vừa bưng đi phơi vừa trở thuốc để lấy sương hai mặt thì cũng vất lắm. Vất thì vất nhưng tiền nhiều nên tinh thần lúc nào cũng phấn khởi.
    Dân tha phương nhìn Tính là lắc đầu:
    - Mày độc thân làm vậy cho chết hả Tính?
    Để trả lời, Tính bái thợ xắt thuốc Sáu Anh làm thầy. Má ơi. Hãy nhìn Tính nè, khi nào Sáu Anh xuống ngựa giải lao cà phê cà pháo ăn khuya là Tính nhảy lên ngựa lướt thử vài dao. Lướt thôi, không dám thị phạm vô thuốc. Một đường dao trái khoáy là thợ phải sửa lấy mặt lại, và chỗ sửa sẽ kéo không ra dây. Tính chỉ được lướt bên ngoài mặt ngựa và đó bước đầu tiên của bất kì kẻ nào muốn học nghề xắt thuốc. Cũng không dễ để thợ cho anh ngồi lên ngựa, xưa nay ai cho tay ngang cầm vô đồ dùng của thợ nếu không được thợ cảm tình và cho phép?
    Cái chịu thương chịu khó, không hư đốn ăn nhậu của Tính được chủ và thợ Sáu Anh cảm lắm. Nhưng chất đàng hoàng ấy mới một phần thôi. Tính còn có tài vặt nữa, cái vặt nầy giúp rất nhiều cho nghiệp xắt thuốc. Ai chả biết thức đêm là buồn ngủ, đương nhiên là chủ nhà phải cung cấp cà-phê dư đủ cho tất cả, nhưng thức riết cà-phê cũng chào thua. Giấc ngủ ngày không thể nào bù được giấc đêm. Nhưng Tính và cái tài kể chuyện tiếu lâm của anh làm không khí bừng lên sức sống. Chả hiểu trong đầu anh ta làm sao mà lắm chuyện cười đến thế. Mà không. Có lẽ do cái duyên vì khi Tính kể chuyện Tây Du hay Tam Quốc cũng lấy được nụ cười người nghe. Vậy nên Sáu Anh nhận Tính làm đệ tử, truyền hết mọi ngón nghề cho Tính, tất nhiên là lý thuyết thôi, còn thực hành Sáu Anh nói:
    - Tao cho mày mượn con ngựa, bán cho một ngọn dao... rồi đi hái lá khoai mì mà tập xắt.
    Có lẽ do nghề nầy quyến rũ quá ở khoản tiền nhiều là một, được trọng vọng như ông hoàng là hai. Thiệt đó. Không nói chơi đâu. Có cái nghề chi mà chỉ trong hai tháng anh làm ra cả cây vàng và không tốn một xu tiền ăn? Vậy nên Tính quyết bám theo cho bằng được. Ban ngày hái đủ thứ lá, chấp nhận hy sinh lưỡi dao để tập xắt. Tính ám ảnh đến độ trong giấc ngủ cũng mơ thấy mình đang lướt đường dao. Vậy rồi cuối mùa thuốc đầu tiên Sáu Anh cho Tính lên ngựa xắt thuốc chồi. Đây là loại thuốc cuối mùa, lá chỉ bằng hai ngón tay nên không thể suốt cọng. Để xắt loại băng cọng nầy phải thật sự thể lực vì rất nặng tay dao. Thợ chiến đấu chừng năm líp là mồ hôi đổ ướt lưng áo.
    Nhìn Tính đi dao Sáu Anh nói:
    - Chắc tao phải gọi mày là sư phụ. Băng cọng mà kéo được dây thì mày là thầy của tao rồi.
    Cả chủ thuốc cũng nghiêng đầu bái phục gã tha phương tên Tính. Ngon lành hơn, Tính lọt vào mắt xanh một nhan sắc có tầm người Cà Mau. Nàng tên Sứ. Mồ côi nên ở với chú. Ông chú cũng thợ xắt lành nghề. Tính cũng yêu nàng. Vậy là cả hai nên giai ngẫu. Cùng nghèo nên chỉ đôi mâm đơn sơ. Vậy là một tên ở xứ trung xa xôi cùng một cô miền nam xa lăng lắc, đứng trên đất miền đông mà hát bài nam trung bắc anh em một nhà sum họp.
    
- o O o -

    Tính quyết chí giàu. Mà bản lĩnh và thương khó như vợ chồng anh, không giàu cũng phải khá. Mùa kế Tính bỏ tiền ra thuê cả hai héc-ta đất. Nói với vợ:
    - Ráng một năm nay là vợ chồng mình ung dung. Chỉ cần trúng một vụ thuốc là hai mẫu đất nầy thuộc về mình luôn. Anh nói em nghe được không?
    - Thì anh muốn làm gì đó thì làm.
    Đúng là thuận vợ thuận chồng tát bể đông cạn thì chớ còn không biết đau lưng là chi. Và trời cao bất phụ hảo nhân tâm. Vụ đầu Tính thu được cả sáu tấn ngô. Vụ hai trên hai tấn đậu nành. Vậy là đủ cho một trận ăn thua đủ với thuốc lá. Chỉ cần hai tấn thuốc thành phẩm trên hai héc-ta đất nầy thì Tính nên ông. Thật sự ông.
    Vậy là vốn liếng thu được từ bắp và đậu, thêm cà rá dây chuyền của vợ Tính dồn hết vào thuốc lá. Từ khâu gieo giống đến vô bầu, trồng trọt... Tất cả các cái đều phải thuê, cả vụ hái lá giá tỵ để che thuốc cũng phải mua. Nặng nề nhất là khâu líp phơi thuốc, nó ngốn của đôi vợ chồng trẻ cả cây vàng. Bao nhiêu của nả dùm dành dồn hết vào một cuộc cờ. May quá. Lúc xắt thuốc chồng đã là ông thợ còn vợ là dân phơi nên miếng ăn cho thợ sao cũng xong, nếu thuê thợ thì vợ chồng Tính chết lâu rồi!
    - Sao chết hả chú Hai?
    - Bà má nó ba cái vụ giá cả. Bây biết không, vụ thuốc đó thằng Tính trúng cả tấn thuốc cái, lòng ống thuốc chồi thêm tấn nữa. Nhưng chả hiểu ra làm sao mà năm đó tuột giá thê thảm. Đang từ năm chục ngàn một kí lô rớt tự do còn năm ngàn đồng. Quan trọng là không một lái nào tới mua như mọi năm nữa. Dân thuốc lá xã Lẻ Bảy nầy chết sạch. Thuốc phơi khô đóng bành để chết đó không biết phải làm chi. Ai cũng hy vọng giá sẽ trở lại thời hoàng kim nên tiếp tục phơi nắng để lấy màu và chống sâu bọ.
    - Sao lại có sâu hả chú?
    - Thuốc mà không thường xuyên lấy nắng thì sâu thuốc tức khắc phát sinh, nó ăn thuốc và sinh sôi nhanh như sao xẹt, nhưng phơi cỡ nào cũng chịu vì đến mùa mưa là bó tay. Thuốc đóng bành nằm chết dí. Thiên hạ còn loay hoay được vì cố cựu rẫy rừng, a-ma-tơ Tính thì chết toàn tập luôn. Sau vụ thuốc đó chả còn ai dám động dạng. Thằng Tính phải dùng líp thuốc dựng vách làm nhà cho vợ đẻ. Nó bán tống bán tháo cho thằng Hòa Tạp Hóa tấn thuốc cái lấy tiền mua được hai sào đất thấp dở...
    - Ủa... chớ ông Hòa mua làm chi chú? Và đất thấp dở là đất làm sao?
    - Hòa Tạp Hóa bà con anh em rải khắp lộ hai mươi nầy. Ai cũng buôn bán nhỏ. Nó mua rồi phân phối cho anh em bán lẻ. Vậy là sự nghiệp của thằng Tính sau hai năm ở xứ nầy còn lại hai sào đất làm không nên ăn, mới có tên thấp dở. Thấp dở nghĩa là dở rẫy dở ruộng, lúc nào cũng lẹp xẹp nước và cỏ thôi thì khỏi nói. Làm đằng trước đằng sau đã xanh um.
    - Chà chà... khó dữ ha? Rồi làm sao mà ổng có tên Hai Thùng?
    - Thằng Tính nhờ tao với thêm ba thằng bạn nữa ra tay đào một cái ao để nuôi cá. Dài hai chục mét, ngang mười mét, sâu một mét hai. Vậy là bao nhiêu nước trên miếng đất dồn về ao. Đất khô liền. Thằng Tính chơi chiêu vườn ao chuồng. Trên đất nó trồng đủ loại rau. Quan trọng nhất là rau khoai lang. Nó khá lên là nhờ loại nầy. Hồi đó dân mình nhà nào cũng nuôi heo để cải thiện. Rau gì cũng có thể ế, nhưng rau khoai lang thì không, nó đắt như tôm tươi. Thắng Tính được gọi là Hai Thùng vì lúc nào cũng kẽo kẹt trên vai xuống ao múc nước tưới rau. Bây hiểu không? Nó gánh đến độ hai cái vai chai như miếng ván gõ đỏ. Và chỉ một đường duy nhất là rau và tao dám chắc một điều thằng Tính bạn tao, tức cái người mà bây kêu là chú Hai Thùng đã dư ăn dư để, dư tiền bạc cho con vào đại học và thành tài là từ cặp thùng tưới và hai sào đất mà ra. Tình thật mà nói tao không nghe lời nó thì cũng đâu có như hôm nay.
    Bầy trẻ nghe chuyện thắc mắc:
    - Ủa chú cũng có ân oán với ổng hả?
    - Ừa... Năm đó đám điều của tao đã thất mùa lại thất giá. Thấy thiên hạ bỏ điều trồng tràm, bạch đàn bán cho công ty giấy. Tao tính theo nhưng nhờ Hai Thùng chận lại, nếu không tao vác bị đi ăn mày từ khuya rồi con trai.
    Hai Thùng nói:
    - Anh không nhớ vụ thuốc của tôi sao? Thấy thiên hạ ngon ăn mình cũng chạy theo như phong trào, như dịch hạch. Cuối cùng là thua đứt. Bây giờ ai cũng bỏ điều trông tràm giấy, coi chừng thua là hối không kịp đâu.
    - Nhưng mà - Hai Nhỏ nói - Chỉ một cây mưa đầu mà bông điều thối hết đâu có mà ăn anh.
    - Tôi thấy cây điều là cây chịu nước. Cứ mùa khô đến anh chịu khó đào một lỗ ở gốc, mỗi tuần anh cho một gốc hai đôi nước. Tôi chắc với anh khi bông no nước từ gốc thì mười cây mưa trái mùa cũng không thể khô bông. Còn giá cả mỗi năm mỗi khác. Cây điều là cây công nghiệp xuất khẩu giá lên xuống tuy không đều nhưng dù sao cũng chắc ăn hơn thuốc lá của tôi. Anh mà bỏ nó là chết đó. Cứ chuyên canh một cây. Không đói đâu mà anh lo.
    Nghe lời bạn, Hai Nhỏ giữ lại hai mẫu điều và thực hiện như lời phán của Hai Thùng. Vụ điều kế Hai Nhỏ trúng lớn, trúng cả giá. Dễ hiểu thôi, thiên hạ cứ đua nhau làm kiểu bắt chước thấy anh ngon tui cũng theo. Vậy là thua.
    Cũng như Hai Thùng chuyên trị một loại màu. Hai Nhỏ đúng một cây điều. Chuyên đến tinh. Và như ông bà dạy, nghệ mà tinh thì thân vinh. Vậy thôi.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Trí
» Quỷ Dịch
» Quà Muộn
» Nhất Nghệ Tinh
» Hảo Hởn Cũng Phải Tàn
» Tre Rừng Về Phố
» Động & Bất Động
» Bọt Bèo Thì Nổi Phù Sa Thì Chìm
» Nước Mắt Khô
» Đen Hơn Bóng Tối
» Chân Trần Tái Ngộ
» Trò Chơi Của Một Ô Môi
» Tử Vô Kỳ
» Má Năm
» Buồn Ơi Cho Bắt Tay Cái Coi
» Mì Gõ, Vé Số Và Cà Phê Đèn Mờ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý