Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Di Sản Của Nội Tác Giả: Huỳnh Mẫn Chi    
    Khu vườn đang um tùm, xanh tốt. Anh hai của Liễu đốn phá sạch trơn từ đời nào. Khu vườn chỉ còn là miếng đất trơ trọi. Khi đó, xung quanh, vườn tược của người khác vẫn xum xuê cây trái. Liễu bận rộn ôn thi đại học ngoài thị trấn mấy tháng. Vừa đặt chân về nhà, Liễu đã bật khóc gia sản ông nội để lại có bấy nhiêu đó, anh hai đốn phá làm gì. Anh hai của Liễu lại nằn nặc, anh cho mình hành động như vậy là đúng, sáng suốt. Thế là bỏ lỡ mấy nhánh cam ngoài nắng chang chang, anh hai Liễu đứng sừng sộ với em gái:
    - Thời buổi bây giờ, người ta trồng bưởi Ấn Độ, quýt Trung Quốc, xoài Thái Lan, cam Mỹ… Chứ những thứ này để làm gì?
    Liễu nhìn anh hai mình khá lâu. Cô bất mãn nên bỏ vào nhà. Liễu không thể ngờ khu vườn của ông nội ngày trước giờ chỉ là một khoảng đất trống, lam nham. Phá phách như vậy, anh hai của Liễu lại cho là nâng cấp vườn tượt. Nhìn mấy nhánh cam sành le phe, yếu ớt như sợ nắng, sợ gió, Liễu chán ngán đến khổ sở. Cô không hiểu anh hai mình có ý định làm giàu kiểu gì. Hàng măng cụt trước ngõ, anh chặt đến sát gốc. Mấy cây mít Tố Nữ mọc ven sông, anh cũng không chừa. Anh tưởng mình giỏi giang lắm sao. Xứ sở này là của xoài cát Hòa Lộc nhưng chưa chắc, vườn nhà ai trồng nhiều bằng khu vườn nhà mình. Anh hai quên rồi sao. Ông nội đã trồng trặc cách đây hàng mấy chục năm làm sao anh biết, mà nhớ. Lúc ấy, anh em Liễu chắc gì đã có trên đời này. Chẳng lẽ như vậy, anh hai Liễu tàn sát chúng sạch sẽ, không một chút nương tay sao. Đã vậy, miệng anh hai Liễu lại cứ oang oang với cô em gái:
    - Mày đi học làm gì chứ? Thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa cũng không biết.
    Liễu im lặng. Cô bươn bả lao ra hàng cam Mỹ vừa trồng một vài ngày. Tức tối, giận dữ, Liễu đưa tay nhổ hết nhánh cam lên rồi quay sang nhổ nhánh khác. Anh hai Liễu không hề can ngăn cô em gái. Anh lại nhìn cô em gái mĩm cười nhợt nhạt.
    - Mày cứ nhổ, tao trồng lại mặc tao.
    Liễu dừng tay. Ngoái đầu lại nhìn anh hai, cô bật khóc nghẹn ngào. Anh hai Liễu không nói lời nào. Nhặt từng nhánh cam mà Liễu vừa nhổ lên, anh trồng xuống đất trở lại. Liễu đứng bất động. Giọng nghèn nghẹn không nên lời, nước mắt tuông ướt đẫm đôi má.
    Bà nội Liễu mất sớm. Cha mẹ Liễu lại đông con. Cho nên, Liễu và anh Hai về sinh sống cùng với ông nội. Lúc ấy, anh em Liễu còn nhỏ lắm. Liễu chưa được mười tuổi đầu. Anh anh Liễu khoảng mười hai hay mười ba gì đó. Vậy mà sống với ông nội, Liễu và anh hai lại thích hơn ở với cha mẹ mình. Bởi vì, cha mẹ Liễu sống ở tận ngoài đồng. Còn ông bà nội Liễu, họ lại sống trong khu vườn cây cối ươm bông kết trái quanh năm, bốn mùa. Cho nên, anh em Liễu cứ la cà ngoài vườn suốt ngày. Nhà cha mẹ Liễu lại ở giữa cánh đồng chơi vơi. Ngày này tháng nọ, anh em Liễu bước đến đâu cũng gặp ruộng, cũng gặp đồng. Chưa kể những lúc đồng khô cỏ cháy, anh em Liễu đặt chân bước đến đâu, đất nẻ vây theo đến đó. Những lúc anh em Liễu hớ hênh, chân lọt thỏm xuống đất nẻ, hai đứa chì đứa kéo cả buổi, bàn chân vẫn còn nằm im dưới khe đất nẻ. Vào mùa mưa, chân cẳng anh em Liễu bước đến đâu, bùn xình dính chèn nhẹt đến đó. Liễu cũng không nghĩ sống ở miệt vườn là thiếu mưa, ít thấy nắng.
    Trời đất ở đâu mà chẳng có nắng, có mưa. Nhưng sống ở miệt vườn, Liễu vẫn thấy dễ chịu hơn. Vườn tượt như đã làm giảm cái nắng, cái mưa. Trong khi đó, sống ở đồng, ở ruộng lại chan chát quanh năm. Sống ở vườn, Liễu còn được ăn trái này quả kia suốt ngày. Không những vậy, anh em Liễu còn leo trèo, phá tán triền miên. Anh Liễu hay lùng sục ngày cũng như đêm, ngoài vườn có tổ ong nào, anh ta đốt phá tổ nấy. Chim chóc làm tổ, đẻ chưa kịp nở, anh hai Liễu đã cho vào nồi luộc. Ông nội biết được. Ông gọi anh em Liễu đến rầy la. Liễu ấm ức lắm. Cũng may mỗi chuyện ấy, chứ ông nội Liễu ít khi nào la mắng anh em Liễu. Ngược lại, ông nội hay nhắc nhở chuyện học. Anh em Liễu sống với ông nội, chuyện gì cũng thích. Mỗi chuyện học, anh em Liễu ngao ngán. Bởi vì mỗi khi gặp ông nội, ngoài vườn, trong nhà, trên mâm cơm, ông đều nhắc đi nhắc lại một chuyện, anh em Liễu phải học hành cho đàng hoàng. Anh em Liễu cũng gục gật cho qua chuyện. Nhưng anh em Liễu vẫn chưa một lần dễ dàng trốn thoát. Mỗi lần ông nội nhắc một tiếng, anh em Liễu vừa bày tập vở ra. Ông nội đã ngồi chờ canh cho hai anh em học. Không những vậy, ông còn kiểm tra bài vở anh em Liễu rất gắt gao. Liễu trả bài phải thuộc làu làu. Anh hai làm bài tập phải đúng hoàn toàn rồi mới được đi chơi. Còn không, dù có khuya lơ khuya lắc đến đâu, ông nội vẫn ngồi canh hai anh em Liễu học.
    Ông nội Liễu là một thầy giáo. Xóm làng ai cũng cảm phục ông. Người ta không những kính nể ông nội Liễu về chữ nghĩa, theo cái kiểu "tôn sư trọng đạo" mà còn tôn trọng ông những điều gì hay, nơi ông. Ông trồng mấy giàn trầu xanh tốt. Họ khen ông có tay canh tác. Bà mất, ông vẫn sống vậy. Họ lại khen ông khéo làm gà trống nuôi con rồi đến nuôi cháu. Ông dạy học. Cả xóm lại tôn ông là sư già của làng.
    Mỗi chuyện cũ rích, họ cứ nhắc mãi như thuộc về huyền thoại. Chuyện là trong thời kỳ giặc Pháp đô hộ. Ông nội Liễu đang là thầy giáo hẳn hoi, bỗng dưng, ông xí xô xí xào mấy tiếng với bọn lính Tây. Ngày hôm sau, đầu làng cuối xóm nhìn ông nội Liễu bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Bởi hôm đó, ông đang trên đường ra ấp dạy. Vừa đến đầu ấp, bọn Tây năm bảy thằng, chúng đang đi lùng, khủng bố dân lành. Ông nội Liễu như đoán trước, ông giơ tay chào chúng. Chúng nhìn ông bất ngờ. Nói qua nói lại mấy câu, chúng kéo nhau về. Và kể từ hôm đó, ông nội Liễu trở thành thông dịch viên cho xóm làng một cách bất đắc dĩ. Không những vậy, làng này xóm kia, mỗi khi gặp ông nội Liễu, họ hay kêu réo ông dạy cho vài tiếng Tây. Ông nội Liễu không từ chối. Ông đọc trước, họ đọc theo sau. Vậy mà mỗi khi Tây xuất hiện, những người đó cứ ra đứng lấp ló. Một vài người nói tiếng Tây ba trầy ba trật mà vừa gặp Tây, họ vẫn nói rân trời tối đất. Nhiều thằng Tây tốt bụng, nó lắng nghe một lúc, nhíu mày nhăn nhó rồi dừng lại luyện giọng cho mấy người đó. Nhờ vậy, xóm làng ông nội Liễu sinh sống thời đó, ít người bị bọn Tây bắt bớ vô cớ.
    Đêm hôm đó, mười phút nữa là đến giờ giao thừa. Thế nhưng, Liễu chẳng thấy gì gọi là không khí của ngày Tết. Mặc dù nhà nội Liễu, họ hàng lối xóm cứ ra vào rất đông. Lẽ ra những ngày cận Tết, nhà mình có người thăm viếng nhiều vậy. Liễu phải vui, vì đây là chuyện hiếm thấy. Nhưng Liễu lại có linh cảm không mấy tốt lành. Đã vậy, loài quỷ quái chim Cú ăn đêm cứ bay là đà ở nhà nội Liễu, kêu thất thanh. Mọi người trong nhà nội đang nhỏ to bàn tính chuyện gì đó. Họ nhìn nhau hốt hoảng. Người nào người nấy đều tỏ thái độ lo lắng. Liễu nhìn mọi người khó hiểu. Cô dỏng tai nghe tiếng chim, mỗi lúc một gần. Bất ngờ, Liễu nghe tiếng kêu ấy xuất hiện ngay trên nóc nhà. Tiếng kêu Cú! Cú! Cú… vẳng ra rợn người. Mọi người trong nhà lặng thinh. Một vài tiếng thở dài, buồn bã. Ông nội Liễu nằm thở khó nhọc, mắt hướng về anh em Liễu, trông đợi. Anh em Liễu vội vã tiến đến cạnh ông nội. Nhìn ông, Liễu rưng rưng nước mắt. Ông gầy gò đi quá nhiều. Nằm sát chiếu sát giường, mắt sâu tròng, mặt mày hom hem hẳn đi. Liễu đang nhìn ông nội chăm chú. Bỗng dưng, mọi người vây lấy ông, sợ hãi. Ông vẫn nhìn anh em Liễu như muốn nói điều gì, nhưng rất khó khăn. Da dẻ ông nhạt dần, nhạt dần đến tím ngắt, mắt như đứng tròng, ông thều thào:
    - Thằng Lợi cố mà gìn giữ mảnh vườn này để chút hoa lợi, lo chuyện học hành. Con Liễu thì cái rương sách của ông đó…
    Ai nấy đều nghẹn ngào. Họ bảo ông nội Liễu đã ra đi lúc anh em Liễu đến ngồi bên cạnh. Thật ra, lời trăn trối ấy là của vong hồn, chứ thể xác đã chết từ lâu. Vì vậy, anh em Liễu phải nhớ lời của ông. Liễu bật khóc. Người ta kéo anh em Liễu sang một bên. Họ buộc hai ngón chân cái ông lại. Liễu chưa kịp nhìn mặt ông nội lần cuối, họ đã đắp kín mặt ông nội bằng chiếc mùi xoa trắng tinh, như bông.
    Năm đó, Liễu mới bước sang lớp chín. Anh hai Liễu thì đã học đến lớp mười hai. Và từ hôm đó, anh em Liễu vẫn sinh sống trong căn nhà của nội. Cha mẹ Liễu thỉnh thoảng vẫn tới lui căn nhà ấy. Nhưng chỉ để nhắc nhở, sai bảo, mỗi khi cần đến anh em Liễu. Không phải không thương con, cha mẹ nào chẳng thương con mến cái. Có lẽ, cha mẹ Liễu ít gần gũi với con cái lâu ngày trở thành thói quen. Và cứ thế, mạnh ai nấy sống, chuyện ai nấy làm. Cha mẹ Liễu lo chuyện đồng án. Anh em Liễu lo chuyện vườn tược, học hành. Dần dà về sau, anh em Liễu trưởng thành. Tình cảm đối với cha mẹ, anh em Liễu luôn luôn thấy là trống vắng.
    Liễu học xong năm thứ ba đại học. Một hôm cô về thăm nhà, từ xa, Liễu thấy mọi người vây kín lấy căn nhà mình. Liễu vội vã chạy vào. Ngôi nhà cô từng sinh sống đã biến dạng. Mái ngói đã được xếp ngay hàng thẳng tắp ở lối ra vào nhà. Liễu đứng lớ ngớ. Cô nhìn căn nhà trống trơ, chỉ còn cái sườn trơ trọi dưới nắng, nước mắt chưa chan. Liễu loay hoay, dáo dác nhìn mọi người. Cô dõi mắt tìm kiếm anh Hai. Một tiếng ầm vang lên long trời lở đất. Liễu gần như muốn ngất cùng với căn nhà ngói ba gian đã sập mẹp nhúm, nằm ngổn ngang dưới đất. Vậy mà, tiếng vỗ tay, tiếng cười nói, tiếng vui mừng… lại vang lên rầm rộ. Liễu bật khóc. Cô khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc. Con gái mười tám hai mươi tuổi đầu, Liễu khóc như trẻ con. Cô ngồi chèm bẹp xuống đất, giọng cứ gào cứ thét. Nội ơi! Nội hỡi! Anh hai Liễu đang lui cui dọn đống cây vụn, thấy vậy, liền bận rật chạy đến bên Liễu, giọng hằn học:
    - Tao xây nhà mới. Chưa gì, mày về đây tru tréo, định trù ẻo tao hả?
    Liễu vẫn khóc. Không những khóc, cô còn gào to hơn nữa. Những người đang phụ anh hai Liễu giở nhà. Họ nhìn Liễu khó hiểu. Anh hai Liễu tức tối đến tím mặt bầm môi. Với sức khỏe như anh hai Liễu, cộng với cái bực tức này, chỉ một phát là Liễu tắt thở ngay. Chuyện xây nhà sửa cửa, đàn bà con gái giúp được gì mà về đây, la với lối. Nhưng anh hai Liễu còn kịp nghĩ, em mình là phận gái. Chứ mà vai u thịt bắp, anh ta đã hơn thua nó từ lâu rồi. Cho nên, anh hai Liễu cứ đi tới đi lui, bứt đầu bứt cổ. Cuối cùng, anh hai nhìn mọi người hô hoán lên:
    - Cái rương! Cái rương của nó đâu…
    Liễu đang khóc rỉ rả. Mọi người nhắc đến cái rương, cô giật mình đứng lên. Nét mặt hất hãi, Liễu đi tìm cái rương. Bốn năm năm rồi, từ khi ông nội mất đến giờ, Liễu chưa một lần mở ra xem. Liễu muốn nhìn thấy vật gì trong đó. Những gì của ông nội để lại mong muốn mọi người phải giữ gìn. Chẳng mấy chốc, mọi người khiêng cái rương gỗ cũ kỹ đã bị mối mọt gặm đến đặt trước mặt Liễu. Anh anh Liễu tươi cười:
    - Tao biết lắm mà! Vàng bạc châu báu gì đó, mày cứ cất đi.
    Ngồi bên gia sản ông nội để lại, chiếc rương gỗ như đã mọc đầy nấm đầy mốc. Liễu không để ý đến anh hai. Cô muốn quên tất cả. Chuyện anh hai phá bỏ căn nhà mà ông nội từng gầy dựng, để xây nhà mới, Liễu cũng không muốn nghĩ ngợi nữa. Liễu chỉ bất ngờ khi mở rương ra. Chiếc rương này đối với Liễu, nó đã là vô giá. Nó giá trị hơn cả căn nhà mới, anh hai đang xây. Dù chiếc rương không chứa vàng bạc, nhưng nó lại chứa đầy sách vở. Quyển sách nào cũng dày cộm, to tướng. Bụi bặm bám đầy, sách lẫn vở, quyển nào quyển nấy vẫn còn mới tinh. Riêng những quyển sổ tay, những quyển tập ghi chép bằng bút mực, vẫn còn đậm nét. Liễu xem thoáng qua. Cô sắp xếp chúng lại, bỏ vào rương ngăn nắp, rồi khệ nệ mang đi.
    Quay lại thành phố, vừa học, Liễu vừa đọc sách, đọc nhật ký của ông nội in trên từng trang giấy. Từng nét chữ của ông nội để lại, Liễu đọc đến đâu lòng dạ đau xé đến đó. Những ngày tháng sống với ông nội Liễu đã bắt gặp. Nó vẫn nằm trong những trang nhật ký của ông. Cô như được sống những ngày có ông nội bên cạnh.
    Hình ảnh ông Hai hiên ngang hiện lên trên từng trang nhật ký của ông. Liễu say sưa đọc. Cô như đắm chìm vào những chiến công oanh liệt của ông Hai. Đọc đến đoạn ông Hai chỉ huy đánh thắng trận cây Bàng, Liễu thét lên vì mừng, vì sung sướng. Liễu thấy ông Hai sao mà hùng dũng, sừng sững và lồng lộng trước giặc ngoại xâm đến thế.
    Ông Hai như thế nào, Liễu không hình dung được. Liễu chỉ biết ông Hai là anh ruột của ông nội. Bà cố sinh chỉ hai người con: ông Hai và ông nội. Ông Hai tham gia kháng chiến rất sớm. Ngay từ bé, ông Hai đã vào chiến khu với công việc của một cậu bé giao liên, rải truyền đơn… Khi trưởng thành, ông Hai đã tham gia chỉ huy đánh nhiều trận lớn ở xã. Tất nhiên, ông Hai chỉ huy trận nào là thắng trận nấy. Theo ông nội kể, ông Hai rất có tài. Ông Hai biết làm thơ, viết nhạc và hát rất hay… Nói chung, những năng khiếu ấy của ông Hai cũng đủ tác động và kêu gọi tinh thần yêu nước của người dân trong làng.
    Đọc xong quyển nhật ký này, Liễu đọc đến quyển nhật ký khác. Quyển nào nhật ký của nội Liễu cũng thấy hình ảnh ông Hai trong đó. Ngay cả, khi đọc đến quyển tập học trò, Liễu mới thấy ông nội viết rất rõ, rất chi tiết về ông Hai. Liễu lại xúc động. Một quyển nhật ký mà trước đây, Liễu không muốn đọc, do nó đã nhàu nát. Khi đã đọc, mắt Liễu lại cay xé. Những giọt nước mắt long lanh, nó như đã làm lờ mờ câu chữ. Đọc đến đâu, Liễu đều có cảm giác ông nội cô đã hiện về. Ông kể cho Liễu nghe những câu chuyện của thời chiến tranh. Bởi vì, ông nội Liễu viết về ông Hai rất hay. Những câu chuyện dí dỏm đến ngộ nghĩnh, chất chứa bao tình cảm, bao nỗi buồn. Đặc biệt nỗi lòng của ông đối với ông Hai.
    Ông kể về tuổi thơ của đời mình. Những tháng ngày cơ cực của một cậu học trò hiếu học. Thời ông nội Liễu đi học, làm gì có trường lớp ở xã ở huyện, may là một vài lớp dạy biết đọc chữ, biết viết chữ trong các ngôi đình của làng. Còn muốn học cao hơn nữa, thời đó trường của Tây ở tận ngoài tỉnh. Thế là vì mê học, ông Liễu ra tỉnh học cùng với con cháu của Tây. Trong khi đó, gia đình rất nghèo. Trường học lại xa xôi, cách nhà đến mười lăm mười bảy cây số đường đồng, lẫn đường rừng. Người giàu đi học bằng xe ngựa. Họ trò nghèo như ông nội Liễu phải đi bộ quanh năm, suốt tháng. Vậy mà, ông nội Liễu lại đi bộ rất khỏe. Bốn giờ sáng, ông đã khởi hành. Bảy giờ tối, ông mới về đến nhà. Một vài người trong xóm nhìn ông nội Liễu ngạc nhiên. Họ chặn đường ông nội Liễu lại, nói lằng nhằng:
    - Thằng này có công mài sỏi, chắc có ngày, mày lượm kim cương quá!
    Ông nội Liễu nghe xong, thản nhiên bỏ đi. Mặc kệ, ông nội Liễu là vậy, ai nói gì cứ nói. Ông nội Liễu vẫn đi học đều đều. Nhưng có ngày, ông nội Liễu đi học lại về rất sớm, chòm xóm nhìn ông lại thắc mắc. Ông nội Liễu không giải thích. Bởi vì những ngày đó, ông nội Liễu có đi bộ đâu mà về trễ. Xe ngựa của mấy người bạn chạy đằng trước.
    Ông nội Liễu cắm đầu cắm cổ chạy đua theo ngựa đằng sau. Chạy mãi nên ghiền, ông thấy như đã thành thói quen. Cho nên, mỗi khi tan trường, ông nội Liễu thường xuyên chạy bộ về nhà nhiều hơn là đi bộ. Thế nhưng cuộc sống, công việc, mọi thứ đâu như mình tưởng. Ông nội Liễu cũng vậy. Ngon trớn được một thời gian, ông cứ ngỡ mình chạy đua với ngựa suôn sẻ, năm này sang tháng nọ. Có ngờ đâu, một hôm ông đang cặm cụi chạy theo con ngựa cứ lao lộc cộc về phía trước. Bỗng nhiên, con ngựa nổi chứng. Nó dừng lại bất tử. Ông té nhào vào xe, mình mẩy trầy sướt, máu chảy ướt linh láng áo quần. Những lần té nặng, đám bạn chở ông vào nhà thương. Đôi lúc, ông phải nằm trong nhà thương điều trị mấy ngày vết thương mới lành. Nhưng chứng nào tật nấy, quắt quảy mấy ngày, ông nội Liễu lại chạy đua tiếp với ngựa. Dù gì có kinh nghiệm vẫn hơn, ông nội Liễu té đến độ lã hết hai đầu gối, còn gì phải sợ. Nhưng ông vẫn té, vẫn vào nhà thương chữa trị và vẫn chạy đua với ngựa. Cho đến một ngày, ông thành thầy giáo.
    Đọc đến đoạn nhật ký này, Liễu đã nhìn nhận nguyên nhân vì sao ông nội mình có nghị lực như vậy, đó là khí phách từ ông Hai. Bởi vì, từ những dòng đầu tiên cho đến trang cuối cùng trong nhật ký, ông nội Liễu luôn nhắc đến ông Hai. Liễu có cảm giác là tính cách, số phận, con người của ông Hai như đã thấm sâu vào lòng ông nội, qua nỗi căm thù giặc. Vì không chỉ ghi chép lại những chiến công hào hùng, nghĩa khí gan dạ, bất khuất kiên trung của anh mình, ông nội Liễu còn ghi chép lại những vần thơ réo rắt tận tâm can người đọc của ông Hai. Liễu lầm bầm. Cô cố gắng thuộc ngay những bài của ông Hai. Liễu như tự trách mình, ông Hai có nhiều bài thơ hay như thế này. Vậy mà trước đây, cô không hề hay biết.
    Liễu đem câu chuyện này kể cho anh hai nghe. Anh hai Liễu cứ dõi mắt nhìn vườn cam. Liễu hiểu anh hai cũng đang tâm trạng như mình. Cô cứ say sưa kể lể, rủ rỉ. Kể xong quyển nhật ký mà ông nội đã viết về ông Hai, Liễu quay sang anh hai:
    - Anh hai thấy ông nội mình hay chưa? Viết nhật ký như viết truyện lịch sử vậy?
    Anh hai Liễu, mắt vẫn không rời khỏi vườn cam, miệng tươi cười:
    - Tao chính là con cháu nội của ông Hai và của ông nội. Khu vườn tạp ngày nào, tao đã biến thành khu vườn "công nghiệp" đầy giá trị rồi.
    Liễu ngẩng mặt nhìn ra khu vườn, mỉm cười. Khu vườn cằn cỗi ngày nào, Liễu không ngờ, anh hai đã chăm chút và biến chúng trở thành nguồn kinh tế hàng tỉ bạc.
    Từ đó, Liễu thường đem những câu chuyện trong nhật ký của nội kể anh hai nghe. Câu chuyện nào cũng gắn liền với hình ảnh ông Hai trong chiến tranh. Về sau, anh hai Liễu thường thấy cô em gái ngồi đâu, cặm cụi ghi chép đó. Tất cả nhật ký ông nội để lại trong rương, Liễu chép nắn nót đưa vào quyển nhật ký mới. Thỉnh thoảng, Liễu đem ra đọc. Liễu đọc tới đọc lui đến thuộc lòng. Cô đã nắm rõ từng câu văn, dấu chấm, dấu phẩy trong mỗi trang nhật ký của ông nội.
    Giờ đây, Liễu đã trở thành một nhà văn, khá tên tuổi. Người đời hay khen Liễu giỏi giang, tài hoa. Độc giả thường xuyên gửi thư đến chia sẻ, cổ vũ. Bạn bè mỗi lúc một đông, một nhiều. Vậy mà, Liễu vẫn cứ ngậm ngùi mỗi khi nhớ đến ông nội. Liễu nghĩ. Những người đó, họ làm sao hiểu được. Truyện ngắn đầu tiên, tác phẩm đầu tay, danh tiếng hôm nay… Tất cả những thứ ấy, Liễu có được là nhờ từ trang nhật ký của ông nội.
    Và bây giờ, Liễu đã hiểu. Ông nội mất đi. Tài sản ông để lại cho hai đứa cháu qua nhịp thở cuối cùng, như một lời trăn trối. Vì sao, anh hai Liễu được thừa hưởng mảnh vườn, cây trái đang xum xuê, trĩu nặng. Liễu lại là chiếc rương gỗ mục nát, nhưng trong đó lại chất chứa hàng ngàn dòng nhật ký về cha ông ta một thời đã giữ nước và bảo vệ đất nước…/.
    

Kết Thúc (END)
Huỳnh Mẫn Chi
» Bình Minh Nửa Đêm
» Đôi Bông Cưới
» Di Sản Của Nội
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Đời Như Ý
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Đánh Thơ
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Quà Giáng Sinh
» Mùa Mắm Còng
» Tuyết
» Đời Khổ
» Cho Anh Yêu Em Cả Đời Này Nhé! Xin Em
» Người Dưng Làm Má
» Hoa Học Trò