Người đàn ông đã đứng tuổi, mặc bộ quần áo nâu bạc phếch, vai đeo cái đẫy cũng bằng vải nâu trên có những miếng vá bằng vải đen, đang rảo bước trên con đường đá gan gà chạy dọc theo chân một dãy đồi. Những quả đồi thấp như bát úp, cây cối rậm rịt tạo thành một khu rừng tạp xanh tốt. Có những cây cao đầu phủ dây tơ hồng như đội mớ tóc giả màu vàng nuột nà; đám tơ hồng được ánh sáng chiều chiếu vàng, chúng như những cái đầu hãnh điện rung rinh để làm duyên cho khu rừng.
Người đàn ông dáng nôn nóng, hối hả, không giấu được vẻ háo hức, sung sướng khi ngắm cánh rừng và nhất là khi ngắm cái hồ lớn xanh ngắt nằm giữa vòng vây của núi đồi. Cái hồ xanh lục, như một tấm gương trời bao la, thu hình những ngọn đồi, những cánh rừng xung quanh, in bóng cả những cánh chim trời thỉnh thoảng lại xáo xác vỗ cánh bay vút lên từ một đám lau sậy ven hồ; chúng lượn vòng, lặng im không vỗ cánh, nương theo gió mà nghiêng nghiêng đầu, chăm chăm nhìn làn nước xanh như thể muốn tự chiêm ngưỡng cái dáng thon thả và bộ lông màu trắng duyên dáng và tinh khiết thêm cái mào đỏ rực rỡ của mình. Người dân ở đây bảo đó là loài hạc quý chẳng biết có đúng hay không.
Một cô gái chừng mười ba tuổi, váy đen, áo nâu, vấn khăn còn vụng để tóc lõa xõa trước mặt. Cô đi sau người đàn ông, vai quẩy chiếc đòn gánh ở hai đầu là hai chiếc bị rách. Cô gái kêu lên:
- Thầy ơi? Nghỉ lát đã, con mỏi chân lắm rồi.
Người đàn ông tóc hoa râm dừng chân lại, hiền từ nhìn con gái. Hai cha con ngồi bệt xuống vệ cỏ, mắt nhìn ra hồ.
- Đã về đến quê rồi hả thầy? - Cô con gái hỏi.
- Đã hai chục năm rồi, nhưng cảnh chẳng khác xưa mấy tí. Hồ này tên là hồ Huyền vì nước sâu màu đen. Tuy thế nhưng nước trong lắm. Ở phía Tây hồ có con sông, hồ thông với sông. Sang bên kia sông, ngọn núi phía đầu dòng là núi Mẫu, trên đó có đền thiêng. Ngọn núi phía dưới dòng là núi Đùng, Ở đó có nhiều chuyện lạ.
Người cha như hồi tưởng, cố lục tìm trong trí nhớ để kể cho con gái nghe về vùng quê cha đất tổ.
- Thế còn làng mình...
- Nó ở gần cửa sông, đi khỏi cánh rừng này thì đến. Các cụ già có chữ gọi nó là làng Cổ Đình. Còn dân thì vẫn gọi nó là làng Kẻ Đinh.
- Kẻ Đinh là gì hả thầy?
- Ông nội bảo làng này, ngày xưa, toàn con cháu họ Đinh. Có người bảo họ Đinh từ Ninh Bình ra. Thấy nơi đây đất lành chim đậu, nên dừng chân lập làng, lập ấp. Lại cũng có người nói rằng họ Đinh từ phía Hòa Bình xuôi xuống, vậy là gốc Mường. Cổ Đình nằm giữa vùng đồi núi và vùng đồng bằng.
Cô gái ngây thơ mỉm cười:
- Vậy, gia đình ta gốc ở đất Mường.
Người đàn ông sờ tay lên khuôn mặt, ra chiều suy nghĩ. Lúc này, mới nhìn rõ gương mặt của ông ta. Một nửa gương mặt đẹp, một nửa xấu xí. Phía đẹp là phía trái, với con mắt rất sắc; cái mũi vừa phải, thẳng và thanh tú; gò má xương xương khắc khổ; cuối cùng là một nửa đôi môi mỏng, hơi mím lại, chứng tỏ một trí lực bén nhạy và điềm tĩnh quyết đoán. Còn nửa phía phải? Nửa gương mặt ấy ai mới nhìn đều thấy sợ. Nửa gương mặt ấy là một vết sẹo to và đỏ. Vết sẹo do bị bỏng thì phải. Vết sẹo khi lành đã co kéo làm biến dạng khuôn mặt. Nó kéo khóe môi phải nhếch lên; nó làm cho mi mắt phải không khép lại được, làm cho con mắt ấy luôn luôn mở trừng trừng, thức cũng như ngủ. Hình như người đàn ông cũng ý thức được ý nghĩa của hai nửa mặt của mình nên khi nói chuyện với con, ông luôn ngồi ở chỗ để cho cô bé, khi nhìn ông, luôn chỉ thấy phần bên trái đẹp đẽ của gương mặt mình.
Còn cô con gái, sau khi đã đỡ mệt, cô đứng lên, chạy qua bãi cỏ rộng, ra hồ nước. Cô bé như con nai tơ mới lớn. Tuy rách rưới và có vẻ lam lũ, nhưng dáng cô bé chạy thật là yểu điệu. Đôi tay vung vẩy nhẹ nhàng, đôi chân nhún nhảy kín đáo dịu dàng. Tay trái cô đặt trước bụng giữ tấm áo, thân hình cô đung đưa thật duyên dáng.
Đến hôm nay, người cha mới chú ý đến cái dáng vẻ của cô con gái. Cô bé đã lớn bồng lên từ lúc nào mà ông chẳng hay. Cô đã thành thiếu nữ từ bao giờ mà ông không biết. ông chợt thấy bàng hoàng trong tâm khảm:
"Trời ơi! Sao con bé, khi chạy, lại giống mẹ nó đến thế".
Cô gái đã chạy tới mép nước. Nước xâm xấp ngọn cỏ. Nước từ gót son của cô gái long lanh bắn tóe lên. Cô gái cười với nước. Tiếng cười lanh canh giòn như pha lê.
"Trời ơi! Cả đến tiếng cười của nó nữa! Y hệt giọng cười của mẹ".
Cứ như thể cô Thắm, người vợ quá cố của ông đang hiện hình về ngay trước mắt ông. Cứ như thể ông nghe thấy tiếng hát trong veo của nàng đang lượn lờ trong không trung. ông bắc tay làm loa gọi với theo:
- Con chú ý kẻo sa xuống chỗ nước sâu.
Người đàn ông đó tên là Phác, Hai Phác, con cụ đồ Tiết. Cụ Tiết có hai người con trai: nhớn là Chất, em là Phác.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các cuộc nổi dậy chống Pháp sau thời kỳ Cần Vương vẫn mọc lên như nấm. Ngoài những cuộc khởi nghĩa danh tiếng như Đề Thám, Đốc Ngữ còn có nhiều cuộc khác cũng tự xưng là ông Đốc, ông Đề, ông Đội, v.v... Ở vùng Cổ Đình có người học trò tên là Nghĩa cũng dấy binh phá đồn phủ, nên cũng được dân tôn xưng là ông Đề Nghĩa. Nghe nói lúc còn nhỏ, Nghĩa theo cụ đồ Tiết học chữ thánh hiền. Chất và Phác thuộc lớp em út của Nghĩa. Nghĩa đã ngoài bốn mươi, còn Chất, Phác ở dưới tuổi hai mươi. Là nhà nho lúc nào cũng canh cánh cái nhục mất nước, nên cụ đồ Tiết khi thấy anh học trò lớn dấy binh, liền trao luôn hai đứa con trai của mình đi theo Đề Nghĩa. Quân lính của Đề Nghĩa chưa đến một trăm tay súng, còn lại toàn đao kiếm cả. Họ đánh trận phục kích giặc đi tuần, đột hiện tấn công đồn, dùng chiến thuật thoắt hiện thoắt biến, thường bất ngờ đánh vào những chỗ yếu của địch. Nghĩa quân hoạt động suốt một dải rộng lớn gồm Sơn Tây, Phú Thọ, Hòa Bình, rồi có lúc vào tới cả Thanh Hóa. Cũng có một vài trận thắng giòn giã như trận đánh đồn chợ Sơn, tên quan hai khố xanh tên là Ferray bị nghĩa quân vây bức phải trốn chạy bằng thuyền, rồi phó mặc cho dòng nước sông Đà hung dữ cuốn đi, may mà thoát chết. Đánh nhau suốt ba năm ròng. Lúc đầu, nghĩa quân còn khỏe, còn hăng, lại luôn thắng trận nên phấn khởi lắm. Nhưng về sau, quân Pháp rút kinh nghiệm, không dàn quân nhỏ lẻ nữa, mà co cụm lại thành đồn lớn, sức nghĩa quân không đủ mạnh để phá. Trong khi ấy, Pháp cho ba tiểu đoàn càn quét săn đuổi. Chạy liên miên, đói khát liên miên sau đó bệnh tật sinh ra. Cuối cùng, nghĩa quân phải rút vào Thanh Hóa. Lúc khởi binh, chừng hai trăm quân; lúc bị bao vây không có lương mà ăn, chỉ còn vài chục người. Ông Đề Nghĩa biết mình khó trụ vững, liền tập hợp những nghĩa sĩ cuối cùng của mình lại và nói rằng:
“Trời đã chẳng giúp chúng ta. Đề Nghĩa này đã hết lòng tận trung với nước, nay đã sức cùng lực kiệt.
Một lạy này, Nghĩa xin gửi tới non sông.
Còn một lạy này, Nghĩa xin gửi tới anh em để tỏ lòng biết ơn những người bạn đã chung lưng đấu cật, sống chết có nhau, cùng trải qua những lúc nằm gai nếm mật.
Ta thẹn vì nỗi tài hèn nên đã để anh em lâm vào bước đường cùng. Nhưng, ta chẳng muốn để anh em cùng ta đi vào chỗ diệt vong.
Hãy nuốt nước mắt. Hãy nuốt mối hận thù vong quốc vào tận đáy lòng. Hãy đi về nơi thôn ổ, hoặc vào chốn thâm sơn cùng cốc, rồi mai danh ẩn tích, mà đợi thời vùng dậy.
Nếu bản thân cũng sức tàn lực kiệt, không làm gì nổi nữa, thì hãy dạy con, dạy cháu, chớ bao giờ được quên nỗi quốc sỉ này...".
Gần một trăm nghĩa sĩ đã im phăng phắc nghe những lời nói cuối cùng của Đề Nghĩa. Họ đã vâng theo lời chủ tướng, thay hình đổi dạng, chia tay nhau mỗi người mỗi ngả. Họ đã trèo đèo lội suối vào những bản rừng xa xôi chẳng ai đặt chân tới, cũng có người lẩn vào đám dân manh lệ, những kẻ lang thang đói khát mà vào thời đại loạn ấy rất nhiều. Nhờ sự kịp thời của chủ tướng nên phần đông trốn thoát.
Còn Đề Nghĩa, ông bị sốt rét chết trong rừng sâu. Bọn tay sai cắt đầu ông, nộp cho Tây lấy thưởng.
Trong đám tàn quân lưu vong ấy, có mặt hai anh em Chất và Phác.
Chất bảo em:
- Anh là con cả, cần phải quanh quẩn gần quê, để còn có thể biết tin tức cha già và báo hiếu cho cha. Còn em là con thứ, lại là người tài hoa, lại nhân tai nạn mà biến đổi khuôn mặt. Vậy, hãy trốn chạy thật xa, thay họ đổi tên, lấy vợ đẻ con, để mai sau lỡ ra anh gặp điều chẳng may, thì còn có em để tiếp nối huyết thống dòng họ Đinh nhà ta.
|
|
|