Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Lịch Sử Một Tai Họa Tác Giả: Sakyo Komatsu    
    Chiều đó, lại thăm Nô-mu-ra, tôi ngồi tâm sự với bạn mãi cho đến sáng. Nô-mu-ra là một nhà sinh hóa học còn rất trẻ. Anh vừa ký hợp đồng với một công ty hóa chất lớn và đang nghiên cứu cho họ một vấn đề gì đó. Lòng say mê nghiên cứu làm cho anh hiểu biết rất ít về cuộc sống bên ngoài, vì vậy anh có vẻ hơi lập dị, thậm chí ngây thơ là khác.
    - Cậu đang nghiên cứu đề tài gì đó? - Tôi hỏi.
    Nô-mu-ra trầm ngâm:
    - Mình không thể nói cho cậu biết được, vì phải giữ bí mật cho công ty K.K. Hãy gác chuyện đó sang một bên vậy.
    Tôi nhìn đồng hồ:
    - Sáng rồi, chuyến xe điện đầu tiên sắp chạy. Tớ phải đến tòa soạn đây.
    
- o O o -

    Đó làm một buổi sáng bình thường, sương mù còn phủ kín các dãy phố vắng tanh. Ở ngã tư, có chiếc xe chở sữa bị đổ. Người lái xe đang kinh ngạc nhìn sữa chảy lênh láng trên xe. Có lẽ vì xe chạy xóc quá mà thùng đựng sữa bị vỡ ra chăng?
    Đến gần bến xe điện, tôi gặp một chú bé bán báo. Chiếc túi rỗng lắc lư bên sườn. Chắc chú đã giao hết báo cho người đặt mua. Nhưng sao vẻ mặt chú lại rất lạ lùng, dáng đi thất thểu, nước mắt chảy dài trên má.
    Bến xe còn vắng vẻ, phải vài phút nữa mới có chuyến đầu tiên. Như thường lệ, tôi giơ cho người soát vé tấm thẻ đi xe tháng của tôi, rồi định bước thẳng vào xe. Không ngờ ông ta bổng nắm lấy cánh tay tôi, nhã nhặn hỏi:
    - Ô hay! Vé của anh đâu?
    Tôi nổi cáu, dí tận mắt ông ta tấm thẻ đi xe tháng nằm trong chiếc bao bằng chất dẻo: "Ông này gà mờ chắc!". Nhưng chưa kịp buông miệng, tôi bổng nhận thấy quả là tấm thẻ không còn ở đó nữa. Ma quỷ thật! Rõ ràng chiều qua nó còn nằm đây cơ mà!
    "Mất rồi chăng!" - Tôi lẩm bẩm. Thế này thì chẳng những mất thẻ vé tháng mà còn mất cả mấy tờ danh thiếp, mất cả tập vé xe điện ngầm. Định quay lại nhà Nô-mu-ra tôi lại thôi, đoán chừng cậu ta giờ này đang ngủ ngon. Thôi đành về nhà vậy.
    Phòng bán vé vẫn chưa mở cửa. Bước lại cạnh chiếc tủ bán vé tự động, tôi thoáng có cảm giác là có cái gì đó đã thay đổi; nhưng cái gì và thay đổi như thế nào thì tôi chưa hình dung ra được cụ thể. Bỏ một đồng xu vào máy, tôi quay tay vặn. Máy chạy lạch xạch, rồi tung ra một vốc bụi. Chẳng có lấy một mảnh vé nào rơi ra cả.
    - Này ông soát vé - giọng tôi rất gay gắt - ông chỉ mải đi gây gổ ở những đâu đâu quên cả nhòm ngó đến chiếc máy tự động do ông phụ trách, để cho máy ăn quịt, thả tiền vào rồi mà không chịu nhả vé ra.
    - Chả nhẽ máy lấy không của anh tiền? Không thể như thế được.
    - Thế với không thế, chỉ biết là tôi mất tiền toi. Nếu máy không hoạt động được thì sao đèn lại sáng? Đích thị là ông định lừa gạt thiên hạ.
    Phòng bán vé vẫn chưa mở cửa. Đứng ngoài, nghe loáng thoáng có tiếng người nói trong máy điện thoại:
    - Vâng, vâng, tất cả... Sao??? Ở chỗ các anh cũng thế à? Làm thế nào bây giờ?
    Khách đã lục tục kéo đến bến xe. Cũng như tôi, một số bị ông soát vé giữ lại, một số khác thò tay vào túi rồi vội vã chạy về, còn số nữa, năm sáu lần quay tay vặn của máy bán vé tự động mà chẳng ăn thua gì. Mọi người xúm lại quanh phòng bán vé, đập cửa thình thình, thét lớn:
    - Các ông làm gì ở trong ấy? Có bán vé đi không?
    Trong óc tôi đột nhiên nảy ra một ý nghĩ.
    Rút cục thì ra là như thế! Ban nãy, chẳng phải tôi đã cảm thấy bến xe hôm nay có gì đổi khác hay sao? Tất cả các bản chỉ dẫn đã biến đi đâu mất. Bản sơ đồ vẽ bằng sơn đỏ trên tấm sắt vẫn còn, nhưng mấy tờ quảng cáo sặc sỡ thì chẳng để lại một dấu vết. Trên chiếc bảng màu xanh lá cây vẫn dán yết thị, chỉ thấy mấy chiếc đinh găm. Nhìn mãi, mới phát hiện được ở dưới khung một lớp bụi khá dày.
    Xô xát đã nổ ra ở chỗ bán vé. Đám đông cũng đang ầm ĩ bên phòng bán vé.
    - Tệ quá! Muộn giờ làm của chúng tôi rồi. Mở cửa!
    Ầm! Cánh cửa bật tung ra.
    - Các ông, các bà đừng làm ồn lên như vậy - người bán vé nói to - Chúng tôi sẽ giải quyết ngay... Đằng nào thì cũng nhỡ tàu rồi. Tôi vừa gọi điện thoại hỏi rõ nguyên do. Giờ xin nghe tôi giải thích...
    - Không cần nghe giải thích! Vé, bán ngay vé đi...
    - Nhưng chúng tôi không có vé, không còn một chiếc vé nào cả... - Người bán vé nói gần như khóc.
    - Đồ ăn hại! - Một người nào đó thét lên - Viết giấy chứng nhận cho chúng ông!
    - Được. Xin có giấy chứng nhận nếu như... - Có tiếng xe điện từ xa vẳng lại. Đám hành khách reo to rồi chạy ùa về phía xe đỗ. Hàng rào gỗ đổ sập. Thói quen nghề nghiệp nổi lên. Tôi nhảy qua quầy một cửa hàng, giơ chiếc máy luôn luôn đeo bên người, chụp lia lịa. Quang cảnh bày ra trước mắt tôi thật hiếm có. Chụp xong, tôi chạy dọc theo dải đường nhựa, lao lên chiếc xe tắc xi gặp đầu tiên. Vừa đặt lưng xuống ghế, tôi đã cho anh lái biết ngay địa chỉ của tòa báo. Chợt nghĩ đi một quãng đường dài như thế này, ít ra cũng phải trả hàng nghìn yên, tôi thọc tay vào ví để xem lại tiền. Nhưng... Ví rỗng tuếch! Thái dương tôi lạnh toát mồ hôi. Tôi nhớ rất rõ là trong ví vẫn còn đủ nửa tháng lương tôi vừa lĩnh. Tiền đã biến đâu mất cả rồi! Chỉ còn lại trong tay một dúm bột mịn xám nhạt giống như tro.
    Tôi chợt nhận ra. Có một cái gì đó vừa tác động lên giấy. Giấy đã bắt đầu biến mất. Tại sao? Vì đâu? Tôi chưa hiểu. Nhưng trong thực tế, giấy đã biến đi mà không để lại đấu vết nào. Nhưng có phải là tất cả giấy đều đã biến mất và biến mất ở khắp nơi chăng? Tôi chợt nhớ đến cuốn phim quí báu tôi vừa chụp được. Thôi, thế là hết. Không còn giấy thì in sao được ảnh, công bố làm sao được ảnh lên mặt báo! Chưa nói gì đến công bố, ngay cả xem lại thôi cũng không được, vì chắc chắn là giấy in ảnh cũng chẳng còn lấy một tờ...
    Vừa đặt chân đến tòa soạn, tôi chạy ngay lại chỗ bác thường trực ngồi:
    - Bác ơi, cho cháu vay một nghìn yên, cháu sẽ trả ngay.
    - Đùa đấy à? - Bác thường trực trả lời - Còn tiền nữa đâu. Bao nhiêu tiền giấy đã biến mất hết.
    - Thế bác cho cháu vay tiền bằng bạc hay tiền đồng vậy...
    - Không được đâu - Bác từ chối một cách cương quyết - giờ đây chỉ còn loại tiền bằng kim khí này là có giá trị, ai cũng phải giữ lại để tiêu chứ!
    Tôi giận quá, đành quay ra gán cho anh lái xe chiếc đồng hồ đeo tay:
    - Tôi chỉ còn có cái này để trả tiền xe. Anh cầm tạm vậy. Đồng hồ tốt lắm đấy, có cả lịch xem ngày...
    Tôi bước vào tòa soạn. Quang cảnh hiện ra trước mắt thật hãi hùng. Chỗ này một vài anh lồng lộn như thú dữ bị thương, gầm lên chửi rủa, chỗ kia, ở góc phòng, có một số người đang tụ tập vung tay tranh luận một cách gay gắt. Tiếng chuông điện thoại bị át đi. Có tiếng nức nở. Một số người khác cứ ngồi yên trên ghế, lơ đãng nhìn vào khoảng không.
    Đối với những người làm báo như chúng tôi, giấy quả là sự sống. Tờ giấy chết đã được chúng tôi làm sống lại để chúng nói lên đủ mọi điều. Từ sớm cho đến khuya, chúng tôi chìm ngập trong giấy. Thế mà giờ đây, không ngờ lại có chiếc đũa thần nào đó, chỉ gõ nhẹ một cái mà làm cho giấy biến đi. Biến đi tất cả, nào tài liệu, bản thảo, cặp giấy, cho đến từ điển, sách vở, hồ sơ lưu trữ. Chẳng còn một tí gì nữa ngoài đống bụi. Sợi dây căng dưới trần nhà mọi khi treo đầy ảnh để hong khô, nay cũng trơ trọi nốt. Bộ phận in và phát hành cũng lâm vào cảnh hỗn loạn không kém.
    Trở về tổ biên tập, tôi ngồi phịch xuống ghế. Chuông điện thoại réo lên không dứt, nhưng chẳng ai buồn trả lời. Một anh chàng nào đó, trong cơn mê sảng, nói lảm nhảm: "Thế là khắp nơi, khắp nơi...". Tôi hỏi lại:
    - Anh nói sao? Khắp nước Nhật đều thế này à?
    - Khắp cả nước và cùng một lúc, hay nói đúng hơn, trong vòng nửa giờ, bắt đầu từ ba giờ hai mươi phút sáng.
    - Thế còn ở nước ngoài? - Tôi hỏi gặng - Tổ đối ngoại có nói gì không?
    - Điện tín tự ghi cũng không hoạt động được nữa. Các anh ở bên ấy đang thử dùng đài vô tuyến để nghe tin... Hình như cả thế giới...
    Điện thoại lại réo lên. Anh bạn ngồi cạnh vớ lấy ống nghe.
    - Vâng, vâng, gì cơ? - Chưa nghe hết, anh ta đã quẳng ống xuống, hốt hoảng kêu lên: - Chính phủ đã ra lệnh giới nghiêm và đang thành lập các đội tự vệ. Bực thật, bao nhiêu sự kiện mà không thể viết ra...
    - Lệnh giới nghiêm à? Vì sao thế? - Tôi sửng sốt hỏi.
    - Lại còn vì sao nữa? Dân chúng bắt đầu nổi loạn, họ đang xông vào các ngân hàng. Cậu hãy tưởng tượng xem, tiền giấy đã hoàn toàn biến mất, tín phiếu, sổ tiết kiệm, chứng từ cũng chẳng còn. Các cửa hiệu phải đóng chặt cửa. Họ sợ...
    - Thế còn tiền lương của chúng mình?
    - Trời ạ! Còn lương với lậu gì nữa! Tòa báo sẽ phải đóng cửa, chúng mình đều thất nghiệp cả thôi. Muốn theo dõi tin tức, giờ đây chỉ còn một cách là nghe đài phát thanh hay xem vô tuyến truyền hình.
    Tôi hỏi xin một điếu thuốc lá.
    - Cậu lại đòi hút thuốc điếu nữa kia à! - Anh bạn nhếch mép cười gằn rồi rút từ túi áo ra một hộp thuốc lá rời bọc bao bạc - Mình đã đi lùng các cửa hàng nhỏ, nhưng chỉ tốn công vô ích: tẩu thuốc đều đã bị vét sạch sành sanh...
    Một anh phóng viên ở tổ kinh tế bổng hiện ra trong ngưỡng cửa ra vào, lên tiếng hỏi:
    - Này, có ai ở đây nhớ được số điện thoại của công ty K.K. không? Nghe nói họ đang chuẩn bị sản xuất một thứ giấy làm bằng chất dẻo. Thế nào, có ai nhớ được số điện thoại của họ không?
    - Thì cứ giở danh bạ điện thoại ra mà tra!
    - Nói như cậu thì còn phải hỏi làm gì nữa. Danh bạ nào bây giờ cũng chỉ còn là một đống bụi.
    Dứt lời, anh ta quay máy hỏi tổng đài, nhưng tổng đài trả lời là hiện giờ không có ai có thể giúp tìm ra được số điện thoại nữa, vì muốn biết họ cũng chỉ có một cách: tra cứu sổ sách, mà sổ sách thì...
    Anh phóng viên nghe chưa dứt đã bỏ ống nghe, chạy vụt ra khỏi phòng. Một cậu bạn bỗng lao vào phòng báo tin:
    - Các cậu ơi! Vô tuyến truyền hình đã chiếu lại được rồi.
    Tất cả mọi người trong phòng ùa ra, vây quanh màn ảnh màu xanh lá cây. Vì sao trước đó đài truyền thanh cũng như vô tuyến truyền hình đều không hoạt động được? Thì ra chương trình phải ghi vào giấy mà giấy thì không còn, cần phải có thời gian để nhớ lại. Vả lại, trong máy thu cũng có khối là giấy, nào giấy cách điện, nào giấy cuốn tụ điện, nào giấy làm loa... Giấy đã biến mất, tất máy phải hỏng. Chiếc máy vô tuyến truyền hình của chúng tôi lúc này thật giống một anh câm. Phát thanh viên cứ lúng ta lúng túng, lúc hiện ra trên màn ảnh, lúc lại biến mất.
    Cuộc sống ngày càng hiện lên đầy tai họa rõ rệt. Các bộ trưởng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, các cơ quan nhà nước đều tê liệt. Phát thanh viên yêu cầu dân chúng giữ bình tĩnh, nhưng anh ta cứ run lên như đang cơn sốt.
    Ông tổng biên tập ở đâu chạy đến nắm vai tôi:
    - Này cậu, chạy ngay lại đằng viện vi sinh vật. Nghe đâu ở đó nhà bác học mà tôi có quen đã xác định được nguyên nhân của tai họa này. Sự kiện lớn đấy!
    - Đành rằng lớn, nhưng biết dùng phương tiện nào để báo tin?
    - Viết lên bảng gỗ rồi đem ra treo trước cửa tòa soạn báo chứ còn gì nữa - rồi chỉ vào ngực, ông nói tiếp - phương tiện của người làm báo là ở chỗ này.
    Tôi lao xuống cầu thang. Trước cửa ra vào, một cộng tác viên trẻ vẫn thường xuyên gởi bài tóm chặt lấy tôi:
    - Hãy nghe tôi nói một tí đã! Tiền nhuận bút và bản thảo của tôi hiện giờ ra sao rồi? Tôi vừa gởi cho báo mấy bài mà. Trời ơi! Tôi đã dự tính dành cả cuộc đời tôi cho viết sách, giờ đây còn biết làm gì nữa?!
    Mặt anh ta trắng nhợt như xác chết. Tôi giật mạnh tay: "Tôi cũng chịu, chẳng biết khuyên anh như thế nào nữa", rồi lao luôn ra ngoài phố.
    Phố xá lúc này trông sạch sẽ và đẹp mắt hơn trước nhiều. Không còn một khẩu hiệu, một tờ yết thị. Giấy lộn trong các đống rác cũng biến hết. Đó đây, lủng lẳng một vài tấm bảng, ghi bằng phấn những lời khuyên nhủ mọi người hãy bình tĩnh đề phòng những tai họa khác có thể xảy ra.
    Bọn tư bản vỡ nợ đã trốn sạch. Các ngân hàng, các két sắt, các ví đựng tiền đều rỗng tuếch. Liệu có đủ tiền đúc bằng kim loại để tiêu không? Đời sống tài chính bổng trở nên thê thảm như chưa từng thấy. Bao nhiêu giấy tờ quý giá, bao nhiêu cổ phiếu đã biến mất. Vốn của các ngân hàng, vốn của hàng vạn con người đem gởi ngân hàng làm sao có thể tính lại được? Biết tin vào ai bây giờ? Ngành bưu điện cũng chẳng còn gì cả. Thư từ, điện tín, giấy chuyển tiền đều tan thành bụi.
    Tất cả các công sở đều ngừng hoạt động. Các nhân vật thượng lưu sống trong một tấn bi kịch cực kỳ xót xa. Công văn, báo cáo, mệnh lệnh, thông tư, chỉ thị đều không còn. Từ nay, còn đào đâu ra được những tập hồ sơ dầy cộp để xin ý kiến, đưa duyệt và lấy chữ ký nữa? Các cơ quan quản lý tài sản, nhà cửa, đất đai cũng sống dở, chết dở. Nhưng có lẽ nặng hơn cả là ngọn đòn đánh vào các nhà trường, các viện nghiên cứu khoa học, các nhà xuất bản.
    Người ta không nhắc đến các hãng sản xuất giấy nữa. Họ đang hấp hối. Trên giá cũng như trên quầy các hiệu sách, tuyệt đối không còn gì. Nghĩ đến những bìa sách in nhiều màu, đến những trang sách còn thơm mùi mực mới mà lòng tôi buồn vô hạn.
    Dòng suy nghĩ ngày càng miên man. Nhân loại từ nay sẽ sống ra sao đây? Liệu toàn bộ nền khoa học và văn hóa có tồn tại được không? Chẳng riêng gì ở Nhật Bản, mà trên toàn thế giới, không còn bóng dáng của thư viện. Tất cả sách vở, tài liệu, từ điển, sổ tay tra cứu, những công trình khoa học liệu có phải viết lại từ đầu?
    Giấy! Phải chăng đó là cơ sở vật chất của nền văn hóa nhân loại? Trên bốn nghìn năm, loài người đã giao phó cho nó tất cả những hiểu biết, những thành tựu tinh thần của mình, để rồi nó bị hủy hoại dễ dàng đến thế hay sao? Giấy đã biến mất. Con người dựa vào đâu để khẳng định rằng mình là "con người"? Liệu có phải trở lại thời kỳ hoang dã xa xưa, lúc tổ tiên chúng ta còn bất lực trước sức mạnh của tự nhiên không?
    ... Vô tuyến truyền hình vẫn tiếp tục chiếu, người bình luận viết lên tấm bảng đen những dòng chữ ngã nghiêng: "Các bạn khán giả thân mến! Nguyên nhân của hiện tượng bất thường này chưa được xác định. Nhưng Chính phủ đã có những biện pháp gấp rút cần thiết. Các bạn thân mến! Chúng tôi xin lưu ý các bạn: cần phải khôi phục lại nền văn hóa đã mất. Các bạn hãy cố gắng duy trì trí nhớ của mình. Trí nhớ của các bạn là niềm hy vọng cuối cùng. Tất cả những gì các bạn nhớ được, hãy ghi lại vào bất cứ nơi nào có thể ghi được: trên tường, trên bàn, trên tấm áo sơ mi các bạn đang mặc, trên lưng người khác..."
    Tại Viện nghiên cứu vi sinh vật, nhà bác học mà ông tổng biên tập giới thiệu cho tôi đang chờ. Tôi ngạc nhiên thấy ông ta không có vẻ lo âu, ngược lại đang mỉm cười, xoa hai tay vào nhau.
    - Tôi đã biết rõ nguyên nhân - Ông nói chậm rãi - Đây chỉ là trò tinh nghịch của một loại vi khuẩn. Loại vi khuẩn đó vô cùng độc đáo và cực kỳ hiếm, nó được chở từ Sao Hỏa về. Đúng thế, anh bạn ạ. Loại vi khuẩn kỳ quái này tên là Silnis mayoris.
    - Nhưng nếu nó nguy hiểm đến thế, sao người ta lại không diệt trừ nó ngay?
    - Đâu phải thế. Nó hoàn toàn không có hại, hoàn toàn không tác động được đến cơ thể con người. Trên trái đất có hàng nghìn loài tương tự sống ký sinh trên những sợi giấy... Tôi cho rằng nó đã thích nghi với những điều kiện của chúng ta, đã hòa lẫn được vào các loại khác trên trái đất.
    - Nhưng tại sao những con vi khuẩn này lại có thể gây ra được một thảm họa khủng khiếp đến như thế này?
    - À, à, con vi khuẩn nói đây không hề có lỗi, nó chỉ là tổ tiên của loại vi khuẩn do con người tạo ra.
    - Sa... ao? Do con người tạo ra à? - Tôi bàng hoàng - Chắc ông muốn nói rằng có một kẻ nào đó đã chủ tâm...
    - Chính thế đấy. Hình như đó là một loại vi khuẩn đã được cải tạo mà ta thường gọi là elita. Trước hết loại này sinh sôi nảy nở nhanh hơn loại cũ tới hàng chục lần. Một con hóa thành mười con trong khoảnh khắc. Bề mặt giấy chính là môi trường phát triển của chúng và chỉ trong quá trình phân bào như vậy, chúng mới ăn giấy. Thế là chỉ vài giờ, tất cả giấy trên thế giới này bị những bào tử của vi khuẩn đó tràn ngập và...
    - Nhưng ai đã nghĩ đến việc tạo ra loài vi khuẩn nghê tởm đó?
    - Điều đó thì tôi cũng không biết. Bào tử vi khuẩn "Sylnis mayoris" được bảo vệ ở Viện sinh vật học vũ trụ. Như vậy, anh có thể đến đấy tra cứu xem ai đã xin chúng đem về nghiên cứu.
    Tôi tìm các tấm phiếu tra cứu, nhưng không còn tấm nào cả. Vi khuẩn đã chén sạch. Cả những nhãn dán trên các ống nghiệm và ăm-pun thủy tinh dùng để nuôi cấy các loại vi khuẩn từ vũ trụ mang về cũng biến mất. Các nhà bác học đang hoang mang hết sức. Họ không thể đoán trước được những gì sẽ xảy ra. Dù tiếc đứt ruột, họ cũng buộc phải đốt tất cả những tiêu bản quý giá nhất.
    Gặp ai trong viện, tôi cũng túm lấy hỏi. Họ đều trả lời:
    - Loài vi khuẩn này chẳng có gì đáng tìm hiểu, nên ít người xin về nghiên cứu. Chỉ có trường Đại học tổng hợp. Anh đến đó, may ra họ có thể cung cấp điều gì mới chăng?
    Tôi vội ghi địa chỉ phòng thí nghiệm vào tay áo.
    - À, này anh bạn! - Lúc vừa bước ra khỏi cửa, tôi chợt nghe tiếng gọi - Có một phòng thí nghiệm của một công ty xin mẫu vi khuẩn này. Đó là một công ty hóa chất lớn. Công ty "K.K." thì phải.
    Một tia chớp lóe lên trong óc tôi. Có thế chứ: Tôi lần ra đầu mối rồi. Lao vào trạm điện thoại, tôi gọi dây nói về cho tổ kinh tế. Vừa may anh phóng viên khi nãy đã từ công ty "K.K." về và cho biết họ không tiếp ai cả. Tôi báo cho anh địa chỉ của Nô-mu-ra và bảo anh cùng với tôi đến ngay đấy, đừng chậm một phút nào. Tôi có thể khẳng định rằng: chẳng phải ai khác, chính Nô-mu-ra đang nghiên cứu thứ vi khuẩn này cho công ty "K.K.".
    Khi tôi tới nhà Nô-mu-ra, anh phóng viên kinh tế đã chờ tôi ở đó. Mặt Nô-mu-ra tái mét.
    - Cậu đã làm cái gì vậy? - Tôi túm lấy ngực áo anh hét lên - Ai xúi cậu tạo ra cái giống vi khuẩn đáng nguyền rủa ấy?
    - Thật là một điều rủi ro - Nô-mu-ra lắp bắp - Mình không hề có ý định tạo ra loại vi khuẩn quái gở này làm gì. Bọn công ty chỉ đề nghị tìm ra một loại vi khuẩn có khả năng làm hư hại giấy nhưng hư hại đôi chút thôi và có khả năng chống lại được các chất kháng sinh thông thường.
    - Thế cậu có biết chúng cần loại vi khuẩn ấy làm gì không?
    - Khô... ô... ng. Mình tưởng họ dùng để thủ tiêu giấy lộn...
    - Trời, bọn bác học các anh thì chỉ thế! - Anh phóng viên kinh tế không nén giận dữ và thương hại - Các anh không hề nghĩ gì đến xã hội. Anh có muốn tôi nói cho anh biết rõ chúng muốn dùng vi khuẩn của các anh làm gì không? Tất cả chỉ vì loại giấy bằng chất dẻo. Công ty "K.K." cùng với một số tơ-rớt nước ngoài đang nghiên cứu kỹ thuật sản xuất loại giấy này. Nhưng chúng rất lo vì giá thành quá cao. Chất lượng giấy bằng chất dẻo lại cũng chưa phải là tốt, trừ tính chịu nước. Chúng nó đã bỏ vào đó biết bao nhiêu tiền của mà vẫn không cạnh tranh được với thứ giấy chúng ta dang dùng. Muốn giấy chất dẻo bán được, chúng nó phải... Nào, anh đã hiểu chưa?
    Nô-mu-ra cúi gục đầu xuống.
    - Cậu đã hiểu việc làm của cậu chưa? - Tôi nắm lấy cánh tay Nô-mu-ra. Hãy mở to mắt ra. Bọn tư bản chẳng bao giờ cần đến cậu để nghiên cứu thuốc trừ dịch hay khử hơi độc đâu... Thật ra trên thế giới, cũng như ở chúng ta đây thôi, có hàng chục nghìn nhà bác học đang say sưa nghiên cứu vì lợi ích của loài người.
    - Làm sao mình có thể biết được những điều các cậu vừa nói cho mình nghe? - Nô-mu-ra chớp chớp đôi mắt, có vẻ thật sự hối hận. - Lúc nhận lời, mình chỉ nghĩ cách sáng tạo ra một loài vi khuẩn có khả năng sống mà thôi, cuối cùng mình đã nắm được bí quyết của chúng nhờ nghiên cứu thiết bị làm sạch không khí... Ở đây, người ta dùng côban 60 nên rất rẻ...
    -...?
    - Trên sao Hỏa, tia bức xạ vũ trụ mạnh hơn trên trái đất nhiều, có nghĩa là vi khuẩn trên sao Hỏa chịu phóng xạ giỏi hơn vi khuẩn trên trái đất. Nhưng bọn mình đã không tính đến chuyện đó. Một số vi khuẩn phóng xạ đã sống sót và lọt ra khỏi phòng thí nghiệm. Có lẽ tia phóng xạ đã gây nên hiện tượng đột biến, và vì vậy xuất hiện một giống vi khuẩn hoàn toàn mới, chưa ai ngờ tới...
    - Điều quan trọng nhất hiện nay là có biện pháp nào để tiêu diệt vi khuẩn đó không? - Cả hai chúng tôi cùng ngắt lời Nô-mu-ra.
    - Tiêu diệt hoàn toàn thì khó lắm... - Nô-mu-ra trầm ngâm - Ngay cả vi trùng dịch hạch, loài người đã dầy công nghiên cứu bao nhiêu thế kỷ nay mà vẫn chưa tiêu diệt được nữa là. Mà loại vi khuẩn mới này lại cực kỳ bền vững...
    - Như thế là ta đành chịu bó tay sao? - Tôi thất vọng.
    - Không hẳn như vậy. Để mình còn suy nghĩ. Thật ra, chẳng ai hiểu rõ loại vi khuẩn này bằng mình. Có thể mình sẽ tìm ra một loại giấy chống lại chúng chăng.
    - Cậu hãy bắt tay vào làm việc đó ngay từ phút này đi - Tôi đứng lên tạm biệt Nô-mu-ra - Nếu cậu không thành công, chúng tớ buộc sẽ phải tố cáo cậu trước dân chúng đấy. Rõ rồi chứ?
    Chắc các bạn cũng đoán ra rồi. Nô-mu-ra đã thành công. Anh ta phát minh ra được một dung dịch để tẩm vào bột giấy trước khi xeo, làm cho giấy chống lại vi khuẩn Sylnis mayoris. Lúc đầu tờ giấy tội nghiệp chỉ sống được có 2 giờ, rồi 6 giờ, rồi 3000 giờ. Cuối cùng, vi khuẩn đành chịu thua.
    Ôi, cảm động biết bao khi được cầm trong tay những tờ giấy trắng! Viết! Tôi viết lia lịa. Và bài đầu tiên của tôi là thiên phóng sự các bạn đang đọc, kể lại một thảm họa đã qua.
    Mọi sinh hoạt đã trở lại gần như bình thường. Các bạn cũng nên mừng cho Nô-mu-ra, nhân vật chính trong câu chuyện này. Bây giờ thì nhà bác học trẻ, nhiều tài năng nhưng lại quá ngây thơ của chúng ta, không còn dại dột nữa.
    Anh ấy cũng như chúng ta đã biết cân nhắc và suy nghĩ cẩn thận trước khi bắt tay vào nghiên cứu. Song bài học ấy dù sao cũng phải trả bằng một giá quá đắt.

Kết Thúc (END)
Sakyo Komatsu
» Cái chết của Bikưni
» Lịch Sử Một Tai Họa
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Làm Mẹ
» Bụi Quý
» Bên Bờ Biển
» Đánh Thơ
» Người Thứ 79
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Quà Giáng Sinh
» Trên Đỉnh Non Tản
» Mùa Mắm Còng
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Tuyết
» Đời Khổ
» Hoa Học Trò
» Xuân Phương Shop
» Cô Khịt