Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Một Đám Mây Nhỏ Tác Giả: James Joyce    
    James Joyce (1882-1941) là một tác giả nổi tiếng người Ái-Nhĩ-Lan. Người ta thường hay gặp ông, khi còn thanh niên trong các quán rượu thành Dublin. Ông tới đó để nhận xét, với một vẻ lãnh đạm kỳ lạ, những con người cô đơn mà ông gặp ở đó. Đó là một trong những đặc điểm chính phải ghi nhận trong những truyện đầu tiên ông viết trước khi ông 20 tuổi và xuất bản dưới nhan đề “Những người dân thành Dublin”, “Một đám mây nhỏ” là một truyện trích trong đó.
    Đối với “Bé Chandler”, con người mà các bạn sẽ gặp trong truyện dưới đây, bữa đó bình minh thật tươi sáng, và chàng đón chào ngày ấy với tất cả tấm lòng trìu mến. Nhưng rồi một đám mây nhỏ xuất hiện và che khuất hẳn ánh mặt trời.
    
    Tám năm trước chàng đã đi tiễn đưa người bạn tại North Wall và chúc bạn thượng lộ bình an. Và Gallaherđã thành công trong sự nghiệp. Đều đó người ta có thể thấy ngay ở bộ dạng của một người đã đi du lịch nhiều, ở bộ đồ len cắt đẹp và và giọng nói hùng hồn của anh. Ít kẻ có tài như anh và còn ít hơn nữa những kẻ còn giữ được trong trắng sau khi đã thành công như anh. Gallaher đặt tình cảm đúng chỗ và anh thành công là xứng đáng. Có một người bạn như anh thật là một điều đáng kể.
    Từ sau bữa trưa, tư tưởng của “Bé Chandler” chỉ hướng về cuộc gặp gỡ với Gallaher, về lời mời của Gallaher và đại đô thị Luân-đôn nơi mà Gallaher ở. Chàng được người ta gọi là Bé Chandler vì tuy chàng chỉ nhỏ bé hơn vóc trung bình một chút, nhưng chàng khiến người ta có cảm tưởng chàng là một cậu bé. Bàn tay chàng trắng và nhỏ, thân hình mảnh khảnh, tiếng nói bình tĩnh và cử chỉ tế nhị. Chàng hết sức chải chuốt mái tóc và bộ râu mép vàng tơ, và chàng chỉ dùng nước hoa một cách kín đáo rỏ vào khăn tay. Vành móng tay chàng cũng chải chuốt và khi cười chàng để lộ hàm răng trắng như răng sữa.
    Ngồi trước bàn giấy nhà hàng King, chàng nghĩ lại những đổi thay trong tám năm gần đây. Người bạn chàng quen biết khi người ấy còn có một bộ dạng nghèo khổ túng thiếu, nay đã thành một nhân vật nổi tiếng trong làng báo Luân-đôn. Chàng luôn luôn ngừng công việc viết lách mệt mỏi để xoay ra ngước mắt nhìn qua cửa sổ văn phòng. Ánh tà dương cuối thu đã bao trùm bãi cỏ và lối đi. Tia nắng vàng hoe như tung một đám mây bụi lên mấy cô y-tá chải chuốt và mấy ông già lụ khụ ngồi ngủ gật trên những chiếc ghế dài. Ánh nắng lung linh trên những hình dáng linh động - những bầy con trẻ vừa chạy vừa hò hét trên con đường sỏi và tất cả những ai qua lại trong vườn. Chàng ngắm cảnh và nghĩ tới sự đời và (cứ khi nào chàng nghĩ tới sự đời thì y như rằng) chàng cảm thấy buồn…Một nỗi buồn man mác chiếm đoạt tâm hồn. Chàng cảm thấy cưỡng lại số mệnh là vô ích. Đó là gánh nặng của lịch duyệt mà năm tháng đã di truyền lại cho chàng.
    Chàng hồi tưởng lại những tập thi phẩm trên giá sách ở nhà. Chàng đã mua những tác phẩm đó trong những ngày còn sống độc thân và có những buổi chiều, khi chàng ngồi trong căn phòng nhỏ cách xa căn phòng lớn, chàng đã có ý muốn lấy xuống một cuốn và đọc hết một đoạn nào đó cho vợ chàng nghe. Nhưng tính nhút nhát bao giờ cũng cản chàng lại và cứ như thế, sách vẫn ở trên giá. Đôi khi chàng nhẩm lại vài giòng và điều đó an ủi chàng.
    Khi đồng hồ điểm, chàng đứng dậy và trịnh trọng từ giã bàn giấy và các bạn thư ký đồng sự. Chàng ra khỏi cổng kiến trúc theo hình cánh cung thời Trung Cổ của nhà hàng King, dáng người chàng chải chuốt nhưng nhã nhặn, và chàng rảo bước xuống phía dưới đường Henrietta. Ánh nắng vàng của mặt trời lặn đang xuống dần và không khí trở nên giá buốt. Một bầy trẻ dơ dáy chơi đầy ngoài phố. Chúng đứng hay chạy trên lộ và bò lên những bực thềm trước những cửa hé mở, hay ngồi xổm như bầy chuột trên ngưỡng cửa, Chandler không nghĩ gì tới chúng. Chàng khéo léo lựa bước đi giữa đám sinh vật nhỏ bé như sâu kiến này, và dưới bóng những lâu đài hoang vắng như bóng ma trong đó phe quý tộc lâu đời thành Dublin đã từng sống một cuộc đời tưng bừng rộn rịp. Không một kỷ niệm cũ nào làm bợn lòng chàng vì tâm hồn chàng tràn ngập nỗi hân hoan hiện tại.
    Chàng chưa hề đặt chân vào quán Corless bao giờ, nhưng chàng đã nghe danh và biết giá trị của quán đó. Chàng biết người ta tới đó sau khi tan hát để ăn sò và uống rượu ngọt, và chàng có nghe nói bồi bàn tại tiệm đó nói tiếng Pháp và tiếng Đức. Ban đêm đi thoáng qua chàng đã thấy xe ngựa đậu thành hàng trước cửa và các bà ăn mặc sang trọng, có bạn trai đi kèm, bước xuống xe rồi vội vã bước vào. Họ bận những bộ đồ kêu sột soạt và nhiều áo hoặc khăn choàng. Mặt họ đánh phấn và họ vén tà áo mỗi khi họ đặt chân xuống đất như những nàng nữa quái kiệt Atalantas trong truyện cổ tích Hi-lạp ngày xưa, khi sợ hãi. Bao giờ chàng cũng đi qua không ngoái cổ nhìn lại. Chàng có thói quen bước mau ở ngoài phố ngay cả ban ngày, và mỗi khi chàng ở ngoài phố đêm khuya, chàng bước vội vã với một vẻ sợ sệt và xao xuyến. Tuy nhiên đôi khi chàng lại đùa cợt với những nguyên nhân sợ hãi của chàng. Chàng chọn những phố tối tăm chật hẹp nhất và trong khi chàng mạnh dạn tiến bước, sự im lặng lan tràn chung quanh bước chân chàng làm cho chàng sinh lo ngại, những hình người lang thang và yên lặng làm chàng bối rối, và có khi một tiếng cười nhỏ thoáng qua làm chàng run lên như tàu lá.
    Chàng rẽ sang tay phải để tới đường Capel. Ignatius Gallaher ở trên báo chí ở Luân-đôn! Ai có thể tưởng tượng được điều đó cách đây tám năm? Tuy nhiên bây giờ sau khi nhìn lại quá khứ, Chandler có thể nhớ lại nhiều dấu hiệu cho thấy bạn chàng sẽ có một tương lai huy hoàng. Người ta thường hay nói Ignatius Gallaher quá phóng đãng. Dĩ nhiên, anh ta đã chung đụng với một nhóm bạn bè trụy lạc thời đó, rượu chè be bét và vay mượn lung tung. Cuối cùng anh đã liên can tới một câu chuyện, một vụ buôn tiền nào đó, điều này ít ra là một lời giải thích việc anh đào tẩu. Nhưng không ai chối cãi tài của anh. Bao giờ cũng có một cái gì, một điều gì đó ở Ignatius Gallaher gây một ấn tượng cho người ta, dù muốn hay không. Ngay cả khi anh lâm vào cảnh nghèo xơ xác và nghĩ nát óc không ra cách kiếm tiền, anh cũng vẫn giữ được vẻ mặt mạnh dạn. Chandler, nhớ lại (và kỷ niệm đó khiến má chàng ửng đỏ vì kiêu hãnh) một trong những câu nói Ignatius Gallaher khi chàng gặp tình thế khó khăn.
    “Đã nửa đời người rồi các bạn ơi”, anh thường vui vẻ nói. “Tôi phải suy tính làm chuyện gì mới được.”
    Đó là tất cả niềm tâm sự Gallaher và khốn nỗi, người ta không thể không khâm phục anh về điểm đó.
    Chandler rảo bước. Lần đầu tiên trong đời chàng cảm thấy chàng hơn những người chàng đi qua. Lần đầu tiên, tâm hồn chàng bất mãn với vẻ thô sơ buồn tẻ của đường Capel. Không còn phải nghi ngờ gì nữa; nếu bạn muốn thành công, bạn phải đi xa. Bạn không thể làm gì nên chuyện được tại Dublin. Trong khi chàng đi qua Cầu Grattan chàng nhìn xuống dòng sông về phía những bến ở phía dưới và cảm thấy thương cho những căn nhà nghèo khổ lụp xụp. Đối với chàng, những căn nhà đó có vẻ là một đoàn du thủ du thực chen chúc nhau dọc theo bờ sông với những chiếc áo cũ kỹ phủ đầy bụi và bồ hóng, ngơ ngác trước cảnh mặt trời lặn và chờ luồng khí lạnh đầu tiên của ban đêm để thúc giục họ đứng dậy, chuyển mình và ra đi. Chàng tự hỏi không biết chàng có thể viết được một bài thơ để phô diễn tư tưởng của chàng không. Có lẽ Gallaher có thể đăng giúp chàng trên một tờ báo nào đó ở Luân-đôn. Chàng có thể viết được bài nào độc đáo không? Chàng không biết chắc chàng muốn diễn tả tư tưởng gì, những ý nghĩ rằng một giây phút thơ mộng đã đến với chàng đã thành hình trong lòng chàng như một niềm hy vọng mới manh nha. Chàng mạnh bạo tiến bước.
    Mỗi bước chân lại đưa chàng đến gần Luân-đôn hơn, xa đời sống điều độ thiếu mỹ thuật của chàng. Một ánh sáng bắt đầu rung rinh ở chân trời của tâm hồn chàng. Chàng chưa đến nỗi già lắm: 32 tuổi. Tính khí chàng có thể nói chỉ vừa mới tới độ trưởng thành. Biết bao nhiêu tâm trạng và cảm tưởng chàng muốn phô diễn qua những vần thơ. Chàng cảm thấy những điều đó ở trong con người chàng. Chàng thử cân nhắc tâm hồn chàng xem có phải là một tâm hồn thi sĩ không. Nỗi u buồn là điểm chính của tâm trạng chàng, chàng nghĩ, nhưng là một cái buồn có đượm lòng tin tưởng, tính nhẫn nại và niềm vui vẻ thô sơ. Nếu chàng có thể diễn tả tâm trạng đó trong một tập thơ, có lẽ người ta sẽ nghe theo. Chàng sẽ chẳng bao giờ nổi tiếng, chàng biết vậy. Chàng không thể chinh phục được quần chúng nhưng chàng có thể lôi cuốn được một giới nhỏ những tâm hồn đồng điệu. Những phê bình gia người Anh có lẽ sẽ công nhận chàng là một thi sĩ thuộc môn phái Xen-tích (Celtic) vì giọng buồn của những bài thơ của chàng; ngoài ra chàng còn thêm những ngụ ý. Chàng bắt đầu nghĩ ra những câu và những từ ngữ thể hiện sự chú ý của người ta đến tác phẩm của chàng. “Ông Chandler cò tài làm những vần thơ lưu loát và duyên dáng…” “Một nỗi buồn khao khát thấm thía những bài thơ này…”, “Âm điệu Xen-tích…”. Tiếc rằng tên chàng không có vẻ Ái-nhĩ-lan hơn. Có lẽ nên ghi thêm tên thân mẫu trước biệt hiệu của chàng: Thomas Malone Chandler, hay hơn nữa: T. Malone Chandler. Chàng sẽ nói chuyện đó với Gallaher.
    Chàng hăng say để tâm hồn theo đuổi giấc mơ đến nỗi chàng đã đi qua khỏi phố và chàng quay trở lại. Khi chàng tới gần nhà hàng Corless, niềm xúc động lúc ban đầu lại chiếm đoạt chàng và chàng lưỡng lự dừng lại trước cửa. Cuối cùng chàng mở cửa bước vào.
    Ánh sáng và tiếng ồn ào trong nhà khiến chàng dừng lại ở cửa trong giây lát. Chàng nhìn chung quanh nhưng chỉ thấy lờ mờ vì ánh sáng chói của nhiều ly rượu vang xanh đỏ. Hình như nhà hàng đông nghẹt và chàng cảm thấy khách hàng đang tò mò quan sát chàng. Chàng đưa mắt nhìn hai bên (chàng hơi cau mày một chút để làm cho mục đích nhìn của chàng có vẻ đứng đắn), nhưng khi mắt chàng đã nhận rõ, chàng không thấy ai quay lại ngó chàng; và kia kìa Ignatius Gallaher đang đứng dựa lưng vào quầy, hai chân dang ra.
    “Ê, bồ, con người anh hùng thủa xưa, mãi bây giờ mới thấy anh! Ta phải làm gì đây? Anh uống gì? Tôi dùng whisky đây: rượu uống không pha ngon hơn là pha nước. Anh dùng sôđa hay Lithine? Anh không dùng nước suối à? Tôi cũng thế. Nó làm mất hương vị rượu đi. Này, bồi, mang hai ly nhỡ whisky lại đây, lẹ lên nhé… Nào, công việc anh ra sao từ khi gặp anh lần chót? Trời, chúng ta già đi nhiều quá! Anh có thấy tôi già đi không? Hừ, cái gì? Tóc đã hoa râm và thưa trên đỉnh đầu - hả?”
    Ignatius Gallaher lật mũ ra và cho thấy một cái đầu to, tóc hớt ngắn. Mặt anh nặng, xanh xao và mày râu nhẵn nhụi. Đôi mắt anh màu xanh đá làm cho anh bớt vẻ xanh xao ốm yếu và sáng ngời trên chiếc cà vạt màu da cam tươi anh đeo. Giữa những nét nghịch nhau này, môi anh có vẻ trễ ra không thành hình thù gì và lợt lạt. Anh cúi đầu xuống và hai ngón tay anh sờ một cách đầy thiện cảm mớ tóc thưa trên đỉnh đầu. Chandler lắc đầu tỏ vẻ phủ nhận. Ignatius Gallaher đội mũ lại.
    Anh nói: “Đời sống ký giả, nó làm người ta suy nhược đi. Lúc nào cũng vội vàng tất tả, tìm kiếm bản thảo và nhiều khi không thấy; và rồi, bao giờ cũng phải có cái gì mới mẻ cho tờ báo. Anh này, tôi bất chấp cả bài chữa và thợ in trong vài hôm. Tôi thấy rất khoan khoái, được về quê hương cũ. Được nghĩ vài ngày là một điều hay. Tôi cảm thấy cực kỳ sung sướng từ lúc tôi đặt chân lại trên đất Dublin dơ bẩn này… Và mong bồ mãi, thì đây rồi. Anh muốn thêm nước à? Hễ thôi thì bảo nhé!”
    Chandler để cho pha whisky thật loãng.
    “Anh không biết thế nào là vừa uống cho anh à?” Gallaher nói.
    “Tôi uống nguyên chất” Chandler nói, một cách khiêm tốn” “Thường thường tôi uống rất ít. Thỉnh thoảng uống một nửa ly khi gặp một người trong nhóm bạn cũ; có thế thôi.”
    Gallaher mừng rỡ nói: “Đây là để mừng chúng ta, mừng những ngày xa xưa và tình bạn cũ.”
    Họ chạm ly và uống chúc mừng nhau.
    Ignatius Gallaher nói: “Hôm nay tôi đã gặp mấy đứa trong tụi cũ. O’Hara hình như đang gặp khó khăn. Nó làm gì thế?”
    Chandler nói: “Chẳng làm gì cả. Nó đang bị sa sút.”
    “Nhưng Hogan có địa vị khá phải không?”
    “Phải, nó ở trong Ủy-ban Điền-địa.”
    “Tôi có gặp nó một đêm tại Luân-đôn và nó có vẻ làm ăn phấn chấn lắm… Tôi nghiệp cho O’Hara! Chắc nó rượu chè be bét?”
    “Còn nhiều cái khác nữa,” Chandler nói vắn tắt.
    Gallaher cười rộ. Anh nói:
    “Tôi thấy anh không thay đổi mẩy may. Anh vẫn là con người đứng đắn hay thuyết pháp tôi những buổi sáng chủ nhật ngày xưa, khi tôi nhức đầu hay đắng miệng vì hôm trước uống rượu nhiều quá. Rồi anh sẽ thích du lịch đó đây trên thế giới. Anh có đi tới đâu bao giờ không?”
    “Tôi đã tới đảo Man (gần Dublin)”, Chandler trả lời.
    Gallaher cười rộ:
     “Đảo Man! Anh phải đi Luân-đôn hay Paris; lựa Paris hơn. Đi Paris sẽ giúp ích cho anh nhiều lắm.”
    “Anh đã thấy Paris chưa?”
    “Phải nói rằng tôi đã thấy Paris rồi. Tôi có qua đó một thời gian ngắn.”
    “Paris có thật đẹp như người ta nói không?” Chandler hỏi. Chàng nhấp một chút rượu trong khi Gallaher mạnh dạn uống cạn ly của mình.
    “Anh hỏi có đẹp không à?” Gallaher nói rồi ngừng lại như thưởng thức câu đó và hương vị của rượu. “Không đẹp lắm, anh ạ. Cố nhiên đẹp… Nhưng đời sống ở Paris; đó mới là điều đáng kể. Hừ! Không có một thành phố nào có thể sánh được với Paris về vui vẻ, hoạt động và nhộn nhịp…”
    Chandler uống cạn ly rượu và sau một vài phút bối rối, chàng ra hiệu được cho bồi bàn trông thấy. Chàng bảo mang lại cũng thứ rượu đó.
    “Tôi đã vào nhà hàng Moulin Rouge”, Gallaher tiếp tục câu chuyện, khi bồi bàn đã dọn ly, “và tôi đã vào tất cả các quán cà phê của khách giang hồ. Họ vui nhộn lắm. Đó không phải là chỗ dành cho một người ngoan ngoãn như anh đâu.”
    Chandler làm thinh cho tới khi bồi bàn mang hai ly trở lại: chàng chạm cốc nhè nhẹ với bạn và nâng ly chúc mừng lại bạn. Chàng bắt đầu cảm thấy thất vọng đôi chút. Giọng của Gallaher và cách ăn nói của anh làm chàng không thích. Có một vẻ gì tầm thường ở bạn chàng mà chàng không nhận thấy trước kia. Nhưng có lẽ đó chỉ là kết quả của cuộc sống ở Luân-đôn giữa sự bận rộn và cạnh tranh trong làng báo. Vẻ hấp dẫn của anh khi xưa hãy còn đó dưới cử chỉ lố lăng mới mẻ này. Và, dù sao chăng nữa, Gallaher đã từng sống nhiều, anh đã biết đó biết đây. Chandler nhìn bạn với con mắt thèm muốn.
    “Ở Paris, cái gì cũng vui,” Gallaher nói. “Người ta tin rằng phải vui hưởng cuộc đời, và anh có thấy họ nghĩ như vậy là phải không? Nếu anh cũng muốn hưởng thú vui ở đời cho đúng nghĩa, anh phải đi Paris. Và anh phải biết rằng ở đó họ có nhiều cảm tình với người Ái-nhĩ-lan. Khi họ nghe nói tôi từ Ái-nhĩ-lan đến, họ như muốn nuốt chửng tôi, bồ ạ.”
    Chandler nhấp ly rượu bốn năm lần. Chàng hỏi:
    “Anh cho tôi hay, có thật Paris là một thành phố phóng đãng lắm như người ta nói không?”
    Ignatius giơ tay phải lên làm dấu thánh giá.
    “Nơi nào mà không phóng đãng”, anh nói. “Cố nhiên, người ta thấy có nhiều món lạ ở Paris. Chẳng hạn, anh đi dự một trong những buổi khiêu vũ của sinh viên. Thật là sống động, nếu anh thích, khi các cô ả bắt đầu không giữ gìn gì nữa. Tôi chắc anh biết các cô ả đó là ai rồi chứ?”
    “Tôi có nghe nói tới họ,” Chandler nói.
    Ignatius Gallaher uống hết whisky và lắc đầu. Anh nói:
    “Ừ, anh muốn nói gì thì nói. Không có người đàn bà nào sánh được với gái Paris về phương diện lịch sự và sinh lực.”
    “Vậy thì Paris là một thành phố trụy lạc rồi,” Chandler nói và rụt rè nhấn mạnh vào điều đó. “Tôi muốn nói so sánh với Luân-đôn hay Dublin”
    “Luân-đôn à?” Gallaher nói, “Thì cũng là nửa nọ nửa kia, chứ không kém. Cứ hỏi Hogan thì rõ bồ ạ. Tôi đã cho y biết một chút về Luân-đôn khi y qua đó. Y sẽ mở mắt cho anh… Này, bồ đừng nhấp hớp một whisky, uống cạn đi.”
    “Không, chịu thôi…”
    “Ồ, cố lên, một ly nữa không có hại gì cho anh đâu. Anh uống gì? Cũng lại thứ ấy hẳn?”
    “Ừ… thôi được.”
    “François, cũng thứ đó… Anh hút thuốc không?”
    Gallaher đưa ra hộp xì gà. Đôi bạn châm thuốc và yên lặng hút cho tới khi bồi đưa rượu tới.
    Nhô ra khỏi đám khói mịt mù bao quanh người anh một lúc, Gallaher nói: “Tôi sẽ cho anh hay ý kiến của tôi. Thế giới này kỳ quặc lắm. Nói tới trụy lạc! Tôi đã nghe nói tới những trường hợp – tôi đã nói gì nhỉ?- đúng hơn là tôi biết rõ những trường hợp trụy lạc…”
    Gallaher hút điếu xì gà một cách suy tư, và sau đó bằng một giọng bình tĩnh như một sử gia, anh bắt đầu mô tả cho bạn thấy mấy cảnh trụy lạc thông thường ở ngoại quốc. Anh tóm tắt những xấu xa của nhiều thủ đô và có vẻ muốn tặng giải quán quân cho Bá-linh. Có những chuyện anh không bảo đảm xác thực (bạn anh đã kể cho anh nghe), nhưng về các chuyện khác thì anh có kinh nghiệm bản thân. Anh không nể nang địa vị hay giai cấp nào. Anh tiết lộ những bí mật của nhiều tu viện trên lục địa và tả những lề lối hợp thời trang trong giới thượng lưu và chấm dứt bằng một câu chuyện về một bà quận công người Anh, câu truyện mà chàng biết là có thực. Chandler sửng sốt.
    “Ừ”, Gallaher nói: “Thì ra chúng ta đang sống ở thành Dublin tẻ ngắt, nơi mà không ai hay biết gì về những chuyện đó.”
    “Sau khi đã đi thăm tất cả những nơi khác,” Chandler nói, “Chắc anh phải thấy đây buồn tẻ lắm.”
    “Thật ra”, Gallaher nói, “Anh biết, về đây là để nghỉ ngơi. Và dù sao, đây cũng là quê hương bản quán như người ta nói, phải không. Mình không thể không có chút cảm tình với quê hương. Bản chất con người mà… Nhưng này anh hãy kể cho tôi nghe chuyện về anh đi. Hogan bảo tôi rằng anh đã… hưởng vui thú hạnh phúc gia đình. Đã hai năm rồi, phải không?”
    Chandler đỏ mặt và mỉm cười, chàng nói:
    “Phải, tôi cưới tháng Năm năm ngoái, đã được mười hai tháng.”
    “Tôi mong hôm nay tôi chúc anh cũng không quá muộn,” Gallaher nói: “Tôi không biết địa chỉ của anh, nếu không tôi đã gởi lời chúc mừng anh khi đó.”
    Anh chìa bàn tay và Chandler nắm lấy.
    “Tôi chúc anh và chị mọi sự vui vẻ, bồ ạ, và phát tài và bách niên giai lão. Và đây là lời chúc mừng của một người bạn chân thành, một người bạn cố tri. Anh biết chứ?”
    “Tôi biết,” Chandler nói.
    “Có cháu nhỏ nào chưa?” Gallaher hỏi.
    Chandler lại đỏ mặt. Chàng nói:
    “Chúng tôi có một cháu.”
    “Trai hay gái?”
    “Trai.”
    Gallaher vỗ đánh đét một cái vào lưng bạn.
    “Hoan hô,” anh nói, “Tôi thật sự tin tưởng ở anh.”
    Chandler mỉm cười, thẹn thùng nhìn ly rượu và cắn môi dưới với ba chiếc răng cửa trắng như răng sữa.
    “Tôi mong anh sẽ đến chơi với chúng tôi một buổi tối,” chàng nói, “trước khi anh về Luân-đôn. Nhà tôi sẽ vui mừng được gặp anh. Chúng ta sẽ nghe nhạc và…”
    “Cám ơn bồ nhiều lắm,” Gallather nói, “tiếc rằng không gặp nhau sớm hơn. Nhưng tối mai tôi phải đi rồi.”
    “Có lẽ tối nay được chăng…?”
    “Rất tiếc, anh biết rằng tôi về đây cùng với một bạn khác, anh ấy cũng thông minh và trẻ như anh và chúng tôi đã sắp đặt đánh bài. Tuy nhiên, đối với…”
    “Ồ, nếu vậy thì…”
    “Nhưng biết đâu?” Gallaher nói một cách dè dặt. “Sang năm tôi có thể lại về chơi sau khi tôi đã về thử một lần. Thôi chúng ta đợi dịp khác vậy.”
    “Tốt lắm,” Chandler nói, “lần sau anh về chúng ta phải đi với nhau suốt buổi tối. Anh đồng ý chứ?”
    “Đồng ý,” Gallaher nói, “sang năm nếu tôi về, xin lấy danh dự thề như vậy.”
    “Và để kết thúc,” Chandler nói, “chúng ta uống với nhau một ly nữa.”
    Ignatius Gallaher lấy chiếc đồng hồ vàng lớn ra và xem giờ.
    “Có phải là ly cuối cùng đấy không? Vì anh biết, tôi có hẹn.”
    “Nhất định là ly cuối cùng chứ.
    “Vậy thì được, chúng ta uống thêm một ly nữa, deoc an doruis - tiếng Ái-nhĩ-lan mình là một ly rượu whisky nhỏ phải không anh?”
    Chandler gọi rót rượu. Mặt chàng lúc trước bừng đỏ bây giờ đỏ hẳn. Một chuyện không đâu cũng làm chàng đỏ mặt bất cứ lúc nào; và bây giờ, chàng thấy nóng bừng và bồn chồn. Ba ly nhỏ whisky đã bốc lên đầu chàng và điếu xì-gà nặng của Gallaher đã làm cho trí óc chàng mất sáng suốt, vì người chàng vốn yếu và không quen uống rượu và hút thuốc. Tình cờ gặp Gallaher sau tám năm xa cách và ngồi cùng với Gallaher trong nhà hàng Corless giữa ánh đèn và tiếng ồn ào, nghe chuyện của Gallaher và được góp phần dù chỉ là một lúc thôi vào đời sống phiêu bạt lẫy lừng của Gallaher, bấy nhiêu điều đã làm đảo lộn thế quân bình của bản chất dễ xúc cảm của chàng. Chàng cảm thấy một cách sâu sắc sự khác biệt giữa đời chàng và đời bạn, và chàng cảm thấy điều đó bất công. Gallaher kém chàng về gia thế giáo dục. Chàng tin chắc rằng chàng có thể làm được một việc gì hay hơn những gì bạn chàng đã làm hay sẽ làm, một điều gì cao quý hơn là nghề làm báo chí hào nhoáng bề ngoài, nếu chàng gặp may mắn. Cái gì đã cản bước đường của chàng? Chàng muốn bênh vực cho mình bằng cách nào đó để tỏ rõ tính cách trượng phu của chàng. Chàng nhìn rõ ý nghĩa của việc Gallaher từ chối lời mời của chàng. Gallaher tỏ tình thân thiện với anh chỉ để mà lên mặt kẻ cả cũng như Gallaher tỏ ra là kẻ cả khi về thăm Ái-nhĩ-lan.
    Bồi bàn mang rượu lại. Chandler đẩy một ly lại phía bạn và chàng mạnh bạo nhấc ly kia lên.
    “Biết đâu,” chàng nói, trong khi hai người nâng cốc, “sang năm khi anh trở lại, tôi lại không được hân hạnh chúc anh chị Ignatius Gallaher hạnh phúc và bách niên giai lão.”
    Vừa uống rượu Ignatius Gallaher vừa ý nhị nhắm một mắt ở bên trên miệng cốc. Khi uống xong anh chép miệng một cách cương quyết, đặt ly xuống và nói:
    “Khỏi sợ lắm về điều đó, bồ ạ. Tôi sẽ tự do ăn chơi theo sở thích và nếm mùi đời rồi hãy chui đầu vào tròng nếu có bao giờ tôi đưa đầu vào tròng.”
    “Một ngày kia anh sẽ làm việc đó,” Chandler bình tỉnh nói.
    Gallaher nắn lại cà-vạt màu cam tươi và cặp mắt xanh màu đá nhìn thẳng vào bạn.
    “Anh nghĩ vậy à?” Anh nói.
    “Anh sẽ đưa cổ vào tròng,” Chandler nhắc lại một cách mạnh mẽ, “Cũng như tất cả mọi người khác nếu anh tìm được ý trung nhân.”
    Chàng hơi dằn giọng nói và chàng biết rằng chàng đã tự thú, nhưng tuy mặt chàng bừng đỏ hơn nhưng chàng không có vẻ bối rối trước cái nhìn của bạn, Ignatius Gallaher nhìn chàng một lúc rồi nói:
    “Nếu có bao giờ chuyện đó xảy ra thì anh có thể cá bao nhiêu tiền tôi cũng cá là tôi sẽ không mất thì giờ nhiều hay yêu đương gì hết. Ý định của tôi là đào mỏ. Nàng sẽ có một trương mục lớn tại ngân hàng nếu không là không xong với tôi.”
    Chandler lắc đầu.
    Gallaher hăng say nói: “Anh có biết chuyện gì không? Tôi chỉ cần nói lên một tiếng là ngày mai tôi có thể có vợ và tiền. Anh không tin? Phải! Tôi biết mà. Có hàng trăm, hàng nghìn chứ chả phải hàng trăm, cô người Đức và Do-Thái, giàu nức đố đổ vách không mong muốn gì hơn là… Rồi anh sẽ thấy. Anh sẽ thấy tôi đánh ván bài có đúng không. Khi tôi làm một việc gì là tôi tính chuyện có tiền, tôi nói cho anh hay. Anh cứ chờ xem.”
    Anh đưa ly rượu lên môi, uống cạn ly và cười rộ. Rồi anh suy nghĩ nhìn về trước mặt và nói bằng giọng bình tĩnh hơn:
    “Nhưng tôi không vội gì. Cứ để cho họ chờ đợi. Tôi không thích trói buộc mình vào một người đàn bà, anh biết chứ.”
    Miệng anh bắt chước cử chỉ của người nếm đồ ăn và anh nhăn mặt lại.
    “Tôi nghĩ rằng một món ăn mãi chắc phải hơi ngấy.”
    
    
- o O o -

    
    Chandler ngồi trong phòng cách xa căn lớn, hai tay ẵm một đứa bé. Vì muốn tiết kiệm, họ không mướn người giúp việc, nhưng em gái của Annie, cô Monica tới giúp chừng một giờ buổi sáng và cũng chừng một giờ buổi chiều. Nhưng Monica đã về nhà từ lâu rồi. Lúc đó là 9 giờ kém 15 rồi. Chandler về nhà uống trà muộn, ngoài ra chàng quên không mang về cho Annie gói cà phê từ tiệm Bewley. Dĩ nhiên nàng cáu kỉnh và trả lời chàng gióng một. Nàng nói nàng sẽ không uống trà hôm đó nhưng khi nhà hàng góc phố gần tới giờ đóng cửa, nàng quyết định chính nàng đi mua nửa cân trà và một cân đường. Nàng khéo léo đặt đứa bé đang ngủ vào tay chàng và nói:
    “Này. Đừng đánh thức nó đấy.”
    Một cây đèn nhỏ có chụp đèn bằng sứ đặt trên bàn và ánh sáng chiếu lên một bức hình lồng trong một tấm khung bằng sừng ép. Đó là ảnh Annie. Chandler ngắm bức ảnh, mắt chàng dừng trên đôi môi mỏng mím chặt. Nàng mặc chiếc áo dài mỏng, màu xanh da trời nhạt chàng mua tặng nàng một hôm thứ Bảy. Chàng phải trả cái áo đó 10 shilling 11 xu, nhưng áo đó còn làm cho chàng ức đến chết đi được. Hôm đó chàng phải khổ sở như thế nào, đợi ngoài cửa cho tới khi trong nhà vãn khách, đứng tại quầy hàng và cố gắng tỏ ra không nóng nảy trong khi cô bán hàng chất những chiếc áo dài đàn bà lên thành đống trước mặt chàng, trả tiền tại quầy mà quên không lấy đồng xu người ta trả lại rồi được người thâu ngân gọi lại, và cuối cùng khi ra khỏi tiệm cố gắng che dấu nỗi thẹn thùng đỏ mặt bằng cách xem lại gói áo xem có buộc kỹ không. Khi chàng mang áo về nhà, Annie hôn chàng và nói áo đẹp và hợp thời trang lắm, nhưng khi nghe nói tới giá tiền thì nàng ném chiếc áo lên bàn và nói rằng tính chiếc áo giá 10 shilling 11 xu thì thật là lường gạt trắng trợn. Mới đầu nàng muốn mang áo trả lại, nhưng khi nàng thử áo, nàng thích quá, nhất là vì tay áo cắt khéo, nàng hôn chàng và nói là chàng tử tế quá vì đã nghĩ tới nàng.
    Hừ!
    Chàng lạnh lùng nhìn cặp mắt trong bức ảnh và cặp mắt lạnh lùng nhìn lại. Chắc chắn cặp mắt đẹp và chính khuôn mặt cũng đẹp. Nhưng chàng thấy có một vẻ gì tầm thường trong đó. Tại sao khuôn mặt đó lại có vẻ không có hồn và có vẻ đàn bà như thế? Vẻ thản nhiên của đôi mắt làm cho chàng tức tối, đôi mắt đó hắt hủi chàng và khiêu khích chàng: đôi mắt không tình yêu, không say mê. Chàng nghĩ tới hững điều mà Gallaher đã nói về những cô gái Do-Thái giàu có. Những cặp mắt đen của người Đông-phương, chàng nghĩ, chan chứa say mê và niềm khao khát tình dục… Tại sao chàng lại cưới người có cặp mắt trong bức ảnh?
    Tới câu hỏi đó chàng dừng lại và đưa mắt nóng nảy nhìn quanh phòng. Chàng thấy có một cái gì nhỏ nhen trong những đồ gỗ đẹp mà chàng mua bằng cách trả góp. Chính Annie đã lựa chọn những đồ đạc này và điều này làm chàng sực nhớ tới nàng. Đồ đạc cũng đẹp kiểu cách. Một nỗi uất ức chán đời nẩy nở trong lòng chàng. Chàng không thể thoát khỏi căn nhà nhỏ bé của chàng được sao? Đối với chàng thử cố gắng sống can đảm như Gallaher có muộn quá không? Chàng có thể đi Luân-đôn được không? Còn phải trả tiền đồ đạc đã. Nếu chàng có thể viết một cuốn sách và xuất bản được thì may ra có thể hy vọng.
    Một tập thơ của Byron để trên bàn trước mặt chàng. Chàng cẩn thận mở sách bằng tay trái để khỏi đánh thức thằng bé và chàng bắt đầu đọc bài thơ đầu tiên trong cuốn sách:
    Gió im bặt và bóng tối ban chiều yên lặng.
    Không có lấy một cơn gió nhẹ thoáng qua những nấm mồ,
    Trong khi tôi trở lại viếng mộ Margaret thân yêu của tôi,
    Và rắc hoa lên đám bụi mà tôi yêu.
    Chàng dừng lại. Chàng cảm thấy âm điệu của vần thơ quanh chàng trong phòng. Nó mới buồn làm sao! Chàng có thể viết như thế được không? Có nhiều điều chàng muốn diễn tả: cảm xúc của chàng mấy giờ trước đây tại cầu Grattan, chẳng hạn. Nếu chàng có thể trở lại tâm trạng đó…
    Đứa bé tỉnh dậy và bắt đầu khóc. Chàng lật trang giấy và thử làm cho nó nín, nhưng nó không chịu nín. Chàng bắt đầu ôm nó đưa qua đưa lại nhưng tiếng khóc oe oe lại trở nên gay gắt hơn… Chàng lắc lư đứa bé mau hơn trong khi đó mắt chàng bắt đầu đọc đoạn thứ hai:
    Xác nàng nằm trong căn mồ nhỏ hẹp này,
    Cái xác mà ở đó đã có lần…
    Vô ích. Chàng không thể đọc được. Chàng không thể làm gì được. Tiếng khóc oe oe như đâm vào màng nhĩ tai chàng. Cánh tay chàng run lên vì tức giận và bất thình lình chàng cúi vào mặt đứa bé và hét lớn:
    “Câm mồm đi!”
    Đứa bé nín một lúc, giật mình vì sợ, rồi lại bắt đầu hét. Chàng chồm lên khỏi chiếc ghế và vội vàng đi đi lại lại trong phòng tay ôm đứa bé. Nó nức nở khóc thật đáng thương, hết hơi nín đi trong bốn năm giây, rồi lại òa lên. Những bức tường mỏng của căn phòng làm tiếng khóc dội lại. Chàng cố gắng dỗ nó, nhưng nó lại quằn quại và nức nở khóc nhiều hơn. Chàng nhìn vào nét mặt co quắp và run rẩy của thằng bé và bắt đầu hoảng sợ, chàng đếm được bảy tiếng nức nở liên tiếp và sợ hãi ghì chặt thằng bé vào lòng. Lỡ nó chết thì sao?
    Cánh cửa bật tung ra và một thiếu phụ hổn hển chạy vào.
    “Gì thế? Gì thế” nàng hỏi.
    Đứa bé, nghe tiếng mẹ lại nức nở khóc òa lên.
    “Không sao đâu, em không sao đâu… Nó bắt đầu la…”
    Nàng ném những gói xuống đất và giằng lấy thằng bé khỏi tay chàng.
    “Anh làm gì nó thế?” nàng nhìn thẳng vào mặt chàng và hét lên như vậy.
    Chandler chịu đựng một lúc cái nhìn của vợ và lòng chàng se lại khi chàng thấy vẻ căm hờn trong cặp mắt đó. Chàng bắt đầu ấp úng:
    “Có gì đâu… Nó… nó khóc… Anh không thể… Anh có làm gì đâu… Sao?”
    Không thèm để ý tới chàng, nàng bắt đầu đi đi lại lại trong phòng, tay ghì chặt thằng bé và lẩm nhẩm:
    “Con yêu của mẹ, con yêu của mẹ ơi! Con sợ ư, cưng? Thôi nào, cưng thôi nào… Cưng ơi! Thằng cu yêu quý nhất đời của mẹ ơi! Nín đi nào.”
    Chandler cảm thấy má chàng nóng bừng bừng vì hổ thẹn và chàng lùi lại khuất sau ánh đèn. Chàng lắng tai nghe trong khi tiếng gào nức nở của con chàng giảm xuống dần dần và giọt lệ hối hận trào lên mi mắt chàng.
    

Kết Thúc (END)
James Joyce
» Cõi Chết
» Một Đám Mây Nhỏ
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt